Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Colonel (Ret.) Duong Nguyen, M.C. US Army |
|
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Đã đến lúc chúng ta phải có một kế hoạch để sẵn sàng tham dự vào cuộc tân tiến hóa hệ thống Y tế công cộng sau khi chế độ cộng sản ở Việt Nam cáo chung. Sức khỏe đại chúng của dân tộc Việt Nam đã bị bỏ bê quá nhiều, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ có tới 63 tuổi và gần 50% các trẻ em ở nông thôn bị thiếu ăn. Không những thế, bệnh hoa liễu và AIDS đang lan tràn khắp Việt Nam. Bài khảo luận này nhằm đề nghị một kế hoạch (blue-print) nhằm giải quyết tình trạng ngặt nghèo của nền y tế công cộng Việt Nam.
Nói về sức khỏe đại chúng Việt Nam, trước hết chúng ta phải có một ý niệm rõ rệt tình trạng hiện tại thực sự của nền Y tế công cộng Việt Nam. Vì muốn thấy kết quả, bao giờ cũng cần biết tình trạng lúc ban đầu từ các cơ sở, nhân viên, vật liệu, ngân sách, luật pháp hay các chương trình sẵn có để rồi từ đó chúng ta cập nhật hóa, tân tiến hóa, hay thay đổi theo ý hướng chúng ta. Trong lúc đó, chúng ta truyền thông một vài chương trình nho nhỏ rất dễ hiểu và có thể thực hiện được chẳng hạn như khuyến khích dân chúng, nhất là ở thôn quê, tránh đi chân đất (như vậy sẽ tránh bị vết thương khi dẫm lên vật nhọn, tránh được bệnh phong đòn gánh, tránh phải chữa trị bệnh sưng mủ với trụ sinh vừa đắt tiền vừa hiếm có, tránh bệnh do ký sinh trùng Ankylostome, v.v…), hay như khuyến khích chỉ dùng nước uống đã đun sôi, v.v…
Nói đến giáo dục đại chúng Việt Nam về y tế công cộng, theo thiển ý của chúng tôi thì chúng ta nên dùng quân đội Việt Nam. Với hơn một triệu binh lính sẵn có kỷ luật, tổ chức, cơ sở và sẵn có mặt tại khắp thôn xã Việt Nam, quân đội là một tài nguyên rất phong phú để tái thiết hệ thống y tế công cộng Việt Nam. Cứ thử tưởng tượng nếu có cả quân đội Việt Nam được “tẩy não” về thế nào là vệ sinh và những sự cải thiện cho vệ sinh được khả quan hơn thì trước hết chúng ta đã có hơn một triệu người đã được “mở mắt sáng suốt” về các vấn đề y khoa phòng ngừa. Nếu các binh lính đó phần đông có gia đình như vậy chúng ta đã có vài triệu người Việt Nam đã được “giải phóng về vệ sinh rồi”. Chúng ta cũng không quên là khi chung quanh chúng ta có các gia đình ăn ở sạch sẽ, ít bệnh tật, thì lẽ dĩ nhiên các hàng xóm láng giềng sẽ bắt chước đời sống sạch sẽ, vệ sinh đó, và dần dần như vậy các khái niệm về y khoa phòng ngừa sẽ lan rộng ra khắp quần chúng Việt Nam.
Như trong hệ thống quân đội Hoa Kỳ có các tổ chức Y khoa phòng ngừa, thì chúng ta lúc đầu huấn luyện các huấn luyện viên (train the trainers) trong các cơ cấu y khoa phòng ngừa Việt Nam rồi từ đó lan ra cho tất cả các đại đội tới tiểu đội. Mục tiêu là tất cả các binh lính Việt Nam đều ý thức rõ rệt làm thế nào để sinh sống lành mạnh vệ sinh. Cũng nên nhớ mặc dù mục tiêu tối cao của quân đội là chống ngoại tặc xâm lăng bảo vệ dân chúng, nhưng trong thời bình có huấn luyện thêm về Y khoa phòng ngừa và bỏ bớt một phần nhỏ huấn luyện quân sự cũng không có hại cho lắm (cũng như hiện nay quân đội Hoa Kỳ có thêm nhiệm vụ là giúp đỡ nhân đạo cho các nạn nhân đang điêu đứng về thiên tai như bão Andrew hay nạn hạn hán giặc giã chết đói ở Somalia).
Hơn nữa, khi quân đội Việt Nam được mạnh khỏe, ít bệnh tật thì đó cũng là một thành công đáng kể. Hơn thêm nữa khi chúng ta dùng công binh Việt Nam đào cống rãnh, đặt hệ thống nước và cầu cống, lấp các ao tù vũng đọng dơ hại để tiêu diệt nơi sinh trưởng các ký sinh trùng như sốt rét thì công binh Việt Nam không những có thêm kinh nghiệm xây cất trên lại còn đem lại sự ấm no khỏe mạnh cho dân chúng Việt Nam. Đó là điều rất làm nở mặt cho quân đội ta.
Sau đây là các vấn đề Y khoa phòng ngừa mà chúng ta phải có kế hoạch thực hiện. Nên nhớ là chúng ta phải thực hiện có thực tế một chút, từng giai đoạn một, tùy theo trình độ hiểu biết khoa học của dân chúng vùng đó, tùy theo cách sống phong tục làng xóm chỗ đó. Chúng ta đừng nên thực hiện các mục tiêu khoa học tân tiến quy mô ngay, mà dùng các mục tiêu nho nhỏ thô sơ dễ làm trước, như giáo dục rửa tay trước khi ăn, không nên đi chân đất hay nên uống nước đun sôi. Trên thế giới nước nào cũng vậy, những nhân vật quyền thế chỉ chú trọng trước hết là xây bệnh viện tối tân để tên mình được đăt trên cổng vào bệnh viện cho có danh tiếng, nào ai có muốn được đặt tên trên một hệ thống cống rãnh! Vì vậy Y tế công cộng phải đi đôi với ngành lập pháp để có một ngân sách thỏa đáng cho Y khoa phòng ngừa.
Một thiển ý nữa là khi thực hiện các vấn đề Y khoa phòng ngừa sau đây, đầu tiên chúng ta phải nghĩ tới đề phòng sự truyền nhiễm và ô nhiễm. Sau đó nếu có điều kiện dư dả thì chúng ta mới lo đến sự tiện nghi thuận tiện và sau cùng là phải giữ sự thăng bằng với thiên nhiên (ecological balance). Lại một lần nữa không những chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với ngành lập pháp để có một ngân sách y tế công cộng dồi dào mà chúng ta còn cần ngành lập pháp ban hành các đạo luật về vệ sinh công cộng: như đạo luật về nước uống, về không khí tránh ô nhiễm, v.v…
CÁC VẤN ĐỀ Y KHOA PHÒNG NGỪA Ở VIỆT NAM
1- Về nước uống:
Chúng ta phải ước lượng số lượng nước uống cần dùng để uống hay tắm rửa, giặt giũ, phân biệt nước để giải trí như hồ tắm công cộng hay nước để dùng trong kỹ nghệ hay nông gia. Sau đó ước lượng tính cách của nước như chất chì, chất nitrate, thuốc sát trùng tan trong nước để rồi đó xây dựng các nhà máy lọc nước hay cho thêm chất fluorides để phòng ngừa sâu răng. Chúng ta cũng cần một hệ thống ống nước không làm bằng chì và hồ chứa nước sạch sẽ.
2- Về thực hiện sự thanh lọc nước và phân bài tiết và nước ô nhiễm.
Chương trình xây hay cập nhật hóa các nhà máy lọc nước uống, nước kỹ nghệ (có rất nhiều chất chì, acid hay các chất hóa học độc hại). Làm một chương trình xây các nhà tiểu đại tiện công cộng/tư nhân tùy theo trình độ văn hóa phong tục vùng đó. Chúng ta khỏi phải nói rõ hơn là chỉ cần ngăn chận ô nhiễm của chất bài phân tiết là chúng ta đã cắt bỏ không biết bao nhiều là chu kỳ sinh sống (life cycle) của các ký sinh trùng và vi trùng.
3- Về không khí ở thành phố và ở các xưởng kỹ nghệ.
Thực hiện các chương trình thanh lọc các chất làm ô nhiễm trong không khí như hơi độc hóa học, bụi, chất chì, khói xuất từ xe hơi hay xưởng kỹ nghệ. Ban hành các đạo luật để làm cho không khí trong thành phố được trong sạch, ra lệnh các xưởng phải được thoáng khí, các ống khói phải được chế biến cho lọc các chất độc, v.v… Nếu không khí được trong lành chúng ta sẽ tránh được rất nhiều các bệnh hô hấp từ ho kinh niên cho tới ung thư, dị ứng.
4- Về rác rưởi.
Như chúng ta đã biết rác đem lại ruồi muỗi, chuột bọ đưa đến bệnh tật hay là rác đưa đẩy các chất độc ngấm xuống đất chạy vào giếng sông hào rạch, ao. Vậy, rác cần phải được tụ tập lại một chỗ đổ rác chọn lọc (landfill) để hoặc đốt cháy lấy nhiên liệu, hoặc chôn sâu dưới đất từng lớp một, hoặc cứu vớt (salvage) để lấy lại để lấy lại các chất hóa học cần thiết như giấy báo, nhôm, thủy tinh, plastic, v.v…Cần nữa là lập một hệ thống chuyên chở gom nhặt rác từ các nhà tư nhân tới chỗ đổ rác.
5- Về sự kiểm soát các thú vật và sâu bọ có hại (vector control).
Chuột không những đem lại bệnh tật lại còn tiêu thụ mất một số lượng nông phẩm đáng kể rất cần thiết cho dinh dưỡng của dân chúng. Cần một chương trình phổ biến rộng rãi diệt trừ chuột, ruồi, muỗi, gián, rận, chấy v.v…
6- Về bảo vệ thức ăn công chúng.
Bảo vệ thức ăn công chúng sẽ tránh chúng ta bệnh tật gây ra do vi trùng như Salmonella, độc tố như Staphylococcin, ký sinh trùng như giun, sán lải, v.v… Chúng ta cần có đạo luật về vệ sinh sạch sẽ trong tiệm ăn, trong bếp, các nhà hàng cao lâu khách sạn, trong các xưởng làm đồ ăn như đồ khô, đồ hộp, rượu, nước mắm, v.v… khi chuyên chở thức ăn hay khi dự trữ tại các nhà khi. Cần đề phòng sự tham nhũng khi các nhân viên đi thanh tra.
7- Về các chất phóng xạ.
Cần một hệ thống kiểm soát khi dùng chất nguyên tử hay quang tuyến ở nhà thương hay ở các lò nguyên tử trong tương lai (như lò nguyên tử làm điện).
8- Về sự an toàn công cộng.
Với một số đông dân chúng tập trung ở một vài thành phố lớn, tai nạn lưu thông càng ngày càng gia tăng. Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp an toàn xe cộ như xây xa lộ an toàn, hệ thống đèn xanh đèn đỏ, huấn luyện bằng lái xe, đội nón sắt, dùng dây lưng ghế ngồi trong xe cộ. cấm chở ba chở bốn trên xe hai bánh. Đào thải dần dần các xe cyclo đạp và cyclo máy. Nghiên cứu các họa đồ xây cất nhà cửa hay xưởng kỹ nghệ cho hợp với điều kiện vệ sinh.
9- Về cá nhân y khoa phòng ngừa.
Tổ chức huấn luyện các cơ sở y tế chống bệnh hoa liễu, bệnh AIDS, bệnh ho lao. Giáo dục chống nghiện hút, rượu chè. Giúp các bà mẹ trẻ với chương trình mẫu nhi, dinh dưỡng, chích ngừa bệnh truyền nhiễm. Cấp phát các phiếu thực phẩm cho các gia đình có lợi tức thấp kém. Giảng dạy vệ sinh cho các trẻ em học sinh ở Tiểu và Trung học. Đặt nặng về môn Y khoa phòng ngừa trong các chương trình Y khoa Đại học.
*****
Tóm tắt lại chúng ta cần có một kế hoạch sẵn áp dụng khi chính thể cộng sản cáo chung. Chúng tôi đề nghị giáo dục đại chúng với những biện pháp sơ khởi như uống nước đã đun sôi, tránh đi chân đất. Trong lúc đó dùng quân đội làm tài nguyên truyền bá cách thức vệ sinh, y tế công cộng như đào cống rãnh., láp các ao tù bùn lây nước đọng, xây các chỗ đổ rác.
Chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ đến mục tiêu đầu tiên là đề phòng sự truyền nhiễm và ô nhiễm, sau đó nếu có phương tiện dư dả thì làm cho tiện nghi, thuận tiện và sau nhất là cần phải giữ thăng bằng với thiên nhiên. Chúng ta cũng cần phải hợp tác chặt chẽ với ngành lập pháp để có một ngân sách tương xứng và để ban hành các đạo luật để che chở sức khỏe cho đại chúng.
Lộ trình tân tiến hóa Y khoa phòng ngừa Việt Nam rất dài và phức tạp, nhưng chúng ta không thể vì thấy khó khăn mà ngại núi e sông được. Chuyện gì cũng khởi sự bằng bước đầu. Chúng ta còn chờ gì vậy? Mong rằng các ý kiến tổng quát trên đây sẽ đem lại hạnh phúc, sức khỏe tốt đẹp cho dân chúng Việt Nam.
Washington, D.C., 16-8-93
Lời Giới Thiệu của Ban Biên Tập
BS Nguyễn Dương gia nhập Quân đội Hoa Kỳ năm 1979 sau khi hoàn tất chương trình nội trú Nội Khoa và residency về Y Khoa Gia Đình và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được phong cấp bậc Đại tá thực thụ vào năm 1993. Ông đã từng giữ những chức vụ chỉ huy quan trọng trong binh chủng Quân Y Quân Đội Hoa Kỳ và với cương vị đó, ông đã viết rất nhiều tài liệu về Y Tế có tính cách chiến lược trong việc phòng ngừa bệnh tật, phương pháp tản cứu thương ngoài chiến trường trong Thế kỷ 21, phương pháp chăm sóc Y Tế cộng đồng v.v... Một số các biện pháp BS Nguyễn Dương đề nghị đã được Quân đội Hoa Kỳ áp dụng thành công cho đến ngày nay.
Bài viết sau đây của BS Nguyễn Dương tuy đã được viết từ năm 1993 nhưng đọc kỹ chúng ta vẫn thấy còn đầy đủ các lý thuyết và nguyên tắc đề nghị rất thực tế và có giá trị, đặc biệt là ý kiến sử dụng hệ thống quân đội để làm nền tảng cho việc cải tổ về Y tế công cộng. Do đó, chúng tôi xin được đưa bài này vào Dự Án Ba Tự Ba Công để làm tài liệu tham khảo