Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Kính thưa quý vị.
Chúng tôi rất vui được giới thiệu cùng quý vị về Quân Y Hoàng Xuân Trường, tức Hoàng Dung, tác giả của các tác phẩm Cõi Vô Cùng, Chiến Tranh Đông Dương III, Cõi Người Cõi Ta và Sau Bức Màn Đỏ.
Đối với người lính tác chiến thì các bác sĩ Quân Y là những “ông thầy”, những thầy thuốc không chỉ là “lương y như từ mẫu” mà còn là người chiến đấu với tử thần để cứu mạng sống chúng tôi trong lúc súng nổ đạn rơi. Chính lúc các ông thầy đang mổ, xẻ, cưa, cắt, đốt, cột, cứu mạng sống người lính chiến thì tử thần lại lấy đi mạng sống của các bác sĩ Quân Y, thực tế trên chiến trường đã chứng minh điều đó. Riêng trong binh chủng TQLC chúng tôi, khi vị tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó bị thương hoặc tử trận thì thường kéo theo bác sĩ Quân Y và đã có tới 6 BS Quân Y TQLC hy sinh, chưa kể hầu như tất cả đều bị thương.
Cá nhân tôi, với 5 lần bị thương, lần cuối cùng gẫy cả tứ chi, nếu không có các ông thầy như Quân Y Sĩ Nguyễn Văn Thế, Trần Mạnh Tường, Trương Minh Cường, Nguyễn Văn Dõng, Nguễn Văn Hạnh, Trần Công Hiệp v.v.. tận tình săn sóc cứu chữa cả năm trời thì hôm nay tôi không còn chân đứng, không có tay để chào và nói lời cám ơn muộn màng đến các bác sĩ Quân Y nói chung và TQLC nói riêng.
Hoàng Dung Hoàng Xuân Trường là một bác sĩ Quân Y nên ông cũng có những giây phút mạng sống như “chỉ mành treo chuông” nhưng ông rất hãnh diện với binh nghiệp của mình và xứng đáng được những ngừơi lính chiến, trong đó có tôi, đứng nghiêm đưa tay chào. Tôi còn có một lý do riêng tư khác, sẽ nói sau, vì sao tôi đến đây để chào Hoàng Xuân Trường.
Hình như trong ba-lô hành quân, ngoài cái ống nghe, mỗi ông Quân Y Sĩ còn có hai cây bút, một cây để viết toa thuốc và một cây để viết văn, thơ. Văn các ông viết đọc thấy nhẹ nhàng thoải mái, có những nụ cười bên vết thương, chiến tranh, ngục tù và con người, điển hình như các QY Nguyễn Văn Dõng, bút hiệu Đông Vân, Tôn Kàn Nguyễn Trùng Khánh, Bằng Phong Phạm Vũ Bằng, Trương Minh Cường, thi sĩ Lê Minh v.v...Ngoài văn sĩ lại còn có cả ca, nhạc, võ thành “ngũ sĩ”. Riêng Hoàng Dung Hoàng Xuân Trường mới có 4 tác phẩm thì là điều khiêm tốn, vì chàng vốn là “mọt sách”. Tôi xin bật mí chuyện thời học sinh của Hoàng Dung.
Vào những năm 1961, 1962, “đại bác đêm đêm vọng về thành phố...” nên đa số học sinh sau khi tốt nghiệp trung học thường tỏ ra đăm chiêu suy nghĩ chọn lựa giữa học đường và chiến trường. Nhóm chúng tôi gồm Hoàng Xuân Trường, Nguyễn Tấn Tờn, Vương Gia Nhơn, Quan Tài, Quốc Chính, Thanh Chiêu, Nguyên v.v... thường la-cà với ly cafe đen, thuốc lá 3 đồng 4 điếu từ Năm Dưỡng ở đường Nguyễn Thiện Thuật đến cafe Chiêu ở Cao Thắng, Hầm Gió Võ Tánh, Thùy Lê Văn Duyệt, Mai Hương Lê Lợi v.v.. trong khi bạn bè ồn ào chuyện tòng quân nhập ngũ, liếc ngang liếc dọc các bóng hồng thì cậu học trò Trường cứ khư khư ôm cuốn sách, thiên thời địa đất gì chàng ta cũng đọc hết và khi đứng dậy thì Trường mau mắn “bao hết”.
Hết cafe thì lê lết về 156 Tô Hiến Thành để “tổng, thùng, soọc, màn” cho thời gian mau qua. Trong lúc Nguyễn Tấn Tờn, một ngừơi tự nhận là “du côn” nhất trường y, ồn ào xoa con nhất sách (gọi là xoa mã tước, xoa bài chim, xoa chim) thì Trường lúc nào cũng tình nguyện chọn “gió trung” để ngồi đọc sách. Trừơng hiền lành sống hết mình với đám bạn bè “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” quả là điều hiếm có.
Rồi cũng tới lúc chia tay lên đường làm nhiệm vụ trai thời loạn, chúng tôi và Nguyễn Quốc Chính, Tô Thanh Chiêu đi Võ Bị rồi tình nguyện về TQLC (Chính và Chiêu đã tử trận) còn Trường, Tấn Tờn, Quan Tài, Nhơn v.v... chọn ngành y, chúng tôi chia tay từ đấy, hiếm hoi có những giờ phép lại tìm nhau với ly cafe đen, thuốc lá 4 đồng 3 điếu. Rồi tháng 4 gẫy súng, kéo nhau vào tù, ra tù vượt biển vượt biên tìm đường tỵ nạn CS thấm thoát cách xa đã gần 40 năm, nay gặp lại nhau trong ngày ra mắt sách mà không có vài dòng ôn chuyện cũ bạn xưa thì thật là thiếu sót với bạn bè.
Hoàng Xuân Trường lấy bút hiệu là Hoàng Dung không có gì lạ, vì hình như tình yêu của Trường chỉ dành cho người có tên Dung, cái lạ là Trường làm việc thiện tay phải mà không cho tay trái biết, chuyện Trường giúp tôi tiền vượt biển năm từ năm 1984 mà 30 năm sau tôi mới biết, đó là lý do riêng tư tôi có mặt hôm nay để kể chuyện “cổ tích” về Hoàng Xuân Trường hầu quý vị. Đầu đuôi thế này:
Trước ngày ra mắt sách vài tuần, Hoàng Xuân Trường, Ngũ Sĩ Phạm Gia Cổn và tôi ngồi uống cafe’ mới nói chuyện cũ, tôi kể chuyện đi tù CS rồi đi theo diện HO. Trường hỏi tôi:
_ Ông đi theo diện HO hay vượt biển?
_ Tôi đi theo diện HO.1, tới Mỹ năm 1990.
Trường thoáng có vẻ ngạc nhiên rồi trầm ngâm suy tư, một lúc sau Trường nói:
_ Chuyện đã qua rồi, nhưng hỏi thật ông điều này, năm 1984, tôi và 2 người bạn nữa là Tư TT và XXX, mỗi người góp 500 đô để XXX gửi vê cho ông vựơt biển, tại sao ông không vượt biển mà phải chờ tới 1990 mới đi HO1?
_ Năm 1984 tôi còn trong tù VC, ra tù 1985, tất cả trong tình trạng: “đầu đường thiếu tá vá xe, cuối đường trung tá bán chè đậu đen”! Còn tôi, kiếm 1 chỉ để làm vốn bán vé số còn không có thì lấy chỉ chi vượt biên? Chuyện ông và 2 bạn cho tôi mượn 1500 đô để vựơt biển thì đây là lần đầu tiên tôi mới nghe ông nói, chuyện đã 30 năm mà tôi vừa mới được nghe. Xin cám ơn ông và hai bạn, nếu một mai tôi nhận được thì sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lời, còn bây giờ chỉ biết nói lời cám ơn và ông cho tôi xin cái chân giới thiệu tác giả trong buổi ra mắt sách được không?
_ Cũng được, nhưng đừng có “nổ”
Kính thưa quý vị.
Quân y Hoàng Xuân Trường là như thế, chân tình thật thà, tận tình với đồng đội lính chiến, với bạn bè nên ông mang tâm tình vào các tác phẩm, dù chiến tranh, cõi người cõi ta, trên thông thiên văn dưới thông địa lý đều là những cuốn sách gối đầu giừơng, ít nhất cũng cho chúng ta giấc ngủ ngon.
Xin cám ơn các Quân Y Sĩ nói chung và Quân Y Hoàng Xuân Trường nói riêng.
Trân trong kính chào quý vị.
Cap To
lecaliboy@aol.com