Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

M¶t Tháng Trong ñ©i SÓng Cûa M¶t ChÌ Huy Trܪng ñÖn VÎ MÏ
scan0005
scan0006
scan0007
scan0010
scan0016
Nguyễn Dương

(Ký ức thời điểm giữa năm 1995 khi phục vụ tại Fort Ord, Monterey, CA)

“Nhật lệnh nhậm chức chỉ huy trưởng chiếu theo điều lệ Lục quân số… ký ngày… sĩ quan ký tên dưới đây nhậm chức chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân Y Tiểu bang California” được đọc dõng dạc trên máy phóng thanh bởi Đại úy B… sĩ quan hành chánh Quân y trước một số đông quan khách và một Trung đội lính Quân Y đang đứng dàn chào.

Cờ của khắp 50 tiểu bang Hoa kỳ bay phất phới đằng sau toán lính đang đứng nghiêm chỉnh dàn chào buổi lễ. Đứng tách riêng ra là một nhóm lính danh dự cầm cờ Mỹ quốc, ba cờ Hải Lục Không quân và hai lính cầm súng danh dự đại diện cho Hoa kỳ và Quân lực Hoa kỳ.

Sau khi bản quốc ca chấm dứt và cuộc điểm binh lần chót của vị cựu chỉ huy trưởng, N. nhận cờ chỉ huy do Tướng hai sao P. trao cho với lời căn dặn là hãy lo cho đơn vị hoàn thành được nhiệm vụ tốt đẹp. Sau đó N. trao cờ lại cho Thượng sĩ Thường vụ S. cùng với lời căn dặn là lo cho binh lính dưới quyền được chu đáo. Cờ đơn vị theo truyền thống quân đội khắp thế giới là tượng trưng cho đơn vị và là chỗ tập trung của đơn vị và phải được bảo vệ cho tới tận cùng. N. nhớ mãi, là khi vị cựu chỉ huy trưởng cầm cờ đơn vị trao trả cho Tướng P. thì N cảm thấy muốn bị hắt sì hơi nhảy mũi vì chắc là bị nhiễm ứng, nhưng N. cố ngăn chặn mũi vì đang đúng lúc nghiêm chỉnh lễ nghi nên mặt mày nhấp nháy méo (bị ghi trên video thấy mà tức cười!).

Nhận trao cờ xong, N. trở về chỗ đứng danh dự và nhận lời chào nghiêm phắc tùy phục nhận lệnh của toán lính dàn chào dưới quyền Trung tá E. Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy.

Lần lượt các diễn văn của Tướng P., của vị cựu Chỉ huy Trưởng được đọc lên qua máy phóng thanh. Cũng theo phong tục truyền thống Quân đội Hoa kỳ hai bó hoa hồng được đem ra tặng cho hai vị phu nhân cựu và tân Chỉ huy Trưởng.

Trời xanh màu thiên thanh với không một bóng mây nào cả của California nhưng không nóng nực như thời tiết của Washington, D.C. mà lại mát vì có gió biển thổi nhè nhẹ. N. ngắm hàng cờ danh dự cùng với toán quân dàn chào rồi đưa mắt liếc nhìn đám quan khách trong khán đài mà cảm thấy một dòng máu ấm áp hãnh diện cho người Việt tràn lên lồng ngực.

Tới lượt N. đọc diễn văn, đứng trước máy phóng thanh, N. từ từ đọc lời chào mừng và cảm ơn các tướng tá và quan khách đã tới dự theo đúng hệ thống cấp bực. Sau đó N. cám ơn đám lính dàn chào và đám lính cầm cờ danh dự. N. không quên khen tặng vị cựu chỉ huy trưởng và chúc mọi sự tốt đẹp trong chức vụ mới. N. rất nhớ lời căn dặn của các vị chỉ huy cũ khi N. làm Y sĩ Trưởng Sư Đoàn Thiết giáp Hoa kỳ bên Tây Đức là bài diễn văn nhậm chức càng ngắn càng tốt. Trước khi chấm dứt, N. mời tất cả các quan khách vào phòng tiếp tân ăn tiệc trà giải lao.

Sau đó N. và vợ cùng H., con gái đầu lòng vội đi vào phòng tiếp tân và đứng bắt tay nhận lời chúc khen tặng của các quan khách đang lục đục bước vào phòng. Ngoài các đồ ăn tiệc trà linh tinh còn có một bánh ngọt lớn có cờ Hoa kỳ và lời chúc tụng cho N. được đặt giữa căn phòng. Máy chụp hình lia lịa phát flash choé lên khi N. cầm dao cắt miếng bánh danh dự đầu tiên. Cắt xong N. trở ra tiếp đón quan khách trở lại.

Một lúc sau, N. tháp tùng tiễn đưa Tướng P. ra phi trường trở về đơn vị. Tướng P. là Chỉ huy Trưởng Tổng Y Viện Madigan ở tiểu bang Washington. N. quên cảm thấy đói vì không có thì giờ ăn gì cả. Sau đó N. ra lệnh cho đơn vị được nghỉ nửa ngày hôm đó. Đêm đó tuy rằng mệt vì bị stressed out và chất adrenaline lên xuống dồn dập nên N. không tài nào ngủ được.

N. nhớ lại được biết được chọn làm chỉ huy đơn vị này từ ba tháng trước. Sau khi từ giã đơn vị cũ ở Fort Belvoir, Virginia, N. lo thu xếp đồ đạc di chuyển từ Đông sang Tây (từ bờ biển Đại Tây Dương sang tới Thái Bình Dương). Nhà binh Mỹ đảm nhậm chở hết các đồ đạc trong nhà số lượng nặng nhẹ tùy theo cấp bậc. Vì là dân Mỹ mới tò te trên đất Mỹ, nên đồ đạc N. không nặng lắm. Chả bù với sĩ quan Mỹ khi lên tới cấp Đại tá họ thu trữ mua sắm đồ đạc rất nhiều, nhất là khi họ đóng ở ngoại quốc, họ mua đồ đạc bản xứ to nặng như tủ kệ Đại hàn, Nhật bản, đồng hồ grand-father clock bên Đức hay bàn ghế gỗ teck, đó là chưa kể họ mua bát đĩa Wedgwood đắt tiền và đồ sộ. Có nhiều khi họ lợi dụng mua cả nhiều thùng rượu Âu châu mà không phải đóng thuế nhập cảng.

N. chọn con đường đi làm chỉ huy thay vì làm y sĩ chữa bệnh ở một nhà thương tuy rằng lương không khác nhau và không phải mặc BDU (Battle Dress Uniform) (dễ lè phè hơn) nhưng vì nhận xét là muốn lên lon trong Quân đội Hoa kỳ thì phải sẵn sàng đi nhận chức nào đang trống cần người chỉ huy (chịu khó đi thuyên chuyển), thích được phấn đấu với những thử thách mới.

Trước khi đi N. cũng không quên hỏi ý kiến kinh nghiệm của các vị chỉ huy trưởng khác. Bài diễn văn được sửa soạn thêm cắt cho đúng thủ tục. N. cũng tập dượt nói đi nói lại cho quen và cảm thấy hài lòng khi đi đứng trước máy phóng thanh N. không cần phải đọc từng giòng chữ một như vị cựu chỉ huy trưởng đọc mà chỉ cần liếc qua ý chính để còn có thì giờ ngó khắp đám đông quan khách và toán lính dàn chào (một bài học trong lớp huấn luyện Toastmasters International).

N. lái xe cùng vợ xuyên qua lục địa mất mười ngày. Đúng ra thì sự vụ lệnh cho phép đi bảy ngày được trả per diem mỗi ngày tiền ăn và tiền khách sạn, nhưng N. lấy thêm ba ngày nghỉ phép để có dịp ghé thăm vài bạn bè cũ từ tiểu bang Ohio, Kansas, Oklahoma cho tới Texas, New Mexico và California. N. không quên dừng chân ở Las Vegas, Nevada vài ngày mà hưởng thú vui hào nhoáng tráng lệ và giầu sang giả tạo của các khách sạn lớn như MGM, Luxor và Caesar’s Palace được mọc lên như nấm ở giữa sa mạc nóng cháy Nevada.

Tới đơn vị một tuần trước ngày bàn giao, N. bắt đầu được nếm sự lễ nghi kính trọng của các vị chỉ huy trưởng. Một xe hơi mới được dành riêng cho N. xử dụng với một hạ sĩ tài xế quân phục chỉnh tề sẵn sàng hấp tấp chạy ra mở cửa xe và đứng chào tay khi N. bước tới hay ra khỏi xe. N. quen ngồi đằng trước lái xe nên lúc đầu cảm thấy ngượng ngạo lúng túng khi được mời vào ngồi ghế đằng sau xe bên phải!

Một và hai ngày trước lễ bàn giao, lính đơn vị N. gồm cả y tá lẫn bác sĩ phải tập đi tập lại lễ nghi bàn giao. N. vì bận phải lo đọc các văn kiện giấy tờ đơn vị mới lẫn nghe lời điều trình dồn dập của các trưởng ban trong đơn vị nên không có thì giờ tập dượt mấy. Chính ra phần của N. trong buổi lễ bàn giao cũng chả có gì khó khăn ngoài vụ đọc diễn văn nên N. cũng chả phải lo gì lắm. N. cũng được dẫn đi thăm xem căn cứ Bộ Chỉ Huy của N. Ở ngoài hành lang của văn phòng chỉ huy trưởng có một dãy hình từ Tổng Thống cho tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Lục Quân rồi tới Đại tướng Tham mưu trưởng Lục Quân rồi tới Y sĩ trưởng Lục Quân, Y sĩ trưởng Tổng Y viện Madigan rồi cuối cùng tới vị Y sĩ Chỉ huy Trưởng tiền nhiệm của N. Cái đó để nhắc nhở các binh sĩ và nhân viên dân chính hệ thống quân giai cho đơn vị của N. (N. cũng phải có sẵn sàng một tấm hình để thay thế sau khi nhậm chức).

Ngày bàn giao nhằm ngày thứ sáu nên N. có hai ngày cuối tuần sửa soạn nhiệm vụ chỉ huy bằng cách đọc sơ qua các văn kiện hiện tại của đơn vị. Nhiệm vụ của đơn vị N. là phục vụ quân y cho binh lính và gia đình của các đơn vị lục quân trú đóng ở Bắc California và tiểu bang Nevada. Ngoài ra cũng phải giúp y tế cho các quân nhân hưu trí của vùng đó. Hơn nữa N. còn phải yểm trợ y khoa cho Trường Hậu Đại Học Hải quân (Naval Post Graduate School) nơi mà các Đại tá Hải quân tới trau dồi kiến thức thêm trước khi lên cấp Tướng, lẫn Trường Sinh Ngữ Quân đội cho các Hạ sĩ quan (và sĩ quan) thông dịch viên (nơi mà ngày xưa phần đông binh lính Hoa kỳ phải qua một khóa học cấp tốc trước khi sang Việt nam).

Trường Hậu Đại Học Hải quân, ngoài vụ giáo dục chuyên môn như chiến thuật tầu ngầm, nguyên tử hay điều động Hạm đội cho sĩ quan Hải quân, họ giảng dậy không những cho US Navy nhưng họ cũng mở cửa cho các sĩ quan cao cấp của các nước đồng minh với Hoa kỳ. Đó cũng là dịp các vị Đề đốc tương lai Hoa kỳ kết nối ngoại giao với các sĩ quan cao cấp của các nước khác. Viết tới đây N. chạnh nghĩ tới Trường Chỉ huy và Tham mưu Cao cấp (CGSC) ở Fort Leavenworth, Kansas, mà N. được đi thụ huấn lúc trước ở đó (Class of 1988-1989 Vice President). Lúc đó lần đầu tiên trường cho các sỉ quan cấp tá của Trung cộng (TC) tới dự. Khi thấy tụi nó lên thư viện tra cứu những sự kiện tối mật (Top Secret) của Hoa kỳ, N. cảm thấy không vui, N. có báo với huấn luyện viên của trường nhưng họ chỉ nhún vai cho là phải cần ngoại giao với TC. Lại hơn nữa, trường có treo chân dung to lớn của các sĩ quan đồng minh của trường mà sau đó trở thành nguyên thủ của các quốc gia đó như hình củaTổng thống Zia-ul-Haq (cựu Đại tướng Hồi quốc) nhưng N. không thấy hình của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu (cũng có đi học ở CGSC). N. đưa thắc mắc lên hệ thống trên có thẩm quyền của trường nhưng họ trả lời vì một lý do nào đó họ không thể treo hình TT Thiệu. Thương thay cho những nước nhược tiểu!

Sáng thứ hai là họp tham mưu đầu tiên, khi N. bước vào phòng họp tất cả các trưởng ban đứng dậy nghiêm phắc. N. phải nói “At ease! Take your seat” rồi N. bước vào ngồi ghế chỉ huy đầu bàn và cuộc họp bắt đầu. Chả bù với khi xưa khi N. còn làm trong ban tham mưu, N. phải tới trước và lo lắng phải trình bày gì đây và đề phòng bị truy hỏi.

Sau đó N. đòi hỏi mỗi trưởng ban phải gập riêng N. để trình bày những công tác họ đang làm cùng miêu tả công việc họ phải làm (job description). Nhân dịp đó N. có cơ hội hỏi riêng các khó khăn cá nhân hay ước mong riêng của từng người một. Theo kinh nghiệm cá nhân và xem xét hành động của các vị chỉ huy cũ, vì đơn vị nào bên Mỹ cũng có nhiều quân nhân da đen (hơn với sỉ số da màu bên ngoài dân chính) nên dù bề ngoài là tất cả đều đồng đẳng không có chia rẽ da mầu nhưng bên trong cũng có sự ngấm ngầm discrimination hay reverse discrimination nên N. chọn một Thượng sĩ da đen làm Thượng sĩ Thường vụ cho dễ làm việc.

Vì là Chỉ huy Trưởng nên N. phải làm gương nên ngay thứ sáu cuối tuần đầu N. ra lệnh cả đơn vị chạy PT (Physical Training). N. phải chạy hàng đầu cùng với một tên lính cầm cờ đơn vị và chạy theo nhịp hát bài quân ca (N. không biết hát bản đó nhưng nhờ các binh lính đã quen tập dượt học nhạc chạy khi ở trong trường huấn nhục hét to lớn nên N. không thấy quê). Nghĩ lại bây giờ sao mà N. làm được như vậy vì N. lúc đó tuổi đã hơn năm bó rồi làm sao mà chạy nhanh hơn và dẫn đầu các lính đã trẻ mà lại cao lớn hơn N. nhiều. Có lẽ vì là chạy đầu đàn nên N. chạy chậm thì cả đại đội chạy chậm theo. Chỉ huy trưởng mà!

Về sau ngẫm nghĩ lại N. mỉm cười khi được báo cáo là có một anh chàng trưởng ban từ trước tới nay có tiếng là hay né tránh họp tham mưu lấy cớ là ở Oakland xa bộ chỉ huy độ hai tiếng đồng hồ lái xe. N. khi đi thăm bệnh xá Oakland thì gập hắn ta. N. muốn hắn xuống trình diện và điều trình bệnh xá Oakland cho N. Thế là vài ngày sau hắn ta diện cà-la-hoắt (cravate) chỉnh tề (vì hắn là nhân viên dân chính) xuống gặp N. Chả bù khi gặp hắn ở Oakland hắn ăn mặc rất xuềnh xoàng hơi xốc xếch. Lệnh của một chỉ huy trưởng có khác!

Hai hay ba tuần sau đó, sau khi nghe nhân viên dưới quyền báo cáo và đi thăm các đơn vị mà N. có bổn phận trợ giúp, N. đúc kết lại tất cả các lệnh đòi hỏi của thượng cấp, nhu cầu của các đơn vị mà N. phải trợ giúp và khả năng của đơn vị N.. N. phải nghiền ngẫm đi nghiền ngẫm lại (digest) và sau vài đêm/ngày suy nghĩ N. định một hướng đi (vision) cho đơn vị của N.. Rồi sau đó khi họp mặt lại với các trưởng ban xem xét và sửa đổi hướng đi đó để rồi cho trở thành nhiệm vụ (mission) của đơn vị N.. Các trưởng ban nghiên cứu nhiệm vụ đó để đặt các mục tiêu (tasks) phải thực hiện trong khoảng thời gian tùy theo trường hợp và kiếm cách để theo dõi (monitor) phát triển để hoàn thành nhiệm vụ.

Vì chính phủ Hoa kỳ giảm quân số cắt ngân khoản (như hiện nay) nên hai nhà thương Lục quân lớn là Tổng Y Viện Letterman ở San Francisco và nhà thương Silas B. Hays ở Fort Ord của vùng N. đảm trách phải đóng cửa. Nhưng vì vẫn còn nhiều đơn vị Lục quân nhỏ đóng rải rác ở Bắc Tiểu bang California nên cần nhiều bệnh xá và chẩn y viện để lo cho sức khoẻ binh lính và gia đình. Các chẩn y viện đó không thể chữa trị được bệnh nhân cần nằm ở nhà thương nên đơn vị của N. phải lo thương lượng và ký hợp đồng với các nhà thương dân chính và các bác sĩ điều trị chuyên môn trong vùng để bao thầu chữa trị cho binh lính. Ngoài ra cũng phải lo ký hợp đồng chữa trị cho gia đình binh lính lẫn gia đình chiến sĩ hưu trí đang trú ngụ trong vùng.

Cái khó là vì vùng Monterey là chỗ du lịch của những người giàu sang tới nghỉ mát, hưởng trăng mật hay đánh golf nên các bác sĩ và nhà thương dân sự không thèm dự đấu thầu ký hợp đồng với giá giảm với nhà binh Mỹ (lúc đó gọi là Champus nay đổi thành là Tricare) vì Champus trả giá thấp chỉ khá hơn một chút so với Medicaid/Medicare. Thành ra nhân viên của N. phải thuyết phục họ như kêu gọi lòng ái quốc phục vụ giúp các binh lính Mỹ đang hy sinh để bảo vệ cho họ.

Cái buồn cười là khi N. tình nguyện vào nhà binh Mỹ, N. nhiều lần muốn thuyên chuyển về Tổng Y Viện Letterman (vì là ở tiểu bang nắng ấm California) nhưng không được mà nay N. lại là người ra lệnh đóng cửa khóa lại nhà thương Letterman, đóng cửa một trang lịch sử của Quân Y Hoa kỳ (Tổng Y Viện Letterman là nơi phần đông các binh lính Hoa kỳ bị thương ở Vietnam được chuyển tới mà chữa trị).

Khi đi thăm viếng các chẩn y viện, N. cũng có dịp đi thăm các đơn vị lục quân mà chẩn y viện của N. có nhiệm vụ lo sức khoẻ cho họ. Có chỗ là Trung tâm huấn luyện, chỗ khác là kho đạn dược vũ khí... Khi đi thăm các đơn vị đó N. được mời vào dự thuyết trình do các đơn vị trưởng không phải là quân y thuyết trình. Vì cấp bậc của N. thâm niên hơn các đơn vị trưởng đó nên N. được đón tiếp theo đúng lễ nghi quân cách.

Có một chỗ N. tới thì được biết là đơn vị trưởng đó có phục vụ tác chiến ở Việt nam ngày xưa, có lẽ rất quan trọng mà nay phải ra mở cửa đón tiếp N. và thuyết trình riêng cho N.. N. cũng được dẫn đi thăm chỗ chứa bom đạn, chỗ dùng để phá hủy các đạn dược lỗi thời hay bị hư hỏng phải phế thải và cũng là lần đầu tiên N. trông thấy bom cluster và bom bi là như thế nào. Ở một chỗ khác thì vị chỉ huy chẩn y viện là nhân viên dân chính của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông ta ngày xưa đã phục vụ ở Việt nam với cấp bậc Đại tá Quân y và thường tiếp xúc với các nhân viên cao cấp của Bộ Y tế và Quân y của chính quyền Việt nam thời đó.

Tổng cộng ra có sáu chẩn y viện dưới quyền của N., các chẩn y viện đó phải báo cáo cho N. nhưng ngược lại N. cũng phải báo cáo điều trình lên cấp trên của N. là Tướng hai sao P. qua buổi họp mỗi tuần bằng điện thoại họp viễn liên (teleconference) lúc đó là kỹ thuật mới mẻ nhất còn bị nhiều trục trặc (bugs).

Các chẩn y viện đó ở rải rác khắp phía Bắc tiểu bang California, từ Herlong (Sierra), San Francisco, Oakland tới Los Angeles. Có một chẩn y viện ở Nevada gần Reno nên phải di chuyển bằng máy bay. Thành ra sau khi đi thanh tra thì cũng có dịp viếng thăm Reno là chỗ cờ bạc ăn chơi thứ hai của tiểu bang Nevada (sau Las Vegas). Thường thì viếng thăm thanh tra ban ngày, buổi tối thì trở về khách sạn ở Reno và có dịp đi ăn cơm "buffet all you can eat" ở trong các khách sạn danh tiếng, ăn được ngon mà lại rất rẻ vì chắc được tiếp trợ thêm bằng tiền của các du khách nộp vào sòng bài. 

Xen kẽ vào những buổi thuyết trình của các trưởng ban và các cuộc thăm viếng, N. cũng phải khổ sở vì phải đọc hàng đống văn kiện mới lạ của đơn vị và tìm hiểu thêm về “managed care” để áp dụng trong vùng của N.. N. cũng phải áp dụng các điều học hỏi tại trường Chỉ huy và Tham mưu cao cấp ngày xưa tại Fort Leavenworth, Kansas, nào là cách chỉ huy cứng ngắc nghiêm khắc của nhà binh cho tới cách ngoại giao mềm mỏng của dân chính tùy theo trường hợp.

Vì là chỉ huy trưởng nên N. có quyền ban thưởng một vài loại huy chương. Thế là có lẽ sẽ có nhiều sắc lệnh ban khen huy chương có chữ ký của người Việt Nam được treo lên tường trong phòng làm việc của các nhân viên dưới quyền N..

Cũng có lúc N. được mời đi dự lễ bàn giao của các đơn vị trưởng khác trong vùng N. đóng. Trong một buổi lễ bàn giao của một vị Tướng Hải quân N. làm quen được với một Tướng hai sao của Quân lực Thụy sĩ tới Monterey học ở trường Cao học Hải quân. N. tình cờ khám phá ra Tướng Thụy sĩ này có quen với một Đại tá Thụy sĩ là bạn của N. khi N. học ở Trường Chỉ huy và Tham mưu Cao cấp. Đúng là quả đất tròn thật! Vị Tướng này có mời N. tới nhà ông ta ăn cơm tối, N. lại được một dịp nói tiếng Pháp với ông ta thành ra ông ta và bà xã ông ta thích lắm.

Ngẫm nghĩ lại lúc ban đầu nhậm chức chỉ huy trưởng trong lòng bụng đánh lô tô lo lắng làm sao một Mít mà chỉ huy một đơn vị Mẽo nhưng rồi ngày này ngày nọ qua nhanh chóng chả mấy lúc đã được một tháng rồi! Hên là chưa bị loét bao tử vì phải đương đầu với lo lắng stress hàng ngày. Biết một ngày nào đó sẽ hoàn tất hoàn hảo nhiệm vụ hiện tại và chấp nhận một mục tiêu cao hơn đây? Bây giờ trời đã tối rồi, tháng tám ở California, mùa hè nhưng gió biển thổi nhè nhè man mát, N. ngó lên trời: một vài vì sao đang lấp lánh.

Duong Nguyen, MC
COL (Ret.), USA




Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Loading