Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

ImageView.aspx
TrÀn Væn Tích Cây Quÿnh Cành Dao


Đặt vấn đề

Có vị trong Diễn đàn nhắc đến cây quỳnh cành giao và được cho biết đó là hai loài thực vật với tên khoa học kèm theo. Giáo sư Bác sĩ Đỗ Thị Nhuận xác nhận mình từng thấy cả hai loài cây này và viện dẫn câu thơ quen thuộc số 144 của Truyện Kiều: Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

Trong bối cảnh thảo luận như vậy, bài viết này chỉ đề cập đến cây quỳnh cành dao như là một nhóm chữ. Tất nhiên có những tình huống quỳnh và/hoặc dao mang ý nghĩa khác; tỷ như khi nói dạ quỳnh hương thì đấy là một loài hoa.

Từ ngữ, điển tích

Cả hai chữ quỳnh dao đều là chữ Hán và đều viết với bộ ngọc (quỳnh, dao). Dao có khi viết là giao. Câu thơ số 144 Truyện Kiều cũng sử dụng hai chữ Hán này.

Điển cố văn học, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà nội, 1977 giải thích ở mục từ cây quỳnh cành dao như sau: "Do tiếng Hán quỳnh thụ dao chi (cây ngọc quỳnh, cành ngọc dao). Quỳnh và dao là hai thứ ngọc quý." Tấn thư  "Vuơng Diễn thần tứ cao triệt như dao lâm quỳnh thụ“ (Ý tứ của Vương Diễn tuyệt vời như rừng dao cây quỳnh)." Chỉ dáng vẻ đẹp, cao sang:

Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
(Nguyễn Du)“

Từ điển Truyện Kiều Đào Duy Anh giảng: “quỳnh: một thứ ngọc. Vd. Cây quỳnh cành dao, 144."

Bửu Kế trong Tầm nguyên Từ điển, ghi ở mục từ cầm giao: “cầm, tên một thứ đàn; giao, tên một thứ ngọc. Cầm giao sẵn giống dây huân (Hoa tiên) và ở mục từ quỳnh (chén): tên một thứ ngọc đẹp. Chén làm bằng ngọc quỳnh. Cùng nhau lại chuộc chén quỳnh giao hoan (Kim Vân Kiều)."

Kiều Oánh Mậu chú: “Vương Diễn thần thái như quỳnh lâm dao thụ phong trần ngoại vật" (Thế thuyết)(*) (Phong cách tinh thần Vương Diễn đẹp như rừng quỳnh cây dao, thực là một bậc ngoài cõi phong trần vậy)


Vân Hạc chú: “Cả một vùng hoá đẹp như là một rừng những cây bằng ngọc quỳnh ngọc giao, ý nói khách (Kim Trọng) người xinh trai lắm, bước đến đâu thì làm đẹp đó.“

Nguyễn Văn Vĩnh chú: “Tiré du portrait de Vương Diễn qu'un poète compara à une forêt de rubis aux arbres de pierres précieuses. Quỳnh lâm giao thụ.

Như vậy: 1) quỳnhdao là hai thứ ngọc quý, căn cứ vào cách viết chữ Hán và cách giải thích của Điển cố văn học, của Từ điển Truyện Kiều, của Tầm nguyên Từ điển, của Vân Hạc và của Nguyễn Văn Vĩnh; 2) cây quỳnh cành dao là nhằm chỉ nhân dạng, ngoại hình, phong thái, tư cách của một hay nhiều con người, căn cứ vào điển tích mô tả một nhân vật lịch sử tên là Vương Diễn nào đó
.

Tuy nhiên cá biệt cũng có tài liệu hiểu quỳnh là một loài cây; đó là trường hợp Diên Hương trong Thành ngữ Điển tích Từ điển : “Quỳnh thọ, quỳnh là cây quỳnh, thọ là cây ngọc dao, hai cây quý giá. nb. Người có cốt cách đẹp đẽ như tiên.“

Chuyển dịch

Nguyễn Văn Vĩnh: Tout ce coin ressemblait alors à une forêt dont les arbres fussent de rubis et les branches de pierres précieuses giao.

Xuân Phúc (Paul Schneider): Tout l'espace alentour fut comme illuminé par un arbre de rubis, une branche de jade.

Nguyễn Khắc Viện: Tout en lui respirait harmonie et beauté

Lê Xuân Thủy: the whole corner seemed as if imbued with the splendor of jewelled trees and boughs of jade.

Huỳnh Sanh Thông: the field now sparkled like some jade-and-ruby grove. Chú: “some jade-and-ruby grove / “ruby trees [with] jasper branches (cây quỳnh cành dao).“

Dao hay giao

Chữ Khang Hy phiên thiết là dư chiêu thiết , cho nên viết là dao thì đúng hơn là giao.

Các tài liệu sau đây viết dao trong câu thơ số 144 Truyện Kiều:

1) Thúy Kiều truyện tường chú, Quyển Thượng, Chú đính Chiêm-Vân-Thị, Phiên dịch và phụ chú Trúc-Viên Lê-Mạnh-Liêu, Bộ Văn-Hoá Giáo-Dục và Thanh-Niên, Sàigòn, tái bản lần thứ nhất, trang 93;

2.2) Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hànội, 1993, trang 460;
3) Truyện Kiều, bản nôm cổ nhất 1866, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo dị, chú giải, Nhà Xuất bản Văn Học, in lần thứ hai, 2006, trang 93;

4) Kiều, traduit du vietnamien par Nguyễn Khắc Viện, Editions Thế Giới, Hànội, 1994, trang 56;
5) Kim-Vân-Kiều, Roman-poème, Texte nôm, avec transcription, traduction, notes, glossaire et index des variantes établis par Xuân Phúc, Thanh Long, trang 12;

6) The Tale of Kiều, Translated and Annotated by Huỳnh Sanh Thông, Yale University Press, New Haven and London, 1983, page 8;

Ngoài ra còn có:

7) Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931, trang 147, mục từ dao : một thứ ngọc đẹp :
Cây quỳnh cành dao.

8) Điển cố văn học, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hànội, 1977, trang 71, mục từ cây quỳnh cành dao.

Các tài liệu sau đây ghi cành giao:

1) Truyện Kiều chú giải, Vân Hạc Văn-Hoè, Zieleks Publishing Co., trang 28;

2) Kim Vân Kiều, English Translation by Le-Xuan-Thuy, page 37;

3.3) Kim Vân Kiều, Traduction en francais par Nguyễn Văn Vĩnh, Nhà Xuất bản Văn Học (in theo bản của Nhà Xuất bản Alexandre de Rhodes, 1943 Hà Nội, page 48).

Cây quỳnh và cây cành giao

Quỳnh là một loài hoa có nhiều giống nên mang nhiều tên khoa học; chẳng hạn Epiphyllum oxypetalum (DC) Haw. hoặc Epiphyllum grandilobum Brotton & Rose, thuộc họ Xương rồng Cactaceae. Cây được trồng làm cảnh.

Cành giao còn có tên là thanh san hô, lục ngọc thụ, xương khô. Tên khoa học là Euphorbia tirucalli Lin., Euphorbia viminalis Mill., Euphorbia rhipsaloides Lem., thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae. Cây thường được trồng làm hàng rào. Alfred Pételot ghi cây này trong bộ Les plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam, Tome III, trang 75-76.

Kết luận

Thành ngữ cây quỳnh cành dao đề cập đến hai thứ ngọc quý và nhằm chỉ những cổ vật trang sức trình bày thành các cành cây với hoa lá dát bằng ngọc. Trong thiên nhiên có cây quỳnh và cây cành giao. Trong tên họ của nữ đồng nghiệp quá cố Hoàng Ngọc Quỳnh, có lẽ chữ quỳnh vốn chỉ loài ngọc nhưng nữ đồng nghiệp liên hội đến loài hoa cùng tên. Chị đặt tên cho con gái là Trần Ngọc Quỳnh Giao, có lẽ là nhằm chỉ hai loài ngọc quý.

Tên của nữ sĩ Quỳnh Giao (theo cách viết của Bà trên các số báo Văn Học trước đây) chắc là liên quan đến hai loài ngọc. Tiểu thuyết gia Đài loan được các dịch giả Việt Nam ghi tên là Quỳnh Dao; ghi như vậy là đúng theo phép phiên thiết.


(*)Thế thuyết - đời Đường gọi là Thế thuyết tân thư - là một tập tiểu thuyết cổ ghi lại những dật sự từ cuối đời Hán đến đời Đông Tấn trong giới sĩ đại phu. Hiện có bản chỉnh lý hiệu đính của Trung Hoa Thư cục phát hành năm 1984.


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading