Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

TØ Ngøy Suy ljn äo Tܪng
Nhìn sơ đi rồi ngắm kỹ lại các hình sau đây, người xem sẽ nhận thấy một số thay đổi. Đổi thay từ hình một cô gái sang hình bà già, từ chữ B sang số 13, và từ 2 mặt người sang 1 bình hoa!
NguyÍn Nguyên
Sở dĩ người xem nhận thấy có thay đổi là vì việc thâu nhận của cảm giác (thị giác trong trường hợp ngắm nhìn các hình này), và thông tin (Information) được suy giải (Interpret) khác, tùy từng người, từng lúc, từng nơi. Nhiều nơi, lắm lúc, các nhà ảo thuật có thể gây ảo giác khác nhau ở người đi xem. Ở người bị Bệnh Alzheimer's disease (AD) và việc dùng một số xảo thuật (xảo ngữ) về biện luận cũng có thể có thay đổi các cảm nhận, các lối suy giải, tư tưởng và cung cách hành xử.

Những cách làm thay đổi cảm quan và tư duy vừa nêu trên, sẽ được lần lượt ôn lại trong bài viết này, qua các bước sau:

(a) xem ngụy suy (fallacies) - hay ngụy biện, xảo biện, xảo ngôn, xảo ngữ - là gì;
(b) nhìn lại các lối ngụy suy có thể làm thay đổi tiến trình của tư duy; và
(c) xét đến các yếu tố có thể ảnh hưởng lên cả ngụy suy.

Sau cùng bài này sẽ nêu thêm một số đề nghị về các biện pháp thực tế để tránh các tình trạng ngộ nhận và ảo tưởng về người thật, việc thật.

Phần Một

Sinh học và Tâm lý học cho rằng cách suy giải các cảm quan của người ta còn chịu rất nhiều ảnh hưởng bên ngoài lẫn bên trong cơ thể. Trong y khoa cũng không thiếu trường hợp các triệu chứng làm bệnh nhân tưởng mình đau bụng nhưng thật sự là do cơ tim thiếu máu! Mặt khác, khoa học đã cho thấy từ dữ kiện (Data) thâu nhận được, thông tin (Information) được suy giải (Interpretation) tùy theo từng người, từng lúc, từng nơi. Khoa học cũng còn cho thấy việc cảm nhận và ý thức là thành quả (outcome) của tiến trình chuyển hóa (process) trong hệ thần kinh kế theo sự tiếp thu (input) các nguồn kích cảm qua 5 giác quan hoặc qua giác quan thứ sáu (ESP). Giai đoạn suy giải trong hệ thần kinh cũng chịu rất nhiều sự chi phối cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể của từng người, từng nơi, từng lúc. Vì vậy, dữ kiện và thông tin không nhất thiết phản ảnh chính xác thực trạng. Một bằng chứng cụ thể là qua hàng đống dữ kiện, thông tin, và tranh luận, thực trạng về việc chó Dingo tha bé Azaria Chamberlain ở Uluru (Úc châu, 1980) phải chờ 32 năm sau mới sáng tỏ.

Cũng vì vậy, khi bàn về cảm quan và nhận thức, điều đáng chú ý thêm là: việc chuyển biến của tư tưởng và suy diễn các cảm quan chịu ảnh hưởng một số yếu tố khác như niềm tin sẵn có hoặc ký ức còn lưu trong từng người. Đi xem trò ảo thuật, người ta có thể nếm mùi các xảo thuật đã tạo ảo giác một cô gái bị dao đâm ngang qua mình mà không thương tật, hoặc một chàng trai nuốt kiếm, bước trên lửa hồng mà không hề hấn gì. Ngoài ảo giác ra, người ta còn có thể có ngộ nhận (theo nghĩa cảm nhận khác với thực chất) hoặc ảo tưởng (theo nghĩa ý tưởng khác với thực chất). Ngộ nhận và ảo tưởng có thể do bệnh về thể chất hoặc tâm thần như Bệnh Alzheimer's disease (AD), nhưng cũng có thể là do các xảo ngữ về biện luận.

Ngụy suy (fallacies) - còn được gọi là ngụy biện, xảo biện, xảo ngôn, xảo ngữ - có thể xem như gồm những xảo thuật để ngụy biện nhằm thay đổi cảm quan và tư tưởng để làm lệch lạc việc giải thích của não bộ của đối tượng; đối tượng có thể là người khác mà cũng có thể của riêng người đang sử dụng xảo ngữ. Như vậy, ngụy suy không những có thể đóng một vai trò đáng kể trong tiến trình nhận thức; ngụy suy còn có thể gieo niềm tin (hay mê tín hay ảo vọng), gây ngộ nhận và ảo tưởng, thay đổi cung cách đối xử và hành động trong đời sống hằng ngày của người đời; thay đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực, tùy theo ý đồ của người dùng ngụy suy.
Thực tế hằng ngày đã cho thấy: Lắm khi thật khó mà nắm vững được thực trạng ngõ hầu xử thế thích đáng. Đôi khi người ta cứ tưởng sự thật là "như vậy", nhưng thực trạng có thể khác với điều mình suy diễn - "Vậy mà không phải vậy" là vậy!

Do đó, biết thêm về ngụy suy (fallacies) ít ra sẽ giúp người ta bình tâm và tỉnh trí hơn khi tìm hiểu thực chất của sự vật, biết người thật, việc thật, và từ đó giảm bớt tình trạng ngộ nhận và ảo tưởng - tức là tình trạng nghĩ như “vậy mà không phải vậy” vừa nêu.

Phần Hai

Nguyên nhân làm méo mó thực chất của sự việc gồm ít nhất 3 nhóm sau đây mà Luận lý học gọi là "Ngụy suy" (Fallacies)

1. Ngụy suy bằng cách kêu gọi lý trí
2. Ngụy suy bằng cách khêu gợi cảm nhận
3. Ngụy suy bằng cách lý luận nghịch lý - phản lại Luận lý học, nôm na là "nói ngang", "cãi chày", "cãi cối"...

Sau đây sẽ được bàn đến một số các ngụy suy thường gặp và cần tránh, ngõ hầu tiến gần hơn đến thực chất của sự việc - hay người thật, việc thật.

1. Ngụy suy bằng cách kêu gọi lý trí (appeal to reason). Năm trường hợp thường gặp về lối ngụy suy này là:

1.1 Lối khêu gợi lý trí thứ nhất là bằng cách nêu thẩm quyền khuyết danh. Trong lối lý luận này, thẩm quyền nêu ra lại không hề được xác định rõ ràng (Appeal to ANONYMOUS AUTHORITY).

Ví dụ:

(a) Dùng ngụy suy, người ta bảo: “Một số chuyên gia (không nêu tên) hay một cuộc nghiên cứu (không rõ xuất xứ) cho rằng: ‘Phải mất 7 năm mới tiêu hóa kẹo cao su nuốt vào cơ thể người ta.’"

(b) Một quảng cáo cho rằng: "Dược phẩm X đã được nhiều công trình nghiên cứu cho rằng trị tận gốc bệnh Tiểu đường".

Nhưng các công trình nghiên cứu không được nêu tên người làm, và làm như thế nào, tại đâu, lúc nào?
Vô tình hay cố ý, người ta đã không nêu rõ thêm về giá trị đích thật của các chuyên gia hay tổ chức nghiên cứu liên hệ. Họ có đủ tính cách pháp lý và vô tư không? Cơ cấu và tiến trình nghiên cứu có hợp tiêu chuẩn khoa học không? Nghiên cứu có được làm trên một mẫu (sample) đủ lớn để có giá trị đại diện cho tổng thể hay chỉ được thực hiện trên một nhóm người hoặc trên một đôi người? Nghiên cứu có giá trị trên toàn cầu và còn hợp thời hay chỉ có tính cách địa phương và đã lỗi thời rồi? Tất cả những câu hỏi căn bản này thường không được loại ngụy suy này đề cập.

1.2. Lối khêu gợi lý trí thứ hai là bằng cách dựa vào cái gọi là 'thực tế phổ biến' (Appeal to COMMON PRACTICE). Với lối ngụy suy này, người ta chống chế rằng luận cứ của mình là hợp với sự thật vì phù hợp với “thực tế phổ biến.”

Ví dụ: Trước một cáo buộc chưa xác định (allegation) một số vấn đề về tham nhũng tại một Ngân hàng X, người dùng xảo ngữ sẽ chống chế: 'Không có gì xảy ra ở đây mà không xảy ra trong tất cả các ngân hàng khác'.
Nhưng việc nêu lý do sau này không đủ để soi sáng về sự tham nhũng ở ngân hàng đã nêu. Có tham nhũng hay không tham nhũng ở Ngân hàng X mới là điểm then chốt cần giải đáp.

1.3. Lối khêu gợi lý trí thứ ba là bằng cách dựa vào sự chưa biết (Appeal to IGNORANCE). Người lập luận theo lối này thường nêu lên một điều vốn chưa rõ thực hay hư nhưng xảo ngữ được dùng để chống chế là “thật vì chưa ai chứng minh rằng điều ấy sai”. Ngược lại, người lập luận theo lối này cũng có khi bảo rằng một điều vừa nêu là “sai vì chưa ai chứng minh rằng điều ấy đúng.

Ví dụ: Một người tuyên bố rằng: 'Không một ai đã minh chứng cho tôi có một Đức Chúa Trời. Vì vậy, tôi biết không hề có Đức Chúa Trời.' (Nobody has proved to me there is a God. So I know there is no God.)

1.4 Lối khêu gợi lý trí thứ tư là bằng cách gây ngờ vực (Appeal to INCREDULITY). Với cách ngụy suy này, người lập luận cố tình gây sự khó tin vào một điều gì đó, và rồi cho điều đó khó là sự thật.

Nhưng ai cũng biết rằng: “khó tin” không nhất thiết là đồng nghĩa với “không thực”.

Ví dụ: Một người nói: "Mắt là một máy cơ sinh học vô cùng phức tạp với hàng ngàn các bộ phận lồng vào nhau." Muốn phản bác điều trên, một người khác sẽ nêu: "Khó tin! Làm thế nào có thể có chuyện ấy mà không có một thiết kế thông minh?"

1.5 Lối khêu gợi lý trí thứ năm là bằng cách nêu truyền thống (Appeal to TRADITION). Trong cách lập luận này, người nói sẽ cho một điều nào đó là sự đích thực bởi vì điều đó có từ nghìn xưa, luôn luôn là vậy.
Ví dụ: Dùng xảo ngữ: “Xưa nay, hôn nhân là sự kết hợp giữa nam giới và phụ nữ,” để kết luận: “Vì vậy hôn nhân đồng tính là sai trái.”

Người ngụy suy đã cố tình quên rằng có những sự việc tuy có từ nghìn xưa dù do truyền thống, nhưng nay đã lỗi thời không còn hợp với thực tại đương thời.

2. Ngụy suy bằng cách khêu gợi cảm nhận (appeal to perceptions). Sau đây là một số trường hợp thường gặp về lối ngụy suy này.

2.1 Lối khêu gợi cảm nhận thứ nhất là bằng cách tạo cảm giác về sự đe dọa lên hậu quả của niềm tin (Appeal to CONSEQUENCES of a Belief). Cách này nhằm làm cho người nghe không tin một “người thật, việc thật” bằng cách làm cho họ  sợ rằng việc chấp nhận sự thật sẽ làm tan biến một niềm tin sẵn có của họ. Vì niềm tin sẵn có, nên có người tránh né sự thật phũ phàng và dễ dàng chấp nhận lối ngụy suy này.

Ví dụ: Ông X - luôn luôn đặt trọn niềm tin vào lảnh tụ của mình -  sẽ khăng khăng phủ nhận một cuộn băng video thâu hình bất lợi cho vị ‘thần tượng’ mà ông X đã ái mộ, vì ông X cho rằng nhân vật đó không thể làm chuyện sai trái bao giờ.

2.2 Lối khêu gợi cảm nhận thứ hai là bằng cách gây cảm giác sợ hãi (Appeal to FEAR) để cho một một điều được nêu ra là thật. Việc này được thực hiện bằng cách gây sự sợ hãi và thành kiến không tốt về một đối tượng.
Ví dụ: Muốn gây sự sợ hãi về một tôn giáo, có người sẽ hăm dọa: "Bạn không tin lời tiên tri của tôi ư? Rồi đây sẽ có nhà thờ Hồi giáo nhiều hơn so với nhà thờ cho các đạo khác."

