Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.
Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.
NGUYỄN CÔNG TRỨ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Hoàng hôn nhìn lại
“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay các bậc anh hùng làm nên những chuyện gian nan không ai làm nổi là vì không biết cái khó là gì.”
Câu nói này của ông Nguyễn Bá Học tôi đã nhớ rõ trong một bài học học thuộc lòng năm xưa, từ thời niên thiếu. Tôi không dám mong làm anh hùng, nhưng cố gắng vượt khó khăn để đạt cho được mục đích mình mơ ước thì quả nhiên tôi đã trải qua.
Nhìn lại trong cuộc đời của tôi, từ thưở thiếu thời qua từng giai đoạn một, từ một cậu bé bướng bỉnh, ham chơi trong những năm ở trường tiểu học Lê Thánh Tôn hay trung học Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), tôi đã phấn đấu khép mình vào kỹ luật để trở thành một người học trò giỏi .
Rồi những năm cuối của trường trung học đệ II cấp Trần Hưng Đạo (Đà Lạt) và trường Đại học Y khoa Sài Gòn, tốt nghiệp bác sĩ ra trường với 4 năm nội trú, trở thành một chiến binh phục vụ cho chính nghĩa, tự do và quyền sống của con người. Sau đó làm thân tôi mọi trong cảnh địa ngục trần gian, lưu lạc sang trại tỵ nạn, vất vả trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, để rồi có được một ngày tạo dựng nên một nghề nghiệp vững vàng, được các đồng nghiệp trong và ngoài nghề yêu mến, kính trọng và có được một gia đình ấm cúng.
Đó không phải là một chuyện dễ dàng. Những hạnh phúc vinh quang đó , đã được trả bằng máu và nước mắt , không riêng gì bản thân tôi mà cả vợ con tôi và cả người thân trong gia đình bên vợ tôi đều cùng chung vai gánh chịu.
Tôi gặp vợ tôi trong những ngày còn ở trại tỵ nạn, tuy chung sống với nhau, nhưng chúng tôi không có cùng chung một quan điểm, chính kiến về cuộc sống của gia đình. Tôi là người thích sống hòa mình, làm việc cho cộng đồng và xã hội, vợ tôi thích một cuộc sống thu hẹp giữa các người thân trong gia đình. Tôi không để ý nhiều đến cuộc sống bề ngoài, cuộc đời cũa tôi chỉ cần có đủ cơm ăn , áo mặc, nhưng với một điều là phải có một tinh thần sảng khoái, phóng khoáng và một gia đình an vui, hạnh phúc, đủ làm cho tôi thư thái và thỏa mãn. Vợ tôi là điển hình cho người đàn bà Á-đông, lo lắng cho chồng con, lúc nào cũng mơ đến một cuộc sống yên lành và trầm lặng. Vợ tôi thường chỉ trích tôi, nếu tôi muốn có một cuộc sống như vậy, thì lập gia đình làm gì, để phải làm khổ đến những người thân.
Khi vào nội trú trong bệnh viện thương phế binh ở Los Angeles, vợ tôi khi đó vẫn còn là bạn gái, ngay từ lúc đầu, đã không đồng ý cho tôi tiến thêm một bước nữa trong ngành chuyên môn của tôi. Vợ tôi chỉ muốn có một cuộc sống trầm lặng như các bạn bè đồng nghiệp, chồng mở phòng mạch, vợ đứng bán thuốc là có đủ tiền mưu sinh và lo dạy dỗ cho con cái. Nhưng tôi cố thuyết phục với vợ tôi về những ước mơ trong tương lai, thà chịu cực khổ hy sinh trong một vài năm, sau đó sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Sau khi tốt nghiệp chương trình huấn nghiệp, tôi vào quân đội. Vì tự ái, tôi đã không muốn cho vợ tôi phải suy nghĩ thêm nhiều lo lắng về một tương lai bất ổn, nên tôi không nói rõ cho vợ tôi nghe về những khó khăn mà tôi đã vấp phải hằng ngày trong công cuộc mưu sinh. Giữa chúng tôi có rất nhiều chuyện hiểu lầm, thậm chí có thể đưa đến sự gãy đổ trong gia đình.
Thêm vào đó tính tình của tôi từ lúc bị bắt vào trại tù cải tạo và sau ngày ra trại đã có nhiều thay đổi. Tôi cũng như đại đa số những người lính chiến đấu trên chiến trường hay ở trại cải tạo lâu năm, đã mắc phải một căn bệnh thần kinh mà người ta thường gọi là post stress syndrome. Càng bị stress nhiều, tinh thần tôi lại càng bị căng thẳng giao động, tôi không thể kiềm chế được những cơn tức giận và cách ăn nói cộc cằn. Thêm vào đó, ngoài công việc hằng ngày trong bệnh viện, tôi về nhà, thay vì trò chuyện cùng vợ và con cái, tôi lại thích được yên tĩnh, không bị ai quấy rầy, ngồi một mình trong phòng, không muốn nói chuyện với vợ con, mắt thì nhìn vào bức tường với một đầu óc trống rỗng, không suy nghĩ.
Tôi không để ý nhiều đến tiền bạc, nhưng trong đầu của tôi lúc nào cũng nghĩ đến và ám ảnh bởi cái đói trong những năm đi cải tạo. Tôi cảm thấy yên tâm khi tích trữ được nhiều thức ăn, ngay cả trong chỗ tôi làm việc trong bệnh viện. Tôi có bệnh đói con mắt, ăn uống thì không bao nhiêu, nhưng tốn tiền mua các thức ăn về dự trữ, sau một thời gian phải hủy bỏ vì bị hư hỏng và hết thời hạn dùng.
Vợ và các con tôi than phiền tôi hằng ngày, về bản tính kỳ dị, nhưng đó là một triệu chứng tâm thần đã ăn sâu vào xương tủy thì làm sao mà bỏ được. Vợ tôi chê tôi là người mắc bệnh thần kinh, đã qua đến nước Mỹ mà lúc nào cũng có ý tưởng như đang còn trong trại cải tạo của Việt cộng. Tôi không giải thích hoặc có giải thích thì cũng chẳng ai nghe, đành chỉ mỉm cười mà không trả lời.
Tôi cũng cảm thấy ân hận khi con cái của tôi thấy cha mẹ xào xáo vì những chuyện hiểu lầm không đâu. Nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó, khi chúng trưởng thành, sẽ hiểu, thông cảm, và sẽ thương cha chúng nó nhiều hơn. Đó cũng là một trong những động lực đã thúc đẩy tôi viết lại cuốn hôi ký nầy, để khi các con tôi có thời gian ôn lại quá khứ, sẽ hiểu nhiều hơn về người cha của mình, học hỏi thêm và tránh xa những lỗi lầm mà cha mình đã mắc phải khi còn trẻ .
Tôi nhớ đến một bài hát của Phạm Duy: “Tôi yêu đất nước tôi, từ khi mới ra đời ...” một đất nước nhỏ với một dân tộc anh hùng và bất khuất. Tổ tiên chúng ta đã phải mất ngàn năm chống lại sự đô hộ của nước Tàu, mất cả trăm năm mới thoát được ách đô hộ của người Pháp, dành lại tự do, độc lập cho đất nước. Sau một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn trên 20 năm, tôi là một trong những người thua trận của chế độ cũ, vì không đất sống phải đau lòng bỏ nước ra đi. Kể lại cuộc chiến tranh tàn khốc nầy cho con cái của tôi cũng như đem đàn gảy tai trâu.
Cũng không trách được vì các cháu sanh ra và lớn lên ở đây, hấp thụ một nền văn hóa khác biệt với chúng tôi. Hơn nữa cuộc sống của các cháu cũng rất là khó khăn mà các cháu phải đương đầu hằng ngày trong công việc tạo dựng tương lai cho mình. Đất nước tôi bên kia bờ đại dương và tổ tiên của tôi, là những cái gì quá xa lạ với các cháu. Tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó, khi các cháu đã trưởng thành sẽ có thời gian ngẫm nghĩ lại và nhớ về cội nguồn. Còn tôi ăn cơm vua, hưởng lộc vua, uống nước phải nhớ nguồn. Đầu óc của tôi lúc nào cũng nhớ nhiều về quá khứ.
Những hình ảnh từng chiếc trực thăng hằng ngày đáp xuống bên hông cửa bệnh viện, phòng cấp cứu lúc nào cũng đầy bệnh binh, các anh em y tá quân y, làm việc không ngại gian lao cực khỗ, lo lắng và phục dịch cho các anh thương bệnh binh, phòng mổ lúc nào cũng tấp nập và bận rộn, phòng hồi sức lúc nào cũng đầy thương binh. Những hình ảnh đó đã đi sâu vào trong ký ức của tôi, nói lên những sự tàn khốc của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, tình thương và tình huynh đệ chi binh của những người phục vụ.
Tôi còn nhớ đến những nụ cười, những niềm vui của các anh em y tá, của các thượng sĩ trưởng phòng, khi hoàn tất xong những cuộc giải phẫu, đã cứu sống lại rất nhiều bệnh nhân thoát khỏi bàn tay của tử thần, hay cũng đau buồn khi phải bó tay chịu trận để người bệnh rũ áo ra đi. Chúng tôi thương mến nhau như một gia đình nhỏ bé trong quân y viện, có vui cùng vui, có khổ cùng chịu, không hề than vản và trách móc.
Trước khi cuộc chiến chấm dứt, chúng tôi là những người ở lại, đã chứng kiến cảnh tử thi của các anh hùng tử sĩ nằm ngang dọc, trong và trước nhà xác sau quân y viện, cảnh heo và chó đã xé xác các tử thi không người chăm sóc. Tôi cùng với các anh em y tá ở lại đã phải chảy nước mắt, chôn cất các anh hùng tử sĩ đã xả thân vì nước, trong một nấm mộ tập thể dưới chân cột cờ sau bệnh viện. Những hình ảnh đó đã đi sâu vào ký ức và cả trong những giấc mơ của tôi. Tôi còn nhớ trong khi chôn cất các anh em tử sĩ, tôi có hứa với họ sau nầy, khi tôi mất đi, một phần thân xác của tôi sẽ theo cát bụi về với các anh em, với tổ quốc thân yêu mà tôi đã sống và phục vụ.
Tôi cũng còn nhớ trong những ngày cuối cùng, trước khi bệnh viện rơi vào tay Việt cộng, khi các anh em y tá vào báo cho tôi biết, kho lương thực và thuốc men để cấp dưỡng và điều trị cho các thương bệnh binh đã bị mất cắp vì không đủ người canh gác, tôi rất bối rối, lo sợ , không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề thiếu thuốc men và lương thực cho anh em đây. Tôi đã phải nhờ các anh em đi từng phân trại bệnh bị bỏ hoang, vơ vét và thu nhặt lại tất cả những loại thuốc men còn bỏ sót lại trong các kho mang về để tiếp tục cứu chữa và điều trị cho bệnh nhân.
Chúng tôi cũng đã cố gắng duy trì lương thực cấp dưỡng cho thương bệnh binh bằng cách cắt giảm khẩu phần của các nhân viên phục vụ, trong đó có cả tôi. Cũng may cho chúng tôi là tình trạng hao hụt đó chỉ kéo dài trong vài ngày. Sau đó, Việt cộng vào tiếp thu bệnh viện, giải tán và trả các anh em y tá về lại nguyên quán, còn các thương bệnh binh thì được chuyển qua bệnh viện dân sự gần bên để tiếp tục điều trị.
Trong những giờ phút cuối cùng đó, tôi rất lấy làm cảm phục về những sự hy sinh cao cả của các anh em y tá trẻ, đã không kể đến hiểm nguy và sự an toàn của bản thân, luôn cả gia đình của họ, đã dấn thân vào một cuộc phiêu lưu không có ngày mai, cùng chung tay giúp sức với tôi trong công việc điều trị và phục vụ bệnh nhân. Họ đã sống và giúp đỡ lẫn nhau với tình huynh đệ chi binh và tình người , có sướng cùng chia, có khổ cùng chịu. Chúng tôi rất lấy làm vinh dự vì đã sống và được phục vụ cho lá cờ tổ quốc, cho sự tự do và bảo vệ nhân quyền.
Hình ảnh các anh em đã âm thầm tủi nhục rời bệnh viện sau ngày bàn giao bệnh viện cho bộ đội miền Bắc cũng đã đi sâu vào ký ức của tôi. Tôi cố ngăn nước mắt khi phải chia tay với các anh em. Tôi cầu nguyện Thượng đế và các vong hồn anh hùng tử sĩ che chở cho anh em được trở về nguyên quán yên lành, và không gặp khó khăn hay trở ngại nào cho một tương lai bất ổn không biết trước được.
Chính trong giờ phút chia tay đau đớn nầy, tôi đã nhận thức được ai là người tốt, và ai là người xấu, ai là người trung và ai là kẻ nịnh. Những người y tá trẻ, không tên tuổi đã tình nguyện ở lại phục vụ cho các thương bệnh binh, đến giờ phút cuối cùng của chế độ, đối với tôi là những người chiến sĩ anh hùng vô danh của quốc gia và dân tộc, đã quên mình hy sinh cho cuộc đại nghĩa và cho tình thương của nhân loại. Thương người như thể thương thân.
Bạn bè và các bà con bên nội và ngoại thường hỏi tôi tại sao tôi phải ở một chỗ xa xôi, lạnh lẽo, ít người biết như mai danh ẩn tích vậy. Đó là một câu hỏi mà câu trả lời đã được tôi cất giữ sâu tận đáy lòng trong nhiều năm nay. Nếu tôi có nói ra thì cũng chẳng ai hiểu hay giúp đỡ gì nhiều, có khi lại làm cho tôi phải đau khổ, bực mình vì sự hiểu lầm, làm liên lụy đến cả tương lai con cái của tôi sau nầy.
Tôi sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến tranh khốc liệt, một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, trong đó mọi người trong đất nước, từ miền quê đến thành thị, từ miền Nam ra đến miền Bắc, đã phải đau khổ vì sự mất mát của những người thân, tiêu tan của cải, tài sản, nhà cửa bởi bom đạn của hai bên. Tôi cũng là một thành viên trong cái xã hội đó, đến lúc trưởng thành, nếu ở miền Bắc tôi cũng sẽ phải đi bộ đội, nếu ở miền Nam tôi cũng phải tham gia nhập ngũ vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đi chiến đấu cho màu cờ và sự sinh tồn cùa đất nước và gia đình nơi chúng tôi sinh sống.
Theo lời ba tôi kể, gần một năm sau khi tôi vào trại cải tạo, cả gia đình không ai biết tôi còn sống hay đã chết vì không có thư từ và tin tức gi, có hỏi thì chính quyền địa phương cũng nói là không biết, và ngay cả bác ruột của tôi là thượng tá quân đội Việt cộng hồi hưu cũng giải thích rằng, đi cải tạo như đi huấn luyện ở quân trường vậy, người đi học tập cải tạo được cho ăn uống đầy đủ, học tập theo đường lối của bác và đảng. Sau đó khi tất cả những người học tập cải tạo đã thông suốt chính sách của đảng và nhà nước, sẽ được an toàn trở về nguyên quán với một đầu óc tư tưởng tốt, để cùng chung tay phục vụ xây dựng cho đất nước.
Tám tháng sau, đến ngày lễ sinh nhật "bác hồ" đầu tiên sau khi "thống nhất đất nước", cả nhà mới nhận được bức thơ đầu tiên của tôi, trong đó có ghi địa chỉ chỗ tôi bị giam giữ. Ba tôi mất cả tuần lễ mới xin được giấy tờ do phường khóm ký và xác nhận để đi thăm nuôi tôi. Vấn đề vận chuyển giao thông từ Đà Lạt đến Qui Nhơn lúc đó rất là khó khăn; ba tôi đi xe lửa đến Qui Nhơn, sau đó phải mất cả tuần lễ chờ đợi để làm thủ tục đi thăm nuôi. Ba tôi cùng với những người thăm nuôi khác, đã phải quá giang xe đò chở hàng từ thành phố đến chỗ hẹn ở quốc lộ 1, rồi sau đó được bộ đội hướng dẫn đến trại cải tạo.
Ba tôi cùng với những người thăm nuôi khác, phải băng rừng, vượt suối cả ngày trời mới đến được cổng trại. Lúc đến nơi thì trời đã tối, ông cùng với các người thăm nuôi khác tạm trú ở trong nhà thăm nuôi vừa mới cất. Đó là một nhà tranh vách lá, không đèn không nước. Vì không biết để chuẩn bị trước, nên ba tôi và đại đa số các người đi thăm nuôi đã phải nhịn đói và khát cả ngày trong khi di chuyển. Sáng hôm sau mới chính thức được gặp mặt chúng tôi.
Sau 8 tháng ở trại cải tạo, chúng tôi, những người may mắn không phải chết vì bệnh tật hay bị tra tấn, mặc dù đã được ngụy trang, cho ăn mặc quần áo lành lặn, nhưng dưới mắt ba tôi và những người đi thăm nuôi khác, nhìn thấy rất là tiều tụy và bệnh hoạn, trông giống như những con ma đói trong rừng sâu. Ba tôi nhìn tôi quá xúc động, không nói được lên lời. Tôi vì đã được căn dặn kỷ lưỡng về cách ăn nói trong lúc được thăm nuôi, nên cũng không dám nói nhiều lời. Thời gian gặp gỡ người thân có giới hạn, chẳng mấy chốc giờ chia tay đã đến, chúng tôi âm thầm trở vào trại. Ba tôi ngậm ngùi nuốt nước mắt nhìn chúng tôi trong lúc chia tay.
Trước khi ba tôi rời trại, ông đã cởi cái áo lạnh mà ông đang mặc đưa cho tôi với hy vọng, chiếc áo mong manh nầy sẽ giúp tôi sưởi ấm trong vùng rừng sâu nước độc nầy. Vì bị lừa dối và tuyên truyền, nay thấy được sự thật rất là đau lòng, Ba tôi đã ngã bệnh khi về đến nhà. Ông nói với gia đình là sẽ không bao giờ trở lại vùng đất nầy lần thứ hai. Mẹ tôi vì đường xa, đi lại quá khó khăn, và qua nhiều thủ tục giấy tờ xin phép mới đi thăm nuôi được, nên để giúp tôi trong khoảng thời gian khốn cùng nầy, bà đã cố gắng dùng đến một số tiền lớn ( số tiền nầy ba mẹ tôi dùng để dưỡng già) gửi cho một người bạn gái của tôi ở Qui Nhơn, nhờ đi thăm nuôi, giúp cung cấp thức ăn và thuốc men cho tôi trong lúc bị tù tội.
Cha mẹ vợ tôi cũng đã đóng góp phần không nhỏ trong công cuộc tạo dựng sự nghiệp của chúng tôi ở vùng đất mới nầy. Nhờ sự chăm sóc tận tụy và tình thương của ông bà, cháu Lisa đã nhanh chóng phát triển thành một đứa bé bình thường. Cũng nhờ công ơn chăm sóc, phụ giúp cùa ông bà đối với các cháu, tôi đã yên tâm đi xây dựng sự nghiệp, tạo nên một tương lai vững chắc. Tôi cũng phải cám ơn anh Quốc, người anh lớn trong gia đình vợ tôi, đã cho tôi cư ngụ trong khoảng thời gian tôi mới di chuyển từ New York về California. Các em vợ tôi, Ngọc Ánh, Hải, Tâm, cũng giúp đỡ chúng tôi một phần không nhỏ trong việc củng cố lại hạnh phúc gia đình, vượt qua những cơn sóng gió để tránh khỏi cảnh tan nát cửa nhà bằng cách nâng đỡ và ủng hộ tinh thần cho vợ tôi.
Chúng tôi phải cám ơn đến các bạn bè, nhất là anh chị nha sĩ Lang, đã giúp ý kiến và khuyến khích tôi rời New York về lại California, và anh chị đã mở rộng cửa cho tôi trú ngụ trong những ngày đầu tiên ở nơi đất lạ quê người.
Ở trại tỵ nạn, bác sĩ Ivan và bác sĩ King đã giúp đỡ chữa trị cho tôi, khi tôi vừa được cứu thoát. Các bác sĩ nầy đã khuyến khích và giúp tôi có lại niềm tự tin mà tôi đã mất trong thời gian đi ở tù cải tạo và thời gian sau khi rời khỏi trại cải tạo về đời thường mà thực chất là ra nhà tù nhỏ để vào nhà tù lớn.
Bác sĩ W.Denise ở Bright Light Center (Santa Ana, California) đã giúp đỡ và hỗ trợ tinh thần cho tôi, trong lúc tôi bị tuyệt vọng vì không còn hy vọng gì trở lại nghề chuyên môn cũ. Lời khuyên của ông, tôi còn nhớ rất rõ, "Không có nghề nào gọi là lớn hay là nhỏ. Ví dụ như làm thư ký cho một cơ quan từ thiện, mở một tiệm ăn hay hành nghề y-sĩ, đó cũng chỉ là một phương tiện mưu sinh. Điều quan trọng là làm nghề nào cũng vậy, phải để hết tâm huyết và tinh thần của mình vào công việc, giữ đúng uy tín với khách hàng và người mình phục vụ, và quan trọng nhất là phải cố gắng bảo vệ hạnh phúc gia đình, vì có an cư thì mới lạc nghiệp".
Bác sĩ Jorgen (UCLA), người đã giúp và hỗ trợ cho tôi trở lại nghề nghiệp cũ; bác sĩ Rubeinstein (Cornell MC) đã chịu nhiều áp lực khi cố giữ tôi, trong thời gian chờ đợi bằng hành nghề New York. Binh nhất John mà tôi đã gặp lúc anh còn là sinh viên theo học ngành quang tuyến ở Wichita Fall. Sau khi tốt nghiệp, anh được đổi về làm ở March Airforce Base. Anh là một nhân chứng sống của cuộc đời nhiều sóng gió và cay đắng của tôi. Trong thời gian hành nghề trong quân đội, với một chức vụ nhỏ, anh chỉ biết ủng hộ tinh thần cho tôi. Khi tôi rời quân đội, anh ấy đã tình nguyện giúp đỡ tôi di chuyển từ California đến New York để tạo dựng một tương lai mới.
Bác sĩ Cavalario, Trưởng Trung tâm Chỉnh hình LMA, người đã cố gắng giúp đỡ tôi qua hiểm nghèo, phục hồi chức năng cho tôi trở lại một cuộc sống bình thường, sau một tai nạn xe cộ gần đây.
Ngoài những bậc ân nhân kể trên, tôi không quên ơn US AIR FORCE. Bạn bè và các đồng nghiệp hằng ngày, đã chia sẽ và ủng hộ tinh thần, giúp đỡ tôi chèo chống qua bao cơn sóng gió, để có được ngày hôm nay.
Đồng thời cũng cám ơn em Trung Nguyễn đã giúp ý kiến cho tôi, biên soạn và hoàn tất những trang hồi ký mộc mạc mà có nhiều ý nghĩa nầy.
Một lần nữa, để có được ngày hôm nay, tôi và gia đình đã phải chịu ơn của biết bao nhiêu người. Chúng tôi luôn cầu nguyện Thượng đế và ơn trên bảo vệ và phù hộ cho những bậc ân nhân đó, như đã bảo vệ tôi và gia đình của tôi vượt qua các cơn sóng to gió dữ của cuộc đời.