Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Gia đình BS Nguyễn Duy Cung

Gia đình BS Nguyễn Duy Cung

ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (2)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
ĐƯỜNG RA ĐƠN VỊ

Chỉ vài ba năm sau Hiệp định Genève 1954 thì chiến tranh tại miền Nam Việt Nam tái phát dữ dội với những cuộc xâm lăng của quân đội chánh quy Bắc Việt, bằng hình thức vượt qua vĩ tuyến 17 tràn qua khu phi quân sự Bến Hải, men theo những đường mòn thiết lập trên dãy Trường Sơn, để len lỏi vào Cao Nguyên miền thượng và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều trận chiến ác liệt đã xảy ra khắp nơi trong Miền Nam, bùng phát mạnh hơn từ ngày Mặt Trận Giải Phóng được thành lập.

Vì nhu cầu quân sự, Quân Y hiện dịch khóa 7 chúng tôi được lịnh khẩn cấp trình diện Nha Quân Y để bổ sung ra các đơn vị chiến đấu ngoài tiền tuyến. Tôi được lịnh về Sư Đoàn 22 đang trấn đóng tại Kon Tum. Đây là Sư Đoàn bộ binh nhiều năng lực, với phù hiệu Tam Sơn Nhị Hà do Trung tá Nguyễn Bảo Trị, một cấp chỉ huy có nhiều kinh nghiệm chiến trường, được chọn để phòng thủ biên cương, chận đứng sức tiến của đoàn quân CS “sinh Bắc tử Nam” tại ải địa đầu Dakto-Tân Cảnh.

Tháng 6-1960, giã từ gia đình để lên đường ra đơn vị mới, mang theo trái tim tuổi trẻ nhiệt tình, mang theo vốn kiến thức chuyên môn học được từ giảng đường, tôi đã cảm nhận trước rằng mình sẽ gặp nhiều bận rộn trong những ngày tháng tới với trách nhiệm của một y sĩ chiến trường.

Chiếc xe lửa xuyên Việt ngừng lại nhà ga Tuy Hòa lúc xế trưa sau một thời gian dài vượt qua những đồng cỏ mênh mông, những rừng thưa bạt ngàn với xa xa là dãy Trường Sơn thoai thoải dần về miền Đông đất đỏ. Tuyến đường sắt từ Phan Thiết đến NhaTrang có nhiều nơi chạy dọc theo bờ biển, phong cảnh thật ngoạn mục. Tôi nhận ra những đồi cát trắng mịn vùng Mũi Né, Cà Ná đầy thơ mộng trong hàng dương ven bờ. Tôi cũng thấy ngọn đèo Cả hùng vĩ, và bãi cát vàng óng ánh dưới chân đèo đang mơn man làn nước biển trong xanh…Tôi thầm tiếc chiến tranh đã tàn phá quê hương gấm vóc của tổ tiên và nghĩ rằng nếu không có binh lửa thì những đồi núi hùng vĩ như thế nầy còn đẹp hơn biết bao nhiêu…

Qua đèo Rù-Rì là đến Trung tâm Huấn luyện Đồng Đế, thời còn là sinh viên Quân Y, chúng tôi đã được gởi đến nơi nầy để học quân sự trong mấy tháng Hè chung với toán quân Hoà Hảo của tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh qui thuận ở Chắc Cà Đao Long Xuyên. Trường Biệt Động Quân Nha Trang nổi tiếng là nề nếp và kỷ luật gắt gao, chỉ dành cho Hạ sĩ quan, binh sĩ. Trước kia trường Quân Y gởi sinh viên lên học quân sự tại trường Võ Bị Đà Lạt, nhưng từ năm 1957, Trung tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy trưởng của trường Võ Bị, không nhận Quân Y nữa với lý do các sinh viên nầy kém cỏi về phương diện quân phong quân kỷ. Chuyện nầy cũng đúng vì có lần trong số 52 sinh viên được gởi đến đây, đã có 32 anh phá kỷ luật, trốn ra ngoài chơi trong khi trường đang cấm trại 100% .

