Trái với Thiên Chúa giáo, những công trình nghệ thuật liên quan đến Phật đản sanh tương đối hiếm hoi.
Tại những quốc gia mà đa số dân chúng theo đạo Phật như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và các nước vùng Đông nam Á, có rất nhiều hình tượng diễn tả Đức Phật Thích Ca thành đạo hoặc Thích Ca nhập Niết Bàn, nhưng phải mất nhiều công phu lắm mới kiếm nổi một pho tượng Phật đản sanh.
Theo truyền thuyết, thân mẫu Đức Phật là Hoàng Hậu Ma-da nằm mơ thấy một vị Bồ Tát nhập vào mình dưới hình dạng một con voi trắng. Bà sinh hạ Thái Tử Tất đạt Đa từ hông bên phải tại vườn Lâm tì Ni. Khi mới sanh ra, Thái Tử bước bẩy bước, dưới mỗi bước chân nở ra một bông sen, một tay người chỉ lên trời, một tay trỏ xuống đất.
Một công trình điêu khắc cổ nhất diễn tả sự tích trên được kiếm ra ở Đông kinh (Tokyo) tại chùa ZenYouMitsu và ở Borobudur, Java, Nam Dương...
Giấc mơ của Hoàng Hậu Ma-da, thế kỷ 2-3 SCN
Phật đản sanh, thế kỷ 2-3 SCN, Tokyo, Nhật Bản
Hoàng Hậu Ma-da đi xe đến Lâm tì Ni, Borobudur, Nam Dương
Ở Bắc Ấn, người ta chỉ kiếm được một bức tranh từ thế kỷ thứ 12 vẽ cảnh Hoàng Hậu Ma-da sanh hạ Thái Tử Tất Đạt Đa từ bên hông
Tranh Phật đản Ấn Độ, thế kỷ thứ 12
Trung hoa, Triều Tiên, Thái lan không có công trình nghệ thuật nào đáng kể liên quan đến Phật đản.
Mới đây, người ta thấy bầy bán một số tượng Thích Ca sơ sinh mà giá trị nghệ thuật không lấy gì làm hấp dẫn lắm.
Riêng Việt Nam có hai kiệt tác điêu khắc liên quan đến PHẬT đản sanh rất được thế giới ngưỡng mộ
Pho tượng thứ nhất hiện đang trưng bầy tại Viện Bảo Tàng Việt Sử Hà Nội
Pho tượng thứ hai hiện đang thờ tại chùa Bà Đá, Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Đây là tượng Thích Ca sơ sinh, một tay chỉ lên Trời, một tay trỏ xuống Đất, xung quanh có 9 con rồng phun nước tắm, do vậy mới kêu là tòa Cửu Long, thường được bầy thờ ở chính điện dưới tòa Tam Tôn.
Cả hai tượng đều làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, từ thời nhà Trần (thế kỷ thứ 14 ).
Thật đáng tiếc khi một đề tài có nhiều huyền thoại phong phú như Phật đản mà lại không được nghệ thuật khai thác một cách nồng nhiệt hơn.
Người ta mong rằng trong tương lai, sự thiếu sót này sẽ được đền bù một cách xứng đáng, các nghệ sĩ sẽ thi đua sáng tác ra những tác phẩm có giá trị làm rạng rỡ một biến cố quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật cũng như phát huy kho tàng văn hóa Phật giáo.
TÔN KÀN kính bút
Mùa Phật Đản 2557 PL