Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
‘Xóm mợ Thái có nhiều con gái chơi… bời.’ Tôi róng họng hét vào lòng chiếc lu da lươn bên trong chỉ còn chừng hai gang nước đục phèn. Tiếng ngân u u dội vào hai màng tang giật giật ‘ời… ời…’. Một phát đập vào mông, tôi giật bắn người. Giọng thằng Thế ồm ồm đằng sau: ‘Ðụ mẹ hát cho nghiêm túc mày? Bà già đâu rồi?’ ‘Tụi mày không nghiêm túc cớ gì bắt tao,’ tôi sừng sộ. ‘Chuyện gì vậy?’. ‘Ðụ mẹ thằng cha Nhân làm bộ thiếu tiền. Tao thấy cái mặt nó bây giờ tao đập bể luôn, tới đâu hay tới đó.’
‘Từ từ đã cha nội, làm chi nóng vậy? Chuyện làm sao kể tao nghe coi.’
‘Thiệt tình, nhiều lúc tao muốn bỏ ngang coi tên nào ngon hơn tên nào...’
Nói cứng vậy chứ tôi biết nếu già Nhân có ở đây mặt tôi lại ỉu xìu như chiếc lá héo. Có khi lại cố rặn ra một nụ cười cầu tài. Lại năn nỉ chẳng hạn. Nhưng thật tình bây giờ tôi đang muốn trút cơn giận vào bất cứ chỗ nào. Vào cầu tiêu. Vào cái lu nước đục lờ. Thằng Thế là con dê tế thần. Bụng tôi đang sôi quặn, cơn đói trào dâng khi nhớ đến số tiền ‘cát xê’ hai mươi ngàn cho cả một tuần, tối qua ông Nhân lại lần nữa làm bộ khất. Nhớ đến tối qua, chẳng đâu ra đâu. Nhưng nghĩ lại cũng tội nghiệp ông già, gặp hôm xui chỉ có ba bàn tổng cộng hơn chục mạng, còn bàn thứ tư hai ông nội công an khu vực ngồi tán dóc cả buổi, như thể chực kiếm cớ lấy tiền trà nước, mặc dù cô em của Nhân đã ân cần pha cho mỗi vị hai ly cà phê sữa đá miễn phí kèm thêm sáu điếu ba số xếp ngay ngắn trong hộp, để trên lòng chiếc đĩa sứ nhỏ. Thôi thì đành đổ lỗi cho cơn mưa rào buổi chiều bất chợt ập xuống, rồi rả rích kéo dài đến khuya.
Thế rút một điếu thuốc quăn queo, mồi lửa. Mỗi đứa rít một hơi.
‘Mày thấy không. Đói thuốc thấy mụ nội mà túi không còn một đồng. Vậy mà cha Nhân bữa qua chiêu đãi mấy thằng công an thuốc thơm có cán.’
‘Mày quan trọng hơn hay thằng công an quan trọng hơn, nói tao nghe coi?’ Thế hỏi.
‘Thằng nào có quyền thằng đó quan trọng hơn. Bây giờ nó có quyền, nhưng chờ mười năm nữa rồi coi.’
‘Coi gì?’
‘Tao mà hát ngon lành thành danh ca thứ thiệt tao chấp cả nhà nó. Tụi nó có tặng tao danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú gì nữa tao cũng đéo cần.’
‘Như vậy tốt hơn là mày chịu khó nhịn tụi nó bây giờ. Tao đờn. Ráng ca cho ngon lành mai kia mốt nọ thành danh ca biết đâu chừng. Ðụ má vô cho đúng tông nghe con. Bây giờ còn có cái đờn chớ tối nay thằng Hồng xì-ke chơi saxo solo mà mày lại vô lạc tông như bữa qua nữa thì có mà cạo đầu.’
Thế ghì lấy cây ghi ta, so vai, nghiêng người, nhắm mắt, bốn ngón tay trái lấy gân vuốt một một đường tuột thẳng xuống tới phím mười hai, năm ngón phải vê sáu sợi dây, hàm răng nghiến một lượt cả điếu thuốc lẫn nốt nhạc, bàn chân dập nhịp trên đất. Tiếng đàn rên mời gọi một thằng tôi đang ở đầu đoạn đường khổ nhọc. Tay cầm chai bia rỗng dốc ngược giả làm micro, vài giọt còn sót lại nhễu lên môi nhễ nhại. Tôi nhắm mắt, thả cho hồn bay thành lời: ‘Summertime…, and the living is easy. Fish are jumping. And the cotton is high…’
Trước mắt tôi nào thấy có nắng hè và biển xanh, còn cá thì đang nhảy xoi xói trong cái bụng quặn của tôi đây. Nhưng tôi chẳng cần. Ðời sống hiện tại chỉ còn thuần một chữ tưởng tượng. Tưởng tượng bữa ăn có cơm có cá có gà, đơn giản thế, mà cũng khó làm sao. Nhưng tôi phải liên tục tưởng tượng để có thể sống còn. Tưởng tượng và liên tưởng tới những chuyện không đâu vào đâu. Tưởng tượng không khí đảo điên trong dòng nhạc của Procol Harum: ‘We skipped the light fandango...’ để có thể mơ một ngày trúng con đề bốn số. Tưởng tượng một người yêu còn được bọc vỏ tương lai: ‘Oh my love, my darling, I’ve hungered for your touch…’ cho dù hiện tại tôi đói cơm đói thuốc chứ chả đói những cái vuốt ve nũng nịu.
Hai bài ruột, ‘The whiter shade of pale’ và ‘Unchained melody’, tôi ca mỗi tối thứ tư, sáu, bảy và chủ nhật đã trơn láng cả cuống họng, không cần nghĩ mà lời cứ tự nhiên tuôn ra như con điếm làm bộ rên rỉ trong khi tâm trí tập trung cả vào cái ví tiền của khách. Tuần trước Nhân nói tôi tập Summertime. ‘Thằng Hồng xì ke đi solo bài này hết xẩy,’ Nhân đùn đẩy thêm. Ừ thì Summertime. Tôi có nghe nó solo vài lần, tiếng saxo trầm buồn u uất như lũ chúng tôi, phải chi nó có cây trompette thì mới đúng là hết xẩy. Saxo không lột tả hết những rung cảm trong dòng nhạc của bài này. Sáng hôm qua dợt khô cổ không có nhạc đệm, buổi tối ra nghề. Con Thùy Linh diện áo pull trắng quần jean xanh, trả nợ xong bài ‘Tự nguyện’, mới vừa tụt vào sau tấm phên lá là tôi nhảy lên đài thế chỗ, đứng cạnh thằng Thế đang ôm chiếc ghi ta thùng rải một ắc-co rời.
Thằng Hồng xì ke vớ cây saxo, nắn lại chiếc béc, lấy gân, người ẹo điệu múa rắn Ấn Độ, hai má phồng căng như ễnh ương gọi mái chiều mưa, ưỡn cổ hẩy hẩy mấy nốt nhạc dạo đầu ra tứ phía. Cả quán nín thở…
‘Summertime and the living is easy…’. Thiếu cơm, thiếu thuốc, giọng hát tôi nhão ra như cháo ninh nhừ, tiếng ca tiếng kèn đi chơi hai ngả. Tôi liếc thấy mấy cái nhíu mày. Thời gian trở thành đặc sệt không chịu trôi. May là khúc sau, khi định thần lại, tôi vớt vát được tí chút, cũng nhờ thằng Thế dùng ngón guitar mê hồn của nó kéo tôi trở lại đúng cung bực. Khúc nhạc đệm dứt, vài tiếng vỗ tay rời rạc nghe muốn chảy nước mắt. Hết buổi, Nhân an ủi: ‘Lần đầu ca được như vậy là khá rồi. Bản này phải dợt cả chục lần chưa chắc đã tới. Thằng Thế đâu, mai lại dợt với nó chút coi.’
‘Dạ, để mai em dợt lại,’ tôi buông xuôi.
‘Ráng đi chú mày, rồi cũng có lúc cái thời mình nó đến.’ Nhân vuốt đuôi.
‘Chờ nó đến chắc tao già ngắc,’ tôi nghĩ thầm. Cố nở nụ cười đã méo xẹo, tôi hỏi Nhân: ‘Anh còn tiền không cho em xin? Cả tuần nay chưa được đồng nào, đói địa quá ca hổng nổi.’
‘Mậu lúi. Còn thiếu tiền con Thùy Linh bữa nay vừa mới phải chung cho nó. Đàn bà con gái ưu tiên. Mày ráng nhịn hai bữa được không. Cuồi tuần hy vọng khá. Bữa nay xui quá. Bị trận mưa không biết canh giờ giấc, nhè giờ này mà mưa.’
Tôi nghĩ đến cảnh về nhà giờ này lục cơm nguội khoai luộc cũng chẳng có, lại thêm gặp bản mặt nhăn của bà mẹ sau một buổi chạy chợ vật vã mà ngán ngẩm. Nhưng hy vọng khi tôi về bà đang ngon giấc. Thấy tôi cà rề, Nhân dúi cho tôi ba ngàn:
‘Cầm đỡ đi. Rồi chở con Linh về giùm tao.’
‘Xe nó đâu?’
‘Xe Honda dame già tuổi hơn nó, chạy gì được. Lột dên bể bánh tùm lum tà la rồi. Tao hứa mai mua cho nó chiếc ruột mới. Chịu khó một bữa đi, mai hy vọng khá hơn.’
‘Sao anh không chở nó về. Xe đạp chạy biết chừng nào tới cha,’ tôi than.
‘Tao bận, với lại in như bị cảm lạnh. Thôi mày ráng đi. Nhà mày phía đó mà, đi vòng chút có sao đâu. Cầm lấy này,’ Nhân dúi thêm cho tôi hai ngàn.
Đành đút túi vậy. Tôi dắt xe ra. Thùy Linh lúm cúm ngồi lên yên sau. Tôi chệnh choạng đạp ra lộ. Những chiếc xe tải phóng vun vút. Đường về nhà Thùy Linh đổ dốc xuôi theo chiều gió. Cơn mưa đang nghỉ dưỡng sức chờ đợt tấn công mới. Gió đêm mát thổi hơi thở Linh phà vào gáy. Mùi nước hoa trộn với mồ hôi, nhớp nháp. Con đường về càng thu ngắn tôi càng bối rối. Năm ngàn mà làm được gì. Chẳng lẽ mời em ăn mì tối mà bắt em trả. Nhưng Linh mới được cát xê ông Nhân chung. Có gì mượn đỡ cũng được. Chậc. Tôi đánh liều ngỏ ý, bụng đã sôi quá lắm. Cố thót lại chịu, nhưng những bong bóng quái ác vẫn lợn cợn trồi lên.
‘Kiếm chỗ nào ghé ăn chút nghe Linh?’
‘Em không đói, mình coi chỗ nào uống nước mía, khát quá trời.’
Tôi mừng hơn trúng số đề, như vậy là vẫn còn đủ tiền cho ba điếu thuốc.
Chúng tôi sà vào một xe nước mía dọc đường, cô gái đang ngồi gặc gù đàng sau. Bên trái, sát lề, mấy cục gạch sắp chồng lên nhau, một chiếc ghế đẩu trên có chai xăng không đen xỉn. Bên phải, một xe mì, trên nóc treo chiếc đèn dầu leo lét. Chú ba tàu ngồi ngáp, cả gia sản của chú chẳng mua nổi một phần mười tấm vé đăng ký đi bán chính thức, cho nên giờ này chú còn ở đây. Tôi gọi hai ly nước mía, thứ nước mía vừa chua vừa nhạt, lại còn bỏ thêm vào một trái tắc. Linh nhìn tôi ái ngại:
‘Anh ăn mì thì kêu đi. Em bao. Em uống nước mía đủ rồi. Hồi nãy nghỉ giải lao em mới làm tô mì gói.’
‘Hôm nay sang dữ,’ tôi thành thật.
‘Trả công anh chở em về. Với lại anh Thế mới đưa em mấy ngàn.’
Tôi ước mình là đàn bà. Thằng Thế có bao giờ rộng rãi với tôi như vậy đâu, mặc dù tôi với hắn thường xuyên hát hò cùng nhau.
‘Có điều kiện gì không?’ tôi ỡm ờ, nửa đùa nửa thật.
Linh nguýt tôi bằng tia mắt dài cả mấy thước:
‘Cái anh quỷ này. Có điều kiện gì thì tối nay anh ấy đã chở em về, chứ đâu có đùn đẩy qua chú Nhân để rồi chú ấy bắt anh chở. May mà bữa nay có anh, chứ không lại mất ngàn đồng xe ôm rồi. Mà con gái như em…,’ Linh bỏ lửng câu nói. ‘Em biết anh Thế mới trúng đề, bữa nay ra con chó. Bữa qua em nói với ảnh tuổi em con chó, đời em cũng con chó, anh đánh con chó chắc trúng. Mà trúng là phải chia cho em nghe. Anh ấy nghe em, đánh con chó, chó nhỏ chó lớn, cả xuôi cả ngược, cả đi cả về. Rồi cả chú Nhân cũng đánh ké theo, hổng biết bao nhiêu. Anh thấy em linh không. Tên sao người vậy.’
Linh cười hắc hắc, thỏa mãn. Tôi im lặng lua những sợi mì cuối ngày đã khô vào họng, húp thêm hớp nước lèo đáy tô. Bụng đã bớt xót, nhưng lòng càng cay đắng khi biết già Nhân vừa trúng đề mà còn tính kế cù cưa với tôi. Có lẽ tên nào cũng sợ chở gái về giấc khuya, vừa mất tiền đổ xăng, lại phải bao ăn uống. Cơn mưa đã ngớt, nhưng không khí vẫn ngột ngạt hơi nước. Thành phố này dường như lúc nào cũng oi bức. Những chiếc xe tải xịt khói đen vẫn ào ào chạy qua. Xe cộ bắt đầu thưa thớt. Thành phố càng về đêm càng mang vẻ bí ẩn. Tôi duỗi hai chân, quắp mấy ngón tê vì ướt và lạnh, cảm nhận mấy chiếc khớp xương kêu lắc cắc. Linh hớn hở, cô nàng đang yên bụng khỏi lo vài tuần ăn xài. Còn tôi. Nếu có tiền. Nếu tôi có tiền, không nhiều thôi, tôi sẽ nhất định đòi trả.
Bàn tay tôi đặt trên đùi bỗng dưng như theo phản xạ rờ nắn mấy tờ giấy bạc trong túi. Nó vẫn còn nằm yên đó, những tờ giấy bạc đang mất giá dần. Ngủ yên một chút nhé mấy con, tôi cười thầm, may ra tụi mày được ngủ chung với nhau tới trưa mai. Một tô mì, hai ly nước mía có đáng là bao. Nhưng bây giờ chúng tôi sống một đời từ sáng tới tối chỉ chờ mánh mung, và tìm mọi cách, giở đủ thủ đoạn để túm được từng đồng, ngay cả từ những người quen thân nhất. Càng thân quen càng dễ vô mánh. Tôi chợt nhìn qua Linh, đo lường. Cô nàng đang ngồi im, lim dim mắt.
Phải nói Linh khá thành thật. Thời này, những người thành thật còn khó kiếm hơn đồng tiền hiếm hoi trong túi quần tôi hiện giờ. Linh ở với ông bố trong một căn nhà lụp xụp gần kinh Nhiêu Lộc. Căn nhà nghe nói có ma, chẳng ai thèm mua, mới tới tay gia đình Linh. Ông bố buôn hàng đường Bắc Nam, mê bà bạn hàng hơn vợ. Mẹ Linh khi biết chuyện, cắp bọc đi theo ông cán bộ. Ông bố lâu lâu về nhà, đã có sẵn xị đế làm bạn, và làu nhàu chửi đời chửi người. Những ngày có mặt ông, nhà như địa ngục, Linh bảo. ‘Em cũng không dám đến gặp mẹ. Thằng cha cán bộ lúc nào cũng nhìn em như muốn lột trần người ta ra.’
‘Vây em phải hãnh diện là em còn đẹp.’
‘Em mà đẹp thì thằng cha ấy đã nhìn vào mặt em. Đàng này nó chỉ nhìn từ cổ trở xuống,’ Linh chanh chua.
Linh hay trở chứng như vậy, như mưa nắng giao mùa. Tôi tìm cách phá sự im lặng:
‘Cứ như vầy hoài rồi không biết tụi mình sẽ ra sao. Nhà nước nói mở cửa mở cửa hoài mà chẳng thấy mở chỗ nào. Chắc mở cửa mả quá.’
‘Em không biết. Em đang để dành tiền học may, học cắm hoa. Hy vọng kiếm được chàng Việt kiều nào chịu lấy, mang đi nước nào cũng được. Chứ sống như em bây giờ không đâu vào đâu. Làm gì cũng phải có sắc đẹp, có bằng cấp, có người quen. Chẳng lẽ đi bán bia ôm. Tính tình như em mà bán bia ôm thì chắc được hai bữa. Chắc chỉ có anh ghé quán đòi ôm không trả tiền.’
Linh nói tỉnh queo như đang bàn tính chuyện mua mớ rau, con cá. Thằng Thế đã nói con ma đầu này ghê lắm đó. Chắc đúng.
‘Sao Linh không đi học Anh văn?’ tôi dọ dẫm.
‘Linh thực tế lắm. Học Anh văn ở đây chỉ mất tiền lãng xẹt. Nếu đi Mỹ được thì học mấy hồi, con bạn em nói là học ba bốn tháng đã nói như gió. Hay anh dạy em đi. Anh ca tiếng Anh như Mỹ thiệt. Hihi. Ờ mà anh kiếm đâu ra mấy bản nhạc hay vậy?’
Thực tình trong cả đám chỉ có tôi là ‘cừ’ Anh văn nhất. Nhưng một phần cũng nhờ tài vặt. Tài đó đã giúp tôi có một việc làm buổi tối. Ông Nhân, người chủ căn quán mang tên Dạ Lý, gặp tôi đang toát mồ hôi tán dóc bằng thứ tiếng Mỹ ‘ba rọi’ với mấy thằng Tây ba lô bằng cả tay lẫn chân, đã gạ tôi vào giúp cho quán của ông mới mở. Quán có nhạc ‘sống’, thứ nhạc nửa lộ nửa chui. Nhạc được công nhận - vài bản tiền chiến - làm phông, ít bài nhạc ngoại quốc cho có tí ướt át và vài lần họa hiếm dọ dẫm một bản nằm ở ranh giới cấm/làm ngơ. Ðây là khoảnh đất nguy hiểm nhất, nhưng nhờ có tên Hồng xì ke với tài thổi saxo cứu giúp qua những màn độc tấu dò đường. Những bài này và những bản nhạc ngoại quốc đã mang lại cho quán một thu nhập khá. Vài lần có khách Tây đến quán, tôi được lôi ra, và rồi nhờ giọng không đến nỗi tệ tôi được giao cho phần nhạc ngoại. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.
Chỉ cần vài bản hợp giọng, hợp không khí, xào đi xào lại là đủ. Cà phê chỉ quyến rũ nhờ một số yếu tố: khung cảnh thân quen, tiếp viên chiều khách, giá hợp túi tiền và cho người uống cảm giác thoải mái, thế là đủ. Cũng như tôi, chỉ cần dăm bài ruột dằn túi, miễn là ca cho mùi. Chương trình nhạc sống chỉ đúng một tiếng trước khi quán đóng cửa, đôi khi thêm được năm bảy phút nếu khách đông, bis nhiều...
Câu hỏi của Linh chợt ngắt ngang dòng suy nghĩ:
‘Ờ thì lúc túng cùng tự dưng phải tìm đủ cách chứ,’ tôi ậm ừ.
‘Mấy bản anh ca bản nào cũng hay. Nhưng em nghe anh ca hoài mà không hiểu chi hết. Chỉ thấy nó buồn quá.’
‘Anh cũng đâu có hiểu hết. Mấy thằng Tây chép cho anh, xong rồi cho mượn băng nghe. Cứ vậy mà tập. Ai hiểu thì hiểu, ai không hiểu ráng chịu. Mấy cha nhà nước cũng vậy thôi, mấy chả nói thì cứ nói, ai hiểu sao cũng được. Thôi khuya rồi, anh chở em về, mai còn dợt tiếp cho nhuyễn, không ấy già Nhân lại cằn nhằn.’
***
Hai chục phút sau, khi tô mì đã tiêu gần hết, tôi và Linh dắt xe vào căn phố nằm trong ngõ tối om. Phòng ngoài chỉ còn chỗ lách người qua, sau khi dựng chiếc xe đạp tựa vách. Hơn một nửa căn phòng chất đầy những xà, đòn, ống thép, rồi một lô bao bố bên trên. Những thứ tạp nham, nằm chờ một mối giao hàng nào đó. Linh thắp chiếc đèn hột vịt leo lét trên chiếc bàn độc nhất trong phòng rồi chui ra sau nhà, tiếng nước dội ào ào, tiếng lon cạ vào thành lu soàn soạt. Dường như cô nàng cố tình tạo ra tiếng động cho căn nhà bớt âm u. Tôi nghe tiếng chuột chạy rào rào trên hàng rui khi tiếng mèo động đực ngao ngao từ bên nhà hàng xóm vọng qua bức vách...
Chợt mắt tôi sáng lên khi vừa thấy một góc bao nylon ló ra trong mớ dây, ống hỗn độn.
Như có tánh linh hay do thần thổ địa mách, tôi nhẹ kéo chiếc bọc ra. Một xấp giấy bạc xếp đôi, cột dây thun. Cái này chắc của ông bố Linh diếm, dành cho những cuộc tình trên đường trường cô đơn đây. Tôi nghĩ thật nhanh. Tóm hết thì trước là bất nhân, sau là tự ký giấy nhận tội nếu bị phát giác. Tôi cưa đôi, nửa già để lại, phần mình ít thôi cũng được. Xấp tiền được cuộn lại như chớp, đúng dạng nguyên thủy, vừa đút vào giữa kẹt ống thì Linh cũng vừa trong phòng tắm đi ra, một tay ôm bộ đồ dơ, một tay rũ tóc. Cơn mưa rào bất chợt đổ đến không báo trước.
‘Thôi anh vô tắm cho khoẻ, chừng hết mưa hãy về.’
Ðiệu này được cả chì lẫn chài đây. Mưa khuya kiểu này biết chừng nào tạnh. Tôi nhủ thầm khi đã tắm táp xong, ngồi trước bình trà mới pha, lòng cầu cho mưa mãi. Chậc, con trai hai mươi mấy đêm khuya ngồi cạnh đứa con gái thì đó là chuyện đương nhiên.
Nhưng chuyện đương nhiên đã không xảy ra khi tôi nằm trên bộ ván chứa gọn hai đứa, vừa xoay người đối mặt nhau. Cơn đau thắt bụng khi không lại trồi lên. Rõ ràng không phải chỉ mình cơn đói. Rất nhanh, tôi hiểu ra. Luyện giọng, hát ra rả cả ngày, không kinh nghiệm nén hơi, cả đám cơ bụng đang lên cơn chướng. Rồi sắp tới màn vận động tới đây, chịu gì nổi. Hai chân cũng đã rã rời sau một cuốc xe đạp xuyên thành phố. Rồi hình ảnh mẹ tôi nằm co quắp cho bụng thót lại để giảm cơn đói giày vò, rồi cái hẹn với thằng Thế sáng sớm mai, và… xấp tiền cộm lên trong túi quần cuộn dưới chân giường, lộ tẩy thì có mà cạo đầu. Việt Nam chưa cần ban hành luật gia đình một con như Trung Quốc. Tôi thở dài và ngồi bật dậy, xỏ chân vào dép, mặc Linh ngơ ngẩn. Thây kệ, cho dù có ma hiện hình nhát cô bé, tôi cũng phải ráng bò về…
Nhưng buổi tối này, khi chuẩn bị đóng cửa, ông Nhân cho chúng tôi biết là ông đã quyết định cho thuê một phần căn nhà. Quán sẽ đóng cửa cuối tháng này: ‘Thời buổi khó khăn, làm gì cũng phải lo mấy thằng công an, mà không thấy tương lai chi hết. Anh chị đã quyết định sang quán lại cho một tay cán bộ cho nó đứng tên mở quán nhậu. Mà mấy em biết, quán nhậu họ không cần cái thứ nhạc văn nghệ như mình... Thời này phải biết xoay.’
Thời này phải biết xoay, tôi hiểu. Nhưng tàn nhẫn như già Nhân thì tôi không hiểu được, mặc dù ông Nhân thanh toán đủ tiền còn thiếu, tặng thêm hai chục ngàn. Hai chục ngàn ân huệ trước khi vất tôi ra đường phố. Thôi cũng đành... Ngày hôm sau đó không thấy Thùy Linh đến quán, già Nhân bảo cô nàng đã tìm được quán khác đầu quân. Thế là tôi vỡ mộng đang dang dở...
*****
Mới chốc đó mà đã mười mấy năm rồi. Thằng Thế và tôi giờ đã bệ vệ, bụng bắt đầu xổ. Vào một buổi trưa trong cái thành phố núi này tôi gặp lại nó trong một nhà hàng trên đầu con dốc. Đúng ra là nó nhìn ra tôi khi tôi bước vào quán, kéo ghế ngồi. ‘Phải anh Hải hồi trước ở Thị Nghè không?’. ‘Ừ...! Anh...’ Trong một thoáng tên Thế chợt nổ ra trong đầu. ‘Thế. Phải mày đó không Trời?’ Đúng là hắn ta rồi. Trong bộ com lê cà vạt tôi không hình dung ra được thằng Thế ốm năm nào. ‘Cứ tưởng cha giám đốc nào chớ,’ tôi đùa. Thế kéo tôi vào bàn, tíu tít hỏi thăm. Tên này quả số đẻ bọc điều. Con gái tận dụng nhan sắc và đủ mánh khóe mới bắt được một tên Việt kiều, thế mà thằng Thế nhờ có cái miệng đã câu được một chị cá mái từ bờ bên kia Thái Bình Dương, và giờ mũ áo trở về mặc sức nổ. Suốt bữa ăn tôi chỉ có thể làm một việc là nghe và ừ à tán dương.
‘Mày còn nhớ Thùy Linh không?’ Thế chợt hỏi.
‘Thùy Linh nào?’
‘Thì con Linh hồi trước hát chung với đám mình trong quán Dạ Lý của thằng cha Nhân chứ còn Linh nào.’
‘Ờ Linh đó tao nhớ. Hồi đó tan hàng nó đi mất biệt. Mày có được tin gì của nó không?’
‘Linh đang ở đây.’
‘Ở đây??!!’ tôi sửng sốt. ‘Nó làm gì ở đây?’
‘Để bữa nào tao dẫn mày lại nó… Ờ chiều nay rảnh không? Chừng nào mày về lại?’
‘Chắc chiều mai. Không chừng sáng mốt.’
‘Vậy chiều nay lại đó đi,’ Thế rút phắt di động làm một tràng như nã đại liên. ‘Xong rồi, Linh nói mày tới ngay đi, nó chờ. Tao kêu cả thằng Hồng xì-ke tới phá nó một đêm.’ Thế ghi vội cho tôi cái địa chỉ với hai số điện thoại, của Linh và của hắn. ‘Nhà nó rộng lắm, chục người ngủ cũng được. Chiều gặp lại nhé.’
Vì thế giờ này tôi ở đây, ngồi trên chiếc ban công nhỏ nhìn xuống đường, cố định thần qua những biến động dồn dập trong một ngày. Lần thứ hai tôi chết sững, khi gặp lại Thùy Linh. Chết như Phạm Duy gặp lại cô gái năm nào trên bước giang hồ. ‘Nhà em phải chăng là đây, dè đâu chẳng may là quán, em bẹo hình hài đem bán…’ Khi tôi bước vào quán karaoke mang tên Ngân Đình, phải mười phút sau khi lắc đầu cho tỉnh hồn và dụi mắt dăm lần tôi mới hiểu ra rằng bà chủ chính là cô bé Thùy Linh dạo nào. Hèn chi thằng Thế nói nhà cô ả chứa được cả chục người. Thùy Linh bây giờ đã có phấn che những nếp nhăn, bộ đồ đen may cắt khéo ôm chiếc vòng bụng bắt đầu sồ sề. Thùy Linh bây giờ đủ thứ dây nhợ chằng chịt và vàng bạc lủng lẳng. Những thứ lỉnh kỉnh này tạo cho Linh một dáng đi khoan thai như con mèo mun no đủ, chứng tỏ một đời sống vật chất dư dả. Trong ba đứa chỉ có tôi là tệ nhất. Chắc Trời phạt, nhiều lúc tôi nhủ thầm, mặc dù tôi tự thấy mình còn lương thiện hơn chán vạn thằng khác tôi từng gặp.
Vì thế, giờ này tôi ngồi đây, ban-công lầu hai quán Ngân Đình, giữa hai chậu thiên tuế. Nhìn xuống dưới, thỉnh thoảng một chiếc xe máy kềnh càng từ ngoài đường sầm sầm chạy tuốt vào trong quán, tiếng nhạc xập xình vẳng ra từ những căn phòng cách âm. Cô bé tiếp viên lễ phép mời tôi vào, nói chú Thế vừa gọi điện báo sắp tới.
Thùy Linh đã dọn sẵn cho chúng tôi một phòng VIP trang hoàng theo lối Á Đông, ghế bọc nhung màu huyết dụ, hòn non bộ phía sau che dấu hệ thống hút khói, và đương nhiên một giàn âm thanh thật chiến. Trên bàn lủ khủ trái cây, đồ nhậu.
Tôi chẳng màng gì đến ăn uống hát hò, ngồi nghe thằng Thế mặc sức nổ cũng đã lỗ tai. Thì ra nó cũng không bỏ hẳn nghề cũ, mỗi tháng vài lần chơi lead guitar cho những hội hè đình đám trong địa phương nơi nó ở. Thằng Hồng cũng vẫn trung thành với mấy cây kèn, vẫn được hết club này đến quán khác đòi ký giao kèo, mà theo lời nó, tài nghệ chẳng thua Trần Mạnh Tuấn chút nào. Tôi thì chẳng có gì để khoe, cuộc đời rày đây mai đó kiếm đủ ăn là may lắm rồi. Ngồi bên cạnh, Thùy Linh đề nghị làm lại một buổi tối như khi xưa ở quán già Nhân để hồi tưởng. Chẳng chờ bọn tôi có ý kiến, nó lịch kịch mở giàn máy, loay hoay bật tắt một loạt nút:
‘Để em ca “Tự Nguyện” xong rồi mấy anh tiếp nghe. Bản ruột của em mà.’
Chẳng ai giành với nó. Bản này nhiều lần tôi đã than với thằng Thế là cứ nghe ra rả tối ngày phát bực. ‘Đụ mẹ, đói rã họng, cờ phất hổng nổi mà cứ phải bày đặt hát…’. Thằng Thế giờ đang mắc đệm guitar. Thằng Hồng mân mê cây kèn, lên tông cho đúng, còn tôi bập điếu thuốc và hồi tưởng lại những ngày đói rét khi xưa, để so với chúng tôi bây giờ. Có chút gì cay đắng trong cuộc đời lộn ngược…
“… Là người, xin một lần khi nằm xuống, Cùng anh em đứng lên phất cao ngọn cờ…ờ…ờ.” Bản nhạc đi vào những nốt cuối. Hai đứa tôi vội vàng vỗ tay trong khi thằng Thế vào khúc coda quen thuộc. Tôi cười ruồi nhìn nó đang nheo mắt, chỉ có nó hiểu tôi. Vả lại trong cuộc hội ngộ này chẳng nên phá đám. Thùy Linh trao chiếc micro cho tôi. Tôi nói tao ca Summertime cho tụi mày nghe lại nhé, thế là thằng Hồng lim dim mắt, hai má phồng căng chĩa chiếc trompette lên trần như muốn tìm con thạch sùng cho nó phát đạn. Thằng Thế rê nhẹ mấy sợi guitar. Tôi rình tiếng kèn báo hiệu và rồi như một phản xạ, tiếng hát bật lên quyện lấy những nốt nhạc mê đắm:
“Summertime…, and the living is easy…”. Cuộc đời thoải mái được thế sao? Tôi nhắm mắt, dấu những giọt nước mặn, trong khi tự hỏi thầm mình. Hay nhiều khi mình phải cố gắng nói ngược, đen thành trắng, mưu mô thành ngay thật? Tiếng hát dứt, tôi được tràng pháo tay của Thùy Linh, còn hai tên kia đang nghẹn ngào. Thằng Thế chậm con mắt, tu một hơi nửa lon bia, khen: ‘thằng này, mày ca hồi này sao tới quá vậy!’. Nó đâu biết cho tới giờ tôi vẫn còn thói quen hát những bản nhạc đầy kỷ niệm mỗi khi đứng dưới vòi sen…
Cứ thế, chúng tôi tung hứng cùng nhau, tất cả những bản nhạc ruột khi trước chúng tôi đã ca trong quán Dạ Lý nay được mang ra, mỗi bản kèm thêm một mẩu chuyện vặt, chuyện buồn chen lẫn chuyện vui. Nhưng rồi cuộc chơi cũng tàn, hai tên bạn biết điều chuồn trước, khi Linh ngỏ lời giữ tôi lại tâm sự - ‘anh đi không biết chừng nào mới có dịp gặp lại nữa đây.’
Hai đứa chúng tôi giờ đứng cạnh nhau trên ban-công Ngân Đình, nhìn xuống Đà Lạt sắp đi vào giấc ngủ yên, trừ phía chợ còn sáng ánh đèn và văng vẳng tiếng nhạc theo chiều gió đưa lại. Thật lạ, giờ tái ngộ mà cả hai chẳng nói được gì với nhau trong giây phút này. Chúng tôi yên lặng rít thuốc, tôi tình cờ liếc sang bên và chợt thấy Linh đang nhìn mình. Chập sau, Linh ngập ngừng:
‘Linh coi bộ anh vất vả quá. Không biết Linh có thể giúp anh được gì không. Giờ thì Linh tương đối thoải mái. Cần gì anh cứ nói.’
Tôi vẫn lặng thinh. Tôi chỉ cần chút vận may. Vận may trong xã hội này quý hơn tiền, vì nó tạo ra tiền, còn tiền không mua được vận may, chỉ mua được mấy tên bạn đàm đúm những khi không “hữu sự”. Tôi chớp mắt:
‘Anh chẳng biết mình cần gì. Nhờ trời anh vẫn còn sống, không huy hoàng nhưng cũng tạm… Lâu lâu nhớ lại thời xưa, nhớ tới gia đình, bạn bè làm vui. Nhiều chuyện thay đổi quá…’
Linh luồn tay vào trong áo, rồi bàn tay ấy ấp lên tay tôi, tôi cảm nhận một bao thư còn ấm hơi người và chắc cũng thơm mùi da thịt đàn bà nếu trời lặng gió:
‘Anh giữ lấy, coi như em san sẻ cho anh chút may mắn của đời em, như hồi xưa nhiều lần em cũng muốn…’
Mắt tôi chợt mọng nước. Tôi ngập ngừng:
‘Cám… cám ơn Linh. Nghĩ lại hồi trước chắc có những lần anh xử không phải với anh em bạn bè nên bây giờ Trời bắt trả nợ. Thôi thì số ai người nấy chịu.’
‘Anh đừng nhắc chuyện hồi đó. Thời buổi khó khăn mà. Anh nhớ hôm cuối cùng ở quán Dạ Lý anh đưa Linh về không?’
Tôi giả bộ lừng khừng:
‘Lâu quá rồi anh làm sao nhớ hết.’
‘Anh thật vô tâm. Hồi đó Linh đã biết già Nhân sẽ dẹp quán và tụi mình rã bèn hết. Giả bật mí cho em biết và bảo nếu cần giả sẽ kiếm cho em chỗ làm khác. Em thì không sợ thân em vì em biết đời em số hên, nhưng em thấy tội cho anh. Anh không có đủ sức bon chen như anh Thế hay anh Hồng. Vì thế em chỉ muốn chia sẻ với anh…’
‘Linh nói sao anh không hiểu.’
‘Bữa anh chở em về, em đã tính trong đầu, sẽ giúp anh chút đỉnh, trong đó có cả cái hên của em. Nhưng khi em đang tắm, nhìn ra em thấy hết… chắc anh còn nhớ… Em thấy buồn và thương mấy anh quá, xã hội nó làm con người ta hết muốn làm con người. Sau đó mình nằm với nhau, em nghĩ thôi thì mình cứ sống trọn với nhau cho hết buổi tối cô đơn vậy. Nhưng anh lại bỏ về ngang, để em ở lại một mình trong căn nhà có ma… Bữa đó em buồn và giận anh lắm, sao anh nỡ làm như vậy? Em bỏ già Nhân đi luôn, tránh mặt anh. Nhưng sao linh cảm cho em biết… sẽ có ngày mình gặp lại nhau. Chỉ có điều… gặp nhau trong hoàn cảnh này thì cũng hơi kỳ há anh.’
Linh dùng câu chót để thoát ra khỏi một tình huống không mấy vui. Tôi chỉ còn biết ấp úng: ‘Anh xin lỗi Linh.’
‘Anh Hải. Em không nghĩ sau đêm nay mình sẽ còn gặp nhau lần nữa. Đúng ra em không nên nhắc lại, nhưng nói ra rồi, lòng em nghe nhẹ hẳn. Em không biết vì sao. Em chẳng giận anh vì nhiều khi em nghĩ biết đâu nhờ đó mà em có được ngày hôm nay. Em chỉ muốn anh cũng được thong thả chút. Em sẽ cầu nguyện cho anh.’
Chợt Linh ôm lấy tôi, vòng ôm che tiếng nấc nhẹ bên tai và giọt nước mắt nóng một bên cổ:
‘Xin lỗi anh. Linh không muốn vậy. Gặp nhau mà sao buồn quá!’, Linh buông tôi ra, thở dài: ‘Anh phải về thật hả. Không ở lại nói chuyện chơi với em đêm nay sao. Đêm chót mà anh.’
Tôi khó từ chối. Không hiểu vì mềm lòng qua chiếc bao thư Linh vừa trao mà tôi cũng muốn đáp trả một chút, hay vì cảm tấm chân tình của cô nàng. Nằm bên nhau, rất xa mà cũng rất gần một thế giới vật chất, đam mê lẫn sa đọa, với những giọng ca văng vẳng xuyên qua bức tường cách âm đang trở nên rời rã, chen tiếng cười đùa nham nhở, tôi cố cảm nhận một hơi ấm truyền qua, lặng lẽ như thủy triều lên, êm ả như đêm đang trải xuống, bao phủ chúng tôi trong một không gian phảng phất mùi nước hoa rẻ tiền. Ngoài kia, từng tiếng động tắt dần, tắt dần… cùng lúc những kỷ niệm cũ tái hiện ngày càng rõ. Trong tôi. Những khuôn mặt hiện đến và biến đi, lúc mờ lúc rõ. Bỗng Linh choàng tay qua ngực tôi. Nắm nhẹ bàn tay, tôi nghe rõ tiếng thở, nhịp tim không phải của tôi, và một ước muốn mơ hồ… Trời ơi! Tôi rất muốn, muốn lắm chứ. Nhưng tối qua tôi đã lỡ trút trọn hầu bao cho một cô gái chẳng quen, sau một chầu nhậu với thằng bạn đồng hành. Tôi đành đặt một nụ hôn lên má Linh và để bàn tay tiếp chuyện trước khi chúng tôi cùng chìm vào giấc ngủ chập chờn.
***
Đúng như Linh tiên đoán, tôi đã khai tử địa danh Đà Lạt sau ngày đó. Tôi biết, như mọi tên đàn ông khác trên trái đất, là mình sẽ chẳng thể kéo dài mối liên lạc với một người đàn bà quá thấu rõ lòng người như Linh. Khi tôi tưởng mọi chuyện đã nằm sâu dưới chồng kỷ niệm thì một hôm gặp lại thằng Thế, lại cũng tình cờ. Trong câu chuyện, hắn cho biết Thùy Linh đã qua đời ít tháng sau đêm hội ngộ với chúng tôi. ‘Ung thư di căn,’ Thế nói gọn lỏn. Địa danh Đà Lạt lại nhận thêm một gạch ngang.
Nguyễn Hiền
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015