Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Ja là một trong những từ ngữ căn bản mà người ngoại quốc ở Hòa Lan gặp đến trong những bài học tiếng Hòa Lan đầu tiên. Ja mang nghĩa xác nhận một hành động, một ý tưởng; hay mang nghĩa đồng ý, tuân lệnh, công nhận lời nói của người đối thoại là đúng. Ja theo nghĩa này có thể coi tương đương với Yes (Anh), Oui (Pháp), Sì (Ý) v.v... Ðồng âm đồng nghĩa với Ja (Hòa Lan) ta có thể kể Ja (Ðức/Na Uy), Ya (Indonesia và Mã Lai), Da (Romania)... và trong vài trường hợp Dạ (Việt Nam). Trong nhiều cuộc đối thoại, tiếng Ja của Hòa Lan có thể dịch bằng tiếng Dạ (Nam) hay Vâng (Bắc) hoặc Ừ/Ờ trong ngôn ngữ nói Việt Nam. Trong một số trường hợp khác, tiếng Ja của Hòa Lan mang nghĩa xác định ‘có’ trong đối thoại Việt. Câu đối thoại trong tiếng Việt, cho dù ngắn gọn trong vài tiếng, nhưng những tiếng này thường chuyên chở tình cảm, biểu lộ mối tương quan giao tiếp giữa hai người nói/nghe qua cách dùng từ hay qua giọng cao thấp nặng nhẹ, cho nên trong tiếng Việt ý ‘có’ (khi dùng với nghĩa tương đương với Ja nguyên thủy) thường được thay bằng cụm từ “Dạ có (ạ)”, “Có đây”… Hay “Rồi” khi chuyện ‘có’ đã qua. Hay: “(Thưa) vâng”, “Xin tuân lệnh” v.v...
Ja là một tiếng đặc biệt trong văn nói của Hòa Lan. Trong văn viết, Ja chỉ xuất hiện trong những mẩu đối thoại hay trong vài thành ngữ. Trong đời sống hàng ngày, Ja được dùng với mục đích rộng rãi hơn những điều đã dẫn ở trên. Ðể hiểu tiếng Ja trong đối thoại hàng ngày mang ẩn ý gì, cần một thời gian dài trải nghiệm ngôn ngữ qua tiếp xúc với nhiều người Hòa Lan ở mọi giới cộng thêm óc phân tích. Không có tiếng nào đơn giản mà hàm xúc nhiều ý như tiếng Ja trong ngôn ngữ Hòa Lan. Lý do là Ja nhiều khi được dùng như một tiếng đệm để người nghe có thể biểu lộ quan điểm của mình một cách gián tiếp.
Có những người, nhất là trong giai cấp hạ lưu hay những người thường xuyên tiếp xúc với bạo lực, có tật chêm tiếng chửi thề trong câu nói. Khi nghe họ nói, nếu chúng ta chú ý nghe và đếm những tiếng Ð.M., fucking..., ta sẽ thấy chúng xuất hiện với một tần số nhiều hơn ta tưởng. Chúng dường như kêu ‘rổn rảng’ khắp nơi. Tuy nhiên, khi chêm những tiếng này vào trong câu nói, người nói không ý thức sự hiện diện của chúng. Chúng được dùng như những chữ ‘đệm’. Càng bị khích động, thì tần số xuất hiện của những loại chữ đệm này càng cao. Những loại chữ đệm này và những chữ đặc biệt mỗi cá nhân có thói quen dùng góp một phần lớn trong việc nhận ra nét đặc thù trong cách nói của từng người. Tiếng Ja cũng tương tự như vậy. Người ta dùng nhiều đến mức trở thành quen miệng mà không nhận ra mình dùng Ja nhiều đến bực nào.
Tiếng Ja là tiếng được tất cả người Hòa Lan dùng trong văn nói hiện nay như một thứ tiếng đệm để biểu tỏ cảm xúc, thái độ hay quan điểm nhiều hơn là ý nghĩa thực của nó. Người Hòa Lan thường phê bình người Việt (và người Á châu nói chung) cái gì cũng Ừ (= Ja), nhưng chắc chắn người Hòa Lan chêm tiếng Ja trong đối thoại nhiều hơn người Việt. Nhà ngữ học Ton van der Wouden, trong công trình nghiên cứu Corpus Gesproken Nederlands (từ 1998 đến 2004) với mục đích thiết lập một kho dữ kiện tiếng Hòa Lan hiện đại, đã khám phá ra là tiếng Ja được dùng nhiều nhất trong văn nói Hòa Lan (trong khi đó mạo từ ‘de’ xuất hiện nhiều nhất trong văn viết, lẽ đương nhiên), và mới đây Marc van Oostendorp - Giáo sư về môn vi biến thể trong ngữ âm - trong một bài viết (Boer roept ‘ja!’ - De vele betekenissen van een bevestiging đăng trong tạp chí Onze Taal số 6, 2011) cũng cố đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi vì sao người Hòa Lan nói Ja nhiều như vậy.
Một cách dùng Ja phổ thông trong đối thoại là để cho người nói biết (hay cảm) được là đối tượng còn đang theo dõi lời nói của mình. Tiếng Ja này có thể ví như tiếng ‘Dạ’ hay ‘Oui’ hay ‘Ye’ được người Việt, người Pháp hay người Mỹ chêm vào liên tục trong đối thoại, nhất là khi nói chuyện qua điện thoại. Trong đối thoại hai người, người Hòa Lan cũng rất thường dùng Ja chen vào sau câu nói của người đối diện như một đồng ý lời phát biểu của người kia.
Tiếng Ja ở vị trí này thường ngắn và nặng (Jạ). Về cách phát âm và cách sử dụng, nó giống y hệt tiếng Dạ trong văn nói Việt. Cách dùng phổ thông thứ ba của người Hòa Lan là sử dụng tiếng Ja để bắt đầu một câu, như lời lưu ý ‘tôi sắp nói đây’ hay 'nghe tôi nói đây'. Ðặc biệt nơi người Việt, nhiều người có thói quen dùng tiếng ‘Không’ khi bắt đầu nói, tiếng ‘Không’ này không mang nghĩa phủ định, mà chỉ là sự lưu ý người khác là ‘tôi sắp nói đây’, như Ja của tiếng Hòa Lan. Nhưng khác người Hòa Lan, người Việt sử dụng tiếng ‘Dạ’ (phát âm nhẹ gần như Dà) ở đầu câu khi câu nói của họ mang nghĩa hoàn toàn tán đồng với lời vừa nghe, hay một cách vuốt theo, để sau đó bổ túc thêm ý. Tiếng Hòa Lan cũng vậy, người ta sẽ nói ‘Jà’ trong trường hợp này. Ngoài ra, tiếng Ja đầu câu được nhiều người dùng như một cách ‘bôi trơn lời nói’. Dường như tiếng Ja này - với cách phát âm nhẹ, không dấu (ja) - có tác dụng làm đà để tiếp tục nói, và tạo thêm tính thân mật. Chúng ta có thể nghe thấy tiếng Ja này rất nhiều trong những cuộc phỏng vấn trên truyền thanh truyền hình.
Ja dùng giữa câu có nhiệm vụ khác. Nó thường được dùng như một cách ngắt câu, ngắt ý. Những người gặp khó khăn trong việc tìm chữ, tìm ý để diễn tả hay chêm tiếng Ja vào để cho mạch nói không bị ngắt quá lâu. Thủ thuật này được người Việt sử dụng rất nhiều khi đã biết nói lõm bõm tiếng Hòa Lan.
Tiếng Ja đặt ở cuối câu mang nghĩa khác. Ja chấm dứt cho câu nói với ngụ ý nhấn mạnh thêm ý nghĩa câu vừa nói. Nó cũng có thể ẩn tàng chức năng thuyết phục. Người nói dùng tiếng Ja để chấm dứt câu như một cách thuyết phục người nghe công nhận điều mới được phát biểu là đúng. Tiếng Ja trong trường hợp này có thể tạm dịch ra tiếng Việt là ‘, đúng không?’, nhưng với một nghĩa nhẹ hơn. Hoặc tiếng Ja được dùng như một sự lôi kéo: “Ga je mee. Ja?” (tạm dịch: “…, theo tôi nhé”).
Khi đứng một mình, tiếng Ja được dùng nhiều khi tới mức lạm dụng. Nghe tiếng gõ cửa cũng Ja. Bắt điện thoại cũng Ja. Ja cho biết mình đang hiện diện. Ja,ja cho biết ‘làm liền bây giờ’. Chỉ có một trường hợp trong đó tiếng Ja được mọi người chăm chú im lặng nghe là tiếng Ja của đôi vợ chồng trong lễ cưới. Tiếng Ja mang nghĩa chính thống nhất.
Tiến hơn một bực, Jaaaa!! là tiếng reo vui mừng của trẻ em khi mở gói quà, hay của đám học sinh khi nghe chuông báo hết giờ, của người mới thoát nạn. Người vừa hoàn thành xong một công việc khó khăn, thở phào Jahhhh. Còn Jaaahaaa với giọng cáu kỉnh kéo dài lại có nghĩa là “nghe rồi, biết rồi, làm rồi, sao còn hỏi”. Jaja (nói liền không nghỉ giữa hai chữ) không hẳn mang nghĩa đồng ý (Ja = Ừ) mà thường hàm ý nghi ngờ lời xác quyết của người kia.
Ði xa hơn, Ja biến thể thành Tja!, có thể ví như ‘Chà!’ trong tiếng Việt. Thành Mja (tạm dịch: “Mẹ, chuyện chẳng có gì” hay “đành chịu vậy thôi”). Và những biến thể xa hơn như Jamaar, Jahoor, Jawel…, tuy nhiên chúng nằm ngoài giới hạn của bài viết này.
Sự đa dạng của Ja thành hình bởi nhiều nguyên do: từ ngữ ngắn, phát âm dễ, có âm lực cao và dễ điều chỉnh âm lượng (do miệng mở rộng)… theo đà tiến hóa của ngôn ngữ và văn hóa đã càng ngày càng phong phú. Những mẫu câu mang tính xác nhận khác như “chắc chắn vậy”, “đúng thế”, “đương nhiên”, “không thể chối cãi được”… tuy có thể dùng để thay thế Ja, nhưng đại chúng vẫn coi những cụm từ này như một thứ văn ‘trịnh trọng’, như Battus (một trong nhiều bút hiệu của Hugo Brandt Corstius, nhà văn và nhà toán học nổi tiếng của Hòa Lan) đã nhận xét trong tác phẩm khảo cứu ngôn ngữ Opperlans! của ông.
*
Tóm lại, Ja là một từ ngữ quá đa dạng, quá phong phú. Nhất là trong thuật sử dụng Ja để chuyển tải tình cảm trong nhiều tình huống khác nhau, chắc trên thế giới không có từ nào có thể so sánh. Ðiều thú vị ở đây là giữa Ja Hòa Lan và Dạ Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong lối sử dụng và cách phát âm.
Nguyễn Hiền