Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Mùa đông năm 1975 thật lạnh. Thiên nhiên như hùa với quân thù hành hạ những người trai sa cơ thất thế của miền Nam nước Việt. Đêm về những cơn giấc bấc thổi vun vút qua những căn trại giam không vách, cắt sâu vào da thịt những người tù. Đa số anh em chúng tôi không mang theo áo ấm, mền dày nên phải nằm co rút sát vào nhau cho bớt lạnh. Riêng tôi, khi ra đi “học tập”, vợ tôi có nhét vào xắc ma-ranh của tôi một chiếc áo len cũ và mỏng mà nàng mua vội cho tôi từ chợ trời Sài Gòn.
Gia sản của chúng tôi đã bị cướp sạch tại Nha Trang trên đường di tản từ Qui Nhơn vào Sài Gòn vào cuối tháng 3 năm 1975. Dù đã mặc hai chiếc áo sơ mi bên trong và chiếc áo len bên ngoài, đêm về tôi vẫn cảm thấy được cái lạnh thấm vào tận xương. Ban ngày thì mái tôn của trại giam thấp lè tè trên đầu, hơi nóng mặt trời phủ chụp xuống tạo nên một lò hấp người. Buổi trưa, muốn nằm chúng tôi phải giăng mùng sát vào nhau để trần mùng cản bớt hơi nóng hừng hực tỏa xuống từ mái tôn.
Sau vài tuần được ăn no, khẩu phần bắt đầu bị cắt xén đến mức tối thiểu và chúng tôi mau chóng trở thành những tên tù đói. Chúng tôi, ai có mang theo chút đỉnh tiền đều phải gom lại gởi cho quản giáo CS ra ngoài trại mua vài thứ lặt vặt như mì gói, kẹo đâu phụng để ăn thêm khi quá đói. Rồi chẳng bao lâu, tiền cũng hết và bao tử chúng tôi lại lép xẹp, gào thét, nhất là ban đêm. Sức khỏe tù nhân sa sút rất nhanh. Chỉ sau ba bốn tháng bị giam, nhiều tù nhân đã bắt đầu bị phù thũng, tê bại, đi đứng khó khăn. Có người phải dùng gậy để di chuyển. Có người phải nhờ bạn bè cõng đi vệ sinh vì không thể đứng trên hai chân.
Một đêm, nằm trằn trọc trong cơn đau tinh thần và cơn đói của thề xác, tôi chợt nhớ đến một bài báo mà tôi đã đọc đâu đó hồi còn phục vụ ở Quân Y Viện. Một nhóm quân nhân QLVNCH đồn trú lâu ngày ngoài đảo Trường Sa và những con gà họ nuôi đều bị phù thũng và tê bại vì thiếu rau tươi trong khẩu phần. Khi toán quân nhân được tiếp tế đây đủ rau trái và sinh tố B1 thì chứng phù thũng và tê bại của họ thuyên giảm ngay. Không muốn bị phù thũng hay tê bại như một số bạn tù, tôi bắt đầu âm thầm hái và luộc ăn lá bầu, lá bí và vài loại rau mà tôi hái được dọc rào kẽm gai của trại. Để tìm sinh tố B1, tôi uống nước vo gạo nấu chín.
Tôi làm việc nầy âm thầm nhưng rồi cũng có một số anh em thân cận biết được nên về sau lượng nước vo gạo vàng ố, đầy sâu, mọt cũng được chia đều cho ai muốn uống. Sáng nào tôi cũng thử bấm vào cổ chân mình xem có bị phù thũng chưa nhưng may quá, chân tôi chưa phù dù gầy hẳn đi, bắp thịt nhão nhẹt. Tôi biết mình đang sút sức rất nhiều do đói dù tôi siêng năng tập thể dục. Thỉnh thoảng, tôi và mấy bạn học trong đội bóng chuyền Y Khoa Sài Gòn cũ, rủ nhau chơi bóng chuyền. Có bạn trẻ hơn tôi, từ một đội khác, khi đấu bóng chuyền với chúng tôi, đã hỏi tôi:
-Này bạn, sao bạn còn nhảy đập banh được trong khi nhiều bạn bè khác phù thũng, bại liệt đi không nổi.
Tôi cười:
-Bạn về nấu nước vo gạo mà uống mỗi ngày, có sinh tố B1 trong bụng mấy con mọt. Ra rào, hái rau rán về luộc ăn dặm vào, xem sao.
Người bạn khen:
-Vậy mà sao tui không nghĩ ra.
Kể sao cho hết những nỗi khổ đau, tủi nhục khi mỗi ngày chúng tôi phải bó gối ngồi nghe những tên quản giáo lải nhải những bài học chính trị ngây ngô hay phải vỗ tay đồng ca những bài ca CS chán tận óc.
Ngày còn phục vụ ở Quân Y Viện, bận bịu, căng thẳng, tôi không mấy khi để ý đến ngày sinh của vợ con hay của chính tôi. Trong tù, lạ thay tôi lại nhớ tất cả. Đầu tháng 11 năm 1975 tức gần 6 tháng bị giam giữ, trong một lần kiểm điểm lại đồ đạt cá nhân, tôi tìm thấy một gói mì gói còn sót lại dưới đáy xắc ma-ranh của tôi. Tôi mừng như trẻ con nhận được quà của mẹ đi chợ về. Tuy vậy, tôi không vội ăn gói mì mà giấu kỹ để dành.
Nằm cạnh tôi là một cựu đại úy trẻ, tên NQT, người Bắc, độc thân, tính tình dễ mến. Chúng tôi thân nhau rất nhanh vì tin cẩn được nhau. Chúng tôi thường tâm sự với nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện gia đình, chuyện đời lính, chuyện ngoài đời cho ngày tháng tù bớt dài đằng đẵng và buồn chán.
Chiều ngày 6 tháng 11 năm 1975, sau bữa cơm chiều, tôi dặn NQT:
-T. nầy, để dành miếng cơm cháy nghe.
T. gật đầu, không hỏi tôi lý do để dành miếng cơm cháy mà nhà bếp chia cho mỗi người. Có đêm chúng tôi để dành miếng cơm cháy để làm dịu cơn đói lúc về khuya. Cơm trong trại tù được nấu bằng chảo gang lớn nên miếng cháy dưới đáy chảo rất lớn, được chia đều cho cả trăm tù nhân. Nhiều bạn tù coi miếng cơm cháy vuông vức bằng hai ngón tay là món ăn tráng miệng. Có bữa, miếng cơm cháy, cháy đen như than, chúng tôi vẫn vui vẻ nhận và ngồi nghiền sau bữa cơm mà mỗi tù nhân chỉ được chia võn vẹn một chén cơm nhỏ và vài đũa rau luộc. Gạo nuôi tù được đưa từ kho gạo mục trong rừng về, bao gạo còn nhãn Tàu Cộng.
Trời về chiều, tôi một mình mò ra đám rau muống của đội để câu nhái. Cần câu là một nhánh tre khô dài 1 mét rưỡi tôi giấu ở bờ rào. Lưỡi câu tôi làm bằng thép mài bén nhưng không có ngạnh vì tôi không có dụng cụ bén để cắt ngạnh. Dây câu là chỉ rút từ những bao cát. Mồi trùng tôi đào sẵn năm bảy con và giữ chúng sống trong một lon sữa bò trống có chứa đất ướt. Tôi cũng không quên mang theo một túi vải làm bằng bao cát miệng rộng cỡ hai gang tay và sâu khoảng ba gang. Miệng túi vải có thể được nong ra hình tròn bằng một thanh tre mỏng. Tôi dùng chiếc túi như vừa là một cái vợt vừa là túi đựng nhái.
Trước năm 1954, tôi là chú bé lớn lên ở đồng quê Bình Định nên việc bắt hay câu cá, lươn, nhái, ếch tôi rất rành như bất cứ chú bé quê nào khác ở vùng nầy. Nhái trong tù cũng đói nên tranh nhau đớp mồi trùn. Tôi đợi vài giây cho mấy chú nhái ngậm mồi rồi giật nhẹ cần. Chú nhái bay bổng về phía tôi và lọt vào cái túi vợt tôi đưa sẵn ra đón. Ếch nhái không mắc câu như cá dù lưỡi câu có ngạnh. Khi mắc câu, ếch nhái thường dùng hai chân sau đạp mạnh vào lưỡi câu và uốn người thoát khỏi lưỡi câu một cách dễ dàng. Trời vừa tối, nhìn vào túi vợt thấy được khá nhiều nhái, tôi thu xếp giấu cần câu và quay về trại.
