Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Nguyễn Hiền
Tôi ngồi trên chiếc ghế bành mây đặt nơi góc ban công nhỏ nhìn xuống đường. Thành phố buổi chiều, trước khi nắng tắt hẳn, với dòng xe tưởng chừng bất tận, như chuyển mình tìm đến chỗ ăn, chỗ chơi. Ngôi chợ xéo cửa nhà bắt đầu thu mình lại ngủ, trên sạp hàng chỉ còn nằm trơ những mảnh giấy báo tơi tả, tàu lá chuối tưa xanh úa vất ngổn ngang trên lề lầy lội. Con rạch cạn đàng xa bốc mùi bùn rác thum thủm. Tôi mỉm cười, nghĩ đến cái người ta gọi là mùi quê hương. Quê hương tôi đâu đến nỗi rách bủng và thối tha như thế. Mấy đứa bé quần áo nhếch nhác cùng hai con chó gầy sục sạo trong đống rác bươi móc. Những vật thải ra bao giờ cũng có thể là bắt đầu của một đời sống mới, của con người cũng như của con vật. Ðặng dò lên gác, hỏi tôi đói chưa. ‘Ði ăn,’ anh ta nói, ‘tối rồi.’ 'Bà xã đâu?', tôi hỏi, câu hỏi đồng nghĩa với lời mời một bữa cơm. 'Bà ấy bịnh, nhức đầu gì ấy.' 'Trời độc dữ vậy hả, mới trưa này tôi còn thấy bà ấy lạng Honda mà.' ‘Ừa! Chắc trúng nắng. Thôi mình đi, để bà ấy ở nhà trông thằng nhóc.'
Quán ăn đông, người nhiều hơn ruồi. Hơn một nửa phanh ngực áo. Một khuôn mặt đỏ ké đến tận khoảng ngực trần nhìn tôi cười ngu ngơ chào, cánh tay gầy nổi gân chìa ra ly bia sóng sánh bọt. ’Việt kiều hả?’ Mấy cặp mắt cùng quay lại, dò hỏi. Tôi làm lơ không trả lời, kéo ghế ngồi xuống bên chiếc bàn kế cửa ra vào, quay mặt ra con lộ lởm chởm đá. Trời bên ngoài hầm hập, cái nóng buổi chiều táp xuống, bếp lò trong góc quán bốc lửa hực lên, con người ở giữa chịu đựng. Vậy mà họ vẫn cười, vẫn nói giỡn chuyện tiếu lâm. Duy tiếng chửi có lẽ nhiều hơn tiếng bàn chuyện.
Quanh chiếc bàn tròn giữa quán người ta đang lôi mẹ của nhau lên bàn làm tình tập thể bằng lời thốt ra từ những lỗ miệng sùi bọt, phun khói thuốc chưa kịp hít vào buồng phổi ám bụi đường thành phố. Ðặng hắng giọng gọi thằng nhỏ, chắc con chủ quán. Tiệm này nó quen. Thằng nhỏ, quần bò xanh bạc đít, sờn hai lỗ hở đầu gối, tất tả chạy lại, khúm núm. Ðặng dặn vài câu, tôi chỉ nghe được loáng thoáng mấy tiếng bò, gà... và cuối cùng chữ Heineken quen thuộc. Chúng tôi cụng ly, dù chẳng biết cụng để làm gì. Giữa tôi và Ðặng cho tới lúc đó chỉ có mỗi một sợi dây liên lạc là mảnh giấy nhỏ tôi đã cẩn thận xếp bỏ vào túi hôm trước khi lên máy bay. Giấy ghi vỏn vẹn ba hàng chữ : 'Anh Ðặng. Có thằng bạn về, muốn ghé Sàigòn chơi ít ngày trước khi ra Trung. Nhờ anh chỉ dẫn giùm'. Thêm câu dặn dò trước khi tôi lên đường: 'Ðặng hồi trước là thổ công Sàigòn đấy. Chỗ nào nó cũng xục mõm vào. Chẳng hiểu hồi này nó ra sao? Dù sao cũng vẫn hơn chỗ thằng Thành. Ðặng nó có phòng cho thuê chui, tự do hơn.' Tôi thầm cám ơn anh bạn, lúc vừa bước chân xuống phi trường thành phố nắng chói chang, chạm mặt với một thực tế không như mình nghĩ.
Ðúng như lời người bạn, nhà Ðặng có phòng xây đặc biệt cho khách nước ngoài đến trú ngụ. Từ khoảng sân trước nhà có cầu thang riêng lên căn gác nhỏ. Căn phòng bé tẹo, vừa một giường một bàn một ghế một tủ. Giá biểu không treo. Nhưng địa chỉ đã được truyền miệng nhau, ra đến tận nước ngoài. Khách đến trọ, bất kể gốc Việt hay Tây, đều tiền trao, hàng nhận, không vương vấn tình cảm với mấy câu xã giao mệt óc. Hơn nữa, tôi biết, Thành là chỗ hùn hạp làm ăn với người bạn, anh ta muốn tránh, không cho tôi đến ở đậu. Ở trọ vài ngày, ai cấm mồm miệng giữ được những chuyện tôi cần giữ kín cho anh ta về vấn đề làm ăn. Xe taxi máy lạnh có bác tài lanh miệng đưa tôi về địa chỉ ghi trên giấy, sau gần nửa giờ chạy vòng vèo trong phố tung bụi vàng xám.
Bấm chuông cửa, tôi gặp Ðặng, quần xà lỏn cháo lòng, áo thun lỗ lấm mồ hôi, bàn tay dầu mỡ còn nắm mấy con bù loong. Tôi xưng tên, đưa mảnh giấy gởi gấm, kèm thêm tờ bạc hai chục chưa có một đường gấp, và con chó bông tôi vơ vội trong tiệm đồ chơi gần nhà buổi sáng trước khi lên phi cơ. Anh ta cầm lấy, liếc nhìn con số nơi góc, xếp lại, lận vào cạp quần, không đẩy lui khách sáo. ‘Cám ơn anh.’ Ðặng chùi tay vào ống quần, bỏ con chó bông trong giỏ máng trước chiếc xe đạp dựng kề vách, xách va li lên, chỉ tôi lối lên phòng. Tôi nghĩ số tiền mình đưa chắc là đủ, ít nhất. Hoặc tôi hào phóng. Bằng chứng ở chỗ mới buổi sơ giao tự dưng giờ này Ðặng đẩy cửa lên, mời tôi đi ăn cơm chiều. Hay Ðặng nghĩ bữa cơm ra mắt đương nhiên tôi sẽ phải trả tiền. Như vậy cụng ly để mừng anh chàng có thêm chút lộc người nước ngoài mang tới, cũng có thể là một lý do để hai ly bia cùng vơi thêm một hớp.
Ðặng hỏi chương trình. Tôi ừ ào cho qua, nói mai phải đi thăm Thành và vài người bạn học chung trường hồi nhỏ.
‘Thành nào?’ Ðặng hỏi. ‘Phải Thành cơ sở Ðức Hưng thầu xây cất không?’
Tôi ngạc nhiên:
‘Sao anh biết?’
‘Tôi quen. Hôm trước có nghe Thành nói sắp có người về thăm bàn chuyện làm ăn. Ðể mai tôi chở anh đến đó.’
Tôi lắc đầu:
‘Thôi khỏi.’
‘Thì tùy anh. Anh muốn đi đâu cứ nói.’
Rượu lại dốc vội vào cổ, trơn tuồn tuột làm thức ăn chỉ chực trào ra. Ðặng thanh toán hai đĩa mồi chóng vánh. Thố cơm trắng cạn một nửa. Tôi đưa mắt hỏi dò. Anh ta xua tay. 'Ðủ rồi. Ăn nhiều chỉ tổ nặng bụng'. Anh chàng vớ tăm, xỉa răng lách tách, thỉnh thoảng chiêu ngụm bia giữ độ say khỏi chùng xuống. Tôi ngượng ngùng nhìn ra đường, cho con mắt tránh hàm răng lô nhô của người đang làm công tác vệ sinh hàm miệng. Ðặng hỏi tôi vài câu vu vơ, dường như hỏi để cho có, không đợi câu trả lời. Hai chúng tôi chưa tìm được mẫu số chung. Những mẩu chuyện trao đổi rời rạc, dường như nói chỉ để cho mình nghe, hoặc để cho bàn bên nghe ké.
