Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
B034_C015_0101AE_001.R3D.Still001 (1000 x 527)
CÜ«i Ng†n SÃm - Ride The Thunder (16)
 
Ban Dịch Thuật: Lý Văn Quý - Nguyễn Hiền - Nguyễn Hoàng Diệu - Trịnh Bình An

Nguyên tác tiếng Anh
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Chương 11
Lòng người ở nhà

K
hóa Căn Bản Sĩ Quan Pháo Binh mà George Philip tham dự được hoàn tất vào đầu tháng 3 năm 1968 tại Ft. Sill. Cho đến ngày tốt nghiệp, anh được tin có thêm nhiều đồng đội đã tử trận tại Việt Nam, trong số đó có một Thiếu úy bộ binh, một người bạn vừa mới cùng đi chơi Giáng Sinh chung tại Disneyland. Người này đã bị thiệt mạng trong vòng một tuần khi mới đ
ến Việt Nam.

George Philip bắt đầu tin rằng thần chết không chừa một ai cả và có lẽ bất cứ lúc nào anh trình diện Vùng I Chiến Thuật cũng sẽ không thiếu mục tiêu để chiến đấu. Do đó anh tận dụng hết tháng nghỉ phép được cấp cho các quân nhân trước khi họ lên đường xuất ngoại. Lời nhắn nhủ chia tay khôn ngoan tuy có vẻ tầm thường của cha kế anh lại hóa ra vô cùng sâu sắc và thấm thía: "Liệu mà cúi đầu cúi đít thấp xuống con ạ."

Các tháng Hai, tháng Ba và tháng Tư là thời gian đã chứng kiến nhịp độ tăng mạnh của những sự kiện lớn và quan trọng, hầu hết có liên quan đến các vấn đề xung quanh cuộc chiến Việt Nam, tuy không phải là tất cả. Tin tức về chiến tranh đang tiếp diễn trong vùng Đông Nam Á được tường thuật trong các chương trình truyền thanh truyền hình hằng đêm và trên trang đầu của tất cả các tờ báo, chung với những câu chuyện về sự căng thẳng chủng tộc tại các thành phố lớn tại Mỹ cũng như sự bất mãn đang tăng dần của dư luận đối với chiến tranh nói chung, đặc biệt là tại các trường đại học trên toàn quốc. Quan điểm về chính trị đang biến chuyển một cách triệt để.

Những tổn thất nặng nề giáng lên phe Việt Cộng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng của họ, cùng với các thiệt hại của bộ đội Bắc Việt đã không làm hài lòng những người chỉ chăm chú vào số lượng kỷ lục của quân Mỹ bị chết và bị thương trong tháng Hai. Nếu cho đấy là chiến thắng, thì vinh quang này đã phải trả bằng một giá quá đắt. Trong ngày cuối cùng của tháng Hai, Robert Strange McNamara từ chức Bộ trưởng Quốc Phòng.

Mang nặng áp lực chính trị và lộ vẻ quan trọng hóa hơn là trên thực tế, các thông báo hằng đêm của Walter Cronkite càng lúc càng tỏ ra bi quan hơn. Được đánh bóng là con người đáng được tin cậy nhất của nước Mỹ, phần phát hình ngày 27 tháng Hai của ông gồm một loạt nhận xét sau chuyến đi Việt Nam mới nhất cùng với dự đoán riêng của ông là "hơn bao giờ hết cuộc chiến đẫm máu tại Việt Nam sẽ đi đến tình trạng bế tắc." May phúc là sự đánh giá của Cronkite về những hoạt động tại Khe Sanh không được chiếu cho các TQLC đang chiến đấu tại đó xem, trong đó có lời tuyên bố: "Một cuộc đối đầu có lẽ đang xảy ra trong một trận đánh lớn ở phía Nam vùng phi-quân-sự. Khe Sanh có thể sẽ thất thủ với một sự tổn thất khủng khiếp về nhân mạng, uy tín và tinh thần của người Mỹ và đây là một thảm kịch cho sự ngoan cố của chúng ta tại nơi đó."  Người ta cho rằng Tổng thống Johnson đã bị bối rối một cách sâu sắc bởi các nhận xét của Cronkite và thú nhận với các cố vấn của ông rằng, "nếu tôi mất Cronkite, coi như là tôi đã mất nước Mỹ rồi.”

