Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Nguyễn Nguyên
Với sự tràn ngập thông tin từng ngày từng giờ trong thế kỷ 21 này, công thức W5H hay H5W (“Hát Năm V”) không còn mới lạ gì đối với đa số bạn đọc - nhất là các “học giả”. Tuy nhiên, thông tin dù do ai cung cấp hay từ đâu đến, nếu chỉ dựa vào công thức nêu trên, cũng có thể không những chưa đủ mà còn đưa đến thông tin sai lầm (misinformation). Phần nhiều những gì người ta nói và viết - nhất là trên Internet - đều không thể vội tin mà cần xét lại - "to weigh and consider" (Francis Bacon).
Hầu như nhiều người đã biết rằng khi cung cấp thông tin, các yếu tố trong công thức H5W (“Hát Năm V”) là:
How trình bày sự việc diễn tiến như thế nào?
What nói đến cái gì?
When cho biết lúc nào?
Where cho biết ở đâu?
Who nêu rõ ai đã là tác nhân hay đối tượng?
Why giúp biết tại sao?
Không ít người đã dựa vào công thức H5W (“Hát Năm V”) để cho rằng nguồn tin của mình đã dựa trên dữ kiện. Từ đó họ đã tưởng rằng thông tin của mình có giá trị thuyết phục về pháp lý hay về cách khoa học.
Thật ra, với các chi tiết dựa vào H5W (“Hát Năm V”), thông tin tuy có vẻ chi ly nhưng vẫn chưa bảo đảm giá trị xác thực và khoa học. Trong khi đó Khoa học có cả yêu cầu về Chi ly (Precision) và về mức Chính xác (Accuracy). Dữ kiện và thông tin không nhất thiết phản ảnh chính xác sự thật. Dữ kiện có thể ghi nhận sai hoặc bị làm sai lệch sự thật. Thân nhiệt có thể đo được khác nhau tùy theo nhiệt kế đem dùng. Một bằng chứng cụ thể khác là qua hàng đống dữ kiện, thông tin, và tranh luận trước Tòa, thực trạng về việc chó Dingo tha bé Azaria Chamberlain ở Uluru (Úc châu, 1980) phải chờ 32 năm sau sự thật mới sáng tỏ.
Mặt khác, qua tuyên truyền, quảng cáo, và qua lời đồn miệng, không thiếu trường hợp về những thông tin bề ngoài có vẻ khoa học nhưng thật ra chỉ là “giả khoa học” (pseudo-science) hoặc dựa trên ngụy biện, thậm chí còn có những lời đồn và quảng cáo không đúng hẳn với sự thật. Người Việt nam, qua hàng nghìn năm bị giặc Tầu đô hộ, đã là nạn nhân của mê tín dị đoan nên dễ dàng đón nhận thông tin mà không cần kiểm chứng. Ví dụ: Đâu là bằng chứng cho câu “Nhất nam viết hữu; thập nữ viết vô”? (Một nam gọi là có; mười nữ cũng bằng không!) Ngày xưa, sau mỗi lần sanh, các bà mẹ quê phải tìm xin uống nước tiểu của trẻ con. Ngày nay, để trị bệnh tiểu đường, cũng còn có người cho rằng phải xin nước tiểu của người khác để uống; có người ăn trái bưởi để giảm cholesterol trong máu; có người mới cảm sốt là vội theo lời “khuyến dụ” dùng ngay thuốc kháng sinh mà chẳng cần biết có bị nhiễm khuẩn hay không!
Như vậy, trong thế kỷ 21 này, muốn có cơ sở khoa học, ngoài H5W (“Hát Năm V”), thông tin còn cần chứng cứ (Evidence) VÀ phải là bằng chứng đáng tin và có khả năng đưa đến sự thật (Truth) - hay ít ra cũng dựa trên (hoặc đưa đến) một học thuyết (Theory) khả tín. Thêm vào đó cần nhớ rằng chứng cứ (Evidence) chưa hẳn là bằng chứng (Proof). Trong số những tiêu chuẫn để chứng cứ đáng tin và được chấp nhận về pháp lý như là bằng chứng (Proof == admissible evidence) phải kể đến chứng cứ dựa trên tư liệu (documentary evidence); những chứng cứ chỉ dựa vào bối cảnh (circumstantial evidence) không được luật pháp chấp nhận như là bằng chứng (proof). Về phương diện khoa học hoặc y khoa cũng vậy, bằng chứng đáng tin cậy không thể chỉ căn cứ trên một sự kiện riêng lẻ (anecdote) hay trên một mẫu nhỏ (small sample) vài trăm người để đem dùng vào một tập thể (population) rộng lớn hàng nghìn hoặc triệu người, hay trong một không gian và thời gian nghiên cứu khác biệt. “Sự thật ngày nay không thật đến ngay mai.” - Xuân Diệu, Phải Nói.
Bằng chứng cũng sẽ mất giá trị thuyết phục nếu có thiên lệch (Bias), thiếu chính xác hay không đủ xác xuất đáng kể. Thêm vào đó, quá trình nghiên cứu và cách thâu thập dữ kiện cũng phải được khoa học công nhận - như phép so sánh được gọi là “mù đôi” (double blind).
Tóm lại:
1. Thiếu bằng chứng dựa trên sự thật (Truth), thông tin - dù là từ đâu hay do ai - cũng sẽ mất đi giá trị thuyết phục và tất nhiên cũng mất đi giá trị khoa học.
2. Công thức H5W (“Hát Năm V”), cần được bổ sung bằng công thức “WHET” (What, When, Where, Who, Why, How, Evidence, và Truth/Theory) để thông tin tăng thêm giá trị thuyết phục.
3. Thiếu giá trị thuyết phục thì thông tin chỉ đáng được “ngậm mà nghe” và người trao tin chỉ đáng “kính nhi viễn chi” (kính mà xa vậy).
Chữ B hay số 13 là tùy Cảm nhận của từng người và từng lúc.
Đừng vội tin những điều người ta nói và viết
"Read not to contradict and confute, nor to beleive and take for granted... but to weigh and consider."
Francis Bacon