Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Không ra ngoài luật tử sinh của trần thế, một người bạn đồng khoá của chúng tôi: anh Huỳnh Đình Đại vừa vĩnh viễn ra đi.
Tuy tốt nghiệp cùng một năm ở Y Khoa Saigon và cùng khoá 21 Quân Y Hiện Dịch, nhưng tôi chưa bao giờ gọi tên anh như gọi một người bạn, trái lại lúc nào tôi cũng gọi anh là anh Đại bởi vì anh Đại lớn tuổi hơn tôi và phần lớn những người cùng khoá đồng trang lứa. Anh vào Y khoa trước tôi và phần đông các bạn đồng khoá hình như 3 năm; và tôi quen biết anh trước khi học chung với anh từ năm thứ Tư Y Khoa.
Anh Đại là bạn của người bạn của anh tôi trước khi là bạn đồng khoá của tôi nên tôi vẫn xem anh như người anh hơn là người bạn. Tôi quen biết anh từ người anh bạn, và trong khuôn viên của Đại Học Xá Minh Mạng trước khi học cùng lớp và có cùng những sinh hoạt tập họp điểm danh, chào cờ, ... từ năm thứ tư ở Trường Quân Y và ở các giảng đường Y khoa…
Có lẽ vì ngoài chuyện học Y khoa, anh Huỳnh Đình Đại còn nhiều sinh hoạt trong các tổ chức từ thiện và các hội đoàn khác, chi phối rất nhiều thì giờ nên anh chậm chân ở trường Y khoa. Trong lúc mấy người bạn cùng vào trường Y khoa một lúc với anh đã tốt nghiệp, ra trường mở phòng mạch, làm việc cho các cơ sở Y tế dân sự hay phục vụ trong Quân đội ở chiến trường mịt mờ khói lửa trong mùa hè 72 thì anh Đại vẫn còn lu bu trong các chuyện từ thiện.
Là chủ của Câu Lạc Bộ Sinh Viên của Đại Học Xá Minh Mạng chắc anh dành dụm khá nhiều tiền cho Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Kiến Hoà hay cho các quỹ từ thiện của Tam Tông Miếu, chùa Xá Lợi ...
Cũng vì các sinh hoạt bên ngoài nên anh bị trễ nải trong những lần điểm danh bất thường hay những công tác đặc biệt ở Trường Quân Y mà anh không được mấy thiện cảm của Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn Sinh Viên Quân Y. Nhưng dù có bị phạt nhiều lần ở Trường Quân Y, lúc nào gặp anh, thăm hỏi, anh vẫn tươi cười xem như không có chuyện gì hệ trọng. Có lẽ những việc làm từ thiện đã cho anh những niềm vui mà quên đi những nhọc nhằn thường nhật.
Một ngày cuối mùa hè 72, một nhóm gồm tôi, Huỳnh Đình Đại, Bùi Chí Hùng và vài người nữa được cử đi công tác dân sự vụ ở trại tiếp cư Long Thành. Hồi ấy các SVQY năm thứ 6 thuộc khoá 19 Hiện Dịch đã phải ra đơn vị sớm hơn thời hạn 6 tháng vì nhu cầu chiến trường đòi hỏi; các SVQY năm thứ 5 và một nửa quân số SVQY của khoá chúng tôi cũng đã đi công tác dân sự vụ ở Đà Nẵng.
Đang lo lắng vì chưa học môn trị liệu pháp (therapeutic), một ông sĩ quan trong Bộ Chỉ Huy, BS Thiếu Tá Đ. Tr. Anh, thuyết trình nhanh về cách viết phiếu cấp thuốc trong quân đội và đồng thời nói nhanh về việc điều trị các chứng bệnh thông thường. Anh nói thật đơn giản: chỉ cần trị triệu chứng, thuốc mỗi lần dùng 1 viên, mỗi ngày 3 lần và 3 ngày tái khám. Thế là đầy đủ qui trình! Và thật sự thì những gì chúng tôi gặp hôm ấy không có gì phải làm cho chúng tôi nhức đầu; đa số các trường hợp là nhiễm trùng ở các vết thương ngoài da.
Xong việc sớm, vài người đề nghị tìm quán thịt cầy tơ lai rai trước khi về lại Trường Quân Y, nhưng Huỳnh Đình Đại khuyên rằng ăn thịt chó mất linh tính. Anh nói mình là lính cũng cần có linh tính để có những phản ứng thích hợp và kịp thời trong mọi trường hợp. Anh hứa đãi cơm chúng tôi ở Câu Lạc Bộ Đại Học Xá Minh Mạng. Không ai nói gì, chắc mọi người nghĩ rằng cơm thì ngày nào cũng ăn rồi, phải có món gì khác hơn. Có người nói lên quán thịt rừng Tân Dã ở Biên Hoà, nhưng người tài xế không chịu đi nói rằng sự vụ lệnh chỉ ghi vắn tắt lịch trình công tác và lộ trình di chuyển từ Trường Quân Y đến trại tiếp cư Long thành; anh sợ bị quân cảnh làm rắc rối lôi thôi và xăng dầu cũng không đủ để chạy thêm.
Khi chúng tôi vào năm thứ Năm Y khoa, ông Chỉ huy trưởng mới của Trường Quân Y muốn chấn chỉnh mọi sinh hoạt của SVQY. Phòng ngủ, phòng học và phòng ăn, tất cả phải được ngăn nắp. Tuy nhiên, buổi chiều chúng tôi nhiều lúc bỏ cơm vì sau giờ học hay thực tập ở bệnh viện chúng tôi hay tạt về thăm nhà và dùng cơm nhà.
Thấy thiện chí của mình, nhất là các bữa ăn của sinh viên, không được các sinh viên vui vẻ tiếp nhận, ông CHT đã ra lệnh tất cả mọi SVQY đều phải về trường dùng cơm trừ những ai phải trực bệnh viện. Hôm đầu tiên chấp hành lệnh với bữa cơm chiều mà chúng tôi đặt tên là diner surveillé; cùng ngồi chung với Huỳnh Đình Đại trong bàn ăn, bốn người chúng tôi nói với nhau rằng: phải ăn thật sạch không chừa một hạt cơm hay miếng đồ ăn nào trên bàn cho "anh Sáu" dzui nghen! Chúng tôi ăn thật nhanh, anh Đại cũng hưởng ứng mặc dầu anh chỉ ăn cơm lạt vì anh ăn chay trường. Chúng tôi nhường chuối và trái cây cho anh nhưng anh từ chối.
Một lần khác, chiều thứ Bảy, không rõ vì lý do gì chúng tôi bị cấm trại. Không biết làm gì sau giờ học có kiểm soát (étude surveillée), chúng tôi bày bàn ra nhậu. Bia thì có sẵn ở Hội quán sinh viên rồi, nhưng mồi thì biết tìm đâu ra. Trời mưa không ai muốn xuống khu gia binh tìm mồi, mà chắc gì giờ này họ còn bán! Trần Văn Cương đề nghị cạy tủ của Huỳnh Đình Đại chắc thực phẩm phụ trội phát tuần trước anh Đại còn chất ở đó chưa (có) mang đi cho ai. Và quả nhiên những hộp thịt gà thịt bò đủ cho chúng tôi no say. Ngày hôm sau, tôi báo lại việc này cho anh biết, Đại chỉ cười và nói: tốt lắm, các bạn vui là được rồi, mấy món này tôi đâu có dùng đến.
Ngày cuối cùng của tháng 3 năm 75, anh Đại theo Tiểu đoàn Thuỷ quân Lục chiến, bị thương ở chân nhưng cũng lết về đến Đà Nẵng. Hầu hết các quân y sĩ và các thương binh nhẹ đã bỏ đi theo lệnh di tản; anh vào Quân y viện với tính cách là thương binh nhưng lại kiêm nhiệm thêm chức y sĩ điều trị. Nhưng mọi việc không được ổn định bao lâu vì những người đến tiếp thu Tổng Y viện đã ra lệnh cho bệnh nhân phải xuất trại.
Không rõ bằng cách nào anh cũng lết được về Miền Nam và chẳng bao lâu vào trong trại tập trung.
Ra tù, anh về công tác tại Bệnh viện Cùi Chợ Quán cho đến ngày hưu trí.
Huỳnh Đình Đại, một người dễ tính, bao dung, khiêm tốn và từ ái, đã miên viễn ra đi. Mong rằng anh sẽ an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.