Vừa bước ra sân ga thì tôi đã thấy có một anh lính trẻ, gọn gàng trong quân phục tác chiến chạy đến lễ phép chào theo cung cách nhà binh:

  -“Em, Hạ sĩ I Phi, từ Đại đội 22 Quân Y trên Kon Tum, được lịnh đến đây đón bác sĩ ”

Giọng nói miền Trung và dáng vẻ nhanh nhẹn khi anh cầm túi xách nhẹ tưng của tôi, đi về một chiếc xe Dodge nhà binh có mui nâu bạc màu đang đậu gần đó chờ đợi, tôi nghĩ anh nhận ra tôi nhờ huy hiệu con rắn Quân Y mang trên ngực áo. Tài xế là một anh quân nhân trung niên, chững chạc, cấp bậc Trung sĩ bước xuống xe chào tôi. Để tiện việc điều hành đường xa, tôi đề nghị tất cả ba người đều ngồi băng trước.

Xe chạy đến ngã ba Phú Phong, gần quốc lộ 19 thì ngừng lại, tài xế phải kiểm tra xe để chắc chắn an toàn trước khi chuẩn bị leo núi. Trong khi chờ đợi, tôi ghé vào quán nước bên đường, chủ quán là một ông già quắc thước tráng kiện, tóc bạc hoa râm chắc cũng ngoài 60, ông đang tiện những khúc gỗ cẩm lai để làm gậy, trông rất mỹ thuật, thấy đẹp tôi hỏi mua vài cây để làm quà tặng cho bạn bè mới ở đơn vị sắp tới.

Biết gần đây có đền thờ vua Quang Trung nhưng tôi không còn thời gian để ghé qua viếng đền. Hình ảnh ông già mạnh mẽ ở quán nước bên đường làm tôi liên tưởng đến chuyện ngày xưa có ba anh em áo vải đã khởi nghĩa từ đây để gầy dựng nên nhà Nguyễn Tây Sơn, Bắc tiến đánh dẹp quân xâm lược Mãn Thanh ở trận Đống Đa giữ nguyên vẹn bờ cõi, làm rạng rỡ uy danh nòi giống. . Dân Bình Định nổi tiếng là võ nghệ cao cường, “đàn bà cũng biết đánh roi đi quyền.”

Xe lăn bánh tiếp tục cuộc hành trình, lúc đầu còn chạy bình thường, nhưng sau đó thì chậm dần vì đường đèo quá xấu, quanh co uốn khúc, anh tài xế phải cứng tay lái lắm mới đi nỗi đoạn đương gập ghềnh nầy. Qua khỏi đèo An Khê thì trời đã về chiều, đường dốc càng lúc càng cao, tai tôi như ù đi, sắp đến đèo Mang Yang, gió lạnh từ biển thổi lên lồng lộng, chiếc xe nhỏ nhoi len lỏi giữa một bên là vách núi cheo leo một bên là vực sâu thăm thẳm… tôi ngó mong ra ngoài nghĩ vẩn vơ, nếu có rủi ro gì thì…Trời cứu!

Tôi thấy lưng chừng núi có nhiều xe nhà binh còn nằm nghiêng ngả nên thắc mắc, anh tài xế cũng từng tham gia các trận chiến ở vùng nầy nên biết rất rõ chuyện. Anh nói ở đây, chung quanh toàn là núi cao rừng rậm. Năm 1954 trên trục lộ từ đèo MangYang tới đèo An Khê chỉ có khoảng 10 km mà đã từng diễn ra nhiều trận đánh long trời lở đất, binh lính chết không kịp chôn, đêm đến thú dữ như hổ báo, heo rừng thường hay lảng vảng về đây kiếm mồi. Có một binh đoàn cơ giới nặng của Pháp từng oai hùng tham dự trận chiến ở Triều Tiên được rút về đây để tăng cường phòng thủ Tây Nguyên, đã bị một trung đoàn VC phục kích đánh gần như tan rã. Ngoài ngọn đồi nhỏ tương đối bằng phẳng được làm thành nghĩa trang cho quân nhân Pháp tử trận nói trên, còn nhiều bia đá tưởng niệm dựng rải rác dọc theo quốc lộ. Trong cảnh núi rừng hoang vắng, những ngôi mộ chênh vênh trông thật cô đơn lạnh lẽo dưới bóng chiều tà.

Màn đêm xuống nhanh, phong quang càng trở nên âm u rùng rợn bởi tiếng gió rít từng cơn hoà lẫn với tiếng côn trùng rên rỉ, và âm điệu gầm rú của thú dữ trong rừng già càng làm tăng thêm trí tưởng tượng của tôi về những mẫu chuyện kỳ bí miền sơn cước Chapa, Miến Điện đã được đọc khi còn nhỏ.
Xe chạy qua cây cầu sắt nhỏ hẹp, thấy xa xa vài ánh sáng lập lòe, tôi nghĩ thầm chắc sắp tới nơi, liền đưa tay sờ soạn túi xách quần áo như để chuẩn bị xuống xe.

Ai dè tới ngã ba, thay vì quẹo về hướng ánh đèn, xe lại rẽ phải, tiếp tục chạy nhanh hơn, anh Trung Sĩ tài xế dường như hiểu ý tôi nói nho nhỏ: “Mình đang đi trên quốc lộ 14 về Kon Tum Bác sĩ à, còn đường kia là đi Pleiku, Ban Mê Thuột, Bà Rá...” Biết mình mừng hụt, tôi làm thinh ngồi tiếc nuối nhìn ánh đèn mờ dần rồi khuất hẳn phía sau. Chiếc xe lại đơn độc lao mình trong đêm tối “No đường thiên lý còn xa mịt mờ.” Đường cao nguyên đất đỏ trơn trợt khi sương đêm phủ kín núi rừng, tôi muốn nhìn lên bầu trời tìm sao để định hướng như lúc còn là thuyền trưởng lênh đênh ngoài khơi, nhưng ở đây thì rừng cao san sát, che lấp cả khung trời thơ mộng, không giống như ngoài biển cả mênh mông, tầm nhìn xa tắp tận chân trời.

Đang mơ màng nghĩ ngợi đâu đâu thì bỗng nghe tiếng gió rít mạnh như muốn tung tấm bạt xe cũ kỹ, rồi một trận mưa như thác đổ trút xuống, nước mưa hắt mạnh vào trong xe khiến cả người tôi ướt sũng, lạnh run. Lúc đi tôi quên mặc thêm áo ấm, quên cả áo đi mưa. Đèn xe mờ đi, chỉ đủ soi sáng từng khoảng ngắn trên đường đèo lầy lội. Cơn mưa rào nhưng thật dữ dội, nước trên cao chảy mạnh xuống làm xoáy thêm những đường rãnh nứt nẻ hai bên lề, sình lầy trơn trợt nên mỗi lần bị thắng gấp, chiếc xe vặn vẹo như người say rượu muốn té chổng gọng, anh tài xế không còn cách nào khác hơn là giảm tốc độ. Xe gần như bò từng khoảng ngắn. Vài tia chớp lóe lên đủ để thấy chập chờn những ngọn đồi nhỏ nối tiếp nhau thoai thoải chung quanh xe.

Đã hơn 8 giờ tối, xa xa lại thấy lập lòe vài tia sáng, lần nầy thì anh Hạ Sĩ Nhất mới có nụ cười rạng rỡ lên tiếng: “Gần tới nơi rồi, bác sĩ”. Xe lăn bánh trên con đường trải đá, qua một cây cầu nhỏ, chạy quanh co trong thành phố vắng tanh, nhà cửa lưa thưa, đèn đường leo lét… Có tiếng chuông chùa văng vẳng xa xăm. Cuối cùng xe ngừng lại trước một dãy nhà trệt, tường gạch lợp ngói. Chắc là “giang sơn đầu đời” của tôi đây.

Căn bìa có một diện tích khiêm nhường với bức tường lửng ngăn đôi, phòng ngoài tương đối rộng rải, có hai giường sắt nhà binh kê trong góc, giữa nhà là một bàn tròn nhỏ có bốn ghế bằng mây, vừa làm bàn ăn, vừa làm nơi tiếp khách… bên trong là cái kho chật hẹp, vừa đủ kê hai giường bố xếp chừa giữa khoảng đi. Tôi đến trể nên chỉ còn một giường bố để trống ở cuối vách bên trong. Phía sau là nhà bếp trông ra khoảnh vườn nhỏ trồng mồng tơi, cà chua, hành ớt.

Đây là nhà trọ do nhóm sĩ quan độc thân trong đơn vị Quân Y 22 hùn nhau thuê, anh nha sĩ Trần Túc và anh dược sĩ Lý Công Tuấn đến đầu tiên nên dành hai cái giường phía trước. Căn cứ Quân Y nằm trong một thung lũng gần sông Dakbla, trên khoảng đất trống dưới chân đồi, ngang Tổng hành dinh của Sư Đoàn 22BB. Băng ngang con suối cạn là đến nhà xe của đơn vị, kho tiếp liệu, kho thuốc, văn phòng hành chánh…

Cách một sân chào cờ rộng như sân banh là phòng khám bịnh, phòng điều trị, phòng nha khoa. Một dãy nhà xây đơn giản vách ván lợp tole, gần đó là kho súng, vọng gác của trại lính. Toàn khu vực chỉ có hàng cây bả đậu lâu đời, cành lá xum xuê . Xa xa là cánh đồng ruộng mênh mông. Muốn đến bịnh xá, xe cứu thương phải chạy một vòng xuyên qua thành phố, ngang Tổng hành dinh Sư đoàn, xuống một con đường đất đầy hang lỗ gập ghềnh, mùa nắng thì bụi mù trời và mùa mưa thì trơn trợt.

Tôi đang trò chuyện cùng anh em mới quen trong phòng thì Bác Sĩ trưởng Phạm Ngọc Tùng cũng vừa từ đơn vị ghé qua. Tôi trình diện anh, anh thân mật hỏi han về chuyện đi đường, anh cũng chỉ dẫn tận tường về cuộc sống ở đây, nhấn mạnh rằng sự bỡ ngỡ ban đầu ai cũng có, nhưng chắc chắn về sau sẽ quen đi. Anh Tùng học trên tôi hai lớp, theo lời anh em kể lại sau nầy thì anh Tùng là bậc đàn anh rất đáng kính, đối xử công bình với anh em thuộc quyền, làm việc có trách nhiệm, đêm nào cũng ở lại văn phòng của đơn vị làm việc cho đến khuya lơ. Anh phục vụ trên vùng cao nguyên nầy cũng đã lâu bộn rồi, chắc anh sẽ được thuyên chuyển về một nơi khác trong thời gian tới không xa.

Komtum những năm gần đây không còn là một địa điểm nghỉ mát lý tưởng như ngày xưa nữa, mà đang trở thành một tuyến đầu vô cùng nguy hiểm kể từ ngày Bắc Việt lén lút thiết lập thêm những con đường mòn chạy dọc trên đỉnh Trường Sơn để xâm nhập người và vũ khí vào vùng cao nguyên và đồng bằng sông Cửu long. Theo tin tức của Sư Đoàn và của những đơn vị thám báo tinh nhuệ thì những năm tháng vừa rồi có những cuộc chuyển quân qui mô của Bắc Việt trên đường mòn Trường Sơn Tây và trong vùng thung lũng rộng lớn của sông Poko phía nam quần sơn Ngọc Lĩnh. Sư Đoàn đang trông chờ những trận đánh lớn vào những ngày sắp tới. Và tôi nhận nhiệm vụ đầu tiên của đời quân ngũ trong tư thế sẵn sàng để chiến đấu với sự bình tĩnh của người thanh niên thời chiến.

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading