Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Gió Mùa ñông B¡c (10)
trannguonphieu2
Những đoản văn của BS Trần Nguơn Phiêu đã đăng trên Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y:

1- Quân Y Hải Quân
2- Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười
3- Lê Quang Vinh: loạn tướng hay anh hùng
4- Những nhân chứng cuối cùng

Bản tin về:
Lễ Vinh Danh BS Trần Nguơn Phiêu


Gió Mùa Đông Bắc:
-Lời Nói Đầu - Chương 1
-Chương 2 - Tuổi Thơ
-Chương 3 - Thời Trung Học
-Chương 4 - Một thời sôi động trước Nam Bộ Kháng Chiến
-Chương 5 - Phong Trào Thanh Niên
-Chương 6 - Về quê Cao Lãnh - Trở lại Sài Gòn trước cơn khói lửa
-Chương 7 - Cách Mạng Mùa Thu
-Chương 8 - Những Ngày Đầu Nam Bộ Khánh Chiến

-Chương 9 - Lần Đầu Chạm Địch
TrÀn NguÖn Phiêu

Chương 10

Những ngày tản cư

Triệu đang gánh nước tưới đám cải bẹ xanh và giàn đậu rồng ở ngoài vườn thì bỗng nhiên thấy Chú Sáu của Triệu xuất hiện ở ngoài cổng. Chỉ cách có mấy tháng không gặp chú vì chú đã trở về Sa Ðéc mà nay chú đã thay đổi trông già một cách lạ lùng. Chú để râu dài, đầu vấn khăn rằn như các dân lái ghe thương hồ trên các sông ngòi miền Nam, đi chân không, vận đồ bà ba màu đen đã mốc thếch.

Triệu mừng rỡ, nắm tay Chú vào nhà, rối rít hỏi tin tức bên nội ở miệt vườn Sa Ðéc. Chú cho biết là bà con xóm giềng vẫn được bình an. Quân lính Pháp chỉ chiếm đóng ở tỉnh lỵ Sa Ðéc và quận Cao Lãnh. Thỉnh thoảng tàu tuần có khi đi ngang qua làng nhưng chỉ chạy dọc theo sông cái, không đi vào các rạch nhỏ xuyên vào các xóm. Chú được Ông Nội chỉ thị phải lên Sài Gòn hay Biên Hòa đem Triệu về Sa Ðéc. Ông lo ngại sợ thằng cháu đích tôn đã theo kháng chiến, chạy vào khu. Chú Sáu của Triệu đã có thời hoạt động chánh trị chống Pháp, hồ sơ các sở mật thám của Tây chắc còn nắm giữ, nên phải giả dạng ông già nhà quê, lên Sài Gòn đi tìm lại đứa cháu.

Hai anh em Triệu vội thu xếp hành trang, theo chú Sáu về quê nội. Ðây là lần đầu tiên từ khi xảy ra cuộc chiến, Triệu mới có được dịp trở lại Sài Gòn. Xe đò đã phải ngừng lại nhiều nút chặn xét trên đường khi đi ngang qua các đồn bót, nhất là khi ngang qua Thủ Ðức để vào Sài Gòn. Nhân viên cảnh sát đã kiểm soát giấy tờ lý lịch của những người lớn tuổi và khám xét hành lý khi họ thấy có điều gì khả nghi.

Trên đường về lục tỉnh, các cuộc khám xét lại xảy ra ít hơn, có lẽ vì là những chuyến xe đi về tỉnh. Không biết trên đường trở lại Sài Gòn, việc kiểm soát có khó khăn như Triệu đã thấy trên đường từ Biên Hòa về Sài Gòn chăng? Trong suốt chặn đường, Triệu đã chứng nhận nhiều cảnh nhà tan cửa nát vì chiến trận. Nhiều xóm làng chỉ còn các cột nhà cháy trơ trọi, lu chậu bị bắn vỡ lăn lóc, hỗn độn. Ðường lộ bị đào xới ở nhiều khoảng, các cột điện thoại bị kéo ngã ngổn ngang, xe đò đã phải thận trọng, di chuyển chậm chạp trên các đoạn đường vừa bị phá hay các cầu vừa được xây cất tạm. Cái cảnh đồng nội thanh bình hai bên đường khi về lục tỉnh nay đã hầu như không còn nữa. Người đi đường, lòng cứ nơm nớp sợ những bất trắc có thể xảy ra, lúc nào cũng cầu mong sớm được đi đến nơi, về đến chốn!

Nhà của bên nội Triệu, vốn từng được xem như ở vào vùng thật quê mùa, xa hẳn các thành phố lớn nhưng nay lại là nơi các con cháu quy tụ về trú ngụ để xa lánh các tai họa chiến tranh. Ðặc biệt nay lại có thêm gia đình người cô thứ Ba, từ lâu lập nghiệp ở vùng Siemréap và Biển Hồ ở Nam Vang, nay đã phải gom góp gia tài sự nghiệp lên một chiếc ghe chài lớn, trở về làng sinh sống. Không khí trong đại gia đình vì thế nên lúc nào cũng sôi động với đám con cháu trẻ, lúc nào cũng nhộn nhịp vì có được dịp sinh sống chung. Những người lớn tuổi, mặc dầu thâm tâm vẫn lo âu vì các biến chuyển của thời cuộc nhưng cũng có những phút thư giãn khi nhìn thấy cảnh sinh hoạt hồn nhiên vui tươi của đám thanh thiếu niên.

Triệu đã được các em cho biết là toán Tuyên truyền Lưu động Nam Bộ của Ðặng Ngọc Tốt đã có dịp lưu diễn ở làng nhiều đêm, nhân dịp có cuộc bầu cử Quốc Hội. Dân chúng trong làng đã nhộn nhịp tham gia bầu cử vì là lần đầu tiên họ có được dịp sinh hoạt dân chủ, sử dụng lá phiếu nhưng phần đông đã có những thắc mắc vì các ứng cử viên đều là những người xa lạ đối với sự hiểu biết của người địa phương. Dân chúng đã vui mừng sắp hàng đi bỏ phiếu, trái với cái không khí lo âu, sợ hãi trắc trở ở Biên Hòa, khi Triệu và các bạn phải ôm các thùng phiếu đến từng nhà, từng xóm để đồng bào có thể bỏ thăm.

Các em họ của Triệu đã nô nức dạy cho Triệu các bản hát mới sáng tác của Lưu Hữu Phước, những bản liên hệ đến cuộc kháng chiến đang diễn ra như bản “Ðoàn Quân Ma”:

Mòn mỏi ánh sao lu soi bơ phờ trên rừng sâu,
Lướt theo bao bóng mờ ta xông pha,
Lướt qua sông qua hố, qua giông tố, mưa gió ầm ĩ
Ta diệt trừ, tiêu tan lũ quân thù...

Ðời sống ở làng nhỏ tưởng chừng êm ả, bà con anh em trong đại gia đình nhờ thời cuộc đặc biệt đã được dịp cũng trở về quê sinh sống, lại bất ngờ phải đương đầu với một tình huống mới. Mỹ Long tuy là một làng nhỏ nhưng lại là một làng ở vào vị trí sát ven biên Ðồng Tháp Mười, nơi tập hợp của các cơ quan hành chánh và là nơi đóng quân, dưỡng quân của bộ đội kháng chiến. Quân Pháp vì thế đã đến đóng đồn bót ở làng. Biệt thự có một từng lầu duy nhất của làng đã được chọn làm địa điểm đóng bót. Căn nhà một từng lầu đó là nơi từ đường đã được bà Cố của Triệu xây cất từ lâu. Bà thuộc về một gia đình có nhiều ruộng đất, của cải, được dân chúng khắp vùng biết tiếng tăm. Nhất là trong giới hành khất miền Hậu Giang: hằng năm đến ngày giỗ hiệp kỵ, phần lớn giới hành khất rủ nhau cùng tập họp về làng vì gia đình bà Cố của Triệu đã có cái lệ, sẽ nuôi cho họ ăn uống trong ba ngày lễ. Sau ngày giỗ, mọi người còn được tặng bánh tét và một số tiền để đem theo trên đường về lại các chốn cũ.

Sau gần hai tuần đóng bót quân lính trong bót đã tung ra đi khám xét trong làng. Họ đã đến với đại gia đình của Triệu và ngạc nhiên khi thấy phần đông các người trong nhà đều là những thành phần có học vấn, đối đáp với họ bằng Pháp ngữ, không qua các thông dịch viên của họ. Sau khi toán quân xét nhà đã đi xa, một cuộc họp của các bác, các chú trong gia đình để nhận định tình hình đã được triệu tập gấp rút. Ông Nội Triệu đã phán quyết: Gia đình đã từng được dân chúng trong làng kính nể vì thuộc gia đình đã có quá trình chống Pháp nên mới bị đày, từ Hà Tĩnh vào đây sinh sống. Nay Pháp đến đóng quân mà phần đông các người trong gia đình đều thông thạo tiếng Pháp.

Ông lo ngại họ sẽ trở lại sau này, mời hay bắt buộc phải giúp cộng tác với họ. Tình thế lúc đó sẽ thật khó xử. Ngay bây giờ, nên lấy cớ là vì tình hình an ninh đã tương đối được vãn hồi nên mọi người đã quyết định hồi cư, trở về tìm việc ở các nơi cư trú cũ. Những đứa trẻ như cỡ Triệu được đưa qua tạm lánh ở Nha Mân, nơi cư ngụ của gia đình ông Bác của Triệu, một nhân sĩ người từ Hà Tĩnh. bị Pháp bắt đày ở đây, sau khi phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục bị Pháp ra tay giải tán.

Thế là anh em Triệu lại có cơ hội đến trú ngụ ở một vùng tuy không xa Sa Ðéc là bao nhưng là một vùng nửa quê, nửa chợ. Ðường xe từ Sài Gòn về Sa Ðéc đi ngang qua vùng phải qua cầu Cái Tàu Hạ. Dù đã cư ngụ ở vùng này không được bao lâu nhưng Triệu vẫn cho đây là một vùng đất lành ở miệt Tiền Giang. Khi di chuyển bằng ghe từ Mỹ Long qua Nha Mân, lộ trình chánh là Sông Cái Lớn. Mặc dầu sóng trên sông không đánh lớn nhưng thuyền lúc nào cũng thấy lắc lư cho đến khi đổi hướng vào rạch Nha Mân.

Mặt nước rạch phút chốc bỗng thấy thay đổi hẳn: phẳng lặng, êm dịu, hiền hòa... Hai bên bờ rạch, cây cối xanh tươi, đường đất đỏ thẳng băng, nhà vườn san sát. Sau này khi có dịp được đi ngang qua vùng Chợ Mới, Cù Lao Giêng, Triệu mới tìm được một nơi tương tự với dòng nước êm ả, hai bên bờ có đường di chuyển với cây cao bóng mát, tà áo nữ sinh phất phới đến trường. Rạch An Cựu ở Huế đã được nhiều thi nhân nhắc nhở. Không biết có nhà thơ nào trong Nam đã đến thăm con rạch Nha Mân thơ mộng chưa?

Hai bên bờ rạch Nha Mân, san sát nhà và vườn nhỏ, tiếp phía sau vườn là đồng ruộng bát ngát. Phần đông các nhà nào cũng có chất cây rơm sau vườn để nuôi nấm. Rất có thể vì vùng nầy nằm vào một vị trí khí hậu thích hợp, hơi ẩm đều hòa, nhiều nhà cùng để nấm nên nấm rơm là một nguồn lợi tức khá dồi dào cho dân chúng. Vì mặt nước rạch êm xuôi nên loại vịt cổ lùn cũng được nhiều nhà chăm lo chăn nuôi. Món ăn đặc biệt vùng nầy là cháo vịt, trong cháo có nấu thêm nấm rơm để thêm vị ngọt ngào. Khi nhìn vào tô cháo thấy như đầy thịt vịt.

Tiếp giáp với Nha Mân, đi vào trong xa là vùng Chợ Vinh với những vườn dừa tươi mát. Tên Chợ Vinh đã được dân gian đặt vào câu hát đưa em:

Chợ Vinh bán áo con trai
Chợ trong bán chỉ, chợ ngoài bán kim...

Lúc ban đầu, Triệu và các em hay đi xa vô vùng chợ Vinh vì thích phong cảnh êm đềm ở đây nhưng vì vùng này ở xa đường giao thông huyết mạch từ bắc Mỹ Thuận về Sa Ðéc nên các toán kháng chiến thường về lai vãng về đây. Triệu được khuyên không được léo hánh vào xóm này như trước. Trong xóm gần nhà ông Bác của Triệu, tình cờ cũng có gia đình của Xuân, một nữ sinh học trường Áo Tím về tản cư. Xuân là bạn học của các em họ của Triệu và Triệu cũng đã quen biết trước kia khi cùng học chuẩn bị thi bằng Thành Chung ở Sài Gòn. Ðời sống tản cư ở Nha Mân vì thế không đến đỗi buồn tẻ. Trong gia đình Xuân lại có thêm hai cô em họ, gái miệt vườn rất duyên dáng mặn mà, có thêm biệt tài nấu bán bánh lọt nước dừa được nhiều người ưa chọn.

Ðời sống đang êm đềm như thế nhưng bỗng một hôm, Duy Thảo một em họ của Triệu nảy sanh ý muốn về tỉnh lỵ Sa Ðéc để thăm bạn và nghe ngóng tình hình. Triệu từ lâu vẫn có dịp gặp gỡ, chuyện trò với Duy Thảo từ những ngày thơ ấu, khi Duy Thảo cùng lên nghỉ hè ở Ðà Lạt cũng như những ngày theo học ở Sài Gòn. Về Nha Mân, thời chiến tranh, khi chiều tối nhà thường không dám để đèn nên Triệu và Duy Thảo hay cùng nhau thảo luận cho đến khuya mới đi nghỉ. Trong những ngày Duy Thảo đi vắng, Triệu mất cái thông lệ gặp gỡ, bàn chuyện nên bỗng thấy hụt hẫng mỗi đêm, không ngủ được. Ban ngày tuy có dịp tìm cơ hội đến thăm Xuân, cô bạn trường Áo Tím và các cô em họ duyên dáng của Xuân, nhưng Triệu vẫn thấy lòng không yên ổn, tâm tư như thiếu vắng một chuyện gì.

Một buổi trưa, đang ngồi thơ thẩn nhìn ra ngỏ, Triệu bỗng chợt thấy Duy Thảo trên đường từ cầu Cái Tàu Hạ trở về nhà. Duy Thảo dáng người nho nhỏ, đầu đội nón lá, tay cắp một cái rỗ tre, ung dung, vô tư lự đi trên đường đá đỏ. Sự xuất hiện của Duy Thảo đã đem lại cho Triệu một niềm vui khó tả. Triệu chợt nhận thức là trong những ngày qua, Triệu đã cảm thấy tâm tư hụt hẫng chỉ vì Triệu thiếu bóng hình của Duy Thảo!

Tình hình an ninh ở các miền Tiền Giang và Hậu Giang càng ngày càng được cải thiện. Các xe hàng tiếp tế thủ đô Sài Gòn càng ngày càng thấy rộn rịp lên xuống trên các tuyến đường. Gia đình các em họ của Triệu đã lần lượt hồi cư về chốn cũ. Triệu cũng đã đến lúc phải xin phép bên Nội, tìm cách trở lại Sài Gòn tiếp tục lại việc học hành.

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading