Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

2015-10-07T033159Z_2109785995_GF10000234736_RTRMADP_3_NOBEL-PRIZE-MEDICINE
The-Nobel-Prize-in-Physiology-or-Medicine-2015-21
TrÀn Væn Tích Cây ThuÓc Thanh Hao và Giäi Nobel Y H†c 2015
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
 


Hôm thứ Hai 05.10.2015, Viện Karolinska của Thụy Điển thông báo cho biết Giải Nobel Y học và Sinh lý học năm nay được trao cho ba nhà khoa học. Hai nhà khoa học William C. Campbell, người Ái Nhĩ Lan và Satoshi Omura, người Nhật Bản, chia nhau giải vì đã phát hiện thuốc Avermectin chống bệnh giun chỉ. Người thứ ba là Bà Đồ U U, , Youyou Tu, người Trung Hoa lục địa. [a) Tên của Bà cũng có thể phát âm theo kiểu từ ngữ Hán-Việt là Đồ Ao Ao, nhưng tôi chọn tên Đồ U U căn cứ vào phép phiên thiết trong Khang Hy Tự điển; b) Hai chữ “u u“ là lấy từ Kinh Thi, mô tả tiếng kêu của loài hươu].

Campbell sinh năm 1930 là nhà Sinh hoá học và hiện làm việc tại Drew University ở New Jersey, Hoa Kỳ. Omura sinh năm 1935 là Nhà Dược liệu học thuộc Viện Đại học Kitasato ở Tokyo, Nhật Bản. Bà Đồ U U sinh năm 1930 là một chuyên gia nghiên cứu Trung Y Trung Dược, hiện đang “công tác“ tại Viện Trung Y Bắc Kinh. Hai nhà khoa học thuộc nam giới chia nhau một nửa giải Nobel, riêng nửa kia dành cho Bà Đồ U U. Giá trị của Giải Nobel Y học và Sinh lý học năm nay là tám triệu Kron Thụy Điển, tương đương với 850.000 Euro; tính ra Bà Đồ U U sẽ nhận 425.000 Âu kim tiền thưởng.

Ủy ban Nobel Y khoa và Sinh lý học Thụy Điển giải thích quyết định của mình trong Thông cáo Báo chí như sau : “Quí vị được giải thưởng Nobel năm nay đã phát minh ra những liệu pháp gây nên một cuộc cách mạng trong điều trị một số bệnh ký sinh trùng tàn phá nhân loại khủng khiếp nhất.“ Thông cáo Báo chí cũng cho hay là 3,4 tỷ người sinh sống trong các vùng có bệnh sốt rét hoành hành đã thừa hưởng thành quả phát minh khoa học được phát giải.

Chất thuốc hữu hiệu trong điều trị sốt rét do Bà Đồ U U tìm ra có tên chính thức trong các dược điển thế giới là artemisinin. Đó là dược chất hữu hiệu nhất và chắc chắn nhất chống bệnh sốt rét, căn bệnh hiểm nghèo gây tai hoạ hằng năm cho gần hai trăm triệu người với con số tử vong hơn nửa triệu, đa số là trẻ em.

Bà Đồ U U là người phụ nữ thứ mười hai được giải Nobel Y học và Sinh lý học và là người phụ nữ Trung hoa đầu tiên được giải này. Nếu tổng kết thì từ khi thiết lập vào năm 1901, nữ giới có 47 vị trúng giải Nobel so với 817 vị thuộc nam giới.

Trong buổi họp báo tại Stockholm sau khi Ủy ban Trao giải loan báo kết quả, giới truyền thông báo chí tập trung các câu hỏi vào trường hợp nữ chuyên gia dược liệu học người Tàu. Sự kiện dược liệu trúng giải vốn được chiết xuất từ một cây thuốc trong kho tàng Trung dược cổ truyền như truyền điện cho tập thể công chúng hiện diện vì trong cục diện y khoa nhân loại hiện thời, không nhiều thì ít, đang có cạnh tranh mạnh mẽ và dai dẳng giữa y khoa chính thống, y khoa khoa học và y khoa cổ truyền, y khoa thay thế.

Theo báo Guardian phát hành ngày thứ hai 05.10 thì thành công của Bà Đồ U U thuộc phạm vi chủ trương "Đông Tây Y đoàn kết" của Mao Trạch Đông. Thật ra không hẳn thế : kho tàng dược phẩm khoa học đã từng vay mượn những hoạt chất trích khai từ đội ngũ cây cỏ mà các dân tộc vẫn quen sử dụng theo kinh nghiệm, chẳng hạn quinine từ vỏ cây quinquina, éphédrine từ cây Ma hoàng hay aconitine từ cây Phụ tử. Riêng để đối phó với bệnh sốt rét thì nền dược học tân tiến đã từng trích khai từ hai dược thảo cổ truyền là Thường sơn và Thục tất những hoạt chất có tác dụng mạnh gấp ký-ninh cả trăm lần.
*
Thuật ngữ chuyên môn y khoa Trung văn gọi bệnh sốt rét là ngược. Sách Tả truyện, tập tản văn lịch sử đồng thời cũng là bộ sử biên niên có lẽ do Tả Khâu Minh thời đại Xuân Thu (722-481 trước công nguyên) chỉnh lý, đã dùng chữ này để mô tả nguyên nhân tử vong của hai nhân vật lịch sử là Trịnh Hy Công và Hứa Điệu Công.

Kinh Thi, tổng tập thi ca sớm nhất lịch sử Trung Hoa, ghi chép 305 bài thơ từ đầu đời Tây Chu (thế kỷ thứ XI trước công nguyên) đến giữa đời Xuân Thu (thế kỷ thứ VI trước công nguyên) đã đề cập đến cây thuốc Thanh hao.

Các sách chuyên về cây thuốc vị thuốc - danh từ thuật ngữ chuyên môn gọi là Bản thảo - thường xuyên ghi cây Thanh hao, chẳng hạnThần nông Bản thảo kinh hay Bản thảo Cương mục.
Thần Nông Bản thảo kinh tương truyền do vua Thần Nông, một nhân vật huyền thoại hư cấu, biên soạn nhưng theo giới nghiên cứu thì có lẽ sách là tổng hợp những tri thức cổ đại và ra đời dưới nhà Hán (thế kỷ II trước công nguyên đến thế kỷ II sau công nguyên). Tài liệu phân loại dược phẩm dựa vào công năng và tác dụng để chia thuốc men làm thượng, trung và hạ phẩm. Hạ phẩm có 125 loại, bao gồm các dược phẩm có độc tính, chủ yếu đắc dụng trong công trị bệnh tật. Thanh hao thuộc nhóm này, cùng với Bán hạ, Phụ tử.

Trong kho tàng thư tịch và văn liệu cổ đại khai quật được ở Mã vương đôi (thuộc đời Hán) có Ngũ thập nhị phương với chủ vị Thanh hao trị sốt rét.

Cát Hồng (ca.284-364) tự Trĩ Xuyên, hiệu Bão Phác Tử, lý luận gia Đạo giáo, y học gia, thuật sĩ luyện đan đời Đông Tấn cũng nhắc đến công năng Thanh hao triệt ngược (vị Thanh hao diệt sốt rét) trong trước tác y dược học Trửu hậu Bị cấp phương.

Bản thảo Cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593), tự Đông Bích, người Ký Châu, Hồ Bắc, là bộ sách chuyên mô tả cây thuốc vị thuốc nổi tiếng nhất trong khoa bản thảo-học Trung văn, được soạn thảo trong ba mươi năm, qui tụ 1892 loại thuốc thuộc ba thế giới thực vật, động vật và khoáng vật. Kho tàng dược phẩm khổng lồ này được chia thành 16 bộ với 610 loại thảo và 180 loại mộc. Thanh hao được Lý Thời Trân xếp vào loại thấp thảo.

Vị thuốc Thanh hao mang tên khoa học là Artemisiae annuae seu apiaceae herba. Cây Thanh hao là Artemisia annua hay Artemisia apiacea. Tên gọi Trung văn theo phép phiên âm chính thức là Qing hao. Tên tiếng Anh là wormwood, tên tiếng Đức là einjähriges Beifußkraut (einjährig trực dịch chữ annua, Beifußkraut chỉ loài ngải cứu).

Hoạt chất artemisinin được thư tịch Trung văn gọi là Thanh hao tố, tức là tố chất, nguyên chất, hoạt chất của dược liệu Thanh hao.

Khi xét tác dụng của một vị thuốc, khoa học hiện đại căn cứ chủ yếu vào thành phần hoá học của vị thuốc, nghĩa là tìm xem trong vị thuốc cây thuốc có chất gì hay những chất gì và tác dụng của chất đó hay những chất đó trên cơ thể súc vật và người ra sao. Nền dược học khoa học chủ trương rằng trong các cây thuốc vị thuốc có những chất mang tác dụng chữa bệnh đặc biệt đặc thù của vị thuốc cây thuốc gọi làhoạt chất. Công trình nghiên cứu mang lại vinh dự to lớn cho Bà Đồ U U năm nay khởi đi từ một cây thuốc quen thuộc của nền y học cổ truyền Trung Hoa.

Tuy nhiên khi được báo chí phỏng vấn, Ủy ban Trao giải Nobel Y học và Sinh lý học năm 2015 đã thương xác là không trao giải cho nền y học Trung hoa cổ truyền, cho Traditional Chinese Medicine, cho Traditionelle Chinesische Medizin, mà là cho một nhân vật đã được nền y học cổ truyền Trung hoa gợi ý, tạo hứng (to inspire), từ đó đạt được thành tích chế tạo một dược phẩm mới mà hiện giờ toàn nhân loại có cơ may sử dụng trong điều trị bệnh tật.

Phương án nghiên cứu nhằm phát minh một biệt dược trị sốt rét vốn được phía Trung Hoa Cộng sản tiến hành theo chỉ thị từ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản và dựa vào lời yêu cầu khẩn thiết của các lãnh tụ Cộng đảng Việt Nam để chống lại tỷ số tử vong rất cao trong bộ đội và dân quân Việt cộng do ký sinh trùng sốt rét gây ra trên địa bàn dãy Trường sơn. Phương án 523 ra đời và Bà Đồ U U là một trong những thành viên chủ chốt của phương án liên hệ.

Xin ghi chú thêm là về phía mình, trong cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Miền Bắc đã cử Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, thuộc chuyên khoa Ký sinh trùng học, vào Nam để nghiên cứu thuốc chủng ngừa sốt rét. Việc nghiên cứu không đi đến đâu vì sai lầm từ căn bản lý luận y học : bệnh sốt rét gây miễn nhiễm tế bào chứ không gây miễn nhiễm huyết tương, do đó, rất khó hoặc hầu như không thể chế tạo được thuốc chủng ngừa hữu hiệu. Chẳng những vậy, Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ còn trúng bom B52 của Không lực Hoa Kỳ chết nát thây trên rặng Trường sơn.

Hiện nay, Cơ quan Y tế Quốc tế điều chế thuốc trị sốt rét qua phối hợp tinh chất dược thảo artemisinin với các hợp chất hoá học mệnh danh là artemisinin combination therapies (ACT). Artemisinin có tác dụng diệt ký sinh trong thời hạn ngắn nhằm vào các mầm bệnh phát triển ở giai đoạn phôi thai, còn đối tượng “lùng và diệt“ của các hoá chất là những thành phần ký sinh sót lại.

06.10.2015

Loading