Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

VUOTQUAGIANKHO(2) (1200 x 858)
NguyÍn Công TrÙ VÜ®t Qua Gian Kh° (2)
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.
Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.

NGUYỄN CÔNG TRỨ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Tháng Ba đen và
những năm tháng tù trong, tù ngoài

Vào giữa tháng 3/1975, 2 tháng trước khi Sài-Gòn thất thủ, vì những lý do gì tôi không hiểu rõ, toàn bộ hành chánh an ninh của thành phố Qui Nhơn, bao gồm các công sở của chính quyền Sài-gòn , trong đó có cả quân y viện, đã rút chạy trong đêm 10/3/1975. Dân chúng trong thành phố hoang mang và hoảng sợ, vội vã thu dọn đồ đạc di chuyển về phía nam, nơi mà họ tin tưởng sẽ được bảo vệ và an toàn hơn.

Một sự thật mỉa mai và xấu hổ là trong khi toàn bộ thành phố hoàn toàn bị bỏ trống như rắn không đầu, bên ngoài cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt, sư đoàn 22 vẫn tiếp tục trấn thủ và bảo vệ các vùng ngoại ô của thành phố. Chán ghét một chế độ hèn nhát, phản bội và đầy rẫy tham ô thối nát, trên đội dưới đạp, không nhân nghĩa, tôi tự suy nghĩ về một tương lai bất ổn của tôi và cái thảm cảnh được làm vua, thua làm giặc. Đầu óc tôi quay cuồng với ý nghĩ đi hay ở lại.

Những người y-tá trẻ ở địa phương, sanh ra và lớn lên ở vùng đất Nam- Ngãi- Bình-Phú, hiểu rõ sự tàn ác, dã man của Việt cộng đối với tù binh địch, đã đến giúp ý kiến và khuyên tôi nên sáng suốt trong sự định đoạt sinh tử nầy. Tôi có lúc bị ngã lòng, nhưng rồi nhìn những chiếc trực thăng lên xuống, tiếp tục chở bệnh binh đến quân y viện, phòng cấp cứu thì đầy thương bệnh binh không có chỗ nằm, tôi đã trấn tỉnh lại tinh thần và quyết định làm chiến sĩ trong thời chinh chiến, lấy da ngựa bọc thây, sống cùng nhau sống, chết cùng nhau chết, tôi không thể phản bội lại những người thân, những người bạn không quen biết đã hy sinh đem xương máu của mình để bảo vệ cho sự an toàn của tôi và cho đất nước. Tôi chấp nhận ở lại bệnh viện tiếp tục cùng bạn bè và các thương bệnh binh cho đến lúc bộ đội miền Bắc vào tiếp thu quân y viện ngày 20/3/1975.

Trong buổi lễ bàn giao bệnh viện cho bộ đội miền Bắc, tôi đã bị kết án trước mặt các anh em y tá đồng nghiệp -- những người đã tình nguyện ở lại giúp đỡ tôi trong công việc chăm sóc thương bệnh binh- là Việt-gian, phản quốc vì đã cấu kết với người ngoại quốc (Pháp và Mỹ) để phá hoại nhà nước và cách mạng!

Bốn năm tám tháng ở trại cải tạo Kim Sơn ( Nghĩa Bình), tôi đã phải cắn răng chịu đựng những sự đau khổ, nhục nhằn cả về thể xác lẫn tinh thần của một người thua cuộc, phải làm nô lệ trong địa ngục trần gian. Trong mọi hoàn cảnh, tôi đã tận dụng những khả năng tôi có và một trái tim thương yêu để chia xẻ và giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ như tôi.

Sau khi ra trại cải tạo, tôi nghĩ là cuộc đời tôi sẽ tương đối khá hơn trong trại, nhưng sự thật lại khác hẳn, tôi đã sống trong sự kềm kẹp của công an và chính quyền địa phương, vì tôi là "Việt gian phản quốc".

Mọi người trong địa phương, chỗ tôi tạm trú, đã dần dần xa lánh tôi vì sợ phải liên lụy, ngay cả đến bạn bè cũ của tôi cũng vậy. Trong đầu óc tôi lúc nào cũng bị ám ảnh cái viễn cảnh một ngày nào đó tôi sẽ bị bắt trở lại trại cải tạo và sẽ chết mòn, chết dần trong chốn ngục tù của cộng sản.
Trong lúc tuyệt vọng, một trong những người bạn của tôi là bác sĩ Ngô Anh Tuấn đã giúp đỡ tôi tìm được một việc làm ở trạm y-tế duyên hải, huyện Cần Giờ thuộc thành phố Sài Gòn đã đổi tên.

Đó là một hòn đảo cô quạnh trong cửa sông Đồng-Nai xuôi ra biển Đông, người dân trên đảo đều là thành phần gạo cội "cách mạng" trong thời chiến tranh chống Mỹ và đánh "ngụy". Tôi đổi ra đây như một người tù bị giam lỏng, nhưng tinh thần của tôi cảm thấy thoải mái hơn, vì tôi thoát khỏi cảnh phải ghi chép hằng ngày tên tuổi của những người tôi tiếp xúc, với lý do và mục đích, rồi lại nhức óc khi phải trả lời các câu hỏi vào mỗi cuối tuần tại công-an phường cai quản, sau khi họ đọc bản báo cáo hằng tuần mà tôi nộp lên cơ quan. Ngoài ra, với phương tiện chuẩn và khám bệnh khó khăn vì thiếu thốn dụng cụ y-tế, nhưng tôi còn có cơ hội để phục vụ đồng bào quần chúng với nghề nghiệp chuyên môn của mình. Một lần nữa với bản tính thật thà và nhân hậu, làm việc phục vụ quần chúng với tình thương mến và bất vụ lợi, chẳng mấy lúc tôi đã chinh phục được sự tin yêu và cảm mến của đồng bào và chính quyền địa phương. Họ không còn đối xử với tôi như một tội nhân mà là một ân nhân cho chính bản thân và gia đình của họ. Thông cảm đến niềm đau xót và tủi nhục của một người trí thức sinh ra không hợp thời, sau cùng họ đã mở cửa giúp tôi một con đường đi tìm tự do một cách an toàn.

Vượt thoát tối tăm, làm lại cuộc đời

Sau 11 ngày đêm lênh đênh trên biển, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, không lương thực và thực phẩm, tôi nằm trong một góc hầm tàu đầy rác và dơ bẩn, tôi và các hành khách đi trên tàu vượt biên đã được tàu hải quân Indonesia cứu vớt. Vì bị sưng phổi và nhiễm trùng mắt và da trên biển, nên sau khi được cứu vớt, tôi đã được đưa vào bệnh viện của trại tỵ nạn Tanjung Pinang cứu chữa.

Sau khi bình phục, tôi đã được các bác sĩ của hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và các bác sĩ Việt Nam tỵ nạn trên đảo, bầu lên làm Trưởng ban y tế của trại, đại diện cho người tỵ nạn. Trong khoảng thời gian 9 tháng ở trại tỵ nạn, tôi đã làm mối dây liên kết giữa ban y tế của hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và các bác sĩ Việt-Nam tỵ nạn, cùng chung tay lo công việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tỵ nạn.

Trong thời gian ở trại tỵ nạn tôi đã gặp được người bạn ý trung nhân qua sự tiếp xúc và giúp đỡ của bạn bè và cũng trong thời gian nầy tôi đã học thêm ngoại ngữ, sau cùng tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho tôi được định cư tại Hoa-Kỳ, và tôi rời trại tỵ nạn đi định cư vào cuối tháng 7 năm 1980.

Trái đắng và quả ngọt trên bước đường xây dựng cuộc đời mới

Tôi cũng như đại đa số các đồng bào tỵ nạn, khi đến nước Mỹ chỉ với hai bàn tay trắng, không bà con ruột thịt và không nơi nương tựa, nhưng rồi với ý chí phấn đấu và chịu đựng gian khổ, tôi đã vượt qua bao nhiêu trở ngại và khó khăn để tạo dựng nên một gia đình yên vui và hạnh phúc, có một nghề nghiệp vững chắc và là một người công dân tốt phục vụ cho xã hội và cộng đồng.

Cám ơn Thượng đế, bạn bè và những người thân hai bên nội và ngoại đã giúp đỡ tôi và gia đình vượt qua bao nhiêu khó khăn để có được ngày hôm nay. So với bạn bè, tôi không giàu có bằng họ , nhưng tôi cảm thấy sung sướng và vui hưởng với những gì mà tôi và gia đình tôi đã tạo dựng nên. Nhìn con cái tôi một ngày một lớn, cố gắng học hành, chăm lo cho tương lai và sự nghiệp, đó là niềm vui và là niềm hãnh diện của tôi.

Dạy học là một trong những ước mơ hoài bão mà tôi mơ tưởng ngay từ thuở thiếu thời. Ngạn ngữ có câu, muốn có thu hoạch tốt, một năm trồng lúa , mười năm trồng cây và một trăm năm trồng người. Tôi muốn chia sẽ những kinh nghiệm bản thân, những điều mà tôi học hỏi, thu nhặt được qua nhiều năm trong nghề và trong sách vở, cho những người trẻ tuổi tập tểnh bước vào nghề.

Tôi không muốn họ bước vào con đường cũ đầy gian khổ mà tôi đã đi qua, đã vấp phải. Vì quá tự tin, thiếu suy nghĩ trong khi hoạch định, tôi đã phải rơi vào một đường hầm không có lối thoát, thiếu điều mất tất cả những gì mà tôi đã trải qua, phải trả bằng máu và nước mắt để cố gắng xây dựng một tương lai, trong đó có cả nghề nghiệp và hạnh phúc gia đình.

Vào khoảng năm 1984, 4 năm sau khi định cư ở Mỹ, tôi đã được tuyển vào làm nội trú không công cho Bệnh viện Thương phế binh ở Los Angeles (VALAMC). Sau 4 tháng theo học lớp Radiology do thầy Jorgen ở UCLA tổ chức cho những bác sĩ người nước ngoài đến tỵ nạn ở Mỹ, vì nhiều lý do đã không được may mắn chính thức làm lại ngành nghề cũ của mình. Những người trúng tuyển qua kỳ thi tuyển sẽ được đi làm nội trú ở bệnh viện VALAMC một năm không lương. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ chính thức có bằng hành nghề tại tiểu bang California.

Thay vì ra hành nghề mở phòng mạch để kiếm tiền nuôi gia đình, tôi có tham vọng muốn tiến xa hơn bằng cách xin thầy Jorgen cho tham gia chương trình Radiology để trở thành bác sĩ chuyên khoa quang tuyến, bằng cách tự nguyện ở lại bệnh viện VALAMC thêm 4 năm nữa và làm việc không công.

Tôi nghĩ với ý chí ham học, cầu tiến, chịu khó và với hoài bão đã sống sót trong trại cải tạo và trại tỵ nạn, mang thân qua xứ người thì tôi phải làm một cái gì khác hơn với các bạn đồng hành. Vì tự cao, tự đại, không để ý đến khả năng và tài sức của chính bản thân mình, và bị mờ mắt với cái ảo ảnh của một tương lai chói lòa đã làm cho tôi trở thành mù quáng và ngu xuẩn. Vì khi va chạm vào thực tế, mới thấy sự thật lúc nào cũng phũ phàng.

Khi vào trong chương trình, các người bác sĩ tu nghiệp cùng khóa hay lớn hơn, phần lớn là người dân bản xứ tốt nghiệp đại học ở đây, họ đã coi thường tôi, xem tôi như một người ngu, không biết tự lượng sức mình, đã dốt mà còn muốn trèo cao, nhất là nói ngoại ngữ không thông thạo thì làm sao có thể đảm nhiệm chức vụ của một bác sĩ quang tuyến.

Một nghề nghiệp, ngoài kiến thức chuyên môn ra , cách ăn nói và giao tiếp với các bác sĩ đồng nghiệp, các bác sĩ không cùng ngành nghề và với bệnh nhân chiếm một phần tối quan trọng. Thêm vào đó, các bác sĩ trong ban giảng huấn của bệnh viện và các bạn tu nghiệp trên hoặc dưới lớp đã coi tôi như một người cấp dưới. Họ đã lợi dụng vào sự yếu kém của tôi, bắt tôi phải làm những công việc mà họ không muốn làm trong lúc đi thực tập, như chụp hình quang tuyến, đọc films và trực gác, vì những công việc nầy vừa nhàm chán và vừa tốn kém quá nhiều thì giờ nên không mấy ai thích làm.

Học hỏi các môn học mới trong ngành quang tuyến như CT, SONO, và MRI, đi dự các buổi thuyết trình ngoài bệnh viện để mở mang thêm kiến thức và lấy thêm kinh nghiệm, được coi là ưu tiên độc quyền của họ vì tôi thuộc diện làm việc tự nguyện không công cho bệnh viện.
Phóng lao thì phải theo lao, tôi nghĩ rồi đây với thời gian, một ngày nào đó, có cơ hội và phương tiện, tôi sẽ học hỏi thêm để giúp cho tay nghề thêm phần vững chắc. Vào cuối năm thứ 3 của chương trình huấn nghệ, tôi bắt đầu lo sợ cho một tương lai u tối mà tôi phải đương đầu. Làm sao tôi có thể mưu sống với một tay nghề quá yếu kém và không kinh nghiệm, thêm vào đó một khuyết điểm lớn là thiếu khoa ăn nói trong công việc giao tiếp với bệnh nhân và đồng nghiệp, vì không thông thạo ngoại ngữ.

Để giải quyết vấn đề, tôi nghĩ có hai cách chọn lựa, một là đăng ký vào quân đội, hai là tham gia vào chương trình của các bác sĩ tự nguyện đi phục vụ cho các quốc gia ở xa một thời gian để lấy thêm kinh nghiệm và học hỏi. Sau cùng tôi đăng ký vào US AIR FORCE với một niềm hy vọng mong manh sẽ được các bạn đồng nghiệp giúp đỡ tôi trong những bước đầu đầy khó khăn nầy.
Sau 4 năm với tất cả sự cố gắng có giới hạn, tôi đã ra trường tựa như một đứa trẻ mới chập chững biết đi trong ngành nghề chuyên môn của mình. Đó là bước đầu tiên cho cuộc thử lửa đầy cam go sắp tới mà tôi phải hứng chịu.

Tốt nghiệp chương trình huấn nghệ, nhưng vì không được huấn luyện chỉ bảo kỹ càng, không có nhiều kinh nghiệm, chỉ trong vòng 6 tháng hành nghề, tôi đã bị tước bỏ tất cả các chỉ tiêu hành nghề của người bác sĩ chuyên khoa quang tuyến về những lỗi lầm mà tôi mắc phải. Để bảo vệ danh dự, uy tín và nghề nghiệp của mình, tôi đã phải dành nhiều thì giờ hơn để làm việc, đọc thêm sách báo và tài liệu học về chuyên môn của mình. Tôi đã hạn chế và rút ngắn lại thời gian nghỉ hè cùng với gia đình. Tôi đã lợi dụng những quyền lợi của US AIR FORCE mà tôi có, đi đến các bệnh viện lớn của quân đội ở Texas và California trong những ngày nghỉ, để trao đổi kiến thức và học hỏi thêm và cũng để chuẩn bị cho kỳ thi vấn đáp của Radiology Board.

Những việc này đã gây nên sự hiểu lầm giữa tôi và gia đình, nhất là với vợ tôi vì đã phải một mình gánh vác công việc gia đình trong lúc tôi đi vắng. Đền bù lại, có công mài sắt, có ngày nên kim.

Sau 4 năm vất vả mài dũa trong quân đội, dần dần tôi có đủ những gì mà tôi muốn, ngoại trừ sự hiểu lầm giữa tôi và gia đình.

Tôi thường nói với các sinh viên đi thực tập trong bệnh viện, muốn làm một người bác sĩ giỏi thì ngoài sách vở, mình cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm của các đàn anh, rất là cần thiết trong sự tạo dựng tương lai nghề nghiệp của mình. Không có ai chê cười hoặc cảm thấy xấu hổ khi hỏi các bậc đàn anh những điều mà mình không biết. Ngạn ngữ ta có câu con có khóc thì mẹ mới biết con đói. Khi bị các sinh viên chất vấn, tôi thấy đó là một dịp tốt cho tôi cầu tiến. Nếu tôi không biết thì vào thư viện mở sách vở ra, đọc và tham khảo để tìm đúng câu trả lời.

Một người có giỏi và có tài năng mấy đi chăng nữa, nếu cứ làm một công việc nhàm chán hằng ngày, đầu óc và kiến thức của họ dần dần sẽ bị lụn bại với thời gian. Dạy học và dành nhiều thì giờ tìm tòi tra cứu sẽ giúp đầu óc và kiến thức luôn luôn được bén nhạy, và thích ứng với nhu cầu tiến bộ. Tôi thường tự hào nói với các sinh viên thực tập, thể chất của tôi bị suy kém vì tuổi tác, nhưng đầu óc và trái tim của tôi vẫn còn sáng suốt, bén nhạy và đầy sinh lực của một người thanh niên.

Truyền đạt những kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình cho thế hệ đàn em là một niềm cao quý và hãnh diện. Chúng ta hằng ngày tiếp xúc với bao nhiêu người, nhưng rồi với thời gian, tên tuổi của những người nầy sẽ lần lượt đi vào dĩ vãng và bị quên lãng. Ngược lại sau bao nhiêu năm, chúng ta vẫn còn nhớ đến tên các thầy hay các cô giáo dạy lớp mẫu giáo vỡ lòng. Những người nầy đã âm thầm cống hiến cho xã hội và tổ quốc biết bao nhiêu mầm non, nhân tài cho đất nước.

Tôi cũng thường nói với các sinh viên thực tập, tôi không phải là thầy giáo của họ, mà là một người đàn anh đi trước, sẵn sàng dẫn dắt những người đi sau. Bổn phận của tôi không phải chỉ dạy cho họ những bệnh trạng hiếm hoi, chỉ thấy trong sách vở hay chỉ gặp một hay hai lần trong suốt cuộc đời hành nghề làm bác sĩ, mà trách nhiệm của tôi trong việc chỉ dạy sinh viên như là một người giàu kinh nghiệm giúp họ trong việc xây dựng một ngôi nhà kiến thức, trước hết là tạo dựng một cái nền móng vững chắc, sau đó với thời gian, kinh nghiệm, học hỏi và tìm hiểu thêm, dần dần họ sẽ có ngôi nhà kiến thức to lớn, vững chãi rất cần thiết đối với ngành nghề mà họ theo đuổi.

Ngay từ thuở thiếu thời, cha mẹ tôi đã chỉ dạy và làm gương cho tôi biết thế nào là tình thương, thế nào là cách chia sẻ cùng những người kém cảnh ngộ, cho họ có một phương tiện, một cơ hội tốt để vươn mình lên. Ba mẹ thường nói với tôi những câu nói như “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “lá lành đùm lá rách.” Những lời chỉ dạy đó đã dần dần ăn sâu và thấm nhuần vào tiềm thức của tôi và là những bài học có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của tôi sau nầy.

Gia đình và sự nghiệp

Sau 4 năm phục vụ trong US AIR FORCE, tôi và gia đình đã chính thức định cư tại New York (1995). Gần 20 năm phục vụ trong ngành quang tuyến ở New York, tôi đã cố gắng làm tròn bổn phận của một người thầy thuốc giỏi và có nhiều uy tín trong công việc chuẩn đoán bệnh trạng và là một người thầy, một người đàn anh luôn tận tâm hướng dẫn cho sinh viên thực tập.

Với bản tính cần cù, nhẫn nại, hòa đồng, biết người biết ta, tôi được các bạn bè trong bệnh viện gọi tôi bằng tên thân mật là DOCTOR YES. Tôi làm việc không kể thời gian và không tính toán, không phân biệt chuyện lớn hay chuyện nhỏ, mỗi khi tôi hứa là tôi sẽ hết lòng làm tròn công việc được giao phó. Tôi phục vụ bệnh nhân xem họ như một người bạn hay một người thân trong gia đình. Chỉ tiêu của tôi là không muốn người khác làm cho tôi đau đớn hay khổ sở, thì tại sao tôi lại làm cho người khác phải đau khổ vì tôi. Không cằn nhằn cau có, lúc nào tôi cũng làm việc với nụ cười trên môi, và một tinh thần động viên khích lệ những người y-tá làm việc chung với tôi. Trong mọi hoàn cảnh tôi đã cố gắng làm tròn bổn phận và chức vụ mà xã hội đã giao phó, và tôi cố gắng giữ gìn tư cách của một người công dân gương mẫu, một người thầy thuốc giỏi có lương tâm, một bậc đàn anh và là một người thầy tận tâm hướng dẫn cho các sinh viên.

Trong gia đình vì có sự khác biệt quá lớn về tuổi tác của tôi với các con, vì bận rộn với công việc làm ăn sinh sống, tôi không có nhiều thời gian gần gũi với con cái , nhất là khi chúng sắp bước vào trung học và lên đại học. Nhưng tôi cũng cố gắng làm hết sức mình với bổn phận làm chồng và là một người cha hiền và gương mẫu.

Tôi gặp vợ tôi ở trại tỵ nạn Tangjung Pinang qua sự giới thiệu của một người bạn thân là bác sĩ Tăng Quang Kiệt, hiện đang định cư ở Montreal (Canada). Chúng tôi lập gia đình sau 7 năm quen biết, khi hoàn cảnh và tài chính cho phép.

Một năm sau, chúng tôi có cháu Lisa. Bận rộn với công việc mưu sinh và học hành, cháu Lisa mới sanh được vài ngày, đã được tôi mang vào bệnh viện trong lúc tôi trực gác. Cháu rất ngoan không quấy rầy tôi nhiều; khoảng được 5 tháng, cháu được gửi ở nhà trẻ ban ngày, nhưng ban đêm cháu lại được mang vào bệnh viện chỗ tôi đi thực tập và đang chuẩn bị thi viết ra trường, để thuận tiện cho tôi vừa chăm sóc cháu, vừa làm và vừa học.

Mặc dù cháu được chăm sóc chu đáo, nhưng cháu phát triển chậm, đến 15 tháng tuổi, cháu cũng chưa biết đứng và nói chuyện được, may mà lúc đó có cha mẹ vợ và gia đình sang Mỹ qua chương trình đoàn tụ. Nhờ sự chăm sóc tận tụy của ông bà ngoại, chẳng bao lâu sau cháu đã phát triển và tăng trưởng bình thường. Tôi nghĩ là nếu không có sự hổ trợ và giúp đỡ về tinh thần của ông bà ngoại và gia đình bên vợ, chúng tôi không thể nào có thêm các cháu khác.

Ba năm sau, chúng tôi có thêm cháu Brenda, sau đó có thêm một cháu trai Bryan. Ngoài ba cháu ra , tôi còn nhận làm cha đỡ đầu cho Christopher Mao, là con thứ ba của anh vợ tôi. Tôi nhận làm cha đỡ đầu cho cháu, khi bố của cháu bị bệnh nặng, ung thư trực tràng, đang chờ ngày lên phòng mổ, để trả ơn cho bố mẹ cháu đã cho tôi chỗ ở, và nương tựa, khi tôi mới ở New York về lại California (1982), trên đường tìm kiếm một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Trong các con của tôi, bàn luận về học hành và tánh tình, cháu Bryan tương đối là xuất sắc và khôn ngoan nhất, cháu Lisa đã tốt nghiệp 4 năm đại học và đang chọn trường đi học thêm về ngành luật. Cháu Brenda năm nay là năm cuối của college; cháu ham chơi hơn các anh chị, tính tình không được vững chãi và bướng bỉnh hơn các anh chị, nhưng được cái là cháu rất thông minh. Tôi và vợ tôi rất lo ngại về cháu, nhưng gần đây nghe cháu chuẩn bị dự thi M CAT vào dịp hè năm nay (2013) đã làm cho chúng tôi bớt lo lắng nhiều về tương lai của cháu. Cháu Bryan năm nay học năm thứ 3 của college, cháu cũng sẽ dự thi M CAT vào kỳ nghỉ hè sắp tới cùng với người chị. Cháu Chistopher đã ra trường, tốt nghiệp PA, hiện nay cháu đã có nghề nghiệp vững vàng.

Nhìn các con một ngày một lớn, cố gắng học hành, xây dựng sự nghiệp và tương lai, chúng tôi cảm thấy đó là một nguồn an ủi và hãnh diện của gia đình.

Với tuổi của tôi, tôi không có hy vọng nhìn các cháu trưởng thành, có nghề nghiệp vững chắc, phục vụ cho xã hội và quần chúng, và thành gia thất. Nhưng tôi đã mãn nguyện vì đó là những điều mà tôi luôn mong ước. Với một số tiền khiêm nhường mà tôi để dành, tôi cũng đã thiết lập xong một học bổng cho cháu nội, cháu ngoại nào học hành xuất sắc nhất trong đám con cháu sau nầy; đó là một món quà tặng nhỏ của tôi cho thế hệ con cháu tương lai mai sau.

(Còn tiếp)
Loading