2.3 Lối khêu gợi cảm nhận thứ ba là bằng cách tâng bốc (Appeal to FLATTERY), tức là dùng lời ngợi khen để thuyết phục, kéo người khác về phe mình, và rồi khiến họ chấp nhận điều mình muốn nêu.
Ví dụ:

(a) Một số hãng quảng cáo thường rao hàng: "Các hoa khôi màn bạc thường dùng mỹ phẩm Z đang được rao hàng sau đây... của chúng tôi. Cô và Bà vốn là hoa khôi sao không dùng thử?"
(b) Muốn người khác tin điều mình đang nói là đúng hay sai, người ta có thể nêu: "Các độc giả thông minh và tinh tế sẽ nhận ra một ‘người thật việc thật’ như thế này khi họ đọc hoặc nghe lời phát biểu sau đây... Ông và Bà vốn tinh tế chắc cũng sẽ đồng ý…"

2.4 Lối khêu gợi cảm nhận thứ tư là bằng cách kêu gọi lòng trắc ẩn (Appeal to PITY), tức là tạo ra một niềm thương hại để gây ảnh hưởng lên nhận định của người nghe.

Ví dụ: Để cố bào chữa cho một nhà độc tài, có người sẽ dùng xảo ngữ: "Nhà độc tài XYZ trước đây bây giờ chỉ còn là một người đàn ông chết già. Thật là sai trái khi đưa ông ta ra tòa vì các tội bị cáo buộc."

2.5 Lối khêu gợi cảm nhận thứ năm là bằng cách kêu gọi thiên nhiên (Appeal to NATURE). Áp dụng lối này, người ta sẵn sàng nêu và dùng tính tự nhiên để biện minh cho luận cứ của mình và cho rằng điều mình nói là đúng với sự thật, vì điều ấy gần với tự nhiên.

Ví dụ:

(a) Người ngụy suy sẵn sàng tuyên bố: "Tất nhiên là đồng tính luyến ái là không tự nhiên. Bạn không thấy động vật cùng một phái tính giao hợp."
Nhưng họ đã làm một chuyện so sánh còn “động trời” hơn cả việc đem so sánh quả cam với trái táo (orange vs apple), đem người so với loài vật!
(b) Cũng có người dùng xảo ngữ và bảo rằng: "Thuốc làm bằng cây cỏ thiên nhiên ít độc hại."
Nhưng họ đã quên đi: "Sự thật là có nhiều loại cây trái rất độc."

3. Ngụy suy bằng cách lý luận nghịch lý

Trong các trường hợp này, người ngụy suy hay ngụy biện không màng đến Luận lý học, chỉ nói muốn nói ngang với hy vọng "ba làng cải không lại." Có rất nhiều trường hợp thuộc loại này; nhưng sau đây chỉ nêu một số trường hợp đáng lưu ý và thường gặp nhất.

3.1 Ngụy suy qua giá trị đồng TIỀN (Appeal to MONEY).

Ví dụ: Người ngụy suy thường bảo rằng: "Của rẻ không tốt (“Của rẻ là của hôi”). Nếu chi phí nhiều hơn, của phải được tốt hơn.”

Nhưng ai cũng có thể tự hỏi: Có thật vậy không? và tự bảo: Cần xét lại!

3.2 Ngụy suy dựa vào tính MỚI LẠ (Appeal to NOVELTY). Đây là một hình thức gợi cảm giác mạnh ở các người "thích của lạ".

Ví dụ có rất nhiều nhưng chỉ nêu:

(a) Xảo ngữ: “Phiên bản mới nhất của một hệ điều hành làm cho máy tính chạy nhanh hơn và tốt hơn.”

Nhưng sự thật là lắm hệ điều hành có nhiều trục trặc (“bugs”) nên đã làm nảy sinh những SP2 và SP3…

(b) Xảo ngữ: “Thuốc mới hay hơn trong việc trị bệnh.”

Nhưng người ta đã vô tình hay cố ý quên đi những phản tác dụng chưa được ghi nhận đầy đủ liên quan đến các loại thuốc mới!

3.3 Ngụy suy dựa vào niềm tin phổ biến (Appeal to POPULAR BELIEF). “Xảo ngữ” loại này thường cho rằng một điều gì đó là đúng sự thật bởi vì được nhiều người tin tưởng.

Ví dụ: Xảo ngữ: "Sữa là cần thiết cho xương khỏe mạnh."

Nhưng, người ta đã quên rằng: Uống quá nhiều sữa bò có thể gây chứng thiếu chất sắt (cần cho máu) ở trẻ con. Nguồn:  (www.modernmedicine.com/modernmedicine/article/articleDetail.jsp?...
Dec 20, 2012).

3.4 Ngụy suy qua hình thức lấy giai thoại làm bằng (ANECDOTAL EVIDENCE)

Ví dụ: Để chống chế cho thói quen hút thuốc lá, có người đã từng ngụy biện rằng: “Tôi sẽ tiếp tục hút thuốc mà không sợ bệnh. Ông tôi hút thuốc 40 điếu mỗi ngày cho đến khi ông qua đời ở tuổi 90.”

3.5 Ngụy suy khi đem một số thành phần của nhóm áp dụng cho toàn bộ nhóm (COMPOSITION FALLACY) và cho rằng đặc điểm hay tín ngưỡng của một số thành phần của nhóm có thể áp dụng cho toàn bộ nhóm.

Ví dụ: Xảo ngữ: “Các cuộc tấn công khủng bố gần đây đã được thực hiện bởi vài nhóm Hồi giáo. Vì vậy tất cả những kẻ khủng bố là người Hồi giáo.”

3.6 Ngụy suy bằng cách cho rằng một vài đặc điểm hay tín ngưỡng của một nhóm tự động áp dụng cho bất kỳ thành viên nào của nhóm (DIVISION FALLACY).

Ví dụ: Xảo ngữ: “Phe 'bảo thủ' muốn cấm hôn nhân đồng tính, chống thuyết biến đổi khí hậu toàn cầu, và từ chối sự tiến hóa. Vì vậy tất cả những người bảo thủ đều cùng chủ trương như vậy.”

3.7 Ngụy suy vì Sai lầm trong các tay nghề cờ bạc (GAMBLER'S FALLACY). Các người dùng lối ngụy suy này thường giả sử một sự kiện độc lập sẽ ảnh hưởng đến kết quả tương lai.

Ví dụ: Xảo ngữ của họ là: “Tôi đã lật đồng xu 10 lần liên tiếp và được mặt Ngửa (Heads) do đó lật đồng tiền tiếp theo là khả năng lên mặt Sấp (Tails).”

Và đôi khi chính họ trắng tay vì thua bạc!

3.8 Ngụy suy vì Vội vàng Tổng quát hóa (HASTY GENERALIZATION) như khi vội vàng đưa một kết luận chung từ một mẫu (sample) nhỏ.

Ví dụ: Ngụy suy của Ông A: “Tôi đã từng bị một phụ nữ đụng xe. Phụ nữ không thể nào lái xe!”

3.9 Ngụy suy loại CUM HOC ERGO PROPTER HOC. Người ngụy loại này suy thường cho rằng giữa hai sự việc xảy ra cùng lúc tất có quan hệ nhân quả, và họ không chịu phân biệt nguyên nhân (cause) với tương quan (correlation).

Ví dụ: Từ nhận xét: “Thiếu niên ưa thích nhạc RAP”, người ngụy suy sẽ vội vàng kết luận: “Nhạc RAP là loại nhạc gây bạo lực ở thiếu niên.”

3.10 Ngụy suy thuộc loại POST HOC ERGO PROPTER HOC thường cho rằng sự kiện theo sau là hậu quả của sự kiện đi trước; tức là dùng xảo ngữ mà cho rằng "việc đi trước rước việc đi sau".

Ví dụ: Từ nhận xét: “Sau cuộc bầu cử của Tổng thống X, có nhiều người thất nghiệp hơn”, người ta có thể dùng xảo ngữ và kêu gào chống: “Tổng thống X đã làm hư hại nền kinh tế.

3.11 Ngụy suy loại "Hai sai thành đúng" (TWO WRONGS MAKE A RIGHT). Trong lối ngụy suy này, xảo ngữ được dùng là: điều sai lầm sau làm nhẹ tội cho sai lầm trước.

Ví dụ: Một người bảo: “các điều kiện trong nhà tù này là tàn nhẫn và mất nhân tính.”

Người ngụy suy sẽ chống chế: “Dù sao chăng nữa, tù nhân cũng đều là tội phạm - cho đáng tội?!”

3.12 Ngụy suy thuộc loại Né nhiệm vụ chứng minh (Shift BURDEN OF PROOF). Người ngụy suy lối này thường bảo: “Tôi không cần phải chứng minh điều tôi nói - bạn phải chứng minh điều đó là sai (hay đúng).”

Ví dụ: Xảo ngữ: "Tôi cho rằng chu kỳ năng lượng mặt trời là nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu. Bạn hãy chứng minh là tôi sai đi!"

3.15 Tai hại nhất cho việc kiếm tìm sự thật có lẽ là lối Ngụy suy bằng cách Đả kích cá nhân (AD HOMINEM) - thay vì tìm rõ sự thật. Đây là một "ngụy suy" hay "xảo ngữ" rất thường gặp.

Ví dụ:

(a) Xảo ngữ: “Ông X là một tay chơi; vậy thì Ông ấy biết gì mà bàn đến đạo đức.”
(b) Xảo ngữ: “Người viết những dòng này ‘chữ nghĩa không đầy lá mít’; ‘biết cóc’ gì mà bàn đến lý luận và ngụy suy.”
Rõ ràng là: Trong cả hai ví dụ này, người ngụy suy đã đem việc đả kích cá nhân làm đối tượng cho việc đi tìm sự thật!

Trên đây chỉ là một cách xếp loại đơn giản các ngụy suy quan trọng và thường gặp. Ngoài ra còn nhiều "xảo ngữ" hay ngụy suy khác, tuy không kém phần quan trọng nhưng không thể nào kể hết. Vấn đề chính là người đọc cần nắm vững một số "xảo ngữ" thường gặp đồng thời cảnh giác đề phòng các loại ngụy suy ít gặp hơn.

Phần Ba

Một điều đáng chú ý thêm là: Chính các ảnh hưởng của "Ngụy suy" (fallacies) cũng còn phụ thuộc một số yếu tố khác.

Năm nhóm yếu tố chính có thể tác động (tốt hoặc xấu - tích cực hoặc tiêu cực) lên các ảnh hưởng của ngụy suy gồm:

1. Bản thân và cá tính từng người: dễ tin, dễ cảm, hoặc (ngược lại) đa nghi; người đa nghi sẽ không dễ dàng để cho ngụy suy lung lạc;
2. Gia đình;
3. Trường học;
4. Bạn bè cùng lứa, hay khác lứa;
5. Hoàn cảnh bên ngoài: thời tiết, chiến tranh hay hòa bình...

Ngoài năm nhóm yếu tố vừa nêu, còn cần kể đến những thành tố - 5P = Pressure (áp lực), Power (quyền năng), Prestige (uy tín), Position (chức phận), Purse (tiền bạc), và Passion (đam mê) - vốn là động cơ có thể tăng hoặc giảm những sai lầm của cảm quan và nhận thức về người và việc - tức là về thực chất của các vấn đề liên hệ.

Phần bốn

Kết luận

Để tránh xa các tình trạng ngộ nhận và ảo tưởng về thực chất, con đường gần nhất có thể là: Tránh 5P; tránh Tham Sân Si để

1.bình tâm và tỉnh trí để thấy rõ ngụy suy do chính bản thân hay xảo ngữ của người khác, trong mọi chuyển biến tư tưởng;

2.cẩn thận không để niềm tin bị lung lạc do gia đình, học đường, xã hội, bạn bè, bạc tiền bạc, hay danh vọng;

3.cảnh giác không để cho cảm quan và ý thức bị áp lực từ bên ngoài hoặc từ bên trong cơ thể và tâm tư của mình.
Nói thì dễ, làm khó hơn. Nhưng ‘khó làm’ không đồng nghĩa với ‘không làm được’. “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi; mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” - như văn hào Nguyễn Bá Học đã từng nêu.

Tài liệu đọc thêm:
<https://www.iep.utm.edu/fallacy/>

Nguyễn Nguyên
Phó thường dân

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
dancing_by_chelsmichelle-d4b685d
Loading