Bệnh dịch (plague, peste ) do vi trùng Yersinia pestis gây ra. Nhà bác học Yersin khám phá ra con vi trùng này năm 1894. Nó sinh trưởng trong ruột con Xenopsylla cheopis là một loại bọ-xét sống bằng cách hút máu các loại chuột. Khi ruột căng máu thì con bọ-xét nhả các con vi trùng vào vết thương trên cơ thể con chuột, do đó con chuột mắc bệnh dịch. Thời xưa, người Trung Hoa khi thấy chuột chết cả đàn là họ biết sắp có dịch hạch giết người. Trong lịch sử thế giới, có 3 trận dịch hạch lớn giết hại cả chục triêu người. Trận thứ nhất xẩy ra vào thế kỷ thứ 6/7, trận thứ nhì vào thế kỷ thứ 14 và trận thứ ba vào năm 1890 ở Trung quốc.
Con bọ xét Xenopsylla chứa vi trùng Yersinia
Có hai tiểu thuyết nổi danh dùng bệnh dịch làm bối cảnh.
Cuốn thứ nhất là Decameron của văn sĩ Giovanni Boccaccio (1313-75). Ông soạn thảo cuốn sách này từ năm 1348 đến năm 1352.Đây là thời gian mà thành phố Florence đang bị dịch hạch tàn phá. Boccaccio viết:
"Người ta khiêng xác của những người mới chết ra khỏi nhà của họ, vất xác ra trước cửa nhà, có đến cả ngàn xác sáng nào ai đi qua cũng nhìn thấy… Khi các mộ đã đầy ắp, người ta đào các rãnh lớn trong các nghĩa địa của nhà thờ, cả trăm xác được ném xuống, xác nọ chồng lên xác kia như đồ hàng trên tầu, rồi người ta phủ lên một chút đất cho đến khi nào rãnh đầy ngập.”
Để tránh cảnh hãi hùng này , bẩy thiếu nữ và ba thanh niên thuộc gia đình khá giả kéo về trú ngụ tại một biệt thự ngoại thành. Họ quyết định ở lại đây hai tuần lễ, với hai ngày để chăm lo thể xác, hai ngày để chăm sóc tâm linh. Trong mười ngày còn lại, họ sẽ ăn uống đờn ca hát xướng. Mỗi buổi tối, họ sẽ thay phiên nhau mỗi người kể một chuyện. Do vậy đặt tên sách là Decameron danh từ gốc Hy Lạp có nghĩa là 10 ngày. Sau 10 ngày có đến 100 chuyện vừa ngắn vừa dài gồm đủ đề tài, từ tình yêu tình dục qua đến chọc ghẹo đùa cợt tới đạo đức cao thượng… Sách dùng tiếng Ý đại lợi vùng Florence chứ không dùng tiếng La tinh. Sách đã được dịch qua Anh ngữ 2 lần:
-lần thứ nhất bởi Peter Bondanella và Mark Musa năm 1977;
-lần thứ nhì bởi Wayne A. Rebhorn năm 2013.
Ông Boccaccio là con hoang của một thương gia và chủ ngân hàng ở Florence. Ông vừa làm công chức vừa viết văn thơ. Ông làm bạn với Petrarch, một nhà nhân bản danh tiếng thời Phục hưng. Các văn sĩ như Chaucer và Shakespeare đều chịu ảnh hưởng của Decameron.
Cuốn tiểu thuyết thứ hai viết về bệnh dịch là cuốn La Peste (The Plague)của Albert Camus.
Người ta có thể tóm tắt tư tưởng và nhân sinh quan của ông Camus trong ba cuốn sách Le Mythe de Sisyphe, L’étranger và La Peste. Ông được tôn thờ là triết lý gia của sự Phi Lý---le philosophe de l’Absurde. Đối với ông, sống chết là những sự kiện vô lý không giải thích được. Nhưng nghĩ như vậy không phải là nhắm mắt buông xuôi phó mặc cho định mệnh.
Trái lại, người ta phải dấn thân (s’engager) chung vai sát cánh chống lại độc tài độc đảng, chiến đấu với áp bức bất công.
Ông Camus sinh năm 1914 tại Algeria trong một gia đình nghèo khó. Bố ông mất sớm, bà mẹ bị điếc và đi làm công lau chùi quét dọn, bởi thế nên ông Camus sau này giầu có cũng không bao giờ mướn người làm công. Những chi tiết này ông kể lại trong cuốn hồi ký Le Premier Homme. Ông được giải thưởng Nobel Văn Chương năm 1957. Uổng thay, ông bỏ mạng trong một tai nạn xe hơi tại Pháp năm 1960.
Năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang lại đi viết về bệnh tật. Chủ ý là nhắc khéo bà con cô bác vui chơi thì cứ vui, nhưng đừng quên rằng dịch hạch còn đang hoành hành trên khắp thế giới dưới hình thức chiến tranh tàn sát, nghèo khổ bệnh tật, cường hào ác bá áp bức dân đen, chà đạp nhân quyền. Đây là những tảng đá mà nhân loại giống như Sisyphe ngày ngày phải đẩy lên đỉnh núi để rồi nhìn nó lại lăn xuống chân núi, rồi lại è lưng kê vai đẩy nó lên, cứ thế ngày này qua ngày khác,chẳng phải là thậm chí vô lý hay sao?