Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Du Tử Lê
Nguồn trích dẫn
Tôi không biết Phạm Anh Dũng sáng tác ca khúc từ bao giờ, lúc nào? Nhưng, theo ghi nhận của riêng tôi thì, cùng với sự định hình và, lớn mạnh của tập thể Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, ở lãnh vực nghệ thuật, những ca khúc của họ Phạm là một đóng góp phóng phú, liên lủy, có dễ cũng nhiều chục năm qua.
Tôi muốn gọi ông là một trong những nhạc sĩ miệt mài trên lộ trình đuổi bắt giai điệu. Phải chăng vì thế mà tính đến hôm nay, họ Phạm đã có trên dưới 300 ca khúc ở tất cả mọi thể loại. Từ những cảm xúc chới với, bập bềnh khi bị bứng khỏi cội gốc đất nước do biến cố tháng 4-1975, Phạm Anh Dũng đã có loạt sáng tác về tâm cảnh tỵ nạn, những năm tháng đầu tiên ở quê người - - Tới những day dứt hoài niệm về một quê hương bên kia biển…
Với thời gian, Phạm Anh Dũng quay trở lại với đề tài tình yêu, một thể tài muôn thuở của nhân loại. Tôi cho là một thiếu sót đáng kể, nếu không ghi nhận rằng, ông cũng là một trong những nhạc sĩ không ngừng tìm đến với thi ca. Như thể, thi ca với âm nhạc của Phạm Anh Dũng là một hôn phối rực rỡ, đằm thắm nhất mà, một hôn phối tốt đẹp có thể có được.
Theo trang nhà của nhạc sĩ Trần Quang Hải thì nhạc sĩ Phạm Anh Dũng đã phổ nhạc thơ của rất nhiều nhà thơ. Điển hình như thơ Đinh Tuấn, Phạm Thế Trường, Nguyên Sa, Đinh Hùng, Phạm Ngọc, Vương Ngọc Long, Trần Ngọc, Hoàng Xuân Sơn, Trường Đinh, Y Dịch, Bích Huyền, Đình Nguyên, Cung Vũ, Trần Mộng Tú, Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm, BH, Thơ Thơ, Hồng Khắc Kim Mai v.v…
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn của nhà báo Việt Hải, Phạm Anh Dũng cho biết, lý do ông tìm đến với âm nhạc, đơn giản chỉ vì ông thích âm nhạc từ thuở nhỏ “…và đến nay vẫn còn thích,” mặc dù nghề nghiệp chuyên môn của ông thuộc lãnh vực y khoa.
Năm 1991, khi cho in tập nhạc “Tình Khúc Hồi Hương” gồm 12 tình khúc - - Trong số đó có 6 bài phổ từ thơ của các nhà thơ trong gia đình y khoa như Đinh Tuấn, Phạm Thế Trường… Ở phần lời Tựa, cố nhạc sĩ Phạm Duy viết:
“Đã lâu lắm rồi, tình khúc Việt Nam không còn lãng mạn như thời tiền chiến, nghĩa là từ khi tân nhạc vừa mới khai sinh, khi cuộc đời còn quá nhiều thi vị để vừa thấy ‘Bóng ai qua thềm’ (Văn Chung) thì tâm hồn anh vội vàng đi ‘Tìm em’ (Dương Thiệu Tước)…
“12 tình khúc của Phạm Anh Dũng, phần nhiều là thơ phổ nhạc, ra đời vào thập niên 1990 này, cho tôi cảm tưởng có sự quay về với nhạc tình cảm lãng mạn quý báu sau đúng nửa thế kỷ lạc loài…
“Nhạc điệu của những tình khúc trở về nguồn ân ái xưa này cũng đi theo với thơ, nghĩa là cũng giản dị , không cầu kỳ nhưng nhạy cảm…”
Tôi thấy, điều cần nói thêm ở trường hợp Phạm Anh Dũng là, dù cho một bài thơ đã được soạn thành ca khúc bởi một nhạc sĩ nào đó; nhưng khi cuồng lưu cảm xúc trong ông dâng lên tới một độ cao nào đó thì, ông vẫn nhập vào bài thơ. Để tự đó, ông cho bài thơ một chiếc áo, một nhan sắc khác. Chiếc áo, nhan sắc mới ấy, mang tên Phạm Anh Dũng.
Sau tuyển tập nhạc “Tình Khúc Hồi Hương,” những người yêu nhạc Phạm Anh Dũng lại ghi nhận thêm rằng, lần lượt trên dưới 10 đĩa nhạc của họ Phạm, cũng đã được ông gửi tới giới thưởng ngoạn… Mà, những CD được nhiều người yêu thích nhất, có thể kể như “Đưa người về Phương đông, ” “Tình bỗng khói sương,” “Đường về,” “Dạ Quỳnh Hương” v.v…
Khi đề cập tới CD “Đường về” của Phạm Anh Dũng với tiếng hát Xuân Thanh (XT) trong một bài viết hiện có trên Wikipedia (bản Việt ngữ) tác giả Lê Hoàng Thanh viết:
“…Nhạc phẩm kế tiếp “Chia Tay” tự nó đã nói lên nỗi ưu tư của tác giả và người ca sĩ. Phải chăng XT muốn mượn bản nhạc này để diễn tả tâm trạng khi rời quê mẹ, ra đi mà chưa biết rồi sẽ như thế nào … hay cũng có thể muốn nhắc lại mối tình (nào đó) tuy rất gần gũi nhưng đã vội cao bay? Chỉ có tác giả bài thơ (và có thể người ca sĩ) mới hiểu rõ nỗi lòng của mình. Tuy nhiên qua những lời thơ rất nồng nàn trữ tình sau đây đủ cho chúng ta thấy một hình ảnh đau buồn, bùi ngùi cũng như đong đầy nhung nhớ lúc chia tay, nỗi nhớ ngây ngất hương thơm của người yêu:
“Chia tay một giọt lệ thầm
“Một bình minh vỡ một trăm năm về
“Chia tay một sợi tóc thề
“Trong chăn chiếu cũ còn mê hơi người…
(Chia tay)
…”
Ở một đoạn khác, trong bài viết của mình, tác giả Lê Thanh Hoàng ghi lại một nhận định của giáo sư tiến sĩ Lê Mộng Nguyên như sau:
“… Khi nghe ca sĩ Xuân Thanh trình diễn bài “Nhớ Sài Gòn” do bác sĩ kiêm nhạc sĩ Phạm anh Dũng sáng tác, Giáo sư Tiến sĩ Nhạc Lê Mộng Nguyên đã bình như sau: ‘Cám ơn Ns/Bs Phạm anh Dũng! Nhạc hay, lời hay và giọng ca Xuân Thanh làm nổi bật nỗi buồn xa xứ của chúng ta khi nhớ lại Sài Gòn. Sài Gòn mất cũng như một linh hồn của chúng ta đã mất!’… ”
Là “tình nhân” của thi ca, và cũng là người làm thơ, nên trong ca từ của Phạm Anh Dũng, người đọc dễ dàng bắt gặp nhiều hình ảnh đậm đặc thi tính. Thí dụ:
“Này Sài Gòn yêu thương
Hãy còn đây vấn vương
Nhớ bờ sông nước êm
Ghế đá chốn công viên ....
“Và còn nhiều tiếc nhớ
thoáng về trong giấc mơ
Khu đại học hoang phế
Mong ngày đó anh về ...
“Ước đến bao giờ gặp lại người mơ
Đem theo vần thơ lên bờ sông đó
Đêm khuya nghe từng cơn gió
Nơi xa ánh mắt trông chờ
Sài Gòn yêu dấu ngàn năm…”
(Phạm Anh Dũng, trích “Nhớ Saigon”)..
Với tôi, dù ca khúc của Phạm Anh Dũng là một hôn phối tốt đẹp giữa thi ca của các nhà thơ và giai điệu của chính ông - - Hay, ca khúc được làm thành bởi máu, thịt của riêng Phạm Anh Dũng thì, tình khúc của ông, vẫn có được cho riêng nó những bâng khuâng, xao xuyến. Những thiết tha, rung động, đi ra từ trái tim mẫn cảm này.
Du Tử Lê
(Jan. 2013)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013