Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Ban Dịch Thuật: Lý Văn Quý - Nguyễn Hiền - Nguyễn Hoàng Diệu - Trịnh Bình An
Nguyên tác tiếng Anh
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Chương 12
“Đề Lô” Đại đội Bravo 1/26
Ngay từ lúc đầu, khi các lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ tham gia vào Thế Chiến Thứ Hai thì sự lệ thuộc vào sức mạnh vật chất của các ngành kỹ nghệ dân sự để sản xuất ra những khối lượng chiến cụ khổng lồ đã tác động rõ ràng lên phương cách chiến đấu của họ. Các ứng dụng về hỏa lực hùng hậu và tinh vi bất kỳ khi nào làm được nhằm thay thế nhân sự đã được ứng dụng rộng rãi trong mọi trường hợp cho phép. Binh đoàn TQLC Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong việc cố gắng áp dụng và phối hợp các phương tiện hủy diệt khác nhau có trong tay - hải pháo, phi pháo, pháo binh - và hội tụ sức tàn phá của các vũ khí này xuống một vùng thật nhỏ mà họ vẫn kiểm soát được.
Tất cả các sĩ quan TQLC đã tham dự ở trường huấn luyện TBS đều được học qua về lý thuyết phối hợp tác chiến với hỏa lực yểm trợ. Khi các Trung đội trưởng mới đến nhận nhiệm vụ tác chiến tại Việt Nam, họ phải có khả năng gọi và điều chỉnh hỏa lực yểm trợ súng cối và pháo binh, cũng như phải biết gọi không quân yểm trợ ở khoảng cách gần.
Một khi anh đã nắm quyền chỉ huy một đại đội bộ binh, anh phải có thể làm chủ được khả năng gọi và phối hợp mọi phương tiện hủy diệt người ta dành cho anh. Sự lanh lợi của một cấp chỉ huy để có thể sử dụng các phương tiện này một cách khéo léo và quản lý được chúng là một trong số vài ba tài nghệ anh không được phép để sơ sẩy. Toàn bộ sự sống còn của đại đội thường tùy thuộc vào những phương tiện này.
Để trở thành sĩ quan đề lô giỏi, một sĩ quan trẻ cần phải làm nhiều chuyện cho thật đúng và cùng một lúc. Đề lô sắc bén lại cần phải hiểu và đoán trước hướng suy nghĩ của vị chỉ huy mà anh đang làm việc chung. Trong tình huống đang đụng độ hay có thể sắp đụng độ, đề lô cần phải biết ý định của chỉ huy khi ông ta đang tính kế hay khi ra lệnh.
Đề lô phải nhận thức được phong thái chỉ huy riêng của từng Đại đội trưởng. Anh cũng cần phải hiểu thấu đáo nhiệm vụ của mình - ngày cũng như đêm - và phải lưu tâm đến nhiều tình huống bất ngờ khác nhau. Anh cần phải nắm vững địa hình, độ cao thấp của mặt đất thuộc khu vực mà đơn vị anh đang hoạt động và di chuyển, cũng như hiệu quả của hỏa lực sẽ ra sao. Đề lô còn phải có kỹ thuật di hành giỏi và trong mọi lúc, phải nắm chắc vị trí chính xác của đơn vị mình để đến khi gọi tác xạ yểm trợ thì đạn rơi trúng kẻ thù chứ không phải là phe ta. Ngoài ra anh cần phải đi trước hai hay ba bước trong đầu Đại đội trưởng để khi các TQLC bị cú bất ngờ, hỏa lực yểm trợ sẽ nhanh chóng, chính xác và áp đảo.
Khi đại đội thiết lập hệ thống phòng thủ cho buổi tối, sĩ quan đề lô cần phải xây dựng một bức màn thép theo nghĩa đen - gọi là lưới lửa ban đêm - chung quanh vị trí của đại đội để phòng hờ trong trường hợp kẻ thù tấn công.
Thường thì cũng hữu ích nếu biết tính toán và xác định - tức bắn thăm dò - mục tiêu từ trước. Khi các pháo thủ phía sau đã có sẵn các dữ kiện kỹ thuật rồi thì việc bắn đi những quả đạn trúng mục tiêu dễ dàng hơn khi có yêu cầu. Việc chuyển nòng bắn qua các mục tiêu lân cận cũng nhanh hơn nếu tọa độ các mục tiêu đã được xác định sẵn, trước khi đụng độ thật sự xảy ra.
