Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Tôi thi đậu bằng ri-me năm 1944 tại trường thi tỉnh Quảng Trị, lúc mười hai tuổi. Tôi đậu đầu. Bằng ri-me là tên gọi dựa theo tiếng Pháp certificat d'études primaires, mà tên chính thức là certificat d'études primaires élémentaires (CEPE), được thiết lập cho toàn quốc Pháp và các thuộc địa của Pháp từ năm 1882, dành cho thiếu niên nam nữ từ mười một đến mười ba tuổi. Mãi đến năm 1989 chính quyền Pháp mởi hủy bỏ bằng CEPE.
Có bằng tiểu học tôi ghi tên thi tuyển vào Lycée Khai Dinh. Kỳ thi rất khó vì hoàn toàn sử dụng tiếng Pháp và có hai bài thi là dictée và rédaction. Có thí sinh đậu tiểu học trước tôi một năm nhưng thi tuyển trượt nên ghi tên học các tư thục ở Huế để năm sau thi lại. Dictée do một bà đầm đọc đúng giọng parisien (!) và lỗi thông thường của thí sinh thuộc hai lĩnh vực orthographe và grammaire. Tôi nhớ có mấy chữ “sur l'étroit chemin“ tôi nghe nhầm thành “sur les droits chemins“, như vậy coi như phạm lỗi orthographe. Bài rédaction bắt sĩ tử nhóc con mô tả cảnh chiều xuống trên xứ Huế. Hôm trước ba tôi dẫn tôi qua cầu Trường tiền và dạy cho tôi biết tên tiếng Pháp của cây cầu này là pont Clémenceau. Tôi bê luôn tên vị chính trị gia lỗi lạc (!) này vào bài luận. Kết quả tôi thi đậu, xem như đạt được một bước thành công rất quan trọng trên đường học vấn.
Từ tháng chín năm 1944, tôi bắt đầu đi học ở Lycée Khai Dinh, niên khoá 1944-1945. Theo chế độ học chính thời Pháp thuộc, niên học ở Huế bắt đầu từ tháng chín năm nay và chấm dứt vào tháng sáu năm sau. Lớp sixième có chừng bốn chục học sinh gồm cả nam lẫn nữ, cả Việt lẫn Pháp. Tây đầm ngồi các dãy bàn phía trước. Nhưng vì tôi vốn nghe kém nên bao giờ vào lớp tôi cũng chiếm chỗ ngồi ở bàn thứ nhất, từ tiểu học đến trung học lẫn đại học.
Hai bàn đầu phía phải - nhìn từ trên bục giảng xuống - dành cho các thiếu nữ Việt và Pháp. Có con Elisabeth, con Monique; có Nguyễn Bích Thoa, có Đặng thị Dương Chi. Tụi đầm có nhiều đứa đã bắt đầu giai đoạn puberté, còn phiá Việt nữ thì chưa có ai đáng xem là “người lớn“. Tôi ngồi bàn đầu bên phía trái, cùng với hai thằng Lemaire và Vincenti. Thằng Vincenti nghe nói là cháu ông proviseur Vincenti, ông này người Corse. Ngoài ra còn thằng Hamel, con bà giáo Hamel dạy môn francais. Đáng lẽ để nó ngồi chung bàn cùng hai thằng Lemaire và Vincenti thì coi hợp nhãn hơn nhưng nó vào lớp sau, tôi chiếm mất chỗ ngồi bàn trước rồi nên nó phải ngồi bàn hai.
Cùng lớp còn có Tôn Thất Trình, Tôn Thất Đệ và Bùi Viên. Ngoài ra còn bạn nào nữa thì tôi không nhớ được. Tôn Thất Trình sau này du học Pháp, có bằng ingénieur agronome và từng giữ chức Tổng trưởng Canh nông thời Việt Nam Cộng Hoà. Tôn Thất Đệ sau này học Y khoa Sàigòn, tốt nghiệp trước tôi hai năm. Bạn Đệ cũng lận đận trên đường học vấn như tôi. Chị Nguyễn Bích Thoa là em kế tướng Nguyễn Ngọc Loan, sau này nghe nói Chị có Ph.D. về Dược ở Hoa Kỳ. Bạn Trình hiện ở Irvine, chị Thoa hiện ở Lake Forest, cả hai địa phương đều thuộc Cali, Hoa Kỳ. Chị Đặng thị Dương Chi sau này có thời gian dạy Gia Long cùng với bà xã tôi. Chỉ có một mình Bùi Viên - Bùi Viên vốn có bà con họ hàng với tôi - là giác ngộ cách mạng; sau 75 vào Sàigòn mang cấp tá công an Việt cộng.
Phòng học lớp sixième không thuộc khu chính của trường mà thuộc khu phụ nằm ở cổng sau của trường. Lớp học nhìn ra một bãi cỏ rộng, ngăn cách bởi một hành lang dài. Một hôm trong giờ bà Hamel không rõ từ đâu bỗng xuất hiện trên sân cỏ trước cửa lớp một con bò vàng đứng ngước mắt nhìn vào lớp. Bà Hamel vui vẻ nhận xét : il nous écoute.
Lycée Khai Dinh có hai công trình kiến trúc mà tôi xem là độc đáo, đó là phòng sciences naturelles và phòng dessin. Đến giờ học hai môn này học sinh phải ra khỏi lớp sắp hàng đi thành đoàn dài rất kỷ luật để đến hai phòng học đặc biệt.
Phòng sciences naturelles do ông Cosserat phụ trách. Giang sơn của Ông trang trí rất đẹp. Dọc theo bờ tường có những hàng tủ kính nhiều tầng. Trên nóc các tủ kính và trong lòng các tủ kính có những con vật phơi khô nhồi bông dùng làm trợ huấn cụ cho môn biologie animale. Tôi nhớ có con chim trĩ faisan với bộ lông đuôi dài lướt thướt nhiều màu rực rỡ; có con vượn lông xám gibbon đang đánh đu vào một cành cây, có con chồn renard mắt nhìn lấm lét tinh ranh v.v.. Ngoài ra còn có một bộ xương người treo lủng lẳng vào một cột trụ kim loại và do một bọc vải đen dày phủ kín, chỉ khi nào học về le squelette humain thì mới bỏ tấm bạt che.
Có lần ông Cosserat kêu tôi lên bỏ tấm bạt, tôi sợ quá trời vì phải tiếp xúc trực tiếp với bộ xương người chết. Ngày Tết học trò cả Tây lẫn ta đều được nghỉ học ăn Tết. Thầy Cosserat bèn bắt học sinh sau nghỉ Tết vào học lại phải mang những loại lông chim khác nhau trên cơ thể loài gà để nộp cho Thầy. Mỗi học trò phải nộp một loài lông vũ khác nhau : lông cánh rémiges, lông thân tectrices, lông đuôi rectrices, lông tơ duvet. Thằng Lemaire nhăn nhó vì nhà nó không ăn Tết, không làm thịt gà, lấy đâu ra lông gà rémiges nộp cho thầy giáo.
Thấy tôi cũng phải nộp rémiges như nó, nó bèn năn nỉ tôi mang từ làng Quảng lượng vào Huế hai cái lông cánh gà trống, một cho nó, một cho tôi. Tôi nhận lời giúp nó. Đến khi nộp, thầy Cosserat nhận rémige của nó và cho nó điểm tốt; tới phiên tôi, thầy hỏi có đúng là rémige không, tôi thưa : “Dạ đúng mà Thầy, c'est moi qui ai tué ce coq.“ Thầy bảo “bien, je te crois“; nhưng vẫn cho điểm tôi ít hơn thằng Lemaire! Nó cứ theo cười nhạo tôi hoài! Sau này vào PCB ở Sàigòn, tôi gặp lại Giáo sư Cosserat đang giảng dạy ở Đại học Khoa học, ban SPCN. Tôi hỏi có phải Ông từng tham gia ban giảng huấn ở Lycée Khai Dinh Hué hay không, Ông trả lời “non, c'était mon frère“. Tôi suy đoán có lẽ Ông là em thầy Cosserat Khai Dinh.
Phòng học môn vẽ không phải là một phòng học như mọi phòng học khác mà là một ampithéâtre. Mỗi học sinh có một ghế ngồi riêng. Các hàng ghế sắp theo hình cánh cung và bố trí từ thấp đến cao, làm thành nhiều bậc cấp. Bàn giáo sư đặt giữa lòng khu cánh cung, nơi thấp nhất. Ngồi học vẽ mà cứ có cảm tưởng như đang đi coi hát. Phụ trách dạy vẽ là Thầy Tôn Thất Đào. Thầy dạy vỡ lòng cho chúng tôi về quang học, về góc nhìn, về khoảng cách v.v.. Chúng tôi chỉ học vẽ đồ vật, không học vẽ chân dung. Thầy bắt vẽ chiếc ghế thầy giáo, vẽ làm hai ba kỳ.