Thấy tôi che miệng ngáp, Ðặng vội hỏi:
‘Mệt à?’
‘Chưa. Nhưng mình có tật mỗi khi uống bia là mắt cứ muốn nhắm lại. Với lại tiệm này sao nóng quá.’
Ðặng sốt sắng:
‘Vậy thì đi. Tôi chở anh vòng vòng ra ngoài Sài Gòn coi, chớ mấy bữa nữa anh ra ngoài đó biết chừng nào mới trở lại. Anh ngồi đây chờ tôi về lấy xe.’
Anh ta cắp thêm điếu thuốc chưa mồi, biến sau hàng vách gỗ. Một cách chạy làng đây, tôi nhủ thầm. Tôi ngồi lại, vơ vẩn nhìn chung quanh. Cô bé chạy bàn đã thu dọn đống chén đĩa, xương xẩu. Con chó đen có hai xoáy trên lưng ngồi dưới đất phơi của quý, lè lưỡi, giương mắt đỏ hau háu nhìn. Thố cơm dở dang được trút vội vào chiếc bịch nylon kẹp dưới nách một thằng nhỏ đang đứng lảng vảng. Nó cắp thêm sáu lon bia đã cạn, còn bỏ lăn lóc trên bàn. Cô bé trở ra, trao cho tôi chiếc khăn trắng mát lạnh trộn mùi xà bông thơm hắc, và đặt lên bàn bình trà, hai chiếc ly. Một cho tôi, một cho con ma Ðặng đã biến. Tôi chặc lưỡi, móc tiền trả, vừa lúc Ðặng trở lại cùng tiếng gầm rú hục hặc của cỗ xe gắn máy còn bóng nước sơn mới. Tôi đứng dậy, vỗ túi, vươn vai ngáp lần chót, làm vài động tác thể dục và leo lên yên sau chiếc xe đang nổ máy sẵn chờ đợi. Ðặng phóng vút đi. Hàng đèn chong sáng đường phố ngả nghiêng trong đôi mắt rượu. Thành phố với tôi lạ lẫm. Ðặng vừa lái vừa ngoảnh ra sau chỉ dẫn những nơi vừa đi qua. Hắn hỏi lúc chúng tôi nghỉ chân trong một tiệm nước cho tôi đi tiểu:
‘Anh muốn đi đâu?’
‘Tôi chẳng biết nữa. Ở đây tối có mục nào vui?’
Ðặng nhún vai :
‘Nếu tối thứ bảy thì có mấy tụ điểm nghe nhạc. Còn hôm nay thứ hai. Thứ hai chẳng có gì ráo. Ðúng ra thì lúc nào cũng có mục. Nhưng chỉ có mấy ông lớn với dân lắm bạc mới dám vô. Dân như mình chưa đủ tiền mua vé nhìn qua khe cửa.’
‘Chứ thường thì tối anh làm gì?’
‘Ban ngày làm mệt thấy cha. Tối bò ra ngủ. Hôm nào túi dằn được ít tiền thì thả xe dạo vòng vòng. Hôm nào dư dả rủ mấy thằng bạn vào quán bao lẫn nhau.’
‘Bà xã không nhằn à?’
‘Nhằn với nhả. Công việc mà. Mẹ họ nó. Công an thuế vụ nhằn cả ngày chưa đủ sao, còn thêm bà xã nhằn thì chỉ có ngáo.’
Khi say người ta thường trở nên dạn dĩ, ngay cả với lời nói. Có lẽ nhờ thế mà Ðặng trở nên bạo dạn hơn. Bạo dạn làm người ta không còn e dè khi mở nắp thùng chứa đựng uất ức tích tụ lâu ngày. Tôi cười :
‘Nói giỡn chơi mà anh.’
‘Biết rồi. Thôi ghé chỗ này chơi.’
