Một nỗi sợ ở tuổi già là bị chứng lãng trí Alzheimer. Đôi khi vô tình quên một vài chuyện nhỏ nhặt thì lại giật mình tự hỏi: Phải chăng đó là dấu hiệu của Alzheimer? Ở tuổi 60 trở lên thì ai cũng có biết một hai trường hợp của thân nhân, bạn bè bị lãng trí Alzheimer, và những gì xảy ra cho họ trước khi phải vào viện dưỡng lão hay qua đời tại gia. Vì thế, sự lo âu về lãng trí Alzheimer không phải là vô căn cứ.

Trong số người lớn tuổi bị lãng trí thì khoảng 85% bị bệnh Alzheimer hoặc bệnh mạch máu của não bộ, hay cả hai chứng cùng một lúc (theo phẫu nghiệm tử thi). Có lẽ vì vậy nên trong thập niên vừa qua y học đã cho thấy tập thể dục nhẹ, đi bộ siêng năng, uống thuốc trị áp huyết cao và hạ cholesterol để ngăn ngừa bệnh tim mạch đều có thể làm giảm nguy cơ lãng trí, kể cả chứng Alzheimer. Thật vậy, từ năm 2008 tới nay, tại Hoa Kỳ, mặc dù tổng số người bị lãng trí có gia tăng, nhưng tỷ lệ người mắc bệnh Alzheimer trên mỗi nhóm tuổi (tính theo thập niên 70, 80, 90) lại giảm bớt so với các năm trước.

Bệnh huyết áp cao thường thấy sau tuổi 40 trên cả nam lẫn nữ, và bác sĩ có thể kê toa rất nhiều loại thuốc để chữa trị. Tuy nhiên, tiến bộ khoa học trong mấy năm vừa qua cho thấy chỉ có hai loại thuốc chống huyết áp cao có thể làm giảm bớt chứng lãng trí Alzheimer một cách hiệu quả.

Bằng chứng trong phòng thí nghiệm (in vitro):

Nguyên nhân của chứng lãng trí trên người bị huyết áp cao lâu năm là vì các thành động mạch nhỏ trong não bộ trở nên dày và cứng, mất hết tính đàn hồi co giãn. Vì thế nên đường kính của động mạch nhỏ dần và lượng máu lưu thông bị trì trệ và giảm xuống. Qua thời gian, có nhiều vi huyết quản bị bế tắc tạo nên những hốc trống nho nhỏ (lacunes) gây nên các phản ứng viêm tương tự như trong các chấn thương sọ não. Từ từ người bệnh trở nên lãng trí.

Bệnh Alzheimer có căn di truyền từ nhiều genes. Một vài genes hiếm gây bệnh nặng trên người khá trẻ tuổi (khoảng 40-50) mà hiện nay chưa có phương cách ngăn ngừa hay chữa trị. Trong khi gene ApoE4 lại thường thấy trên người bệnh 60 tuổi trở lên; gene này cũng liên hệ với chứng cholesterol cao và bệnh tim mạch. Tế bào thần kinh tại não bộ (neuron) của bệnh nhân bắt đầu kháng insulin và không dùng được glucose từ máu để tạo năng lượng; nếu lượng máu vào não giảm vì bệnh cứng động mạch thì oxygen vào não cũng thiếu gây ra suy năng lượng trầm trọng.

Tế bào thần kinh não bộ bắt đầu phản ứng bằng cách hấp thụ nhiều calci (calcium) và gây tổn thương cho hệ thống ống nhỏ li ti (microtubule), dẫn tới hư hại của chất đạm Tau, là một chất đạm quan trọng cho sự vận chuyển qua các ống nhỏ trong tế bào thần kinh não bộ. Trên màng vỏ của tế bào thần kinh tại não bộ, lúc ấy, sẽ xuất hiện chất beta amyloid dưới dạng 42-amino-axít không thể hoà tan (thay vì dạng 40-amino-axít hoà tan) và kết tụ thành mảng trong não bộ. Hiện tượng này xảy ra khi một gene của hệ thống angiotensin bị kích thích. Mảng beta amyloid gây phản ứng viêm rất nhanh và cùng với sự hấp thụ calci quá tải sẽ gây nên sự hủy diệt của tế bào thần kinh não bộ và bệnh nhân trở thành lãng trí mỗi ngày mỗi nặng. Trên người lớn tuổi ta có thể thấy tại sao trong đa số người bệnh chứng áp huyết cao, chứng lãng trí do cứng mạch máu và bệnh Alzheimer thường xảy ra cùng nhau.

Căn cứ vào sự hiểu biết kể trên, các nhà khảo cứu y học để ý đến hai loại thuốc chữa áp huyết cao có triển vọng giúp chứng lãng trí.

1-      Loại thuốc chặn mạch calci vào tế bào (CCB-Calcium Chanel Blocker): Thí nghiệm trên não bộ của chuột cho thấy loại thuốc CCB thuộc nhóm dihydropyridine thuộc thể L-type có thể vượt qua được ranh giới giữa máu và não bộ (blood brain barrier), vì thế có công hiệu giúp tế bào thần kinh não bộ sống sót khi bị hư hại vì cứng mạch máu hay vì beta amyloid.

2-      Loại thuốc chặn sự sản xuất của angiotensin (ACE Inhibitor) và loại thuốc chặn sự tiếp thu của angiotensin (ARB-Angiotensin Receptor Blocker) làm gia tăng lượng máu tuần hoàn đến não bộ, và khi vào não bộ sẽ làm giảm sự sản xuất của beta amyloid cùng các chứng viêm giúp tế bào thần kinh não bộ được trường tồn.

Bằng chứng lâm sàng (in vivo):

Nhiều thử nghiệm lâm sàng trong mấy năm qua đã xác nhận các bằng chứng khoa học từ phòng thí nghiệm. Hai thử nghiệm điển hình là:

1-      Cuộc thử nghiệm tại Âu Châu trên người lớn tuổi với chứng cao huyết áp systolic - tạm dịch huyết áp cao kỳ thu tâm - (Syst-Eur, Systolic Hypertension in Europe) theo dõi 4695 bệnh nhân trong đó có nhóm được chữa với Nicardipine, một L-type dihydropyridine, so sánh với các nhóm khác. Sau hai năm, số người nhuốm bệnh lãng trí Alzheimer giảm 50% trong nhóm nicardipine so với các nhóm khác, nên từ đó tất cả bệnh nhân đều dùng nicardipine để chữa áp huyết cao.

2-      Tại Hoa Kỳ, hồ sơ của 819491 bệnh nhân lớn tuổi đang chữa trị tại hệ thống Bệnh Viện Cựu Chiến Binh vì áp huyết cao được dò lại sau bốn năm. Kết quả cho thấy loại thuốc ARB (Losartan, Valdesartan, etc…) ngăn ngừa được bệnh lãng trí Alzheimer hiệu quả nhất, kế đó là thuốc Lisinopril, một ACE Inhibitor, và sau cùng là nhóm được chữa với các thuốc chống huyết áp cao khác. Trên người đã nhuốm bệnh lãng trí và Alzheimer, thuốc ARB dẫn đến việc ít nhập viện dưỡng lão và ít tử vong hơn so với các nhóm kia như thấy trên hình 1 dưới đây:

          

Xin chú thích thêm là tại Hoa Kỳ, thuốc dihydropyridine phổ thông được dùng để chống huyết áp cao là Nifedipine; thuốc ấy không thấm vào não bộ được (không như Nicardipine dùng trong thử nghiệm Syst-Eur).

Kết luận:

Cho đến hôm nay, kết quả thử nghiệm y học cho thấy bệnh nhân có huyết áp cao tại Hoa Kỳ, vì lý do này hay lý do khác, nếu e ngại rằng mình có thể nhuốm bệnh lãng trí Alzheimer, nên thảo luận với bác sĩ điều trị để dùng thuốc chống huyết áp cao ARB (thuốc Losartan được bán với tên tổng quát nên không đắt tiền). Trong trường hợp không hạp thuốc ARB, bác sĩ nên dùng thuốc Nicardipine với cùng mục đích nêu ở trên.

Pham H. Liem, MD
Former Jackson T. Stephens Professor and Vice-Chairman of the Donald W. Reynolds Department of Geriatrics, UAMS