Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Khóa Hai "TrØ" Phåm H»u Trác
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
(Nghe lời dặn của anh Phạm Hiếu Liêm, tôi viết …)

Hãy tưởng tượng một màn điểm danh quân y hiện dịch do chủ đàn Phạm Anh Dũng chỉ huy
- Khóa một : Vắng mặt (Hoàng Văn Đức đã từ trần).
- Khóa hai:  Có mặt Nguyễn Hữu Vị, Phạm Hà Thanh.
                 Vắng mặt Nguyễn Văn Ba.
                 Từ Trần : Nguyễn Quang Huấn, Lưu Thế Tế, Trần Kim Tuyến.

Khóa hai quân y hiện dịch có 6 người, ba sinh viên từ trong Nam ra Hà Nội: Nguyễn Quang Huấn, Phạm Hà Thanh, Nguyễn Văn Ba, ba người gốc Bắc: Nguyễn Hữu Vị, Trần Kim Tuyến và Lưu Thế Tế. Anh Nguyễn Văn Ba đi Pháp khoảng thập niên 60, và đã mất liên lạc, ngay cả hai bạn đồng khóa Nguyễn Hữu Vị, Phạm Hà Thanh cũng không rõ địa chỉ. Nghe nói anh có ngựa đua ở bên Pháp.

Ba anh Nguyễn Quang Huấn, Lưu Thế Tế và Trần Kim Tuyến đã mất.

Hè năm nay tôi có vài lần gặp anh Nguyễn Hữu Vị và anh Phạm Hà Thanh, chuyện cũ nhiều, chuyện hôm nay cũng không thiếu, lúc ở nhà anh Vị, khi ở nhà con anh Thanh.

Thành thông lệ, các cụ gặp nhau y phép kể chuyện cũ, nào là giáo sư Huard, y sĩ trung tá Phạm Biểu Tâm, giám đốc Nguyễn Đình Hào v.v… Ra trường anh Vị đi Cẩm Phả, anh Thanh vào tiếp thu Qui Nhơn, rồi hai người về Đà Nẵng, tiếp đó là các đơn vị quân y khác. 

Đây là lần thứ hai anh Thanh sang Montréal. Lần trước năm 1995, tới nơi được vài ngày anh đã gọi tôi hỏi thăm một số đồng nghiệp. Hỏi tại sao có số điện thoại của tôi, anh trả lời ở Việt Nam quyển danh sách y sĩ của toa, tụi moa chuyền nhau photocopier lại, tài liệu gốc do Nguyễn Hải Nam đưa cho. Anh còn kể có nghe tôi nói trên đài BBC lúc nhận giải thưởng Wallenberg thay cho Nguyễn Đan Quế.

Anh nhờ tôi lo dịch giấy tờ, giấy khai sinh, giấy ra trại tù, xin tôi chứng cho là bị quản thúc tại gia để nộp vào hồ sơ xin ở lại. Chuyện không thành, anh trở về nước đúng ngày cuối năm 31-12-1995.

Cũng như kỳ trước, vài tuần sau khi anh Thanh tới Montréal, anh Vị gọi tôi lại nhà ăn cơm với anh Thanh. Câu chuyện  xoay quanh công việc ở tổng y viện Cộng Hòa, mà chúng tôi thường gọi là hàng không mẫu hạm (vì sự lớn rộng, 2400 giường, gần 3000 nhân viên) hay như anh Nguyễn Văn Hoàng gọi diễu là Đại học Gò Vấp (huấn luyện hậu đại học, 7 chuyên khoa, cho hàng trăm quân y sĩ). Lúc ấy, khoảng 1964-1965, anh Vị đang làm Phó Giám Đốc Nha Quân Y về làm Chỉ Huy Trưởng Tổng Y Viện Cộng Hòa thay anh Nguyễn Hữu Thư, anh Phạm Hà Thanh làm Trưởng Khu Ngoại Khoa thay anh Phạm Văn Hải.

Sau khi anh Vị giải ngũ, anh Thanh lên làm Chỉ Huy Trưởng, anh Nguyễn Quang Huấn thay thế anh Thanh, rồi tiếp đến anh Lê Thế Linh. Bên Nội Khoa, anh Lưu Thế Tế là Trưởng Khu.

Qua câu chuyện trong bữa ăn, tôi bỗng có ý định viết ra những hiểu biết của tôi về hai vị niên trưởng của sinh viên quân y hiện dịch.

Anh Nguyễn Hữu Vị là một người hiểu biết thâm sâu, nghiên cứu thấu đáo các sự việc anh chú trọng.
Tính nết khẳng khái, thấy điều nào không đúng phép, anh tỏ thái độ phản đối ngay. Còn nhớ khi một bà tướng vào nằm ở tổng y viện Cộng Hòa để cắt ống dẫn trứng, anh nói quân y viện thiếu giường cho binh sĩ, các ông tướng nên đưa các bà vào bệnh viện tư, như Grall chẳng hạn. Gặp thêm một chuyện nữa không vừa ý, anh xin giải ngũ, và với sự quen biết của ảnh, vài ngày sau anh cởi áo lính vào giữa thập niên 60.

Sau 1975 anh kẹt lại, sang Canada chậm vài năm, nhưng vì đã đậu ECFMG từ hồi VNCH, nên được đi nội trú ngay. Hiện anh đã về hưu, nhưng vẫn hoạt động trên máy điện toán và photoshop nhanh nhẹn. Một hôm nói về anh Dương Hồng Mô và Cao Xuân An, anh bấm nút ngay để nhìn lại chân dung các vị ấy.

Cách nay ít năm, lúc đang soạn tập sử đại cuơng thời cận đại, anh Trần Gia Phụng có nhờ tôi kiếm người dịch hộ bản giáo lệnh bằng chữ la-tinh của đức Giáo Hoàng bổ nhậm hai vị giám mục tiên khởi Đàng Trong và Đàng Ngoài, tôi cầu cứu anh Vị, anh nhận nhưng không chịu cho viết tên người dịch trên tài liệu.
Hiện anh vẫn thích đọc các sách về khảo cứu, lý luận và lịch sử…


Anh Phạm Hà Thanh là một mẫu người khác.
Trong công vụ, anh chăm sóc việc thường ngày, chú trọng vào chi tiết.

Ở tổng y viện Cộng Hòa, trong cương vị Chỉ Huy Trưởng, anh hay đi kiểm soát bất thưòng. Đêm khuya, anh đẩy cửa phòng mổ, ghé đầu vào trong hỏi có gì không toa. Một hôm tôi nói đói quá anh ơi. Cụ lẳng lặng bỏ đi, đến nửa đêm thấy nhà bếp mang lên cho mấy ổ bánh mì thịt.

Nhận chức Cục Trưởng Quân Y mùa Xuân 1974, anh bắt đầu đi thị sát các đơn vị quân y ở các quân khu để thấu hiểu tính hình. Tôi có theo anh đi 14 tỉnh miền tây thăm viếng các cơ sở quân y trong vùng và nhận thấy anh còn nguyên vẹn đặc tính  khi làm việc ở tổng y viện, chú ý đến từng trường hợp. Một cái chân cắt không đúng phép, một ca ống thông phổi không hoạt động, một ca kéo tạ gẫy xương đùi để quá lâu là anh nghiêm khắc cảnh cáo. Giống như thời y sĩ đại tá Vương Quang Trường, giám đốc Nha Quân Y, đi thanh tra thường la rầy việc phủ bột dagenan trên các vết thương. Khác với người tiền nhiệm, anh Vũ Ngọc Hoàn, chủ trương mở rộng ngành và đào tạo chuyên viên hậu đại học, chưa thấy anh có một chính sách rõ rệt nào cho ngành quân y, tôi đoán anh đang chú trọng vào việc tìm hiểu tình trạng trong ngành, đến nỗi một buổi chiều chủ nhật cuối năm 1974, anh gọi về nhà tôi hỏi nhiều điều về tình trạng điều hành quân y toàn quốc


Lần trước năm 1995, anh đi thăm hội y sĩ, đồng nghiệp và thân hữu, thăm những người làm việc tại tổng y viện Cộng Hòa như anh Nguyễn Văn Hoàng, anh Nguyễn Mạnh Lưu, mà nay đã quá vãng. Tôi đưa anh đến nhà anh Trần Lữ Y ăn «mắm và rau» do anh Lữ Y làm đầu bếp, bên chai whisky hai ông Nam Kỳ cười khúc khích kể chuyện Hà Nội trước 1954.

Lần này anh ít giao thiệp hơn, chỉ tiếp xúc với ai đã quen biết từ lâu. Tôi đưa anh một số sách, sử ký, tập san y sĩ, tạp chí Truyền Thông…  Anh thích nhất quyển Vàng, Máu và Nước Mắt khảo sát về các anh em y sĩ bị đi tù cải tạo và vượt biên, anh chú ý đến danh sách những người chết trong trại tù và trên đường vượt biển. Cầm quyển Quân Y do Trần Xuân Dũng biên soạn, anh đi tìm hình ảnh những người quen biết.

Sau khi ăn bữa cơm tiễn biệt do anh Vị đãi anh Thanh mấy ngày trước khi trở lại Việt Nam, tôi chở anh Thanh về nhà cô con gái. Anh có vẻ trầm ngâm, nói không biết có gặp lại nữa chăng. Cô con gái đã làm thủ tục bảo lãnh bố, nhưng luật lệ bắt buộc phải ra khỏi xứ Canada  rồi mới xét. Anh bảo chắc phải chờ một năm.

Chuyện tương lai khó lường, anh tâm sự moa đã dọn nhà về khu Tân Phú, gần chỗ nhà đòn có lò thiêu, khu Quán Tre ngày trước đó. Tôi hỏi anh nhất định vào hũ, không chịu vào lòng đất, anh gật đầu.

Xuống xe tiễn lão ông tuổi Dần vào căn nhà nhỏ, tôi bâng khuâng suy gẫm về cuộc đời của  hai con chim đầu đàn ngành quân y.

Ông số 1, Nguyễn Hữu Vị. Người của nguyên tắc, đã nhận  việc thì làm và làm đến nơi đến chốn. Anh chí tình với đồng đội, anh rất thân với ông cựu tướng Tôn Thất Xứng, người quân nhân anh gặp ở những đơn vị đầu khi rời trường ra đơn vị.

Tính anh khảng khái, không lụy quyền bính. Khi không còn hành nghề anh vui sống với sách đèn, tiếp tục tìm hiểu trong kho sách internet hiện đại.

Lúc xuất, lúc xử anh bình thản như người thiền.

Ông số 2, Phạm Hà Thanh. Gần 60 năm về trước, và trong vòng 20 năm, từ một y sĩ trung thuốc đi nhận đơn vị mới tận Qui Nhơn, lúc quân đội chưa được 150.000 người, đến ông Chuẩn Tướng trực tiếp chỉ huy hơn 15 ngàn quân y các cấp, chưa kể 17 ngàn tăng phái đi các đơn vị binh đoàn lúc quân số đã vượt trên một triệu, con người ấy vẫn chưa kể hết cho tôi những nỗi thăng trầm của cuộc đời người thầy thuốc.

Một thời đã qua, một thời để nhớ.

Phạm Hữu Trác

27-8-2013


Loading