Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

VUOTQUAGIANKHO(2) (1200 x 858)
NguyÍn Công TrÙ VÜ®t Qua Gian Kh° (9)
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.

Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.

NGUYỄN CÔNG TRỨ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Về thăm mái nhà xưa

Sau ba tháng làm việc cần cù, được cảm tình quần chúng, tôi được chính thức cho phép nghỉ hai tuần về Đà Lạt thăm nhà.

Đó là kỳ nghỉ phép chính thức đầu tiên của tôi về với gia đình; trong kỳ nghỉ nầy tôi có mời cô bạn gái của tôi -- cô y sĩ mà tôi gặp ở dân y viện Qui Nhơn trước khi đi học cải tạo, và là người đã chẳng ngại cực khổ đi thăm nuôi tôi trong lúc tôi mất tự do - đến gặp cha mẹ tôi và gia đình.

Mọi người trong gia đình ai cũng hỏi tôi về chuyện hôn nhân. Ngay từ lúc đầu tôi đã nhận thức được một tương lai mờ mịt, không có ngày mai của tôi và của người thân trong gia đình, nên tôi nói còn quá sớm để nghĩ đến chuyện hôn nhân.

Trong lòng tôi, cô ấy chỉ là một người tôi mang ơn và là một người bạn thân. Tôi thấy trước cái thảm cảnh một ngày nào đó trong tương lai vì một chuyện chẳng may nào đó tôi phải trở lại trại cải tạo nên tôi không muốn làm khổ cô ấy thêm một lần thứ hai. Hơn nữa, khi có gia đình thì tôi sẽ có con cái, và con cái tôi là những trẻ vô tội, sinh ra phải chịu tiếng xấu là giòng giống ngụy quân, Việt gian bán nước...nên khoan kết hôn là phải.

Ba mẹ tôi rất vui mừng khi thấy tôi đã có một công ăn việc làm đàng hoàng, có được tinh thần minh mẫn và một thân thể tráng kiện hơn trước.

Đà Lạt ngày tôi về thăm, nói ra thì buồn, nó không còn là một thành phố du lịch mộng mơ với những đồi thông trùng điệp và đường phố đầy cây anh đào. Ngọn đồi phía trước nhà của ba mẹ tôi trước kia là một đồi thông mà cây nào cây nấy rất cao và to gần cả hai người ôm; xung quanh đồi là cây quì và cây ngũ sắc, đến mùa xuân thì hoa vàng nở sặc sở, nay đã bị chặt phá sạch và trên ngọn đồi đã xây những biệt thự tráng lệ kín cổng cao tường có chó trông giữ.

Tôi tò mò hỏi ba mẹ sao đồi thông lớn như vậy, là tài sản quý giá của quốc gia, nhưng mà ai đã cho phép phá hoại như thế. Ông bà đã kéo tôi vào nhà và nói nhỏ, về đây ăn nói không đàng hoàng cẩn thận có khi lại phải mang họa vào thân. Ba tôi nói thì còn ai vào đây nữa, những tên cán bộ cộng sản cao cấp ở miền Bắc đã vào đây phá rừng để xây cất những biệt thự riêng tư, ai dám nói chi. Tôi lại hỏi thêm, nghe ba nói mấy con chó nhà mình đã bị mấy tên bộ đội bắn chết, sao vậy?

Ổng nói họ nói vì nước nhà còn nghèo đói, nhân dân còn không đủ cơm gạo để ăn thì tại sao lại phải nuôi thêm mấy con súc vật nầy, phí phạm lương thực. Nay thì biệt thự nào cũng có chó berger canh giữ nhà, không biết cơm gạo ở đâu ra để nuôi chúng, mà có khi berger không thèm ăn cơm, chỉ đòi ăn thịt thôi, thì sao? Khi nghe tôi nói như vậy, ba mẹ la tôi đã đi học tập cải tạo 5 năm mà vừa về đến nhà đã nói năng lung tung, bộ muốn trở lại trại cải tạo nữa hay sao.

Đà Lạt trước kia nổi tiếng nhờ hoa anh đào, nay những cây anh đào bên hồ Đà Lạt vì không có người chăm sóc nên đã chết dần và bị đốn chặt gần hết. Thác Cam Ly, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của thành phố Đà Lạt thì đầy rác rến vì không được dọn dẹp nên trông giống như một cái ống cống. Hồ Đà Lạt cũng vậy, cũng không được tu sửa và nạo vét lòng hồ, còn rừng núi chung quanh hồ thì bị chặt phá sạch, nay không đủ nguồn nước để cung cấp cho hồ nên giống như một cái ao đã cạn nước với những cây sậy mọc ngổn ngang. Vườn hoa nổi tiếng một thời của thành phố Đà Lạt với các bông hoa lạ được sưu tầm trên khắp thế giới đem về, bốn mùa trăm hoa đua nở, nay chỉ còn là một mảnh đất trống mọc đầy cỏ dại vì không được ai chăm sóc. Đồi núi thì bị chặt phá lung tung, nhà cửa dân chúng thì xây cất bừa bãi, không có qui hoạch gì cả.

Ba tôi nói hiện giờ ở đây là luật rừng, mạnh dân, dân cất, mạnh cán bộ cán bộ xây. Tôi nhìn cảnh vật và cây cỏ tiêu điều ở Đà Lạt mà không cầm được nước mắt. Ta có câu: Xây dựng và bảo vệ thì khó mà phá hoại thì dễ như trở bàn tay. Nếu một ngày nào đó mà chính quyền cộng sản tỉnh ngộ về những hành động ngu xuẩn đã làm trong những năm đầu mới "giải phóng", thì họ sẽ phải mất cả hàng chục năm vừa tốn tiền bạc, vừa tốn công sức, mà chưa chắc đã xây dựng và trùng tu lại được những cái mà họ đã phá hoại vì đầu óc quá ngu xuẩn trong khoảng thời gian ngắn ngủi nầy.

Thấm thoát mà hai tuần lễ nghỉ phép đã trôi qua, tôi phải trở lại nhiệm sở để làm việc. Trước khi về lại Cần Giờ, ông bà kêu tôi lại nói nhỏ, ba mẹ có một số tiền nhỏ nầy gởi cho con để dành dùng khi hữu sự. Đó là bốn cây vàng mà ông bà đã dành dụm từ bấy lâu nay. Để cất dấu các cây vàng nầy, ba tôi đã may cho tôi một cái túi nhỏ trong lưng quần để đeo theo mình. Về đến Sài Gòn, tôi gửi một nửa số vàng cho cô em gái, còn tôi chỉ giữ lại hai cây để tránh sự mất mát, thất lạc.

Không dám vượt biển vì ám ảnh tù tội

Trong khoảng những năm 1979 đến 1980, làn sóng vượt biên ồ ạt dấy lên. Người dân không chịu được sự cưỡng bách, bóc lột, và ức hiếp của chế độ cộng sản khát máu nên đã liều chết đi tìm con đường tự do. Cần Giờ là cửa khẩu của sông Đồng Nai chảy ra Biển Đông, đã giữ một vai trò quan trọng trong tuyến đường vượt biên từ Sài Gòn ra biển. Nơi đây cửa khẩu luôn luôn được canh chừng cẩn mật bởi công an biên phòng và bộ đội hải quan.

Ngày nào cũng có phà từ thành phố Sài Gòn cũ chuyên chở lương thực, thực phẩm cho người dân Cần Giờ. Đến trưa, phà nhổ neo trở về lại thành phố, thường có đem theo cả mấy chục người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ. Họ là những người vượt biên đã bị chận bắt lại và được bộ đội giải giao về thành phố. Họ đi ngang qua trạm xá trên đường xuống bến phà với áo quần xốc xếch và mặt mũi thì dính đầy sình lầy, vừa đi vừa bị bộ đội la hét và đánh đập, trông rất tội nghiệp.

Nhìn những người không may mắn nầy, tôi nhớ lại khoảng thời gian đầu ở trại cải tạo, tôi đã cùng với các anh em khác được bộ đội áp giải đi cõng gạo, cõng muối về nấu ăn cho trại, cũng lôi thôi lếch thếch tang thương như thế. Những hình ảnh nầy đã trấn áp ý tưởng đi tìm tự do mà tôi đã kín đáo ấp ủ trong thâm tâm bấy lâu nay. Nếu ở lại thì không một chút gì hy vọng vào ngày mai và tương lai, còn nếu đi thì một chín một mười giống như những người xấu số nầy, bấy giờ, chắc chắn với cái lý lịch cải tạo mang trên lưng, tôi sẽ phải trở lại trại tù với rừng xanh núi đỏ và sẽ chết dần, chết mòn trong cảnh tù ngục đọa đầy.

Thế nhưng cứ mỗi lần cuối tuần về thành phố nghỉ ngơi, ý tưởng vượt biên tìm tự do trong người tôi lại bị kích động bùng dậy, vì ở thành phố những chuyện bàn về vượt biên vượt biển đã trở thành một đề tài nóng bỏng giữa những người trước đây làm việc cho chính phủ VNCH và những người giàu có bất mãn với chế độ.

Đi tìm tự do thì có hai con đường để lựa chọn; muốn vượt biên thì đi đường bộ; muốn vượt biển thì đi đường biển. Đi đường bộ thì phải qua Cambodia rồi đến Thái Lan. Có vài người đã đi đường bộ qua ngã Trung Quốc. Còn đi đường biển thì hoặc ra Đà Nẵng, Hội An ở miền Trung vượt biên đến Hong Kong, hoặc từ Sài Gòn ra Vũng Tàu vượt biển đến Malaysia hay Indonesia. Nếu đi xuống ngã Châu Đốc, Rạch Giá, Cà Mau thì phải qua vịnh Thái Lan là đến Thái Lan.

Đi đường bộ hay đi đường biển đều rất là nguy hiểm, tiền chi phí cho lộ trình của mỗi một đầu người vào khoảng từ năm đến mười cây vàng. Manh mối đường dây tìm người tổ chức, dẫn đường rất là khó khăn, vì người tốt thật lòng muốn giúp đỡ thì không có được bao nhiêu mà người xấu xem chuyện tổ chức vượt biên như là một cách làm ăn sinh sống thì nhiều. Biết bao nhiêu người đã mất hết tất cả tài sản trong lúc vượt biên, sau cùng còn bị tù tội vì bị lường gạt, chết chóc hay bị cưỡng hiếp giữa biển khơi trên con đường đi tìm tự do. Nhưng đối với những người có lý tưởng muốn tìm tự do, thì những sự mất mát về của cải, tài sản, tù tội hay chết chóc, họ đều chấp nhận tất cả.

Đối với bản thân tôi, tiền bạc cước phí về vượt biên thì tôi có nhưng rất giới hạn, nhưng muốn tìm được manh mối móc nối đường dây vượt biên thì đối với tôi là một điều quá khó khăn. Bạn bè thì không có được mấy người, ngoài ra tất cả mọi người ở thành phố đều khá xa lạ đối với tôi, làm sao tôi có thể tin tưởng được khi giao cả mạng sống và tương lai của mình cho một người mà mình không hề quen biết. Thêm vào đó khi trở về với thực tế hằng ngày, với những hình ảnh từng đoàn người bị bộ đội giam giữ giải giao về thành phố đã làm cho tôi nhụt chí và những hình ảnh hãi hùng trong lúc tù tội đã trấn áp được ước mơ đi tìm tự do của tôi.