Phần đông học trò vẽ bằng bút chì đen trên giấy trắng; có bạn khôn hơn dùng màu nâu sẫm để vẽ nên được điểm cao. Thầy bắt vẽ chiếc giầy tây, tôi về nhà dựa vào hình trong Larousse, chữ soulier, để...đạo hình (thay vì đạo văn).
Theo wikipedia, Trường Trung học Khải Định Huế xây cất năm 1896, sau Trường Chasseloup Laubat xây cất năm 1874 và Collège de My Tho xây cất năm 1879. Sau Khải Định có Bưởi/Chu Văn An xây dựng năm 1908, Gia Long xây dựng năm 1915, Petrus Ký xây dựng năm 1927. Bà xã tôi từng dạy Gia Long, Petrus Ký, Hùng Vương ở Sàigòn-Chợlớn; nên tôi được biết không trường trung học nào có hai công trình xây cất giống phòng sciences naturelles và phòng dessin của Lycée Khai Dinh. Tôi đoán tại các trường trung học khác, tự Bắc chí Nam, chắc các kiến trúc sư cũng không nghĩ đến thiết kế tương tự và tôi tự hỏi tại sao lại thế.
Nếu cho rằng Hànội và Sàigòn đã có sẵn sở thú nên không cần quan sát các động vật phơi khô nhồi bông thì trường hợp Collège de My Tho phải giải thích như thế nào? Hơn nữa, tại sao chỉ có Lycée Khai Dinh mới có ampithéâtre để học sinh học môn hội hoạ? [Bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ cho biết Trường Albert Sarraut ở Hànội cũng có ampithéâtre làm phòng dạy vẽ. Trường Albert Sarraut do kiến trúc sư Adolf Bussy xây dựng năm 1919 (wikipedia)].
Tôi đang yên ổn học tập thì xảy ra vụ Nhật đảo chính Pháp vào ngày mồng chín tháng ba năm 1945 mà chúng tôi hồi đó quen gọi là vụ neuf mars. Và vì Lycée Khai Dinh là tên gọi chính thức của Trường từ năm 1936 đến năm 1955 (vẫn theo wikipedia) nên tôi mới trình bày đầu đề bài viết này theo cách vừa Tây vừa ta. Đó là một dụng công cố ý.
Khi Việt Minh chiếm quyền, cộng sản giao toàn bộ cơ sở khang trang rộng rãi của Lycée Khai Dinh cho đoàn quân viễn chinh Pháp mới quay lại Đông Dương làm doanh trại trú quân; mãi đến khoảng 1954-1955 phía Pháp mới chính thức hoàn trả trường Khải Định cho Bộ Quốc gia Giáo dục. Kết quả nhiều thế hệ học sinh tuy mang danh nghĩa học sinh Khải Định nhưng không hề được học dưới mái Khải Định một ngày nào hết! Các anh các chị phải đi học nhờ thi đậu (thi đậu thay vì ở đậu, thi đậu không phải là thi đỗ!) trong Đại Nội, tại trường Việt Anh, tại trường Thuận Hoá, tại trường Đồng Khánh. Đó là khoá anh Nguyễn Khoa Phước chẳng hạn. Bạn Nguyễn Khoa Phước học Khải Định từ 1946 đến 1953, đậu Tú Tài Hai năm 1953, sau này trở thành Thượng Nghị sĩ Quốc hội Việt Nam Cộng Hoà. Bạn hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Bạn Bác sĩ Bùi Xuân Nhiếp cũng cùng hoàn cảnh. Mang tiếng là học sinh Khải Định, khoá 1947-1954, nhưng từ đầu đến cuối bạn lạc phách giang hồ sang Việt Anh, Đồng Khánh! Bạn Bùi Xuân Nhiếp hiện định cư tại Toronto, Gia Nã Đại.
Khi giao cơ sở Lycée Khai Dinh cho lính Tây tạm chiếm, Việt Minh cố gắng trấn an dân chúng và giáo chức cùng học sinh. Người phụ trách đả thông tư tưởng là Tướng Việt cộng Nguyễn Sơn, nghe nói là đang trên đường từ Nam ra Bắc nhận công tác mới. Tướng Nguyễn Sơn ghé trường Khải Định để nói chuyện cùng ban giảng huấn và học trò Lycée Khai Dinh. Nơi tụ họp là nhà chơi, préau của Trường. Tôi còn nhớ lời biện bạch của Tướng Nguyễn Sơn khi ông ta bảo rằng ta chỉ tạm cho Pháp mượn trường sở trong một thời gian ngắn (?), vào lúc mà Pháp đã phải nhượng bộ và tôn trọng ta; chả thế mà vốn quen gọi ta là rebelles, nay Pháp đành gọi ta là révolutionnaires! Rồi dùng phấn trắng viết lên bảng đen, ông tướng các lực lượng vũ trang nhân dân (sic) vừa cuời vừa bảo : “Ấy, cùng là r cả nhưng có thời r = rebelles, có lúc r = révolutionnaires!“
.
Cá nhân tôi thực sự được ngồi học dưới mái Trường Trung học Khải Định-Quốc học Huế (tôi muốn đề cập đến ngôi trường đích thực) chưa tròn một niên khoá. Nhưng nhờ vậy mà tôi được các thầy các cô người Pháp trang bị cho một vốn liếng Pháp ngữ tạm đầy đủ để tôi tiếp tục trau dồi thêm ngoại ngữ này. Hành trang vào đời đó đã góp phần cho tôi lập được những học tích (không phải chiến tích!) tạm coi là ngoạn mục.
Khi thi Trung học Đệ nhất cấp niên học 1952-1953, tôi đậu đầu toàn cố đô Huế vì bài luận Pháp văn xuất sắc và bài dịch Pháp văn chính xác. Thầy Cao Hữu Triêm - Thầy Triêm coi tôi là học trò cưng lớp Đệ tứ của Thầy - kể cho tôi biết rằng vị giáo sư chấm bài dịch Pháp sang Việt và bài luận Pháp văn của tôi đã cho 9,75/10 kèm theo lời phê : “Rất tiếc không thể cho thêm được nữa!“. Tôi còn nhớ trong bài dịch tiếng Pháp có câu :“un coup de feu retentit au loin“.
Toàn bộ thí sinh trường thi Huế chỉ hiểu coup de feu là ánh lửa, nháng lửa, chớp lửa, tia lửa v.v..riêng một mình tôi dịch đúng bóc là tiếng súng! Phần thưởng vật chất của thành tích Trung học này là cái máy hát quay tay kèm theo mấy dĩa hát của công ty gì tôi quên tên, chỉ nhớ các dĩa hát có hình con chó kèm theo mấy chữ La Voix de son Maitre. (Bộ chữ tiếng Việt không giúp tôi đánh dấu mũ được trên chữ i). Cái máy hát này do Ông Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Huế tặng và là phần thưởng lớn nhất của toàn Trường Quốc Học năm đó.
Phần thưởng ở Đại học thì lại là một phần thưởng tinh thần. Tôi học PCB không những rất thoải mái mà còn rất thú vị vì trúng ngay tủ tiếng Pháp quen thuộc; cho nên tôi đậu PCB có mention. Nha Quân Y - độ đó chưa có Cục Quân Y - gởi thư mời tôi gia nhập ngành Quân y mà không phải thi cử gì cả. Tôi chỉ việc đến Nha ký tên vào đơn tình nguyện nhập ngũ ngạch sĩ quan hiện dịch. Qua sáu năm Y khoa tại Trường Đại học Y Khoa Sàigòn, tiếng Pháp học từ Lycée Khai Dinh vẫn là chuyển ngữ quen thuộc; nhờ đó tôi có điểm học tập Y khoa cao nên được Trường Quân Y cho điểm major de promotion; vì thế tôi được ở lại phục vụ ngay tại Trường Quân Y, không phải đi đơn vị.
Hôm nay viết lại những dòng này, tôi bồi hồi xúc cảm nhớ lại một trong những giai đoạn đẹp nhất của đời học trò, đã diễn ra dưới mái ngôi trường có hai phòng ốc trợ huấn có thể là đẹp nhất nhì đất nước, phòng sciences naturelles cùng phòng dessin của Lycée Khai Dinh.
23.09.2014
Wikipedia phần Anh ngữ, chuyên mục “Quốc Học - Huế High School for the Gifted“ ghi ở phần History như sau :“On 19 December 1946, during the confrontation against French Colonialists, the school was moved into two places : One branch called “Binh Tri Thien School“ was located in Huong Khe, Hà Tĩnh province and the other branch called “Huynh Thuc Khang School“, was located in Đức Thọ, Hà Tĩnh Province. The branch came back to Huế after ten years of disruption, and was conquered by French Colonialists as a barrack on April 29, 1955.“ Đọc đoạn văn này tôi không biết tác giả hay các tác giả muốn nói những điều gì.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
|
Trường Quốc Học Huế tức Lycée Khai Dinh cũ |
|