Trong khi đó thì sự kiện con tàu USS Pueblo vẫn chưa giải quyết xong. Thủy thủ đoàn bị tra tấn và hành hạ liên tục, còn khả năng của Hoa Kỳ nhằm đối phó lại sự việc thì tỏ ra quá yếu ớt và bất lực. Ngày 7 tháng Ba, một chiếc tiềm thủy đĩnh trang bị hỏa tiễn của Liên Xô với ký hiệu K-129  đã bị phát nổ một cách khó hiểu và chìm ở độ sâu mười ngàn bộ dưới mặt biển, cách Trân Châu Cảng khoảng 400 dặm về phía Bắc. Công chúng Hoa Kỳ, và thậm chí ngay cả dân Liên Xô cũng không biết sự kiện có một bộ phận chống tàu ngầm của Hoa Kỳ đã từng theo dõi chiếc K-129. Do đó các sự việc chung quanh vụ phát nổ và chìm tàu này chỉ làm phức tạp thêm mối quan hệ đang sa lầy giữa Liên Xô và Hoa Kỳ.  Cùng lúc đó, sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên Xô đã tăng dần lên mà Hoa Kỳ vẫn không lợi dụng được tình thế để rút tỉa ra một chút ít thắng thế nào trên chiến trường Việt Nam hoặc tranh thủ dư luận quốc tế.

Việc sử dụng có hiệu quả gián điệp và các phương tiện khác trong giới truyền thông ở nước ngoài đã khiến cho cơ quan KGB tiến hành công tác tung tin sai lạc hoặc bóp méo thông tin nhằm gây ra các thiệt hại lớn cho uy tín của người Mỹ. Một ví dụ cụ thể là việc ngụy tạo theo kiểu Liên Xô một bức thư và gởi đi từ  Phòng Nghiên Cứu Hải Quân Hoa Kỳ nhằm "tiết lộ sự tồn tại (trên thực tế không hề có) của vũ khí vi trùng của người Mỹ tại Việt Nam và Thái Lan." Tin nầy khởi đầu được đăng trên tờ Bombay Free Press Journal và sau đó được in trên tờ London Times trong số ngày 7 tháng 3. Những kẻ thù của nước Mỹ và thành phần phản chiến đã hoan hỉ đón nhận bản tin này và đều công nhận đó là một sự kiện có thật.

Thực trạng chính trường của người Mỹ ở trong nước đã trở thành đặc biệt cấp bách cho Tổng thống Lyndon Johnson. Trong lần tranh luận đầu tiên trong cuộc bầu cử sơ bộ giữa các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân Chủ tại New Hampshire, LBJ rất khó khăn mới qua mặt được ứng cử viên phản chiến mạnh mẽ Eugene McCarthy vào ngày 16 tháng Ba. Trong khi vị Tổng thống Dân Chủ đương nhiệm đang bị xuống dốc thì Thượng nghị sĩ Robert Kennedy của tiểu bang New York, người em trai đang lên của John Kennedy thông báo việc nhập cuộc đua của mình trong cùng ngày.

Ngày 25 tháng Ba, kết quả của một cuộc thăm dò do Harris tổ chức cho thấy rằng trong sáu tuần vừa qua sự ủng hộ căn bản của người Mỹ cho chiến tranh đã giảm từ 74% xuống còn 54%. Có tới 60% người khi được hỏi đã tin rằng cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân là một thất bại cho các mục tiêu của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Ngay từ khởi đầu của sự dính líu quan trọng của Hoa Kỳ và từ lần trả đũa đầu tiên bằng không tập vào Bắc Việt Nam cuối năm 1964, các quyết định lúc nào thả bom, thả tại đâu và cường độ thả bom ra sao tại các mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã được Tổng thống Johnson và nhóm cố vấn thân cận của ông sử dụng nhằm gởi một thông điệp lạ lùng nhưng rất rõ ràng cho Hồ Chí Minh và đám quần thần của hắn. Tuy nhiên vào tối ngày 31 tháng Ba, Tổng thống Johnson đã lên tiếng trước toàn dân trong một bài phát biểu táo bạo làm chấn động mọi người. Trong một nỗ lực chính thức tích cực nhất nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Đông Nam Á, ông đơn phương tuyên bố ngưng tất cả các cuộc không tập nằm phía trên vĩ tuyến 20, tức một khu vực bao gồm 90% lãnh thổ của Bắc Việt. Bài diễn văn dài được kết thúc với sự kiện ông sẽ không ra tranh cử Tổng thống nữa, lấy cớ là ông chỉ muốn tập trung sức lực vào việc tìm kiếm hòa bình mà thôi.

