Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Hoàng Dung là BS Hoàng Xuân Trường QYHD khóa 17. Ban Biên Tập xin chân thành cảm tạ tác giả đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH được đăng một số chương trong cuốn sách Cuộc Chiến Việt-Miên-Hoa 1979-1989 mà ông mới tái bản lần thứ hai. Chúng tôi dự định sẽ đăng mỗi tháng một chương trong cuốn sách.
Đây là một tài liệu hết sức quý báu vì chưa hề có tác giả nào nghiên cứu sâu sắc về một cuộc chiến mà rất ít người chú ý đến như Hoàng Dung. Cuộc chiến Việt-Miên-Hoa của thập niên 1980 được tác giả mệnh danh là Chiến Tranh Đông Dương III đã làm thay đổi hoàn toàn sự tương quan giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng và góp phần quan trọng vào thái độ ươn hèn của bộ máy cầm quyền Bắc Bộ Phủ đối với giặc phương Bắc.
Mọi thắc mắc và độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên lạc với tác giả qua điện thư:
hoangdung452000@yahoo.com



PHẦN THỨ HAI


MẶT TRẬN BIÊN GIỚI PHƯƠNG BẮC

CHƯƠNG 12:    
Cu¶c chi‰n ViŒt-Miên-Hoa 1979-1989 Hoàng Dung
 
       Mục Tiêu Và Sách Lược Chuẩn Bị Chiến Tranh Của Trung Hoa

        Đường lối thân Liên Xô của Việt Nam và thái độ thách đố uy tín của Trung Hoa qua chính sách đối với người Hoa cũng như hành động ngang nhiên tấn công và chiếm đóng Campuchia khiến Trung Hoa bị mất mặt và thấy cần phải cho Việt Nam “một bài học”.  Sau khi đã đổ hai mươi tỷ mỹ kim viện trợ cho Việt Nam, sự trở mặt của Việt Nam rõ ràng là một hành động phản bội thô bạo đối với Trung Hoa. Do đó, việc tấn công trừng phạt Việt Nam đã được sự đồng tình của tất cả những cấp lãnh đạo trong trung ương đảng Cộng Sản Trung Hoa, kể cả những phần tử ôn hoà như Hứa Thế Hữu, tư lệnh quân khu Quảng Châu, trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá, dù bị Hồng vệ binh tố cáo, sách nhiễu, vẫn cố gắng để cho những chuyến tàu viện trợ vũ khí cho Bắc Việt được chạy thông suốt.

        Để trừng phạt, mấy tháng trước, Trung Hoa đã ngưng tất cả những viện trợ kinh tế cho Việt Nam, nhưng Việt Nam phản ứng lại bằng cách gia nhập khối Comecon, liên minh quân sự với Liên Xô rồi xâm lăng Campuchia, khiến cho Trung hoa không còn biện pháp nào khác ngoài biện pháp quân sự.

      Việc sử dụng biện pháp quân sự của Trung hoa đã được nêu ra thảo luận và chấp thuận trong những buổi họp liên tiếp của trung ương đảng Cộng Sản Trung Hoa cuối năm 1978. Trong những buổi họp này, nhiều biện pháp được đưa ra, trong đó có đề nghị của ủy viên bộ Chính Trị Uông Đông Hưng đem quân trực tiếp tham chiến ở Campuchia, của tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu ào ạt xâm lăng Việt Nam, và của chính uỷ hải quân, đem hạm đội Đông Hải xuống vịnh Thái Lan yểm trợ vùng duyên hải Campuchia. Cuối cùng trung ương đảng chấp thuận kế hoạch “phản công tự vệ giới hạn” của Đặng Tiểu Bình.

       Cuộc tấn công giới hạn vào Việt Nam của Trung Hoa nhằm vào nhiều mục tiêu:

      -Thứ nhất là làm suy yếu tiềm năng quân sự, nhân sự và kinh tế của Việt Nam, trừng phạt một đàn em phản bội, lấy lại uy tín nước lớn.
      -Thứ hai là đoàn kết nội bộ trước nguy cơ bị đe dọa từ cả biên giới phía bắc lẫn phía nam.
      -Thứ ba là khi dám thách đố liên minh quân sự Việt Xô, Trung Hoa chứng tỏ cho thế giới, nhất là Hoa Kỳ, biết Liên Xô chỉ là “con gấu giấy”.
     
      Lợi dụng vào dân số và quân số đông đảo hơn gấp bội, số lượng vũ khí dồi dào, Trung Hoa dự định mở một cuộc hành quân chớp nhoáng, chiếm đóng một số thị xã dọc biên giới để một mặt, phân tán mỏng lực lượng quân sự của Việt Nam, buộc Việt Nam phải rút bớt quân từ chiến trường Campuchia về nước. Mặt khác, nếu có thể, dùng những đất đai chiếm đóng làm điều kiện trao đổi với Việt Nam. Điều này giải thích lý do quân Trung Hoa chờ tới sát ngày rút quân, không thấy có hy vọng thương thuyết, mới bắt đầu đặt chất nổ san bằng hết những thị xã chiếm đóng thành bình địa. Một chiến thắng quân sự chớp nhoáng sẽ đập tan huyền thoại chiến đấu của quân đội Việt Nam, thỏa mãn tinh thần tự cao “Đại Hán”, nâng cao uy tín nước lớn của Trung Hoa.

        Hành động quân sự để đối phó với Việt Nam sau khi Việt Nam vừa liên minh quân sự với Liên Xô là một thách đố liều lĩnh nhưng có tính toán. Chấp nhận những hậu quả có thể xảy ra nếu Liên Xô trả đũa, Trung Hoa muốn cho Liên Xô biết quyết tâm của Trung Hoa không thể để cho bị bao vây, đồng thời cũng cho các quốc gia Đông Nam Á thấy có thể tin cậy vào Trung Hoa để ngăn chặn tham vọng của Việt Nam. Uy tín nước lớn của Trung Hoa đối với Hoa kiều hải ngoại cũng như tự ái dân tộc của Trung Hoa được vuốt ve khi thấy Trung Hoa dám đương đầu với một siêu cường quốc.

       Khác với Việt Nam, tấn công Campuchia vì những lý do quân sự và an ninh quốc gia, cuộc tấn công của Trung Hoa nhằm những mục tiêu chính trị và ngoại giao nhiều hơn. Vì thế nên trung ương đảng Cộng Sản Trung Hoa đã chấp nhận kế hoạch tấn công giới hạn của Đặng Tiểu Bình. Thứ nhất là vì Việt Nam cũng là một địch thủ đáng ngại, Trung Hoa không thể nào chịu đựng nổi một cuộc chiến quy mô và lâu dài nếu không muốn làm trở ngại cho chính sách “bốn hiện đại”. Thứ hai, một cuộc tấn công giới hạn, nhanh chóng sẽ không gây ra một phản ứng mạnh mẽ trong dư luận thế giới, hay một cuộc tấn công trả đũa từ Liên Xô. Liên Xô lúc đó đang ở trong một tình trạng kinh tế khó khăn, không muốn làm mất lòng Hoa Kỳ, lại càng không muốn đẩy Hoa Kỳ vào một liên minh quân sự với Trung Hoa, nên cùng lắm chỉ có thể mở một cuộc tấn công giới hạn vào biên giới để giúp Việt Nam và để đỡ mất mặt. Trong trường hợp đó, với quân số đông đảo trong cuộc chiến tranh cổ điển, Trung Hoa tự tin có đủ sức đối phó. Tuy thế, Trung Hoa cũng cố tránh để không phải đương đầu trực tiếp với Liên Xô. Trong khi tiến hành chiến tranh với Việt Nam, Trung Hoa vẫn tiếp tục những cuộc hội đàm thường lệ với Liên Xô về những rắc rối biên giới để gián tiếp cho Liên Xô biết cuộc chiến Việt Hoa là một vấn đề riêng biệt, không ảnh hưởng đến việc cải thiện bang giao giữa hai nước. Ngòai ra, để cho Liên Xô không bị bất ngờ mà có những hành động trả đũa tai hại, Trung Hoa công khai báo trước về cuộc tấn công, đồng thời cũng đặc biệt nhấn mạnh là mục đích cuộc tấn công chỉ để trừng phạt những vi phạm biên giới của Việt Nam, và quy mô cuộc tấn công cũng chỉ giới hạn. Đài phát thanh Bắc Kinh loan báo “Chúng tôi không muốn một tấc đất của Việt Nam. Sau khi đã phản công trả đũa Việt Nam một cách thích đáng, quân đội biên phòng sẽ rút về bảo vệ biên giới quốc gia”. Trung Hoa cũng gián tiếp cho biết sẽ không tấn công Hà Nội, không tiến quân về châu thổ sông Hồng, và trong cuộc chiến tranh, đã cẩn thận không oanh tạc những cơ sở tiếp vận và truyền tin mà Liên Xô mới viện trợ cho Việt Nam.

