Phố Chả Cá ở Hà Nội nằm giữa phố hàng Mã ở phía Bắc và đường Lãn Ông ở phía Nam. Phố này chạy hướng Bắc Nam nối theo phố hàng Lược và có tên cũ là phố hàng Sơn. Tên phố được chính thức hóa năm 1975.
Tại đây, hơn một trăm năm trước phát sinh ra chả cá. Theo ông Tô Hoài thì người khởi xướng là một ông họ Đoàn ở nhà số 14. Tiệm ăn được gọi là tiệm chả cá Lã Vọng, vì trước cửa tiệm có bầy tượng ông Lã Vọng xách cần câu và một xâu cá.
Vậy ông Lã Vọng là ai?
Những người thuộc sử Trung quốc thì bíết đây là tên của Khương Thượng tự Tử Nha. Ông này già quá 70 mà còn ngồi câu cá bên sông Vị chờ thời. Tây Bá Cơ Xương rước về phong làm Thừa Tướng, nhờ đó Khương Thượng mới phò Cơ Xương diệt Trụ gây dựng nên nhà Chu.
Thời nay chỉ có các tu-bíp ra phòng mạch ngồi câu cá! Mà cá đây là cá hai chân!
Ấm trà vẽ tích Khương Thượng ngồi câu cá bên sông Vị
3
Cá lăng và cá lăng chấm.
Tội nghiệp ông Lã Vọng, thời đó câu được cá chắc ông chỉ biết đem kho hay nấu canh, bảo đảm chưa biết làm chả cá! Con cháu ông ngày nay cũng không hẩu món này. Cái bọn Nam di chúng nó phạm thượng đem ông ra ngồi canh cửa ngày ngày phải hít mùi cá nướng thơm lừng mà không được xực, thật là trớ trêu!
Khởi đầu người ta dùng cá lăng hay lăng chấm là loại cá da trơn họ Bagridae tương tự cá trê thịt mềm ít xương dăm thường sống ở sông Lô hay sông Đà.
Cầu kỳ hơn thì dùng cá Anh vũ thuộc họ cá chép Cyprinidae thường bắt được ở sông Hồng, sông Kỳ Cùng và sông Lam. Cá này thời xưa đem tiến Vua.
Cá Anh Vũ
Sang Bắc Mỹ, các bà nội trợ Việt biến chế ngay, ngoài cá trê (Catfish) họ còn dùng cá rô phi (Talapia) và một số loại cá thu (cods) hay halibut hay haddock hay monk fish (loup de mer).
Những lườn cá đã được nhặt sạch xương đem cắt thành những miếng nhỏ con cờ chừng 2—3 cm, rồi đem bóp và ướp với mẻ (hay yogurt), nghệ riềng hành tỏi và nêm nếm muối tiêu cho vừa khẩu vị.
Codfish Monkfish
Sau đó, người ta kẹp những miếng cá vào vỉ sắt hay thanh tre già hoặc xiên vào que tre vót nhọn rồi đem nướng. Ở Việt Nam thì nướng trên lò than, còn sang Bắc Mỹ thì nướng lò điện.
Nướng độ 5—6 phút cho vàng cả hai mặt miếng cá. Gỡ từng miếng cá đặt vào chảo đã để sẵn trên lò, rồi rưới nước mỡ hay dầu đã đun sôi.Phải ăn ngay lúc còn nóng thì miếng cá mới dẻo (moist)và mềm, nếu để nguội thì cá sẽ khô và cứng.
Ăn chả cá, nhất là về mùa đông, ngồi xum họp với gia đình và bè bạn bên lò than hồng nướng chả thì không còn gì thú vị hơn! Nếu lại còn được nhấm nháp vài ly Cognac Martel Cordon Bleu hay các loại Cognac XO thì thật như đang ngồi trên Thiên đàng!
Tôi cũng đã từng nhắm món này với Champagne Veuve Clicquot để thật lạnh, sau khi ăn xong làm vài ba ly Cognac, đây cũng là một lối nhậu thần sầu!
Những ngày nóng nực thì nên dùng bia (beer, bière) lạnh, cũng khoái khẩu lắm.
Các món ăn kèm gồm có thìa là (dill ), hành ta (spring onion), hai thứ rau này bắt buộc phải có và được xắt từng khúc nhỏ dài 3—4 cm. Điểm thêm vài cọng ngò và húng. Ngoài ra cần có thêm lạc (đậu phọng) rang, bánh đa nướng và bún rối.
Nước chấm đúng điệu là mắm tôm.Đây phải là thứ mắm ngon ít mặn muối, không sạn. Người ta pha chế bằng cách đổ độ hai muỗng xúp rượu đế hay Cognac vào lưng bát mắm tôm, một nhúm đường, rồi vắt thật nhiều chanh xanh đánh cho mắm sủi bọt trắng là được.Nếu điểm thêm giọt cà cuống thì đúng điệu bà lang trọc!
Muốn ăn cay thì ớt trái tươi để ngoài, không trộn vào mắm.
Nếu không ăn được mắm tôm thì dùng nước mắm pha chanh đường tỏi ớt.
Ông Nguyễn Tuân và ông Tô Hoài có viết về chả cá.
Ta hãy đọc Tô Hoài viết về cách ăn chả cá trong cuốn Chuyện Cũ Hà Nội :
“Chả và mỡ rưới ở bếp đã bưng lên. Mỗi người vài gắp, chục gắp, sắp hết lại gọi, không ăn chả để nguội.Hình như cả người bưng chả và nước mỡ đưa lên đều bước gấp gấp, lại còn rưới ngay tại bàn ăn lớp mỡ nữa. Bây giờ, trưng mỡ trên hỏa lò ngay đầu bàn cho được thật nóng. Nước mỡ xèo xèo nổi bọt đã được phả đẫm vào bát rau thìa là đặt cạnh gắp chả đương được tuốt ra bốc khói thơm ngậy. Rồi rau thìa là, mỡ nóng lót bát trộn lên với bún, những miếng chả cá được chấm mắm tôm, thêm vài củ lạc rang lùa vào mồm”, đủng đỉnh nhai nuốt, sau đó tợp môt ngụm rượu, thật là sảng khoái.Hiện nay, người ta dùng dầu ô liu thay mỡ, tuy kém ngon nhưng hợp với sức khỏe hơn!
Xin qúy bạn đừng lộn chả cá Lã Vọng của dân Bắc kỳ với món chả cá của người miền Nam. Đồng bào Sài Gòn và vùng đồng bằng Cửu Long dùng cá thát lát hay phác lác đem giã nhuyễn ra thành một loại paste rồi đem chiên. Món này ăn với cơm, cũng tạm được nhưng không có gì đặc sắc. Cả thát lát sống ở hồ Lắk thuộc Đắk Lắk (có tỉnh lỵ là Ban Mê Thuột).
Chả cá Lã Vọng là một món ăn quốc hồn quốc túy giống như phở, rất được dân ngoại quốc ưa chuộng. Bà Patricia Schultz một nhà báo Huê Kỳ danh tiếng đã đưa nhà hàng Chả cá Lã Vọng ở Hà Nội vào cuốn sách 1000 Places to See before You Die. Năm 2003, MSNBC đã xếp nhà hàng này vào hàng thứ 5 trong 10 nơi phải viếng xem trên thế giới.
Tránh không nên dùng những loại cá có nhiều xương dăm.Cố chọn cá tươi, nhưng ở Bắc Mỹ thường thường phải dùng cá đông lạnh.
Nếu không có thìa là thì đừng ăn chả cá, đem cá đi kho hay chiên hay nấu canh chua còn thú vị hơn.
Điều tối kị là chiên cá bỏ lò chờ khách đến mang ra đãi, khách được nhai mấy miếng cá vừa khô vừa cứng muốn gẫy răng, thật uổng công uổng của. Có tiệm Việt Nam ở Toronto bán chả cá làm theo kiểu fish and chips, cá chiên tẩm bột, mấy đứa cháu mời tôi đi ăn. Thấy chúng nó bị lừa trắng trợn, tôi muốn kêu chủ nhà hàng ra ăn thua đủ một phen cho đỡ tức!
Chả cá Lã Vọng là một món ăn ngon và bổ đáng được chúng ta bảo vệ để gìn giữ kho tàng ẩm thực quư báu và phong phú của dân Việt.
Tôn Kàn 2013