Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Nhà Ngài cạnh nhà tôi, cách có một đoạn ngắn 15 phút đường xe. Tôi lâng lâng kiêu hãnh lượn lờ ở góc phố Bolsa và Magnolia, giữa trưa, cơn nóng rung rung bốc lửa bỗng dưng muốn chụp ké một vài tấm hình lưu niệm.
Cách nhau đây là cái khoảng cách mươi dặm từ nhà tôi, đầu Quận Cam, Cypress đến góc phố này, cho là ngay Trung Tâm Quận Cam, Wesminster, là Tiểu Sài Gòn, nơi mà ngày 13 tháng 9 Dương lịch 2014 Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California vừa khánh thành đặt tượng của Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương.
Cũng vẫn một phố phường cũ mà bây giờ dạo phố đi ngang, người Việt như cảm thấy có bản sắc phần nào. Do một phần Lịch Sử hào hùng chỉ ngón tay... là ta đây tượng đá uy nghi đặt nền. Ra đi mang theo quê hương, người Việt tuy không mang được sự uy dũng ít ra của bức tượng Trần Hưng Đạo lẫm liệt đứng chỉ huy tại bến Bạch Đằng xế Bộ Tư lệnh Hải Quân của VNCH, nhưng với tượng nhỏ thì mang được sự thân thương, ấm lòng kẻ lữ thứ, đã một thời u ám tỵ nạn. Có thể nói nhà mới của Ngài thì nhỏ cũng như Little Sài Gòn.
Và rồi đã cách xa cả hơn 700 năm,qua bao nhiêu thời đại, phế tích... tôi cứ thầm nghĩ ở cố quốc tôi và Ngài cùng quê, tỉnh Hải Dương. Quê đây là Trú quán, còn Sinh quán của Ngài ở Tức Mặc, Nam Định; giờ thì như gặp lại cố nhân ở Thủ Đô tỵ nạn cũng phần hãnh diện là Ngài cũng vì Tự Do, Dân Chủ mà sang đây, đồng quan điểm. Thêm nữa hồi nhỏ hay đau yếu vặt, tôi còn được bán làm con nuôi của Ngài tức Đức Thánh Trần cho hay ăn chóng lớn nên mới được Thánh thương cho cao hơn mét bẩy hai, đánh nhau chưa gặp địch thủ vì tính hay giả vờ hiền lành, nhún nhường, địch thủ cũng ngại, bỏ đi mà ngảnh mặt lèm bèm.
Dạo quanh ngắm Hưng Đạo Vương vững vàng trên nền đen đá hoa cương, tôi đọc 2 câu thơ, khắc ở đế tượng, trích từ bài thơ Quốc Ngữ " Hai chữ Nước Nhà" kể chuyện Nguyễn Phi Khanh dặn con Nguyễn Trãi của Á Nam Trần Tuấn Khải sáng tác khoảng 1936...
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên.
Gươm reo chính khí, nước rền dư uy
... mà bâng khuâng nhớ lại một bài thơ, cũng chữ Quốc ngữ, cũ khoảng năm 1940, được viết trong khung son, treo trên vách ở đền Kiếp Bạc. Một bài thơ đơn giản mà thật hay, ông nội tôi chép lại, giữ trong tủ sách gia đình. Ông tôi là một nhà Nho, thông Hán văn, Quốc ngũ, Pháp văn đơ gièm cùi bắp... ở quê cũng oai, theo ý của Bố tôi là văn chương lỗi lạc thì nhận xét về bài thơ này chắc có lý.
Ngoài Bắc có 2 sông lớn là Hồng Hà chảy qua Hà Nội cong như viền tai nên còn gọi Nhĩ hay Nhị Hà, còn hệ thống Sông kia là sông Thái Bình. Sông này dài trên 500 cây số, hoàn toàn phát xuất từ VN do 6 con sông chập lại ở chỗ mênh mông sóng nước, tên gọi Lục Đầu Giang, có nhà của Hưng Đạo Vương tại thôn Vạn Kiếp, là nơi Ngài được phong đất. Năm 1300 Ngài mất thì cũng nơi đây đã lập Đền Kiếp Bạc cúng thờ cho đến ngày nay.
Ông Nội tôi quê đất Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương. Làng ở mé sông Văn Úc, một nhánh thuộc Hạ lưu sông Thái Bình. Dân cư ngoài nghề Nông, làm vườn cũng sống nghề thuyền bè.
Hàng năm, cứ đến ngày 20 tháng 8 Âm lịch, khi những cơn mưa Ngâu tầm tã vừa dứt, cả một
vùng sông nước thoáng đãng, mát mẻ, cuồn cuộn, rất đông dân làng tôi dùng thuyền, gọi là đi trảy hội, đến Đền Kiếp Bạc dự lễ giỗ Ngài. Ông tôi cũng đi theo. Ông đóng bộ, trong mặc áo cộc trắng, ngoài áo the đen, khăn đóng, quần vải Trúc Bâu cháo lòng xột xoạt, giầy Gia Định lẹp kẹp; công tử phố Huyện vai vòng khoác ô đen thêm cái tay nải, trong để vài cái quần đùi, khăn mặt, cau khô chải răng... tay cầm cái tráp gỗ đựng 1,2 con gà chiên mặn, khỏi cần muỗng nĩa khi ăn chỉ việc xé ra; mấy nắm cơm vắt sắt miếng, chai nước vối... đồ ăn thức uống cho mấy ngày đi về.
Sáng tinh mơ, mấy con gà trống cúc... cù... cu, ông tôi lên thuyền khởi hành. Nước ngược dòng, nhưng có gió thổi xuôi, đẩy thuyền dương hai buồm khéo léo nương theo chiều gió mà đi nhanh. Thuyền ngược dòng sông Văn Úc khoảng 1 cây số, rẽ trái vào sông Vùa qua sông Thái Bình, quẹo mặt lên hướng Bắc. Mải miết đến khi nào thấy cầu Phú Lương lấp lánh giữa một vùng lúa xanh ở hai đầu, là cơn đói bắt đầu đòi ăn sáng, là đã biết đến nửa đường. Cầu Phú Lương ngay ngoài Thị Xã Hải Dương trông giống những khung sắt xe đạp chất chồng trên những trụ cột xi măng rất dài. Quốc Lộ 5 chạy từ Hà Nội đến Hải Dương hơn 50 cây số, qua cầu Phú Lương rồi đến Hải Phòng cũng số cây tương đương. Thuyền tiếp tục đi đến quá trưa thì tới đền Kiếp Bạc, mệt nhọc nhưng bỗng thấy háo hức trước cảnh của vùng sông nước khuấy động, thuyền bè san sát. Trên bờ, người đông, để rồi sẽ chen chúc với những tế lễ rước Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, lễ hội Hoa Đăng... cùng những trò chơi dân gian như như đấu vật, đua thuyền, bắt vịt, nấu cơm thi...
Thường thì ông tôi thuê hẳn một chiếc thuyền, trên bến dưới thuyền ăn ngủ vài ngày, hoặc chơi
khi nào chán thì về. Công Tử Chợ Làng dáng hình phong nhã, tầm thước, da trắng lại kính trắng
thư sinh, hồi trẻ chắc lắm cô ưa nên thích đi chơi, chẳng bỏ Lễ Hội nào. Khi già (ở quê là trên 55 tuổi bị gọi là Lão không phải làm tạp dịch, đắp đê, lại được ngồi trong Đình ăn trên ngồi trốc mỗi khi giỗ chạp...) thì cũng vì lý do lão? hay sức khoẻ? hay cả hai? ông tôi lại thích ở nhà hoặc đến tụ họp những bạn thơ ngâm vịnh, chẳng chịu đi chơi xa, hoạ hoằn lắm mới ra Hải Phòng ở nhà con cái ít lâu để khám mắt, chữa bệnh...Tôi nhớ một lần ông đến Hải Phòng ở với chúng tôi cả tháng.
Ông tôi thích kể chuyện xưa... là hồi năm 1940 ở Lễ Giỗ Đức Thánh Trần đã đọc được bài thơ, không rõ ai làm, cung tiến vào Đền. Bài thơ thất ngôn bát cú viết theo lối Độc vận, gieo vần rất khó, mà vẫn diễn tả rõ ràng, hùng hồn, không gì gò ép đầy đủ những nét chính về công trạng, sự nghiệp...của Đức Thánh Trần...thì thật là tuyệt như sau...
Đền này, nhà cũ đấng anh kiệt
Thượng tướng lưu danh lừng nhật nguyệt
Trừ thói xâm lăng quân Bắc Nguyên
Giữ nền Độc lập nước Nam Việt.
Chém đầu thày tớ Ô Mã Nhi
Vỡ mật cha con Hốt Tất Liệt
Tiếng sóng Bạch Đằng ngày đêm kêu
Kêu gọi Quốc Hồn, hồn bất diệt
(Khuyết danh, theo tôi biết đến nay)
Bài thơ này, đơn giản như nói lối mà đọc lên như nghe tiếng sóng Bạch Đằng, gió giựt hồn thu thảo, đập thêm vài tiếng trống nghe cũng rợn, hồn rơi phách tán kẻ địch như chơi, và không hiểu nay còn treo trong Đền Kiếp Bạc không? Nhưng cũng đưa ra để những ai lưu ý cùng đọc.
https://m.youtube.com/watch?v=mSTULD0dMfI
Lê Văn Khoa.
QYHD 18