      Hành động công khai báo trước đó cũng là để chuẩn bị dư luận thế giới, nhất là Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Đặng Tiểu Bình đã nói thẳng về ý định tấn công với Thủ tướng Thái Kriangsak và Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trong cuộc công du các nước trong vùng cuối năm 1978, ngay trước khi Việt Nam xâm lăng Campuchia. Hai tháng sau, trong cuộc công du Hoa kỳ, và trong một cuộc họp mật với hội đồng an ninh quốc gia thu hẹp, gồm tổng thống Carter, phó tổng thống Mondale, ngoại trưởng Vance, bộ trưởng Quốc Phòng Brown và cố vấn an ninh Brzezinski, Đặng Tiểu Bình báo cho Hoa Kỳ biết là Trung Hoa sẽ tấn công Việt Nam. Ông ta bảo đảm là cuộc tấn công sẽ giới hạn và nhanh chóng. Điều ông ta mong muốn là có được sự hỗ trợ về tinh thần từ phía Hoa Kỳ.

      Bị giằng co giữa thái độ quá khích của Brzezinski và sự thận trọng của Vance, cũng như giữa bản chất hiếu hoà của một tín đồ ngoan đạo với ý muốn trở nên một nhà lãnh đạo cương quyết, cứng rắn, Carter đã phản ứng trước ý định của Trung Hoa một cách lưng chừng. Trong một cuộc họp riêng giữa hai người, ông khuyên Trung Hoa không nên có hành động xâm lược, nhưng lại không hề ám chỉ là hành động đó có thể gây phương hại đến mối quan hệ ngoại giao mới được thiết lập giữa hai nước. Ngoài sự làm ngơ của chính phủ Hoa Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã được sự ủng hộ của các lãnh tụ quốc hội. Chủ tịch Hạ Viện Tip O’Neil tuyên bố hành động phiêu lưu của Việt Nam nếu không được ngăn chặn từ đầu sẽ có thể đưa tới thế chiến thứ ba, tương tự như trường hợp Nhật Bản xâm lăng Mãn Châu năm 1931.

         Chuyến đi của Đặng Tiểu Bình sang Hoa Kỳ là một thành công. Hai tuần sau, ngay trước khi Trung Hoa tấn công, đại sứ Hoa Kỳ Malcolm Toon cũng kín đáo khuyến cáo ngoại trưởng Gromyko là Liên Xô nên tự chế trong trường hợp Trung Hoa tấn công Việt Nam để khỏi ảnh hưởng đến việc quốc hội Mỹ sẽ thông qua thỏa ước SALT mà Liên Xô rất mong muốn.

