Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Ban Dịch Thuật: Lý Văn Quý - Nguyễn Hiền - Nguyễn Hoàng Diệu - Trịnh Bình An
Nguyên tác tiếng Anh
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Chương 21
Giờ phút huy hoàng nhất của họ
Thiếu úy Nguyễn Lương nóng lòng được nhập cuộc ngay. Anh mong muốn có dịp để chứng tỏ khả năng của mình. Anh nôn nóng để tự khẳng định tài năng trước 36 quân nhân TQLC thuộc Trung đội 1 Đại đội 4 mà giờ đây anh được chỉ huy; và đối với Đại đội trưởng và vị Tiểu đoàn trưởng gần như là huyền thoại qua các câu chuyện về ông ta. Phải tự khẳng định mình là nỗi lo lớn nhất của Lương để biết rằng mình có xứng danh là “TQLC” và là thành viên trong toán Sói Biển. Thiếu úy Nguyễn Lương, giống như vị Tiểu đoàn trưởng và viên cố vấn Hoa Kỳ, cũng ngạc nhiên về việc tại sao Tiểu đoàn 3 lại được sử dụng vào một vai trò có vẻ không xứng đáng với khả năng của đơn vị là nằm mãi phía dưới này, xa hẳn các căn cứ hỏa lực và các cuộc giao tranh quan trọng.
Sự tương phản giữa Thiếu úy Nguyễn Lương vừa mới tốt nghiệp ra trường lúc nào cũng hăm hở chu toàn nhiệm vụ cũng tương tự như các thiếu úy khác trong tất cả các tổ chức quân đội trên thế giới, và các thuộc hạ TQLC trong trung đội của anh - có người còn trẻ, có người đã lớn tuổi rồi - rất lớn, lớn hơn những gì mà đa số các sĩ quan Hoa Kỳ đã trải qua. Các sĩ quan trẻ Hoa Kỳ, mới tốt nghiệp từ Quantico hay Ft. Benning ra, thường có lợi vì được dựa vào các hạ sĩ quan trẻ và các binh sĩ vì những người đó đã ở trong cái xứ này khá lâu rồi. Cũng vì họ đã sống sót được cho tới khi các ông sĩ quan trẻ đến, cho nên họ có nhiều kinh nghiệm về đường rừng và mang trong lòng một niềm hận thù sâu sắc đối với kẻ thù gian manh, xảo quyệt và độc ác.
Văn hóa người Mỹ thiên về tính cao thượng, do đó theo tình cảm tự nhiên họ quý trọng ý niệm tự do và tất cả những thứ gì khác mang tính tinh khiết. Ngoại trừ một số thanh niên Mỹ thuộc thành phần gia đình đã vượt thoát tìm tự do từ sau bức màn sắt hay từ Cuba, rất ít người sinh ra trong nước có thể hiểu nổi chủ nghĩa Cộng sản nghĩa là gì.
Trong số binh lính tình nguyện thuộc trung đội của Nguyễn Lương, là một trung đội tiêu biểu cho các trung đội khác thuộc Tiểu đoàn 3 và phần còn lại của binh chủng TQLC, có những binh sĩ TQLC kỳ cựu lẫn với các chiến sĩ dày dạn trận mạc đã từng phục vụ trong các binh chủng Nhẩy Dù, Lực Lượng Đặc Biệt và có cả một số Biệt Động Quân nữa. Một tỉ lệ khá lớn sinh trưởng từ miền Bắc và đã di cư cùng với gia đình vào trong Nam năm 1945. Trong nhóm đó, tất cả mọi người đều có những kinh nghiệm riêng tư với bọn Cộng sản và có những lý do đặc biệt để phục vụ trong quân đội. Họ không nghĩ điều gì xa hơn là ao ước có dịp được trả các mối thù cá nhân hoặc của gia đình; một chuyện hoàn toàn ngoài sự hiểu biết của người Mỹ.
Nhóm hơn 700 chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 TQLC đã sẵn sàng. Họ gồm cánh Alpha của Thiếu tá Bình, Đại úy Ripley, Nhã và hai trong số bốn đại đội bộ binh, cộng thêm Đại đội súng cối đóng tại căn cứ hỏa lực Nancy; và cánh Bravo, gồm hai Đại đội còn lại đóng tại căn cứ hỏa lực Barbara. Mọi cấp chỉ huy, từ cấp cao nhất xuống đến cấp thấp nhất và mới ra trường giống như Thiếu úy Lương, rõ ràng là họ đã sẵn sàng cho cuộc đụng độ sắp diễn ra, mà là đụng nặng. Từ vị trí gần sông Mỹ Chánh, vào buổi trưa ngày 30 tháng Ba, họ nhận được lệnh đảm nhận vai trò làm lực lượng trừ bị cho Sư đoàn 3 và phải di chuyển lập tức bằng mọi phương tiện nhanh nhất đến thành phố Đông Hà. Đêm hôm đó họ nhanh chóng chiếm lĩnh mục tiêu mới bằng đủ loại xe vận tải khác nhau.
Ngoại trừ trong những giai đoạn dưỡng quân hay tái phối trí tại Thủ Đức, ít ra là trong khoảng thời gian Ripley ở với toán Sói Biển, Tiểu đoàn 3 không bao giờ đứng ngoài lề các cuộc giao tranh trọng yếu. Được đảm trách là đơn vị trừ bị cho Sư đoàn 3 Bộ Binh không phải là chuyện đùa. Khi mặt trời ló dạng vào ngày 31 tháng Ba và cho thấy một sự tàn phá qui mô, có hệ thống đang diễn ra, ngay lập tức mọi người hiểu được rõ rệt là trận đánh lớn sắp nổ ra.
Đông Hà, nằm vào khoảng 12 dặm phía dưới khu phi-quân-sự, hiện đang chịu đựng cơn pháo kích gần như không ngừng của hỏa tiễn và pháo binh địch. Lực lượng bộ binh Bắc Việt vẫn còn xa vào khoảng ít nhất tám hay chín dặm ở phía Bắc cứ điểm Alpha 2 nhưng điều hiển nhiên là chúng đang tràn xuống phía này.
Chính cái tỉnh lỵ Đông Hà này thì hoàn toàn không có gì đáng kể. Điều đã làm cho thành phố này trở thành quan trọng đối với TQLC đang bảo vệ nó trước việc đang sửa soạn tấn công của quân Bắc Việt là vì nó nằm chắn ngang cây cầu chính bắc qua sông Cửa Việt trên Quốc lộ 1, là con đường được xây dựng dưới sự giám sát của người Pháp từ nhiều năm trước, chạy dọc suốt chiều dài của cả nước Việt Nam. (Một cây cầu thứ hai cũng được bắc ngang sông Cửa Việt có thể chịu đựng được chiến xa nằm vào khoảng 10 dặm về phía Tây Cam Lộ. Giữa hai chiếc cầu này thì cây cầu Đông Hà quan trọng hơn về mặt giao thông thương mãi và quân sự. Vào khoảng non một trăm thước trên thượng nguồn tính từ cầu Đông Hà có một chiếc cầu nữa cũ và nhỏ hơn nhiều mà người ta gọi là "Cầu Tây Cũ." Cầu này có thể đi bộ được và chỉ đủ chiều rộng cho một chiếc xe jeep chạy qua nếu không có xe ngược chiều lại. Cách đó khoảng hơn một cây số về phía Tây là một cây cầu cũ của con đường sắt Hà Nội - Sài Gòn nay không còn sử dụng được nữa. (Chiếc cầu này có một nhịp đã bị sập xuống nước mà hiện giờ người ta coi như không thể qua lại được). Nếu quân Bắc Việt kiểm soát được cầu Đông Hà, bọn chúng sẽ có một cửa ngõ tuyệt đối mở xuống toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Với thời tiết xấu làm giới hạn khả năng của không quân Đồng minh, không chận được bước tiến của kẻ thù, quân Bắc Việt hy vọng sẽ đưa được đủ lực lượng xuống phía Nam trước khi trời quang mây tạnh. Nếu thực hiện được điều này, chúng sẽ giáng được một đòn độc hại nghiêm trọng xuống chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Lợi thế duy nhất hiện nay quân Đồng minh có được tại Đông Hà là tỉnh lỵ này nằm trong tầm hải pháo của một số khu trục hạm Hoa Kỳ đang tuần tiễu sát bờ biển càng lúc càng đông hơn.
Đông Hà cũng là đoạn chót từ hướng Đông của Quốc lộ 9 chạy qua phía Tây, vượt qua nhiều căn cứ hỏa lực trọng yếu, ngang qua Khe Sanh và cuối cùng chạy qua bên Lào. Trong chu kỳ nhiệm vụ trước với Lima 3/3, John Ripley đã từng lái xe công vụ rất nhiều lần trên con đường hiểm nghèo này. Từ Đông Hà, Tiểu đoàn Sói Biển đang ở vào một vị trí lý tưởng để tiếp viện cho Sư đoàn 3 bất cứ chỗ nào mà Tướng Giai yêu cầu.
Tiểu đoàn 3 chia thành hai cánh Alpha và Bravo giống như các tiểu đoàn TQLC anh em khác. Họ chiếm lĩnh các vị trí khác nhau trong tỉnh lỵ và nằm đợi lệnh. Khi ngày Thứ Sáu Tuần Thánh dần tàn, các chiến sĩ TQLC của Bình vẫn không thể nào dỗ được giấc ngủ bởi tiếng pháo kích liên tục nhưng họ cố làm tất cả những thứ gì có thể làm được để giữ gìn sức khỏe và sửa soạn cho trận đánh chắc chắn sẽ xảy ra.
Trở lại với Turley và hoạt động tại TTHQCT
Hầm trú ẩn của Toán 155 tại Ái Tử (khoảng chừng năm dặm phía Nam Đông Hà), mà trước đó không lâu là Trung tâm Hành quân Chiến thuật của Sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ lừng danh, mãi cho tới khi chương trình Việt Nam hóa chiến tranh phát triển thì nó bị buộc phải đóng cửa và rút ra khỏi chiến trường, hiện bận rộn như một tổ ong vò vẽ. Bên ngoài hầm, từng khoảng lớn của căn cứ hỏa lực Ái Tử đang bốc lửa dưới cơn pháo kích liên hồi và chính xác đến chết người của quân Bắc Việt.
Trung tá Gerry Turley chịu trách nhiệm một số vấn đề khác nhau một trời một vực và mỗi chuyện đều đòi hỏi một sự tập trung, quan tâm rất lớn. Gerry vẫn cố hết sức mình làm tròn nhiệm vụ để giữ tất cả mọi vấn đề chiến thuật và tiếp vận còn trong tầm kiểm soát cho tới khi nào mọi nơi đều bị quân Bắc Việt tràn ngập và chính ông ta bị giết ngay tại chỗ hoặc bằng cách nào đó được bốc ra khỏi cái trách nhiệm đổ lên đầu ông một cách vô lý như vậy.
Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua trong cuộc chiến đấu để đời, Gerry vẫn không có ý niệm nào rõ ràng về số phận của khoảng 30 người mà hiện giờ ông đang chỉ huy, cũng như không biết họ đang thực sự ở đâu nữa. Ông bắt đầu lập danh sách tất cả các cố vấn Hoa Kỳ hiện đang có mặt ở Vùng I Chiến Thuật. Chắc phải có cách nào đó để theo dõi trong tình huống họ bị đánh phủ đầu, bị bắt hay bị giết chết. Đối với những người ông đang quan tâm, niềm tin của ông vào những người không phải là TQLC trong thời khắc này đã bị giảm đi rất nhiều, qua trường hợp của chính vị sĩ quan mà ông vừa thay thế. May mắn thay, hầu hết những người khác sẽ trở nên hữu sự hơn trong những ngày kế tiếp và chứng tỏ họ cứng cỏi hơn nhiều trong lúc trận đánh đang diễn tiến.
Trong những TQLC tại TTHQCT, Gerry dựa nhiều nhất vào vào Đại úy J.D. Murray, một tay chuyên nghiệp thứ thiệt đã từng được tặng thưởng huân chương Navy Cross qua những chiến công trước kia. Cùng hiện diện trong hầm có một toán Chấm Tọa độ Hải pháo gồm hai người mà trưởng toán một tay trung úy cứng cỏi và sắc bén tên là Joel Eisenstein.
Trung úy Joel Eisenstein, sau này hóa ra là một nhân vật tối quan trọng trong sự diễn tiến của các sự kiện then chốt trong những ngày sắp tới, là một sĩ quan gan lì, hoạt bát và năng động mới chỉ 26 tuổi, quê ở Missouri. Với ba lục cá nguyệt học trình luật trong túi, Eisenstein đã chọn tình nguyện vào TQLC sau khi nhận được lệnh động viên. Là một người cuồng nhiệt trong niềm tin, anh có được cái tính chính xác lạnh lùng của một tay luật sư công tố thâm niên chỉ lên tiếng cho những điều đáng được bảo vệ. Anh hoàn toàn không ngại ngùng khi phải đụng độ với những người thâm niên hơn anh nhằm theo đuổi cho sự thành công của nhiệm vụ và săn sóc các TQLC mà anh hiện đang chịu trách nhiệm ngoài cứ điểm Alpha 2. Từng phút một, họ đang càng lúc càng có vẻ bị cô lập và sắp sửa bị bao vây bởi quân Bắc Việt đang trên đường tấn công. Anh và viên trung úy tại Alpha 2 chỉ huy toán đã bắt đầu sửa soạn cho một cuộc triệt thoái cái nhóm tí hon không trực thuộc bất kỳ đơn vị VNCH hay TQLC Hoa Kỳ nào cả.
Trận chiến mà Turley, Murray, Eisenstein và tất cả những người khác trong hầm trú ẩn TTHQCT đang phải đương đầu dường như không hề giảm bớt. Tình hình rất căng thẳng tại tất cả các vị trí của Quân lực VNCH và TQLC mà tụi Bắc Việt đã biết rất rõ. Nơi này có thể tệ hại hơn nơi khác nhưng không có vị trí nào trong tầm pháo kích của địch quân mà không bị thiệt hại cả.
Trong hầm trú ẩn của Toán 155
Ái Tử, tỉnh Quảng Trị
Đúng 4 giờ sáng ngày 1 tháng Tư 1972
Lúc này đã là xế trưa ngày thứ Sáu tại quê nhà và Gerry tự ép mình trong một phút phù du xa hoa để cố hình dung ra Bunny và mấy đứa trẻ giờ ra sao. Tuần này chúng được nghỉ học vì lễ Phục Sinh và tha hồ làm những gì chúng đang làm bây giờ. Giờ ở nhà đi trước 15 tiếng, tức lúc này là xế trưa thứ Sáu - ngày lãnh lương - và Bunny chắc hẳn đang nhập đoàn với vô số các bà vợ TQLC khác trong khu quân nhu trong trại Pendleton để mua sắm đồ dùng cho gia đình. Ngoài cái xe đẩy thông lệ chất đầy thức ăn, lần này chắc có thêm một vài món cho ngày lễ Phục Sinh nữa. Chris và Bob đã gần đến cái tuổi đủ lớn để không còn thích mấy quả trứng tô mầu nữa nhưng chắc chưa đâu. Sau đó thì nàng sẽ phải mua tất cả một loạt các thứ bắt buộc phải có màu vàng như kẹo đường dẻo Peeps màu vàng bọc đường, trứng Robin và kẹo dẻo trứng chim. Mọi người chắc sẽ xuống San Diego rước lễ trong ngày Chủ Nhật Phục Sinh cùng với gia đình và cố gắng có một buổi lễ thật vui mặc dù bố Gerry vẫn còn ở Việt Nam và Anne thì ở xa trong trường huấn luyện y tá.
Vì mới chỉ là trưa thứ Sáu ở Mỹ nên Gerry biết chắc là nếu MACV trong Sài Gòn chưa có vẻ gì là lo lắng lắm về những chuyện đang xảy ra tại Vùng I Chiến Thuật thì cái tờ báo San Diego Union mà Bunny hằng ngày đọc rất kỹ để xem có gì gợi ý trong các tin tức có thể cho nàng biết manh mối về chồng ra sao, sẽ không thể lộ được gì về trận đánh mà Gerry đang bị lôi vào ở ngay trong lòng.
Gerry thoáng cười thầm khi nghĩ đến lời tiên tri không dự tính trước mà ông đã viết trong lá thư cuối cùng gởi về nhà trước chuyến đi dự tính bốn ngày từ Sài Gòn lên miền Bắc. Ông bảo vợ: "Đừng có lo lắng gì nếu em không nghe tin tức của anh trong vài ngày nữa..." Nếu tình hình hiện tại không đảo ngược, ông có thể sẽ bị giết hay bị cầm tù trước khi vợ ông nhận được lá thư, hiện chắc phải vài ngày nữa mới tới tay.
Trở lại trong hầm trú ẩn
Gerry Turley không hề chợp mắt từ khi các cuộc tấn công bắt đầu, bây giờ đã trải qua gần 48 tiếng đồng hồ rồi. Ông khá ngạc nhiên lại cảm thấy mình khoẻ khoắn và minh mẫn trong cái tình thế bất thường này.
Vào khoảng bốn giờ sáng ngày thứ Bẩy 1 tháng Tư, bởi các lý do nào đó mà phe Đồng minh chẳng ai biết, tình hình tự dưng tạm lắng dịu, đủ thời gian để Gerry kiểm điểm lại tất cả những chuyện đã xảy ra từ lúc Cộng sản bắt đầu tấn công.
Không có thứ gì trong hầm có thể cho mọi người biết đã sang một ngày mới, ngoại trừ một vài cái đồng hồ trên tường và những chiếc đồng hồ đeo tay của mỗi người. Không có tin tức mới nào tốt đẹp hay vui vẻ cả. Thật khó mà lạc quan được, thế mà Trung tá Turley can đảm chấp nhận cái trách nhiệm chưa từng thấy đang đổ lên đầu mình. Ông là một quân nhân chuyên nghiệp và có quá nhiều thứ đang bị đe dọa. Bao nhiêu là cặp mắt đang hướng về ông cho nên Gerry không thể lộ ra điều gì mà phải chú tâm vào việc cứu vãn cái tình hình đang tồi tệ dần.
Bước vào ngày mới, ông phải kiểm điểm và xem xét lại tất cả những gì đã xảy ra từ lúc ông bị bó buộc bỏ mất món tráng miệng trong buổi ăn trưa ba ngày trước đó. Ông chỉ có đủ thời gian tính toán một cách lạnh lùng; không còn cái xa xỉ để tìm hứng, suy ngẫm, hay xem xét hời hợt các khả năng khác nhau. Mỗi quyết định đều là vấn đề sinh tử, giống như một bác sĩ giải phẫu đơn độc có quá nhiều bệnh nhân cần săn sóc. Gerry buộc phải chọn lựa và phân loại các sự phán đoán của mình.
Từ phía Bắc ngoài khu phi-quân-sự và phía Tây bên Lào, quân Bắc Việt tiếp tục tạo áp lực không nương tay trên tất cả các vị trí của các đơn vị Quân lực VNCH và TQLC. Cho tới lúc này thời tiết vẫn còn xấu cho nên không có cách nào gọi phi pháo để giảm áp lực cho các đơn vị phòng thủ. Pháo binh VNCH phản pháo vô hiệu quả và trong hầu hết trường hợp là bất khả dụng. Nguồn hỏa lực yểm trợ duy nhất là hải pháo từ các chiến hạm đậu ngoài cửa sông Cửa Việt bây giờ đã tăng lên bốn chiếc.
Gerry không hề biết là chỉ huy trưởng chiếc Buchanan đã bắt đầu gởi các báo cáo tình hình chiến sự về cho cấp trên là bộ phận CINCPAC đóng tại Trân Châu Cảng ở cách xa đó năm ngàn dặm. Những bản báo cáo này vẽ lên một bức tranh về tình hình càng lúc càng tuyệt vọng tại miền Bắc tạo ra một sự thất vọng, bối rối và sau đó là ngượng ngùng cho nhóm nhân viên MACV tại Sài Gòn. Cho tới thời điểm này và chỉ cách xa đó ba trăm dặm, các cấp chỉ huy MACV và Quân lực VNCH vẫn chưa chịu chấp nhận là sự nghiêm trọng của tình hình đang ập lên chính họ và các đơn vị VNCH đang tham gia trong trận chiến.
Thêm vào nữa là sự nhắc đến liên tục về một Trung tá TQLC Hoa Kỳ tên là Gerry Turley, có vẻ như đang chỉ huy toán 155 Cố vấn quân sự thuộc TTHQCT của Sư đoàn 3 BB VNCH, đã được chú ý đến. Vì lý do lịch sự đối với đơn vị bạn, CINCPAC (tuy không thể nào biết chuyện không có sự liên lạc nào giữa các đơn vị ở Vùng I và Sài Gòn hay không) bắt đầu chuyển các báo cáo của chiến hạm Buchanan qua cho tướng Abrams và nhân sự của ông tại MACV. Chỉ qua các báo cáo lạ lùng đó mà nhóm MACV lần đầu tiên mới biết đến một tay TQLC họ chưa từng nghe đến bao giờ hiện đang đảm nhận một cách khó hiểu cái trách nhiệm về một tình thế hiện đã vượt ra khỏi tầm tay, trong khi họ không hề có một khái niệm nào về những diễn biến cả. Những sĩ quan cao cấp của MACV và Quân lực VNCH tại Sài Gòn cuối cùng buộc phải công nhận, trái với định kiến cố chấp trong đầu của họ, là tình hình phía Bắc có lẽ nghiêm trọng hơn là một biến cố nhỏ hay đòn nhử chiến lược của địch quân. Hậu quả ngược trở lại của thực tế đó chẳng bao lâu sau sẽ đè nặng lên Gerry Turley.
Không ai có thể ngờ rằng họ đang chứng kiến các loạt pháo mở màn cho một chiến dịch tấn công lớn nhất của địch quân trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Trận đánh này lớn hơn cả biến cố Tết Mậu Thân khi mà Walter Cronkite - được coi là con người đáng tin cậy nhất tại Hoa Kỳ - đã tuyên bố là quân đội Hoa Kỳ sẽ thất trận tại Khe Sanh.
Từ vị trí thích hợp và sôi động của Gerry trong chiến cuộc với đầy đủ các thông tin, ông thấy sự cố tình chậm trễ loan báo các tin tức xấu của Quân lực VNCH mà ông đánh giá là do sự mất mặt do bị đánh bất ngờ cùng với tình trạng lơ là trong thời gian kỳ nghỉ trước lễ Phục Sinh đã giúp cho kẻ thù hoàn tất được các mục tiêu chiến lược của chúng. (Về sau này mới biết là có nhiều sĩ quan chủ chốt Hoa Kỳ và Quân lực VNCH đã đi nghỉ phép cuối tuần trước khi các cuộc tấn công bắt đầu).
Trong những khoảnh khắc giữa những lúc quan sát các vấn đề đó, Gerry vẫn không thể nào hiểu nổi cái thực tế đã xảy ra cho ông. Không đầy 48 giờ đồng hồ trước đây, ông chỉ là một viên phụ tá cho Cố vấn trưởng TQLC đến đây để thăm chừng một chục cố vấn quân sự khác, giao thư từ cho họ và xem xét tình hình chiến sự ra sao. Giờ đây có vẻ như ông đang ở trung tâm điểm của một trận đánh báo hiệu tận thế tới nơi rồi, và mặc nhiên được toàn quyền ra tất cả các quyết định mà ông biết là chưa chính thức được quyền làm như vậy. Trông thì tưởng chừng như là một điều hoang tưởng, nhưng ông biết chỉ có các sĩ quan TQLC mới hiểu nổi, điều làm ông lo ngại nhất không phải là cái chết của bản thân mình. Sự lo lắng của ông cùng với các trách nhiệm càng lúc càng nhiều, là liệu sau này các hành động và tinh thần chỉ huy của ông sẽ được phán xét như thế nào đối với những người còn lại - đặc biệt là nếu ông bị tử thương và còn bị thua trận. Điều mà Gerry Turley không bao giờ muốn là bôi nhọ danh dự của binh đoàn TQLC Hoa Kỳ. Người ta thường nói chiến thắng có hàng ngàn người cha nhưng thất bại chỉ là một đứa con vô thừa nhận. May mắn hay không cũng vậy nhưng tình hình diễn tiến như thế thì Gerry cũng không có thời giờ nhiều để mà suy tư về những vấn đề đó. Thắng hay bại, Gerry vẫn sẽ là cái nhân vật trong đấu trường như trong một trích dẫn nổi tiếng của Teddy Roosevelt. Ông sẽ tập trung vào những chuyện có thể thay đổi được và bỏ những phần còn lại cho các bình luận gia, các vấn đề khác để sau này sẽ tính. Nếu ông sống sót nổi. Hiện tại ông có một trận đánh đang phải đương đầu.
Tình trạng tạm lắng chẳng bao lâu nữa thì chấm dứt. Khắp các ranh giới phía Bắc và phía Tây thuộc Vùng I Chiến Thuật đang co cụm lại, các căn cứ hỏa lực Đồng minh tiếp tục bị tan tác dần, chỗ này nhanh hơn chỗ kia. Chẳng có nơi nào trên tấm bản đồ cho thấy quân ta đang thắng trận cả. Các đơn vị bạn có khá lắm thì thua chậm hơn một chút.
Tình hình đã xấu lắm rồi đối với quân Đồng minh nhưng rồi lại trở nên tồi tệ hơn nữa. Hiệp hai sắp mở màn. Toàn bộ lực lượng của bốn sư đoàn quân Bắc Việt cùng với hàng trăm khẩu trọng pháo đã di chuyển vào vị trí chiến đấu gần nhất. Mặc dù các sự đánh phá từ đầu đã quá ác liệt, nhưng các trận chiến khởi đầu này mới chỉ là trò mở màn của một đội banh thiếu niên chơi trước khi đội thứ thiệt ra sân.
Tuốt trên cứ điểm Alpha 2 tình hình đang tiến triển rất nghiêm trọng. Khác với các sĩ quan TQLC Hoa Kỳ được chỉ định rõ rệt làm cố vấn cho các trung đoàn hay tiểu đoàn cho các đơn vị TQLC và trực thuộc quân số của họ, sống chết, chiến đấu cùng với họ, cái toán năm người Chấm Tọa độ Hải pháo tại Alpha 2 chỉ hoạt động riêng lẻ một mình. Không có đơn vị TQLC nào tại Alpha 2 và lực lượng VNCH tại đó tỏ ra không nhiệt tình để quyết chiến bảo vệ căn cứ lắm.
Trung úy Joel Eisenstein không hề quên tình trạng mong manh của Alpha 2. Các TQLC Hoa Kỳ tại đó là người của anh. Sĩ quan trưởng nhóm là Trung úy David Bruggeman. Anh này vẫn báo cho Eisenstein về tình hình ra sao và tối ngày 31 tháng Ba cả hai đã nói chuyện với nhau qua tần số truyền tin bảo mật về khả năng cần phải rút khẩn cấp nhóm quân nhân đó.
Vào sáng sớm ngày thứ Bẩy, Eisenstein đã tới gặp viên Đại tá Quân đội, lúc đó đang ở tại phía sau hầm trú ẩn cùng với Tướng Giai. Viên Đại tá nói với ông là nên có kế hoạch nhưng không được phát động nó nếu không có sự chấp nhận của ông. Eisenstein bắt tay ngay vào hành động.
Vấn đề mấu chốt cho việc rút lui đặc biệt này là sự phối hợp giữa trực thăng và hải pháo. Các nguy cơ thì rất cao. Điển hình cho phương cách chiến đấu của người Mỹ là họ điều động rất nhiều người và phương tiện quý giá khác chỉ để cứu một lực lượng nhỏ hơn. Joel Eisnstein sẽ là sĩ quan trưởng toán cứu viện và chỉ huy công tác cả trên không khi họ tới nơi và ở dưới đất khi họ đáp xuống. Mặc dù tình thế dự kiến sẽ xấu vô cùng cả trên đường bay vào căn cứ lẫn tình hình trận địa tại Alpha 2, các phi công trực thăng Hoa Kỳ không đợi phải bị thúc giục, họ nhận lời công tác ngay. Họ bàn tán với nhau làm sao để thực hiện tốt nhất việc cứu viện. Đến sáng sớm ngày 1 tháng Tư thì kế hoạch căn bản đã hình thành, Eisenstein chỉ cần lệnh cho phép là đi thôi.
Tình hình trong hầm trú ẩn của Toán 155 vào sáng sớm ngày thứ Bẩy căng thẳng một cách đặc biệt. Mặc dù trên thực tế Gerry đã điều hành mọi chuyện từ lúc được bổ nhiệm bởi cố vấn trưởng của Tướng Giai, ông Đại tá quân đội vẫn giữ quyền chỉ huy trên danh nghĩa - dù ông không bao giờ hỏi hay cãi lại bất kỳ lệnh nào của Gerry - đối với các nhân sự khi họ có mặt tại đó, nhất là các nhân viên VNCH. Vấn đề khó khăn nhất dưới quan điểm của người Mỹ, được tạo ra bởi sự cố gắng hòa hợp giữa các sĩ quan Hoa Kỳ và VNCH lại với nhau là cái cung cách của người Á châu không dám quyết định điều gì nếu không được sự chấp thuận rõ ràng của chỉ huy trưởng. Lúc này thì Tướng Giai đang vắng mặt khá lâu khi đi thăm các đơn vị đang đụng độ, do đó các quyết định then chốt thường bị chậm trễ vì họ sợ đi ngược lại ý muốn của ông và từ đó sẽ bị mất mặt. Gerry Turley biết được điều này và nó làm ông hết sức thất vọng. Với tương quan chỉ huy kỳ cục và không xác định rõ rệt như vậy, mặc dù sau khi đã điều hành mọi chuyện, phối hợp các nhân sự và các phương tiện khá tốt rồi trong suốt hai ngày vừa qua, Gerry vẫn cảm thấy mình chỉ là một người giúp việc, một người thừa hành; tức là một thứ "băng keo cứu cấp" dán tạm trong khi chờ đợi được thay thế bằng một cuộc giải phẫu lớn hơn. Nếu đây chỉ là một cơn ác mộng thì ông chỉ muốn mau chóng thức dậy cho xong.
Cú điện thoại đầu tiên yêu cầu rút lui lập tức đến từ Dave Bruggeman vào lúc 8:40 sáng. Eisenstein tức khắc đi gặp ngay ông Đại tá quân đội để trình bày. Ông này lại nói với anh là cứ lên kế hoạch công tác nhưng chỉ được thực hiện với sự chấp thuận của ông. Phối hợp được hỏa pháo và trực thăng yểm trợ đã làm Eisenstein mất nhiều thời gian hơn dự tính. Đến khi anh đã tập hợp được nhóm phi công dũng cảm và xác định được tọa độ cần thiết cho hải pháo thì Tướng Giai và ông Đại tá quân đội của Toán 155 đã trở ra mặt trận rồi. Vì đã được chỉ thị, được ra lệnh thì đúng hơn, là phải có sự chấp thuận của Đại tá của Toán 155 nhưng ông này khi đó vắng mặt, cho nên quyết định cho thi hành sứ mạng lớn ấy mặc nhiên rơi xuống dầu Gerry Turley, cho dù không có tính cách pháp lý thật sự.
Có một vài đặc tính độc nhất không thể diễn tả được trong toàn bộ tiến trình cho phép tối hậu công tác cứu trợ khẩn cấp đã làm thay đổi thái độ và tâm tính của Gerry Turley. Khi nhận được cú điện thoại của Eisenstein xin phê chuẩn công tác vì ông Đại tá quân đội vắng mặt, thời gian như ngừng lại một lần nữa. Giống như lần hai ngày trước đây khi ông nhận lệnh điều hành Trung tâm Hành quân chiến thuật, trong vòng một vài giây đồng hồ, với một sự rõ ràng minh bạch kỳ diệu, ông điểm lại trong đầu tất cả mọi khía cạnh của các vấn đề có trong tay. Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyện cứu viện là một điều đúng, một vấn đề danh dự cần phải làm. Nếu thành công thì các TQLC và phi hành đoàn trực thăng sẽ thoát nạn. Nếu lực lượng cứu viện bị tiêu diệt hay các TQLC của Eisenstein bị bắt hay bị giết thì đó sẽ là "chuyện điên rồ của Gerry Turley."
Trong khoảnh khắc vài giây đồng hồ đó, Gerry Turley đã thay đổi hẳn. Không phải về mặt thể xác. Một điều gì đó khi quyết định cho phép thực hiện công tác đã biến đổi Trung tá Gerry Turley từ vị trí một kẻ thừa hành trở thành một người chỉ huy. Sự lột xác từ một giảng viên tạm thiếu tự chủ trước các học sinh nay trở thành ông hiệu trưởng đầy lòng tự tin, trong một thoáng chốc đó, đã hoàn thành xong. Một cái gì đó mà ông không hiểu nổi đã đổi khác. Gerry Turley đã đánh động được vào cái tiềm năng an bình và mạnh mẽ của mình, một cảm giác thư giãn một cách kỳ lạ với nhiệm vụ mới mà cho tới đúng cái giây phút đó vẫn dường như lẩn tránh ông. Đây là một chuyện rất hay. Ông sẽ phải cần tới cái mặt mạnh đó, lòng tự tin, sự quyết đoán về mục đích trong những ngày giờ tới đây. Và đối với Trung tá Gerry Turley, cái ngày đó mới chỉ bắt đầu…
__________________________________________________________
* Trung úy Joel Eisenstein và David Bruggeman, cùng với các thành viên có tên trong danh sách toán Chấm Tọa độ Hải pháo không nằm trong chương trình cố vấn như Gerry Turley, John Ripley, George Philip và những người khác. Họ không là cố vấn quân sự. Tuy vậy, họ thuộc thành phần của ANGLICO (Đại đội Liên lạc Phi pháo và Hải pháo Air & Naval Gunfire Liasion Company) còn ở lại khá lâu giống như các cố vấn sau khi các lực lượng bộ binh chiến đấu đã rút đi. Vai trò các nhân viên ANGLICO hết sức quan trọng, giống như các cố vấn, trong việc hỗ trợ hỏa lực cho miền Nam Việt Nam. Khác với các cố vấn Hoa Kỳ đi theo cấp tiểu đoàn và trung đoàn nhằm trợ giúp nhiều vấn đề khác nhau, các toán ANGLICO không trực thuộc các đơn vị TQLC Việt Nam và họ được sử dụng thuần túy trong việc phối hợp yểm trợ hỏa lực mà thôi. Cũng nên chú thích rằng ANGLICO có một hệ thống quân giai riêng rẽ với các cố vấn TQLC Hoa Kỳ.
Trung úy Gerry Turley năm 1954 tại Triều Tiên
(Hình của tác giả Richard Botkin)