Chiều tối, tôi âm thầm xin lỗi mấy chú nhái rồi làm thịt chúng, cắt đầu, lột da, bỏ ruột, rửa kỹ cho vào lon Guigoz. Tối đến, tôi tìm một chỗ khuất bên thành một giếng nước ở sân sau mà vệ binh từ các vọng gác không thể nhìn thấy, nhóm cái bếp lò tí hon nấu mì nhái.
Tôi đi tìm T. và nói nhỏ:
-Ra sau giếng ngồi nói chuyện chơi T.!
T. lửng thững theo tôi ra bờ giếng. Khi thấy tôi đang đun chiếc lon Guigoz trên chiếc lò con, T. hỏi:
-Bạn đang nấu trà đó phải không Hiếu? Tìm đâu ra trà hay thế?
Tôi cười:
-Ừ, trà Thái Đức.
Khi T. lại gần chiếc lò tí hon và ngửi thấy mùi thơm, vội cúi xuống nhìn chiếc lon Guigoz trên lò và hỏi:
-Nấu gì thơm vậy? Tôi cứ tưởng bạn nấu trà.
Tôi không trả lời câu hỏi của T. mà cũng không mở nắp chiếc lon Guigoz cho T. xem. Tôi bảo T. đoán xem tôi đang nấu gì. T. cúi sát xuống chiếc lon Guigoz lần nữa, hít hít vài lần rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt tôi:
-Bạn nấu thịt chuột đấy à?
Tôi bật cười:
-Làm gì có được thứ thịt quý hiếm đó mà nấu.
Tôi mở nắp chiếc lon Guigoz. T. nói lẹ:
-Mì tôm. Mùi mì tôm chúng mình ăn mấy tháng trước.
Tôi đáp:
-Mũi bạn cũng thính đấy nhỉ?
T. hỏi nhanh:
-Bạn vừa mua được mì tôm đấy à? Tiền đâu mà mua?
Tôi kể cho T. nghe tôi tìm được một gói mì tôm còn sót lại dưới đáy xắc ma-ranh của tôi nhưng không ăn mà để dành cho ngày đặc biệt hôm nay. T. nôn nóng hỏi:
-Ngày đặc biệt gì vậy bạn?
Ngày tôi tròn 33 tuổi và đã chui vào hộp được nửa năm.
T. vừa ngạc nhiên vừa vui mừng:
-Thì ra hôm nay là sinh nhật thứ 33 của bạn đấy. Chúc mừng, chúc mừng!
Nói xong hai chữ chúc mừng, T. xuống giọng:
-Một ngày đặc biệt mà lại sống trong hộp, xa vợ xa con…
Nói xong T. như vừa cảm thấy mình lỡ lời, sợ tôi buồn, vội trở giọng vui vẻ:
-Mà thôi, ngày đặc biệt mà có bạn thân bên cạnh cũng đủ rồi.
Tôi chưa kịp nói gì thì T. lại tiếp:
-Mà Hiếu nầy, tôi và bạn cùng tuổi đấy. Bạn lớn hơn tôi khoảng một tháng thôi. Không ngờ hôm nay tôi lại được dự một sinh nhật đặc biệt thế nầy. Cảm ơn bạn đã mời tôi. Xin chúc bạn luôn vui tươi, sức khỏe tốt, tinh thần cao và mau được trở về với vợ con, gia đình. Tôi vậy mà không nặng gánh như bạn. Độc thân, vui tính trong hoàn cảnh chúng mình vậy mà cũng đỡ phải lo…
Tôi bỏ thêm hai mảnh cơm cháy vàng vào lon Guigoz. Chúng tôi chuyện vãn một lúc thì lon mì nhái cũng vừa chín, nở đầy tràn lon Guigoz, bốc mùi thơm phức. Tôi chia đều lon mì ra hai cái ca nhôm chúng tôi tự tạo. Tôi hỏi T.:
-Hồi xưa bạn có ăn thịt ếch lần nào chưa?
T. sững một vài giây rồi đáp:
-Có, có ăn rồi. Hồi ở đơn vị, mình đi nhậu với bạn bè, có ăn ếch chiên bơ, ếch xào lăn. Mà sao bạn hỏi vậy?
-Bữa nay, tôi cho bạn ăn thử món ếch nấu mì xem bạn có nuốt nổi không?
Nói xong tôi cười quan sát phản ứng của T. T. như ngỡ ngàng không tin lời tôi vừa nói.
-Làm sao bạn bắt được ếch và bắt ở đâu?
Tôi lại cười:
-Mấy chú ếch con trong đám rau muống của đội mình kìa. Đêm nào chúng đồng ca giọng cổ bên tai bạn mà bạn không để ý sao?
Nhìn mặt T. tôi biết T. vẫn chưa tin là tôi câu bắt được ếch con. Tôi tiếp tục ghẹo T.:
-Nhái lớn lên thành ếch. Nhái với ếch là một giống phải không bạn?
Giờ đến lượt T. bật cười:
-Đừng xạo nào! Ếch là ếch, nhái là nhái chứ nhái lớn lên làm sao thành ếch được.
Tôi giả đò chơi chữ:
-Thôi mình thử nói, nhái con, nhỏ con, lớn lên thành nhái lớn, nhỏ con. Ếch con, nhỏ con, lớn lên thành ếch lớn, lớn con, được không?
T. cười thật vui:
-Thì cũng được!
Tôi mời T. một ca mì nhái nóng:
-Thôi ếch nhái gì cũng được. Mời bạn chung vui với tôi ngày chúng mình tròn tuổi 33. Ước gì có được một vài chai 33 như hồi hồi đi học quân sự ở Thủ Đức. Bạn từng ăn ếch, hy vọng bạn ăn nhái được. Gắng nhai kỹ và gắng nuốt nhé. Coi chừng mắc cổ xương ếch con.
T. lại cười:
-Tôi ăn được mà bạn. Đêm, bụng đang trống mà có ca mì ếch, mì nhái là mừng rồi. Tôi không ngại đâu.
Cả hai chúng tôi cùng cười vui và bắt đầu ăn. Gói mì sợi đêm đó sao mà ngon và thơm. Chúng tôi ăn chậm rãi để thưởng thức hương vị gói mì lâu lắm không ăn và để ca mì không chóng hết. Chúng tôi vẫn làm như vậy với chén bắp luộc, chén bo bo, chén cơm gạo mục hay với miếng khoai mì luộc. Ăn nhanh theo sức đói thì trong nháy mắt không còn gì mà ăn. Có lần, trong ngày đại lễ của CS, tôi ngậm miếng thịt heo lớn bằng cái súc sắc trong má trái của tôi và nhai cơm bên hàm phải. Miếng cơm tôi có mùi thịt. Bạn tôi, sau khi nhai và nuốt ngay miếng thịt heo nhỏ xíu trong miệng anh ta, quay nhìn tôi còn ngậm miếng thịt và cười mỉm. Anh buột miệng:
-A ha! tên nầy có sáng kiến hay. Lần sau ta bắt chước mi!
Lần sau mà anh nói chắc anh phải đợi cho tới ngày lễ lớn năm tới. Trò vui của tôi được mấy bạn thử nghiệm và đồng ý là có lý. Thường, sau khi ăn xong chúng tôi nốc cạn nửa hay hai phần ba lon Guigoz nước để lấp đầy bao tử.
Vừa ăn tôi vừa nhìn T. mỉm cười. Tôi thầm nói với T.:
-Nhớ ngày nầy nghe bạn. Ngày nào mình ra khỏi tù, tôi sẽ lại đãi bạn món chả ram thịt nhái Bình Định và mì chiên dòn.
T. vừa nhai vừa đùa:
-Thịt nhái con, ếch con cũng mềm và ngọt đấy chớ bạn. Còn mì tôm thì tuyệt.
Tôi kể cho T. nghe chuyện tuổi thơ của tôi thời kháng chiến chống Pháp 1945-1954 ở quê Bình Định. Sau mùa gặt, nông dân cày vỡ, để ruộng ngập nước thâm thấp. Đó là mùa ếch nhái sinh sôi nẩy nở đầy đồng. Đêm đến, ếch nhái đồng ca bản nhạc nghe lạ tai mà thích thú. Ban đêm, tôi mang đụt (một loại dụng cụ đan bằng tre, dùng để đựng cua, cá, ếch, nhái), theo các chú, các cô dì tôi thắp đuốc ra đồng bắt nhái. Ếch nhái ngồi trên đất cày, giương mắt nhìn ánh đuốc mà không nhảy trốn. Tôi tuy còn nhỏ, 8-9 tuổi nhưng rất lanh lẹ, chụp bắt được rất nhiều ếch nhái hơn cả người lớn.
Tôi rất thích đi bắt nhái nên say sưa chụp, có lúc chụp hụt, lăn kềnh ra trên ruộng, mình mẩy lấm bùn mà vẫn vui cười. Khuya về, mấy đụt nhái trở nên nặng trịch. Ếch nhái trong đụt vẫn không hay biết số phận của mình, nhiều con vẫn cất tiếng khàn khàn gọi bạn.
Mấy bà mẹ thức khuya làm thịt nhái ngay. Nhái được cắt đầu, lột da, bỏ ruột trừ trứng nhái được để lại chiên với dầu phụng. Ếch nhái mùa nầy rất mập, thịt trắng tươi được tẩm gia vị rồi chiên bột, xào lăn, bằm nát nhừ làm ruột chả ram. Tôi thích nhất món chả ram thịt nhái nhiều gia vị, vừa thơm vừa dòn tan trong miệng, ăn mãi không chán.
Tôi cũng kể cho T. nghe chuyện bà nội tôi thường dặn dò tôi phóng sinh các chú ếch vì bà tin ếch là do Bà (đấng thiêng liêng) nuôi.
T. ngồi nghe một cách thích thú chuyện tuổi thơ của tôi ở đồng quê Bình Định. Gia đình T. trước năm 1954, sống ở thành phố rồi di cư vào Nam.
Đêm ấy, một đêm lao lý, trong tháng 11 năm 1975, tôi đã nhớ được và đánh dấu ngày sinh thứ 33 của tôi bằng một gói mì tôm và một mớ nhái. Có một bạn tù thân thiết cùng tuổi tôi, đã cùng chia xẻ buồn vui với tôi.
Sau mấy tháng bị giam ở Hốc Môn, vùng ngoại ô Sài Gòn, trong một bữa cơm chiều, tôi bị gọi tên chuyển trại cùng một số bạn tù khác.
Ba lô trên vai, tôi bắt tay từ giã T. mà hai đứa đều rưng rưng trong dạ. Chúng tôi chỉ nhỏ nhẹ chúc nhau may mắn trên con đường tù đầy gian truân, tủi nhục và mong có ngày gặp lại nhau trong nhà tù lớn bên ngoài.
Tôi và mấy trăm tù nhân được chuyển lên biên giới Miên-Việt để phá rừng, xây cầu, đắp đường. Tôi mất liên lạc với T. từ đó. Tháng 9 năm 1977, sau 27 tháng bị giam cầm và bị di chuyển qua nhiều trại tù, tôi được thả. Tôi trở lại Sài Gòn, đến quán Chả Cá Tân Định của mẹ T. hỏi thăm tin tức T. nhưng gia đình T. cũng không biết T. đang bị giam ở đâu và sức khỏe thế nào. Tháng 9 năm 1978, tôi được một người bà con giúp mua thẻ căn cước mới dưới tên một thương gia người Hoa ở Chợ Lớn, giả làm cầu thủ bóng tròn, từ Sài Gòn xuống Rạch Giá, vượt biển sang Mã Lai. Sau ba tháng sống tại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai, tôi được được phái đoàn Mỹ nhận với hồ sơ tị nạn ghi những tiêu chuẩn ưu tiên như sau:
Độc thân
Cựu Y Sĩ Đại Úy QLVNCH
Nói giỏi tiếng Anh
Không có thân nhân ở Mỹ…
Tôi là người đầu tiên của ghe rời đảo. Vì không có thân nhân ở Mỹ nên tôi được hội từ thiện IRC ở Los Angeles bốc ngay. Những thuyền nhân có thân nhân ở Mỹ thì phải đợi thân nhân bảo lãnh lâu hơn. Ngày 7 tháng 3 năm 1979, tôi đặt chân xuống phi trường Los Angeles. Sau 10 ngày ở Los Angeles, tôi được một người em Hướng Đạo, con trai của bảo huynh Hướng Đạo của tôi, đưa tôi về San Jose, California, sống tạm với gia đình anh. Vài tháng sau, tôi được tin vợ con tôi, từ Sài Gòn về Qui Nhơn, quê tôi, vượt biển thành công đến Hong Kong. Tôi xúc tiến việc bảo lãnh gia đình và đoàn tụ lại với vợ con tháng 2 năm 1980.
Tôi cố gắng tranh đấu để trở lại nghề cũ và may mắn đã thành công. Tôi dọn về thành phố Orlando, tiểu bang Florida và hành nghề tại đây. Dù bân bịu với cuộc đời mới, nhiều lần tôi vẫn nghĩ nhớ về các bạn tù nhất là NQT. Nhiều lần tôi tự hỏi T. đã ra tù chưa, có được mạnh khỏe không hay đang trôi dạt phương nào, tù trong hay tù ngoài. Tôi nhớ cả dáng đi, tiếng nói, giọng cười của T.
Một buổi tối trong tháng 2 năm 1993 ở Orlando, điện thoại reo. Tôi nhấc máy. Một giọng đàn ông ở đầu dây:
-Xin cho tôi nói chuyện với anh Hiếu.
Tôi giật mình nhận ra ngay giọng T., giọng nói không có gì thay đổi sau 17 năm xa cách. Tôi mừng rỡ hỏi ngay:
-Trời ơi, T. đó hã? Hiếu đây. Bạn gọi tôi từ đâu đấy?
Đến lượt T. sững sốt:
-Hiếu đó à? Sao mới nghe có một câu mà đã nhận ra tôi rồi? Bạn chưa quên tôi sao?
Tôi cười vui:
-Nghe giọng bạn mừng quá. Mười mấy năm rồi. Có khi nào tôi quên bạn đâu. Đang ở đâu đây? Qua Mỹ hồi nào?
Gia đình tôi mới đến Winter Heaven. Nghe bạn ở Orlando, mừng quá gọi bạn liền đây.
Mừng bạn và gia đình đến đất tự do. Quả đất tròn phải không T.? Chừng nào tôi mới được gặp lại bạn đây?
Rồi sau đó là bao nhiêu mừng vui, hàn huyên, tâm sự. T. cư ngụ ở Winter Heaven, cách Orlando khoảng một giờ lái xe về phía nam.
T. được thả sau 2 năm 9 tháng 11 ngày bị giam giữ. T. về Sài Gòn đi tìm tôi nhưng thất vọng vì nghe tôi đã vượt biển rồi. T. lập gia đình năm 1980, sinh được 2 cháu trai trước khi qua Mỹ theo diện ODP. T. bị giam chưa đủ 3 năm nên không đi Mỹ theo diện HO được.
Gia đình T. dọn về sinh sống nơi một thành phố nhỏ miền tây Florida. Mỗi lần có dịp về Orlando, T. đều ghé thăm tôi. Hai vợ chồng T. cùng làm chung một xưởng. Hai con học hành giỏi dang. Cháu lớn sắp vào Dược Khoa, cháu nhỏ còn ở trung học. Tôi có lần khuyên T. dọn về Orlando cho vui nhưng T. ngại phải làm việc mới, do dự mãi không chịu di chuyển.
Nguyễn Trác Hiếu
Orlando, tháng 10 năm 2000
Một ngày cách đây mấy năm, khi tôi đang khám bệnh thì nghe tiếng vợ tôi khóc lớn trong phòng ăn của phòng mạch. Tôi kinh hoàng chạy đến thì nghe tin vợ T. vừa tử nạn khi đang làm việc ở sở. Trước đó mấy ngày chị đã trổ tài nấu nướng, đãi chúng tôi món Chả Cá Tân Định nổi tiếng của má T.
Sự mất mát quá to lớn và đột ngột đưa thái vào tình trạng suy sụp tinh thần. Bạn bè thân cũng chới với với tai nạn nầy.
Mấy năm sau, khi T. đã nguôi ngoai, chúng tôi giới thiệu T. với một em gái tôi ở Sài Gòn. T. về Sài Gòn thăm em tôi và may thay hai người mến thương nhau. Đám cưới diễn ra ở Sài Gòn có đông bạn bè tôi và bạn bè T. tham dự. Tôi lên chức anh Hai với T. Nay thì em gái tôi đã sang Mỹ và gia đình T. cũng cư ngụ khá gần chúng tôi.
Sinh nhật năm 2013 của T. được tổ chức ở nhà chúng tôi. Chúng tôi cụng ly, nhắc chuyện tù, đêm hai đứa ăn sinh nhật thứ 33 của chúng tôi trong tù. Tôi chưa thực hiện được lời uớc đãi T. món chả ram thịt nhái. Chắc tôi phải đợi ngày hai đứa cùng về thăm quê nhà Bình Định của tôi mới có nhái làm chả. Sinh nhật năm nay của tôi không có T. vì hai vợ chồng T. đang về Việt Nam thăm người chị là tu sĩ Phật Giáo đã lớn tuổi.
Nguyễn Trác Hiếu
Orlando, ngày 3 tháng 11 năm 2014