Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Loading
M¶t Ngày Trong ñ©i SÓng Cûa M¶t
Khảo sát một thí sinh thi EFMB

Khảo sát một thí sinh thi EFMB

Quân Y Tập trận, có sĩ quan QY Đức quan sát

Quân Y Tập trận, có sĩ quan QY Đức quan sát

Quân Y Thiết giáp tập trận

Quân Y Thiết giáp tập trận

(Ký ức thời điểm cuối năm 1990 khi phục vụ ở Sư Đoàn 1 Thiết giáp đóng ở Ansbach, West Germany)

Y sĩ Trưởng Sư đoàn Hoa kỳ được gọi là Division Surgeon. Gọi là Surgeon nhưng không bắt buộc y sĩ phải là chuyên khoa giải phẫu mới đươc làm Y sĩ Trưởng Sư đoàn. Sở dĩ gọi là Surgeon vì xưa kia quân đội vì nhu cầu y khoa chiến trường phần đông là vết thương do kiếm hay cung tên cần giải phẩu nên quân đội dùng các nhân viên y tế mổ xẻ cấp cứu. Chúng tôi đọc đâu đó thời xa xưa chưa có Flexner report các lang tây biết cắt mổ (như barber cạo râu!) là được tuyển mộ làm quân y sĩ. Chữ Surgeon sau đó được dính liền với danh hiệu của các y sĩ chính quyền  (Cũng như là khi đọc trên bao thuốc lá The Surgeon General căn dặn không nên hút thuốc, ông ta không bắt buộc phải là surgeon  nhưng vì đó là chức vụ của vị Bác sỉ cao cấp nhất của Bộ Y tế Hoa kỳ: hiện nay thời TT Obama là một bà Regina Benjamin, Hải quân Phó đô đốc, bác sĩ gia đình người da đen)

Thường thường Y sĩ Trưởng Sư đoàn cấp bậc là Trung tá (Lieutenant-Colonel hay viết tắt là LTC) cho dễ làm việc với các sỉ quan trong bộ Tham mưu (phần đông ít nhất là Trung tá) của Tướng Sư đoàn Trưởng (thường là Major General, hai sao) nhất là phải đụng độ với các Đại tá Trung đoàn Trưởng (Colonel, viết tắt là COL, Brigade Commander) rất oai phong vì quyền hành to lớn.

Sáu giờ sáng chuông đồng hồ báo thức reo làm N. giật mình tỉnh dậy. Sau khi hoàn tất vệ sinh cá nhân, cùng ăn lót dạ, N. mặc bộ đồ trận rằn ri BDU (Battle Dress Uniform) sửa soạn đi làm. Bộ BDU này là một dilemma trong  đời sống quân ngũ Mỹ. Điều lệ quân đội Mỹ cấm hồ cứng bộ BDU vì nó sẽ làm mất chất chống hóa học nhưng  nếu không hồ cứng thì mặc sẽ nhăn nheo, nhất là ở các góc áo quần vì như  vậy mất nghiêm trang thể thống quân phục!

N. làm ở bộ chỉ huy sư đoàn thiết giáp đóng ngay tại trung tâm thành phố. Nhà N. ở rất gần chỗ làm việc, chỉ độ một dặm thành ra nhiều lúc N. khoe khoang là chưa bao giờ được đi làm gần quá vậy! Chiều khi về nhà N. thay quần áo mặc bộ áo quần jogging và chạy lại sở rồi lại chạy trở về nhà, như thế đủ hai dặm chạy mà tất cả các lính Mỹ kể cả sĩ quan hay tướng phải thực hành mỗi sáu tháng. Thời gian chạy hai dặm tùy theo tuổi, lính trẻ thì thời gian ngắn hơn. PT (Physical Training) test gồm có chạy hai dặm, hai phút hít đất (push up) và hai phút co bụng (sit up). Số hít đất và co bụng cũng tùy theo tuổi, lính trẻ phải thực hành nhiều hơn.

Tới bàn làm việc, việc đầu tiên N. làm là liếc mắt ngay vào tin tức khai báo của Quân Cảnh ngày/đêm qua (xem có lính quân y nào bị bắt vì vi phạm quân luật nào đó). Sau đó N. gọi Trung úy B. sĩ quan phụ tá hành quân vào báo cáo sự tình ngày hôm qua và chương trình hiện tại lẫn các ngày sắp tới. Sau khi giải quyết các việc lặt vặt, N. thanh toán đống hồ sơ giấy tờ trong in-box và đưa chồng hồ sơ cho cô hạ sĩ thư ký đánh máy.

Khoảng thời gian này là đúng lúc các y sĩ trưởng trung đoàn phải thay đổi. Sư đoàn của N. có bốn y sĩ trưởng trung đoàn, một y sĩ của pháo binh sư đoàn (cấp số tương đương với một lữ đoàn) và một y sĩ thần kinh tâm trí. Thường thường các y sĩ đơn vị tác chiến phải phục vụ hai năm mới được thuyên chuyển đi đơn vị khác. Năm nay, N. mất bốn y sĩ phải đổi đi nơi khác. Đó là một chuyện nhức đầu cho N. vì khi thay đổi các y sĩ lúc mùa hè thì thường thường các trung đoàn sẽ mất ít nhất là hai tháng mà không có y sĩ. Chỉ vì các y sĩ này phải xong internship nghĩa là đến cuối tháng 6 mới xong. Sau đó các y sĩ tò te này lại mất một thời gian đi nghỉ thường niên cộng với thời gian orientation(định hướng) và làm thủ tục nhận đơn vị mới. Đã thế các y sĩ khi dời khỏi đơn vị thường hay được chấp nhận vào residency nên N. phải thả họ ra lúc đầu tháng 7. Lúc đó là lúc các Đại tá trung đoàn trưởng nhao nhao xin giúp đỡ vì họ không có y sĩ  khám bịnh cho quân lính của họ.

Ngoài ra N. phải lo “break-in” huấn luyện các y sĩ mới tới nhận việc vì phần đông họ còn “green” (xanh), mới xong khóa học internship chưa biết quân ngũ, nhất là hệ thống “quần ngắn quần dài” (quân giai) là cái gì cả. Đến nỗi họ cũng không biết là một sư đoàn có mấy trung  đoàn hay một trung đoàn có bao nhiêu tiểu đoàn hay chức tước chỗ đứng của họ trong trung đoàn. N. phải tốn rất nhiều thời giờ thu thập tài liệu huấn luyện họ cùng khuyên răn cá nhân.

Đã thế N. lại phải dỗ ngọt các Đại tá trung đoàn trưởng vì ông nào cũng muốn có bác sĩ làm việc cho đơn vị của ông ta sớm và có ngắn thời gian thiếu y sĩ (underlap). Đúng là trái ngược với ý muốn của hai bên. Y sĩ muốn che chở cho y sĩ cho có thời gian nghỉ phép dưỡng sức nhưng ngược lại các trung đoàn trưởng lại muốn có bác sĩ làm việc thường trực ngay! Tuy vậy N. có thể di du bằng cách dùng y sỉ trợ tá của trung đoàn (mỗi tiểu đoàn có một y sĩ trợ tá).

Hôm nay N. phải gọi lên cấp trên hỏi phòng nhân viên (G1) để xác định ngày trình diện của các y sĩ trung đoàn sắp tới. Cũng may là phòng nhân viên nói là không có gì thay đổi cả, các y sĩ mới sẽ tới đúng ngày trình diện. Như thế cũng chưa lấy làm chắc chắn lắm vì có khi một y sĩ mới bước chân tới phi trường thì có lệnh bị đổi đi nơi khác bất thình lình. Thường thường thì ít khi xảy ra trong giới y sĩ nhưng N. đã chứng kiến một lần một y sĩ đang ngơ ngác bước xuống máy bay thì nhận được lệnh phải đổi đi một đơn vị khác. Trông thấy hắn vẫn còn ngái ngủ vì jet lag từ Mỹ sang Đức bảy tiếng đồng hồ mà nay phải đổi đi một chỗ khác, mặt hắn ta cứ bệt ra thấy mà tội nghiêp!

Bây giờ là 10:30 sáng, hạ sĩ W. tài xế vào trình diện báo cáo là xe CUCV (một loại xe quân đội Mỹ dung thay thế xe Jeep, sau đó đổi thành HummVee) đã sẵn sàng chở N. đi. N. bèn lấy một xấp giấy tờ hồ sơ dính dáng tới bệnh tình của lính Sư đoàn đem theo đi nhà thương ở Nuernberg (một quân y viện của Mỹ yểm trợ cho Sư Đoàn). Đường từ sở tới Nuernberg dài độ một tiếng đồng hồ tùy theo xe cộ lưu thông. Nếu đi xe nhà thì có thể đi nhanh hơn vì xe  quân đội bắt buộc không được vượt quá 55 dặm  một giờ. Tới nhà thương là thấy khung cảnh khác ngay với Bộ Tư Lệnh Sư Đoán. Lính ở nhà thương trông coi bộ lè phè hơn và không nể nang cấp trên gì cả. Đúng ra khi một sĩ quan cấp trên bước vào phòng thì từ lính đến sĩ quan cấp dưới phải đứng dậy nghiêm phắc “at ease” cho tới khi sĩ quan cao cấp ra lệnh “carry on” hay “as you were” thì mới được tiếp tục làm việc như thường nhưng trong khung cảnh nhà thương thì khác hơn.

Một lính binh nhì ở một đơn vị tác chiến thuộc quyền sinh sát của Thượng sĩ nhất (First Sergeant) của trung đội hay của Thiếu úy/Trung úy trung đội truởng. Hay cao hơn nữa thì lính ta này chỉ tiếp xúc với Thượng sĩ nhất đại đội hay Đại úy đại đội trưởng  mà thôi. Hoạ hằn lắm thì mới được gập khi tập họp với Thiếu tá/Trung tá tiểu đoàn trưởng. Cón Đại tá Trung đoàn trưởng thì y như là trời, còn lâu mới được nói chuyện thẳng với một sĩ quan cấp Đại tá. Ngược lại ở nhà thương, vì là ngành chuyên môn nên Trung tá và Đại tá Y sĩ có đầy rẫy. Đến nỗi có một lần một Đại tá Chỉ huy trưởng quân y viện tuyên bố là dưới quyền ông ta có nhiều Đại tá (y sĩ) làm việc hơn cả Bộ Tư lệnh Quân Đoàn cùng đóng chung ở một tỉnh. Vì vậy, quân nhân (soldier, có nghĩa là cả sĩ quan lẫn lính thường) khi đau ốm vào nhà thương, thường được gập và nói chuyện thẳng với một Đại tá vì đó là chuyện khó có thật khi ở một đơn vị tác chiến. Hơn nữa, vì y tá và y công cũng thường tiếp xúc với Trung tá, Đại tá y sĩ hàng ngày nên họ nhàm, thành ra kỷ luật nhà thương lỏng lẻo hơn, y tá không đứng dậy chào đón khi một Trung tá hay Đại tá đơn vị trưởng bước vào phòng.

Nói chuyện về tác phong quân ngũ, luật lệ nhà binh bắt cắt tóc ngắn và phải qua đậu PT mỗi sáu tháng, ở nhà thương thì thường lè phè hơn. Gập y sĩ nhà thưong có tóc dài không phải là chuyện hiếm, hơn nữa khi gập một bụng nước lèo thì thấy còn ngượng hơn: vì chỉ có thể một y sĩ đại tá mới có thể có tác phong như vậy! Rõ rệt là ông ta không thể qua tiêu chuẩn thi PT mà có thùng nước lèo được. Nhưng vì cậy ở nhà thương gần nhiều đồng nghiệp nên họ xin được “profile” nghĩa là được giấy chứng nhận vì có một bệnh gì đó nên được miễn PT, ví dụ như như viêm khớp xương  đầu gối chẳng hạn (vì quá mập?). Có vài khi ông đại tá y sĩ chuyên môn đó nói thẳng là nếu làm khó dễ thì ông ta xin giải ngũ. Sở dĩ ông ta tuyên bố dễ dàng như vậy là vì thường thuờng những vị bác sĩ đó đã làm trên 20 năm quân vụ nên họ mà giải ngũ thì họ được lĩnh lương hưu trí bằng nửa lương căn bản mà không phải làm gì cả. Đã thế vì lương y sĩ quân đội thường kém hơn với lương trung bình của các vị bác sĩ có phòng mach tư nên quân đội Mỹ khó thu hút được các bác sĩ dân chính đầu quân. Nghe nói lúc đó trưởng phòng tuyển mộ bác sĩ đã phải trả khoảng hơn nửa triệu đô la để thành công thuyết phục hai bác sĩ dân chính ngánh chỉnh trực đầu quân. (Khi ở trong quân y Mỹ không được làm việc tư nếu không có phép).