Trong vấn đề nhân sự, sĩ quan đề lô cần biết chắc là nhân viên truyền tin được chỉ định đi chung phải là một người giỏi và có đầy đủ khả năng. Một đề lô biết lo xa còn phải bỏ thời gian để chỉ cho truyền tin cách gọi hỏa lực yểm trợ càng kỹ càng tốt để phòng hờ trường hợp anh bị trúng đạn, truyền tin vẫn tiếp tục thi hành được công tác. Trong chuyện này George cực kỳ may mắn có được tay truyền tin đã từng làm việc chung tại Khe Sanh với tay sĩ quan đề lô đã tử trận gần đây. Đó là Binh nhất Tom O'Grady. Anh chàng này đã chăm sóc cho George để bảo đảm viên sĩ quan đề lô mới được nhập cuộc và sẵn sàng. Hai người sau đó đã hết sức gần gũi với nhau trong điều kiện cấp bậc cho phép và họ trở thành một toán đề lô làm việc rất hiệu quả.
Một sĩ quan đề lô pháo binh tài ba là một kỹ thuật viên khéo léo trong lãnh vực khoa học pháo binh. Nếu anh càng giỏi chừng nào trong cái nghệ thuật "hủy diệt" đó thì nỗi lo lắng của sĩ quan chỉ huy càng ít đi chừng đó khi bước vào chiến trận.
Theo quân số thì mỗi đại đội bộ binh TQLC ra chiến trường tại Việt Nam đều phải có một sĩ quan đề lô pháo binh tốt nghiệp từ trường Ft. Sill. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Cũng theo cấp số thì mỗi đại đội bộ binh TQLC đưa vào chiến trường Việt Nam đều phải có một đại đội trưởng hoàn toàn sẵn sàng nhập cuộc và đầy đủ khả năng trên mọi phương diện. Trên thực tế cũng không phải lúc nào cũng vậy.
Đại đội Bravo tại Khe Sanh đã từng được chỉ huy bởi Đại úy Ken Pipes. Giống như John Ripley, Kenny Pipes là một chiến binh lão luyện và hết sức nhiệt tình với lòng trung thành mà các thuộc cấp dành cho anh. Các TQLC dưới quyền đều tôn thờ và yêu mến vị chỉ huy của mình. Trong mọi hoàn cảnh có thể tưởng tượng ra được, thời chiến cũng như thời bình, Đại úy Pipes có lẽ là một mẫu người chỉ huy rất khó mà ai bắt chước nổi. Đại úy Pipes vừa hết quyền chỉ huy Đại đội Bravo thì George Philip đến và huyền thoại của vị Đại đội trưởng cũ vẫn còn sống mãi trong những câu chuyện truyền tụng lại bởi các binh sĩ và sĩ quan của đại đội.
Tay Đại đội trưởng mới thay thế Đại úy Pipes chứng tỏ cho George Philip thấy là ngay cả binh đoàn TQLC cũng có những người không giỏi lắm. Đại đội trưởng mới này xuất thân chỉ là trưng tập, còn gọi là "ngựa hoang" (mustang) và không thể nào sánh nổi bằng Đại úy Pipes. Những lời nhận xét thừa thãi và mang tính chỉ trích của anh khi nói chuyện trước toàn thể đại đội hay từng toán nhỏ chỉ làm bực mình thêm các TQLC, ngựa hoang hay không hoang cũng vậy. May mắn là cái nhóm nhỏ Trung đội trưởng từng được Pipes huấn luyện đã bổ sung cho các thiếu sót từ cấp chỉ huy ở trên. Do đó Đại đội Bravo vẫn duy trì được sức chiến đấu hữu hiệu.
Thiếu úy Philip trên thực tế đã trình diện Đại đội Bravo tại thôn Mỹ Thủy, nằm trên bờ gần cửa biển của sông Cửa Việt. Toàn bộ Lục Quân, Hải Quân và TQLC đã gầy dựng nên một hệ thống tiếp vận gần bờ, gọi là LOTS (Logistics Over The Shore) nhằm đón nhận các đồ tiếp viện sau đó được chuyển bằng tàu đổ bộ ngược dòng sông cho đến Đông Hà. Với một cái tên như thôn Mỹ Thủy thì chẳng bao lâu sau những người Mỹ không nói được tiếng Việt phải chế ra một cái tên khác dễ đọc hơn.
Trung tá Charles Sunder nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn Chuyển Vận 159 của quân đội, đơn vị chính lo chuyện tiếp vận tại đây. Thuộc cấp của ông tự nhận là "các ông thần của Wunder." Từ đó địa danh Mỹ Thủy được đặt thêm tên là "bãi biển Wunder." Nghe không hợp lý lắm nhưng rồi cũng chết cái tên luôn.
Bộ đội Bắc Việt và quân Việt Cộng thường không ngần ngại xâm nhập vào những vùng mà quân Hoa Kỳ quan tâm nhiều nhất thành thử do vị trí chiến lược cộng với lưu thông đường thủy và đường biển nơi sông Cửa Việt đổ vào Biển Đông đã tạo cho "bãi biển Wunder" trở thành một vùng tranh chấp. Tuy nhiên đối với các TQLC của Tiểu đoàn 1/26 thì công tác giữ an ninh tại "bãi biển Wunder" tuy không hẳn là một cuộc dạo chơi nhưng cũng thoải mái hơn mặt trận mà họ vừa trải qua.
Đại đội Bravo hiện được giao trách nhiệm trong vùng bãi biển Wunder đã may mắn có các Trung đội trưởng, chỉ riêng chuyện họ sống sót qua trận Khe Sanh, đã trở thành một nhóm chiến binh dày dạn và đầy kinh nghiệm chiến đấu. George Philip ngay lập tức cảm thấy thoải mái như người nhà khi được đón tiếp bởi những người như John "Matt" Dillon, Pete Weiss, và Charlie Sharples. Cả ba đều là những sĩ quan TQLC tích cực, có khả năng, chuyên nghiệp, giỏi về chiến thuật và lúc nào cần thiết cũng tỏ ra có óc khôi hài một cách ồn ào. Trong ba người thì "Matt" Dillon, giống như nhân vật trong tập phim truyền hình Gunsmoke mà anh được gán cho cái tên, thật sự là sếp sòng trong nhóm và khi nào Đại đội trưởng đi vắng là anh sẽ dẫn dắt Đại đội Bravo theo phong cách mà thần tượng và ông thầy Đại úy Pipes hẳn sẽ rất hãnh diện.
George Philip được nhập cuộc vào các hoạt động của Đại đội Bravo 1/26 ngay lập tức. Cũng may là anh có tay truyền tin là Binh nhất O'Grady đã có chút vốn liếng kinh nghiệm trong túi rồi và những tay Trung đội trưởng thì có vẻ có thiện cảm với anh. Cùng với sự huấn luyện về kỹ thuật đã được học qua, chỉ riêng lời khuyên của người bố dượng trước khi anh lên đường, "Liệu mà cúi đầu cúi đít thấp xuống con ạ" đã chứng tỏ rất chí lý ngay từ đầu.
Một buổi trưa trong tuần lễ đầu tiên tại đơn vị mới lúc còn đang đóng tại bãi biển Wunder, George và Binh nhất O'Grady lên nóc chót vót của một cái lô-cốt cũ từ thời Pháp, phơi mình ra tứ phía với sự tin tưởng là không có kẻ thù chung quanh. Họ làm công tác đề lô và đánh dấu các mục tiêu một các thong thả, cứ như trong thời bình vậy, chẳng dè bị sơ suất. Lúc đó Thiếu úy Philip đang ở trần và đang tập trung vào một mục tiêu cách đó vào khoảng một ngàn thước. Anh mải ngắm ống kính nên thoạt đầu không thấy cái tên VC lẻ loi mặc áo bà ba đen đang mò ra khỏi hàng cây ngoài tầm ngắm của anh. May là Binh nhất O'Grady lại vừa nhìn về hướng đó.
May mắn cho anh là tên VC có lẽ được trang bị một khẩu súng nào đó không phải là loại cực mạnh chuyên để bắn sẻ. Hắn bắn vội vàng vài phát trước khi O'Grady bắn trả lại. Không biết những viên đạn bắn hụt qua anh vài phân hay vài gang tay nhưng George Philip cũng cảm thấy cái áp lực và luồng không khí xé ngang khi những viên đạn gần như là sượt qua tai. Anh rất bực với chính mình vì đã quá cẩu thả và đáng lẽ phải biết chuyện này rồi. Tuy vậy ngay sau đó anh cũng cảm thấy biết ơn về bài học đầu tiên và duy nhất ngoài chiến trường đáng giá này. Anh sẽ không bao giờ mắc phải cái sai lầm này nữa. Anh tự nhủ, "Con biết rồi, bố ơi." Trong nháy mắt, tên VC biến mất vào trong bụi rậm nơi hắn vừa chui ra, làm như không có chuyện gì xảy ra vậy.
Trường đời thực tế trong chiến đấu luôn luôn mở rộng ngày và đêm trong suốt quá trình chu kỳ nhiệm vụ của một quân nhân tại Việt Nam. Chỉ một vài ngày sau sự việc xảy ra trên nóc lô-cốt cũ thời Tây, Đại đội Bravo cho bố trí canh phòng đêm quanh vùng bãi biển Wunder. Như đã được huấn luyện và lần này thì làm thật ở Việt Nam, sĩ quan đề lô George Philip sửa soạn các mục tiêu có thể phải tác xạ ban đêm. George báo về pháo đội tọa độ các mục tiêu phải yểm trợ cho Đại đội đêm hôm đó. Sự chọn lựa các mục tiêu phòng thủ ban đêm tương đối dễ và dựa vào sự suy nghĩ thông thường, khác với việc bắn pháo binh thực thụ đòi hỏi sự tính toán nhiều hơn.
Trường hợp này, đề lô chỉ cần đoán kẻ thù có thể tấn công từ đâu, và đặt súng chỗ nào v.v... Sau đó thì cố gắng "sơi" chúng trước khi chúng bắn phe ta. Việc nhận dạng các mục tiêu hiển nhiên và mơ hồ như vậy đã được thảo luận trong lớp học và trong những buổi thực tập tại Ft. Sill. Không có chuyện đúng hoặc sai trong việc lựa chọn mục tiêu để bắn khi phòng thủ ban đêm. Sau khi chắc chắn là những mục tiêu không nhắm vào thường dân vô tội, tất cả những gì thực sự quan trọng còn lại là giết được kẻ thù và không cho chúng hại phe ta.
Trong lúc George và truyền tin đang lập danh sách mục tiêu thì họ thấy có một vị trí quá rõ không thể sót được. Đó là một con đường đất trải dài vài ngàn thước qua một cánh đồng trống trải và chấm dứt nơi một rặng cây. Đúng là một chỗ lý tưởng để đặt súng cối. Trong ba hay bốn mục tiêu đã chọn, George còn báo cho pháo đội bắn thử trái khói vào những chỗ đó cho chắc ăn lúc trời còn sáng. Bây giờ nếu thật sự cần thiết chỉ cần gọi điện đàm báo cho pháo thủ bảo bắn vào mục tiêu số mấy, số mấy là xong. Mọi chuyện sắp sẵn cả rồi.
Khuya hôm đó, George thấy một điều tưởng chừng như không bao giờ thấy được và khi thấy rồi thì sẽ nghĩ là chắc không thể xảy ra thêm một lần nào nữa. Trong bóng đêm xuyên qua lỗ châu mai anh thấy những tia chớp không thể lầm được và vài giây sau đó là tiếng "đề-pa" đạn súng cối rời khỏi nòng... ngay từ chỗ mà anh và Binh nhất O'Grady đã đoán trước và sửa soạn sẵn rồi.
Ngay tích tắc sau đó, George gọi điện về pháo đội yêu cầu bắn yểm trợ: "Yêu cầu bắn yểm trợ... Mục tiêu Alpha Tango..." Một lệnh yêu cầu hoàn hảo nhất. George hết sức phấn khởi vì anh nghĩ rằng nếu mọi chuyện y như trong trường huấn luyện thì pháo binh trả đũa sẽ xảy ra ngay tức khắc và sơi được vài tên gian ác. Nhưng đây là Việt Nam. Và họ không còn ở Khe Sanh nữa. Bãi biển Wunder gần khu đông dân cư và có nhiều dân thường thật sự người Mỹ không thể sát hại được.
Thay vì xác định đã nhận được yêu cầu và cho bắn rồi thì pháo đội trả lời: "Chờ một chút... over." "Chờ một chút" rốt cuộc thành "nhiều chút." Lúc này thì viên sĩ quan đề lô thực sự đã bị tạt gáo nước lạnh vào mặt vì thực tế các quy tắc giao tranh trong những vùng mà người dân sinh sống gần đó hay những nhu cầu về chính trị đã vượt qua cơ hội có thể tiêu diệt các mục tiêu bất ngờ.
George được ai đó báo cho biết là trước khi bắn phải xin phép ông xã trưởng tại địa phương và "chờ một chút" trở thành nửa tiếng đồng hồ. Đến khi lệnh bắn được chấp thuận thì dĩ nhiên là khẩu bích kích pháo của địch đã cao bay xa chạy mất rồi. George than thở với Binh nhất O'Grady: "thằng khốn nạn giờ này đã chạy về núp váy mẹ nó rồi." Anh bực dọc hủy bỏ lệnh bắn. Chào mừng đã nhập cuộc. Chào mừng đến Việt Nam. Liệu mà giữ cái đầu và cái đít thấp xuống con ạ...
Những gì mà mọi người cho là bình thường, ghê gớm hay khôi hài sẽ trở thành những điều hoàn toàn khác hẳn nếu đem vào hoàn cảnh tàn bạo của chiến tranh. Đối với những người chiến đấu trong rừng rậm Việt Nam thì sự chết chóc hay bị cụt tay chân luôn luôn là bạn đồng hành với họ, cho bản thân họ hay cho đồng đội. Phương thức mà mỗi người tự chọn để đáp ứng lại, tùy theo tính khí của người đó đối với sự khốc liệt của chiến tranh và các tình huống đưa đến sự khôi hài đen chính là khả năng thích ứng và kiên trì của họ.
Chưa đầy một tuần lễ sau biến cố pháo kích ban đêm từ rặng cây thì Đại đội Bravo được điều đi hành quân trong một vùng rừng sâu. Địa thế hiểm trở muôn thuở đã khiến họ phải đi hàng dọc theo con đường mòn trong rừng. Như thường lệ sau mỗi giờ di hành, đại đội được dừng quân để nghỉ trong vòng 10 phút. Lúc này cơ thể Thiếu úy Philip vẫn chưa quen nổi với khẩu phần C-rations và uống nước suối rừng nên anh khập khiễng lê bước, thỉnh thoảng lại bị những cơn tháo dạ hành hạ.
Vào sâu trong lòng vùng địch, các binh sĩ Đại đội Bravo buông mình xuống tạm thời nghỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi trong lúc vẫn phải canh chừng an ninh chung. Đi gần đầu hàng quân, George vượt qua trinh sát và lặng lẽ ra hiệu cho biết anh muốn đi đâu và định làm cái gì. Từ con đường mòn, George tạt khoảng 15 độ vào khu rừng, bước thêm chục bước rồi sụp xuống tụt quần ra. Mải cởi quần để giải quyết vấn đề, anh chưa kịp ngồi một cách ngay ngắn thì chợt nghe một vài tiếng vọng rõ ràng không phải là của phe TQLC.
Thấp thoáng qua bụi rậm từ vị trí ngồi xổm, anh trông thấy bóng dáng bốn tên bộ đội Bắc Việt. Chúng có lẽ thuộc vào một toán súng cối hay gì đó.
Ngay lập tức cơn đau bụng biến mất. Anh rút khẩu .45 ra và không kịp kéo quần lên, vội vã lom khom mò về vị trí của Đại đội Bravo. Cái mông trắng như hoa lily vẫn còn lồ lộ ra đó, anh thảng thốt thều thào, khá giống nhân vật Paul Revere (thời nội chiến Hoa Kỳ lúc báo sự xuất hiện của quân Anh tại Lexington), cố gắng nói đủ lớn cho phe ta nghe mà không đánh động đến kẻ thù: "VC! VC!"
Các TQLC gần anh lập tức truyền tin xuống hàng dưới. Ngay lúc George vừa nhập bọn và mặc quần lại, các TQLC lập tức nhả đạn ra từ tất cả các loại vũ khí có sẵn theo một phong cách hoàn toàn đặc trưng của người Mỹ. Bốn tên VC vội vã vọt chạy trên con đường mòn với hy vọng sẽ thoát khỏi hàng ngàn và hàng ngàn viên đạn súng trường M.16 và súng đại liên M.60, bồi thêm bốn hay năm phát súng lục mà Thiếu úy Philip nhả ra một cách chính xác nữa.
Với số lượng đạn dược bắn ra như vậy thì Đại đội Bravo sau cùng cũng hạ được một tên bộ đội Bắc Việt. Xác hắn bị đồng bọn bỏ lại đằng sau. Chẳng rõ còn có tên nào trong số ba tên còn lại bị trúng đạn hay không, nhưng không thấy có vết máu để lại phía sau.
Chiều hôm đó, lúc Đại đội Bravo thiết lập vị trí phòng thủ ban đêm và các sĩ quan túm tụm lại tán dóc tại ban chỉ huy thì câu chuyện cuối cùng cũng lái về tên VC bị giết. Với gưong mặt tỉnh bơ, tuy không nhìn thẳng vào mặt George nhưng cố ý cho anh nghe được, Matt Dillon nói với Weiss và Sharples: "Hê, tụi bay có thấy thằng VC không? Nó có ba hay bốn viên súng lục .45 trong mình là cái chắc!" Tất cả đồng loạt quay đầu lại ngó George, các khuôn mặt nghiêm trang bấy giờ trở thành méo mó vì cố nhịn cười. George chắc chắn đã được nhập bọn rồi.
Ngoại trừ những lúc giỡn chơi và khôi hài, mọi chuyện bắt đầu với George là một giai đoạn hành quân liên tục mà không xảy ra biến cố gì quan trọng lắm, ít nhất là dưới khía cạnh tác chiến và chiến thuật đang ngày càng tiến bộ của anh. Đại đội Bravo có thể di chuyển chiến đấu tại những vùng có các địa thế khác nhau nhưng tựu chung đối với mọi người, một ngày trong rừng rậm là một cơ hội để họ có thể bị mất mạng hay bị thương. Các cuộc đụng độ với đối phương không khác nhau mấy. Mỗi lần đụng trận họ thường không thấy tận mắt kẻ địch đâu cả. Chiến tranh cứ thế mà diễn ra, ngày nào cũng như ngày nấy. Họ ra đi trong hai tuần, về lại để nghỉ vài ngày rồi lại đi tiếp. Cứ thế mãi, trừ phi họ tham gia vào một cái gì đó lớn hơn, một chiến dịch có "tên" đàng hoàng và trong trường hợp đó thì họ có thể ở lại lâu hơn. Không có ngày nghỉ cuối tuần, không có giờ hạnh phúc tan tầm, không có tiền lương giờ phụ trội. Suốt các tháng Năm, tháng Sáu, tháng Bẩy, tháng Tám qua đến tháng Chín chỉ là những chuỗi ngày chiến đấu vất vả. Giống như trường hợp các trinh sát của Ripley, cái ngày đánh dấu một tuần là ngày Chủ nhật khi tay thường vụ đại đội phân phát thuốc ngừa sốt rét.
Bưu tín và tin có thư là biến cố thật lớn và quan trọng. Các em gái Jody và Betsy của George rất siêng năng viết cho ông anh về mọi chuyện xảy ra trong gia đình, các vấn đề mà các cô thiếu nữ thường để tâm đến, và những lời khuyên theo lối dễ thương và ngây thơ của các cô gái mới lớn là ông anh ráng "núp cho kỹ vào." Ngoài ra các cô cũng tiếp tế cho ông anh thật đầy đủ bánh sô-cô-la, cứ mỗi lần nhận được là chia hết cho mọi người và tiêu thụ lập tức.
Thư của George gởi về nhà thì kỹ lưỡng và vô thưởng vô phạt. Ông bố dượng Will Helmer rành sáu câu lắm rồi trong khi những người khác thì không cần thiết phải biết hết mọi chuyện. Mấy cô em còn quá trẻ và anh không muốn mẹ anh phải lo lắng vì chắc chắn bà sẽ đọc những lá thư đó và tìm mọi lý do để mà rầu rĩ.