Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Vui BuÒn TÆp San Y Sï
tapsanysi
Phi‰m LuÆn cûa Tôn Kàn
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014

Thấm thoắt mà đã gần 40 năm lập nghiệp ở xứ này, Tập San Y Sĩ  đã lên tới số 200, tôi sờ lên đầu không còn sợi tóc, con đàn cháu đống, người phối ngẫu nay đã tóc bạc da mồi tuy vẫn giữ phảng phất cái xinh xắn duyên dáng thời xưa.

Bài này viết theo chỉ thị của ông Chủ bút Thân trọng An ,tôi phải tuân lệnh ngay vì tôi ngán ông này lắm. Lý do thứ nhất là vì nếu tôi làm phật lòng ông thì ông sẽ không tổ chức cho xoa khi về thăm Montréal. Lý do thứ hai là ông nổi cáu sẽ vứt bài tôi vô sọt rác, mình thân bại danh liệt như chơi!

Thú thật tôi rất phục tài mấy ông Chủ bút như Thân trọng An, Lý văn Quý hay Trần mộng Lâm hoặc Lưu nguyễn Đạt. Mấy ông này làm việc ăn cơm nhà  vác ngà voi nhưng rất đúng tiêu chuẩn, các ông tôn trọng quyền tự do cầm bút của mọi tác giả bất luận từ đâu tới hay thuộc khuynh hướng nào (tất nhiên trừ cộng sản). Không ông nào chủ trương kiểm duyệt, đã chấp nhận cho in thì in nguyên con (warts and all), còn không thì thôi.

Các ông không hề sửa đổi thêm bớt câu văn, bới lông tìm vết vạch lá tìm sâu đòi bỏ chữ này thay chữ kia, một dấu phẩy các ông cũng không đụng tới, đây là một gương sáng nhiều người nên bắt chước. Các văn sĩ phần đông có EGO-tự ái-rất lớn, đụng vào văn người ta là điều tối kị, nếu làm to chuyện có thể gây ra thảm họa,  bé ra thì cũng làm mích lòng kém vui.

Thật tình mỗi người cũng nên khai triển cho chính mình một cách đọc văn đọc sách. Mục đích vẫn là vừa học hỏi vừa tiêu khiển. Theo tôi, người ta nên đọc văn với tinh thần  phóng khoáng cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận -không phải chấp nhận- mọi ý kiến thuộc mọi khuynh hướng dưới mọi hình thức, sau đó mới từ từ nghiền ngẫm đánh giá và chọn lựa những quan điểm nào mà mình cảm thấy phù hợp với SỰ THẬT hay với nhân sinh quan của mình. Đọc sách văn mà đầu óc hẹp hòi, chỉ theo thành kiến của mình thì thật uổng công cho người viết!

Trở về Tập San Y sĩ. Theo bài Đọc Chồng Báo Cũ của anh Từ Uyên  thì đầu tiên năm 1976, nó chỉ là một Nội San. Gồm khoảng 20 trang đánh máy, đây là phương tiện để các anh em thông tin liên lạc với nhau. Những cha đẻ của nó gồm các anh Nguyễn tấn Hồng, Từ Uyên,Trang Châu, Nguyễn hữu Nam và Phạm hữu Trác. Đây là những Chủ biên Chủ bút đầu tiên của Nội San rồi Tập San.

Khi mới sanh ra, đứa con tinh thần trông thật thảm hại èo uột vì cha sinh mẹ đẻ nó yếu… sữa (tiền)! Ấy thế mà nay nó đã trở thành một thiếu nữ yêu kiều duyên dáng, bìa mầu giấy tốt, bài vở sung túc, nào biên luận khảo luận, nào truyện ngắn truyện dài, thơ Đường thơ Tây, đủ thể loại đủ ngón ăn chơi! Tiếc thay chưa bắt được anh Mạnh thường Quân nào đem về nâng niu chiều chuộng để em khỏi phải hàng năm ngửa tay xin…địa!! Thôi thì ông Chủ bút ráng gìn giữ trông nom trinh tiết nó cho cẩn thận!

Thật ra, trên văn đàn Việt Ngữ  hải ngoại, TSYS là một trong những xuất bản Việt Ngữ kỳ cựu nhất, rất được dân chúng mến trọng.

Mới đây tôi đi dự một đám cưới ở Washington D.C. Gặp lại một số anh em chạy đến hỏi:

---Toa là Tôn Kàn phải không? Hôm nay mới được gặp!

Sướng nhất nghe một chị tuyên bố:

---Nhận được Tập San là em kiếm bài của anh đọc liền!

Hai lỗ mũi tôi nở phồng ra như hai lò bễ , nhét quả trứng gà cũng lọt!

Tôi cộng tác với TSYS khá thường xuyên kể từ trong vòng 15 năm nay. Hồi đầu vì ở xa nên không tham gia được. Vả lại hồi đó vì học trường Pháp nên viết văn tiếng Việt còn loạng quạng lắm. Sau này, nhờ sự chỉ dẫn và khuyến khích của bạn bè, nhất là của anh Phạm hữu Trác, nên tôi trở nên mạnh dạn hơn. Nay viết văn Việt ngữ khỏe lắm, tôi rất sung sướng hãnh diện sáng tác văn chương bằng tiếng cha sinh mẹ đẻ của mình. Hàng năm, mỗi lần gửi ngân phiếu trợ giúp cho TSYS là tôi cảm thấy mãn nguyện. Tôi tự nhủ mình đã làm một việc hữu ích và đã làm tròn nhiệm vụ. Tôi mong TSYS sẽ được vinh danh trong Hội Nghị Y Nha  Dược Quốc Tế Kỳ 8  sẽ tổ chức tại Melbourne tháng Tám năm 2014.

Nhin về quá khứ, cảm thấy tự hào và an tâm.

Nhưng nhìn về tương lai thì cảm thấy lo âu.

Tương lai TSYS sẽ ra sao? Văn hóa Việt ở hải ngoại có thể tồn tại được không?

Chúng ta có kế hoạch để lôi cuốn và khuyến khích thế hệ mai sau tiếp tục và phát triển những cơ cấu và công trình mà chúng ta đã gây dựng?

Tôi thật tình không kiếm ra câu trả lời.

Đề nghị nên có một buổi Hội Thảo về vấn đề này chăng?



Tôn Kàn 2013
Kính bút

Loading