Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Xừ xang xế xứ xang hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên
(Vũ hoàng Chương)
Âm nhạc có tự bao giờ?
Người ta phỏng đoán âm nhạc xuất hiện cách đây khoảng 50.000 năm, khi loài người bắt đầu phân tán và cũng vì thế mà người ta nghi rằng âm nhạc xuất phát từ châu Phi. Năm 2008, người ta kiếm được tại Đức quốc một cái sáo làm bằng xương cánh chim từ thời đại Đá (Stone Age) cách đây hơn 5 ngàn năm.
Loài người dùng âm nhạc tức là tiếng động và sự im lặng để diễn tả tình cảm của mình. Nhạc tự trong lòng mà ra. Khổng Tử viết trong Nhạc ký: Phàm âm chi khởi,do nhân tâm sanh dã. Đủ cả hỉ nộ ái ố đều có thể diễn tả bằng âm nhạc . Đây là một hình thức nghệ thuật có hai thể loại: thanh nhạc (vocal music) là nhạc dựa trên giọng ca tiếng hát và khí nhạc (instrumental music) là nhạc dựa trên nhạc cụ. Nền văn hóa nào cũng có âm nhạc riêng biệt chịu ảnh hưởng của những yếu tố lich sử, xã hội, kinh tế cũng như khí hậu và kỹ thuật của môi sinh đó.Người ta phát minh ra những ký hiệu và các khóa để ghi lại âm thanh với các đặc tính của chúng trên giấy ---môn ký âm--- còn môn xướng âm là đọc những ký hiệu theo đúng cao độ và trường độ của chúng. Âm điệu của nhạc lên bổng xuống trầm. Ngoài ra, nhạc còn theo nhịp điệu dùng để diễn tả sự hùng tráng, sự lả lướt, sự vui thương buồn giận.
Những chương trình nghiên cứu chứng minh rằng âm nhạc kích thích sự phát triển của trí não. Ngoài ra, âm nhạc gây tác động mạnh mẽ trên tinh thần và tình cảm của con người. Bởi vậy mới có câu “ tiếng hát át tiếng bom.” Trong thời Hán Sở tranh hùng, Trương Lương đã dùng tiếng sáo để lung lạc tinh thần quân Sở. Một số người cũng cho rằng những bài nhạc ủy mị của Trịnh công Sơn đã làm giảm nhuệ khí chiến đấu của dân miền Nam trong cuộc chiến vừa qua.
Xã hội Tây phương ưa chuộng âm nhạc quá lố, bất cứ chỗ nào cũng có tiếng nhạc, từ cầu thang máy đến phòng tiếp khách qua cầu tiêu nhà xí, không có chỗ nào thoát được tiếng cò cử---do vậy góp them cho tình trạng noise pollution!
Dân Việt ta thời xưa cho là xướng ca vô loài, không quý trọng âm nhạc cho lắm, bởi vậy không thấy có ông nhạc sĩ Việt nào ở nhà lầu đi xe Rolls Royce! Cũng có một số nhạc sĩ nổi tiếng trong nước, nhưng phần đông cũng chỉ lằng nhằng đủ ăn ngày hai bữa, không thấy ông nào rủng rỉnh tiền bạc như mấy ông nhạc sĩ ca sĩ ngoại quốc. Ấy cũng bởi vì ở các nước tân tiến, âm nhạc được các công ty thương mại tài trợ nên đã trở thành một kỹ nghệ khổng lồ hái ra tiền, những danh ca sống đế vương được dân chúng ngưỡng mộ tôn vinh như những thần tượng. Chẳng bù với mấy ông cung văn nhà ta, có tiệc tùng đình đám thì được ngồi một góc kéo nhị đánh trống gõ phách, ê a dăm ba câu ngớ ngẩn .Khá lắm thì được thưởng vài đồng tiền cùng một bữa cơm, rồi cắp đít ra về.
Các cụ thời xưa xừ xang xế xứ là các cụ kéo nhau đi hát cô đầu.Làm được một bài thơ đắc ý, cụ đem đến nhà hát cho ả đào ngâm nga, cụ cầm trống gõ tom chát khen thưởng, đó là trò thưởng thức âm nhạc của một thời đã qua.Sau đó các cụ ngả bàn đèn rít vài điếu, vì thế mới có vụ điên rồ khói lên!
Dần dà âm nhạc thoát khỏi xiềng xích gò bó của âm nhạc cổ điển, nhiều âm điệu quái đản man rợ được sử dụng làm chối tai những người không sành điệu, âu cũng hợp với tình cảnh nhiễu nhương của thời đại.
Hiện nay, phong trào đờn ca hát xướng rất thịnh hành, nhất là trong giới dân Việt hải ngoại. Những nhạc sĩ ca sĩ cây nhà lá vườn nổi lên như nấm, người ta tranh nhau ca hát trong các dạ tiệc tiếp tân, anh hát trước cô hát sau có khi cãi nhau như mổ bò, đôi khi nghĩ cũng nực cười vui đáo để!
Tôi cũng được (bị?) mời một vài bữa tiệc có ca nhạc, người ta ăn uống vội vã rồi hè kéo nhau xuống hầm (basement), trống kèn phèng la chũm chọe nổi lên đinh tai nhức óc, tiếng rền rĩ một vài bài quen thuộc vang lên nghe như mẹ ru con, tôi lặng lẽ phú lỉnh ra ngoài vườn ngồi ngủ gà ngủ gật! Tôi tuổi con Rồng nhưng tai con Trâu, cũng chẳng xấu hổ gì!
Âm nhạc hiện đại trên thế giới bị chế ngự bởi ảnh hướng Tây phương gồm Âu châu lẫn Mỹ châu. Người Tây phương vẫn bảo vệ và phát huy kho tàng nhạc cổ điền của họ. Những buổi do các ban nhạc Đại hòa Tấu trình diễn những nhạc phẩm của Beethoven, Mozart, Wagner... đều đầy nghẹt giới mộ điệu. Thế nhưng những buổi trình diễn của các danh ca Rock hay Punk hay Rap đều thu hút thính giả ngưỡng mộ đông đảo hơn gấp tới ngàn lần!
Mấy năm gần đây, ngành nhạc Việt Nam có vẻ dậm chân tại chỗ. Những nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... nay không còn nữa. Những ca sĩ thượng thặng như Mộng Hoàn,Thái Thanh, Lệ Thu, Mai Lệ Huyền, Khánh Ly... hoặc đã qua đời hoặc đã quá tuổi không còn hơi.
Thế mà vẫn vắng bóng một ngôi sao sáng trên vòm trời âm nhạc Việt .Từ lâu chưa được nghe một bài hát mới mẻ nào làm rung động con tim. Mong rằng tình trạng sáng sủa hơn và sẽ có ngày hồi phục.
Nay bàn về thơ phú.
Giống như nhạc, thơ từ lòng mà ra. Đây là một hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ để diễn tả tâm trạng và để gợi cảm nơi người nghe người đọc. Con người ta, nhất là người Việt, ai ai cũng ấp ủ trong lòng một thi sĩ.
Cũng như nhạc, thơ có nhịp, có điệu nhưng đặc biệt có vần. Bên Tây phương, thơ xuất hiện từ thời cổ đại với triết gia Hy Lạp Aristotle ( 384-322 TCN). Bên Trung Hoa, tập thơ cổ nhất là Kinh Thi. Tại Việt Nam, thơ bắt nguồn từ ngạn ngữ ca dao cũng theo thể Phú Tỉ Hứng dưới nhiều dạng khác nhau như thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ bốn,năm sáu, bẩy, hoặc tám chữ, thơ tự do... Thơ cổ điển theo một số quy luật khắt khe, vần bằng vần trắc phải cho đúng điệu. Còn thơ hiện đại hay tự do thì không tôn trọng những quy luật này nữa, miễn sao lời hay ý đẹp là được.
Cái thú làm thơ là cái tiêu khiển thanh tao của những nho gia thời xưa. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương... đây là những danh nhân quen thuộc của nền thơ phú Việt Nam, với những tác phẩm được truyền bá rộng rãi trong nhân gian, ai ai cũng biết tới, không nhiều thì ít.
Mới đây thì có Tản Đà, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Tú Mỡ, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính...
Tôi rất thích thơ Nguyễn Bính, vừa nhẹ nhàng vừa thanh thản vừa rất Việt Nam:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau một dậu mùng tơi xanh rờn
Trong cuốn Hồi Ký của ông, nhà văn Tô Hoài có viết về một giai thoại liên quan đến Nguyễn Bính. Tôi xin chép ra đây nguyên văn đoạn này để bạn đọc thưởng thức:
“Người con gái ấy tuổi đương thì.Những mối tình như thế của Nguyễn Bính, chẳng biết khi ở Huế, ở miền Nam thế nào, nhưng ở ngoài này, bạn bè biết tính, biết tật Nguyễn Bính, thấy gái như ếch vồ hoa, quạ vào chuồng lợn. Thề bồi đấy rồi lại nhăng ngay đấy. Kiểu như những câu thơ đố tài vặt:
Nhà em ở dưới cây mai trắng ( Bạch Mai)
Bên gốc mai vàng ( Hoàng Mai) cạnh đế kinh (phố Huế)
Những người con gái, bao nhiêu con gái, đã theo thơ đến với Nguyễn Bính. Nhưng cuộc đời hoa thơm bướm lượn không giống thơ, không như thơ. Thế thì lại vứt bỏ. Người con gái đến với Nguyễn Bính khi làm báo Trăm Hoa cũng chẳng được bao lâu. Chỉ tội đã có với nhau một mụn con.
Từ lâu, tôi muốn viết một truyện ngắn. Chưa viết nhưng đặt tên trước: Tên cháu là Hiền, truyện ngắn. Câu chuyện đôi vợ chồng bỏ nhau.Có một con trai tên là Hiền, mới bập bẹ. Mẹ cháu trẻ quá, còn như ở tuổi son rỗi, đã đi bước nữa. Mẹ đem Hiền về trả bố Hiền.
Hiền bụ bẫm phúng phính rồi chẳng bao lâu Hiền còm nhom, ghẻ lở mụn nhọt ghê người.Ngày ngày bố ẵm vác Hiền trên vai, như mèo tha con. Đến đâu, từng đám ruồi nhặng xanh xám đuổi theo. Một tối kia, bố rượu say rồi bố bế Hiền thẩn thơ ra phố. Đến ngã sáu Bà Triệu, ơ hay,làm sao mà bao nhiêu tâm sự nước mắt nụ cười của người viết truyện này, trong những năm ấy,cứ quẩn quanh ở chỗ cái dốc hàng Kèn oan nghiệt thế nhỉ?
Chợt nghĩ thế nào, hai tay bố Hiền giơ Hiền ra, đưa Hiền cho một người đàn ông đi tới.
Trở về, cơn say vật bố Hiền thiếp đi. Quá nửa đêm, quờ tay không thấy con.Bố vụt nhớ lại tất cả. Bố lật đật chạy đi đấm cửa nhà mấy người bạn . Chúng tôi đã đi báo hầu khắp các đồn, các trạm trong thành phố.
Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu tối hôm ấy---nếu trời để cho chúng sống-ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bẩy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền.”
( Tô Hoài---Cát Bụi Chân Ai)
Chỉ có Nhạc và Thơ mới giúp người ta chịu đựng nổi những cái éo le của cuộc đời.
Tôn Kàn
Cuối Hè 2013
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013