Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Hoàng Dung là BS Hoàng Xuân Trường QYHD khóa 17. Ban Biên Tập xin chân thành cảm tạ tác giả đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH được đăng một số chương trong cuốn sách Cuộc Chiến Việt-Miên-Hoa 1979-1989 mà ông mới tái bản lần thứ hai. Chúng tôi dự định sẽ đăng mỗi tháng một chương trong cuốn sách.
Đây là một tài liệu hết sức quý báu vì chưa hề có tác giả nào nghiên cứu sâu sắc về một cuộc chiến mà rất ít người chú ý đến như Hoàng Dung. Cuộc chiến Việt-Miên-Hoa của thập niên 1980 được tác giả mệnh danh là Chiến Tranh Đông Dương III đã làm thay đổi hoàn toàn sự tương quan giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng và góp phần quan trọng vào thái độ ươn hèn của bộ máy cầm quyền Bắc Bộ Phủ đối với giặc phương Bắc.
Mọi thắc mắc và độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên lạc với tác giả qua điện thư:
hoangdung452000@yahoo.com



PHẦN THỨ NHẤT


MẶT TRẬN BIÊN GIỚI TÂY NAM

CHƯƠNG 9:    
Cu¶c chi‰n ViŒt-Miên-Hoa 1979-1989 Hoàng Dung
 
BIÊN GIỚI TÂY NAM 1978-1979,
CHIẾN DỊCH TIẾN CHIẾM*
                


        Sau trận tấn công của quân Việt Nam vào sâu trong nội địa Campuchia cuối năm 1977, Campuchia cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước, công khai hoá sự tranh chấp và tăng cường quân đội ở biên giới. Bị tố cáo là xâm lược, quân Việt Nam phải rút về nước ngày 6-1-1978. Những sư đoàn 703, 301... của Campuchia từ các quân khu Tây Nam và Trung Ương mới đến tăng cường bắt đầu cuộc thanh trừng nội bộ quân khu Đông. Vì thế, tình hình chiến sự ở vùng biên giới Tây Ninh tương đối lắng dịu một thời gian. Tuy nhiên, ở biên giới cực nam, ngay từ đầu tháng 1, các đơn vị thuộc sư đoàn 2 và 210 của quân khu Tây Nam của Campuchia đã mở cuộc tấn công và chiếm đóng các xã Phú Cường, Khánh An, Khánh Hoà, Khánh Bình và các quận lỵ Hồng Ngự, Hà Tiên thuộc lãnh thổ quân khu IX Việt Nam.

       Phòng thủ biên giới quân khu IX là những dợn vị cơ hữu của quân khu, gồm các sư đoàn 4, 8, và 330, cùng những trung đoàn chủ lực tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp. Tư lệnh quân khu lúc đầu là Lê Đức Anh, tư lệnh phó Trần Nghiêm. Sau khi Lê Đức Anh thay Trần Văn Trà, Trần Nghiêm lên làm tư lệnh quân khu IX. Trong lúc đó mặt trận ở quân khu VII đang yên tĩnh, nên sư đoàn chính quy 341 do Vũ Cao chỉ huy đang ở Tây Ninh được điều động đến tăng phái cho quân khu. Với lực lượng này, và nhờ sự yểm trợ của không quân, pháo binh, thiết giáp, trực thăng võ trang..., sau hai tháng hành quân, quân khu IX đã tái chiếm được những lãnh thổ đã mất. Sư đoàn 341 trở lại nằm trong đội hình quân đoàn 4, trấn đóng phía tây và tây nam Tây Ninh.

      Trong mấy tháng đó, ở phía bên kia biên giới, cuộc thanh trừng nội bộ ở quân khu Đông ngày càng trở nên gay gắt. Ngày 24-5-1978, quân đội của Ke Pauk thuộc quân khu Trung Ương kéo đến bao vây tổng hành dinh của quân khu Đông tại Suong, bắt giam hết những sĩ quan chỉ huy. Một số đơn vị của sư đoàn 4 trốn thoát vào rừng và nhiều cuộc chạm súng đã xảy ra giữa những toán quân này và quân Trung Ương. Trong số những lực lượng đồn trú tại quân khu Đông, sau cuộc thanh trừng, sư đoàn 4 coi như biến mất, các sư đoàn 3, 5, 280 bị suy yếu hẳn. Lợi dụng tình thế, giữa năm 1978, quân đội Việt Nam được lệnh mở một cuộc hành quân mới tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia để “mở rộng địa bàn, mở rộng hành lang liên kết với các lực lượng nổi dậy ở nhiều nơi, giúp đỡ lực lượng nổi dậy tạo thế và lực...” và quân đoàn 4 được lệnh “tiêu diệt sư đoàn 290, kiềm chế sư đoàn 3, phát triển đánh sư đoàn 703 ở Kompong Trach, mở rộng hành lang giúp lực lượng bạn nổi dậy”.

       Ngày 15-6-1978, chiến dịch bắt đầu. Các sư đoàn 7, 9, 341 cùng các đơn vị yểm trợ lại tràn qua biên giới, chiếm một giải đất sâu vào trong nội địa Campuchia từ 10 đến 40 cây số, trong đó có quận lỵ Prasaut. Lúc đó là mùa mưa, Campuchia tăng cường thêm nhiều sư đoàn từ các quân khu khác đến để phản công. Từ Prasaut, quân Việt Nam phải lùi về Chipru, và tới tháng 8, vì quân số hao hụt nghiêm trọng, Việt Nam phải điều động thêm sư đoàn 2 từ quân khu V đến tăng cường cho quân đoàn 4. Mùa mưa năm đó, trời bị lụt lội, hai bên giữ nguyên tình trạng dằng dai cho đến tháng 11. Trong mấy tháng đó, quân Việt Nam đã giải thoát thêm cho một số binh lính và dân chúng của quân khu Đông đang trốn tránh, tăng cường cho một mặt trận giải phóng bù nhìn mà Việt Nam mới thành lập.

        Cuối mùa mưa 1978, tại mặt trận phía bắc Tây Ninh, do quân khu VII phụ trách, sư đoàn 303 cơ hữu quân khu đang đồn trú ở Phước Long được đưa lên phối hợp với sư đoàn 5 và sư đoàn 302 để sửa soạn chiếm đóng thị xã Snoul, nơi Việt Nam dự định dùng làm địa điểm cho lễ ra mắt của “Mặt Trận Đoàn Kết Dân Tộc Cứu Quốc Campuchia”.  Snoul là một thị xã nằm trên ngã tư của quốc lộ 13 và quốc lộ 7, trước kia đã là một mật khu an toàn của bộ đội Việt Nam. Phòng thủ Snoul là sư đoàn 260 Campuchia. Chiến dịch này bắt đầu ngày 13-11-1978. Vì lơ là trong những ngày đầu, trung đoàn 316 cùng trung đoàn 55 thuộc sư đoàn 303 Việt Nam bị tổn thất nặng, nhưng nhờ ở quân số và hoả lực mạnh hơn, sau đó quân Việt Nam cũng chiếm được Snoul, cùng với một đoạn đường của quốc lộ 7 trên đường đi tới Mimot. Chiếm được Snoul, Việt Nam đưa sư đoàn 476 công binh đến khai quang một khoảng đất rộng trong vùng rừng núi gần đó, thiết lập khán đài, sửa soạn cho lễ ra mắt Mặt Trận Giải Phóng Campuchia do Việt Nam đỡ đầu.

       Sáng ngày 2-12-1978, một đoàn xe vận tải chở khoảng hơn một ngàn dân tị nạn Campuchia tới địa điểm hành lễ để hoan hô và giăng biểu ngữ. Nơi đây, ba tiểu đoàn binh lính Campuchia thuộc lữ đoàn 778, đơn vị quân sự gồm toàn người Campuchia do Việt Nam thành lập, đã đứng xếp hàng dàn chào. Xung quanh đó, bộ đội Việt nam, gồm có cả xe tăng và súng phòng không được bố trí bảo vệ. Buổi lễ được đặt dưới quyền giám sát của Lê Đức Thọ. Mười bốn ủy viên của Mặt Trận Dân Tộc Cứu Quốc Campuchia được giới thiệu, và Heng Samrin được cử làm chủ tịch Mặt Trận, kiêm nhiệm tư lệnh lữ đoàn 778.

       Trong khi đó, từ cuối tháng 11, khi mùa mưa chưa chấm dứt hẳn, sau khi đã ký hiệp ước thân hữu với Thái Lan, Campuchia dồn 19 trong 23 sư đoàn cơ hữu ra biên giới phía đông, liên tiếp phản công và tái chiếm những vị trí đã mất dọc biên giới Tây Ninh, đồng thời cũng pháo kích và tấn công nhiều vị trí suốt từ Đức Cơ (Pleiku) tới Hà Tiên (An Giang). Quân Việt Nam, bề mặt chỉ phản ứng một cách thụ động, nhưng bên trong, âm thầm chuẩn bị một cuộc tổng tấn công quyết định. Lương thực, đạn dược được ngày đêm chở đến biên giới. Quân đoàn 3 Tây Nguyên được tăng cường ở Pleiku, Ban Mê Thuột. Quân đoàn 2 Hương Giang từ Lào và quân khu IV được đưa xuống An Giang và Kiên Giang. Vì thiếu cơ phận thay thế, các phi cơ cũ A37 và F5 của không quân quân đội cộng hoà bỏ lại không được dùng đến nữa. Thay vào đó là những phi cơ Mig 21, trực thăng võ trang MI 24 do Liên Xô mới viện trợ được đưa từ Hà Nội và Đà Nẵng vào. Bộ đội được học tập để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lăng và chiếm đóng, gồm có những bài học “Phương pháp giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam”, “Chín điều quy định đối với lực lượng võ trang chiến đấu tại biên giới Tây Nam”, “Công tác địch vận”, và “Sáu điều kỷ luật về công tác dân vận quốc tế”.  Bộ máy chính trị và tuyên truyền của Việt Nam lại nỗ lực hoạt động, lần này không phải chống đế quốc Mỹ, mà là chống “bọn bá quyền phản động Trung Quốc và bè lũ Pol Pot, Ieng Sary”. Về sau, bị cô lập về ngoại giao, họ lại thêm “đế quốc Mỹ”, “bọn quân phiệt Thái Lan” và “những thế lực phản động quốc tế” (là những nước đã lên án hành vi xâm lược của Việt Nam) vào danh sách những kẻ thù để cho cán binh học tập.  Cuối tháng 12-1978, quân đội Việt Nam đã sẵn sàng.

       Tuy Việt Nam quyết định sẽ mở một cuộc tấn công quy mô trên toàn tuyến biên giới vào những ngày cuối năm, nhưng ngày giờ xuất phát từ Pleiku, Ban Mê Thuộc, Tây Ninh hay Hà Tiên không xảy ra đồng thời, và cho đến nay, ngoài bộ chỉ huy đầu não của Việt Nam hay bộ tổng tham mưu quân đội, không ai biết chắc về mục tiêu ban đầu của cuộc tổng tấn công. Có lẽ mới đầu Việt Nam chỉ muốn chiếm đóng phần đất phía đông sông Cửu Long, cố gắng giải thoát Sihanouk, đặt ông này vào chức vụ Chủ Tịch Mặt Trận để lãnh đạo cuộc chiến tranh lật đổ Pol Pot. Vì thế, ngày 2-1-1979, một toán đặc công vượt sông Cửu Long đến Phnom Penh định bắt cóc Sihanouk. Toán đặc công này bị phát giác và tiêu diệt. Ngoài ra, sau khi đã chiếm được hết lãnh thổ phía đông sông Cửu Long của Campuchia ngày 4-1-1979, đà tấn công của quân Việt Nam đã lơi đi trong nhiều tiếng đồng hồ, có lẽ để chờ đợi lệnh từ Hà Nội. Một ủy viên trong ban thường vụ Mặt Trận Giải Phóng Campuchia là Chia Soth đã tiết lộ với tác giả Stephen Haden năm 1981 “Chúng tôi chỉ định chiếm phân nửa lãnh thổ bên này sông Cửa Long, còn nửa bên kia để lại cho Pol Pot”. Một ủy viên khác, Heng Samin cũng tiết lộ: “Nhưng rồi khi chúng tôi tấn công và truy kích, thấy dễ dàng quá, chúng tôi cứ tiến mãi”.

       Tuy ở trong một tình thế kinh tế, chính trị và ngoại giao khó khăn, Việt Nam tin tưởng vào khả năng quân sự và tuyên truyền của mình nên quyết định cuộc hành quân phải thần tốc để đặt dư luận thế giới vào một sự kiện đã rồi. Vì thế, họ đã huy động một quân số lên tới gần hai trăm ngàn quân, sử dụng hết ba trong bốn quân đoàn chính quy, và một lực lượng yểm trợ hùng hậu gồm đủ hải quân, không quân, thiết giáp, tên lửa... Lê Đức Thọ giám sát tổng quát cuộc hành quân. Lê Trọng Tấn được triệu hồi về Hà Nội, có lẽ để giúp tổ chức phòng thủ biên giới phía Bắc. Lê Đức Anh được cử làm tư lệnh chiến dịch hay còn gọi là tư lệnh đội quân “tình nguyện”. Tuy cuộc tấn công chính thức bắt đầu vào đúng 12 giờ khua đêm Giáng Sinh năm 1978 khi Chu Huy Mân, tổng cục trưởng tổng cục Chính Trị bắn phát súng xuất quân tại Ban Mê Thuột, nhưng trên thực tế trận đánh đã mở màn từ ngày hôm trước, khi sư đoàn 2 cùng trung đoàn chủ lực tỉnh Tây Ninh mở cuộc tấn công cố gắng đánh bật các trung đoàn 23 thuộc sư đoàn 304 và trung đoàn 13, sư đoàn 221 của Campuchia ra khỏi các vị trí dọc theo tỉnh lộ 13 sát biên giới.

       Theo như kế hoạch, quân Việt Nam tràn qua Campuchia bằng nhiều hướng:

       Trên vùng biên giới cao nguyên phía bắc, các đơn vị của quân khu V (gồm hai sư đòan 307, 309, lữ đòan đặc công 198) và quân đoàn 3 (binh đòan Tây Nguyên) do tướng Kim Tuấn chỉ huy đánh dọc theo quốc lộ 19 và 14 tiến chiếm Stung Treng và lãnh thổ đông bắc Campuchia. Kim Tuấn đã từng là tư lệnh sư đoàn 320 B năm 1975. Quân đoàn 3 gồm các sư đoàn 10, 320, 31... đã có thể được các đơn vị Việt nam trú đóng bên Lào giúp đỡ.  Ngày 3-1-1979, quân Việt nam chiếm được Stung Treng.

       Mũi tấn công thứ hai xuất phát từ mặt bắc tỉnh Tây Ninh, gồm những sư đoàn cơ hữu của quân khu VII như sư đoàn 303, 302, 5, được tăng cường thêm một số đơn vị của quân đoàn 3 như lữ đoàn 12 thiết giáp, những trung đoàn chủ lực các tinh Tây Ninh Long An, Sông Bé, các trung đoàn 262 pháo binh, trung đoàn 26 thiết giáp, tiến quân dọc theo quốc lộ 13 và quốc lộ 7 tiến đánh Kratié và Kompong Cham.

       Hướng tấn công thứ ba là hướng tấn công chủ yếu do các sư đoàn 2, 7, 9, 341 của quân đoàn 4 (binh đòan Cửu Long) cùng lữ đoàn 22 thiết giáp, lữ đoàn 24 pháo binh, lữ đoàn 25 công binh, xuất phát từ hướng tây và tây nam Tây Ninh, sau khi đã tái chiếm những vị trị trên tỉnh lộ 13, tiến dọc theo trục quốc lộ 1 về hướng tây, nhắm đánh bến phà chiến lược Neak Luong. Hướng tấn công này được coi như chủ yếu vì là con đường gần nhất đi tới Phnom Penh, và những sư đoàn trấn đóng quân khu này được coi như những sư đoàn thiện chiến nhất của quân đội Campuchia.

       Hướng tấn công thứ tư, ở phía nam, từ An Giang, Hà Tiên, được giao cho những lực lượng của quân khu IX và quân đoàn 2 hay binh đoàn Hương Giang mới được tăng phái từ quân khu IV. Binh đoàn này, do Nguyễn Hữu An tư lệnh, Lê Linh chính uỷ, gồm những sư đoàn chính quy 304, 306 và 325, nhưng sư đoàn 306 được giữ lại làm “nghĩa vụ quốc tế” bên Lào, cho nên binh đoàn được tăng cường thêm sư đoàn 8 của quân khu IX.

      Cũng như tại mặt trận Tây Ninh, tại An Giang, quân Việt Nam cũng chia quân tấn công hai hướng. Hướng thứ nhất do các sư đoàn 4, 330 cơ hữu của quân khu IX cùng các trung đoàn chủ lực các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... phụ trách, theo quốc lộ số 2 tiến về hướng bắc đánh về Phnom Penh. Hướng thứ hai gồm sư đoàn 32 và sư đoàn 8 tiến theo duyên hải về hướng tây đánh chiếm hải cảng Kompong Som, sư đoàn 304 được dùng làm trừ bị, dự trù được dùng tăng cường trong trường hợp quân đoàn 4 tấn công Phnom Penh gặp khó khăn. Lữ đòan hải quân đánh bộ 126 được dùng để tấn công quân cảng Ream.

      Sau ba ngày tấn công, tại hướng chủ yếu Tây Ninh, quân đoàn 4 với sự yểm trợ hùng hậu của không quân, trực thăng võ trang, pháo binh, hải quân, thiết giáp... quân Việt Nam đánh bật được quân Campuchia ra khỏi các vị trí Năm Căn, Hoà Hội dọc theo tỉnh lộ 13, và các đơn vị của các sư đoàn 703, 340, 221 của Campuchia phải rút về thành lập một tuyến phòng thủ mới tại Svayrieng. Nhưng sau khi bị đánh thua ở Tây Ninh, quân Campuchia đã bị mất tinh thần. Hơn nữa, khi phải chấp nhận một trận đánh quy ước với một địch thủ mà hoả lực, quân số và kinh nghiệm chiến trường trội hơn quá nhiều, quân Campuchia bị tan rã nhanh chóng, tuyến phòng thủ Svayrieng bị vỡ ngày 2-1-1979, và quân Campuchia lại phải rút về Preyveng và Neak Luong.

       Quân Việt Nam ráo riết truy kích bằng ba cánh quân. Sư đoàn 7 và sư đoàn 2 làm nỗ lực chính di chuyển theo quốc lộ 1, sư đoàn 9 tiến song song bảo vệ sườn phía nam, và sư đoàn 341 bảo vệ sườn phía bắc. Tới ngày 6-1-1979, những đơn vị đầu tiên của sư đoàn 7 chiếm được bờ phía đông của bến phà Neak Luong. Quân Campuchia trong khi rút lui vội vã đã không kịp thiết lập công sự phòng thủ. Đêm hôm đó, cách bến phà khoảng hai cây số về phía nam, trung đoàn 113 cùng trung đoàn 14 của sư đoàn 7 được tàu đổ bộ đưa sang bên kia sông, và tiến chiếm luôn bờ phía tây của bến phà. Kiểm sóat được cả hai bên bờ, sáng sớm hôm sau, ngày 7-1-1979, toàn bộ đội hình quân đoàn 4 rầm rộ vượt sông.

        Do sự tan rã nhanh chóng của lực lượng phòng thủ biên giới và ước tính chủ quan của Pol Pot, con đường từ Neak Luong về Phnom Penh dài hơn năm chục cây số thênh thênh mở rộng, không có một lực lượng chống đối nào đáng kể. Quân Việt Nam, với xe tăng mở đường, ào ạt tiến về Phnom Penh bằng xe vận tải. Tới 11 giờ sáng ngày 7-1-1979 thì đơn vị đầu tiên của Việt nam vào đến Phnom Penh, lúc đó đã là một thành phố bỏ ngỏ. Những người duy nhất còn ở lại là Đại sứ Lào Khampha Vilachit(2) với vài ba nhân viên sứ quán.

       Trong khi đó, tại hướng tấn công tây bắc Tây Ninh quân Việt Nam phát xuất từ những vị trí đã chiếm đóng từ tháng 11-1978 ở Snoul và Mimot bắt đầu tấn công ngày 30-12-1978. Sư đoàn 5 và sư đoàn 303 tiến dọc theo quốc lộ 13 tiến về hướng bắc tấn công Kratié do sư đoàn 260 và 2 trung đoàn địa phương của đặc khu 505 phòng thủ. Trong cuộc tiến quân, hai tiểu đoàn 1 và 2 trung đoàn 316 sư đoàn 303 bị tập kích bất ngờ nên bị tiêu diệt. Trung đoàn này, cũng như trung đoàn 33, sau một tháng hành quân, quân số hao hụt mất một nửa. Tuy thế, nhờ lối đánh thí quân, bất chấp tổn thất, ba ngày sau quân Việt Nam cũng chiếm được Kratié. Lúc đó, sư đoàn 302 tiến về phía tây đã chiếm được Kompong Cham. Sau đó, hai sư đoàn 302 và 303 cùng quay lại đánh chiếm thị xã Chhlong do sư đoàn 603 Campuchia chống giữ. Ngày 4-1-1979, họ chiếm được Chhlong. Kể từ lúc đó, toàn bộ lãnh thổ Campuchia ở phía đông sông Cừu Long coi như bị mất.

      Tại mặt trận phía nam, quân Việt Nam chỉ bắt đầu vượt biên giới vào ngày 3-1-1979, và từ An Giang, họ tấn công làm hai hướng. Sư đoàn 325 và sư đoàn 8 tiến về phía tây, dọc theo quốc lộ số 2. Ngày 9-1-1979 sau khi đánh tan được sư đoàn 230 Campuchia, họ chiếm được Kampot. Ngày hôm sau, với sự trợ lực của hải quân, cánh quân này chiếm được quân cảng Ream và hải cảng Kompong Som. Tuy nhiên, có lẽ vì không chuẩn bị kịp về tiếp liệu, quân Campuchia đã có thể phản công chiếm lại Kompong Som ngày 14-1 để rồi quân Việt nam lại tái chiếm vào ngày hôm sau. Hướng thứ hai, do quân khu IX phụ trách, tiến về phía bắc đánh chiếm hai thị xã Tani và Takeo. Các sư đoàn Campuchia trấn giữ quân khu Tây Nam như sư đoàn 2, 210, 230, 250, bị tan rã và rút lui vào rừng.

      Tại hướng tấn công phía bắc, các sư đoàn của quân đoàn 3 (Tây Nguyên) cũng tiến xuống Phnom Penh, sau đó sư đoàn 320 theo quốc lộ 4 xuống bình định các tỉnh phía nam. Các sư đoàn còn lại theo các quốc lộ 5 và 6 tiến về hướng tây và hướng bắc. Họ gặp sức chống cự đáng kể của quân Campuchia tại Battambang và Siem Reap. Cho tới cuối tháng 3, quân đội Việt Nam coi như chiếm được hết những thành phố và tỉnh lỵ quan trọng của Campuchia.

      Sự thất thủ Phnom Penh ngày 7-1-1979 đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Pol Pot. Quân Việt Nam đã không ngừng lại ở Phnom Penh và họ đã nhanh chóng tiến quân về phía tây. Trên đường tiến quân, họ bỏ qua những ổ kháng cự nhỏ của quân Khmer Đỏ. Chỉ trong hai tuần sau, quân Việt Nam đã tiến sát tới biên giới Thái Lan và chiếm đóng hết những thị xã lớn và những tỉnh lỵ quan trọng của Campuchia.

        Dù cho lực lượng hai bên có chênh lệch ngay từ đầu, sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Campuchia đã làm ngạc nhiên nhiều người, kể cả những cấp lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam. Vì thế mà họ đã không chuẩn bị kịp việc tiếp vận cho một địa bàn quân sự quá lớn. Nhiều xe tăng đã bị bỏ lại và bắn cháy trên đường tiến quân về hướng tây chỉ vì hết xăng giữa đường. Chiến thắng này cũng bất ngờ với 66 đại biểu Campuchia được Việt Nam triệu tập đang họp ở Mimot ngày 5-1-1979 để bàn về việc thành lập một đảng cộng sản Campuchia mới. Đảng này lấy lại danh xưng Đảng Nhân Dân Cách Mạng có từ thời 1951. Pen Sovan, một cán bộ Campuchia tập kết về Hà Nội năm 1954, đang mang quân hàm thiếu tá trong quân đội Việt Nam, được đề cử giữ chức chủ tịch đảng. Những ủy viên thường vụ của đảng gồm Hun Sen, Bou Thang, Chan Kiri, Heng Samrin và Chia Soth. Ngày 8-1-1979, đài phát thanh Phnom Penh loan báo Phnom Penh đã được giải phóng bởi “những lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia”. Một Hội Đồng Cách Mạng được thành lập do Heng Samrin làm chủ tịch. Khoảng mười ngày sau, Hội Đồng này ký một hiệp ước với Việt Nam, hợp thức hoá sự hiện diện của quân đội nước này trên đất Campuchia.

      Đạt được chiến thắng quân sự nhanh chóng, nhưng Việt Nam bị thất bại về ngoại giao. Trong suốt hơn mười năm sau, dù đã bằng lòng rút quân khỏi Campuchia, Việt Nam vẫn là một quốc gia về ngoại giao lẻ loi nhất thế giới. Chính quyền Heng Samrin, dù không tàn ác như Pol Pot, nhưng là một chính quyền bù nhìn, không được thế giới công nhận. Hai ngày trước khi Phnom Penh thất thủ, sau khi mất phần đất phía đông sông Cửu Long, do lời khuyên của Trung Hoa, Pol Pot mời Sihanouk đang bị giam lỏng đến và nhờ ông đại diện Campuchia tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để tố cáo và lên án hành động xâm lăng của Việt Nam. Ngày hôm sau, 6-1-1979, Sihanouk đáp chuyến máy bay Boeing 707 của cục hàng không dân dụng Trung Hoa cùng các nhân viên của hai toà đại sứ Trung Hoa và Nam Tư di tản sang Bangkok. Vì thiếu chỗ, hai viên đại sứ đã phải nhường chỗ cho nhân viên rồi tự mình đi Battambang bằng đường bộ.

              Hình1: Quân Việt Nam tiến vào Nam Vang (nguồn Wikipedia)
      
      Sáng ngày 7-1-1979, tin về quân đội Việt Nam đang vượt bến phà Neak Luong gây rối loạn trong thành phố Phnom Penh. Toàn thể dân cư Phnom Penh, gồm toàn viên chức, cán bộ hay binh lính chỉ kịp rời thành phố bằng xe hơi hay xe lửa chạy về hướng tây khoảng một giờ đồng hồ, trước khi quân Việt Nam kéo đến. Ieng Sary cũng ở trong đám người này. Còn Pol Pot, Nuon Chia, Khieu Samphan, Son Sen trốn vào mật khu. Bốn ngày sau, Ieng Sary mới tới biên giới Thái Lan. Tại đây, Ieng Sary lên một máy bay của không quân Thái bay tới Bangkok, và từ đó, sang Bắc Kinh.

       Trong cuộc tiếp xúc với Ieng Sary ở Bắc Kinh ngày 13-1-1979, Đặng Tiểu Bình không giấu được giận dữ. Ông ta trách cứ Khmer Đỏ đã đẩy chiến dịch thanh lọc hàng ngũ đi quá trớn. Ông cũng nhắc lại thí dụ cộng sản Trung Hoa đã hợp tác với Quốc Dân Đảng trong chiến tranh kháng Nhật, và khuyến cáo Khmer Đỏ phải trọng dụng Sihanouk, tạm thời che giấu bản chất cộng sản, bắt đầu đề cao lòng ái quốc và chủ nghĩa quốc gia.

       Sau khi Campuchia bị mất, Thái Lan trở nên một địa bàn chiến lược quan trọng để Trung Hoa có thể giúp đỡ cho Khmer Đỏ tiếp tục chiến đấu. Ngay sau khi họp xong với Ieng Sary, Đặng Tiểu Bình bí mật cử Cảnh Biểu (Gang Biao), ủy viên bộ Chính Trị, cùng thứ trưởng ngoại giao Hàn Niệm Long sang Bangkok hội đàm với thủ tướng Thái Kriangsak(2) tại căn cứ không quân Utapao. Sau khi Việt Nam liên minh với Liên Xô và xâm lăng Campuchia, Thái Lan không còn giữ thái độ trung lập được nữa, Kriangsak đồng ý để Trung Hoa dùng lãnh thổ Thái Lan tiếp tế cho Khmer Đỏ. Trong khi đó, tại New York, sau gần mười năm vắng bóng trên chính trường, ông hoàng Sihanouk tái xuất hiện, đại diện cho Campuchia đọc diễn văn trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong một bài diễn văn cảm động, ông lên án cả hành động xâm lăng của Việt Nam lẫn chế độ bạo tàn Pol Pot. Ông yêu cầu đại hội đồng ra nghị quyết buộc Việt Nam phải rút quân ra khỏi Campuchia. Dù được đại đa số đại biểu tán thành, nghị quyết này bị Liên Xô phủ quyết. Sau khi dự đại hội đồng, Sihanouk bí mật rời khách sạn, đến gặp đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Andrew Young, yêu cầu được tỵ nạn chính trị.

        Yêu cầu của Sihanouk đã gây ít nhiều khó khăn cho Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Hoa được có hai tuần và Đặng Tiểu Bình sắp sang thăm thân hữu Hoa Kỳ. Do đó, Hoa Kỳ tỏ vẻ ngần ngại. Trong khi đó, Pháp bằng lòng để Sihanouk định cư, nhưng lại cấm ông ta không được hoạt động chính trị. Người giúp giải quyết vấn đề tế nhị đó là Đặng Tiểu Bình. Ông ta thuyết phục Sihanouk là Trung Hoa luôn luôn là bạn tốt của Sihanouk, và sẽ cảm thấy mất mặt nếu Sihanouk không chịu qua sống ở Trung Hoa. Ông bảo đảm với Sihanouk quyền tự do đi lại, và hứa áp lực với Khmer Đỏ để hỏi thăm tin tức về những người con mất tích của ông. Cuối cùng Sihanouk đồng ý sang tỵ nạn ở Trung Hoa.

      Trở lại chiến trường Campuchia, vì quân Việt Nam tiến chiếm toàn lãnh thổ Campuchia quá nhanh chóng, nên quân Campuchia chỉ bị tan rã chứ chưa bị tiêu diệt hẳn. Nhiều đơn vị đã tập trung lại thành những đơn vị nhỏ, tiếp tục đánh du kích và quấy phá. Sau khi quân đoàn 4 chiếm được Phnom Penh, các đơn vị của quân đoàn 3, quân khu V và quân khu VII cũng vượt sông Cửu Long tiến chiếm và bình định lãnh thổ phía bắc Biển Hồ và sông Tonlé Sap. Quân Khmer Đỏ đã cố gắng kháng cự gần tỉnh Battambang nhưng cũng chỉ có thể làm chậm đà tiến quân của Việt Nam vài ngày. Họ đã phân tán thành nhiều đơn vị nhỏ tiếp tục đánh du kích. Tướng Kim Tuấn, tư lệnh quân đoàn 3 đã bị những nhóm du kích này bắn cháy trong thiết vận xa, Nguyễn Quốc Thước được cử lên thay. Quân đoàn 2 và các sư đoàn quân khu IX sau khi chiếm được vùng duyên hải cũng tiến dọc theo quốc lộ 4 về hướng bắc.

        Khỏang hơn một tháng sau, sau khi Trung Hoa tiến đánh biên giới Việt Hoa, quân đoàn 2 rút về bảo vệ Hà Nội. Việt Nam bắt đầu tổng động viên, một số các trung đoàn độc lập được tăng cường và đôn lên thành cấp sư đoàn, như các trung đoàn Gia Định 1 và 2, Quyết Thắng 1 và 2, trở thành các sư đoàn 317, 318, để gửi sang tăng cường mặt trận Campuchia. Trách nhiệm chính trong công tác hành quân vẫn là các đơn vị của quân đoàn 4. Một phần vì đa số cán bộ cũng như binh sĩ những đơn vị này đã quen thuộc với địa thế chiến trường Campuchia từ thời chiến tranh Đông Dương 2. Phần khác vì những vị trí và mật khu quan trọng của Khmer Đỏ đều nằm trong vùng trách nhiệm của quân đoàn 4 và các đơn vị quân khu VII.

      Trận đánh quan trọng đầu tiên trong chiến dịch bình định diễn ra tại  Kompong Speu, nằm trên quốc lộ 4 nối hải cảng Kompong Som với Phnom Penh, cách Phnom Penh khoảng 50 cây số.  Thị xã này, sau khi quân Campuchia di tản vội vã, đã do trung đoàn 10 thuộc sư đoàn 339 của Việt Nam chiếm đóng.  Nhưng ít ngày sau, các lực lượng còn lại của các sư đoàn 703, 340, 221 từ tuyến phòng thủ Svayrieng chạy về đã tập trung lại được và dự định tái chiếm thị xã. Được tin, bộ tư lệnh quân đoàn 4 điều động sư đoàn 341 đến tăng cường. Trận đánh bắt đầu ngày 21.1 đến ngày 7.2 mới kết thúc. Dù bị tổn thất nặng, quân Việt Nam vẫn giữ được Kompong Speu, các lực lượng của 3 sư đoàn Campuchia bị tan rã, chỉ còn là những nhóm nhỏ hoặc tiếp tục đánh du kích, hoặc rút về biên giới Thái Lan.

       Giữ vững được Kompong Speu, bảo đảm được giao thông trên quốc lộ 4, quân Việt Nam tiến đánh căn cứ Amleng, nơi mà bộ chỉ huy quân sự của Pol Pot từ Phnom Penh rút về trú đóng.  Căn cứ này nằm trong một vùng rừng núi hiểm trở, cách Phnom Penh khoảng 100 cây số đường chim bay về phía tây nam. Lực lượng tấn công gồm sư đoàn 2, sư đoàn 7, sư đoàn 9, sư đoàn 341 của quân đoàn 4, được tăng cường thêm sư đoàn 5 của quân khu VII. Vì lực lượng tấn công quá hùng hậu, quân Khmer Đỏ rút lui, bỏ mặc cho căn cứ Amleng bị tràn ngập, nhưng họ tìm đủ cách để gây khó khăn và tổn thất cho quân Việt Nam khi họ rút lui khỏi căn cứ bằng đủ mọi phương tiện, hoặc phục kích, bắn tỉa, gài mìn, đốt rừng...

       Chiếm xong được Amleng, quân Việt Nam mở chiến dịch đánh chiếm thị xã Leach. Leach là một thị xã nhỏ nằm gần quốc lộ số 5 là con đường từ Phnom Penh đi Battambang, cách biên giới Thái Lan khoảng tám chục cây số. Trước ngày 7-1-1979, Leach được Khmer Đỏ sử dụng làm căn cứ tiếp liệu. Ngay sau khi Phnom Penh thất thủ, khi quân Việt Nam chưa có đủ thì giờ để chiếm đóng hết các vị trí, Khmer Đỏ dự định biến Leach thành một căn cứ phản công. Một phần lớn những lực lượng còn lại được tập trung tại  đây. Tuy quân số mang tiếng là gồm nhiều sư đoàn (264, 210, 104, 502, 260, 460), nhưng trên thực tế, mỗi sư đoàn chỉ có chưa tới một ngàn binh sĩ. Lực lượng phòng thủ cũng có vài khẩu pháo 105 ly và vài xe thiết giáp.

        Để tấn công Leach, quân Việt Nam đã sử dụng một lực lượng lớn và tấn công làm bốn hướng: Hướng thứ nhất, do sư đoàn 341 thay thế sư đoàn 330 đã bị hao hụt quân số quá nhiều khi giải toả quốc lộ số 5, đánh chiếm thị xã Pursat để từ đó đánh vào mặt bắc của Leach. Hướng thứ hai do sư đoàn 9 từ căn cứ Amleng mới chiếm được đánh vào phía đông. Hướng thứ ba do quân khu IX phụ trách được tàu đổ bộ chở đến tỉnh Kokong, rồi từ đó, tấn công mặt nam. Hướng thứ tư, do một sư đòan của quân đoàn 3, từ biên giới Thái Lan theo tỉnh lộ 56 đánh ngược về mặt tây của Leach. Vì đây là một trận quyết định, nên trận đánh đã kéo dài trên một tháng. Tất cả các sư đoàn tham chiến đều bị tổn thất nặng. Cuối cùng, vì hoả lực thua kém, quân số bị hao hụt mà không được bổ xung nên căn cứ Leach của Khmer Đỏ bị sư đoàn 9 chiếm được ngày 29-4-1979.


   Hình2: Cuộc chiến xâm chiếm Campuchia của Việt Nam, tu chính từ bản đồ trong cuốn Brother Enemy của  Nayan Chanda
   
      Trận đánh tại căn cứ Leach là trận đánh có quy mô lớn cuối cùng trên đất Campuchia. Sau khi Leach bị mất, các đơn vị còn lại của Khmer Đỏ rút về các mật khu ở Pailin và Taxang sát biên giới Thái Lan. Một số khác phân tán thành những đơn vị nhỏ tiếp tục đánh du kích. Các đơn vị quân sự của Việt Nam bắt đầu phân nhiệm để hành quân bình định. Nhiều sư đoàn thiện chiến đã bị hao hụt nặng được rút về nước. Những sư đoàn tân lập được gửi qua tăng cường hay thay thế. Tuy nhiên, vì lòng thù hận và mối nghi kỵ lâu đời giữa hai dân tộc, vì thái độ hống hách của các cán bộ lãnh đạo chính trị và quân sự của Việt Nam ở Campuchia, với sự giúp đỡ của Trung Hoa và sự đồng tình làm ngơ của Thái Lan, đội quân tan nát của một chính thể tàn bạo như Khmer Đỏ (còn khoảng ba chục ngàn quân) vẫn còn khả năng quấy phá. Chính quyền Việt Nam, dù đang ở trong một tình trạng kinh tế tồi tệ, vẫn phải duy trì một đạo quân chiếm đóng lên tới khoảng hai trăm ngàn, và cho tới mười năm sau, sau khi quân Việt Nam bị áp lực ngoại giao quốc tế và áp lực quốc nội buộc phải rút quân, Khmer Đỏ vẫn còn là một lực lượng đáng kể ở Campuchia.

        Đánh đuổi được chính phủ Pol Pot trong một thời gian ngắn có thể coi như một chiến thắng quân sự của Việt Nam. Nhưng sau chiến thắng, quân đội chiếm đóng Việt Nam đã bị sa lầy, các nhóm nhỏ Khmer Đỏ vẫn tiếp tục phục kích, đặt mìn, bắn sẻ, pháo kích, đặt chông... gây tổn hại nặng nề cho bộ đội Việt Nam cả về nhân mạng lẫn tinh thần chiến đấu. Riêng tại mặt trận biên giới Tây Nam, đã có hơn năm chục ngàn thanh niên Việt hy sinh. Hàng chục ngàn thanh niên khác bị tàn phế. Sự hy sinh ấy được đánh đổi bằng sự sa sút về kinh tế, sự cô lập về ngoại giao và kết quả là mười năm sau, họ cũng phải rút quân khỏi Campuchia.

Tài liệu tham khảo:

- Binh đoàn Hương Giang, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội.
- Sư đoàn Sông Lam, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội.
- Đoàn Phước Long, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội.
- Sư đoàn 7, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội.
- Brother Enemy, Nayan Chanda, Mac Millan Publishing Company, New York.
- Mặt Thật, Thành Tín.

CHÚ THÍCH
:

(1): Khampha Vilachit: đại sứ Ai Lao tại Căm Pu Chia, xuất thân là một nhà sư, được cử làm đại sứ vì biết nói tiếng Khmer
(2): Thủ tướng Kriangsak: tư lệnh quân đội Thái, đảo chánh lên làm thủ tướng 1977, nhưng lại tự ý rời bỏ chức vụ năm 1980
Hình1: Quân Việt Nam tiến vào Nam Vang (nguồn Wikipedia)

Hình1: Quân Việt Nam tiến vào Nam Vang (nguồn Wikipedia)

Hình2: Cuộc chiến xâm chiếm Canpuchia của Việt nam (tu chính từ bản đồ trong cuốn Brother Enemy của Nayan Chanda)

Hình2: Cuộc chiến xâm chiếm Canpuchia của Việt nam (tu chính từ bản đồ trong cuốn Brother Enemy của Nayan Chanda)

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading