Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

ñi Theo V‰t Chân Nhà Cách Mång Kÿ ñÒng
scan0001
scan0003
scan0004
TahitiLg1
TahitiLg4
TahitiLg5
Nguyễn Dương

Ia Orana (Chào Mừng)

Có một ông bạn hỏi tôi có phải Tahiti ở vùng Trung Mỹ Caribbean có đúng không khi tôi nói là tôi sẽ đi Tahiti. Có lẽ ông ta nghe lầm là Haiti. Tahiti nghe lạ tai vì không đồng thanh như trong bản hát Montego Bay với các lời ca vần như Aruba, Jamaica, Bahamas, Cuba, Grenada v.v…

Tahiti là một hòn đảo trong một quần đảo gọi là Society Islands, một trong năm quần đảo thuộc French Polynesia ở Đông Nam Thái bình Dương cách khoảng bốn ngàn dặm (mile) Tây Nam Los Angeles và độ 3.700 dặm Đông Bắc Sydney (Úc châu). Tahiti ở phía Nam Hạ uy di độ khoảng 2.800 dặm. Quần đảo với Tahiti ở Nam bán cầu, quá xích đạo nên mùa đổi ngược như mùa hè thành mùa đông so với Bắc bán cầu.

Captain Cook là thuyền trưởng người Anh do vua nước Anh gửi tới nghiên cứu khai thác nhưng sau đó Hoàng Hậu Pomare của Tahiti lại nhận Pháp được làm chủ quyền.. Vì vậy nay Tahiti có ngoại tệ riêng là đồng French Pacific Franc hay gọi là Cour de Franc Pacifique (CFP) với một đô la Hoa kỳ bằng độ 90 CFP, nhưng trong chuyến đi du ngoạn này kinh nghiệm cho thấy không cần đổi tiền đô la, dân chúng Tahiti sẵn sàng nhận đô la ngay (hiện nay dân Tahiti thích dùng Euros, ngoại trừ khi dùng credit cards và cũng còn vài chỗ họ nhận US đô la)

Quần đảo Society Islands ngoài đảo Tahiti là đảo chính với thủ đô là Papeete còn có đảo Bora Bora nổi tiếng khi quân đội Hoa kỳ thời thế chiến thứ hai tới đóng quân dùng đảo làm chỗ tích trữ quân liệu và trạm tạm trú quân trước khi lâm chiến. Đảo được dùng làm bàn đạp tấn công quân Nhật ở các vùng Thái bình Dương. Trong nhóm quân lính Hoa kỳ đó có nhà văn James Michener nên sau đó ông ta viết truyện “Tales of South Pacific” được giải Pulitzer và được phóng tác thành ca kịch ở Broadway Nữu Ước với tên là South Pacific do hai đạo diễn Rodgers và Hammerstein thực hiện. Truyện đó không những thành công với ca kịch mà còn được quay thành phim có cô đào Việt lai Pháp duyên dáng là France Nuyen (do họ Nguyễn mà ra). Không hiểu tài tử France Nuyen sau khi đóng thêm phim “Thế giới của Suzie Wong” hiện nay ra sao?

Ngoài J. Michener còn có rất nhiều văn nghệ sĩ khi thăm viếng quần đảo có Tahiti đều rất thích cảnh thơ mộng tuyệt tác ở đó nên không những viết hay vẽ cảnh Tahiti lại còn ở lại luôn như họa sĩ Paul Gauguin, tài tử Marlon Brando, văn sĩ Somerset Maugham (Of Human Bondage), văn sĩ Herman Melville (Moby Dick) hay Robert Louis Stevenson (Treasure Islands, In the South Sea).

Các quần đảo Polynesia thuộc Pháp đề có nguyên thủy là do núi lửa phun lên mà ra. Các núi lửa sau khi phun chất nhựa có đất (magma) lên thành núi đảo. Nhờ vậy đất đó rất phù nhiêu lại thêm có mưa nhiều nên cây cối mọc rất um tùm. Các núi đảo đó thường được bao quanh với một vòng đai san hô càng ngày càng mọc bao rộng trong khi đó thì núi đảo bị mất đất vì xói lở (erosion) dần dần biến mất thành ra một atoll nghĩa là chỉ có vòng đai san hô mà không có đảo đất núi ở trong! Vì vòng đai san hô làm chỗ chận sóng lớn nên có nhiều loại cá tới trú ẩn thành ra nghề chài lưới rất dễ sống. Rất nhiều lần khi N. đi dạo vòng quanh đảo N. thấy cá nhảy tung tăng trên mặt biển.  

Bay từ Los Angeles xuống Tahiti mất khoảng tám tiếng đồng hồ bay. Từ Hoa thịnh đốn N. phải bay tới LA nghỉ qua đêm tại khách sạn cạnh phi trường để sáng hôm sau bay đi Papeete bằng máy bay hang Tahiti Nui (nghĩa là Greater Tahiti). Vì là hãng máy bay Tahiti nên khi mới bước chân lên máy bay là có các cô tiếp viên Tahiti, da ngăm ngăm đón tiếp “Maeva” (welcome). Nhạc dìu dịu Tahiti trên máy bay quấn quyến các du khách  khi đi tìm chỗ ngồi. Cứ một quãng lại có một màn ảnh truyền hình tranh vẽ do hoạ sĩ Paul Gauguin vẽ các cô gái Tahiti (gọi là vahiné) hở ngực. Ngồi xuống ghế một chút thì các cô tiếp viên đem khăn chùi mặt và tặng một bông hoa tiare thơm giống như hoa ngọc lan để gắn vào tai, tùy tai mình muốn (xem sau).

N. được dịp đi thăm viếng du ngoạn Tahiti là do được mời diễn thuyết trên một chuyến thuyền du ngoạn do hãng Radisson Seven Seas Cruise tổ chức (nói vậy cho khoe một chút vì chỉ được tặng một số tiền nhỏ là honorarium mà thôi). Tên thuyền được đặt tên là Paul Gauguin là một hoạ sĩ Pháp nổi tiếng vẽ các cảnh vật vùng đảo nhiệt đới nhất là đàn bà Tahiti lõa thể. Paul Gauguin là một người làm stockbroker không thành công cho lắm trở thành hoạ sĩ và xuất ngoại sang Tahiti. Ông ta không những có nhiều con với bà vợ đầu tiên người Đan mạch mà sau đó sau khi ly dị lấy ít nhất là hai ba bà vợ vahiné phần nhiều là các cô làm kiểu mẫu vẽ tranh cho ông ta. Thuyền Paul Gauguin là một du thuyền cở trung được khánh thành vào năm 1998.

Đảo đầu tiên N. thăm viếng là đảo Raiatea. Khi mới bước chân lên đảo thì N. được đón tiếp bằng một luồng khí hậu nóng ẩm thấp, người nhấm nháp mồ hôi khó chịu, nhất là mới dời Hoa kỳ trong lúc mùa đông giá lạnh mà xuống Tahiti vào mùa hè. Đảo này cây cối um tùm như các đảo sau này. Dừa mọc hoang dại hay ở trong trại dừa rất sai quả. Ngó kỹ thì thấy thân cây dừa được bọc bởi một mảnh nhôm khoảng độ nửa thước. Hỏi ra thì là để phòng ngừa không những chuột mà cả cua bể cạn leo lên ăn dừa non. Các con cua này khôn lắm, nó đục thẳng một lỗ nhỏ các trái dừa non, không để cho chết, rồi từ từ thủng thẳng đi viếng ăn mỗi trái một tí, sống bằng ăn cùi dừa non thành ra con nào con nấy trông thấy to mập tù lu.

Ngoài ra các cây hoa trái giống như ở Việt nam xưa kia như hoa dại, hoa phượng vĩ, hoa mẫu đơn, hoa giấy gọi là hoa Bougainvillea (do tên của một đề đốc người Pháp tên là Bougainville), hoa loa kèn vàng allamanda, hoa cây sọ người, lại có rất nhiều loại hoa dâm bụt đủ màu. Vì có nhiều hoa dâm bụt nên các áo sơ mi hay vải choàng gọi là pareu vùng Tahiti đều có hình hoa dâm bụt. Không những hoa dâm bụt được dùng làm mẫu hoa quần áo vải choàng mà hoa dâm bụt khi gắn lên tai lại có ý nghĩa thầm. Nếu gắn vào tai bên trái thì có nghiã là đã có chủ hay có bạn đường rồi. Gắn vào tai bên phải thì là đang tìm kiếm bạn. Còn gắn cả hai bên tai thì là đã có vợ hay có chồng nhưng vẫn sẵn sàng mở rộng con đường tình ái (cũng như là ở bên Mỹ có MBA không phải là Master of Business Administration nhưng là Married But Available!) Thảo nào các cụ ở Việt nam đã đặt tên là hoa dâm bụt. Thấm thiá thay!

Về các cây ăn trái, Tahiti lại có nhiều cây cối giống như ở Việt nam như xoài, ổi, cóc, măng cụt, mận (roi), đu đủ, xoài riêng, chôm chôm, mít v.v… Cây nào cây nấy rất xum xuê cành trái nặng trĩu. Đất tốt phì nhiêu đến nỗi cây ớt đầy quả cao hơn đầu người đứng. Dân Tahiti lại còn trồng cây leo vanilla để hái quả bán hột (cây vanilla đúng ra nguyên thủy thì giống từ Phi luật tân và Mễ tây cơ do thủy thủ Âu châu đem tới trồng ở Tahiti).

Nói về vải choàng pareu thì phải nói là rất độc đáo, chỉ là một tấm vải nhẹ to hình chữ nhật hoa hoè như tấm sarong nhưng có nhiều cách quấn vào người mà không cần có nút áo hay kim băng gì cả. Các cô vahiné rất khéo tay quấn vào thân người rất gọn gàng lại để gió thổi bay luôn vào người làm rất thoáng mát và quyến rũ vì thỉnh thoảng tùy theo chiều gió mà khoe da một tí nhanh chóng. Đàn ông cũng vậy nhưng chỉ cuộn ở nữa dưới thân mình mà thôi.

Tới đảo Raiatea này N. được chở bằng xe Le Truck (tiếng Pháp trẹo) tới nghe diễn thuyết do ba bác sĩ người Pháp làm việc ở đảo. Di chuyển trên đảo thì có thể dùng xe taxi rất mắc vì xăng rất đắt (vì phải nhập cảng) hay dùng xe bus công cộng gọi là xe Le Truck kể trên (rất rẻ) giống như xe vận tải nhỏ ở Việt nam với bốn dãy ghế gỗ dọc theo xe. Hỏi ông bác sĩ Trưởng ty Y tế đời sống ở đảo có như thiên đường hay không thì ông ta lắc đầu. Trong hai năm đầu tiên sống thì rất lấy làm lạ, khác với đời sống quần quật chật hẹp ồn ào của Paris nhưng sau đó thì chán chường vì cái gì của đời sống văn minh văn hoá đều bị thiếu thốn, chậm trễ hay quá mắc (nay có Skype nên phone qua Hoa kỳ rẻ hơn). Ông ta nói là làm xong ba năm là đủ để trở về Pháp. Khi N. chọc ông ta là sao không thành một Paul Gauguin hay là một Marlon Brando ở lại mãn đời thì ông ta nói là ở đảo này thì dễ gì mà có hai hay ba bà vợ vahiné. Đảo đả nhỏ, làm gì ai cũng biết cả nhất là “Radio Cocotier” rất hiệu nghiệm! (hơn Radio Catinat)

Ngày hôm sau đi thăm đảo Tahaa, đảo này nhỏ bé hơn nhiều và tàu P. Gauguin cho ghé một hòn đảo san hô nhỏ bên cạnh thuộc chủ quyền hãng Radisson. Tất cả du khách được đưa bằng thuyền nhỏ shuttle đi tới đảo ăn trưa picnic. BBQ lu bù ăn uống đồ nướng, cá thịt tôm ê hề, rượu bia, trái dừa nước uống thả cửa. Ngồi trên ghế bố có dù che ở cạnh bãi biển cùng mấy ông bà Mỹ mập trắng bệu bên cạnh một bàn nhỏ để lổn nhổn đồ ăn đồ uống dư thừa lại có bồi dân bản xứ lăng xăng hầu bàn, tiếp rượu nước, tới từng ghế du khách mời ăn uống mới thấy hiểu cảnh căm tức của dân nhược tiểu như ở Việt nam xưa kia khi phải hầu các khách ngoại quốc du lịch đáng ghét “The Ugly American”.

Ở đảo đó N. được phát dụng cụ đi snorkel để xem cá dưới biển lượn ra lượn vào. Cá nhỏ màu mè rất đẹp thuộc loại butterflyfish hay angelfish nhưng N. cũng thấy hơi sờ sợ vì có rất nhiều con urchin có kim đâm rậm rạp sợ đạp vào chân thì khốn khổ không khá. Nhưng công nhận đi snorkel xem cá lượn dưới biển rất đẹp.

Du khách còn được xử dụng thuyền kayak chèo thuyền tự do. Vì núi đảo đó được bao bọc bởi một vòng đai san hô nên các sóng lớn không tới được nên tha hồ mà kayakying hay snorkeling! Ai mà không muốn snorkeling hay kayaking thì đi scuba diving hay mạo hiểm hơn thì đi wind surfing.

Hôm sau du khách được đưa tới đảo Bora Bora. Trước khi tới đảo đó du thuyền lượn đi lượn lại qua một quần đảo nhỏ có 12 đảo nhỏ tên là Tetiora do tài tử Marlon Brando mua năm 1965 sau khi ông ta tới đóng phim “Mutiny on the Bounty” (1962) và bị một vahiné quyến rũ mê hoặc ở lại Tahiti, lẽ dĩ nhiên cô ta có thân hình núi lửa mới trúng số núi của! Trên hòn đảo lớn nhất có một phi đạo nhỏ và một khách sạn resort nhưng nghe nói là từ khi Marlon Brando bị khốn khổ xui xẻo vì chuyện con cái, người thì can án mạng đi tù, người thì tự vận nên sự trông nom du khách bị bỏ bê không được đón tiếp niềm nở nên dần dần mất nhiều khách. (Hãng Sofitel đang cố gắng mở mang phát triển trở lại)

N. tính thuê xe đi dạo quanh đảo Bora Bora nhưng khi sắp mướn xe thì thấy bà chủ xe mướn đang cãi nhau với một khách hàng. Hỏi ra thì là khách hàng mướn xe “fun car” như một loại xe Vespa có bốn bánh nhưng chỉ có hai chỗ ngồi, khách hàng chê là đi một tí là lại hư. Khách đòi tiền lại nhưng bà chủ hãng xe không chịu và la lối đuổi khách ra khỏi tiệm. Khách là người Mỹ còn chủ xe là người Pháp nên N. toàn là nghe bà ta mẹc-xà-lù nên N. chán quá bỏ đi. Sau đó thì khách hàng người Mỹ hỏi ý kiến N. vì thấy N. hiểu tiếng Pháp thì N. khuyên ông bà ta nên ra Gendarmerie (Police Station) mà thưa kiện. N. cũng nghe nói kể thêm sau đó là xe “fun car” đúng ra phải được gọi là xe “no fun car” mới đúng vì tay lái rất lỏng lẻo, đụng một cục gạch nhỏ là quẹo lung tung cả lên làm “teo cu”.

N. bèn cuốc bộ từ từ thăm đảo và xem dân tình. Đi tới một nhà có vườn dừa (nhà nào cũng có vườn cả) có giống cây có quả gọi là breadfruit (hay được gọi là quả xa-kê ? màu xanh lá cây có gai nhỏ). N. dừng chân lại hỏi bà chủ nhà đang hái một quả hỏi quả đó là quả gì vậy. Bà ta giảng nghĩa quả đó để ăn nhưng phải luộc hay chiên. Bà ta kéo lấy một cành và chặt một quả tặng cho N. ngay. N. cầm lấy đi một lúc thì nghỉ lại ở trên tàu đâu có được đem về Hoa kỳ qua quan thuế nên trở lại và trả lại cho bà ta. Rất tiếc! Rất tiếc! Cảm ơn. Về sau N. được nếm vài miếng breadfruit chiên thì thấy ăn giống như khoai tây rán (French fries). Một quả breadfruit to như một quả bưởi thành ra như là một nồi cơm đủ ăn cho một gia đình.

Ngó qua các vườn dân làng đảo thì N. nhận thấy sao trong vườn lại có nhiều lỗ hổng khá to bằng đường kính một quả trứng gà lổm nhổm trong vườn trông thấy mất mỹ thuật. N. không hiểu tại sao mà vườn nào cũng có lỗ và vườn nào cũng như vậy. Đi một hồi nhận xét thì thấy đó là lỗ của các con cua bể cạn to tổ bố, to hơn cua đồng nhưng bé hơn cua bể như ở Việt nam. Nhiều con cua nhởn nhơ chạy qua chạy lại các lỗ mà không sợ người ta gì cả! Nếu ở Việt nam thì các con cua này đã biến thành bún riêu cua rồi! N. còn được kể là còn có gà rừng chạy lung tung cả lên mà không biến thành gà chiên hay cháo gà.

Trái cây um tùm, cá đầy biển rộng, không có súc vật nguy hiểm dữ tợn như cọp báo, rắn rết (mặc dù có rất nhiều muỗi ban đêm - N. được nghe kể lại chứ N. ở trên tàu nên không biết-) thành ra dân chúng Tahiti có vẻ mập mạp thảnh thơi vui chơi. Đời sống đồ đạc văn minh tuy mắc nhưng các thức ăn căn bản để sống như trái cây thịt thì đâu đâu cũng có. Ông Trưởng ty Y tế có nói là dân bản xứ khá lười và hay thích say sưa rượu chè ca hát. Đúng như vậy, vì dân có thiếu gì đồ nhậu và đâu có bị đòi hỏi tiêu thụ các thỏa mãn văn minh như xe hơi đắt tiền, xăng nhớt, ciné, tivi, quần áo sang trọng. Thành ra sướng hay không sướng tất cả là quan niệm đường lối sống mà thôi, tùy mình mà định nghĩa! Đảo Bora Bora là đảo mà nhà văn J. Michener “khám phá” ra và ca tụng vì ngày xưa ông ta tới đóng quân tại đó. N. cũng định đi xe đến chỗ đặt súng cà nông trấn thủ đảo nhưng vì không mướn được xe “fun car” (hay xe “no fun car”) nên đành chịu. 

Ngày hôm sau N. đi theo chuyến tàu cho cá đuối (sting ray) ăn và xem cá mập. Tới một chỗ nông cạn đảo san hô thì thuyền ca nô ngừng lại, ai nấy đều đem theo snorkel và đi giầy có đế dày để tránh bị đứt cưa chân vì san hô. Ngó dưới biển thì đủ thứ cá vàng trắng đỏ đen lớn nhỏ lượn bơi rất đẹp. Nhân viên trên tàu chỉ dẫn phát cho mỗi người một miếng cá nhỏ để cho du khách đưa mớm cho cá ăn. Mấy con cá butterflyfish và angelfish bu chung quanh nhíp cắn vội vã miếng cá trông rất vui thích. Sau đó ông dẫn tàu kéo tới một chỗ có nhiều cá đuối.

Hình như cá đuối nhận ra ông ta là chỗ quen thuộc nên cá tới bu quanh ông ta để xin ăn. Ông ta kéo N. và bà xã lại gần và làm dấu cho một con cá đuối lớn tới lượn gần vợ N. và chồm lên như là mi vào miệng. Cá không có răng nhưng miệng cá to nên nếu lỡ để bàn tay vào miệng cá thì khi cá mím miệng lại thì không bị cắt đứt mấy ngón tay nhưng rất đau đớn như bàn tay bị cánh cửa đóng xập lại. Đó là theo lời kể của ông bạn nha sĩ đi cùng nhóm bị cá đớp phải đau điếng cả lên!

Không những có cá đuối và cá butterflyfish màu mè đẹp, N. lại được trông thấy hai ba chú cá mập lượn xa xa cách độ vài thước. Chắc mấy chú cá mập này cũng biết là thịt khách hàng này không ngon lắm lại dễ bị mất mạng nên các chú chỉ lởn vởn xa không dám tới gần mặc dù có mùi máu thịt cá do du khách mớm cho các con cá con ăn.

Ngày hôm sau nữa, thuyền N. tới đậu neo ở đảo Moorea nơi có núi Rotui mà nhà văn J. Michener bịa tên là Bali Hai trong truyện “Tales of the South Pacific” cho có vẻ huyền bí. Sườn núi được che chở bởi hàng hàng dẫy dừa hay trái khóm dứa, còn dưới núi thì được bao bọc bởi những bãi cát trắng ven vịnh san hô nên cảnh rất đẹp và thơ mộng.

Ở đó N. được nghe diễn thuyết và xem phim bởi một ông bác sĩ người Pháp có lòng mạo hiểm muốn sống như Robinson Crusoé bằng cách đem bà vợ của ông ta vào một hoang đảo nhỏ sống đơn độc tự sống tìm kiếm thức ăn hay đánh cá lấy một mình tự túc. Ông ta xây một căn nhà nhỏ có mái tôn (đem theo) và che lá mà sống. Nhưng sau một mùa bão cyclone lớn ông ta và bà vợ cũng phải bỏ đi sau gần một năm sinh sống với thiên nhiên. Sống với thiên nhiên không gần với một nhân loại nào khác và xa xôi với văn minh kể cũng có một thú vị riêng đặc biệt nhưng sống mãi như vậy xa gia đình con cái bạn bè cũng rất khó khăn, ông ta bình phẩm như vậy.

Moorea cũng là hòn đảo có nhiều tiệm bán ngọc trai đen thường được nuôi cấy ở các đảo khác. Ngọc trai đen trông thì lạ và đẹp mắt rất nổi trên áo trắng nhưng khá mắc. Nhiều khi thấy giá ngọc trai đen ở Tahiti lại còn mắc hơn là giá ở New York! Có thể là ở New York họ mua với giá sỉ nên rẻ hơn nhiều (hay là dân Tahiti muốn lột du khách!).

Ngoài vụ thăm đảo Moorea, tàu có tổ chức một cuộc biểu diễn cách mặc tấm pareu với nhiều tấm vải hoa hoè rất đẹp và có các cô vũ nữ mặc váy cỏ nhảy múa điệu Tahiti biểu diễn rất hấp dẫn. Điệu nhảy và nhạc cũng hơi giống như dân Hạ uy di (Hawaii) nhưng có vẻ họ không dùng đàn guitar như người Hạ uy di. Có cái đặc biệt là ban múa có đưa ra vài bé trai và gái còn mặc tã (diaper) và có váy cỏ che ở ngoài, thế mà cũng biết lắc ngoáy ngoáy trông rất điệu nghệ. Đúng là tài không đợi tuổi!

Ngày chót thì ở đảo chính Tahiti ở tỉnh Papeete. Tỉnh này là thủ đô nên xe cộ lẫn dân chúng tấp nập đầy đường. Khách sạn to lớn đủ cỡ nên không hấp dẫn cho lắm nhất là đã đi qua và xem các đảo trước rồi vừa thơ mộng và vừa thưa dân gần thiên nhiên hơn. Ở đây người Tàu có vẻ đông đảo với dân số độ chừng 8% dân đảo nên có nhiều tiệm món ăn Tàu. Ngày trước có một tiệm ăn Việt nam (La Saigonnaise) thuộc loại sang trung bình ở ngay con đường chính của tỉnh nhưng nay đã bị đóng cửa.

Hãng du thuyền có tổ chức một buổi du ngoạn đi theo vết chân của họa sĩ Paul Gauguin, đi xem nơi ông ta sinh sống và xem tranh ảnh ông ta vẽ cùng chỗ ở đời sống lãng mạn của ông ta. Đọc kỹ trong tiểu sử của ông ta thì thấy ông ta tới quần đảo Society Islands vào tháng chín năm 1901. Ông ta làm quen với nhà cách mạng Kỳ Đồng (tên thật là Nguyễn văn Cẩm) vì ông Kỳ Đồng rất thông thạo tiếng Pháp. Ông Kỳ Đồng bị bắt bỏ tù vì hoạt động cách mạng chống Pháp, đúng ra phải bị đưa đầy tới đảo hắc búa Devil’s Island (ở Nam Mỹ mà cố tài tử Steve McQueen đóng trong phim Papillon) nhưng vì một lý do nào không rõ lại hoá ra lạc vào Tahiti (“A Guide to French Polynesia” do Sharon R. Chester viết). May mắn thay cho nhà cách mạng Kỳ Đồng!

Parahi hay Nana (Au revoir- Chào tạm biệt)

Maururu (Merci)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Loading