Sau khi ăn trưa vội vàng, N. đi tới chẩn y viện để chữa răng vì có hẹn lúc 13:00. (Nhà binh Mỹ không dùng AM hay PM mà dùng giờ tính từ 00:01 -nửa đêm- cho tới 24:00). Sau khi ký tên vào tờ danh sách bệnh nhân tới chữa trị, N. đọc qua vài tờ báo trong phòng chờ đợi. Bây giờ đã là 13:15 rồi mà N. chưa được gọi tới nên N. lân la hỏi tại sao chưa được khám?  Lúc đó mới vỡ lẽ là nha sĩ mà N. có hẹn bị bệnh và sáng  hôm nay nhân viên nha khoa có gọi cho văn phòng N. cho biết là đừng tới chữa răng. Nhưng nhân viên nha khoa vì một lý do nào đó, không gọi ngay thông báo cho N. biết lúc sáng sớm mà gọi sau khi N. đã rời sở trên đường đi nên N. không hay tin gì cả. Chuyện này hay thường xảy ra và là nguồn tức giận của các bệnh nhân đối với các y nha sĩ nhà binh. Nhiều lúc lính tác chiến rất khổ sở vì vụ này, họ xin phép mãi mới được có ngày hẹn, nay lại bị chưng hửng vì họ đâu có ngồi không cho tới ngày khám đâu. Thường thì các đơn vị tác chiến phải đi tập trận cả tháng mới được về trại thì lại phải lo công việc trại thành ra rất khó khăn cho lính và gia đình khi phải đi đi đi lại khám bệnh hoặc chữa răng. (Lẽ dĩ nhiên đó là những bệnh không nan y, không cần chữa trị ngay).

N. bực mình nhưng cũng chả làm được gì khác đành chấp nhận một ngày khác xong đó N. bèn bảo hạ sĩ W. lái xe ra chỗ bãi tập trận EFMB (Expert Field Medical Badge). EFMB là một chương trình huấn luyện các y tá chiến trường. Chương trình EFMB rất đầy đủ quy mô gồm có các môn chữa trị cấp cứu, định bệnh và chuyển bệnh (bằng xe thiết vận xa cứu thương hay trực thăng), tản thương qua chiến tuyến hay sông rạch, liên lạc vô tuyến, định hướng ban ngày và ban đêm, các cách sống sót chống vũ khí hoá học hay phóng xạ và cuối cùng là đi dã chiến (với 20 pounds ba lô)12 dặm trong 3 tiếng đồng hồ. N. vì là y sĩ trưởng sư đoàn nên có trách nhiệm tổ chức điều hợp khóa EFMB cho sư đoàn. Khóa EFMB kéo dài bốn ngày trời. Nếu không được huấn luyện kỹ càng và thiếu lòng hăng hái thì dễ rớt EFMB lắm. Thường chỉ có 10% tổng số thí sinh được cấp bằng và huy chương. Y tá và cả y sĩ quân đội rất hãnh diện được đeo trên ngực huy chương trên. Đó là chưa kể khi xem xét để lên lon mà có bằng EFMB là một điểm tốt. 

Đang khi xem xét diễn tiến chương trình thì Thượng sĩ nhấtcủa N. bảo là tướng sư đoàn trưởng gọi N. Ông ta than phiền vì tài xế ông ta đau răng mà khi tới trại Nha khoa thì chỉ được cấp trên cho vài viên thuốc đau nhức rồi bị mời về với tờ hẹn hai tuần sau mới được khám! Ông tướng này muốn N. điều tra tại sao nha sĩ lại không khám chữa trị ngay mà lại hẹn hai tuần sau mới khám bệnh cấp cứu? Ông ta muốn biết chuyện này có thường xảy ra hay không (N. biết thừa là tên tài xế của ông tướng này cậy thế mà lạm dụng). Sau  khi nghe trình bày điều hành huấn luyện do Thiếu tá G. trưởng ban huấn luyện EFMB thuyết trình N . bèn đi thanh tra qua loa rồi chạy đi gặp ngay Trung tá Truởng trại Nha khoa. Vỡ lẽ mới biết là tên lính tài xế hiểu lầm, hắn ta khi tới phòng ngoại chẩn, hắn ta xin hẹn được khám mà không khai là muốn được khám bệnh cấp cứu (vì đang đau) nên bị nha tá tống vài viên thuốc trị đau mà thôi. N. nghĩ sẽ lại mất một tràng giảng giải cắt nghĩa cho ông tướng chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt hiểu lầm (hay là tên tài xế này tưởng là đã làm cho ông tướng thì ai cũng biết phải giúp đỡ ngay!)

Bây giờ đã gần 3 giờ chiều (15:00), sẽ có một lễ bàn giao giữa hai Trung đoàn trưởng. N. bèn đi với tài xế tới một trại lính khác có một sân cỏ rộng lớn để xem lễ bàn giao. Quân lính trung đoàn đã dàn quân sẵn sàng với một trung đội quân nhạc và cầm cờ. Sau nghi lễ quân cách lẫn chào cờ và trao đổi cờ chỉ huy thì Tướng Sư Đoàn trưởng đọc diễn văn khen ngợi cựu và tân chỉ huy trưởng. Tiếp theo đó là diễn văn của cựu và tân Trung Đoàn trưởng. Kết thúc là Trung đoàn diễn hành qua khan đài. N. đã dự hơn năm lần lễ tống cựu nghinh tân hè này rồi nên N. mất cái nôn nao hấp dẫn như lần đi dự diễn binh ngày Quốc Khánh ở Việt nam xưa kia. Bây giờ N. chỉ còn cảm thấy hãnh diện là một dân Giao chỉ mà được mời ngồi ngay hàng đầu khán đài. Chả bù với ngày xưa ở Việt nam muốn đi xem diễn binh phải chen lấn đi từ sáng sớm tinh sương để dành được chỗ đứng tốt. Lúc đó thấy mấy quan khách trong đại lễ phục trịnh trọng từ từ tới sau mà lại được đón tiếp mời ngồi ở khán đài mà thấy muốn thèm được như vậy. Bây giờ thì cũng lễ nghi đó, cũng ban quân nhạc đó vì sư đoàn chỉ có một trung đội quân nhạc nên bất cứ lễ nghi quân cách nào ban quân nhạc đó cũng phải đánh nên N. nghe nhàm tai mất hứng thú. Nhất là bị bắt buôc phải nghe đi nghe lại các bài diễn văn tương tự giống nhau.

Sau diễn hành thì tất cả các quan khách quý được mời tới Câu lạc bộ sĩ quan dự lễ tiếp tân. N. phần chính thật sự đi dự các lễ bàn giao chỉ là để làm quen với các tân chỉ huy truởng để sau này dễ làm việc. Phần khác là để bắt dây liên lạc với các sĩ quan cao cấp khác để “politicking”! Hôm nay N.lại có việc bất thường là trình bày với Tướng Sư đoàn trưởng vụ đau răng kể trên. Thường thường trong những dịp tiếp tân như lúc này thì các nhân viên dễ tiếp xúc và thanh toán công chuyện dễ dàng hơn lúc thường vì không phải xin hẹn gấp và ít khi gập được nhiều nguời cùng một lúc. Đã thế lại được dịp ăn uống “chùa” các hors d’oeuvre không tốn tiền với lời cám ơn của các vị tân chỉ huy vì đã không quản ngại tới dự!

Bây giờ đã hơn 17:00 chiều rồi, N. bèn nhẹ nhàng cáo lui ra về. Sau khi tắm rửa sạch sẽ và ăn tối N. rủ bà xã đi ciné tối. Ở bên Đức này thời đó kiếm được một phim hay mà xem thì hơi khó khăn. Ở ngoài tỉnh Đức thì rạp ciné chỉ chiếu nói toàn tiếng Đức nên muốn xem phim Mỹ chỉ có hai cách, hoặc là mướn videotape, hoặc là đi ciné trong trại lính. Lính Mỹ được lo lắng đầy đủ, nào từ PX bán đồ hạ giá và không thuế, commissary bán thức ăn cho tới rạp ciné, sân vận động gym thể thao và trường học Mỹ. Chỉ có cái tội là đi ciné trong trại lính thì phải xem phim hơi cũ, thường thường trễ cỡ ba, bốn tháng đối với lục địa Mỹ. Nhưng bù lại thì giá rất dẻ (1.50 hay 2 đô la mà thôi).

Phim tối nay là Glory, chiếu về chuyện một trung đoàn Mỹ đầu tiên có lính da đen thời hồi Nội Chiến Mỹ. Quân phục xanh tím, cầu lon vai vẫn như xưa kể cả lễ nghi quân cách như là “as you were” hay “pass in review”. Trên đường về, N. thầm nghĩ tưởng tượng một ngày nào đó cũng sẽ có một sư đoàn nào đó trong quân lực Mỹ có đủ da trắng lẫn da đen nhưng lại được chỉ huy bởi không phải một sĩ quan da trắng hay da đen mà bởi một dân Việt nam ta!

Duong Nguyen, MC
COL (Ret.), USA
Former Division Surgeon

Chú Thích:
-MC: Medical Corps, khác với ANC (Army Nurse Corps), MSC (Medical Service Corps như sĩ quan hành chánh), MS (Medical Specialist như optometrist).
-USA này là viết tắt của US Army khác với USN (US Navy) hay USAF (US Air Force)

Y SÏ Trܪng SÜ ñoàn Hoa Kÿ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Trước Tổng Hành Dinh Sư Đoàn 1 Thiết Giáp Hoa kỳ ở Ansbach, Tây Đức

Trước Tổng Hành Dinh Sư Đoàn 1 Thiết Giáp Hoa kỳ ở Ansbach, Tây Đức

Nguyễn Dương QYHD/16