Này tư tưởng có linh chăng tá
Trở về đây cho thỏa lòng chờ
Trở về cảnh cũ lối xưa
Cho cung cầm khỏi ngẩn ngơ tiếng đàn
Dù đến Đà Lạt chỉ 4 lần trước năm 1975, thành phố sương mù hiền hòa này, nơi trời và đất có khi gần liền với nhau, trở nên rất thân thuộc trong nỗi nhớ của tôi, nhất là từ khi nàng bước chân vào học phân khoa Chính Trị Kinh Doanh (viết tắt CTKD) ở Viện ĐH Đà Lạt.
Vào mùa xuân 1971, khi biết nàng là SV năm thứ Nhất và đang nội trú ở Kiêm Ái, tôi đến Đà Lạt với tư cách một cộng sự viên của Sinh Viên Vụ quay phim chụp hình cho phái đoàn SV Viện Đại Học Huế tham dự Đại Hội Thể Thao Liên Viện do ĐH Đà Lạt đứng ra tổ chức. Đến nơi, tôi trao hết đồ nghề cho một bạn khác, và trong suốt 3 ngày liên tục của Đại Hội, tôi không làm gì hơn ngoài việc tìm thăm nàng, người tôi yêu và đeo đuổi trong nhiều năm qua, từ Huế vào đến Nha Trang và nay Đà Lạt. Sáng tôi đón nàng ở Kiêm Ái, chiều đến tôi trả nàng về lại cư xá. Nàng và tôi đã đi bộ qua bao con đường quanh thị xã, cùng ngồi chuyện trò ở sân Cù trong nắng ban mai, ngắm Hồ Xuân Hương, dạo phố Hòa Bình, đưa nhau đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối…Với tôi, đó là 3 ngày hạnh phúc nhất trong quãng đời, dù ngắn ngủi, nhưng đã ghi sâu trong tim tôi những kỷ niệm đậm đà không hề phai. Ba ngày le lói bên nàng, để bù lại trên 3 năm “bonjour tristesse” khi ở nơi xa, tôi chỉ cầu mong nàng trong những “đêm mai cô đơn đi về, xin người hãy nhớ tình tôi.”
Thế rồi do duyên tiền định, tôi tìm đến thăm nàng tại Sài Gòn vào đầu năm 1975, khi tôi được thuyên chuyển về làm Y Sĩ Trưởng TĐ 15 Nhảy Dù với hậu cứ ở Trường Cây Mai, Chợ Lớn. Trong thời gian nàng không theo học được ở Đà Lạt vì tình hình bất ổn, tôi thực hiện chiến thuật tấn công giành dân lập ấp. Tôi giành “công”, phụ nàng biên soạn, đánh máy một tiểu luận về Chợ Đầm ở Nha Trang và một bài tham khảo về Kỹ Nghệ Tơ Lụa của Đà Nẵng & Quảng Nam. Đây cũng là một yếu tố khiến tôi cảm thấy gần gũi với chương trình học của nàng. Theo thời gian, khi nàng và tôi đã trở thành vợ chồng, tôi cảm thấy gắn bó dần với khóa 8 CTKD, và xót xa khi biết khóa 8 kém may mắn và thiệt thòi nhất, vì một số bạn cùng khóa đã phải bỏ dở chuyện học để lên đường theo tiếng gọi của non sông, và không một bạn nào của khóa, kể cả nàng trong đó, nhận lãnh văn bằng Chứng Chỉ Cử Nhân tốt nghiệp của Viện Đại Học Đà Lạt, dù biết mọi học hỏi và văn bằng không chắc đem đến sự ổn định cho cuộc sống trong xã hội mới.
Đúng hẹn, chúng tôi đến công viên trước mặt nhà thờ Đức Bà để cùng với tất cả các bạn khóa 8 của nàng lên đường đi Đà Lạt tham dự ngày họp mặt 42 năm. Sau khi chạy qua những thị trấn có những tên quen thuộc Trảng Bàng , Gia Kiệm, La Ngà, Định Quán, Bảo Lộc, Di Linh, và 3 lần tạm dừng chân, đoàn xe khách dừng tại Hotel Golf 1 vào khoảng 5 giờ chiều. Những bạn đến trước ùa ra chào đón, tíu tít như một bầy chim gọi đàn. Bước ra khỏi xe, nàng liên tục giới thiệu với chàng những người bạn mà nàng nhận diện được.
Những tiếng kêu gọi tên nhau, những suýt xoa thích thú, những bắt tay siết chặt, những ôm choàng thân ái, những ánh mắt tri ngộ, những tiếng cười sảng khoái. Tất cả nói lên phần nào tình cảm dạt dào, chân thật, đầy thương nhớ giữa những người bạn cùng khóa, cùng trường sau bao năm xa cách. Những người con của một thế hệ đã tan tác dưới phong ba bão táp, bị chao đảo trong niềm tin và tan vỡ trong sự đổi mới.
Lên đến phòng ngủ, tôi mở toang cả 2 cửa sổ. Một chút gió ấm và nắng vàng bỗng ùa vào bên trong. Ôi, gió ấm giữa tháng 12! Tôi nhìn thấy đó như một ân sủng của trời đất, như một đón chào đồng lòng từ thiên nhiên trước sự nồng ấm thân thiết của tình bạn khóa 8 CTKD. Bên kia đường, trước mặt khách sạn, sân Golf nằm im lìm sau hàng rào cao, thấp thoáng trong ánh sáng nhạt màu của cuối ngày.
Đêm Hội Ngộ vào tối Thứ Bảy được tổ chức ngay tại nhà khách của Hotel trong một bầu không khí ấm cúng, tươi trẻ, dù ai nấy cũng đã dày dạn phong sương với tuổi xuân tôi luyện trong đọa đày. Sự hiện diện của 139 người, trong đó có gần 60 bạn cùng khóa 8, đã nói lên sự thành công vượt bực của BTC. Qua lời giới thiệu của anh trưởng BTC, chúng tôi biết có nhiều nhóm bạn đến từ nhiều thành phố khác, nào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, rồi Sài Gòn, Đồng Nai, Long Xuyên, Cần Thơ, Đà Lạt… và từ Hải Ngoại.
May nhờ có bảng tên đeo trước ngực mỗi người, chúng tôi kêu gọi, chào nhau một cách tự nhiên. Tuy nhiên, một số ít, trong đó có nàng của tôi, vẫn cảm thấy hơi lấn cấn trước khi vào tiệc vì không nhớ hết tên bạn mình. Thật vậy, thời gian và cuộc sống với bao thăng trầm trôi nổi đã không ít thì nhiều để lại vết tích trên mỗi chúng ta, làm hình hài chúng ta thay đổi, lưng có còng hơn, tóc bạc hơn và thưa hơn, mắt mờ hơn, da nhăn hơn, răng ít hơn, miệng móm hơn, tay run hơn, bước đi khó khăn hơn, sức khỏe kém hơn, trí nhớ tồi hơn… Nhưng khi ngồi bên nhau, khi xúm xít chuyện trò, khi cùng nâng ly rượu chúc mừng hội ngộ, chúc nhau sức khỏe, khi tìm đến với nhau vì sự đoàn kết và tình thương mến đồng môn, các bạn đang cho nhau một chân tình, một chân hạnh phúc mà nơi đó không có sự xa cách, không có mặc cảm, không có sự giả dối. Một không gian hòa đồng thân ái với vui đùa hồn nhiên của những ngày xưa trẻ dại, với trân quý kỷ niệm của bao năm cùng chung một mái trường. Những nụ cười từng bị giam cầm bởi bao khó khăn cuộc đời nay được dịp hòa vang trong niềm vui chung. Những ánh mắt từng bị mờ vì bao vấn nạn nay sáng lấp lánh trong giọt nước mắt của hạnh phúc khi được gặp nhau.
Nàng và tôi nhanh chóng hòa đồng với các bạn khóa 8 và gia đình, nhất là với nhóm cựu quân nhân vì ngồi gần bàn với nhau. Tôi cảm thấy xúc động và gắn bó với nhóm cựu quân nhân một cách tự nhiên, không những do tình huynh đệ chi binh mà vì tôi nhìn thấy được sự hân hoan đón chào chân thành và ý muốn chia xẻ vui buồn của khóa 8 đối với các bạn này.
Tối khuya, vợ chồng Tuấn & Kim Hương, bạn của nàng mà trước đây chúng tôi có gặp mặt khi họ qua du lịch Hoa Kỳ, thân mật mời chúng tôi lên xe đi một vòng thăm Đà Lạt vào đêm, không ngoài mục đích giúp chúng tôi tìm lại những hình ảnh thủa xưa, bên cạnh những cơ sở mới. Tuy được Tuấn chỉ dẫn tường tận, nàng vẫn khó lòng nhận ra được nhiều nơi từng quen thuộc trước đây. Trước khi về lại khách sạn, tất cả chúng tôi ghé vào uống nước tại nhà hàng nổi Thanh Thủy trên Hồ Xuân Hương, đối diện với Nhà Thủy Tạ. Nhìn ra hồ, mặt nước êm đềm lặng lờ, không một chút sương mù vấn vương, không một tiếng sóng trong lòng, hoàn toàn tĩnh lặng như người dân thành phố.
Sáng sớm hôm sau, ngày Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013, chúng tôi thức dậy trước 5 giờ để cùng đi lễ sớm tại nhà thờ Chánh Tòa với vợ chồng Tuấn. Đây là lần đầu tiên có nàng cùng đi lễ tại Đà Lạt, mà có lẽ trong suốt cuộc đời tôi chưa một lần nghĩ đến, tôi chợt cảm thấy thật xúc động và vô cùng ấm áp khi quỳ cạnh nàng, thầm cám ơn Chúa đã cho chúng tôi vẫn khắng khít bên nhau dù qua bao thử thách. Tôi cũng cầu nguyện Chúa ban ơn lành cho cặp Tuấn & Kim Hương nhân kỷ niệm 37 năm đám cưới của họ. Tôi cũng không quên xin Ơn Trên ban bình an cho các bạn khóa 8 CTKD cùng gia đình. Trên đường về lại khách sạn, nàng và tôi có dịp ngắm rạng đông trên Hồ Xuân Hương, cầu chúc nhau một ngày thật đẹp và có nhiều ý nghĩa.
Sau buổi điểm tâm tại khách sạn, thêm một cơ hội cho các bạn khóa 8 hò hét, vui đùa, chụp hình lưu niệm với nhau, tất cả cùng lên 2 xe bus đến thăm Đại Học Đà Lạt của mình. Tại ngay cổng trường, bầy con xa nhà lâu ngày nhào xuống khỏi xe như ong vỡ tổ, kẻ đứng người ngồi, kẻ ôm người bồng, tự nhiên nhích lại gần với nhau, chụp cho nhau những tấm hình kỷ niệm để đời, quá dễ thương, đầy ý nghĩa, bao gồm cả 3 thế hệ.
Từ phía cổng, đàn con túa dần vào bên trong. Lại một phen chụp hình với nhau trước giảng đường Spellman. Giờ đây giảng đường chỉ là một căn nhà lớn loang lổ vết thời gian, hoàn toàn hoang phế. Nhìn thấy mà lòng người bỗng se lại, nao nao một nỗi buồn thầm lặng, ngậm ngùi nhớ đến thời gian chen chúc bên nhau nghe giảng dạy.
Theo chân các bạn, nàng dẫn tôi qua các con đường nhỏ, lên đến nhà nguyện Năng Tỉnh, vẫn nguyên vẹn nằm im lìm trên đồi như một thách đố, dù cây thánh giá trên nóc nay được trùm lại một cách lố bịch bởi một ngôi sao đỏ. Đây là nơi nhiều bạn dừng lại nói chuyện lâu hơn, chụp chung với nhau nhiều hình hơn. Không lẽ nơi đây lại là chốn gặp gỡ hồi xa xưa ấy của những nàng và những chàng khi tan lễ để cùng đưa nhau đi ăn sáng, uống cà phê?
Riêng tôi, tôi muốn xuống dốc nhỏ bên phải của nhà thờ, bước đến thăm cư xá Kiêm Ái nhưng nàng không cho, đoán chừng căn nhà tiền chế đó phải đổ nát lắm, nhìn làm chi cho thêm đau lòng!? Thế rồi chúng tôi rẽ về phía trái, bước đến thăm Thư Viện, nay thật tàn tạ, xấu xa, khô cằn với đất sỏi, cỏ úa xung quanh thay vì bông hoa và thảm cỏ xanh mướt của dạo nào. Bước qua vài bước về bên trái của Thư Viện, chiếc cầu Nhật Bản màu đỏ vẫn còn đó, che khuất bởi những lùm cây hoang dại, không một bóng người qua lại, tội nghiệp, cũ kỹ, cô đơn.
Rời Đại Học Đà lạt, xe bus chạy về hướng Suối Vàng, đưa đoàn đến viếng Làng Cù Lần. Đây là một nơi hoang dã, khá rộng, có đồi cao thấp, con đường lên xuống quanh co, hoa tươi cỏ lạ, có ao hồ nước chảy, có cầu treo lắc leo bắc ngang suối to nhỏ và thung lũng, có chợ Chồm Hổm, có những căn nhà sàn, và lẽ đương nhiên có những… con Cù Lần trốn núp trong các khóm lá. Đây là một cuộc du ngoạn độc đáo với đa số chọn đi bằng chân để vui hưởng cảnh đẹp thiên nhiên và thiểu số ngồi trên xe jeep mang đồ ăn uống phục vụ cho cả trăm người. Chúng tôi thưởng thức hết lòng buổi ăn trưa dã ngoại gồm các món thịt nướng tại chỗ, kể cả cơm nướng trong ống tre, tiếp theo là một màn văn nghệ sống động.
Nhìn các bạn ăn uống vui cười, trò chuyện thân thiết, tôi cũng vui lây với niềm vui chung và hãnh diện trước sự đoàn kết thắm thiết của khóa 8 CTKD của nàng.
Sau 3 giờ chiều, mọi người được chở về lại khách sạn để sẵn sàng cho đêm Gala vào tối. Đa số có mặt bên ngoài sân, chuyện trò hể hả trước khi bước vào phòng tiệc. Nhóm bạn sinh năm 1953, đúng 60 tuổi đời, trong đó có nàng Dế Mèn của tôi, được tặng hoa, chụp chung với nhau một tấm hình kỷ niệm và được một bạn khác hát tặng bản nhạc “60 Năm Cuộc Đời”!
Thức ăn Buffet bên trong phòng vừa ngon miệng vừa tươi mát, trong khi bên ngoài rất nhiều đồ biển nướng bốc mùi thơm được đem dần vào sau. Thức uống đặc biệt với rượu vang có hương vị tao nhã, dễ uống vì nồng độ không quá cao, nên càng uống càng dễ mềm môi. Tôi biết chẳng ai say vì rượu nhưng say vì tình bạn. Mục văn nghệ, xổ số, nhảy đầm diễn ra rất ngoạn mục và lôi cuốn, dưới sự điều khiển của MC Tuấn.
Trong cùng buổi tối, tôi có đến thăm hỏi GS. Phan Hoàng Quý, thầy của nàng. Qua một vài phút đầu tiên, không ngờ Thầy và tôi có cùng nhiều người quen chung, trong YKH cũng như ngoài đời, và do Thầy có học ở ĐH Huế trong thập niên 60, chúng tôi càng có thêm những liên hệ khá mật thiết. Biết câu chuyện dài còn rất nhiều thú vị, Thầy và tôi cùng hẹn tiếp tục vào ngày mai, trên đường về lại Sài Gòn.
Sáng hôm sau, trước khi đến chợ Hòa Bình mua sắm chút quà kỷ niệm với đoàn, chúng tôi đến thăm trang trại của anh chị Liêm ở “Dốc Nhà Thờ Nghèo”, cách thị xã không quá 7 cây số, nơi mà dân làng bỏ chạy toàn bộ sau biến cố 1975, khiến cha sở cũng đành phải rời luôn vì… không còn ai nuôi cơm cả!! Chúng tôi thật nghẹn ngào và rưng rưng nước mắt khi anh thuật lại cuộc đời muôn ngàn khó khăn của anh trong gần 3 thập niên qua, một câu chuyện bi hùng tráng của một bạch diện thư sinh bỗng trong phút chốc đổi đời trở thành nông dân có đầu óc, mà phải lam lũ đầu tắt mặt nhưng vẫn không nuôi được mình và gia đình. Một câu chuyện của mồ hôi và nước mắt, của quả cảm dấn thân và của thách đố nghị lực! Quá thật, quá phũ phàng, quá đớn đau! Trước khi ra về, chúng tôi có chung vui với anh khi biết nay anh có phần thư thả hơn xưa và cầu chúc anh giữ gìn sức khỏe để tiếp tục trồng các cây hoa giống, một nông sản mới của anh.
Chúng tôi rời Đà Lạt mang theo nhiều cảm xúc mới lạ. Chúng tôi không quên cám ơn các anh chị trong BTC đã tạo cơ hội cho chuyến về thăm lại Đà Lạt của nàng và tôi có thêm nhiều ý nghĩa.
Cám ơn các bạn khóa 8 CTKD của nàng có mặt trong Ngày Kỷ Niệm 42 năm đã cho chúng tôi niềm vui hạnh ngộ, và chúng tôi mong ước sẽ có dịp tái ngộ với quý anh chị, tại Hoa Kỳ hay tại Đà Lạt trong những năm tới, nếu tình cảnh cho phép.
Chúng tôi cũng cám ơn Thầy Phan Hoàng Quý đã cho người đem đến tặng bộ sách chữ Nho của người Thầy chung Đào Mộng Nam của chúng ta khi chúng tôi về đến khách sạn ở Sài Gòn.
Cám ơn anh bạn đã chụp cho nàng và tôi một tấm hình “the best of the year”.
Những ngày cuối trước khi chúng tôi bay về lại Hoa Kỳ, chúng tôi dành thì giờ cho nghỉ ngơi, mua sắm và sắp xếp hành lý. Các bạn nàng quở cặp Dế Mèn đen và ốm hơn trước, nên thương tình mang đồ ăn nấu ở nhà, kể cả cá kho tộ và canh chua cá bông lau đến tận phòng khách sạn bắt chúng tôi ăn cho chóng lại sức. Rồi lại kéo chúng tôi đến quán cơm Niêu trên đường Tú Xương, gần với cư xá Thanh Quan của các soeurs trước 1975. Gần đến Giáng Sinh, giao thông trên các đường phố chính rất khó khăn và chậm nhiều.
Trong một chiều tối, bạn Dương Đình Công đưa tôi đi thăm bạn đồng khóa Nguyễn Tấn, sau đó ăn tối ở quán bình dân “Bà Cả Đọi” là nơi 2 đứa chúng tôi thường đến ăn trong thủa sinh viên hàn vi. Ăn xong, chúng tôi làm gan cù rủ nhau “kéo ghế” ở Restaurant Cirrus ở tận tầng thứ 51 của cao ốc Bitexco. Nhìn vào giá, cả hai thất kinh và chỉ kêu độc nhất mỗi đứa một ly sinh tố. Giá ở đây 250 ngàn đồng cho một ly, tức khoảng 13 đô, trong khi giá một ly sinh tố bên ngoài khoảng 20 ngàn đồng, tức khoảng 1 đô. Đó là cái giá phải trả để “nghể” thành phố từ trên cao. Công và tôi nhìn xung quanh để đánh giá thành phần nào đang có mặt ở đây. Chỉ có chúng tôi thuộc loại già cả, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi, đa số còn lại toàn là những nam thanh nữ tú trong lứa tuổi 20, 30, đa số ngồi từng cặp với nhau, vừa ăn vừa uống một cách mạnh bạo chứ không phải chỉ nhâm nhi ly nước sinh tố như chúng tôi. Họ giàu sang thật!
Ngày cuối trước khi chúng tôi bay về lại Hoa Kỳ vào buổi chiều, các bạn của nàng và chúng tôi dẫn nhau đi ăn sáng ở tiệm cà phê Danver, góc Lê Thánh Tôn/ Nguyễn Trung Trực. Trong một lúc ngồi bên nhau, Dế Mèn chàng bỗng thốt ra một câu rất hợp tình hợp lý khiến Dế Mèn nàng vui sướng, và đưa tay vò đầu chàng. Các bạn có mặt vỗ tay tán thưởng tận tình rồi bắt cặp Dé Mèn đóng tuồng lần nữa để ghi lại như trong tấm hình dưới đây.
Nếu có bạn nào hỏi cặp Dế Mèn có vui thích với chuyến phiêu lưu vừa qua? Có đạt mục đích? Có tìm được hương xưa của thủa ban đầu lưu luyến ấy? Có…và có…??
Xin hãy nhìn vào tấm hình “You R Blessed” để nghiệm câu trả lời của Dế Mèn chúng tôi.
Vĩnh Chánh.
CA, tháng 5, 2014