Chiếc xe chồm lên lề, tấp vào một dãy chậu cây cảnh loè xoè những tụm lá che kín một góc. Một rặng ống trúc cưa xéo, vàng ệch thay cho mặt tiền căn phố tối đen. Tiếng kèn rên một khúc nhạc ẩm ướt xoáy vào tai lùng bùng. Giọng George Micheal gào lên cùng tiếng trompette: ‘Tonight the music seems too loud’. Tôi hỏi: ‘Uống nữa à?’ Ðặng không trả lời, chỉ gật đầu, kéo bừa tôi vào. Tôi ngại ngùng, nhưng rụt lại không kịp nữa. Ðôi mắt chưa quen bóng tối hấp háy chỉ thấy những phên lá gồi chắn ngang như dãy chuồng bò. Nhưng không có bò. Chỉ có những cặp chúi đầu vào nhau. Ðặng đẩy tôi vào một ngăn. Một chiếc bàn chữ nhật khập khiễng chân. Năm chiếc ghế nệm da quây thành vòng bán nguyệt, chừa lối ra hành lang chạy dài xuống sân sau. Ðặng ngoắc một cô gái đang đứng vơ vẩn dựa quầy tính tiền, vạt áo trước xẻ rộng hở rốn quít. Thằng này đúng là thổ công. Cô gái đon đả chạy lại:
‘Chào anh Ba.’
Cô ta sà vào giữa. Ðặng hơi nhích ra nhường chỗ cho đôi mông múp míp đặt xuống, vừa khít khoảng trống.
Ðặng rúc vào màng tang cô nàng, hỏi trống không:
‘Hồi này sao?’
‘Cũng vậy vậy thôi anh Ba. Ðể em kêu Nguyệt ra cho anh Ba nghe. Hai anh uống gì?’
Dường như quán chỉ bán có một thứ, vì Ðặng không trả lời. Cô gái thót ra, đi vào nhà sau. Tôi ngây ngô hỏi:
‘Cái này là cái gì thế?’
Ðặng không trả lời ngay câu hỏi của tôi, ghé vào tai thì thào:
‘Nguyệt nó dễ thương lắm. Lát nữa anh cứ tự nhiên.’
Tôi định hỏi: cô ta không ghen à? Nhưng chỗ cô gái vừa bỏ đi được trám ngay bằng một thân hình nữ uốn éo, có tóc đen dài vừa chấm vai và những móng tay đỏ màu máu bầm. Tôi mỉm cười xã giao khi nghe Ðặng giới thiệu tôi với cô gái bằng một cái tên bá vơ. Những chuyện trao đổi vớ vẩn chẳng đâu vào đâu. Hai chiếc ly eo thon chưa kịp vơi một nửa đã vội đầy. Tôi nhìn miệng và đôi tay Ðặng hoạt động không một phút nghỉ trên cô gái hắn quen. Cô bé có tên Nguyệt quàng tay qua vai tôi. Chắc cô ta chờ tôi khởi động. Những động tác mang lại hy vọng có được thêm một tờ giấy bạc màu xanh đọt chuối. Nhưng tôi chợt thấy dửng dưng.
Có lẽ tôi đang nghĩ đến Karin. Nếu cô ta là Karin nhỉ. Karin đã lâu không còn gọi điện cho tôi nữa. Kể từ ngày thằng mặt trâu từ đâu bỗng xuất hiện. Những bắp thịt nổi cuộn ở cánh tay để trần, ở phản ngực chặt căng dưới làn áo vải thun ngoằn ngoèo những phiến màu lập thể đã tàn nhẫn đẩy tôi ra khỏi trí nhớ của cô gái tóc bạch kim tên Karin. Bây giờ bên ấy đang là buổi chiều thứ hai. Chiều thứ hai nơi tôi ở không có những nhộn nhịp như ở đây, không có phố đông người, không có đường ngợp nắng bỏng rát mặt, nhưng có những khu rừng thưa chúng tôi đã từng quấn lấy nhau, lăn lộn trên thảm lá ẩm, đâu đó điểm vài mũ nấm trắng, xám bạc hay hồng bất chợt hiện lên kinh ngạc nhìn hai đứa. Tôi bỗng nổi giận ngang, đấm tay xuống bàn. Ly bia rung rinh sắp đổ. Cô bé ngồi cạnh sợ sệt, đưa tay đỡ, lấm lét nhìn tôi. In hệt tôi như ông thần mà nàng phải chiều chuộng. Lạ. Tôi chưa bao giờ gặp ở Karin ánh mắt chiều chuộng như Nguyệt tối này. Tôi chợt nghĩ tới đôi mắt rắn của một cô ca sĩ mình đã có thời chết mệt.
‘Em có làm gì anh đâu mà anh giận vậy?’
Tôi cười giả lả:
‘Ðâu có. Anh bực mình chuyện bên đi làm bên đó.’
‘Sao?’
‘Mấy thằng xếp Tây chỉ giỏi ăn hiếp.’
Nàng không nói, tiếp tục rót bia ra ly, đưa tới tận miệng cho tôi. Thấy nàng khẽ liếc mắt xuống chân bàn đếm số lon còn lại, tôi chặn:
‘Thôi anh không uống nữa đâu.’
Bị lật tẩy, cô nàng cười trừ:
‘Thôi thì thôi. Em đi lấy đậu phộng trái cây cho hai anh nghe.’
Tôi gật, nhìn đồng hồ. Cô gái biến đi, như sợ tôi rút lời lại. Ðặng hiểu ý, hỏi:
‘Anh không thích hả? Nguyệt nó dễ thương nhứt quán đó. Ðặc biệt cho anh mà.’
Tôi không biết trả lời sao, chỉ ậm ừ, bảo Ðặng: ‘Thôi mình về. Say rồi.’ Tôi rút tiền trả, dúi cho mỗi em một tờ. Trong chớp mắt, mấy mẩu giấy xanh biến mất trong lưng quần sa tanh láng, màu trắng và đen. Tôi ra đến cửa, ngó lại còn thấy Ðặng tán dóc với mấy con bướm cái vơ vẩn trước quầy. Lúc tôi đang tò mò soi mặt mình trong kiếng chiếu hậu xem đã đỏ đến đâu thì hắn ra. Lên xe, Ðặng nói: ‘Nguyệt nó kẹt, không chịu đi. Tôi kiếm cho anh con nhỏ khác rồi.’ ‘Ðể làm gì?’ Tiếng Ðặng thoảng trong gió: ‘Ôm chứ còn làm mẹ gì nữa. Lát nó tới sau. Tùy anh cho nó bao nhiêu cũng được.’ Tôi suýt bật ngửa xuống đường khi Ðặng rồ ga cho xe vọt lên trong tiếng cười quái dị của thằng người say.
Lúc chúng tôi trở về, ngọn đèn nhỏ trên lầu đã tắt. Ðặng càu nhàu, mò tìm công tắc. Có tiếng lách cách, tiếng chửi lầu bầu. Tôi hỏi:
‘Ðèn hư hả?’
‘Chắc cầu chì đứt.’
Hắn lôi trong xó tối một vật màu trắng, giơ lên soi trong vùng sáng hắt ra từ nhà hàng xóm.
‘Anh có cái kẹp giấy nào không?’
‘Gì?’
‘Anh xem có cái kẹp hồ sơ cho xin...’
Tôi tròn mắt:
‘Anh làm cái gì vậy?’
‘Cầu chì đứt. Khắc phục thôi.’
Tôi lục trong bao bị, đưa Ðặng chiếc kẹp. Hắn hí hoáy tra vào cục sứ trắng. Nút điện lại bật lách cách. Tiếng chửi thề:
‘Mẹ. Ðâu cũng tiết kiệm, tiếc tiền chứ tiết kiệm gì. Có cái kẹp cũng làm không xong.’
Tôi lo sợ:
‘Sao?’
Ðặng cười :
‘Quên mất là anh đứng đây. Hồi kinh tế khó khăn, cầu chì đứt cứ lấy đại thứ gì đút vào xài tạm cũng được vài bữa. Bây giờ...’
Quen ở xứ được mệnh danh là văn minh, tôi vội cản:
‘Thôi để mai sửa. Anh làm ẩu rủi cháy nhà thì sao?’
‘Thì cất nhà mới. Ðặng hơi nổi quạu, đưa tay quẹt mồ hôi lấm tấm hột trên trán. Ðể tôi xuống coi cái cầu chì nào còn tốt lấy lên thay cho anh.’
‘Thôi để đó anh. Mai tính. Giờ còn đi ngủ.’
‘Ngủ gì ngủ nữa cha nội. Ðặng khôi hài. Tính để đèn cho anh còn thấy trắng đen chớ. Thôi mình rút nghe. Nhớ coi chừng cái bóp.’