Dù có giải thích cách nào đi chăng nữa về ý nghĩa của việc ngưng đánh bom này nhưng phe Cộng sản không màng đến các khái niệm "ngụy quân tử" về sự thành tín mà những người Mỹ ngây thơ có vẻ coi trọng quá đáng.  Chính thức ngưng ném bom chỉ tạo cơ hội cho Cộng sản tái phối trí lại các nguồn lực ít ỏi của họ đến các nơi mà họ có thể sử dụng để giành thắng lợi.

Chuyện đã làm chấn động cho toàn đất nước và cả thế giới trong bài phát biểu của Tổng thống trước toàn dân vào ngày 31 tháng Ba đối với George Philip chẳng có gì là quan trọng cả. Anh không hề tán thành đường lối tiến hành chiến tranh của LBJ và chuyện Tổng thống có ra tái tranh cử hay không cũng không hề ảnh hưởng đến những chuyện mà George Philip đang sửa soạn phải dấn thân vào.

Ba ngày trước chuyến đi Việt Nam như đã dự định, vào ngày 4 tháng Tư, một tay sát thủ đã bắn chết thủ lĩnh Martin Luther King của phong trào nhân quyền tại Memphis, Tennessee. Trong vòng vài tiếng đồng hồ sau đó  một cuộc nổi loạn đã được dấy lên khắp đất nước và chỉ vài ngày sau bạo lực và hỗn loạn đã bao trùm lên ít nhất là 60 thành phố tại Hoa Kỳ. Thủ đô nước Mỹ  là một trong các thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong khi xem tin tức truyền hình và đợi chuyến bay trong phòng chờ thuộc căn cứ Không quân Travis để đi Okinawa là trạm chuyển tiếp vào Việt Nam, George Philip, hàng trăm TQLC và các thủy thủ khác cùng chuyến bay sang “The Rock” thấy những cảnh bạo lực rùng rợn được chiếu hết đoạn phim này đến đoạn phim khác, từ thành phố này qua thành phố khác. Điều trớ trêu là chính anh đang lên đường chiến đấu trong khi bà chị, hiện đang học hậu đại học tại trường đại học George Washington tại D.C.  thì cũng đang sống trong một thành phố có chiến sự. Tuy nhiên bà chị Snow đã liên lạc được trước khi anh lên đường và báo cho anh yên tâm là Vệ Binh Quốc Gia đã ổn định được tình hình và anh không phải lo lắng gì cho chị ta. Đối với Thiếu úy TQLC Hoa Kỳ George Philip thì đây là một chuyện thật lạ lùng. Đấy chắc chắn không phải là quan niệm về chiến tranh của cha anh rồi.

Những điều kỳ lạ tiếp diễn càng lúc càng nhiều. Thời gian George Philip bỏ ra lang thang trong các tiệm nhẩy rẻ tiền và các quán ba tại Lawton, cái tỉnh nhỏ sát cạnh trại Ft. Sill ở Oklahoma, lúc anh đang học tại đó chẳng thấm thía gì đối với cái khoảng thời gian bốn ngày vào đầu tháng Tư từ khi anh đặt chân lên Okinawa để làm thủ tục chuyển vận đi Việt Nam và sau cùng là thật sự bay qua Đà Nẵng về hướng Nam.

Với George Philip, nếu Lawton hay Tijuana là miền tây hoang dã, thì Okinawa còn man rợ gấp hàng chục lần. Nếu anh chàng sĩ quan trẻ này mà bị buộc phải viết lại một bộ Cựu Ước mới, thì những hoạt động bên ngoài của mỗi doanh trại TQLC và căn cứ Không quân trên cái đảo tí hon đó phải được mô tả là những thành phố Sodom và Gomorrah tân thời. Nếu như mà các bà nội, bà ngoại, mẹ, các bà vợ, bạn gái, cô dì và bà dì ở Mỹ biết được những chuyện gì đã xảy ra...

Bị Hoa Kỳ chiếm đóng sau trận đánh đổ bộ cuối cùng của Thế Chiến Thứ Hai với một sự tổn thất khủng khiếp, đến năm 1968 đảo Okinawa vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của người Mỹ và được sử dụng như một thành trì chiến tranh lạnh vùng Tây Thái Bình Dương. Binh đoàn TQLC và bộ Không Quân Hoa Kỳ đã đặt những căn cứ quan trọng khắp nơi trên hòn đảo. Với tất cả các hạ tầng cơ sở và phương tiện yểm trợ được phát triển tại chỗ cho Sư Đoàn 3 TQLC, đó là một nơi hợp l
ý nhất để dưỡng quân khi họ đến hay trở lại từ vùng Đông Nam Á. Vì vậy, Okinawa đầy rẫy các thanh niên trai tráng, hàng ngàn và hàng ngàn người trẻ tuổi sung sức và tràn đầy cảm xúc. Họ đến và đi, chung chạ với nhau. Một số thì lên đường chiến đấu, tin chắc là họ sẽ bỏ mạng hoặc ít nhất là trong một thời gian dài nữa sẽ không còn cơ hội chia sẻ các thú vui thừa mứa, rẻ tiền và có sẵn bất kỳ giờ giấc nào. Một số khác thì trên đường hồi hương, vừa trải qua những thời gian dài trong địa ngục thiếu vắng các điều vui thú nay cũng thừa mứa, rẻ như bèo và sẵn sàng bất cứ lúc nào.

Okinawa đồng thời vừa là một cơn ác mộng và vừa là một sự hoang tưởng, ồn ào và quái đản. Chữ Okinawa theo tiếng Nhật đáng lẽ phải có ý nghĩa là "đồi trụy." Okinawa đẩy các cấp chỉ huy vào tình trạng khó xử. Nếu một quân nhân trên đường qua Việt Nam vi phạm kỷ luật, trễ giờ cấm trại buổi tối hay say sưa đánh nhau ngoài hàng quán thì xử làm sao với anh ta? Gửi trả về nước ư? Có thể nói rằng lý do mà hàng trăm TQLC đã không mất mạng trong những lần đánh lộn trong quán ba hoặc vì các chuyện khác, một phần không nhỏ là hoàn toàn do may mắn và tài năng của các cấp chỉ huy đơn vị nhỏ.

Thời gian lẽ ra chỉ cần một hay hai ngày nhưng đã được kéo dài đến bốn ngày. Dù vậy hầu hết các quân nhân đều không hề buồn phiền gì lắm khi phải chịu đựng khoảng thời gian chuyển tiếp kéo dài đến 96 tiếng đồng hồ trên hòn đảo The Rock vì tiếp sau đó chỉ là chiến trận mà thôi. Nếu ai đó chưa tỉnh rượu nổi khi đến giờ đáp chuyến bay xuôi về Nam thì cái khoảnh khắc vài tiếng đồng hồ đó có thể cho anh ta cơ hội để suy ngẫm về những gì sắp xảy đến với anh.

Tại Việt Nam, cách bán chính thức dùng để xác định giá trị của một cá nhân đối với đơn vị phần lớn dựa trên thời gian anh đã phục vụ trong quân ngũ. Lính mới, bất kể cấp bậc, thường bị nghi ngờ là chưa được thử lửa, chưa chứng tỏ được khả năng, và do đó có thể gây nguy hiểm cho mọi người. Những chữ như “Cherry,” “Boot,” “F-ing New Guy,” hay ngắn hơn như “FNG”, là những biệt danh mà không ai muốn bị gán cho, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

Bộ máy hành chánh của binh đoàn TQLC lo chuyện điều động Thiếu úy George Philip từ điểm nhập cảnh đến tận cái mũi nhọn tuyến đầu hay một nơi khỉ ho cò gáy nào đó mà lính TQLC đang chiến đấu và cần đến tài năng của một sĩ quan pháo binh đã tỏ ra khá hữu hiệu sau ba năm chiến tranh liên tục. Điều này có nghĩa là George Philip có được vài ngày để lo thủ tục giấy tờ và làm quen với phong thổ ngay tại hậu phương Đà Nẵng. Anh được giúp giải quyết một số vấn đề về hành chánh và được phát quân phục thích hợp. Thời gian này cũng giúp anh làm quen với cái nóng và độ ẩm của Việt Nam. Anh cũng biết rằng bất kỳ anh đi đâu, cặp lon và bộ quân phục mới sẽ lộ cho mọi người thấy anh là lính mới, nhưng biết làm sao bây giờ?

Từ Đà Nẵng, toán sĩ quan pháo binh cùng đến với George tự túc đón một chuyến bay ngắn bằng C-130 đến Đông Hà ở hướng Bắc. Tại đây họ được phát thêm súng lục (sĩ quan được phát súng .45 khác với lính thường), áo giáp và những đồ trang bị khác để đi rừng. Từ đó, họ lên xe vận tải theo Quốc Lộ 9 hướng về căn cứ Carroll và Trung đoàn 12 Pháo Binh TQLC ở phía Đông. Trung đoàn pháo binh này yểm trợ cho Sư đoàn 3 TQLC. Chính những khẩu 175 ly của căn cứ Carroll đã bắn hàng ngàn trái đạn để bảo vệ căn cứ Khe Sanh và hiện vẫn còn hướng nòng về phía đó.

Viên Thiếu tá hành chánh mà họ phải đến trình diện tại Trung đoàn 12 TQLC là người thẩm định nhu cầu của binh đoàn làm thế nào để có thể được giải quyết tốt nhất trong việc bổ nhiệm các sĩ quan mới được tăng viện đến. Ông cầm trong tay xấp hồ sơ của mỗi người và điều này lại biểu lộ một lần nữa cái tính cách gia đình cục bộ của binh đoàn TQLC. Ông lướt qua các thông tin cá nhân của George Philip và khi đọc đến tờ "Thân nhân khi cần báo tin" viên Thiếu tá ngước lên khá ngạc nhiên: "Anh là con của Will Helmer hả?"
"Thưa Thiếu tá, đúng vậy."

Họ trao đổi một vài câu bông đùa. Chỉ có vậy thôi. Một lúc sau, viên Thiếu tá tuyên bố: "Thiếu úy Philip, tôi thấy là anh còn độc thân. Tôi cho anh đi Khe Sanh."

Như thể là độc thân hoặc có gia đình cũng là một việc quan trọng vậy, George Philip trả lời một cách sẵn sàng: "Vâng, thưa Thiếu tá."
Quang cảnh từ trên cao trong suốt hành trình trực thăng đưa George Philip vào căn cứ tác chiến Khe Sanh trông giống một sự kết hợp hài hòa của phim “Địa Ngục Dante” và “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh." Lực lượng quân sự tại Khe Sanh đã giảm đi đáng kể khi George Philip được điều tới. Từ vị trí trên độ cao, anh chỉ có thể thấy được một vài Đại đội khinh binh, dàn trọng pháo của anh và các đơn vị yểm trợ lẻ tẻ đang giúp thu dọn đóng cửa căn cứ.

Quan sát từ trên không, George Philip thấy được toàn diện các hố bom rải rác khắp nơi làm loang lổ mặt đất, các lô cốt bị sụp đổ, các lớp bao cát bị tan rã và vô số các cuộn kẽm gai rào chung quanh chu vi căn cứ chằng chịt xen kẽ với các giao thông hào giờ đây hoang tàn do quân Bắc Việt đã đào bới tỉ mỉ khi họ tiến dần vào chu vi phòng thủ của TQLC cho mãi đến gần ngày cuối của trận bao vây. Anh cũng thấy xác một chiếc C-123 bị nám đen nằm bên cạnh phi đạo mà cả thế giới đã chứng kiến cả ngàn lần trong các bản tin buổi tối lúc nó đang bị cháy. Ngoài ra còn có đầy rẫy các vỏ đạn pháo binh khắp nơi và vô số các dấu tích chứng minh trận đánh vừa qua. Nếu không kể những khoảng xanh nằm thật xa của rừng rậm và đồi núi thì anh có cảm tưởng như đang xem một cuốn phim đen trắng về địa ngục trần gian hay cái phần tối của mặt trăng.

Những mảnh vụn của chiến trận nằm lăn lóc khắp nơi. Nổi bật và nhiều nhất là những chiếc dù tí hon và vỏ rỗng của hàng ngàn trái hỏa châu được pháo binh bắn lên hay do Không quân Hoa Kỳ thả xuống trong suốt tiến trình cuộc bao vây dài đằng đẵng. Những cái dù nhỏ này để lại các dấu chấm đầy mặt đất và nhiều cái còn xoắn xít hay quay mòng mòng như thể muốn bứt ra khỏi sức bám của Khe Sanh mỗi lần có cơn gió hiếm hoi thổi qua vùng.

Đỉnh đồi rộng lớn của căn cứ tác chiến Khe Sanh mà George Philip đã xem quá nhiều trong những đoạn phim thời sự hay hình ảnh, cũng như đã được nghe đến hoặc đọc qua quá nhiều về nó, giờ đây trông giống như một cái mỏ vàng bị bỏ hoang, một thành phố ma mà các thợ mỏ đã không còn chú ý đến nữa và đã bỏ đi nơi khác nhiều hứa hẹn hơn. Thật là "không giống ai" khi chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight chỉ chở có một mình Thiếu úy Geroge Philip đáp vội xuống một vùng mà cách đây vài tuần lễ vẫn còn là trọng tâm của giới truyền thông báo chí trên toàn thế giới.

Trận đánh ở Khe Sanh đã chính thức kết thúc khoảng một tuần trước khi George đến. Sau này nhớ lại thì anh thấy đã sai lầm như thế nào khi nghĩ rằng, trong bao nhiêu điều anh hằng suy tư khi cuối cùng bước vào được cuộc chiến, là có lẽ anh đã lỡ mất cơ hội để chiến đấu vì đã đến quá trễ.

Pháo Đội Alpha, Tiểu đoàn 1 Pháo Binh thuộc Trung đoàn 13 PB/TQLC Hoa Kỳ được mọi người biết đến với cái tên là "Alpha 1/13" là đơn vị thuộc quyền điều động hành quân của Trung đoàn 12 TQLC. Alpha 1/13 là đơn vị pháo binh còn sót lại của căn cứ tác chiến Khe Sanh và đang cần một sĩ quan mới.

Chiếc CH-46 thả George Philip xuống bãi đáp gần vị trí đóng quân của Alpha 1/13 chỉ vừa đủ thời gian để anh chạy vội xuống cái bửng đã hạ sẵn với toàn bộ quân trang trên người. Tay cơ khí trưởng đã bắt đầu thủ tục kéo bửng lên lúc George Philip chưa kịp đặt chân xuống mặt đất cứng. Ngay cả lúc anh chưa ra khỏi phạm vi cánh quạt, hắn đã báo cho phi công bay đi ngay lập tức. Chỉ trong một khoảnh khắc, chiếc trực thăng, trông giống như một con cào cào khổng lồ bằng kim loại xứng đáng được dùng trong các loại phim rẻ tiền hạng B của thời đại 1950 với các màn thảm kịch hạt nhân, phụ nữ vú thỗn thện và những con côn trùng quái vật khổng lồ, đã bay ra khỏi vùng và chuồn nhanh ra khỏi Khe Sanh.

Một mình trên bãi đáp, Thiếu úy Philip nhận thấy sự yên tĩnh đến lạ kỳ, ngoại trừ tiếng trực thăng đang nhanh chóng xa dần và dấu hiệu của một cơn gió thoảng biểu lộ qua tiếng phành phạch nhẹ nhàng của những chiếc dù tí hon còn dính vào những vỏ hỏa châu và vướng vào hàng rào kẽm gai rải rác khắp nơi.

Sự tĩnh mịch biến đi một cách nhanh chóng. Trong phút chốc, rõ ràng là chuyến đi của anh đã được báo trước thành thử có một Binh nhất tên là Brown chạy ra bãi đáp. Brown là một tay TQLC da đen lực lưỡng. Anh để ngực trần, mặc một chiếc áo giáp buộc nút cẩn thận. "Chào mừng Thiếu úy đến Khe Sanh. Thiếu úy theo em ngay." Binh nhất Brown thật là một chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm, anh khuyên Geroge Philip: "Nếu Thiếu úy nghe thấy tiếng ầm ì thì đó là hỏa tiễn của bọn Cộng sản đấy. Thiếu úy hít đất ngay như em vậy. Nếu chúng ta gần lô cốt nào đó thì nhào xuống ngay."

Tuy nhiên đoạn đường vài trăm mét từ bãi đáp đến hầm chỉ huy Tiểu đoàn 1/13 không bị ă
n hỏa tiễn Cộng sản. Viên sĩ quan Pháo đội trưởng hiện đang ở Đông Hà. Sĩ quan Pháo đội phó nắm quyền chỉ huy, nhưng mọi công việc thường lệ, nhất là vì thời gian gần đây không có công tác bắn yểm trợ nào nữa, được giao cho tay TQLC trưng tập thâm niên đầy khả năng là Thượng sĩ nhất Bauerman. Sau Binh nhất Brown thì Thượng sĩ nhất Bauerman là người thứ hai Thiếu úy Philip gặp mặt khi đến đơn vị mới.

Thượng sĩ nhất Bauerman là mẫu người TQLC mà các sĩ quan trẻ tại trường TBS đã từng được nghe đến. Họ là những Hạ sĩ quan thâm niên công vụ, là cái xương sống, là khung sườn và hệ thần kinh của Mẹ TQLC. Họ cũng là kho tàng kiến thức của tập thể, là lớp trưởng lão TQLC thật sự nắm sức mạnh công lý trong tay. Được kính sợ và tôn sùng, kiêu hãnh và thường ăn nói bạt mạng, họ chính là chất dầu bôi trơn giữ cho binh đoàn TQLC luôn là một bộ máy chạy trơn tru, đồng thời duy trì các truyền thống thiêng liêng và tiêu chuẩn cao cho đơn vị.

Vào thời điểm này trong lịch sử của TQLC Hoa Kỳ, chuyện những chiến binh già này đã từng tham dự ba cuộc chiến tranh không phải là điều bất thường. Thượng sĩ nhất Bauerman hoàn toàn là mẫu người điển hình như vậy. Tại Iwo Jima anh là lính trơn, rồi cộng thêm thời gian phục vụ tại Triều Tiên, nay anh đã sắp  kết thúc binh nghiệp ở Khe Sanh. Giữa những khoảng thời gian hòa bình mong manh, anh đã thực hiện và thấy hầu hết tất cả mọi thứ có thể làm và thấy được. Nói cách khác là đã tham dự trên "tất cả các vùng chiến thuật và khí hậu khác nhau..."

George Philip tỏ ra rất trọng vọng Thượng sĩ nhất Bauerman mặc dù bản thân anh cũng đã  trưởng thành từ trong môi trường TQLC, mặc dù một trong những thằng bạn thời ấu thơ là con của Chesty Puller, mặc dù cha kế anh và tất cả những người mà Trung tá Helmer gần gũi đã từng phục vụ tại những địa danh mà ai đó dù không biết nhiều về quân sử Hoa Kỳ cũng phải biết đến.

Cho dù anh là con cưng của quân đội và biết bao nhiêu chuyện về binh đoàn TQLC có thể là mới lạ đối với các sĩ quan trẻ khác sống trong môi trường dân sự nhưng đó chỉ là bản chất thứ hai của anh, còn George Philip vẫn hết sức trân trọng Thượng sĩ Bauerman. Mẫu người như Bauerman được tôn sùng, đặc biệt bởi các TQLC mới nhập ngũ, mặt còn đầy mụn và vân vân..., đơn giản là vì họ xứng đáng được tôn thờ.

Khi anh đặt chân lên bãi đáp Khe Sanh, George Philip chỉ còn thiếu năm tháng nữa là được 24 tuổi. Đối với Thiếu úy Philip thì tay Thượng sĩ nhất của anh trông đã già dặn và lão luyện, kinh nghiệm và khôn ngoan lắm rồi. Vào ngày sinh nhật thứ 24 của Thượng sĩ nhất Bauerman thì có lẽ  ông đã là cựu chiến binh của cuộc chiến thứ hai rồi. Bây giờ ngoài 40 tuổi, Bauerman thật sự là một con khủng long hay có vẻ như vậy đối với viên sĩ quan TQLC trẻ mới khởi đầu sự nghiệp.

George không thể nhớ nổi là có ai nhắc hay đã nghe đến tên thánh của Thượng sĩ nhất Bauerman khi nào. Với tư cách là quân nhân trưng tập cao cấp nhất của đơn vị,  không ai có thể sánh bằng Bauerman. Anh làm việc cho đơn vị trưởng. Đối với các Thiếu úy thì anh có nhiệm vụ phải chịu đựng và hướng dẫn, còn đối với các binh sĩ thì anh vừa là người anh lớn vừa là cái "búa." Tên anh thật sự chỉ là "Thượng sĩ nhất." Đó là cái lề lối như vậy khắp binh đoàn TQLC trong từng đơn vị cấp Pháo đội hay Đại đội cũng vậy.

Trong khoảng một tuần lễ sau khi Thiếu úy Philip được bổ nhiệm về Pháo đội Alpha 1/13 tại Khe Sanh thì đơn vị anh chỉ được lệnh tác xạ một đôi lần. Đến cuối tháng Tư thì Pháo đội của anh cùng với vài Đại đội bộ binh và đơn vị công binh chiến đấu nhập thành một đoàn công voa khá lớn triệt thoái ra khỏi khu vực. Cảm giác của George lúc đó là căn cứ tác chiến Khe Sanh đã bị bỏ rơi. Anh nhìn thấy tận mắt công binh chiến đấu cho phá nổ và ủi sập tất cả những gì có giá trị để khi quân Bắc Việt trở lại đó thì chẳng còn gì chúng có thể sử dụng được.

Đoàn vận tải đi theo Quốc Lộ 9 từ Khe Sanh theo hướng đông đến tận Đông Hà, ngang qua căn cứ Cà Lũ - một căn cứ vừa mới được xây dựng bởi các đơn vị công binh được mọi người biết đến với cái tên "Bãi đáp Stud," vượt qua căn cứ Rockpile, căn cứ Carroll, và Cam Lộ. Những địa danh này là các nơi mà chỉ trong vài tuần trước đây, chuyện các chiếc xe đi trên đường bị địch quân phục kích và đụng độ gần như là chắc chắn như chuyện sương mù buổi sáng tại Vùng I Chiến Thuật. Bộ đội Bắc Việt, theo tin tình báo cho biết thì có lẽ hầu hết đã rút về Lào để củng cố lực lượng và tái trang bị thành thử hành trình của đoàn công voa không bị vấn đề gì. Ngay lúc này thì Quốc Lộ 9 chỉ là một con đường tiêu điều, đầy gió hú, gập ghềnh ở giữa vùng hoang vu và có nhiệm vụ nối một vài chấm địa danh rải rác lại với nhau.

Tại Đông Hà, cuối cùng George đã được giao nhiệm vụ cụ thể mà anh hằng mong muốn. Anh được chỉ định làm sĩ quan đề-lô cho Đại đội Bravo, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 26 TQLC - B 1/26. Anh thay thế sĩ quan đề-lô cũ của Đại đội đã tử trận một vài tuần trước đó.

Trong cuộc bao vây tại Khe Sanh, B 1/26 là một trong những Đại đội bộ binh TQLC hứng chịu những trận đánh khốc liệt nhất. Thường là trong lúc cực điểm giao tranh họ giáng cho kẻ thù những tổn thất nặng nề nhưng đồng thời họ cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Cho đến khi Tiểu đoàn 1/26 rút ra khỏi Khe Sanh thì các TQLC sống sót của các Đại đội trực thuộc đều đã trở thành các chiến binh tinh khôn và được tôi luyện ngoài chiến trường rồi.





Loading