       Tuy đã trấn an dư luận thế giới và Liên Xô về tính cách giới hạn của cuộc tấn công và được sự đồng tình làm ngơ của Hoa Kỳ, Trung Hoa cũng vẫn không thể không quan tâm đến sự hiện diện của trên bốn mươi sư đoàn quân Liên Xô đóng dọc theo biên giới. Với hiệp ước liên minh với Việt Nam, Liên Xô có lý do và có nhiều biện pháp trả đũa, thí dụ như dùng võ khí nguyên tử tàn phá những cơ sở kỹ nghệ hay quân sự trong nội địa Trung Hoa, hoặc ào ạt tấn công xâm lăng Trung Hoa. Nhưng Đặng Tiểu Bình đã tính toán là cùng lắm Liên Xô sẽ chỉ tấn công giới hạn vào các tỉnh biên giới như Tân Cương, Hắc Long Giang. Với quân số đông, đất đai rộng lớn, địa thế hiểm trở, Trung Hoa tự tin có thể đối phó với một trận chiến cổ điển và quy ước. Trung Hoa tin rằng Liên Xô sẽ không vì Việt Nam mà sử dụng võ khí nguyên tử hay bị lôi cuốn vào một cuộc chiến kéo dài và tiêu hao. Ngoài ra, đối đầu với khối NATO ở phía tây, Liên Xô sẽ không thể nào sử dụng được binh lực như ý muốn ở phía đông. Mặt khác, Trung Hoa cũng bắn tiếng là họ sẽ không ngần ngại đem quân vượt biên giới tấn công trả đũa. Với một biên giới dài hơn bảy ngàn cây số, bốn chục sư đoàn của Liên Xô không có cách nào ngăn chặn hết. Trung Hoa loại ra ngoài hiểm họa bị tấn công bằng võ khí nguyên tử. Điều đó có thể kéo theo sự can thiệp của Hoa Kỳ và đưa đến thế chiến thứ ba. Những đầu đạn nguyên tử của Trung Hoa tuy chưa chính xác lắm, nhưng cũng có thể gây tác hại nghiêm trọng cho nhiều đô thị Liên Xô. Cuối cùng, để có thể sẵn sàng đối phó với mọi trường hợp có thể xảy ra, cùng lúc với sự thành lập bộ tư lệnh mặt trận phía nam do Hứa Thế Hữu chỉ huy, Trung Hoa cũng thành lập một bộ tư lệnh mặt trận phía bắc do Li Desheng, tư lệnh quân khu Thẩm Dương, làm tư lệnh để thống nhất chỉ huy các quân khu Tân Cương, Lan Châu, Bắc Kinh, Thẩm Dương và Hắc Long Giang, phòng ngừa Liên Xô tấn công trả đũa ở phía bắc.

       Vì muốn cố ý báo trước về hành động xâm lăng của mình, Trung Hoa đã dùng cả hai phương tiện ngoại giao và truyền thông. Bộ Ngoại Giao Trung Hoa cũng như tờ Nhân Dân Nhật Báo liên tiếp đưa ra những lời phản kháng và cảnh cáo. Lời cảnh cáo đầu tiên được đưa ra ngày 7-11-1978, khi Bộ Ngoại Giao Trung Hoa tố cáo Việt Nam cho quân vượt biên giới gây thương vong cho mười hai thường dân, và khuyến cáo Việt Nam nên chấm dứt hành động gây hấn. Lời cảnh cáo nghiêm trọng thứ hai được đưa ra ngày 13-12-1978, cảnh cáo nhà cầm quyền Việt Nam nên biết “sự tự chế của Trung Hoa chỉ có giới hạn, và nếu Việt Nam tiếp tục xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền Trung Hoa, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả”. Sau khi Phnom Penh bị mất, bài bình luận của tờ Nhân Dân Nhật Báo đã viết “Sự thất thủ Phnom Penh không có nghĩa là chiến tranh chấm dứt mà chỉ là khởi đầu”. Càng gần đến ngày tấn công, những lời cảnh cáo càng dồn dập vào những ngày 18-1, rồi 10 và 16-2-1979.

       Hiển nhiên là những tín hiệu mà Trung Hoa muốn gửi đi đã được Liên Xô ghi nhận. Ngày 6-2-1979, thủ tướng Liên Xô Kosygin nhận xét là những lời tuyên bố của Đặng Tiểu Bình tại Hoa Kỳ được coi như một sự tuyên chiến với Việt Nam.

