Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

VUOTQUAGIANKHO(2) (1200 x 858)
NguyÍn Công TrÙ VÜ®t Qua Gian Kh°
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.
Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.

NGUYỄN CÔNG TRỨ
THAY LỜI TỰA

Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ, “người cha trẻ của tù nhân K18.”

(Nhân đọc bài “Thêm một mộ tập thể 47 tử sĩ VNCH những ngày cuối cuộc chiến,” của Huy Phương trên Người Việt Online).

Ðặng Phú Phong

Tôi tình cờ đọc bài báo của tác giả Huy Phương, viết về lòng dũng cảm và tinh thần thương mến binh sĩ của Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, đăng trên báo Người Việt ngày 31 tháng 12, 2010. Trong bài viết, tác giả Huy Phương có nhắc đến một vị bác sĩ, tên là Nguyễn Công Trứ. Ðọc xong bài báo, tôi vừa mừng rỡ, vừa xúc cảm.

Xúc cảm, vì thương cho cái chết bi phẫn và hào hùng của một đại tá QLVNCH. Mừng rỡ vì biết được tin tức một người bác ái, nhân từ, từng cứu giúp cho anh em tù nhân trại tù K18, Kim Sơn, Bình Ðịnh, trong đó có tôi.
Vị bác sĩ này, tôi đã dò tìm tin tức 30 năm nay mà không ra. Người ấy là Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ.

Trung Úy Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ làm việc tại bệnh viện Quân Y Qui Nhơn cho đến ngày cuối cùng khi tỉnh Bình Ðịnh lọt vào tay cộng sản, khi mà gần như tất cả các bác sĩ, nhân viên của quân y viện Qui Nhơn đã di tản, bỏ lại ông là bác sĩ duy nhất với la liệt thương binh. Với tinh thần nhân ái, ông hết mình tận tình cứu chữa. Rồi Việt cộng xuất hiện, ném ông vào trại cải tạo.

K18 Kim Sơn là trại tù nằm trong thung lũng của vùng rừng núi thuộc quận An Lão, Tây Bắc tỉnh Bình Ðịnh, ma thiêng và nước độc. Bác Sĩ Trứ và Bác Sĩ Khải cùng khoảng 2, 3 y tá (lấy từ anh em tù) được đưa vào công tác y tế dưới quyền của một nữ thượng úy công an tên Luận. Một thời gian sau, Bác Sĩ Khải được phóng thích, chỉ còn ông Trứ là bác sĩ duy nhất lo cho anh em trong trại.

Mỗi buổi sáng, tù nhân sắp hàng theo từng phòng để cán bộ trực trại phân phối đi lao động. Bác Sĩ Trứ có nhiệm vụ khám những ai xin khai bệnh. Tiêu chuẩn mỗi phòng (khoảng 50 người) được 1 hay 2 người nghỉ là tối đa. Gặp mùa sốt rét, dịch tả, kiết lỵ, anh em tù nhân khai bệnh đông đảo hơn.

Mặc dù đã hết sức dằn lòng, Bác Sĩ Trứ không thể không cho những người bệnh nặng ở nhà. Vì thế, con số nghỉ bệnh của mỗi phòng thường lên đến 3, 4 hay 5 người. Thượng Úy Luận nhiều lần công khai mắng chửi thậm tệ Bác Sĩ Trứ trước hàng ngàn tù nhân. Ông chỉ biết khóc, nước mắt đọng mờ cặp mắt kính cận thị của một tấm lòng đầy vị tha.

Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ người gầy ốm, dong dỏng cao, trông càng cao trong bộ đồ tù màu xám, thùng thình, xốc xếch, ống thấp ống cao. Bước chân ông khá dài và nhanh nên lúc nào cũng thấy ông như bận rộn. Ðôi mắt có vẻ ngơ ngác sau cặp kính cận thị dày cộm, cái mắt kính mà suýt có lần gãy vụn vì đi ra vào cổng phải đứng nghiêm, quên lấy kính xuống để báo cáo cán bộ. (Nhiều tù nhân từng bị đập mắt kính, có khi ăn đòn, vì “tội” mang kính cận trước mặt cán bộ).

Những lúc rảnh việc trong trạm xá, Bác Sĩ Trứ xin phép ra ngoài trại, mon men đâu đó, hái một ôm cải trời, mò mẫm vài vũng nước, bắt một vài con cá, con cua, đem về “cải thiện.” Có điều, ông không cải thiện cho ông, mà cho các bệnh nhân đang nằm trong trạm xá. Có khi thì ông dành những tặng vật ấy cho những đứa trẻ mồ côi, bụi đời lâu lâu gặp “chiến dịch,” bị công an hốt quăng vô trại. Vậy mà cũng nhiều phen, khi vào cổng, gặp công an hách dịch bắt ném đi, ông không mang được nắm rau, con ốc ấy vô trại.

Mỗi lần được thăm nuôi, ông chỉ ăn một bữa, dành lại vài thứ chí thiết (nhưng để rồi cho, khi có người cần, như thuốc tây chẳng hạn). Còn bao nhiêu ông đem hết ra, chia cho bệnh nhân “con bà sơ, bà phước” và trẻ bụi đời bên trại thiếu nhi. Thế là xong, ông trở lại cơm tiêu chuẩn của trại.

Buổi sáng: Một chén khoai mì khô với nước muối. Trưa, chiều: một chén cơm hẩm mục, một chén khoai mì, một chút mắm và một chén canh “đại dương.”

Vậy mà Bác Sĩ Trứ, rất nhiều khi, chỉ ăn chén mì lát, nhường chén cơm cho một bệnh nhân vừa mới lành bệnh cần ăn nhiều hơn để lấy sức, hoặc cho một đứa trẻ đói ăn, trông như bộ xương khô biết cử động. Ông cho, nhường những thứ quí hơn vàng như vậy với một lý do thật đơn giản: “Tôi không đi lao động, ăn thiếu, không đến nỗi nào.” Ôi! tấm lòng bao dung của biển.

Tháng 10, 1979, ông được phóng thích. Cán bộ mang lệnh tha xuống trạm xá, đưa ông ra khỏi trại một cách lặng lẽ. Cũng có một vài tù nhân tình cờ biết. Họ khóc, vẫy tay chào ông. Họ gọi ông là “người cha trẻ của tù nhân K18.” Ông đã cứu chữa tận tâm cho không biết bao nhiêu tù nhân, và cũng lắm lúc không cầm lòng được, hai tay ôm lấy xác của tù nhân, ông để cho những giọt lệ từ tâm tuôn trào.

Tôi tìm được số điện thoại của Bác Sĩ Trứ thông qua tác giả bài báo, nhà văn Huy Phương. Gọi mãi mấy lần, mấy số mới gặp được Bác Sĩ Trứ.

Vượt biên tháng 10, 1980. Sống ở Indonesia 10 tháng. Ði định cư ở Buffalo, New York. Ðến California, ở nhờ một ông bác sĩ mù người Pháp. Làm tài xế, nấu ăn giúp cho ông này được một năm thì vào Airforce của Hoa Kỳ, trở lại học Y khoa. Hiện là bác sĩ về quang tuyến tại Ðại Học Cornell và một bệnh viện tại New York.
Bác Sĩ Trứ ngưng kể về mình bằng một câu: “Nhớ hồi đó tôi nấu một chảo lớn thuốc nam, thêm vào chỉ 1 viên kí ninh để chữa sốt rét cho cả trại, mà kinh.”

Như vậy đó, cái tấm lòng “Từ Mẫu” của một vị lương y lúc nào cũng tiềm tàng trong ông. Lúc nào ông cũng lo lắng cho bệnh nhân, có lẽ cả ngay trong giấc ngủ.

ĐẶNG PHÚ PHONG
(Tuesday, January 11, 2011)

GIẤC MƠ ĐỜI TÔI

Thời gian thấm thoắt trôi qua, tôi đã gần 70 tuổi, cuộc đời là bể khổ, ngồi ngẫm nghĩ lại, từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi ngồi viết lại cuốn hồi ký nầy, tôi đã phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, những ngày vui không có được bao nhiêu, còn lại là những tháng ngày đau buồn dằn vặt tâm tư cùng thể xác. Tuy nhiên trong mỗi hoàn cảnh mà tôi phải đối phó cho sự sinh tồn, tôi đã cố gắng hành động, giữ gìn đúng tư cách của một người công dân tốtđối với quốc gia mà tôi đã phục vụ, một người thầy thuốc tận tâm và có trách nhiệmđối với xã hội, một người chồng chung thủy và là mộtngười cha tận tâm trong gia đình. Tôi đã cố gắng làm theo lời dạy mà tôi đã thấm nhuần từ lúc còn ấu thơ, là phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.

Thời niên thiếu

Tôi không biết rõ chính xác ngày sinh của tôi. Theo lời mẹ tôi kể lại, tôi sinh ra vào khoảng giữa tháng 11 năm Quý Mùi, trong hầm tránh bom sau Bệnh viện Đà Lạt. Bệnh viện nầy được người Pháp xây cất vào khoảng năm 1940, tôi sinh ra vào lúc người Nhật Bản tấn công người Pháp ở Đà Lạt.

Mẹ tôi có lẽ vì tinh thần quá căng thẳng do bom đạn chiến tranh và ăn uống thiếu thốn nên không đủ sữa cho tôi bú. Ba tôi đã phải đi mua sữa dê về nuôi trong hoàn cảnh thiếu thốn này. Vì thiếu vệ sinh trong khi sanh đẻ nên 2 ngày sau khi chào đời thì tôi bị nhiễm trùng, cổ bị sưng tấy lên làm tôi thở không được. Không có bác sĩ, một thầy y-tá ở bệnh viện đã dùng dao cấp cứu mở rộng vết thương ở cổ và tháo mũ ra. Nhờ ơn cứu mạng của thầy y-tá mà tôi còn sống sót cho đến ngày hôm nay với vết sẹo dài ở bên phải cổ như một bằng chứng cứu tử.

Tôi sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, ba tôi làm nhân viên kỹ thuậtcho Viện Pasteur Đà-lạt, mẹ tôi ở nhà chăm lo việc gia đình. Tôi có tất cả 6 anh em (3 em trai và 3 em gái), tôi là con trai trưởng. Ngoài anh em tôi ra , ba mẹ tôi còn cấp dưỡng thêm cho 3 người anh em họ. Những người nầy cùng tuổi với tôi, họ xuất thân từ gia đình nghèo, nên ba mẹ tôi đã đem về chung sống với chúng tôi và chăm sóc, đối xử như con ruột, với mong ước giúp đỡ cho những người nầy mai sau sẽ có một tương lai tốt đẹp và thoát khỏi cảnh nghèo nàn cơ cực như cha mẹ họ. Ba mẹ tôi đã dạy cho chúng tôi bài học thương mến và chia xẻ cho những người kém may mắn ngay từ khi chúng tôi còn ấu thơ.

Ngay từ thuở niên thiếu, tôi đã yêu mến các loài động vật và cây cảnh; mỗi ngày sau giờ học, tôi thường đi dạo chơi dưới hàng thông của núi đồi Đà Lạt, nghe chim hót và ngắm bông hoa. Ở nhà, thay vì học hành, tôi dành phần lớn thì giờ để lo nuôi chim sáo cưởng và gà vịt; tôi ước mơ sau nầy sẽ trở thành một người lính kiểm lâmđể trồng trọt, săn sóc và bảo vệ cây rừng, hay làm bác sĩ thú-y chăm sóc cho gia súc ở các nông trại. Vì ỷ lại vào sự thương yêu của cha mẹ ở nhà, phần mất quá nhiều thì giờ cho việc ngắm hoa bắt bướm, nên tôi không phải là một học trò giỏi ở trong lớp trong những năm ở trường tiểu học và trung học đệ I cấp (cấp 2).

Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, những người bạn học cùng trường hay ở cùng xóm lớn tuổi hơn tôi, khi học xong trung học và thi rớt trung học đệ nhất cấp, một phần vì hoàn cảnh gia đình, đã phải lần lượtnhập ngũ tòng quân ra chiến trường. Lần lượt, những người nầy không sớm thì muộn, đã trở về trong cái chết, hay bị tàn phế bởi bom đạn. Những hình ảnh đau buồn và chết chóc của bạn bè, đã làm cho tôi thức tỉnh và có một cách nhìn khác về tương lai của mình.

Tôi thấy chỉ có một con đường độc nhất để sinh tồn là phải học để tiến thân, tôi đã cố gắng tự khép mình vào kỷ luật, quên đi những sở thích trước đây để lo cho việc đèn sách. Những sự cố gắng đó đã được đền bù lại, tôi đã trúng tuyển kỳ thi trung học đệ nhất cấp. Được sự khuyến khích của cha mẹ và các thầy giáo trong trường, với bản tính cần cù chăm chỉ, tôi tiếp tục theo học các lớp đệ II cấp (cấp 3) của trường trung học Trần Hưng Đạo. Tôi được giải thưởng học sinh xuất sắc của trường năm tôi học lớp đệ tam do Tổng thống Ngô Đình Diệmban tặng. Tôi còn nhớ trong buổi phát phần thưởng của trường ở rạp hátNgọc-Hiệp, không hiểu vì quá xúc động hay vì bản tánh vụng về nên khi lên nhận phần thưởng, tôi đã vấp phải tấm thảmtrên đường lên sân khấu và té ngã làm cho mọi người đi dự giải thưởng hôm đó phải cười ầm lên.

Cố gắng học, tôi đã đỗ tú tài 1 và tú tài 2 hạng bình thứ. Trong những năm cuối cùng của trung học, tôi là một trong những người học trò nổi tiếng là học giỏi, xuất sắc nhất tỉnh. Giấc mơ của tôi là muốn học ngành thuốc, như y-tá hay cán sự điều dưỡng, sau dó sẽ về giúp đỡ cho bà con hàng xóm, như người y-tá già đã cứu tôi khi tôi còn sơ sinh, hay là theo ngành thầy giáo, dạy học, giúp đỡ cho các con em sau này có chí lớn phụng sự quốc gia và dân tộc. Học làmbác sĩ là ngoài sự mơ ước của tôi vì tôi học chương trình Việt, làm sao có đủ sức để theo đuổi ngành Y-khoa.

Ước mơ và xây dựng tương lai

Sau khi đậu tú tài 2 vào tháng 7/1963, tôi về Sài-gòn dự thi học bổng đi Úc, học về ngành hàng hải và hải dương học và tôi đã được học bổng đi Melbourn học hai năm. Vì không có người hướng dẫn và chỉ bảo, cũng không biết đút lót cho những người làm việc trong Hội đồng Du học nên hồ sơ của tôi đã bị xếp xó, không ai thèm dở ra, rồi lần lữa thời gian qua, hết hạn, học bổng của tôi bị hủy bỏ .

Trong thời gian chờ đợi đi du học nước ngoài, vì quá tự tin và cũng không có ai chỉ bảo nên tôi không biết xin thi vào các trường chuyên nghiệp khác trong nước; đến khi biết thì mọi việc đều quá trễ. Không cách nào hơn, tôi đành phải chịu phí mất thêm một năm ở nhà, rồi chuẩn bị thi vào các trường chuyên nghiệp cho năm tới. Nếu vì sự ủi ro không được vào đại học, tôi sẽ phải nhập ngũ tòng quân như các bạn bè đồng khóa kém may mắn.

Vào khoảng tháng 11 năm 1963, có tin người Mỹ muốn tổ chức mộthệ thống Y-khoa mới trong nước. Họ muốn tách rời ảnh hưởng của Pháp và cải cách lại hệ thống giáo dục của trường Y-khoa cũ do người Pháp cai quản. Họ dự định tổ chức một khóa thi đặc biệt để tuyển chọn sinh viên cho lớp Dự bị Y khoa, trong đó, các thí sinh không phải thuộc chương trình Pháp nếu hội đủ điều kiện cũng được dự thi. Thí sinh khi dự thi sẽ thi bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp, thời gian chuẩn bị cho khóa thi là một tháng. Thế là tôi phải học ngày, học đêm, vì trong những môn thi có những môn mà tôi chưa bao giờ học tới. Sau một tháng chuẩn bị, tôi may mắn được trúng tuyển vào lớp Dự bị Ykhoa .

Thi vào lớp học đã khó và để theo kịp các bạn bè trong lớp lại càng khó hơn nữa, vì đại đa số các giáo sư dạy học ở đây là người ngoại quốc và sinh ngữ chính trong lớp vẫn là tiếng Pháp. Nhưng dù có khó mấy đi chăng nữa, với ý chí ham học hỏi, chuyên cần và tự tin, tôi đã qua được năm dự bị và chính thức vào trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Đó là một giấc mơ mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Vì sự thay đổi đột ngột về văn hóa, lúc đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dần dần với ý chí, tự tin cùng với bản năng cần cù, nhẫn nại và cầu tiến nên tôi vượt qua được mọi trở ngại đó .

Trong 4 năm của trường Y khoa, lúc nào tôi cũng là một trong những người xếp hạng từ 1 đến 10 của lớp và lúc nào cũng là một trong những sinh viên xuất sắc trong lớp. Giấc mơ của tôi đã thay đổi, tôi muốn trở thành một người thầy thuốc giỏi có tiếng trong nước và muốn sau nầy trở thành một giáo sư dạy tại Đại học Y-khoa Sài-gòn, nối gót theo các thầy như Giáo sư Nguyễn Hữu, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, tiếp tục học hỏi và dạy dỗ cho các đàn em trở thành những người thầy thuốc giỏi, phục vụ cho xã hội và quốc gia dân tộc. Vào cuối năm thứ 4 của trường, tôi và các bạn học cùng lớp tập họp thành một tổ để học chung, chuẩn bị thi tuyển vào nội trú bệnh viện. Ngoài giờ học trong lớp và thời gian đi thực tập ở bệnh viện, chúng tôi vào thư viện mượn sách, soạn bài và học chung với nhau. Chỗ chúng tôi gặp mặt và học chung là phòng trực gác của Bệnh viện lao phổi Hồng Bàng, dưới sự chấp thuận của bác sỉ Hautier người Pháp, Trưởng khoa hô hấp.

Trong thời gian nầy, ngoài việc học hành, một sự kiện lớn đã làm thay đổi cuộc sống và ước mơ của tôi, đó là tình yêu. Người đẹp mà tôi mơ tưởng là cô Tuyết Hoa, sinh viên nămthứ nhấtcủa trường Y khoa Sài Gòn. Tôi gặp cô ấy trong lúc giúp đỡ các sinh viên năm thứ nhất đi giải phẩu xác chết ở Cơ thể Học viện. Cô bé vừa ngoan vừa xinh đẹp như một con búp bê Nhật-Bản.

Tôi tự thầm nhủ trong lòng là sẽ cố gắng học để đoạt chức thủ khoa kỳ thi nội trú sắp tới, như một món quà tặng cho người đẹp nhưng thực tế và ước mơ thì hoàn toàn khác nhau. Trong kỳ thi nội trú sắp đến, đối thủ của chúng tôi là một nhóm bạn được sự hướng dẫn tận tình của giáo sư Trần Văn Bản ở Bệnh viện Nguyễn Văn Học (Gia Định). Một bên có người hướng dẫn chỉ đạo, còn một bên thì phải tự học, chưa thi thì ai cũng biết bên nào sẽ là người đoạt giải.

Tôi đậu vào nội trú thứ hạng 3 sau bác sĩ Nguyễn Lương Tuyến và bác sĩ Trần Đình Đôn, học trò giỏi của bác sĩ Trần Văn Bản. Mối tình đầu của tôi đã tan vỡ theo thời gian vì tôi quá bận rộn với việc học và việc thực tập trong khi làm nội trú bệnh viện. Quả là “tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở; đời mất vui khi đã vẹn câu thề!”

Vào cuối năm thứ 4 nội trú bệnh viện, tôi trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chọn làm giảng nghiệm viên của trường Đại học Y khoa Sài Gòn về môn sản phụ khoa. Với sự cần cù nhẫn nại và tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi, tôi gần như hoàn thành được giấc mơ làmbác sĩ để phục vụ cho đồng bào và đất nước, và trong tương lai sẽ là giáo sư của trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Con đường của tôi trong tương lai sẽ đầy hoa gấm với tiền bạc và danh vọng trongtay, tôi sẽ thực hiện những gì mà tôi muốn, chỉ có một chuyện buồn là tan vỡ mối tình đầu. Nhưng tôi tin tưởng với thời gian sẽ gặp được một người đẹp khác sẽ cùng tôi chung hưởng trong hạnh phúc và vinh hoa..

Nhưng...

Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, giấc mơ và cuộc sống của tôi đã thay đổi với cuộc chiến tranh tàn khốc huynh đệ tương tàn.

Sau khi tốt nghiệp 4 năm nội trú bệnh viện, tôi cũng như tất cả những người thanh niên khác sau khi tốt nghiệp đại học, chỉ có 2 con đường để chọn. Hoặc nhập ngũ tòng quân hay do một lý do đặc biệt nào đó như con một, hoặc là giáo sư biệt phái, thì sẽ được miễn hoặc hoãn quân dịch.

Tôi đã được chính thức tuyển chọn vào chức giảng nghiệm viên của trường Đại học Y khoa Sài gòn , trên giấy tờ tôi cũng sẽ được miễn dịch và ở lại trường tiếp tục công việc huấn luyện và giảng dạy cho các sinh viên. Không biết vì lý do gì, tôi đã bị sót tên trong danh sách được miễn dịch của trường.

Tôi làm đơn khiếu nại lên bộ Quốc Phòng qua sự can thiệp của Khoa trưởng trường Đại học Y khoa Sài Gòn là Giáo sư Phạm Văn Chiêu. Thay vì giúp tôi bổ túc giấy tờ, thầy Chiêu lại nói chuyện “tái ông mất ngựa.” Theo thầy, biết đâu, trong cái rủi lại có cái may và hơn nữa, đi tòng quân giúp nước trong một thời gian ngắn, đó là mộtsự hãnh diện và là bổn phận của người thanh niên trong lúc đất nước đang bị chiến tranh, để bảo vệ tự do và màu cờ của tổ quốc. Sau hai năm làm xong bổn phận, thầy bảo đảm với tôi rằng sẽ được chính thức nhận giấy tờ giải ngũ và biệt phái về lại trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Ngẫm nghĩ lại, ở lại trường đại học đảm nhiệm công việc dẫn dắt các đàn em, hay nhập ngũ tòng quân, cứu giúp phục vụ các thương bệnh binh, đó cũng là mộttrong những niềm mơ ước và hãnh diện của tôi là sinh ra và lớn lên, được phục vụ cho đồng bào và tổ quốc. Thế là tôi lên đường.

Sau một tháng huấn luyện thao diễn cơ bản ở quân trường, tôi được chính thức thuyên chuyển về Quân y viện Qui Nhơn thuộc Vùng II chiến thuật, nơi dầu sôi lửa bỏng, với chức vụ trung-uý bác sĩ giải phẩu quân y (09/1972).

Trong công việc hằng ngày ở quân y viện, tôi đã thấy tận mắtnhững thảm cảnh đau buồn của chiến tranh. Những hình ảnh cha mẹ già lặn lội từ các nơi xa xôi đến quân y viện, chờ đợi để chăm sóc cho những người con thương mến của mình đang giành giựt sự sống với tử thần trong phòng mổ hay phòng hồi sức. Những người vợ trẻ, những người quả phụ lăn lộn bên xác chết của người chồng thương yêu, những đứa trẻ mồ côi lang thang trước quân y viện để xin ăn và không có nơi nương tựa.

Tinh thần của tôi bị dằn vặtvà đau xót về các thảm cảnh tàn khốc của chiến tranh, tôi nghĩ lại chuyện tôi đi quân đội cũng là một cơ hội tốt để thử thách và rèn luyện thêm cho bản thân, cho tinh thần của mình được cứng cáp và vững vàng hơn. So sánh với tất cả những người cùng lứa tuổi của tôi, tôi còn có quá nhiều may mắn hơn cả trăm ngàn người khác đang phải hy sinh tính mạng để bảo vệ tự do và quyền sống của con người, trong đó có tôi và cả gia đình tôi nữa.

Để trả ơn lại, tôi phải làm gì để giúp đỡ đồng bào và đất nước của tôi, nhằm xoa dịu và hàn gắn những đau thương mất mát nầy, trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tôi đã tự nguyện hiến dâng cuộc đời của tôi cho tự do và cho sự sinh tồn của tổ quốc. Trong công việc hằng ngày, tôi đã cố gắng làmtròn bổn phận của người thầy thuốc, tận tâm phục vụ cứu chữa các thương bệnh binh và gia quyến của họ , những người đã hy sinh tính mạng và thân xác của mình cho cuộc chiến đại nghĩa .

Ngoài công việc hằng ngày trong quân y viện, tôi đã vào trại cùi ở Qui Hòa để giúp các mẹ người Pháp, chăm sóc cho các bệnh nhân bị bệnh phong cùi đã bị người đời hất hủi và xa lánh do sợ bị lây truyền bệnh Tôi cũng chia sẻ thời gian để thăm hỏi và chăm sóc sức khoẻ cho các em bé ở Cô nhi viện Ghềnh Ráng (Qui Nhơn). Thêm vào đó, tôi đã bí mật giúp đỡ cho mộtngười bạn cố vấn Mỹ, mà tôi quen biết trong công việc, chuyển dịch các văn bản tài liệu
tịch thu được từ Việt-cộng.

Chính từ những văn bản tịch thu được của địch, tôi đã hiểu thêm về những âm mưu thâm độc của Việt cộng trong những chuyện như lợi dụng tôn giáo, sự khờ dại và thiếu suy nghĩ của đàn bà và trẻ em trong những vụ khích động quần chúng, khủng bố phá hoại sự an ninh và nền kinh tế của địa phương, những âmmưu và dự tính thảm sátcác đồng bào vô tội và các bạn bè chiến hữu trong các vùng bị địch tạm chiếm, như điển hình trong vụ tết Mậu thân 1968.

Những đồng nghiệp và bộ chỉ huy quân y viện không hiểu về tôi nên đã chế nhạo tôi là một người khùng và không thực tế, có hoàn cảnh và có phương tiện nhưng không biết hưởng thụ.  Nhưng dù có ai nói ra , nói vào, tôi vẫn cố gắng làm những gì tôi có thể làm được để giúp đỡ và xoa dịu những nổi đau khổ cho đồng bào ruột thịt của tôi.

(Xem tiếp kỳ tới)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading