Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Loading
Thì M¥c Mây Trôi
bc3a8o-de1baa1t-mc3a2y-trc3b4i-2
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Phan Ngọc Hà QYHD 21                 
           
                                
Tiễn Bạn Nguyễn Đình Ngọc

Trăng mờ tiếp bóng tà dương
Tịch liêu tiễn bạn lên đường viễn du
Khép trần thế phù sinh cuộc lữ
Để non tiên khởi sự thanh nhàn.
                                 Chicago 16/4/2013

Nguyễn Đình Ngọc đã ra đi như một sự giải thoát, cách xa nửa vòng trái đất không thể đến viếng bạn; tôi gửi lại đây bài viết cũ mấy tháng trước để chúng ta có vài phút tưởng nhớ đến người bạn dễ mến vừa mới giã từ bè bạn.
                        
Dù không mong đợi ngày Tết vẫn đến đúng hạn kỳ.

Thời tiết khá đẹp cho một ngày mùa Đông, đêm giao thừa mọi người đến chùa xem văn nghệ tất niên và xin lộc thật đông đúc, chánh điện và phòng ăn đầy người. Cuối cùng thì gia đình tôi bốn người cũng xin được bốn phần lộc, mỗi phần gồm một cành hoa cẩm chướng, một trái quít và một phong bao lì xì; về đến nhà gần 2 giờ sáng lên internet để nhận những lời chúc Tết của người thân và bạn bè khắp nơi trên thế giới. Mùa Xuân trần thế đâu có niềm vui nào trọn vẹn, bên những clips với những khúc nhạc Xuân vui nhộn là một email nói về tình trang bệnh tật của người bạn đang chịu đựng cơn bạo bệnh từ mấy tháng nay, lòng lại bồi hồi- không biết ngày mai rồi Nguyễn Đình Ngọc sẽ ra sao!

Ngày đầu năm, ngày Chủ nhật định trùm chăn ngủ cho đã giấc nhưng " nội tướng " đã giục giã gọi dậy cúng đầu năm và đi lễ chùa. Thì thôi, lính phải tuân lệnh "nội tướng " và cũng là một dịp đi lễ chùa, chúc Tết Hoà thượng Trụ trì và cầu nguyện cho bạn Nguyễn Đình Ngọc.

Không có tuyết rơi chỉ có mưa Xuân lành lạnh không ngăn trở khách hành hương; Chánh điện vẫn đông nghẹt "thiện nam tín nữ " và khói hương mù mịt như đêm qua. Các lư hương đã đầy nhang khói rồi, tôi chỉ đốt thêm một cây nhang ngắn để thầm nguyện cầu cho bạn, nhưng rồi không biết cầu ai (vị Phật hay Bồ -tát nào?) và cầu xin gì đây?

Phật Thích ca ư? Hiện nghiệp của bạn đã an bài, đổi thay gì nữa vào đoạn cuối cuộc đời. Phật A-di đà ư? Không bạn tôi vẫn chưa vĩnh viễn ra đi, bao giở đến giờ ấy hẳn hay. Tôi chỉ biết nhìn vào tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thầm nguyện xin ngài định mọi việc theo những điều tốt đẹp nhất mà Ngài làm được. “Thôi thì thôi thì mặc mây trôi!” [*]

Đã bốn mươi mấy năm rồi, ngày ấy, vào giữa niên khoá của lớp Dự Bị Y Khoa (APM), chương trình học bị gián đoan vì cuộc binh biến Tết Mậu -thân, mọi nam sinh viên đều phải đóng bộ kaki vàng "babilac " tập quân sư và thỉnh thoảng "ứng chiến " ở trường Đại học. Hôm ấy, phiên gác của tôi ở cổng số 1 trường Khoa hoc, cổng vào nhà xe bên Đại Giảng Đường I, cạnh trường Pétrus Ký, từ 9 giờ đến 10 giờ tối. Đồng hồ tay đã chỉ 9 giờ 50 rồi, không biết người gác kế tiếp có ra thay phiên cho tôi đúng giờ không. Đang lo lắng về việc này, nhờ Lê Văn Cẩm và Lê Tấn Khoa đang xem TV gần đó vào "nơi đóng quân " tìm dùm người gác sau tôi ra thay phiên tôi.

Cẩm hỏi tôi:

-Người gác sau mày là ai?

- Nguyễn Đình Ngọc, tôi đáp.

Cả Khoa và Cẩm đồng thanh nói: vậy thì yên chí đi, thằng Ngọc không bao giờ trễ giở trực gác đâu.

Và quả nhiên đúng 10 giờ, không trễ 1 phút Ngọc đã đến thay tôi. Tôi quen Ngọc và biết Ngọc rất đứng đắn từ buổi sơ giao ấy.

Lên năm thứ nhất Y khoa, Ngọc chơi thân và học nhóm với anh Sĩ "già "Lê Minh Đức, Mai Thanh Hống, Bạch Thế Thức, Phạm Hữu Diệu và Đường Minh Hoàng. Buổi trưa sau giờ cơm họ hay đóng đô ở cuối dãy lầu pharmaco ôn lại bài vở hay bàn tán về những bóng hồng; thỉnh thoảng tôi và Hai “Neuro” không có chỗ tạm trú có ghé qua đó chọc phá các bạn và đoán già đoán non vế cái họ Trương của nàng "Dương Quý phi ", ... Một lần trong giờ nghỉ trưa chính tại nơi đây, khi nhà sư Phạm Hữu Diệu vừa cởi chiếc áo Già Lam, thoải mái đặt lưng xuống tấm trải, Ngọc vội vã chộp tấm áo của nhà tu khoác vội lên mình, đi diễu qua dãy hành lang với hình ảnh thật ngộ nghĩnh: áo tràng Già Lam, quần treillis và đôi giày botte. Không biết nhà sư có ít nhiều động tâm gì chưa mà giọng la thì í ới:Ngọc ơi trả áo! trả áo đây nhanh lên. Không đùa! Tuổi trẻ thật hồn nhiên vô tư cho những kỷ niệm đẹp khó quên.

Thức, Ngọc và Hồng vào Quân Y ngay từ năm thứ nhất, trước tôi một năm. Dù chơi hay học, làm việc gì Ngọc cũng tỉ mỉ và cẩn thận. Mùa quân sự thứ hai của chúng tôi ở Thủ -đức thật vui vì đã quen với chương trình học Y khoa tuy vẫn nặng nề, những ngày tập quân sự đối với chúng tôi chỉ là những cuộc pic-nic dài han. Vũ Quốc Cường và Nguyễn Trọng Nghĩa thỉnh thoảng rủ tôi đi thật sâu vào các khu rừng Mẹ Bồng Con gần căn cứ của Tiểu -đoàn 11 Nhảy dù, Nguyễn Văn Quốc hay mày mò vào những tần số lạ của máy truyền tin PRC25, chọc phá các đơn vị bạn hay đem một vài câu trong nhật ký lấy trộm của Trần Trung Hoà đọc cho anh em bàn luận vui chơi; Bạch Thế Thức rất sáng dạ trong việc tháo ráp vũ khí và vẫn thường chê bai chúng tôi không chịu hoc "anatomie " của khẩu súng mỗi lần chúng tôi nhờ vả lúc trục trặc khi ráp súng, Chí “choé” thì đang nghiền ngẫm truyện Love Story, Huỳnh Minh Châu (Châu kèn)   thì thích tập cho bạn bè hát bài ruột Mexico hay La Plus Belle Pour Aller Danser, Trần Văn Cương khoe biết hát bài Sakura bằng tiếng Nhật, Chí Vỹ chỉ thích bồi dưỡng món bún bò Huế và đi ngủ sớm Nguyễn Đỗ Quan lúc nào cũng trau chuốt đôi giày botte bóng đến độ soi gương dù hằng ngày vẫn lội sình ở những bãi tập, Nguyễn Tiến Dũng suýt học lại 1 khoá quân sự vì vắng mặt nhiều ngày do đau mắt, Thanh Khều hào phóng thưởng tiền cắc cho ai có tài thiện xạ, Dương Thanh Trắc "cùi " lúc nào cũng lên xe trễ vì phaỉ lo cho Thanh “khều” đang bị què ...; riêng Nguyễn Phan Khuê và Nguyễn Đình Ngọc lúc nào cũng cố gắng ghi cours thật đầy đủ và là chỗ dựa dẫm của chúng tôi vào những buổi thi lý thuyết quân sự cuối khoá. Một lần hiếm hoi tôi thấy Ngọc đùa nghịch với bạn bè là lần Ngọc dấu cặp mắt kính của "cụ Khoát " để " cụ” la lối om sòm trong một buổi trưa.

Một lần ở quán ăn "ma xơ " trong lúc xếp hàng chờ lấy cơm, đang bàn luận về bài thi của Giáo sư Lữ Y, các "mợ " Trưng vương  hình như là Thuý- San, Kim-Dung và Phạm Thi An vào cửa nhìn Nguyễn Đình Ngọc và khi bườc khỏi chỗ của Ngọc mỗi "mợ " đều chào Ngọc: "anh Ngọc nhé, anh Ngọc nhé " chắc chỉ là lời trêu chọc nhẹ nhàng thôi, nhưng đối với một người đứng đắn như Ngọc thì đó là một chuyện hơi lạ nên Nguyễn Trọng Nghĩa mới tuyên bố một câu: "anh Ngọc lúc này "ngựa " lắm rồi nhé; Lê Văn Cẩm đứng ở ngay đó cũng phụ họa:"ờ Ngọc ngựa lắm". Cái biệt danh "Ngọc ngựa có được phát sinh một thời nhưng không phổ biến vì Ngọc lúc nào cũng rất "sérieux "…

Vâng Ngọc rất đứng đắn, sẵn với khuôn mặt phúc hậu dễ tạo cho người đối diện một sự tin tưởng, tôi muốn nói đến chữ TÍN của Đông phương và đến khả năng chuyên môn trong y nghiệp. Một lần Ngọc đã trả lời sớm nhất câu hỏi đố vui để học, đề tài "thần kinh nát óc".

Trong bộ đồng phục của Sinh Viên Quân Y (SVQY), Ngọc trông thật bệ vệ và có dáng dấp của một " con nhà tướng ". Vào năm cuối, trong hệ thống tự chỉ huy của  SVQY, cùng với Nguyễn Tài Mai, Phạm Anh Dũng, Huỳnh Thắng Toàn, Nguyễn Xuân Thiều, Trương Văn Như, Lê Vĩnh Thịnh, Lý Văn Quý (Nha khoa ) và Trần Minh Vân (Dược khoa),… Ngọc được đề cử giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 6 SVQY của lớp chúng tôi- Nguyễn Tài Mai là SV Tiểu Đoàn Trưởng- SV trưởng tràng ).

Tốt nghiệp Y khoa, hoàn tất mọi giai đoạn hành chánh và Quân sự Ngọc chọn Tiểu đoàn I Quân y, có lẽ đã được bổ nhiệm về một Trung đoàn bộ binh cũa Sư đoàn I nơi địa đầu giới tuyến. Tưởng chừng con đường binh nghiệp đang rộng mở. 

Nhưng, ....Mệnh nước nổi trôi,

                              Phải chăng từ dạo ấy quan san,
                             Trời đất còn đau nỗi hợp tan.
                             Nhưng chỉ mình ta phai áo lục;
                             Phần em, vẫn thắm lụa Hồng nhan
                                                            ( Vũ Hoàng Chương)
hay rằng
                                   Anh đi mang cả một thời
                                 Tóc em ngã gió phủ đởi thanh xuân.
                                                        
(Nguyễn Bính )


Sau "mấy năm đốt đuốc soi rừng " [* *], Ngọc "ngập ngừng bước chân”; nghĩ rằng có thể tạm ổn định cuộc sống ở trai Nhi khoa Bệnh viện Nguyễn Văn Học và rồi ở bệnh viện Đồn-đất (Grall ngày xưa ). Xong rồi một cuộc can qua nhưng vẫn ê chề bao cảnh nước đau dân khổ.                                            

Nỗi buồn vẫn triền miên. Ngọc tìm quên trong men đắng. Mấy ai hiểu được nỗi trầm tư của Lý Bạch, Phạm Thái.

Ngọc ơi,

Nhớ bạn,

Vì còn đâu nữa cái thời thanh xuânnỗi hợp tan cũng phải xoá nhoà

Trong niềm tuyệt vong này biết cầu xin gì cho bạn; còn phép lạ nhiệm mầu nào chăng hay là thôi thì thôi thì mặc mây trôi [*]

                                                             Phan Ngọc Hà
------------------------------------------------------------------------------
[*] Trong bài hát " Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng ", thơ của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc:       ----Thôi thì thôi thì mặc mây trôi,
                                                       Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan…
[* *]Thơ Nguyễn Bính:
                                     Chín năm đốt đuốc soi rừng
                                     Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân

Nguyễn Đình Ngọc QYHD 21