       Dĩ nhiên, khi đưa ra những lời phản kháng, Trung Hoa không thể nào công khai nêu ra lý do chính là vì uy tín nước lớn của mình bị xúc phạm, cũng không thể lấy lý do Campuchia bị xâm lăng, mà lại đổ lỗi cho những hành động khiêu khích của Việt Nam ở biên giới. Trong nước, khác với thời gian chiến tranh Triều Tiên hay chiến tranh tại eo biển Đài Loan, lần này chính phủ Trung Hoa cố tình không làm rầm rộ. Lý do là lúc đó Trung Hoa đang ở trong một giai đoạn chính trị nội bộ tế nhị, thứ hai là chính quyền không muốn nhìn nhận lỗi lầm đã hết lòng viện trợ cho Việt Nam để giờ đây bị bội phản, và thứ ba là Trung Hoa cũng lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra do cuộc tấn công gây ra. Lần này, không thấy có những cuộc biểu tình chống Việt Nam. Báo chí, đài phát thanh cũng cố tình đặt những tin tức và tuyên truyền về cuộc chiến tranh xuống hàng thứ yếu. Họ gọi cuộc chiến đó là cuộc “chiến tranh tự vệ chống trả lại Việt Nam” (đối Việt tự vệ hoàn kích chiến). Nhân dân Trung Hoa được khuyến cáo nên yên tâm lao động, tăng gia sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ trong mục tiêu “bốn hiện đại”. Trung Hoa cũng khôn ngoan không nói rõ ràng về mục tiêu, chỉ nói mù mờ là cuộc tấn công sẽ được giới hạn về thời gian và quy mô để nếu gặp khó khăn, họ có thể ngừng và rút quân bất cứ lúc nào, mà vẫn có thể tuyên bố đã đạt được mục đích. Họ cũng chuẩn bị cuộc tấn công rất kỹ lưỡng, những dân tộc thiểu số ở biên giới được khuyến dụ, mua chuộc. Những người gốc Hoa được tuyển mộ làm hướng đạo. Họ cũng tìm cách ve vãn ông hoàng Sihanouk, liên lạc với những chính khách lưu vong Khong Le, Vang Pao của Lào, nhằm gây khó khăn thêm cho Hà nội. Đồng thời, ít ngày trước khi tấn công, họ ngưng cung cấp dầu hoả cho Việt Nam.

        Sau khi đã chuẩn bị xong về quân sự, chính trị và ngoại giao, thời điểm tấn công được lựa chọn. Quân Trung Hoa phải tấn công gấp rút để hoàn thành trước tháng 4, vì tháng đó, mùa mưa ở vùng biên giới Việt Hoa bắt đầu, sẽ gây khó khăn cho vấn đề tiếp vận của Trung Hoa. Đồng thời, cũng tháng đó, băng tuyết trên biên giới Nga Hoa lại đã tan hết, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Liên Xô nếu họ quyết định tấn công giúp đỡ Việt Nam.  Mới đầu cuộc tấn công được dự trù vào giữa tháng 1-1979, nhưng sau khi quân ủy trung ương gửi Dương Dũng (Yang Yong, tổng tham mưu phó) và Trương Chấn (Zhang Zhen, tổng cục trưởng Hậu Cần) tới Vân Nam và Quảng Tây kiểm tra, hai người này đã đề nghị dời ngày tấn công lại một tháng.  Cuối cùng, thời điểm tấn công được quyết định vào ngày thứ bảy 17-2-1979. Thứ bảy là ngày các hãng thông tấn và truyền hình Hoa Kỳ và Tây Âu ít làm việc, dân chúng đang nghỉ cuối tuần, cuộc xâm lăng của Trung Hoa sẽ không gây phản ứng mạnh trong dư luận thế giới. Hơn nữa, đó cũng là thời gian không ngờ, vì sau hơn 17 năm bất hoà và tranh chấp, ngoại trưởng Ấn độ Vajpayee đang thăm thân hữu Trung Hoa. Để có được yếu tố bất ngờ, Trung Hoa đành hy sinh sự cải thiện bang giao với Ấn Độ. Như dự đoán, ngay sau khi nghe tin quân Trung Hoa tấn công, ngoại trưởng Ấn Độ chấm dứt ngay cuộc viếng thăm, bay trở về Ấn Độ. Tuy nhiên, Phạm Văn Đồng vẫn tiếp tục công du Phnom Penh, và một viên chức Hoa Kỳ, Bộ trưởng Tài Chánh Blumenthal tiếp tục công tác ở Bắc kinh. Sự hiện diện của Blumenthal, cũng như của hàng không mẫu hạm Constellation của Hoa Kỳ ở ngoài khơi biển Đông khiến cho Liên Xô bị mơ hồ về lập trường và thái độ của Hoa Kỳ. Xếp đặt xong mọi chi tiết, mờ sáng ngày 17-2-1979, hơn tám chục ngàn quân Trung Hoa vượt biên giới Việt Hoa, bắt đầu một bài học đắt giá cho cả hai bên.


Tài liệu tham khảo:

- Brother enemy, Nayan Chanda 
- The Sino-Vietnamese Border War: China motives, calculations and strategies, Herbert Yee
- Giọt nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan.
- China’s 1979 War With Vietnam: A reassessment của Xiaoming Zhang.
-China’s War with Vietnam 1979 của King C. Chen




Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading