Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Thuốc aspirin có tác dụng ngăn ngừa và chữa trị hiệu quả nhiều chứng ung thư
Từ đầu thế kỷ thứ 21 sau Công nguyên, người dân tại các nước tiên tiến đã đạt được tuổi thọ trung bình xấp xỉ 80 năm nhờ vệ sinh và dinh dưỡng tốt cùng với nền Y khoa tiến bộ trong việc phòng ngừa và chữa trị các bệnh nhiễm trùng. Đối với nguời cao niên, đa số tử vong đến từ hai nguyên do: Bệnh tim mạch và ung thư.
Trong thập niên gần đây, nhờ thuốc statins và kỹ thuật giải phẫu được cải tiến ngày một tinh vi, con người đã bớt sợ bệnh tim mạch. Cũng trong những thập niên vừa qua, Y giới đã phổ biến một quan niệm hết sức sai lầm về việc ăn kiêng chất béo khi cho rằng chúng có liên quan đến bệnh tim mạch, nên việc ăn kiêng chất béo đã trở thành một phong trào rộng rãi đưa đến những hậu quả tai hại cho nhiều người. Vấn đề ấy đã được chỉnh đốn gần đây nên hiện nay chúng ta không cần kiêng cữ thái quá về chất béo như trước. Thống kê cho biết tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch đang từ từ giảm sút.
Trong khi đó, ung thư vẫn được xem là bệnh nan y mặc dù tỷ lệ tử vong của vài chứng ung thư cũng bắt đầu giảm sút trong mấy năm vừa qua. Khoa học cho thấy môi trường và di truyền là nguyên nhân của 1/3 các chứng ung thư, trong khi 2/3 ung thư xảy ra do các đột biến ngẫu nhiên (spontaneous mutations) của gien (gene). Hiện tượng này có thể đến bất cứ lúc nào, không ai kiểm soát được, và càng sống lâu thì tỷ lệ càng tăng; do đó, đa số bệnh nhân ung thư là người lớn tuổi. Mặc dù khoa học đã cho thấy vài độc tố và thực phẩm như thịt ướp xông khói (bacon, lạp xưởng) có thể gây ung thư đường ruột nếu tiêu thụ thường xuyên; ngược lại, nếu ăn nhiều rau trái có thể giảm nguy cơ bị ung thư. Thế nhưng, theo dịch tễ học (epidemiology), các bằng chứng kể trên vẫn không đủ sức thuyết phục. Ăn uống kiêng khem thái quá có khi còn hại cho sức khoẻ như chuyện kiêng ăn chất béo như đã nói ở trên.
Gần đây, may sao, các bằng chứng về dịch tễ học và các khảo cứu về điều trị cho thấy rõ ràng là một loại thuốc thông thường có thể ngăn ngừa được nhiều loại ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hoá. Đó chính là aspirin. Không những thế, aspirin còn giúp việc điều trị ung thư thêm hiệu nghiệm.
Aspirin có nguồn gốc từ vỏ cây liễu (willow). Từ thời ông tổ cuả Tây Y Hippocrates, loại vỏ cây này đã được dùng để trị các chứng đau nhức và giúp giảm sốt. Nhưng vì chất salicin từ vỏ cây liễu có vị đắng nghét và làm rát lưỡi, cổ họng và thực quản, lại không thể tồn trữ lâu, nên đến năm 1897, các khoa học gia của Viện Bào Chế Bayer sáng chế thêm gốc acetyl gắn vào với salicylic acid của salicin để tạo ra chất acetyl salicylic acid, với tên thương mại là Aspirin. Bayer tung aspirin ra thị trường dược phẩm từ năm 1899, thoạt đầu chỉ để trị sốt, giảm đau nhức và chống viêm. Trong thập niên 1970s, aspirin được khám phá là thuốc ngừa đông máu công hiệu và an toàn hơn các thuốc loãng máu khác như heparin và dicoumarol (Coumadin) nhờ tác dụng trên tiểu cầu (platelet). Dù ở liều lượng rất nhỏ mà aspirin vẫn có thể ngăn ngừa được việc các tiểu cầu tạo máu đông. Vì vậy, từ năm 1980 trở đi, aspirin với liều nhỏ (75 đến 81 mg mỗi ngày) được dùng để chữa bệnh tim mạch, nhất là ngừa sự tái phát của chứng nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Trong các thập niên kế tiếp, bác sĩ khắp nơi đã cho hàng trăm triệu bệnh nhân uống aspirin mỗi ngày vì lý do nêu trên. Tại các nước với nền y học tiên tiến, hồ sơ của hàng triệu người bệnh nói trên đã được dùng để theo dõi và khảo cứu.
Năm 1991, trên tờ báo y học giá trị New England Journal of Medicine, kết quả của cuộc khảo cứu từ Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) cho thấy liều nhỏ của aspirin uống mỗi ngày trong 5 năm có thể làm giảm tỷ lệ phát xuất của chứng ung thư ruột già và hậu môn một cách đáng kể (1). Các khảo cứu từ Âu Châu và Á Châu từ đó đến nay đều cho thấy kết quả tương tự. Aspirin giúp giảm nguy cơ ung thư ruột già đến 40%.
Ngoài ra, aspirin còn làm giảm tỷ lệ của các chứng ung thư thực quản và bao tử tương tự như với ung thư ruột già và hậu môn như đã nói ở trên. Thống kê dịch tễ học còn cho thấy aspirin có thể làm giảm nguy cơ của các loại ung thư vú, tiền liệt tuyến, da, gan, và cả ung thư phổi nữa, mặc dù chứng cớ vẫn chưa được vững vàng như hiệu quả của aspirin trên các ung thư đường tiêu hoá (2).
Theo thống kê, bệnh nhân uống aspirin khi bị ung bướu ác tính thường có cơ may sống sót cao vì ít bị chứng di căn (metastasis). Kết hợp aspirin với giải phẫu, hoá trị hay xạ trị trong việc điều trị các chứng ung thư giúp người bệnh sống lâu hơn đồng thời giúp tỷ lệ tử vong giảm (3).
Lý do thuốc aspirin có công hiệu chống và ngừa ung thư:
Các lý do đích thực vẫn chưa được xác định, nhưng từ các phòng thí nghiệm, các khoa học gia cho biết sự chống viêm và đau của aspirin - qua tác dụng ngăn chặn các loại diếu tố COX (cycloxygenase) 1 và 2 - có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Hơn thế nữa, không như các thuốc chống viêm cùng loại NSAIDs (Non Steroidal Anti-Inflammatory Drugs), aspirin còn có thể huỷ hoại vĩnh viễn (irreversible) chất thromboxane-A2 nên ngăn chặn được việc tiểu cầu gây đông máu. Tác dụng này có vẻ ngăn ngừa luôn sự chuyển di của các tế bào ung thư. Ngoài ra, kết quả trong ống nghiệm còn cho thấy gốc acetyl của aspririn (acetyl salicylic acid) có thể acetyl hoá (acetylation) phân tử RNA (Ribonucleic Acid) của tế bào ung thư khá dễ dàng, và do đó làm gián đoạn được sự truyền thông các tín hiệu sinh sản của tế bào ung thư.
Uỷ Ban Dịch Vụ Phòng Ngừa của Hoa Kỳ (USPSTF- US Preventive Services Task Force) đang dự thảo văn kiện để khuyến khích các bác sĩ Mỹ dùng aspirin liều nhỏ để ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư đường tiêu hoá trên bệnh nhân hội đủ điều kiện lâm sàng cho việc phòng ngừa các chứng bệnh quái ác kể trên. Đây sẽ là lần đầu tiên một dược phẩm được khuyến khích dùng để ngừa ung thư tại Hoa Kỳ.
Kết luận:
Aspirin với liều nhỏ dùng mỗi ngày có vẻ an toàn cho đại đa số bệnh nhân, ngoại trừ một thiểu số bị chảy máu ở bao tử và một số rất hiếm bị dị ứng với aspirin (thường là lên cơn hen suyễn và phát triển u polyp trong xoang mũi). Người gốc Á Đông (Việt, Hàn, Hoa và Nhật) có tỷ lệ ung thư đường tiêu hoá cao nhất trong các sắc dân ở Hoa Kỳ (ung thư bao tử hiếm thấy trên người Mỹ nhưng không hiếm trên người Á Đông). Vì vậy, nếu gia đình có thân nhân cùng huyết thống bị ung thư đường tiêu hoá hay polyps ở ruột già, người gốc Việt nên bàn với bác sĩ gia đình để, ngoài việc soi ruột già (colonoscopy) định kỳ, còn có thể uống aspirin với liều nhỏ mỗi ngày, hay ít ra là 4 lần mỗi tuần, nhằm ngăn ngừa hậu hoạ. Khi bị ung thư, nên bàn với bác sĩ điều trị để thêm thuốc aspirin, nếu có thể, vào các phương thức trị liệu để có thêm cơ may sống sót theo các bằng chứng khoa học hiện nay.
Phạm Hiếu Liêm, MD
References:
1-Thun MJ, Namboodiri MM, Heath CW. Aspirin use and reduced risk of fatal colon cancer. The New England Journal of Medicine. Dec 5; 1991 325(23):1593-6
2-Rothwell PM, Fowkes FGR, Belch JFF, et al. Effect of daily aspirin on long-term risk of death due to cancer: analysis of individual patient data from randomized trials. Lancet. Jan 1; 2011 377(9759):31-41
3-Chan AT, Ogino S, Fuchs CS. Aspirin use and survival after diagnosis of colorectal cancer. JAMA. Aug 12; 2009 302(6):649-58