Chẳng thà làm một người bất mãn còn hơn làm một con heo thỏa mãn; chẳng thà làm một Socrate bất mãn còn hơn làm một thằng ngu thỏa mãn.

John Stuart Mill

 

Hạnh phúc là một điều quư giá, nhưng không phải là điều quư giá duy nhất. Người ta thường nói như thế.

Vậy hạnh phúc là gì?

Nếu bạn đặt câu hỏi này cho 100 người thì bạn sẽ có 100 câu trả lời khác nhau. Mỗi nguời có một quan niệm riêng biệt về hạnh phúc. Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý chung một điểm: đó là hạnh phúc làm cho người ta mãn nguyện và sung sướng. Những điều làm cho người ta thỏa mãn và vui sướng thuộc về tinh thần hay vật chất. Về tinh thần, người ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi cho rằng đã kiếm ra chân lý hay tìm được ý trung nhân. Về vật chất, trúng số độc đắc được coi như một diễm phúc. Nhưng thông thường thì có một cuộc sống yên lành đầy đủ tiện nghi là hội đủ tiêu chuẩn của một đời hạnh phúc. Về già, hạnh phúc nhất là đầy đủ sức khóe, trí óc minh mẫn sống thoải mái  không lệ thuộc vào ai.

Thế nhưng vấn đề này phức tạp hơn người ta tưởng.Trong vòng 35 năm qua, lợi tức per capita thực sự hàng năm của một công dân Huê Kỳ đã tăng từ 17.000$ lên tới 27.000$. Cũng trong khoảng thời gian này, diện tích trung bình của một căn nhà tăng gần gấp đôi, số xe hơi tăng lên hơn 120 triệu, tỉ lệ những gia đình có PC gia tăng từ 0 tới hơn 70%. Ấy thế mà cũng trong khoảng thời gian đó, tỉ lệ số người Mỹ tự cho là có hạnh phúc  (very happy or pretty happy) dậm chân tại chỗ không xuy xuyển. Qủa thật, số những người tự cho là mình thỏa mãn không thay đổỉ từ năm 1950.

    

 

Đây là những khám phá mà ông Derek BOK trình bầy trong cuốn «The Politics of Happines» (Princeton, $24.95 ). Ông Bok là cựu Viện trưởng Đại học Harvard. Dựa vào những khám phá trên, ông Bok nhận định rằng Huê Kỳ là một quốc gia gồm những người trúng số chẳng sung sướng gì (joyless lottery winners). Do vậy ông đặt vấn đề: nếu sự phát triển kinh tế không làm gia tăng mức độ hạnh phúc trong xã hội thì tại sao lại phải tìm đủ mọi cách để mở mang kinh tế? Bởi vì loài người phải trả một giá rất đẳt cho sự phát triển kinh tế: người ta phải làm việc cực nhọc vất vả có hại cho sức khỏe,thêm đó người ta tàn phá môi sinh gây ra ô nhiễm làm xáo trộn thời tiết.

 

Ông Bok cũng khám phá ra rằng lợi tức của những người giàu nhất gia tăng gấp mấy chục lần lợi tức của những người nghèo. Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, mức độ mãn nguyện của những người nghèo vẫn không thay đổi. Ông Bok lý luận rằng nếu người nghèo không cảm thấy phiền hà bởi sự chênh lệch về lợi tửc thì chẳng có lý do gì xã hội phải tìm cách sửa đổi.

Sự liên hệ giữa hạnh phúc và lợi tức không rõ ràng như người ta tưởng. Tất nhiên ai ai cũng công nhận rằng dân nhà giàu có một cuộc sống sung túc đầy đủ hơn dân nhà nghèo. Ông Amartya Sen, một giáo sư kinh tế học được giải Nobel, có tuyên bố: “Cái anh triệu phú lầu bầu than khổ có thể kém hạnh phúc hơn một anh nhà quê thỏa mãn với số phận của mình, nhưng nói cho cùng thi thằng cha triệu phú qu thật có một đời sống tiện nghi hơn!”

 Nhưng nói như vậy không có nghĩa là dân giầu hạnh phúc hơn dân nghèo.

Lợi tức trung bình của một người dân xứ Nigeria  năm 2012 vào khoảng 1.400$. Lợi tức trung bình của một người Nhật cũng năm đó là 35.000$, gấp hơn 25 lần! Thế nhưng tỉ lệ những người mãn nguyện trong hai xã hội Nigeria và Nhật Bản cũng ngang ngửa bằng nhau!

Giáo sư Carol Graham, một giáo sư thuộc Đại học Maryland, trong cuốn “Happiness around the World:The Paradox of the Happy Peasant and Miserable Millionnaire (Oxford  $24.95), đã trình bầy rằng dân Afghan, nhất là ở vùng quanh Kabul, tỏ ra rất hạnh phúc tuy bị sống trong chiến tranh và thiếu thốn.

Bà đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích hiện tượng nghịch lý nêu trên. Một giải thích có lẽ hợp lý nhất là nhân loại dễ hòa mình (adapt) vào hoàn cảnh mới, hoặc sướng hoặc khổ hơn.

Tuy không có một định nghĩa đồng nhất về hạnh phúc, người ta cũng biết được một số vấn đề chắc chắn KHÔNG đem lại hạnh phúc. Đó là thất nghiệp, tai nạn, bệnh tật, thuế má và chết chóc. Thuế má và chết chóc thì chẳng ai làm gì được. Còn thất nghiệp, tai nạn và bệnh tật thì xã hội có thể áp dụng một số biện pháp giúp cho người ta đỡ khổ sở đau đớn và như vậy gia tăng mức độ thoải mái. Các bạn muốn tìm hiểu thêm về hạnh phúc thì nên đọc cuốn «Stumbling on Happiness» của Daniel Gilbert thuộc Đại học Harvard. Những nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng nếu chỉ  chú trọng vào GDP để làm tiêu chuẩn đo lường mức độ hạnh phúc của một quốc gia thì đó là một lầm lỗi lớn lao.

 

Amartya Sen

 

         

Carol Graham

 

 

      

Daniel Gilbert

 

Huê Kỳ là quốc gia độc nhất ghi trong Hiến Pháp bảo đảm cho một công dân quyền được theo đuổi hạnh phúc --- the pursuit of Happiness.

Thế nhưng trong khi chạy theo hạnh phúc mà làm ngơ trước nhũng cảnh bất công hay tang thương khổ ải của đồng loại thì thật là đáng trách và bạn sẽ chẳng bao giờ kiếm ra hạnh phúc.

Dù mãn nguyện đến đâu người ta cũng phải có những lúc băn khoăn suy tư,thắc mắc về ý nghĩa của cuộc sống hay ít nhất cũng tìm cho đời sống của chính mình một ý nghĩa. Lo âu thắc mắc do nghi ngờ thúc đẩy, và nghi ngờ là một đức tính cần thiết đã giúp cho nhân loại tiến tới nền văn minh hiện đại. Người ta khuyến khích giới trẻ suy luận «ngoài khuôn khổ» --- thinking out of the box. Nhờ thế mà Bill Gates và Steve Jobs đã phát minh ra Microsoft và Apple, nhân loại mới được hưởng những tiện nghi mà cách mạng điện tính đã đem tới.

Triết lý gia Albert O. Hirschman, giáo sư các Đại học Berkeley, Yale và Columbia, được tôn vinh là vua của Nghi Vấn. Trong cuốn The Srategy of Economic Development (1958) và bài khảo luận The Principle of the Hiding Hand, ông khuyên các kỹ nghệ gia nên dùng sự lo âu làm động cơ thúc đẩy nhân viên đi tìm các giải pháp  mới lạ để đương đầu với những trở ngại.Một vài thất bại chính là ông thầy dẫn đường đến mở mang kinh tế.

 

 

Hirschman

                  

 

Huê Kỳ là quốc gia đứng đầu về số tư nhân bỏ gia tài riêng ra làm việc từ thiện. Phải kể đến Ford, Rockefeller, Gates,Jobs, Buffet… Canada cũng đóng góp với Angus, Bronfman, Michael Lee-Chin, Peter Munk… Mong có ngày được nhìn thấy tên Việt Nam!

Một số quốc gia trên thế giới không cho công dân của họ quyền nghi ngờ chất vấn. Mọi người đều phải ngậm tăm theo một khuôn phép đã được từ trên ấn định trước, nghi ngờ thắc mắc là phản động. Bộ máy cầm quyền gồm những nhân vật tự tôn tự ti tự đại rập cùng một khuôn mẫu, không hề biết đắn đo suy tư là gì. Đối với họ, đặt vấn đề với hệ thống là sái nguyên tắc, họ phục vụ hệ thống chứ không phục vụ đồng loại.

Đây là những xã hội tiếp tục xử tử Socrate, bắt nhốt tra tấn Hamlet. Họ đươc huấn luyện như những ma cà rồng, zombies, những xác chết biết đi, đầu rỗng tuếch vì bộ óc nằm ngoài tiệm cầm đồ!

 

 

 

 

Người ta tin rằng những chế độ này không tồn tại lâu được, chúng sẽ phải thay đổi hay tự hủy diệt.

Khi viết bài này thì được tặng một cuốn sách, đó là cuốn« Ngày cuối cùng trong đời Socrate» của Platon do Giáo sư Đỗ khánh Hoan dịch sang Việt ngữ. Giáo sư Hoan có mộng ước là ngày nào đó, giáo sư sẽ dịch hết những tác phẩm của Platon sang tiếng Việt.

Thành thực chúc giáo sư Hoan đạt được mộng ước,tô điểm thêm cho văn hóa Việt hải ngoại và tìm thấy Hạnh Phúc trong khi làm công việc hữu ích này.

 

Tôn  Kàn

2013

 

PLATON