Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Một câu chuyện về Danh Dự và Vinh Quang trong cuộc chiến Việt Nam
Richard Botkin
(Bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền)
Chương 3
Đại úy Ripley - Đại đội Lima 6
Khi Đại úy John Ripley đến vùng đất này vào tháng 10 năm 1966, có lẽ ông là người cuối cùng trong số ba anh em nhà Ripley cùng năm đó đã đến để chiến đấu chống kẻ thù Cộng sản. Trong lúc người anh Mike lớn hơn John một tuổi, nhưng là người sau cùng trong dòng họ Ripley gia nhập vào binh chủng TQLC, đã từng lái chiến đấu cơ A-4 và đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của mình vào tháng 6, thì người anh cả George, vốn đã “đầu độc” đứa em ruột của mình bằng cách cho đọc "Tiếng thét xung trận" của Leon Uris và do đó củng cố ước vọng trở thành TQLC của cậu ta, lúc đó đã là một Thiếu tá phục vụ với vai trò sĩ quan ban 3 cho Trung đoàn 3 TQLC, đơn vị phụ thuộc 3/3. Cũng trong năm đó, người cha Bud Ripley đã viết một bức thư rất xúc động gởi đến Bộ trưởng Hải quân xin cho cả ba đứa con trai của ông cùng lúc được phục vụ trên chiến trường. Lo ngại các điều luật hạn chế sự tổn thất mà một gia đình có thể chịu đựng nổi sẽ không cho phép tất cả các con trai ông được thi hành nghĩa vụ cho tổ quốc, ông đã vì đất nước thân yêu mà sẵn lòng phó thác những người con ông yêu thương nhất cho sự may rủi.
Số mệnh của Đại úy John Ripley đã không hề bị ngăn trở bởi điều luật hay bất kỳ ai. John Ripley đã tự nhủ, tính toán và tự nguyện thực hiện ước nguyện mình. Đại đội Lima, gần đây đã thay hai người chỉ huy trong một thời gian ngắn và từ đơn thuần là một Đại đội bộ binh, đã thay đổi trong vòng vài tuần khi có viên Đại úy mới đến thành một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất. Chỉ chưa đầy một tháng khi anh nắm quyền, sự biến chuyển đã trọn vẹn.
Lê Bá Bình
Sài Gòn
Tháng Hai năm 1965
Nhận xét bên ngoài từ quan điểm của người Mỹ, thật là kỳ lạ khi mà Lê Bá Bình, mới được thăng chức trung úy gần đây và nắm quyền chỉ huy Đại đội 1 Sói Biển, vừa quay về nhà đã lại phải trở ra mặt trận. Ngoại trừ trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, người Mỹ không có kinh nghiệm nào về chiến tranh trong nội bộ đất nước họ. Đối với những người còn sống, trong ký ức chung của họ là các chàng trai Mỹ luôn luôn đi ra mặt trận hay các nơi khác ngoài nước Hoa Kỳ - thường là châu Âu nhưng cũng có ở Thái Bình Dương hoặc tại châu Á - một nơi nào đó rất xa nhà. Mặc dù viễn cảnh hạt nhân của ngày tận thế luôn ám ảnh trong tâm trí của cả quốc gia, sự kiện một thanh niên trở về quê hương để chiến đấu thật sự là một điều quá khủng khiếp để có thể suy ngẫm một cách cặn kẽ được.
Đối với người dân, nước Mỹ là nhà, nơi mà trái tim họ đang đập, được cô lập và ngăn cách bởi hai bờ đại dương, là một pháo đài hùng vĩ. Binh lính Hoa Kỳ không lo là thành phố hay quê hương họ có thể bị cướp bóc, hay vợ con họ có thể bị xâm hại. Nhưng đối với Lê Bá Bình và những người lính TQLC thì không như vậy. Không có những chuyện tương tự như là “Pháo đài Việt Nam.” Ít nhất là chưa có ngày ấy.
Chuyến trở về Việt Nam của Bình gần như không có gì đáng lưu ý. Anh nhớ nhà, nhớ đồ ăn Việt Nam, nhớ những mùi vị và âm thanh thân quen của gia đình. Thật là hạnh phúc khi được trở về nhà và anh hài lòng khi nghĩ rằng sẽ sớm được đáp ơn những gì mà Tổ quốc đã kỳ vọng nơi anh. Anh rất thích nước Mỹ, thích cái vĩ đại và các khoảng không gian mở rộng, thích sự chuyển động không ngừng của người dân tại đó.
Bình đã học được rất nhiều trong trường Huấn Luyện Căn Bản và kết thân được với một số TQLC Hoa Kỳ, những người sẽ sớm đến cùng sát cánh trong cuộc chiến đấu ngay trên quê hương anh. Bình rất háo hức được áp dụng những bài vở đã học được với mong muốn, mà theo anh, sẽ cứu sống những người lính của anh, và quan trọng hơn hết, là tiêu diệt thêm nhiều quân cộng sản nữa.
Vào những năm sau khi kết hôn với ông Lê Bá Sách, bà mẹ kế của Lê Bá Bình đã sinh hạ ra thêm bảy người con, nuôi nấng bốn người con riêng của chồng cũ và tất bật với cửa hàng tạp hóa kiêm luôn gian hàng thực phẩm ở chợ Tân Định. Bà chuyên bán những món ăn bún và gạo miền Bắc và làm ăn khấm khá với sự hỗ trợ của bầy con đến giúp sau khi tan học.
Đối với Bình, Tân Định là nhà, một ốc đảo yên tĩnh, một nơi trú ẩn, một nơi để luôn luôn quay về vào cuối tuần khi Tiểu đoàn 3 nghỉ hành quân, từ căn cứ bản doanh chỉ cách xa mười lăm cây số ở Thủ Đức. Cuộc sống hàng ngày tại Tân Định dường như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đang xảy ra liên tục trong các làng mạc và vùng quê không xa nơi đó mấy. Ngay bên ngoài Sài Gòn, bằng chứng về sự bành trướng của Cộng sản và các vùng kiểm soát của Việt Cộng rất dễ nhận thấy.
Người Mỹ rất khó mà hiểu nổi hoàn cảnh của bạn đồng minh Việt Nam. Đối với họ, ra mặt trận có nghĩa là một chuyến đi dài đằng đẵng bằng máy bay hay tàu thủy. Đối với Bình và hầu hết các quân nhân TQLC Việt Nam, thường thì là vài phút rong chơi trên yên một chiếc xe gắn máy.
Vào những lần xuất hành trong các cuộc hành quân thường lệ, các đơn vị chiến đấu TQLC Việt Nam thường mang theo khẩu phần ăn cho sáu ngày gồm có gạo, cá khô, xúc xích, và nước tương. Khẩu phần C-rations cũng được mang theo nhưng chỉ được sử dụng như sự lựa chọn cuối cùng đối với những người lính TQLC Việt Nam với khẩu vị khác với người Mỹ.
Một phương cách ít phức tạp và rườm rà hơn là các Tiểu đoàn trưởng được trợ cấp tiền mặt và ông có thể xuất ra để bổ sung vào khẩu phần ăn cho các binh lính của đơn vị mình.
Mang tiền mặt theo dễ hơn là mang theo cả tấn lương thực. Tiền mặt có khả năng mua được cá, gạo, sản vật và bất cứ thứ gì mà quân đội cần thành thử lại khiến cho các đơn vị tạo được ảnh hưởng trong các vùng mà họ hoạt động. Tiền nhẹ nhàng hơn cũng giúp đơn giản hóa các nỗ lực về tiếp vận.
Về nước uống thì thường được lấy từ các nguồn nước tại địa phương, thường là giếng hay suối. Các quân nhân TQLC Việt Nam, dù là gốc thành thị hay nông thôn, thường có thể tạng phù hợp với các loại nước uống kém tinh khiết hơn là lính Mỹ. Việt Cộng nổi tiếng hay bỏ thuốc độc vào các giếng bất cứ lúc nào họ làm được. Một cách thử tuy thô sơ nhưng hữu hiệu nhằm đối phó với những sự phá hoại ngầm như vậy là nhúng ớt tươi vừa cắt vào nước mới lấy được. Tùy theo sự thay đổi màu sắc của nước mà biết được nước có an toàn để uống hay không.
Một trong những khó khăn lớn nhất khi hoạt động trong hoặc xung quanh khu vực đông dân cư là làm thế nào xác định được ai có cảm tình với Cộng sản. Khác với bộ đội Bắc Việt, Việt Cộng không mặc đồng phục. Họ luôn luôn tìm cách khai thác các lợi thế như lén lút và lừa dối, với khả năng có thể trà trộn lại vào đám dân chúng mà họ vừa từ đó chui ra.
Người Mỹ đặc biệt gặp khó khăn khi muốn phân biệt những người dân bình thường với kẻ thù mang vũ khí. Sự khác biệt quá lớn về ngôn ngữ và văn hóa cộng lại đã làm cho việc giao tiếp và hiểu biết về những nét tinh tế của lối sống Việt Nam rất khó khăn. Những điều này hoàn toàn ngoài tầm hiểu biết của của người lính Mỹ bình thường. Đó là một trở ngại lớn đối với nỗ lực của người Mỹ để đánh bại một kẻ thù mà họ hơn hẳn về hỏa lực nhưng kém hơn trong sự xảo quyệt hay sự quyết tâm.
Lính TQLC Việt Nam không hề bị các rào cản về văn hóa hay ngôn ngữ như vậy nên nói chung dễ phát hiện các khu vực mà Việt Cộng hoạt động hơn là người Mỹ.
Có nhiều phương cách và dấu hiệu để phát hiện ra Cộng quân. Chỉ cần nói chuyện bâng quơ với dân làng là đã có thể nhận ra lòng dạ hay ý định của họ. Một điều rõ ràng là nếu họ chịu tiết lộ thì biết ngay họ có chống Cộng hay không vì nếu giúp chính phủ thường phải trả giá rất cao. Việt Cộng sẵn sàng trả đũa những hành động giúp địch như vậy một cách nhanh chóng và tàn bạo. Trong vùng kiểm soát hay khủng bố của Việt Cộng, người dân thường giữ im lặng và miễn cưỡng trả lời những câu hỏi thông thường nhất.
Chỉ nội sự im lặng cũng đủ báo hiệu cho TQLC biết cần phải thận trọng hơn. Trong các làng mạc và cánh đồng lúa giáp với khu dân cư mà chỉ có lác đác vài người lớn làm việc trong giờ làm đồng vào ban ngày thường có nghĩa là họ phải tham dự các lớp học về tuyên truyền và nhồi sọ. Đôi khi TQLC yêu cầu các ngôi làng nghi ngờ có VC hiện diện phải đốt đèn ban đêm để có thể dễ dàng quan sát mọi sự di chuyển. Đèn tắt chứng tỏ cho TQLC biết có điều gì đó ám muội đang xảy ra.
Có một loạt các dấu hiệu riêng rẽ hay liên quan với nhau, có khi rất rõ ràng và đôi khi mù mờ nhưng nếu biết kết hợp lại với nhau thì có thể xác định mức độ đe dọa của bất kỳ một khu vực cụ thể nào đó. Tuy nhiên có một nguồn tin tức tốt, chắc chắn nhất để biết có Cộng sản chung quanh hay không là hỏi trẻ em. Tách chúng ra khỏi đám đông, ân cần hỏi han và cho bánh kẹo là cách dễ dàng nhất để lấy niềm tin của đám trẻ thơ ngây mà bất cứ sự huấn luyện hay đe dọa nào của cha mẹ chúng đều không ngăn chận được, cho dù là họ có là cán bộ nòng cốt của Việt Cộng đến đâu đi nữa.
Những điều mà Bình và số lượng ngày càng đông các sĩ quan trẻ TQLC đã được học thêm tại Quantico rất có ích. Khả năng tác chiến của họ đã được nâng cao và quy mô của TQLC Việt Nam cũng được phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chiến tranh vào năm 1965 cùng với sự khốc liệt của cuộc chiến đang được tiến hành. Khi Bình còn là một thiếu úy, phần lớn các trận chiến gần Sài Gòn hơn để đối phó với các đơn vị nhỏ của Việt Cộng. Ngay sau khi được thăng chức trung úy và nhận nhiệm vụ Trung đội đội trưởng TĐ1 của TĐ3, đơn vị Bình được điều ra phía Bắc đánh nhau với các đơn vị VC lớn hơn và cả bộ đội Bắc Việt nữa.
Từ lúc đầu tiên ra mặt trận, ngay trước những ngày tại Quantico, Bình đã chiếm được cảm tình của các cố vấn TQLC Mỹ hiện diện bên cạnh các đồng minh Việt Nam nhằm bảo đảm cung cấp một hỏa lực dồi dào. Sự yểm trợ của không lực nếu được đáp ứng một cách nhanh chóng và tương đối chính xác từ các phi công Việt Nam và Mỹ cùng với yểm trợ pháo binh từ của tiểu đoàn pháo binh TQLC thường đánh dấu sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại, sự sống hay cái chết, đặc biệt là chống lại các lực lượng thù địch Bắc Việt thường có quân số đông hơn.
Địa bàn hoạt động của Đại Đội 1 vào năm 1965 thường diễn ra tại một vùng mà giới quân sự và dư luận Hoa Kỳ gọi là Vùng I (còn gọi là Quân Đoàn 1), phát âm là "Ai-Coọc" (I-Corps). Việt Nam Cộng Hòa được chia ra làm bốn vùng chiến thuật. Vùng I là phần đất nằm phía Bắc của Việt Nam Cộng Hòa. Vùng chiến thuật này bao gồm biên giới với Bắc Việt (vùng phi quân sự) cũng như tiếp giáp với biên giới Lào nơi quân Bắc Việt duy trì đường mòn Hồ Chí Minh cùng với các căn cứ quan trọng có thể dùng để xâm nhập miền Nam Việt Nam qua nhiều ngả khác nhau. Vì vậy đây là một trong bốn vùng chiến thuật xảy ra các trận đánh khốc liệt và gây nhiều thương vong nhất trong suốt cuộc chiến.
1965 chưa phải là năm đẫm máu nhất cho Tiểu đoàn Sói Biển TQLC Việt Nam. Do nhu cầu chiến sự, khả năng chỉ huy cấp đại đội bộ binh của Bình đã được nâng cao theo cấp số nhân. Các cuộc đụng độ quan trọng với các đơn vị lớn gấp bội của Việt Cộng tại những nơi như Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tiếp giáp với Quốc lộ I, cách 60 km về phía nam Đà Nẵng, 570 km về phía bắc Sài Gòn, và chỉ cách bờ biển sáu cây số, đã là nơi Đại đội 1 của Bình tham gia vào một chiến thắng quan trọng trước một số trung đoàn VC. Các cuộc đụng độ khác, như trận đánh tại Ba Gia và tiến sâu vào nội địa, cách Tam Kỳ 40 km về phía nam, là một bài học đắt giá trong việc tránh bị đánh lừa. Tại Ba Gia, VC đã xuất sắc trong việc chuẩn bị chiến trường trước trận chiến. Mặc dù Đại đội 1 đã tiêu diệt được một số quân Cộng sản đáng kể, sau trận đánh chính kẻ địch đã gây tổn thất nhiều hơn cho quân VNCH trong lần đó.
Bị thương lần thứ tư lúc chỉ huy Đại đội 1 đánh nhau phía Bắc và một lần nữa được công nhận là chiến sĩ anh hùng, danh tiếng của Bình như một nhà tư tưởng và một chiến sĩ không quản gian nguy chiến đấu chống một kẻ thù dai dẳng đã lan truyền sâu rộng trong giới TQLC tuy còn nhỏ bé nhưng đang phát triển lớn mạnh dần. Bố mẹ Bình, đám em và bạn bè rất ngưỡng mộ lòng quả cảm của anh và dường như lúc nào anh cũng đang phải hồi phục từ các vết thương do mảnh bom đan hoặc rừng rậm ô nhiễm. Giữa những cuộc hành quân, Tiểu đoàn Sói Biển bổ sung quân số, nghỉ ngơi và tái huấn luyện tại Thủ Đức. Vì vậy Bình có thời gian rảnh rỗi để thăm gia đình và bạn bè gần đó tại Tân Định.
Trong vùng Tân Định không có vị trí chiến lược nào ngoại trừ một đồn cảnh sát nhỏ cho nên khả năng VC tấn công khủng bố rất xa vời. Đối với Bình sự thay đổi liên tục giữa chuyện phải điều đi đánh nhau ở bất kỳ nơi nào đó và trở về nơi tạm yên Tân Định đã trở thành một tập quán. Ngày nào Cộng sản bị đánh bại và hòa bình tái lập, họ sẽ trở về cuộc sống mà thực sự chưa có ai từng sống qua nhưng tất cả đều hoài mong chờ đợi. Trong lúc này họ phải chịu những sự hy sinh cần thiết thôi.
Không có nơi nào mà niềm tin tưởng là những sự hy sinh cần thiết ngày nay cho một tương lai tốt đẹp hơn được thể hiển rõ ràng nhất trong âm nhạc của thời đó. Nền tân nhạc cận đại của Việt Nam vào thời kỳ đầu và giữa thập niên 1960 là một sự pha trộn khác thường của nhạc trẻ Mỹ và Pháp cùng với hai ngàn năm văn hóa của đất nước. Nhạc mới Việt Nam có thể được chia ra thành hai giai đoạn chính. Từ 1954 cho đến khoảng 1962, lúc nỗ lực chung được tập trung vào việc xây dựng nội bộ đất nước, các bài hát ghi chép lại các cuộc đấu tranh gần nhất và niềm tự hào về khả năng của nước cộng hòa. "Chuyến đò vĩ tuyến" nhằm vinh danh hơn 800 ngàn người đã hy sinh rất nhiều để di cư vào Nam bằng đường thủy. "Nắng Đẹp Miền Nam" (The Rising Sun of the South), một giai điệu rất được ưa thích và được phổ biến rộng rãi như cái tựa đã nói lên được ý chính, là một trong những bài ca theo chủ đề tương tự tiêu biểu cho thời kỳ đó.
Từ năm 1962 trở về sau, âm nhạc được phát triển cùng với nhịp độ ngày càng tăng của cuộc xung đột. Giọng ca ủy mị và diễn xuất tuyệt vời của Hoàng Oanh trong bản "Tình Anh Lính Chiến" (The Love of a Fighting Man) đã được biết đến và ghi khắc trong lòng của mỗi quân nhân cũng như những phụ nữ đang chờ đợi họ. Trong bài hát, người lính chiến đấu ngoài mặt trận và người yêu thì ở lại hậu phương. Trong màn đêm, chàng trai ngắm trăng tròn và tự hỏi, giống như mọi chiến binh khắp nơi, không biết người yêu có đang ngắm cùng một vầng trăng và nghĩ đến mình hay không?
Nhiều bài ca khác không ủy mị bằng thì kêu gọi lòng ái quốc và gương hy sinh. "Ai Ði Chinh Chiến" đặt và giải đáp câu hỏi "Ai là những người tòng quân để xây dựng một tương lai hòa bình?" Có thật nhiều các bài hát yêu nước và chống cộng nhưng không phải tất cả các bản nhạc đều như vậy. Miền Nam đã đủ lớn mạnh và an ninh để chấp nhận cả nhạc phản chiến của Phạm Duy rất được phổ biến.
Ngay từ năm 1962, dấu chân của người Mỹ ở Việt Nam là đủ quan trọng và phổ biến, cũng như các chuyến công vụ của họ cũng đủ lâu dài để ảnh hưởng nền văn hóa Mỹ lên nước nhà. Do đó người Mỹ không muốn và cũng không có lý do nào để họ vượt ra ngoài những điều dễ dàng có sẵn. Ngay từ việc chuyển từ tiếng Anh qua tiếng Việt đã không giống như việc học tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp ở trung học. Bạn không thể thêm một "o" ở cuối của mỗi từ và giả bộ đó là tiếng Việt, mặc dù một vài từ tiếng Pháp vẫn còn được dùng như vậy. Chẳng lẽ binh sĩ và Thủy quân lục chiến Mỹ lại nói: "Boocoo VC," "boocoo này" và "boocoo đó?” (beaucoup).
Người Mỹ, ngay cả cách sử dụng đôi đũa còn nhiều lúng túng, hoàn toàn không hiểu các ngữ điệu tinh tế tựa như tiếng hát của ngôn ngữ địa phương. Vì vậy họ thấy văn hóa Việt Nam có vẻ cầu kỳ vòng vo và không thích hợp với những phương pháp kinh doanh Tây phương thẳng thắn trực diện mà họ tin là có ưu thế hơn.
Trong đám thương gia Việt Nam có những người đàn ông cũng như đàn bà tham lam và siêu-tư-bản chỉ muốn bám vào sự hào phóng của người Mỹ còn chưa biết cả cách đổi tiền sòng phẳng. Trong phạm vi những khu vực "Hoa Kỳ nhỏ", thường xuất hiện bất kỳ nơi nào có quân đội Hoa Kỳ hoạt động, có đủ các thú vui thể xác mới lạ mà hầu hết những người lính Mỹ trẻ rất muốn thử qua. Do đó, rất ít người Mỹ thật sự hiểu được dân bản xứ và nền văn hóa một cách thân thiện ngoài những gì có sẵn trong khu ồn ào, các nhà thổ và các quán ba.
Trong khi chủ nghĩa đế quốc văn hóa Mỹ dường như chừa lại chẳng bao nhiêu cho những gì không phải là văn hóa Mỹ thì Bình, cũng như đa số bạn bè của anh và gia đình, lại thích loại âm nhạc tổng hợp nhiều màu sắc lúc nào cũng hiện diện trên các làn sóng phát thanh hơn. Mọi người đều thuộc lòng nhịp điệu bản "C'est Si Bon" và hầu hết đều hiểu “thấu lời bài hát do di sản văn hóa Pháp để lại. Với trình độ tiếng Anh của mình, Bình còn hiểu được lời các bản nhạc của Beatles như "I Saw Her Standing There." Và anh cũng thích những bài hát như vậy, giống như hàng trăm ngàn người Việt Nam thuộc giới trẻ không cần biết và cũng không quen với ý nghĩa lời nhạc nhưng lại được truyền cảm hứng qua các giai điệu. Ít nhất là người Việt Nam và người Mỹ còn có chung một thứ gì đó để chia sẻ với nhau trong tính phổ quát của nhạc Rốc.
Đối với những người Mỹ yêu nước thuộc thế hệ xưa, những người thích Trung sĩ Barry Sadler với bài "Ballad of the Green Berets" nếu như họ biết thì có lẽ "Tình Anh Lính Chiến" sẽ hấp dẫn và quen thuộc với họ hơn.
Với tư cách một Trung úy bộ binh trẻ, Lê Bá Bình tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu và chăm lo đến các binh sĩ trong Đại đội 1 nhiều hơn mọi thứ khác. Tuy anh rất thích âm nhạc thời đó nhưng anh không màng đến ý nghĩa của bất kỳ bài hát đặc biệt nào. May mắn cho anh là có một người phụ nữ trẻ, đặc biệt với một nhận thức sâu sắc hơn về nghệ thuật và thơ văn cũng như tính lãng mạn của thời kỳ độc đáo duy nhất đó. Sau này Bình có lý do riêng để cảm ơn Hoàng Oanh đã hát bài "Tình Anh Lính Chiến" ra rả liên tục vì điều này chính là yếu tố quyết định sau rốt để Cầm Bành nhận lời cầu hôn của anh.
Đại đội Lima 6
Khi John Ripley có mặt tại Việt Nam, ông chỉ có một mục tiêu chuyên nghiệp trong đầu. Mặc dù lòng thương nồng nàn anh dành cho bà vợ Moline và đứa con trai Stephen, nhưng John Ripley vẫn là một sĩ quan bộ binh thuộc binh chủng TQLC. Anh là một đại úy Thủy quân lục chiến. Cấp bậc Đại úy thuộc binh chủng TQLC, trên danh nghĩa, có nhiệm vụ chỉ huy Đại đội bộ binh để ra mặt trận khi cần thiết. Bất cứ cấp chỉ huy "skipper"* (danh xưng chỉ huy trong TQLC, vốn thuộc vào bộ Hải Quân được gọi là "skipper" tức thuyền trưởng) nào với mức độ nam tính vừa phải hoặc đủ mức gan lì thường sẵn sàng vượt chông gai để có cơ hội dẫn dắt đám TQLC đi đánh nhau. Người nào mà không đủ mức độ nhiệt tình như vậy thường thất bại khi chỉ huy binh lính của mình. *
Rất ít người sống ngoài quân ngũ hiểu và đánh giá nổi cái quyền quyết định tuyệt đối như ông Trời đã giao cho những thanh niên chỉ ngoài đôi mươi ngoài mặt trận.
Trong chiến sử đầy dẫy các trường hợp những chàng trai mới lớn và quá trình thay đổi nhanh chóng của họ. Bản chất cuộc chiến tại Việt Nam là trên bộ thành thử đã có một số lượng hỏa lực khổng lồ được tập trung vào những tay Đại úy chỉ mới hai mươi bốn, hai mươi lăm, hoặc hai mươi sáu tuổi. Họ thường xuyên dẫn Đại đội hành quân xuyên qua những cánh đồng, những cánh rừng rậm và lên xuống các đường mòn quanh co. Đối với những sĩ quan bộ binh nào thích được thử sức tới cùng và dứt khoát muốn biết mình có đủ đảm lược để chỉ huy binh sĩ chiến đấu trong tình huống tuyệt vọng hay không thì nhiệm vụ Đại đội trưởng bộ binh chính là cái thử thách đó.
Có nhiều yếu tố kết hợp lại để nhiều người gọi chiến tranh tại Việt Nam là một cuộc chiến "cấp Đại đội." Thế đất và địa hình thường giới hạn việc sử dụng các đại đơn vị cũng như các chiến thuật càn quét. Hầu hết các trận đánh xảy ra trong rừng rậm, tầm nhìn bị hạn chế, thông tin liên lạc khó khăn và kẻ thù thì phải cận chiến. Điều này có nghĩa là những đơn vị lớn hơn cấp Đại đội thường không được sử dụng với một hiệu quả tối đa. Chính vì những giới hạn về địa lý cho nên các tướng lãnh tư lệnh Sư đoàn, các Đại tá chỉ huy Trung đoàn, ngay cả cấp Trung tá Tiểu đoàn trưởng thỉnh thoảng phải chấp nhận quan sát mặt trận từ những hầm chỉ huy ở phía sau hay phải bay trực thăng trên không, rất hiếm khi nào ngay từ tiền tuyến. Cuộc chiến tại Việt Nam được lên kế hoạch tỉ mỉ từ cấp cao và trung bình nhưng phần lớn được thực hiện bởi cấp Đại úy trở xuống. Vai trò của một "skipper" có một sức hấp dẫn đặc biệt. Nó là điểm tựa, là trung tâm tuyệt đối của thế giới TQLC mà chung quanh đó là một sự pha trộn đặc biệt của tinh thần chỉ huy tại chỗ. Sĩ quan Đại đội trưởng là người điều hành và quyết định tuyệt đối. Tuy nhiên họ cũng có thể gần gũi như một người anh cả đối với các cấp Trung đội trưởng và binh sĩ, có thể nhìn thấy ngay các kết quả tức khắc - thành quả của khả năng đơn vị mình - và đồng thời sử dụng được toàn bộ kỹ năng trí tuệ nhằm phối hợp và hướng dẫn các phương tiện hỏa lực hỗ trợ trong quá trình suy luận có thể thực hiện được.
Trong một trận đánh không có điều gì khó khăn hơn là việc gọi hỏa lực khủng khiếp từ các chiến hạm, các đơn vị pháo binh, không lực yểm trợ, để rồi phối hợp thành công và điều chỉnh lại qua những người trên mặt đất. Khi mọi chuyện kết hợp lại với nhau tốt đẹp như vẫn thường xảy ra thì chiến thắng gần như là chắc chắn. Thỉnh thoảng cũng có những trường hợp mọi chuyện không tốt đẹp như vậy.
Ngay cả những lúc như thế, vẫn luôn luôn có những hành động chung của các TQLC được huấn luyện và chỉ huy đúng mức trong các toán hỏa lực, các Tiểu đội và Trung đội trong thành phần Đại đội vượt qua được các sai lầm về phán đoán, liên lạc bị thiếu sót, những vụ bắn lầm phe bạn, những tình huống bất thường và một kẻ thù không kém ngoan cố để tạo nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại.
Một giàn hỏa lực có sức tàn phá khủng khiếp chỉ kém vũ khí hạt nhân một mức, được thiết kế bởi những khoa học gia lỗi lạc nhất của các công ty lớn nhất của ngành kỹ nghệ chiến tranh Hoa Kỳ hùng mạnh luôn luôn sẵn sàng chờ đợi sự phán đoán chín chắn đã được giao cho viên chỉ huy "skipper." Anh ta chỉ việc yêu cầu và chỉ định sự tàn phá cần thiết sẽ được thực hiện tại đâu. Tất cả đã được dọn sẵn cho anh ta và các chiến binh TQLC như một mâm cỗ khổng lồ vô hạn định về thời gian. Toàn là những thứ "nặng ký"; một hỏa lực tàn khốc có khả năng xé toạc mặt đất ra từng mảnh, một hỏa lực khốc liệt có thể biến con người thành tro bụi, xóa hết vết tích người đó đã từng hiện hữu. Tất cả sức mạnh đó nằm trong tay một thanh niên trẻ tuổi. Trách nhiệm nặng nề về sự an nguy của hai trăm binh sĩ và khả năng nắm trong tay một hỏa lực vô giới hạn tùy thuộc vào sự quyết đoán của một người còn chưa biết cạo râu mà một hay hai năm trước đó còn thắc mắc làm sao qua được một kỳ thi đại học hay giường chiếu của một vài cô gái đầy hứa hẹn, hoặc chẳng suy nghĩ gì cao xa hơn những bản nhạc như “Who Wrote the Book of Love” hay “Who Put the Bomp in the Bomp Bah Bomp Bah Bomp?”
Không có một nơi nào có thể mang lại một cảm giác kinh sợ, những tình cảm cao độ, tinh thần trách nhiệm và cơ hội rủi ro cá nhân và phần thưởng tinh thần và sự mất mát như vậy được. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy Đại đội, người đàn ông sẽ không bao giờ có lại được cái cảm giác tuyệt đối như thượng đế nữa. Sau này nếu có trở về đời sống dân sự, mọi của cải tích lũy được cũng không sánh bằng mức độ trách nhiệm và uy quyền đã từng có được trước kia. Ngay cả nếu có được thăng cấp lên chỉ huy các đơn vị lớn hơn, kinh nghiệm này cũng sẽ làm kém đi tình cảm gắn bó với thuộc cấp nơi đầu sóng ngọn gió. Người ta nói rằng hầu hết các tướng lãnh TQLC đều sẵn sàng đánh đổi các ngôi sao của mình để làm chỉ huy Đại đội ngoài mặt trận một lần nữa.
Phải mất một chút thủ tục sau khi đến Việt Nam nhưng cuối cùng John Ripley đã được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội mà anh hằng khao khát. Sự vụ lệnh bổ nhiệm là sĩ quan chỉ huy Đại đội Lima tương đối nhanh chóng. Chẳng là Đại đội đã trải qua nhiều cấp chỉ huy trong một thời gian ngắn vì những lý do không khác thường lắm. Mặc dù còn sót lại một ít chiến binh đầy kinh nghiệm từ những chiến dịch trước, nhiệm vụ này đã có nhiều sự thay đổi. Trước kia đơn vị này được phối trí tại một khu vực gần Đà Nẵng và hoạt động chính của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 3 nhằm chống lại du kích Việt Cộng trong những cuộc đụng độ không thường xuyên và nhanh chóng. Cuộc giao tranh mà họ sắp tham gia ở phía Bắc Vùng I Chiến Thuật sẽ gay go hơn, có tính cách qui ước và liên tục hơn so với những gì đã trải qua. Hằng ngày phải chạm trán với các lực lượng Bắc Việt mạnh và được huấn luyện khá hơn (so với Việt Cộng) trên một địa bàn khắc nghiệt đã làm cho cuộc chiến trở nên đẫm máu hơn. Khi Đại úy Ripley nắm quyền chỉ huy Đại đội Lima, anh chưa có kinh nghiệm cá nhân mấy. Nhưng anh cũng không có tật xấu nào cả. Một tâm trí cởi mở đi đôi với lòng nhiệt thành muốn làm hết khả năng của mình đã là một sự khởi đầu tốt đẹp. Kinh nghiệm Thám Sát kết hợp với sự huấn luyện về Biệt động cùng với nhiệt huyết riêng về Trinh sát, tài năng dọ thám địa hình, đồng thời một khái niệm vững chắc làm cách nào tận dụng hỏa lực yểm trợ có sẵn là những yếu tố anh sớm sử dụng với một hiệu quả trông thấy được.
Đại úy Ripley là một người rất khó tính khi huấn luyện lại Đại đội Lima với những chiến thuật bộ binh căn bản nhất. Muốn di chuyển toàn bộ một Đại đội bộ binh cộng thêm mọi trang bị với con số lên tới 225 lính TQLC cùng với lính Hải quân không phải là chuyện đùa, đặc biệt tại phía Bắc của Vùng I Chiến Thuật. Tuy nhiên chỉ trong vòng hai tuần lễ, Đại đội Lima đã có khả năng thực hiện được điều đó chỉ bằng cách ra dấu 100%.
Không có chuyện lộn xộn hay giỡn chơi được. Mọi giác quan lúc nào cũng phải căng thẳng sẵn sàng. Mỗi TQLC và lính đều phải biết vai trò của mình, biết khi nào sẽ có đụng độ. Các chiến binh đều trở thành chó săn, đánh hơi được từng dấu hiệu của sự hiện diện của đối phương trước khi quân Bắc Việt nhận ra họ. Trong những tháng sau đó, Đại đội Lima không bao giờ bị bất ngờ hay bị phục kích bởi kẻ thù. Chính Đại đội Lima chủ động các cuộc chạm trán và không hề thiếu những tình huống như vậy. Một người bạn đồng thời là đệ tử của Ripley tên là Ed "Ed mã tấu" McCourt, khi đó là Trung úy của Trung đội 3, Ðại đội 3 India, đã nhanh chóng nhận xét về anh: "Rip là một thứ nam châm hút bộ đội Bắc Việt. Đám TQLC chúng tôi thường xin hành quân bên hông của Đại đội Lima vì chúng tôi luôn luôn thấy chắc chắn là có đánh đấm."
*Danh xưng "skipper" không được gọi một cách dễ dàng. Trong Hải Quân Hoa Kỳ, skipper là sĩ quan chỉ huy của bất cứ loại tầu bè nào; từ cái xuồng thoát hiểm cho đến hàng không mẫu hạm. Trong TQLC Hoa Kỳ, danh xưng này dùng để chỉ người nắm quyền chỉ huy Đại đội - trong trường hợp này là Đại đội bộ binh. Trong mọi trường hợp, đây là một danh xưng để bày tỏ niềm kính nể và sự thân mật.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014