Bước chân lần xuống cầu thang. Tôi ra ban công, ngồi trên chiếc ghế mây buổi chiều đã ngồi, nhìn xuống mặt lộ đang cố nguội đi. Nghĩ vơ vẩn. Tới những gì dồn dập đến chỉ trong một ngày. Dưới nhà có tiếng con nít ho. Tiếng người nói rì rầm. Không biết có phải vợ chồng Ðặng đang tâm sự với nhau về tôi chăng? Hay hai người đang bàn tán về món bổng bất ngờ? Khắp nơi tuồng như có ngàn con mắt đổ dồn về căn nhà. Bên dưới, cảnh ấm êm, vợ chồng, đứa con nhỏ rúc trong giường buông màn kín. Bên trên, tôi ngồi nghĩ đến gia đình tôi đang ở đậu. Ðến những chuyện chúng tôi vừa trao đổi chiều nay. Ðến câu tự hỏi đã mấy lần Ðặng làm chuyện môi giới lạ kỳ này?!
Có lần nào Ðặng lén vợ lên ngủ trên căn gác hẹp này không? Những dấu hỏi xoay trong đầu làm tôi không chú ý tới người con gái chợt hiện ra, đứng tần ngần trước cánh cửa lưới sắt bên dưới đang mở nửa chừng. Tôi đưa tay chào, cô gái thoắt vào, khép cửa. Những bước chân lên thang nghe như tiếng trống, hòa với nhịp trống trong ngực. Thì ra những chuyện vụng trộm cũng có những cái thú riêng của nó. Miếng kẹo cắp được trong lọ bao giờ cũng dường như ngọt hơn. Tôi đưa tay lên môi, suỵt khẽ lúc cô nàng vừa bước lên đến nấc thang chót.
‘Nhẹ chút em, để họ còn ngủ.’
Cô nàng cười khẽ, tiếng cười như cú rúc bị bóp mỏ. Tôi tưởng như dưới nhà bốn con mắt cùng mở lớn một lượt, hai cặp tai đang vểnh lên. Cô gái bước lại chỗ tôi ngồi. Ánh đèn vàng vọt hắt lên, soi khuôn mặt tròn với những lọn tóc xõa. Mùi nước hoa sực vào mũi. Tôi hỏi nhỏ:
‘Em đi bộ à?’
‘Không. Thằng nhỏ đằng quán chở em lại.’
‘Nó đâu rồi?’ Tôi lo sợ hỏi.
‘Chuồn rồi. Chút nó lại rước em về.’
Tôi kéo cô nàng vào phòng. Chúng tôi mò mẫm trong tối cởi quần áo cho nhau. Lặng im. Tưởng như giun dế cũng ngóng cổ nhìn. Mảng vai trần lộ ra, trắng một cách lạ thường, nhám mồ hôi. Có tiếng thì thào hỏi:
‘Ðèn đâu?’
‘Hư rồi.’
‘Sao không sửa anh?’
‘Tiệm đóng cửa hết rồi. Ðể mai coi. Em cần đèn hả?’
Nàng lắc đầu, cười, chuồi xuống, đẩy cơ thể tôi lên cao trong nỗi thèm khát. Ðôi môi mọng ướt vẫn tiếp tục sục sạo bới tìm. Của tôi bị khóa cứng, muốn vỡ bung, lạc vào mê hồn cung không lối ra. Muốn thoát thân, chỉ còn cách trút bỏ những gì tôi đã giữ mấy tháng nay cùng tiếng kêu đã lạc mất âm điệu người. Cô nàng trườn lên, rúc đầu vào ngực tôi ngọ ngoạy. Tôi xoay người nhìn xuống. Trong tối, mắt nàng mở lớn, long lanh ranh mãnh. Tôi cắn vành tai mỏng có đeo chiếc vòng bạc, lóng lánh nửa mặt trăng:
‘Ở với anh đêm nay không?’
‘Không được đâu.’
‘Sao không?’
‘Thằng nhỏ đứng đợi bên dưới.’
‘Cho nó về. Anh đưa tiền xe.’
‘Em còn gia đình, lâu lâu mới dám xé rào một bữa.’
‘Thì xé rào luôn đêm nay đi.’
‘Không dám đâu.’
‘Anh mê em rồi.’
Trong cơn hoảng loạn, tôi lúng túng tìm môi cô nàng. Nàng đẩy ra:
‘Ðừng anh.’
Niềm hứng khởi của tôi giảm mất hơn một nửa khi nhớ đến nghề nghiệp của nàng, dù cho công việc này thuộc loại nghiệp dư, theo như nàng nói. Tôi thở ra:
‘Thì nằm một lát nữa đã. Về chi gấp.’
Nàng không nói, nằm úp xuống, hai cánh tay rắn thắt chặt hông, bàn tay lần lên vuốt ve hai tấm xương bả vai. Tôi lật ngửa nàng ra, trước khi nhắm mắt tôi còn thấy một nốt ruồi nhỏ bên trên khoé mắt. Nốt ruồi lớn dần, lớn dần cùng cơn mê...
Cơn mê chợt biến khi tôi nghe tiếng nàng chỗi dậy. Tôi hỏi khẽ :
‘Về thực hả?’
‘Ừ.’
Tôi dúi vào tay nàng một tờ bạc xanh.
‘Cần anh đưa xuống không?’
‘Thôi khỏi, em biết đường xuống mà. Có nước không anh?’
Tôi chỉ tay lên đầu giường. Tiếng vòi nước xè xè, tiếng súc miệng, hớp nước, rồi đôi môi lạnh áp lên má tôi cùng những sợi tóc lòa xòa, hôi mùi nắng lẫn mùi nước hoa ngai ngái, rủ xuống mặt:
‘Thôi em về nghe.’
‘Em sập cửa lại giùm anh cái.’
Tôi hờ hững quay mặt ngó ra, chỉ thấy tấm lưng lách qua phiến cửa đang khép lại, tiếng kêu của ổ khóa bập vào nhau, những bước chân nhẹ xuống bực cầu thang lạo xạo cát và tiếng máy xe rú lên từ xa chạy lại. Tôi chẳng còn một chút hình ảnh nào của nàng, ngoài chút nhẹ tênh sảng khoái sau trận vật dục, hình ảnh một đốm nút ruồi mơ hồ trên khóe mắt, và bốn mẫu tự L-O-A-N còn giữ được trong đầu.
Nếu tôi không mang một tật xấu là không thể ghi nhớ những khuôn mặt mới gặp vào trang ký ức thì tôi đã không phải vất vả cho đến hôm nay với câu hỏi vẫn lẩn vẩn đến sau đêm hôm ấy, và cho cả đến nhiều ngày sau, khi tôi đã từ giã Thành, người tôi phải đến bàn công việc cho người bạn, và Ðặng, người đã cho tôi tá túc. Bởi vì ngày hôm sau, tôi đã phải ngơ ngẩn đến mấy phút khi Thành gọi vợ mang nước cho khách. Tôi nhớ sau đó tôi đã lúng túng không còn biết những gì tôi đã trao đổi với chủ nhân về vụ hùn hạp. Bởi vì trong mắt và trong đầu tôi chỉ còn mỗi hình ảnh đốm nốt ruồi đen trên khóe mắt người đàn bà Thành giới thiệu với tôi là vợ.
Nàng đặt khay trà lên bàn, mỉm cười chào, và quay vào nhà trong. Nhanh và nhẹ đến mức tôi không bắt nổi mùi hương phảng trong không gian để có thể so sánh với mùi hương từ ngực và từ mái tóc cô gái đêm qua tôi còn giữ lại. Tấm sáo trúc hở ra trong khoảng khắc rồi khép lại như tuồng không có gì thay đổi trước đó.
Lúc cáo từ người bạn làm ăn, trên đường trở về căn nhà trọ, ôn lại câu chuyện vừa mới bàn bây giờ đang dần dần trở về trong trí, tôi mới chột dạ thấy mình đã hớ hênh nhiều điều. Bữa cơm tiễn tôi hôm sau lên đường ra Trung, Ðặng thỉnh thoảng nhìn tôi cười tủm, nụ cười tôi không biết ngụ ý thầm hỏi thăm tôi chuyện đêm rồi, hay chọc ghẹo tôi đã bị vào chiếc bẫy đã giăng. Tôi nhớ đến lời anh bạn dặn nhỏ trước khi tôi về:
‘Ðặng hồi trước là thổ công Sàigòn đấy. Chỗ nào nó cũng sục mõm vào.’
Có lẽ bây giờ Ðặng vẫn tiếp tục là thổ công mảnh đất đã trở nên bát nháo này.
Hay là... ngay chính trên mảnh đất bát nháo này, có những cặp vợ chồng đã chỉ còn trơ ra là những con người đầy toan tính, chỉ sống hờ với nhau như một giao kèo bất đắc dĩ phải thi hành cho tròn lời giao ước trong những đêm đam mê ngày xưa ngợp ánh trăng màu sữa đặc? Tôi đã cố tìm một kẽ hở thời gian để hỏi thẳng Ðặng cho ra lẽ, nhưng chính vì tính quân tử tàu, sợ chén đĩa bay khi tôi đã khăn gói ra đi, tôi đành để trôi mất cơ hội không bao giờ gặp lại, và mang thêm mối canh cánh bên người.
***
Có lần, ông Piet, người phụ trách tìm thị trường mới cho hãng bảo tôi:
‘Xứ tụi bây kỳ cục. Không thể tin được.’
‘Sao không tin?’
‘Dân da vàng tụi mày biết rõ tụi tao như đi guốc trong bụng. Tao tưởng hiểu được tụi mày, nào ngờ cuối cùng lại bị cho vào xiếc. Có khi nó dám đưa cả vợ con nó ra làm mồi nữa’. Ông ta lắc đầu: ‘Mày có biết thằng Bobby không?’
‘Bobby nào? Cái thằng sói đầu bên Bangkok đó hả?’
‘Ừ. Nó mò sang Việt Nam bỏ thầu ký hợp đồng hợp điếc gì đó. Thằng môi giới xì nhỏ với nó là có đứa cũng đang ngấm nghé hợp tác, lại đưa điều kiện dễ dàng hơn. Thằng chả còn làm bộ thân tình, hé cho thằng Bobby xem hồ sơ mật. Ai dè thằng Bobby cũng đâu phải tay vừa. Kinh nghiệm đến sói đầu ra mà...’
‘Bộ thằng Bob biết tiếng Việt hả?’
‘Cái đó thì tao không biết. Nhưng chắc nó có đường dây riêng, nên mới phanh ra. Mày biết đứa nào đưa hồ sơ cạnh tranh với thằng Bob không?’
‘Ai?’
‘Thì con mụ vợ của lão chủ xí nghiệp chứ còn ai vào đấy nữa. Chúng nó toa rập với nhau tính cho thằng Bob vào tròng. May là thằng chả già đầu, chứ như tao thì chắc có nước vỡ mặt.’
Ông ta lắc đầu, đưa hai tay lên, dấu đầu hàng: ‘Mày thấy đó. Tao đến đầu hàng tụi bây thôi.’
Tôi đành giữ thái độ trầm ngâm im lặng như một thiền sư đang suy công án. Bởi nếu ông ta biết những gì đã xảy ra cho tôi trong mấy ngày khó quên đó, cùng những chuyện còn đang quay trong đầu tôi, hẳn ông sẽ chế nhạo tôi? Không đâu, có thể ông ta sẽ vỗ vai tôi cười, cái cười thông cảm của người đồng bệnh. Riêng trong tôi, chút hương đêm ngày nào và điểm đen nốt ruồi nằm trên khoé mắt vẫn còn vương lại lâu, rất lâu. Ngay cả sau khi thằng mặt trâu đã bỏ đi đâu mất biệt, và Karin lại trở về với tôi cùng với mảnh tình đã mẻ đi một góc.
Ít năm sau trở về chốn xưa, tôi tò mò tìm đến nhà Ðặng, nhưng căn nhà đã đổi chủ tự bao giờ. Tôi chưng hửng đứng lặng nhìn những bụi hồng dại trồng bên tường của một cửa hàng bách hóa với bảng tên loằng ngoằng ba con số. Những quán đèn mờ nay cũng đã đổi thành một dạng khác kín đáo hơn. Cả một vùng quá khứ bỗng dưng như bị xóa sạch, chỉ còn tôi thơ thẩn với mùi hương trong trí cũng đã bắt đầu phai.
Nguyễn Hiền
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013