Vào một ngày cuối tuần tôi trở về thành phố nghỉ ngơi như thường lệ thì được bạn tôi cho biết gia đình anh đang dự định tổ chức vượt biên. Chuyến đi nầy thành phần chủ chốt là người trong gia đình cùng với một số bạn bè thân thuộc. Anh nói, nếu tôi muốn tham gia, anh cho tôi đi theo với một giá rẻ mà tôi có thể trả được. Quá vui mừng và không cần suy nghĩ hỏi han thêm chi tiết tôi vội vàng nhận lời ngay vì đối với tôi đó là một dịp may hiếm có mà tôi đã chờ đợi từ bao lâu nay.

Tối đến, khi nghỉ ở nhà cô em gái, thấy tôi có vẻ bồn chồn nôn nóng nên nghĩ là chắc có chuyện gì không may xảy ra ở chỗ làm của tôi, nên cô đã gặng hỏi để có gì cô sẽ cho ý kiến và giúp đỡ. Sau cùng không thể giấu được tôi đành nói sự thật về chuyến vượt biên nầy. Cô em tôi nói rằng chuyện lường gạt đi vượt biên ở Sài Gòn xảy ra như cơm bữa, nhìn những chuyện xảy ra trước mắt thì thấy người may mắn trốn thoát đi đuọc không bao nhiêu, mà hầu hết là đi không được, tiền mất tật mang, đã mất tất cả của cải tiền bạc đem theo lại lắm khi lâm vào cảnh tù tội và chết chóc nữa. Cô nói nếu có người tin cậy đứng ra tổ chức thì cũng ráng thử thời vận một lần, còn đi được hay không cũng còn tùy theo số mạng và ơn trên định đoạt.

Để nâng đỡ tinh thần và giúp tôi có thêm tự tin, cô em đề nghị tôi nên đi thầy bói xin một quẻ xăm để biết vận mạng mình như thế nào. Xưa giờ tôi rất ghét chuyện bói toán, nhưng lúc nầy tôi như một người sắp chết đuối, vớ được cái gì để khỏi chìm xuống nước là vớ, ai nói gì cũng thụ động nghe theo. Sáng hôm sau, chúng tôi là những người khách hàng đầu tiên đến viếng một thầy bói ở chợ Bàn Cờ mà cô em gái tôi nghe nhiều người nói là thầy xem rất hay, nói gì trúng đó. Cô khuyên tôi phải đi thật sớm, thứ nhất là chưa có khách nhiều nên thầy có nhiều thời giờ coi cho mình kỹ càng hơn, với lại tâm trí của thầy vào lúc sáng sớm chưa có nhiều người quấy nhiễu nên tinh thần cũng sáng suốt hơn.

Sau khi xin quẻ, thầy nhìn thẳng vào mặt tôi và nói thẳng ngay vào vấn đề. Thầy xin lỗi trước, những lời thầy nói đây đều là sự thật, tôi đừng có giận, thà mất lòng trước đặng lòng sau, thầy đề cập ngay đến chuyện vượt biên. Thầy nói đất nước ta xưa nay đất đai rất là trù phú, khí hậu lại ôn hòa, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mùa nào cảnh đó; dân tộc ta xưa nay vốn bản tính cần cù siêng năng và thông minh, nên đi đâu và sống ở đâu cũng không bằng ở đất nước mình. Thầy hỏi tại sao và có lý do gì tôi lại có ý định muốn bỏ nước ra đi. Tôi nghe đến đây thì mặt mày tái xanh, chân tay bủn rủn đã run cầm cập giống như đứng trước cán bộ chấp pháp hỏi cung lúc còn ở trong trại cải tạo. Tôi tự hỏi làm sao thầy có thể biết rõ được những ý định mà tôi đã giấu kín trong đáy lòng như thế này.

Cô em gái lanh trí, thấy tôi ngồi ấp úng vội đỡ lời, là chúng tôi đến đây để xem gia đạo có bình an hay không và công việc làm ăn như thế nào, còn chuyện vượt biên thì đối với chúng tôi là những chuyện ước mơ không tưởng. Thầy vẫn tiếp tục bàn thêm, số mạng của tôi đang hồi đen tối nên nếu có đi thì cũng sẽ bị chết thảm, lên rừng thì bị cọp xé xác còn xuống biển thì bị cá mập ăn thịt. Nghe những lời thầy phán, tôi lại càng hoảng sợ đến đổ mồ hôi hột.

Những lời thầy nói đã trùng hợp với những lời của các cán bộ căn dặn tôi khi ra trại, rằng phải cố gắng bảo trọng, chỉ cần tôi phạm một chút lổi lầm là có thể làm tan nát cả tương lai. Tất cả những sự kiện ấy đã hoàn toàn dập tắt những ước mong và hy vọng nhen nhúm trong lòng tôi từ mấy lâu nay.

Sau khi đi xem bói về, tôi vội vã đến gặp bạn tôi và kể lại cho bạn nghe những gì mà thầy bói nói và quyết định đình chỉ ý định vượt biên và lấy tiền lại. Cả gia đình của anh ấy đã không thông cảm cho những nỗi lo sợ của tôi, mà còn phẫn nộ cho tôi là người có gan thỏ đế, không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con, và kết luận nếu tôi muốn và chấp nhận số kiếp cơ cực làm đầy tớ phục vụ cho người thì cố gắng mà gánh chịu một mình chứ đừng có than thở với ai. Thêm vào đó mẹ của anh ấy còn nói, kể từ giờ phút nầy còn nói những chuyện ba xàm như vậy trong gia đình bà, bà sẽ tự tay lấy chổi chà đuổi tôi ra khỏi nhà ngay. Suy nghĩ lại, thấy số mạng của mình sao xui quá, hơn nữa tôi vẫn còn bệnh hoạn, cơ thể cũng chưa được bình phục hẳn, nên ý định đi vượt biên tạm thời lắng dịu trong tôi một thời gian.

Tình thật hay thử thách??

Trở lại cuộc sống thực tế hằng ngày, tôi tiếp tục khám bệnh và chăm sóc bệnh nhân trong hoàn cảnh thiếu thốn và eo hẹp của một quận xa và nghèo mới thành lập, không lơ là bổn phận và với tinh thần trách nhiệm cao của một thầy thuốc.

Một bữa trong số các bệnh nhân đến khám bệnh, có một thiếu nữ đi cùng với một người cán bộ trung niên đến trạm xá y tế khám bệnh. Không để ý, và bệnh nhân lại quá đông, tôi đã để thiếu nữ nầy phải ngồi chờ đợi lâu. Sau khi chuẩn bệnh và kê toa, thấy bệnh nhẹ, có thể điều trị tại gia, tôi đã khuyên gia đình của cô ấy đi thành phố mua thuốc và hằng ngày đến trạm xá để tôi coi sóc diễn tiến của bệnh trạng. Sau một thời gian ngắn được chăm sóc đàng hoàng và cẩn thận cô ấy đã bình phục. Và để cảm ơn, cô đã chuyển cho tôi một lá thư của cha cô, trong thư cha cô mời tôi đến nhà dùng bữa cơm thân mật với gia đình để chia vui, mừng cho cô đã được bình phục.

Đọc thư tôi cũng không ngờ người thiếu nữ ấy lại là con gái cưng của ông huyện ủy, và người cán bộ trung niên đưa cô gái đến tôi khám bệnh lại là ông chủ tịch huyện. Giật mình tôi vội vàng đến xin lỗi vì quá bận việc và không ai thông báo cho tôi biết trước, nên tôi đã thất lễ để ông chủ tịch phải ngồi chờ đợi lâu. Trong bữa cơm, ông đã giới thiệu những người thân trong gia đình cho tôi biết, trong khi dùng cơm ông có nhã ý mời tôi một ly rượu mừng cho cô con gái đã được mau chóng bình phục và khỏe mạnh, cũng như thường lệ tôi đã khéo léo từ chối lời mời rượu của ông. Trong những người thân của gia đình có một anh thanh niên tên là Ngọt, anh nầy hiện đang làm công an quận nhưng muốn nối gót theo tôi đi làm về nghề y tế.

Vì khả năng và trình độ học vấn có hạn, anh chỉ có thể ghi danh nhập học ở trường dạy thuốc nam. Tôi về thành phố, sốt sắng nộp đơn và giúp đỡ làm các thủ tục cho anh ấy vào nhập học. Quen biết qua lại, thỉnh thoảng tôi ghé lại nhà của ông chủ tịch huyện dùng cơm tối với gia đình.
Trong một bữa ăn tối như thế, ông chủ tịch huyện đề cập đến tầm quan trọng của quận Cần Giờ trên tuyến đường vượt biên từ thành phố ra biển Đông.

Ông nói nhờ sự tham gia canh chừng cẩn mật của công an và hải quan, cửa khẩu nầy được canh gác chặt chẽ và cẩn thận một con kiến cũng không thể qua lọt. Sau một thời gian quen biết và tiếp xúc nhiều, trong lúc trò chuyện như người thân trong gia đình ông đã có lời nhận xét về tôi là một người tốt và có tài về chuyên môn. Ông cũng cảm thấy đau xót cho chế độ đã không biết dùng người. Tuy rằng có rất nhiều đồng bào trong quận lúc nào cũng cần đến sự giúp đỡ của tôi, nhưng ông không nỡ để một người có tài và có đức hạnh phải bị mai một ở một nơi hẻo lánh xa xôi nầy.

Để kết luận ông đưa ra ý kiến, nếu tôi muốn, ông sẽ giúp cho tôi đến một chân trời mới, nơi đó có đầy đủ phương tiện và nhiều cơ hội tốt để tôi có thể phát triển tài năng, tạo dựng lại một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn.

Nghe ông nói, tôi giật mình hoảng hốt, cảnh giác ngay, không biết những lời ông nói là thật hay là giả, hay ông nói ra cốt ý để dò xét những suy nghĩ dự tính trong đầu của tôi về tương lai giống như cán bộ trại cải tạo thẩm vấn phạm nhân. Tôi đã cám ơn ông về những lời nhận xét chân thành từ tư cách phẩm hạnh và tinh thần làm việc có trách nhiệm của tôi đối với đồng bào trong quận; về chuyện vượt biên, đối với tôi hiện nay, tôi không nghĩ đến vì tôi mới được trả tự do chưa được bao lâu và nhờ sự khoan hồng của bác, đảng và nhà nước nên tôi đã có được công ăn việc làm đúng với ngành nghề chuyên môn để phục vụ đồng bào và quần chúng, vậy là quá quý hóa.

Thêm vào đó, cơ thể của tôi vẫn còn bị bệnh hoạn, phải cần thêm một thời gian dài để điều trị và tịnh dưỡng, tôi rất cám ơn sự giúp đỡ và quan tâm của quận và đồng bào đối với tôi trong lúc khó khăn nầy. Sau bữa ăn, anh Ngọt đã trấn an tôi đừng có sợ, đó là ý muốn chân thành của ông chủ tịch muốn giúp đỡ cho tôi, "còn muốn đi hay không là do anh quyết định."

Thời gian cứ thế trôi qua chẳng mấy chốc đã đến mùa mưa bão, đường sá trong quận bị ngập nước đi lại rất là khó khăn. Trong một bữa cơm tối ở nhà ông chủ tịch, chuyện vượt biên được ông nhắc lại vì lúc nầy trời vào mùa mưa bão là thời gian thuận lợi cho những chuyến tàu vượt biên xuất phát từ thành phố ra biển Đông. Vì đã có suy tính trước, lần đầu tiên tôi đã uống rượu và đã giả bộ say rượu, tôi mượn rượu để nói lên những ước mơ và suy nghĩ về tương lai của chính bản thân mình cho ông huyện ủy nghe.

Một buổi tối gần nửa đêm, anh Ngọt đến trạm xá đánh thức tôi dậy và báo cho tôi biết, dịp may đã đến rồi, đã đến lúc chim sổ lồng, nếu tôi muốn vượt biên thì sửa soạn đi theo anh ta vì sẽ có tàu lớn ghé qua đây và tôi sẽ được ra biển an toàn. Làm sao tôi có thể quyết định được trong giây phút đó, một sự kiện quá là trọng đại sẽ làm ảnh hưởng đến cả cuộc đời và tương lai của tôi. Sự lo sợ sẽ bị bắt trở lại trại cải tạo và tù tội chết chóc, đã trấn áp được sự ước muốn từ bấy lâu nay nên tôi đã từ chối.

Vài ngày sau mẹ tôi và bà dì ở Đà Lạt nhân dịp về Sài Gòn xuống quận Cần Giờ thăm tôi mà không báo cho tôi biết trước. Trời mưa đường sá lầy lội, nhưng tôi cũng đưa mẹ tôi đi tham quan một chút trên đảo, sau đó đưa bà về Vũng Tàu vì ở đó có chỗ ăn ở sạch sẽ và tiện nghi hơn ở đảo. Nhân dịp này, hai mẹ con đến thăm tượng Thích Ca Phật đài rất nổi tiếng ở đây. Sau đó mẹ tôi trở về thành phố cùng ngày, còn tôi đáp đò trở lại Cần Giờ.

Cũng trong tuần lễ đó, người bạn gái của tôi từ Qui Nhơn vào Sài Gòn cũng ghé xuống quận thăm tôi, và báo cho tôi một tin vui là cô ấy đã được giấy tờ thuyên chuyển về thành phố, lúc đó sẽ có nhiều cơ hội và phương tiện để giúp đỡ tôi nhiều hơn.

Tôi đưa cô đi dạo một vòng quanh quận cho biết, trong lúc trò chuyện cô có đề nghị nay đã đến lúc thuận tiện cho cả hai người để lập gia đình. Tôi không trả lời dứt khoát lời đề nghị của cô, mà chỉ nói lúc nầy còn quá sớm để quyết định, để tôi suy nghĩ kỹ lại. Tối hôm đó tôi gửi cô ở trọ nhà một người bạn trong quận, và tôi thì về trạm xá nghỉ ngơi. Cô đã khóc và nói với tôi là tôi đã thay đổi quá nhiều trong thời gian gần đây, cho tôi là hạng người được cá quên nơm, được chim quên ná.

Tôi không có đủ thời gian để phân tích cho cô ấy nghe về những nỗi lo lắng và khổ tâm của tôi khi nghĩ đến chuyện lập gia đình trong tương lai. Tôi là một ngụy quân và có tên trong danh sách Việt gian bán nước cho Mỹ cho Tây, tương lai thì u tối và không biết ngày mai ra sao.

Tôi không muốn một ngày nào đó khi lập gia đình cô ấy sẽ chịu nhiều đau khổ và cay đắng, vì đã liên lụy đến lý lịch của tôi, chưa kể những đứa con vô tội của tôi sẽ phải sống một cuộc đời bị vùi dập và chèn ép chỉ vì lý lịch của cha chúng. Trong thâm tâm. tôi không muốn làm khổ người ơn của tôi đã có lòng chờ đợi, đã nâng đỡ, ủng hộ tinh thần tôi trong thời gian dài đi cải tạo. Tương lai và cuộc sống của tôi mà tôi còn không bảo đảm tính toán được thì làm sao tôi có thể lo cho và bảo vệ những người thân trong gia đình. Sáng hôm sau, cô chia tay từ giã và về thành phố một mình, thay vì dự tính ở lại với tôi thêm một thời gian.

Việc mẹ tôi và cô bạn gái cùng đến thăm tôi trong khoảng thời gian ngắn đã gây nên dư luận xấu về tôi trên đảo; người ta nghĩ chắc tôi sắp có một dự tính gì đây. Đầu óc của tôi cũng bị giao động vì các sự kiện xảy ra gần đây, nhất là việc quyết định ở lại, không chịu theo anh Ngọt để lên tàu vượt biên.
Loading