Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

PGC
Phåm Gia C˜n Vài Góc Cånh Trong Cu¶c ñ©i Tœ Nån
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Thưa anh Cổn:
Đại hội YND sẽ tổ chức năm nay, 2015, tại Wash DC 2123 Aug. Mong các Anh Chị có thể sang tham dự vì không biết bao giờ và có con cơ hội nữa hay không để gặp nhau. Chủ đề của Đại hội là Celebrations of 40 years of progress and contribution, hướng về tương lai cho giới trẻ hãnh diện mà tiếp tục phục vụ.

Đặc san  cho người già đọc lại có ý ôn cố, hướng về nhìn lại chặng đường 40 năm đa đi qua, những đau khổ, cố gắng, hàn gắn, phục vụ, dấn thân, đầy tình nhân bản (humanities). Một chị trong ban tổchức có viết như sau:

-I have thought a lot about the topic that you want to bring forward the recording of individual reflections of our life, work, struggles, goals…over the last 4 decades. I wonder if you could and should raise some questions that we, the responders, should follow, so there would be more of a parallel comparison, from one to another.

Xin Anh Cổn cho một bài ngắn kể qua những khó khăn 40 năm trước, khi ra khỏi nước và học tập để trở lại nghề; nhưng quan trọng hơn, đời sống sau khi đã ổn định, đời sống nghề nghiệp, tình cảm, phục vụ cộng đồng (đai phát thanh) va đồng nghiệp (hội BS Cali, hội Hoa kỳ), đời nghệ sỹ nhạc sỹ, sinh hoạt võ đường ngày hôm nay v.v. chia sẻ với các đồng nghiệp.
Kính mến,


Lời nhắn gọi của ban biên tập khiến tôi khó nghĩ quá.Từ trước đến giờ, đối với tôi, viết lách là cả một cực hình. Nói một cách khác, tôi rất sợ viết! Chưa bao giờ tôi đặt bút để viết một vài cảm nghĩ về quá khứ của chính mình!

Bạn bè thường khuyến khích tôi viết. Họ bảo, tôi đã nói được, tất nhiên sẽ viết được. Hơn nữa, họ bảo, tôi cũng đã từng là cựu chủ tịch Hội Y Sĩ, đã từng phục vụ trong quân ngũ, là y sĩ tình nguyện trong binh chủng Nhảy Dù, một đơn vị Tổng Trừ Bị xuất sắc của Quân Lực Miền Nam Cộng Hòa trước đây, đã từng vào sinh ra tử, xông pha trong lửa đạn trên các mặt trận lẫy lừng, khét tiếng như từ An Lộc, Tân Cảnh, Tam Biên cho tới Quảng Trị. Nơi đâu tôi cũng đặt chân đến rồi lại đi. Đời tôi là cả cuộc hành trình dài sương gió. Đó chính là cái kho tàng quí giá nhất, những đề tài sống động, có thực, nói lên bằng mồ hôi, máu, cùng nước mắt mà tôi có thể viết ra, trải rộng, chia sẻ đến các bạn và các thế hệ mai sau.

Vậy tôi có thể viết, viết về cảm tưởng của chính mình, sau bốn mươi năm nhìn lại một chặng đường dài, cùng những gi đang đến ở trước mặt! Và tôi bắt đầu viết. Tôi mong sẽ không làm phiền người đọc!

Bần thần với nỗi suy tư đặc quánh ở bên trong. Bốn mươi năm. Tôi tự lẩm bẩm với chính mình. Bốn mươi năm tôi vẫn đứng ở nơi đây. Bốn mươi năm thoáng qua đời người, chẳng khác nào như cánh chim vụt qua khung cửa. Bốn mươi năm, tôi giật mình ngoảnh lại, chợt thấy đời mình đã ngả bóng hoàng hôn. Bốn mươi năm còn đọng lại ở trong tôi được những gì! Nỗi xót xa, khắc khoải về quê hương tôi ở bên đấy. Quê hương của lầm than, của đen tối, đọa đầy. Quê hương tôi cách xa ngàn vạn dặm. Có giải đất hình chữ S, nằm e ấp tận bên bên kia bờ đại dương.

Quê hương tôi có truyền thống bất khuất của tổ tiên để lại. Có giòng lịch sử đấu tranh oai hùng tiếp nối từ đời này sang đến đời khác. Quê hương tôi trải qua biết bao nhiêu cuộc bể dâu. Biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Bốn mươi năm, tôi vẫn chưa một lần quay về mảnh đất ấy!  Nhìn lại ngôi nhà cũ mà tôi được sinh ra, cất tiếng khóc đầu tiên chào đời ở tại nơi đấy. Ghé lại từng quán cóc mà trước đây tôi thường ngồi. Tôi muốn được đi lại trên từng con đường quen thuộc, xưa cũ của Sài Gòn trước kia. Tạt qua ngôi giảng đường. Thăm lại từng ngôi trường ấm cúng của tuổi thơ, còn vang vọng ở quanh đấy tiếng nô đùa rạn nứt, cùng âm thanh hiền từ, đầm ấm của thầy giáo tôi. Tôi muốn leo lên từng ngọn đồi cao ngất, xuyên qua mấy cụm rừng già chằng chịt, mà trước đây đơn vị tôi từng đụng độ, giao tranh với địch quân. Từng vào sinh ra tử ở nơi đó. Nhiều đêm, tôi mơ, thấy mình đương thả hồn trên chuyến xe lửa tốc hành chạy từ Nam ra Bắc. Xe vùn vụt đưa tôi qua các ga trạm Nha Trang, Đà Nẵng, Huế rồi ngừng lại ga Hàng Cỏ ngoài Hà Nội. Tôi thấy mình đi trên Hà Nội 36 phố phường của nhà văn Thạch Lam.

Hà Nội lung linh, mờ ảo trong ánh đèn về đêm. Tôi nhắp ly cà phê bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chiêm nghiễm đền Ngọc Sơn cổ kính cùng cây cầu Thê Húc duyên dáng. Lắm đêm, tôi còn thấy mình đang ngả mình trên toa tầu điện vắng người. Tầu đưa tôi qua các đường phố nhộn nhịp về đêm. Những đường phố rạn nứt tiếng mời chào. Tiếng cười nói ròn tan như thủy tinh, vang dội lên sức sống mãnh liệt của lòng người Hà Nội. Tôi tự hỏi thầm với chính mình: Cho đến bao giờ tôi mới có dịp về thăm lại bên đó! Bao giờ! Bao giờ! Và, bao giờ! Câu trả lời ấy chỉ tóm gọn, ngắn ngủi bằng mấy chữ thời gian ở phía trước!

Bốn mươi năm, từ ngày mà dân miền Nam hoảng hốt, ngơ ngác, trước đoàn quân hung hãn, ngổ ngáo của Bắc Việt, đang lầm lì tiến vào để tiếp thu thành phố. Ngày đánh dấu sự xụp đổ toàn diện của chế độ Cộng Hòa tại miền Nam, đồng thời mở ra thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc. Tôi tin chắc rằng, bất cứ người Việt Nam nào, hiện đang sinh sống ở khắp mọi nơi trên thế giới, đều không khỏi chạnh lòng, hồi tưởng lại cái biến cố đầy bi thảm, chua cay đó.

Cũng chỉ vì tự do, mà người dân Việt đã phải trả bằng một cái giá quá đắt! Cũng chỉ vì tự do, mà biết bao nhiêu thiếu nữ đã bị xúc phạm thân xác trước các bàn tay hung bạo, nhơ nhuốc của những tên cướp biển đanh ác Thái Lan. Còn rất nhiều điều đắng cay hơn nữa, mà chúng ta không thể nào kể ra cho xiết được! Chung qui cũng chỉ vì hai chữ tự do! Bởi vì điều dễ hiểu: Tự do là nhu cầu thiết yếu nhất, đối với đời sống của con người. Nó còn là hơi thở, là mạch sống.

Nó chẳng khác nào như lớp phân bón, có tác dụng làm cho hạt giống nẩy mầm, tăng trưởng rồi vươn cao. Vì thế, họ dứt khoát, đành đoạn bỏ lại tất cả ở sau lưng, bất chấp mọi nguy hiểm, mọi sóng gió gào thét ở trước mặt. Trong lịch sử đất nước, kể từ trước nay, chưa có thời kỳ nào mà người dân Việt lại bỏ nước, ra đi ồ ạt như trong giai đoạn vừa qua. Thú thật, tôi không được nhìn thấy cái giây phút nghẹt thở, hấp hối của miền Nam. Nhưng tôi có thể cảm nhận ra rằng: Chính cái giây phút nghiệt ngã đó đã để lại nơi tâm khảm của chúng ta, cả vết thương rướm máu, để đời. Vết thương ấy cứ xoáy mòn, ăn sâu vào từng lớp tế bào, từng thớ thịt của mỗi con người trong chúng ta, mà theo tôi nghĩ, nó khó có thể nào lành lặn, tàn phai ở trong tôi!

Bốn mươi năm, chúng ta nhìn về quê hương, đất nước. Về chế độ độc tài, thối nát hiện nay. Về những bất công, áp bức đang đè nặng xuống đôi vai gầy của người dân Việt. Những cao trào đang bộc phát, dấy lên, để đòi hỏi các quyền lợi thiết thực của con người, mà trong đó có quyền tự do hội họp, tự do phát biểu, tự do bầy tỏ lòng yêu nước nhiệt thành, trước nguy cơ xâm lấn của anh bạn láng giềng khổng lồ Trung Quốc, cùng thái độ ươn hèn của chế độ cầm quyền hiện nay.

Bốn mươi năm, người dân Việt không còn nghe thấy tiếng súng nổ! Tiếng đạn réo bên tai, cùng tiếng ầm ì của đại bác ru đêm! Bốn mươi năm, nhân dân Việt Nam sống trong hòa bình. Hòa bình có, nhưng tự do thì không! Hòa bình trong lam lũ, cơ cực, trong thân phận thấp hèn. Hòa bình trong chiếc bánh vẽ về tương lai chói ngời, chập chờn ở phía trước. Tương lai đó chẳng bao giờ có thực!

Đúng! Ban biên tập nói đúng:“đây là dịp chia sẻ với các đồng nghiệp…” Vâng! đây là dịp để chúng ta đúc kết lại vài góc cạnh trong cuộc đời tỵ nạn. Từ vui cho đến buồn.Từ giai đoạn khó khăn, bỡ ngỡ trong bước đầu.

Những trở ngại về phong tục, tập quán, xã hội và văn hóa. Cuối cùng, chúng ta cũng đều vượt qua mọi khó khăn, dị biệt, để từ đấy, chúng ta tiếp tục vươn lên, đồng thời làm nền móng cho thế hệ con cháu chúng ta tiến tới. Nói tới chiến tranh, thì hầu hết những nhà quân sự đều đồng ý với nhau ở một điểm: Tinh thần là yếu tố then chốt để quyết định sự thành bại trên chiến trường. Quan niệm ấy hoàn toàn đúng với thực tế ở bên ngoài. Nhìn lại lịch sử của đất nước. Nguyễn Trãi là đại công thần của nhà Lê, viết “Bình Ngô Đại Cáo” là một tuyệt tác, nhằm mục đích kích thích, khơi dậy lòng yêu nước của dân chúng vào lúc bấy giờ.

Kể từ khi Ban Mê Thuột thất thủ, nguồn viện trợ huyết mạch bị chính phủ Hoa Kỳ cắt đứt, đã vô tình đẩy miền Nam rơi vào tình trạng hụt hẫng, khủng hoảng về tất cả mọi phương diện. Đó chính là nguyên nhân sâu xa, là động lực mãnh liệt, đã dẫn đến sự thay đổi quan điểm về chiến lược, với chủ trương thu hẹp lại vùng kiểm soát của chính phủ VNCH. Quan điểm ấy được giữ kín trong phiên họp tối mật tại căn cứ Cam Ranh. Kế hoạch triệt thoái Cao Nguyên được lên khuôn, và được gán cho cái nhãn hiệu thật dí dỏm, đó là cuộc di tản chiến thuật, để tái phối trí
lực lượng. Di tản có nghĩa là rút lui, là đưa lưng cho địch từ đằng sau nhắm tới. Rút lui là từ ngữ kỵ nhất trong binh pháp.

Trong lịch sử chiến tranh, hầu như chưa thấy cuộc lui binh nào, mà không có thiệt hại, tổn thất! Đó là chuyện đương nhiên phải xảy ra. Điểm quan trọng hơn hết, là làm sao chúng ta có thể giảm thiểu được sự tổn thất về nhân mạng cũng như là về quân dụng.

Xuyên qua hai cuộc di tản diễn ra tại QĐII va QĐI đã tạo ra thảm cảnh chết chóc, thê thảm, não nề cho dân quân miền Nam. Cũng chính sự thất bại chua cay đó, đã ảnh hưởng đến tiềm lực đấu tranh của QLVNCH. Trong khoảng thời gian nay, tôi đang giữ chức vụ Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù. Lữ đoàn được lệnh di chuyển về thủ đô.

Lữ Đoàn 3 có có nhiệm vụ trấn giữ tại Khánh Dương, nhằm ngăn chận con đường tiến quân của lực lượng chính quy Bắc Việt từ Ban Mê Thuột đổ xuống. Được ít ngày, đủ thì giờ “bổ sung quân số”, Lữ Đoàn 2 lại có lệnh cấp tốc di chuyển ra Phan Rang, thay thế cho Lữ Đoàn 3 từ Khánh Dương rút về. Tại đây, chúng tôi phối hợp với đơn vị bạn, thiết lập hệ thống phòng thủ, hầu chuẩn bị cho cuộc tấn công vũ bão sắp xảy ra. Tiếng súng bắt đầu nổ. Phòng tuyến Phan Rang mịt mù trong khói lửa. Địch liên tục mở những cuộc tấn công ồ ạt, khốc liệt, chĩa thẳng mũi dùi vào căn cứ trong lúc LĐ2ND vừa nhận lệnh bàn giao vùng trách nhiệm cho Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân để về Saigon. TĐ7ND đã được không vận về Saigon ngày hôm trước. TĐ3ND và TĐ11ND đang bàn giao vùng trách nhiệm cho các TĐ/BĐQ. Trước lực lượng hùng hậu về vũ khí, cũng như về quân số, phòng tuyến Phan Rang bị tràn ngập, vào ngày 16/4/1975. Tướng Nghi và Tướng Sang đều bị bắt.

Thoát chết trong đường tơ, kẽ tóc, tôi cùng một số đồng đội chạy về tới Sài Gòn. Sài Gòn ngột ngạt lên cơn sốt, trước những căng thẳng, nguy ngập của đất nước. Người ta bắt đầu lo âu, hướng thẳng về phòng tuyến Long Khánh. Về số phận hẩm hiu của thành phố này. Tiếng súng bắt đầu nổ. Từng cột khói cuồn cuộn bốc lên. Long Khánh đắm chìm trong cơn lửa đạn mịt mù.

Đấy là cái đinh nhọn cuối cùng, mà bất cứ giá nào, địch quân cũng phải nhổ tróc lên cho bằng được! Địch khai triển đội hình thiết giáp, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ binh. Địch mưu toan muốn khóa chặt và nghiền nát cái tỉnh lỵ nhỏ bé này. Trước sức tấn công ồ ạt, mãnh liệt của địch quân, người lính VNCH, người lính Sư đoàn 18 Bộ Binh, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù vẫn nắm chặt tay súng, giữ vững phòng tuyến. Họ đã lấy lại thể diện cho QLVNCH. Hằng ngàn xác địch phơi thây trên trận địa. Cuối cùng, trận đánh cũng kết thúc, rồi tuần tự lắng sâu vào tâm tư của người dân miền Nam.

Ngày 20/4/75, T/T Thiệu tuyên bố từ chức trên đài truyền hình quốc gia. Ông đọc bài diễn văn thật dài, với những lời lẽ hằn học, hàm chứa đầy sự bất mãn ở trong đấy. Ông hứa hẹn, sẽ trở lại với quân đội, để thêm một tay súng. Nghe đâu, ông bị áp lực bởi thượng viện lẫn hạ viện. Mấy hôm sau, ông cùng gia đình âm thầm ra đi, vào một đêm tối trời thanh vắng. Phó T/T Trần văn Hương với tuổi già, sức yếu đã được đề cử lên thay thế, nhận lãnh cái trọng trách nặng nề, khó khăn trước lịch sử. Xuyên qua tình hình chính trị u ám tại thủ đô, người ta tỏ ra ngao
ngán, thất vọng, trước tấm màn đen đang từ từ hạ xuống. Phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích.

Sài Gòn sẽ bị tắm máu (?) Người ta hoảng hốt, lo âu. Có tin T/T Trần văn Hương bị áp lực, buộc phải trao quyền lại cho Đ/T Dương văn Minh. Ngày 29/4 Thủ Tướng Vũ văn Mẫu lên đài phát thanh Sài Gòn ra lệnh cho cơ quan DAO của Hoa Kỳ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Ngày 30/4, ngồi trên xà lan, lềnh bềnh trên biển gần bờ Vũng Tầu, tôi nghe rõ từng tiếng của T/T Dương văn Minh, được phát đi. Ông là vị tổng thống cuối cùng của miền Nam. Vị tổng thống vỏn vẹn chỉ có 49 tiếng đồng hồ để “đầu hàng”. Ông kêu gọi mọi người hay tránh đổ máu không cần thiết. Ông yêu cầu người lính VNCH hãy bình tĩnh và đứng yên tại vị trí của mình. Đừng nổ súng để bảo toàn sinh mạng cho đồng bào. Ông cũng kêu gọi binh sĩ ở phía bên kia (tức là đoàn quân của Bắc Việt) đừng nổ súng bừa bãi vào dân chúng. Hình như tôi bật khóc.

Mọi người chung quanh tôi cũng đều khóc. Thế là hết! Chiến tranh đã hạ màn, kết thúc. Tôi ngoảnh mặt nhìn lại phía sau. Quê hương tôi mịt mù, lãng đãng ở chân mây, đã để lại ở trong tôi nỗi xót xa, thầm kín, buồn tê tái.

Vài ngày sau, chúng tôi được tàu của Hạm đội Thứ Bẩy Hoa Kỳ vớt, rồi đưa thẳng tới đảo Guam. Từ Guam, tôi được đưa tới trại tỵ nạn Fort Smith, Fort Chaffee, nằm trong tiểu bang Arkansas “đoàn tụ gia đình, vợ và 2 con”; họ đã theo gia đình Không quân ra Côn Sơn để tránh pháo kích chiều tối ngày 28/4/1975 vã đã được tầu của Hải quân Mỹ bốc đi. Từ Fort Smith, gia đình tôi được di chuyển về Gainesville, Florida, qua sự bảo trợ của vị bác sĩ người Mỹ.

Lòng đầy “căm giận” người bạn đồng minh “phản trắc” và “bực mình” với vẻ “hợm hĩnh” của tên “bác sĩ con nít” bảo lãnh (sponsor) nên chưa đầy 10 ngày sau tôi đã nhờ một cô social worker thuê nhà và xin giúp được làm EMT (emergency technician) làm việc ban đêm tại bệnh viện trong thành phố để không phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của người bảo trợ này. Lương tối thiểu là $2.50/hr nhưng vì tôi là bác sĩ, có kinh nghiệm (!) họ trả thêm 8 xu nghĩa là $2.58/hr. EMT nghe thì rất đẹp nhưng thật ra là công việc mà ở các tiểu bang khác Florida được gọi là
orderly (y công).

Chịu đựng làm việc được ba tuần thì gia đình tôi dọn về Ringcon, một tỉnh nhỏ “nhà quê” gần Savannah, tiểu bang Georgia, dưới sự bảo trợ của xóm đạo Lutheran người Mỹ gốc Đức và được nhận làm việc vặt trong phòng mạch của một bác sĩ người gốc Phi Luật Tân. Lúc đó AMA cho các bác sĩ VN tỵ nạn CS vay $250.00/tháng trong ba tháng để tham dự một lớp luyện thi ECFMG vừa y khoa vừa Anh ngữ tại Miami. Cuối khóa học, thi xong, trong khi chờ kết quả, tôi ở lại Miami làm phụ bếp cho một nhà hàng Tầu tên Furiwa. Nhân viên nhà bếp được nuôi ăn ở; lương phụ bếp là $500.00/tháng. Những ngày người rửa bát vắng mặt, tôi ở lại trễ làm thay được thêm 2 chục. Gửi tiền về nuôi vợ con chỉ giữ lại đủ để “hút thuốc lá” vặt.

May mắn kỳ đó tôi đậu phần y khoa. Về Houston, Tx tôi xin được việc làm khá hơn, làm technician tại Hemodialysis Center. Đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. “Nhẩy dù cố gắng” ngày đêm học nghe và nói tiếng Anh. Rồi cũng xong. 1978 được vào training, intership tại University of Chicago, residency về Anesthesiology tại University of Illinois và fellowship về Critical Care Medicine tại University of Florida. 1982 được nhận vào ban giảng huấn của trường Đại Học UCLA làm việc cho tới ngày về hưu vào năm 2010. Niềm vui nhỏ trong thời gian làm
việc, tôi 2 lần được bầu là teacher of the year và là người được lên associate professor sớm hơn những bạn đồng viện cùng thời.

Trước khi nghỉ hưu tôi được nhận “American’s Top Physicians”. Ngoài những lần được mời thuyết trình trong các buổi hội thảo chuyên môn Pain Management và Critical Care Medicine tại các nơi, như Bắc Kinh (Trung Quốc), Hán Thành (Đại Hàn) và Hồng Kông, cũng như trong các trường đại học, tôi để thì giờ sinh hoạt với giới trẻ trong Tổng Hội Sinh Viên, tham dự các buổi hội thảo, sinh hoạt văn nghệ, trại hè, biểu diễn võ thuật, v.v… tổ chức health fair trong hội chợ tết SV (lần đầu tiên phát động kêu gọi các sinh viên và các y nha dược sĩ trẻ tại nam Cali tham dự từ đầu thập niên 90), khuyến khích các y sĩ trẻ trong hội Y Sĩ nam Cali thiết lập “trạm cứu thương” trong những kỳ sinh hoạt tập thể trong cộng đồng, điển hình là biến cố “Trần Trường treo hình HCM”.

Nhân dịp sinh hoạt với giới trẻ SV này, tôi luôn phác họa ra cho họ thấy, về giải giang sơn gấm vóc Việt Nam, về cội nguồn của dân tộc. Tôi nhấn mạnh với họ: Tuổi trẻ là tương lai, là rường cột của đất nước. Chủ ý, tôi muốn gắn bó họ vào với mảnh đất thiêng liêng ấy. Mảnh đất đầy oan khiên, đầy nhục nhằn. Tôi muốn trang bị cho họ hành trang để sẵn sàng phục vụ đúng mức với tinh thần của võ sĩ đạo, của hiệp sĩ đạo luôn đứng về phía kẻ yếu chống lại cường quyền, bạo lực. Với tâm nguyện đó, tôi đã từng tham dự và được mời nói chuyện tại Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Thế Giới kỳ 1 tại Melbourne năm 1999 trong ngày khai mạc với đề tài “VN trong thế kỷ 21” và kỳ 4 tại Sydney năm 2005 với đề tài “Vấn đề Giáo Dục VN”. Trong sinh hoạt với các hội đoàn tôi được mời nói chuyện về các đề tài liên quan tới vấn đề hội nhập của người Việt tỵ nạn, nền y tế dân dụng cho VN và vấn đề giáo dục cho thích hợp với đà tiến triển về khoa học kỹ thuật trên thế giới và không quên nhắc tới “nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng như miền Nam trước kia.”

Tham dự lần họp mặt đầu tiên của các y sĩ, tổ chức tại Montréal (Canada) năm 1987, trong buổi hội khoáng đại, tôi là 1 trong số 14 người được tín nhiệm bầu vào ban nghiên cứu làm kế hoạch để thành lập hội Y Sĩ VN tại Hoa Kỳ và Quốc Tế. Hội Y Sĩ nam Cali chịu trách nhiệm tổ chức đại hội ra mắt tại Quận Cam, California năm 1989.

Biến cố khá trầm trọng xẩy ra tại nam Cali. Người chủ tịch hội lúc đó theo một phái đoàn người Mỹ do nghị sĩ (hay dân biểu) Torres dẫn đầu về VN đã gây lên làn sóng phẫn nộ trong hội và báo chí nhẩy vào tiện dịp bơi móc vụ án gian lận medical để “bêu giễu” giới y sĩ. Tôi và một số y sĩ yêu cầu giải tán ban chấp hành và bầu một ban mới. Bs Nguyễn Ngọc Khôi đắc cử chức chủ tịch, tôi làm phó để tiếp tục tổ chức đại hôi.

Đại hội gần như tan vỡ vì sự tranh cãi sôi nổi “gay gắt” giữa 2 nhóm có khuynh hướng đối nghịch. Sau cùng thành lập được hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ với Bs Tôn Thất Niệm làm chủ tịch. Ban tổ chức đại hội phải quyết định ngưng bàn về việc thành lập hội Y sĩ Quốc Tế và dời tới năm sau họp tại Paris. Tại đây, tôi được chỉ định ngồi chủ tọa buổi họp khoáng đại bàn về việc thành lập hội Y sĩ Quốc Tế. Lại một lần nữa tranh cãi rất “gay cấn” quanh việc đặt tên hội, hội “Y sĩ“ hay là “Y giới” để gồm luôn cả Y Nha Dược.

Lại một lần nữa đại hội gần như tan vỡ. Sau cùng, tôi đề nghị cứ thành lập hội Y sĩ trước và thành lập một ban liên lạc phối hợp
Y Nha Dược để thành lập hội “Y Tế” với lý do là hiện thời giới nha sĩ và dược sĩ chưa có tổ chức chính thức “hội Nha Sĩ” và “hội Dược Sĩ”. Đề nghị được chấp thuận. Trở lại HK, sinh hoạt hội đoàn tại Hoa Kỳ vẫn có nhiều sóng gió. Báo chí tiếp tục “dòm ngó quá khắt khe” tới hội Y sĩ. Trong đó hội Y sĩ Nam Cali chịu đựng nặng nhất. Sau một năm từ ngày đại hội, tôi thay thế Bs Nguyễn Ngọc Khôi trong chức chủ tịch cho hết nhiệm kỳ 2 năm.

Ngoài sự khác biệt quan niệm của hội viên, Hội Y Sĩ VN tại HK mới thành lập đã phải chịu nặng nề “búa rìu dư luận”, đặc biệt 2 vị chủ tịch 2 nhiệm kỳ đầu là Bs Tôn Thất Niệm và Bs Nguyễn Xuân Ngãi đều sinh sống tại California, kẻ nam người bắc, 2 nơi mà báo chí VN mạnh bạo nhất hăng nhất trong việc “tấn công” hội Y sĩ. Đến một lúc, các y sĩ “có lập trường vững chắc”, trong số đó có các “y sĩ đàn anh trong Nhẩy Dù” kêu gọi, thúc giục tôi ứng cử chức vụ chủ tịch nhiệm kỳ thứ 3 của hội (1993-1995).

Tôi đành từ chức chức vụ Chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Gia Đinh Mũ Đỏ VN ở nhiệm kỳ hai (1992-94) và bàn giao chức chủ tịch cho vị phó chủ tịch là Trung tá Bùi Quyền. Giai đoạn này, hội Y sĩ có sự tranh cãi mãnh liệt giữa 2 khuynh hướng “giúp và không giúp y tế cho VN”. Cùng với sự lên tiếng của các hội đoàn “Quốc gia chống Cộng” và giới báo chí đã tạo nên sự chia rẽ trầm trọng giữa các hội viên và hội tê liệt, gần như tan rã. Tôi đã nhiều lần cố xoa dịu cả 2 phe nhưng không thể dập tắt được ngọn lửa đã bùng cháy.

Sau cùng, tôi đã bầy tỏ quan niệm với BCH và các hội viên là “Nhiệm vụ của người y sĩ là lo cho sức khoẻ con người không riêng gì đồng bào chúng ta, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ về, về với điều kiện (?) và thời gian thích hợp (?). Vậy, hãy tạm không bàn cãi về việc đó mà thành lập một tiểu ban, gồm các vị thuộc cả 2 khuynh hướng, nghiên cứu: 1/ tình trạng y tế tại VN, 2/ khả năng của hội Y Sĩ, và 3/ làm kế hoạch giúp. Đồng thời soạn thảo tài liệu y học phổ thông chú trọng tới phần y khoa phòng ngừa nhằm hướng dẫn nâng cao “dân trí” cùng với sự hiểu biết về quyền lợi, quyền được thụ hưởng sự săn sóc sức khoẻ một cách công bằng trong một xã hội dân chủ. Nếu những người cầm quyền hiện nay thực tâm lo cho dân chúng và họ cần sự giúp đỡ của hội, họ liên lạc với hội. Tôi sẽ chính thức với danh nghĩa chủ tịch sẵn sàng gặp họ để bàn. Tôi không chấp nhận mọi “móc nối”, “đi đêm”. Nhờ vậy mà tạm êm.

Trong thời gian đó, với sự cộng tác đắc lực của Bs Phạm Anh Dũng, K21QYHD, chúng tôi cố gắng thực hiện đặc san Y Sĩ với nhiều bài vở giá trị đem lại sự đoàn kết trong hội và lấy lại phần nào uy tín trong cộng đồng tị nạn. Sau nhiệm kỳ tôi không tái ứng cử và bàn giao chức vụ lại cho Bs Nguyễn Lê Hiếu mới đắc cử. Tôi không sinh hoạt trực tiếp, không giữ một vai trò nào trong hội vì muốn để thì giờ sinh hoạt ngoài cộng đồng và dậy võ nhằm đào tạo lớp người trẻ khoẻ cả ba phương diện “tinh thần, thể chất và xã hội” để phục vụ con người. Bs Dũng được mời
ở lại để tiếp tục coi sóc tờ đặc san của hội nhưng rất tiếc Bs Dũng cũng từ chối để dành thì giờ vui thú viết nhạc. Nhờ vậy sinh hoạt âm nhạc hải ngoại thêm mầu sắc (!) Nhưng chưa xong, lại có 2 sự kiện xẩy ra trong hội khiến tôi lại phải “tái xuất giang hồ”.

1/Vị chủ tịch của hội Y Sĩ nam Cali tiếp đón ông đại sứ Việt cộng Lê Văn Bàng. Sau đó lại về VN và
ông bác sĩ nay còn tuyên bố là sẽ trở về VN làm thủ tướng. Các hội viên của hội Y Sĩ nam Cali chúng tôi phải triệu tập 1 buổi họp bất thường để mời vị chủ tịch đó ra khỏi hội, giải tán ban chấp hành và bầu một chủ tịch và ban chấp hành lâm thời để tổ chức đại hội bầu ban chấp
hành mới.

2/ Buổi đại hội của Hội Y sĩ HK tổ chức tại San Diego trùng hợp với thời gian triển lãm tranh ảnh và trống đồng từ VN tại 1 museum ở quận Cam, California và trong buổi hội thảo với đề tài “thuyết trình về việc phái đoàn Y sĩ về giúp VN” (mà tiếng Anh dịch là “mission…”) do những Y sĩ liên hệ tới vụ triển lãm nêu trên “chủ trì”. Lần này sự chống đối và “phẫn nộ” còn mạnh hơn những lần trước. Hội Tù nhân Chính trị trong đó một cựu chủ tịch là y sĩ có lập trường “Quốc gia” từng phân rõ “lằn ranh Quốc Công” dự định tổ chức biểu tình tại nơi đại hội. Tôi hân hạnh được BTC lúc đó trưởng ban là Bs Trần Duy Tôn đương kim chủ tịch hội Y Sĩ tại HK gọi tới để “giàn xếp” và ngồi tại “bàn chủ tọa” buổi hội thảo. Đúng với tinh thần sinh hoạt dân chủ, tôi đã mời thêm và sắp xếp lại số thuyết trình viên “có lập trường đối nghịch” cho cân xứng. Trong số đó tôi mời được một vị giáo sư của UCLA người Mỹ, ông có ý kiến rất trung thực, khách quan vì mới đi VN dậy về kỹ thuật giải phẫu qua endoscope. Do đó, mọi sự “tốt đẹp”.

Sau lần này, tôi yên tâm sinh hoạt trong hội với tư cách một “phó thường dân” thuần tuý. Tưởng cũng nên nói thêm là chúng tôi, các y nha dược sĩ nam Cali đã thành lập “Ca Đoàn Áo Trắng” dưới sự dẫn dắt của ông bầu Bs Võ Văn Tùng và sự “huấn luyện” của Bs Hà Thúc Như Hỉ để trình diễn văn nghệ giúp vui trong những buổi tiệc cùng sự đóng góp của ban nhạc Starband do tôi thành lập. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn các võ sinh đai đen là các con của các y nha dược sĩ biểu diễn võ thuật. Sau những cơn sóng gió, tôi yên tâm vì nhận thấy đã có sự đóng góp tích cực của thành phần “Y sĩ trẻ” đúng như những lời tâm tình trước đây mấy chục năm với các đồng nghiệp cùng thế hệ:

“Hội y sĩ không phải là một tổ chức chính trị nhưng phải giữ vững lập trường chính trị của người tị nạn” Và “các anh đừng lo khi lớp trẻ “con em mình”, họ về VN để tìm hiểu nguồn gốc của mình, ho ̣ sẽ bị “tuyên truyền” “mua chuộc”. Những người có thể bị mua chuộc là số anh em thuộc thế hệ mình. Việt cộng không thể mua chuộc được những người y sĩ trẻ đâu”. Và “tôi quan niệm là 100 năm cuộc đời thì có trẻ/già. Nhưng trong dòng lịch sử 4000 năm dân tộc Việt thì chúng ta đều trẻ, chỉ ít trẻ hơn nhau mà thôi. Chỉ có thế hệ tiếp nối để phục vụ.

Những người y sĩ trẻ sẽ cùng những lớp trẻ ngày nay lần lượt lớn lên rồi trưởng thành. Và! Cứ thế! Cứ thế! Tiếp nối từ thế hệ nay sang đến thế hệ khác! Điều đáng nói hơn hết, đó là sự thành công rực rỡ mà họ đã gặt hái được trên mảnh đất tạm dung mà họ đang sinh sống. Họ là những khoa học gia. Những sĩ quan cao cấp trong quân lực Hoa Kỳ. Những nghị sĩ, dân biểu. Những luật sư, kỹ sư, cùng nhiều ngành nghề khác nhau. Họ làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.

Họ đã đóng góp biết nhiêu là công sức cho xứ sở Hoa Kỳ, cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Họ đã đi vào dòng chính, vào các cơ quan trọng yếu của chính phủ. Họ đã ra sức vận động từ trong ra đến ngoài, để từ đó, tạo nên tiếng nói mạnh mẽ, hầu áp lực với chế đế độ CS hiện nay tại quê nhà. Lúc nào họ cũng tỏ ra hãnh diện, họ là người Việt Nam. Họ thấu hiểu được nỗi đau đớn của dân tộc. Thấy rõ được biết bao xương máu mà cha ông họ đã đổ ra cho mảnh đất ấy.

Những bất công, thối nát của chế độ đảng trị độc ác đương thời. Đứng trước hiện tình nguy ngập của tổ quốc, phong trào tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại lên đường, quyết tâm, ra sức đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, tự do và nhân quyền.

Tôi đem ý nghĩ về cộng đồng Việt Nam. Mới đấy, mà nay đã tròn bốn mươi năm. 40 năm trước đây, họ lũ lượt, hớt hải bỏ nước ra đi, mà hành trang mang theo chỉ có tấm cờ vàng ghi đậm nơi tâm khảm. 40 năm chỉ nguyên vẹn có một màu cờ. 40 năm, họ sắt son, trung thành với ngọn cờ ấy. Nó là biểu tượng cho hồn thiêng sông núi của dân tộc. Nó phất phới, tung bay ngạo nghễ trên vòm trời xanh ngắt tại Hoa Kỳ, cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Giờ đây, tuổi đời mỗi ngày cứ chồng chất, tôi cảm thấy an tâm, chú trọng vào công cuộc phát triển môn Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc mà tôi từng ôm ấp từ lâu và tiếp tục điều hành V.I.E.T Foundation (Volunteers for Integration of Ethnic Traditions Foundation) mục đích phát huy và hội nhập văn hóa truyền thống Việt vào làm phong phú nền văn hóa nơi tạm dung.Tôi đặt hết niềm tin vào tương lai. Vào chuỗi ngày tháng đang đến ở trước mặt. Tôi tin chắc rằng: Ngày đó sẽ đến và phải đến! Ngày mà nhân dân Việt Nam đều đồng loạt đứng lên, đập tan cái chế độ độc
tài, thối nát hiện nay, cho đàn chim lìa xứ quay về tổ, xiết chặt vòng tay, hầu ra sức kiến tạo, xây dựng một thể chế dân chủ thực sự, cho một nước độc lập, tự do và phú cường.

Bác sĩ Phạm gia Cổn
Cựu CT/HộiYSVNHK
(nhiệm kỳ 1994-1996)



40 NĂM NHÌN LẠI
Loading