Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Giäi Væn H†c Kÿ IV TrÀn Væn Tích
Giải Nhì Văn Học Kỳ IV

Giải Nhì Văn Học Kỳ IV

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Giải Văn Học Kỳ IV khác hẳn ba Giải Văn Học trước đây vì lần này Giải được tổ chức với một đề tài rõ ràng

Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn sau 39 năm: Chân dung, Thành quả và Tương lai“

Lẽ ra nếu chờ đợi thêm một năm nữa cho tròn bốn mươi năm thì đẹp hơn nhưng vì Đại Hội Y Nha Dược Thế Giới được triệu tập vào tháng tám năm nay (2014) tại Melbourne nên Giải Văn Học Kỳ IV cũng phải chào đời sớm hơn một năm.

Trong quá khứ, số tác phẩm tham dự Giải Văn Học lên đến hàng trăm và gồm đủ thể loại sáng tác văn học: thơ, truyện dài, truyện ngắn, hồi ký, kịch bản, biên khảo. Tầm vóc các thành quả trí tuệ được gửi về dự thi cũng rất khác nhau, có tác phẩm chỉ vài chục trang giấy đóng thành một cuốn sách mỏng cân chưa tới nửa kilô, nhưng cũng có tác phẩm gồm một bộ sách sáu cuốn in trên khổ giấy lớn, bìa cứng, trọng lượng hàng chục ký. Hội đồng tuyển lựa và bình điểm vì thế phải bỏ ra rất nhiều thì giờ và công sức.

Tổ chức Giải Văn Học Kỳ IV, chúng tôi nuôi hoài bão “thu thập được những tiểu luận án nghiên cứu đứng đắn, khách quan, khoa học về Cộng đồng Tỵ nạn Việt Nam” (Thông cáo thứ hai, ngày 13.01.2014).

Tuy nhiên Ban Tổ Chức Giải Văn Học Kỳ IV thấy trước rất rõ những khó khăn trở ngại liên quan đến thể thức sáng tác theo luận đề ấn định sẵn. Cá nhân tôi ước lượng cao lắm chỉ được mười tác phẩm trúng cách gửi đến dự thi. Ấy là chúng tôi đã cẩn thận gửi thư đến một số nhân vật mà chúng tôi đánh giá là có khả năng, hứng thú và phương tiện để thỉnh cầu quí vị này chịu khó sáng tác một tiểu luận biên khảo đúng với chủ đề. Có người hứa sẽ viết nhưng rồi không viết. Có người nhận lời nhưng gửi tác phẩm không hợp lệ. Ban Tổ Chức cố gắng đáp ứng nhu cầu thời gian để quí vị ứng viên thêm ngày giờ chấp bút; cho nên thay vì hạn chót là ngày 30 tháng Tư, thời hạn nhận tác phẩm đã được uyển chuyển và âm thầm kéo dài đến 15 tháng Năm.

Trong một bối cảnh như vậy, cuối cùng thực tế vẫn là thực tế: Giải Văn Học Kỳ IV không có giải nhất. Cá nhân tôi chờ đợi tình huống này. Hai giải ba không đáp ứng đúng hẳn đề tài đề nghị: thay vì đề cập đến Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn trên khắp thế giới, hai tác giả trúng giải chỉ đề cập đến tập thể đồng hương hiện sống lưu vong trên đất Hoa Kỳ.

Ba nội dung chính của đầu đề: chân dung, thành quả và tương lai được trình bày thiếu cân đối. Các tác giả vì căn cứ chủ yếu vào những dữ kiện có sẵn nên phác hoạ đậm nét chân dung cộng đồng, liệt kê phong phú những thành quả đạt được - chủ yếu là trên lãnh thổ Hợp chủng quốc - ; trong khi chỉ riêng tác phẩm đoạt giải Melbourne là có phần dự kiến tương đối đầy đủ và hữu lý về tương lai cộng đồng tỵ nạn.

*
Giá tự do của tác giả Lâm Vĩnh Bình là tác phẩm duy nhất in thành sách khổ vừa 15x22cm. Hai tác phẩm còn lại, Người Việt trên đất Mỹ - Bút ký, Phóng sự của tác giả Chu Tất Tiến và Bức chân dung Cộng đồng Người Việt Tị nạn ở Hoa Kỳ (1975-2014) của tác giả Vĩnh Liêm là hai tập giấy rời, khổ lớn 21x28cm. Giá tự do có 292 trang không kể Lời giới thiệu Lời nói đầu, Người Việt trên đất Mỹ dày 152 trang Bức Chân dung Cộng đồng Người Việt Tị nạn ở Hoa Kỳ dày 294 trang. Hai tiết mục chính cùng được cả ba tác phẩm đề cập: 1) lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng (các hình thức di tản, các giai đoạn di cư) và 2) thành quả đạt được, thất bại khuyết điểm. Tỷ lệ giữa các tiết mục hết sức chênh lệch.

Về hình thức, tác phẩm trúng giải Melbourne - trong thực tế xem như trúng giải nhì - trình bày có phần không theo lệ thường: mục lục nằm chen vào giữa sách (do đó khiến người đọc lúng túng khi muốn tìm xem thứ tự các chương). Nó xuất hiện sau Lời giới thiệu Lời nói đầu (hai phần này không được đánh số trang).

Người giới thiệu công trình biên khảo của ông Lâm Vĩnh Bình là một nhân vật ẩn danh. Cuối bài giới thiệu có những dòng ghi chú: “Vì một lý do riêng, chúng tôi xin được 'ẩn danh' tác giả bài giới thiệu với sự đồng ý của tác giả trong các ấn bản đệ trình Ban Giám Khảo”. Hy vọng khi chính thức phát hành để phổ biến đến đông đảo quần chúng thưởng ngoạn sẽ không còn tình trạng “ẩn danh” nữa, dẫu rằng người đọc tinh ý cũng đã suy đoán được danh tính nhân vật viết Lời giới thiệu qua văn phong diễn đạt và qua trình độ phân tích.

Nơi phần cuối Lời nói đầu, Lâm Vĩnh Bình cho biết: “Viết về các cộng đồng, ngoài những bản sắc chung
(1), mỗi cộng đồng còn mang thêm một số bản sắc đặc thù và quyển sách cố gắng nêu lên những đặc thù ấy với những phân tích cần thiết”. Đây là một kiến giải có giá trị vì nó là thành quả trí tuệ của đích thân người viết, là công lao chất xám của bản thân tác giả họ Lâm (trong khi phần lớn nội dung ký thác trong ba tài liệu chỉ là những dữ kiện thống kê hay những ghi chép theo kiểu tai nghe mắt thấy).

Lâm Vĩnh Bình thẩm định tình hình các cộng đồng người Việt lưu vong như sau:

·Ông cho rằng so sánh với các cộng đồng lưu vong Trung Hoa, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Nhật Bản và Nam Hàn thì cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có số năm học ít nhứt, lợi tức gia đình trung vị (sic) thấp nhứt, thất nghiệp nhiều nhứt, người sống dưới ngưỡng nghèo đông nhứt, nhận trợ cấp nhiều nhứt, nhưng lại gởi tiền về VN nhiều nhứt (tô đậm trong nguyên tác). (Thay lời kết: những con số đáng suy nghĩ..., trang 110-114).

·Ông trình bày theo lối quy nạp: các hội đoàn người Việt tỵ nạn ở Canada cùng có mẫu số chung là chủ trương quốc gia (tô đậm trong nguyên tác), hay nói cách khác là chống cộng sản; tuy nhiên thế hệ thứ hai thứ ba thì đa số đã quá hội nhập đến độ quên mất gốc nguồn. (Kết, trang 140-142).

·Ông đánh giá người Việt ở Úc vừa được ghét vừa được thương bởi lẽ họ vừa cống hiến vừa hủy hoại (…) nhưng dù sao, so với người Việt định cư ở hải ngoại, người Việt ở Úc có được nhiều điều thuận lợi nhứt. (Kết, trang 160).

·Ông nhận xét “trong phong trào vinh danh cờ vàng của người Việt tị nạn, chính phủ Pháp rất dị ứng không muốn cho người Việt tị nạn trương cờ vàng trong những buổi lễ công cộng (...)” (Kết, trang 174-176) (2).

·Ông kết thúc về người Việt ở Đức qua viện dẫn nhà biên khảo Nguyễn Quý Đại và đến lượt mình, nhà biên khảo họ Nguyễn lại đan cử chính trị gia Đức Arnold Vaatz (3): “Biến cố thuyền nhân Việt Nam (…) là chất xúc tác khiến mười năm sau, bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ, chúng ta xoá bỏ hai miền Đông và Tây Đức đối đầu chủ nghĩa. Chúng ta phải cám ơn người tị nạn Việt Nam...” (Kết, trang 186).

·Ông lưu ý rằng ở Anh chỉ có một số nhỏ (tô đậm trong nguyên tác) người Việt là tị nạn cộng sản và họ ví như cá chậu chim lồng, trong khi đại đa số người Việt đến Anh hợp pháp và bất hợp pháp ra đi từ miền Bắc là cá gặp nuớc. (Kết, trang 192).

·Ông không có kết luận về nhóm người Việt tỵ nạn tại Tây/Bắc Âu (Bỉ, Hoà Lan, Thụy sĩ, Ý, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan).

Người đọc ghi nhận cố gắng của tác giả nhằm so sánh giữa các cộng đồng tỵ nạn sinh sống ở những quốc gia khác nhau trên một số khía cạnh: người Mỹ gốc Việt gửi tiền về Việt Nam nhiều nhất (đương nhiên, vì số lượng người gửi lớn), người Úc gốc Việt gặp nhiều thuận lợi hơn người Việt tỵ nạn tại các quốc gia khác, người tỵ nạn ở Anh là thiểu số. Đây chỉ là những nhận xét thuộc mặt nổi. Có lẽ nên đào sâu thêm.

Chẳng hạn người Đức gốc Việt, người Thụy Sĩ gốc Việt, người Na Uy gốc Việt có cùng tâm trạng với người Mỹ gốc Việt hay không? Đứng dưới lá cờ tam sắc đen-đỏ-vàng, đứng dưới lá cờ chữ thập trắng, đứng dưới lá cờ chữ thập xanh, người tỵ nạn Việt Nam, dẫu đã mang quốc tịch nước sở tại, có sẵn sàng dốc lòng phụng sự như người đứng dưới lá cờ Stars and Stripes hay không? Tỷ số chính trị gia, sĩ quan cấp tướng, cấp tá v.v.. gốc Việt ở Đức, ở Thụy sĩ, ở Na Uy so với ở Hoa Kỳ, ở Úc, ở Pháp có giống nhau không? Có thể chúng ta không có những dữ kiện thống kê chính xác, khoa học, khách quan nhưng không phải vì thế mà chúng ta không ước lượng được một cách khái quát
(4).

Sinh hoạt chính trị của tập thể tỵ nạn tại Hoa Kỳ có hoàn toàn giống sinh hoạt chính trị của cộng đồng lưu vong ở Pháp, ở Đức, ở Úc hay không? Nếu không hoàn toàn giống thì những điểm dị biệt nào đáng để ý? Tại Hoa Kỳ, lực lượng phe quốc gia chiếm ưu thế tuyệt đối, Vietnamese diaspora có ảnh hưởng không nhiều thì ít lên đời sống văn hoá-xã hội-chính trị Hợp chủng quốc.

Cho nên chỉ ở Mỹ mới có chiến dịch dựng lại cờ vàng để cờ vàng được nhiều địa phương công nhận, thậm chí có địa phương còn cấm Việt cộng lai vãng! Diễn biến này - vốn thuận lợi cho chính nghĩa quốc gia - không thể nào xảy ra ở Pháp, ở Đức và rất khó xảy ra ở Úc. So sánh hai con số người Việt ở Pháp - tạm cho là 150.000 (trang 167) - và ở Đức - tạm cho là 125.000 (trang 180) - thấy rằng tuy tổng số thành viên suýt soát nhau nhưng diện mạo hai cộng đồng lại hoàn toàn khác biệt.

Ở Pháp số đồng bào theo khuynh hướng quốc gia phần nào chiếm ưu thế, ở Đức tỷ lệ dân số quốc-cộng ước chừng 50-50 (fifty-fifty). Bởi thế không phải ngẫu nhiên mà biểu tình với hai lá cờ xuất hiện đầu tiên ở Đức
(5) trong khi biểu tình không có cờ nào lại khai trương ở Anh còn ở Mỹ thì hầu như chỉ có cờ vàng, ít nhất là cho đến năm ngoái. Nếu ở Hoa Kỳ có đến ba cộng đồng người Việt và một nghị hội (!), nếu ở Pháp Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà suýt bể làm hai, thì tại sao ở Đức cho đến hôm nay không xảy ra tệ nạn vừa kể? Hơn nữa, phải chăng chỉ có cộng đồng người Việt lưu vong là chia rẽ nặng nề còn các cộng đồng Cuba, Do Thái, Trung Hoa đoàn kết rất chặt chẽ hay khá chặt chẽ (6)? Ngay sắc thái chính trị của các Liên hội, Tổng hội, Tập thể được xem như qui tụ người tỵ nạn đồng hương tại các quốc gia khác nhau cũng không cùng quang phổ.

Xem như cùng chống cộng cả đấy mà Liên Hội Người Việt Canada, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ và Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức không phải chỉ khác nhau qua danh xưng mà thôi! Tình trạng an sinh-xã hội nơi các quốc gia Gia Nã Đại, Úc, Tây Âu và Bắc Âu tương đối tốt đẹp hơn ở Hoa Kỳ, điều này có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm tình người tỵ nạn Việt Nam hay không? Chắc chắn phải có.

Thật ra và như đã nói, không phải Lâm Vĩnh Bình không sử dụng biện pháp tỷ giảo: chẳng hạn Ông cho rằng “trên đất Pháp, với một nền văn hoá mà người Việt Nam đã ít nhiều chịu ảnh hưởng, sự hội nhập người Việt tương đối dễ dàng hơn so với người Việt ở Mỹ, Úc, Anh là nước có văn hoá Anh (culture anglo-saxonne). Với thế hệ thứ hai và thứ ba, tuy bị Âu Mỹ hoá, nhưng hiện tượng mất gốc như một số người trẻ Mỹ gốc Việt ít thấy trong gia đình người Pháp gốc Việt”. (trang 173).

Tương lai các cộng đồng người Việt được tác giả Lâm Vĩnh Bình dành cho tất cả mười tám trang để trình bày (từ giữa trang 274 đến gần hết trang 292). Nói chung, tác giả tỏ ra không mấy lạc quan. Dẫn lời nhà văn Nguyễn Văn Sâm, Ông Lâm cho rằng dòng văn học hải ngoại sẽ suy yếu dần nhưng sẽ chỉ biến dạng mà không chết còn âm nhạc thì bế tắc trong khi các thư viện hải ngoại càng ngày càng lưu trữ nhiều sách báo cộng sản. Nhìn chung, tác giả nhận thức cộng đồng người Việt tỵ nạn lưu vong sẽ tồn tại như các cộng đồng Do Thái, Trung Hoa, Đại Hàn, Nga, Nhật nhưng với một điều kiện: chế độ độc tài và tham nhũng Việt Nam phải cáo chung (tô đậm trong nguyên tác). Thực ra nếu nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy rằng các quốc gia thuộc địa trước sau gì cũng độc lập do xu hướng giải thực thì hôm nay nhìn về tương lai, chúng ta cũng có thể kết luận rằng “chế độ độc tài và tham nhũng Việt Nam” không sớm thì muộn cũng phải bị đào thải, do xu hướng dân chủ đa nguyên hiện thời.

Kết luận: Giá tự do có hình thức bố trí đáp ứng nội dung trình bày và nội dung trình bày thì đáp ứng đề tài của Giải Văn Học. Nó hội đủ điều kiện của một tiểu luận, nó đạt được tiêu chuẩn của một công trình nghiên cứu. Chuyên bàn về vấn đề văn học, chính trị, xã hội liên quan đến cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, nó là một thành quả lao động trí óc phản ảnh một tinh thần chấp bút thận trọng, một thái độ nhận thức khách quan; nó sử dụng những phương pháp thực sự phù hợp với đối tượng biên khảo và nó áp dụng những quy định chính xác làm căn cứ để có thể đánh giá đúng hiện tượng tìm hiểu. Một ưu điểm khác của Giá tự do so với hai tác phẩm trúng giải ba là tính cách thời sự của nó. Nó đan cử sự kiện xảy ra vào tháng hai năm 2014 (trang 175), nó cập nhật dân số Việt Nam tại Mỹ cho đến năm 2010
(7). Nhưng nó nặng phần thống kê, liệt kê mà nhẹ phần bình phẩm phân tích. Nhìn chung, phần đóng góp của chủ thể sáng tác so với phần lạc quyên từ tha nhân thiếu cân đối.

Tác giả Vĩnh Liêm chia công trình của mình ra ba phần: Bối cảnh lịch sử ngày 30 tháng Tư năm 1975 (11 trang), Làn sóng tị nạn (33 trang) và Hội nhập và thành quả khích lệ (220 trang). Phần kết luận: “Thay lời kết: Thực trạng người Việt tại Hoa Kỳ” không phải là thành quả chất xám đại não của tác giả mà là vay mượn của Phạm Thành Sơn. Về phương pháp biên soạn, Vĩnh Liêm cho biết: “(...) việc biên soạn cuốn sách này không mấy khó khăn. Chỉ có một việc khó khăn là tìm tài liệu. Mà tài liệu trên internet thì hầu hết đều bằng tiếng Anh. (...)”(trang 6). Thái độ của Vĩnh Liêm thật rất thành thực và tư cách lương thiện trí thức của tác giả đáng được ngưỡng mộ. Quả là internet đã xâm nhập mạnh mẽ công trình của Ông từ đầu đến cuối.

Tác giả Chu Tất Tiến chú thêm hai chữ “Bút ký - Phóng sự” sau đầu đề tác phẩm dự thi của Ông. Đúng như vậy: chỉ có mười chín trang tạm coi là hợp nội dung, mà nội dung thì không hợp hẳn với đề tài Giải Văn Học Kỳ IV; phần còn lại gồm một trăm ba mươi hai trang là những thiên phóng sự tản mạn, linh tinh, rời rạc, dẫu rằng chúng phản ảnh trung thực hiện trạng cuộc sống của đồng bào chúng ta trên đất Mỹ. Những luận điểm do tác giả đưa ra, nhìn chung, không có gì mới lạ: thành công cũng lắm mà thất bại cũng nhiều.

Nói chung, không phát giải nhất cho Kỳ IV là một quyết định đúng đắn. Và cũng nói chung, phải thừa nhận là Giải Văn Học kỳ này mang ít nhiều tính tiên thiên bất túc.

*

Toàn bộ vốn hiểu biết tương đối bách khoa và phong phú sâu sắc của người nghiên cứu tham dự Giải Văn Học Kỳ IV phải luôn hướng về nhiệm vụ trung tâm là phát hiện chính xác các đặc điểm cơ bản của tâm lý xã hội, của đời sống tinh thần, của tư tưởng tình cảm, của sinh hoạt thẩm mỹ, của không khí văn hoá-văn học, của môi trường hoạt động chính trị liên quan đến tập thể đồng bào tỵ nạn Việt Nam phân tán trên khắp thế giới trong thời gian gần bốn thập niên vừa qua và vào một thời kỳ lịch sử nhất định. Sự hiểu biết đứng đắn những phương diện này chính là cơ sở trực tiếp cho sự nhìn nhận, đánh giá và ước định đối tượng nghiên cứu cụ thể là cộng đồng lưu vong người Việt.

Một tác phẩm biên khảo nghiêm chỉnh về Vietnamese diaspora cần có khả năng khái quát một cách sâu rộng cuộc sống tỵ nạn hoặc một vài khía cạnh của cuộc sống đó, khám phá được những vấn đề lớn gắn liền với số phận ly hương biệt xứ, với vận mệnh của tập thể và phẩm bình phân tích những vấn đề ấy trên lập trường của người Việt tự do, theo tinh thần của chủ nghĩa nhân bản, dưới ánh sáng của chính nghĩa chống cộng. Bằng sức mạnh nghệ thuật phong phú, với năng lượng thẩm mỹ dồi dào, tác phẩm biên khảo về người tỵ nạn Việt Nam do người tỵ nạn Việt Nam chấp bút thế nào cũng tác động lên tâm hồn tư tưởng người đọc, có sức cổ vũ đối với giới thưởng ngoạn đồng hương.

Về phần mình, người được trao phó trách nhiệm bình giá tác phẩm dự thi phải cố gắng vận dụng những nguyên lý của mỹ học-khoa học dựa vào ý thức hệ tạm gọi là ý thức hệ tự do Việt Nam Cộng Hoà để tìm hiểu các thành quả trí tuệ một cách toàn diện và đánh giá đối tượng dự giải một cách công bằng khoa học; đồng thời nỗ lực phát hiện ở các tác phẩm những gì có thể phục vụ đắc lực cho đại cuộc chống cộng hiện tại.

Nhận định như thế, xác quyết như thế, Giải Văn Học Kỳ IV của Hội Quốc tế Y sĩ Việt Nam Tự do đã phát ba giải mà không có giải nhất. Cả ba tác giả đã chủ yếu chú trọng vào quá trình tái hiện thực tại mà phần nào nhãng bỏ nhiệm vụ phân tích đánh giá của chủ thể sáng tạo. Cho nên chỉ trao ba giải - một giải nhì và hai giải ba - là một việc làm hợp lý và hợp tình.

15.08.2014

(1) Bản sắc là “màu-sắc tượng-trưng tính-chất của một sự việc, một người“(Việt-Nam Tự-điển, Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, Sàigòn, 1970); là “màu sắc, tính chất riêng (TVT nhấn mạnh) tạo thành đặc điểm chính” (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, Hànội, 1994). Như vậy, có lẽ nên viết “ngoài những bản sắc giống nhau“.

(2) Theo tôi, đặc tính nổi bật của tập thể tỵ nạn Việt Nam ở Pháp là tính chia rẽ đố kỵ đã trở thành cực kỳ phổ biến và thâm căn cố đế. Ở Hoa Kỳ và tại các quốc gia khác cũng thế nhưng không nơi nào trầm trọng như ở Pháp.

(3) Ông Lâm Vĩnh Bình cho biết ông Arnold Vaatz là Phó Chủ tịch Liên đảng CDU/SDU tại Quốc hội Liên bang. Thực ra chính trường Đức không có đảng SDU, chỉ có đảng CSU ở tiểu bang Bayern.

(4) Ở Đức không có người Việt tỵ nạn nào giữ chức vụ cai trị dân chúng hay thay mặt dân chúng. Trong quân đội Đức chỉ có một sĩ quan duy nhất gốc Việt Nam, đó là một Dược sĩ Trung tá.

(5) Tổ chức biểu tình ở Hamburg với hai lá cờ là một “người Việt Đông Âu”. Thoạt tiên đương sự xin tỵ nạn, được các tổ chức sinh viên du học phe quốc gia giúp đỡ làm thủ tục nhưng đương sự vẫn giữ “hộ chiếu” Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và khi thời thế biến chuyển, đương sự sử dụng cả cờ vàng lẫn cờ máu lúc biểu tình.

(6) Tập thể lưu vong tỵ nạn cộng sản Việt Nam có một số thành phần tiêu cực bi quan thường đả kích tính thiếu đoàn kết của cộng đồng đồng hương ly hương tỵ nạn. Họ có xu hướng chê bai bài bác những xung khắc giữa các hội đoàn, đoàn thể, mặt trận, liên minh. Tệ hơn nữa, họ cho rằng sở dĩ như vậy là do cái gọi là Nghị quyết 36. Thật ra đây chỉ là cái giá phải trả cho lưu vong, cho ly hương, cho vong mệnh, cho lữ thứ mà diaspora nào cũng phải trả, mặc dầu chẳng hề biết đến Nghị quyết hay Quyết nghị nào hết.

Tác phẩm Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương cực tả tính rời rạc lỏng lẻo của cuộc sống tập thể nòi Hán. Trong thực tế, không có nhân vật đối kháng nào rời bỏ Hoa lục sang sinh sống ở nước ngoài trở thành lãnh tụ cả: Ngụy Kính Sinh? Liêu Diệc Vũ? Trần Quang Thành? Nhóm Pháp luân công có tập hợp được lực lượng - có thể do yểm trợ ngấm ngầm của Đài loan - để đạt đến thành công khi truy tố tội ác các lãnh tụ Trung cộng trước các pháp đình cấp quốc gia chấp nhận universal principle; tuy nhiên không hề thấy họ tôn vinh cá nhân nào làm minh chủ.

Các truyện dài của Saül Bellow, giải thưởng Nobel 1976, miêu tả xã hội người Do thái di dân và các tranh chấp trong cộng đồng ly hương nơi những thành phố lớn. Thủ đô tỵ nạn Cuba ở Miami có hàng mấy chục nếu không là hàng trăm hội đoàn tranh đấu. Tán trợ chính quyền Hoa kỳ cấm vận Cuba hay chống đối chủ trương này khiến nhiều nhóm Exil-Cuban kình chống nhau đôi khi khá kịch liệt. Trên cương vực đảo quốc, nhóm phản kháng Convergencia Democratica chật vật đi tìm một thủ lãnh. Ngay trong một tập thể chuyên môn nhỏ như nhóm các nhà văn Nga lưu vong ở Pháp sau khi cộng sản cướp quyền mà cũng chẳng hề có đoàn kết, theo Georges Nivat trên Magazine Littéraire số 221.

(7) Tác giả Vĩnh Liêm chỉ ghi được dân số người Mỹ gốc Việt đến năm 2007 và cũng chỉ ghi theo lối “ước tính”: 1.508.489 (trang 59). Giá tự do trình bày ở trang 52 dân số Việt Nam tại Mỹ vào năm 2010 là 1.548.449.

Loading