Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Tô
tyv2
tyv3
VÛ Væn DÛng
 
M¶t HÒi ­c BŒnh ViŒn Bình Dân - Khoa Gây Mê HÒi SÙc
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Tổng Y Viện Cộng Hòa trước 1975
Nguồn hình trích dẫn: namrom64
1. Tôi Học Gây Mê Hồi Sức

Tôi tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa quốc gia tại Y khoa Đại học đường Saigon niên học 1969-1970. Giấy chứng chỉ tốt nghiệp được BS Đào Hữu Anh ký thay Khoa trưởng Y khoa Đại học đường Saigon ngày 10-11-1971. Chứng chỉ này có tính cách tạm thời và đương sự phải hoàn lại Trường khi lãnh văn bằng chính thức. Thời gian này tôi được gọi nhập ngũ, chiến cuộc tại miền Nam ngày càng khốc liệt; những khúc quanh lịch sử, và sau cùng với biến cố 30-4-1975 khiến tôi không có dịp nào trở lại Trường để lãnh ‘văn bằng chính thức’ nữa. Nhưng cũng may là kể từ đó chẳng có ai đòi hỏi ‘văn bằng chính thức’ của tôi cả.

Tôi nhập ngũ khóa 13 Y Nha Dược sĩ Trưng tập với cấp bậc Y sĩ Trung uý. Những bạn Quân y Hiện dịch cùng lớp khóa 17 Y Nha Dược sĩ Hiện dịch lúc này đã ra nhận đơn vị. Tuy vào đời lính nhưng quãng thời gian này đối với tôi, tại trường Quân Y và trong Quân trường Thủ Đức, chỉ là thời gian được xa rời đèn sách, được cùng bạn bè tụ họp nghỉ ngơi vui chơi sau một thời gian dài học thời phổ thông trung học và y khoa đại học. Chúng tôi ôn kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm vui trong thời gian đi học trường Y, nhớ lại mái trường xưa tại giảng đường của trường Y khoa Đại học Saigon đường Trần Quý Cáp, rồi được chuyển sang trường Y khoa mới do Hoa Kỳ viện trợ tại góc các đường An Dương Vương - Phù Đổng Thiên Vương và Nguyễn Trãi, xây dựng xong vào giữa niên khoá 1965-1966.

Tôi còn nhớ mãi ngày đầu của năm thứ nhất, bài học đầu tiên khi bước chân vào nghề Y, thầy Khoa trưởng Phạm Biểu Tâm đã gặp chúng tôi tại giảng đường Trường Y Trần Quý Cáp. Thầy nói chuyện với chúng tôi về đề tài “Tại sao các anh chọn nghề Y? Có phải vì nghề Y kiếm được nhiều tiền?” Sau bài nói chuyện của Thầy, tôi tâm niệm và có thể hiểu được tính trung thực và lương tâm của người thầy thuốc trong ngành Y. Chúng tôi có thời gian dài đi thực tập cùng nhau tại các bệnh viện ở Saigon như BV Bình Dân, BV Chợ Rẫy, BV Nguyễn Văn Học, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Nhi Đồng, BV Hồng Bàng, BV Đô Thành, BV Chợ Quán.... Trong các bệnh viện thực tập trên, BV Bình Dân cho tôi nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm đẹp với các thầy và nhân viên của khoa, thời gian thực tập tại BVBD nhiều nhất và tôi có cảm tình với bệnh viện nhiều nhất. Nhà tôi ở đầu đường Nguyễn Thiện Thuật gần BV Bình Dân nên tôi có thể đi bộ đến bệnh viện.

Tất cả các khoa tại BVBD chúng tôi đều phải lần lượt đến thực tập vì các khoa của BVBD đều do các thầy của Trường ĐHYK Saigon phụ trách, Chirurgie B với thầy Phạm Biểu Tâm và thầy Nguyễn Hữu, Khoa Ung Thư với thầy Đào Đức Hoành, Khoa Niệu với thầy Ngô Gia Hy, Khoa Chỉnh Trực với thầy Trần Ngọc Ninh và thầy Hoàng Tiến Bảo, Khoa Mắt với thầy Nguyễn Đình Cát và thầy Nguyễn Văn Kính, Khoa Stomatologie với thầy Trịnh Văn Tuất, Khoa ORL với thầy Trương Minh Ký, Khoa Dermatologie với thầy Nguyễn Văn Út...Ngoài các thầy, còn các nội trú và các cô y tá lâu năm của khoa rất giỏi chuyên môn đã chỉ dẫn cho chúng tôi rất nhiều trong thời gian là sinh viên thực tập. BS Bùi Mộng Hùng và Vũ Văn Nguyên trong thời gian là Nội Trú BVBD, trước khi đi du học tại Pháp và Canada, có đến giảng dậy và chỉ dẫn cho chúng tôi tại Cơ Thể Học Viện cũ của Trường ĐHYK Saigon đường Nhân Vị (sau đổi tên là Trần Hoàng Quân rồi Nguyễn Chí Thanh), các anh là những mẫu cho sinh viên chúng tôi thời bấy giờ. Cơ Thể Học viện do GS Nguyễn Hữu phụ trách, sinh viên chúng tôi còn biết ông Đào Công Lân, người rất quen thuộc với những xác ngâm trong hồ và tận tụy giúp thầy Hữu trong công việc, ông có 2 người con trai ra trường làm bác sĩ y khoa.

Lên năm thứ 4, niên khóa 1967-1968, lớp chúng tôi là lớp đầu tiên có môn học Gây Mê Hồi Sức, một bộ môn mới được thành lập của Trường ĐHYK Saigon do GS Nguyễn Khắc Minh phụ trách.Từng nhóm được học và thực tập trên phòng mổ của BVBD. Môn học và cách giảng dậy của GS Minh rất mới lạ với chúng tôi mà sau này chúng tôi nhận thấy là môn học cần thiết với người thầy thuốc khi ra trường. Chúng tôi được biết GS Nguyễn Khắc Minh là một cựu nội trú của BVBD, đi du học về Anesthégiologie tại Canada và Hoa Kỳ mới về nước năm 1965, mặc dù ông rất khó tính nhưng cũng là một trong những mẫu cần noi gương của thời sinh viên chúng tôi.
Trong chuyện vui cũng có chuyện buồn, vì trong thời gian huấn luyện của khoá 13 YNDS/TT này tại trường Quân Y và Quân trường Thủ Đức, QLVNCH đã có cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, chúng tôi được gặp các bạn quân y đã ra đơn vị tham dự cuộc hành quân gian khổ này về kể lại, khiến chúng tôi cũng có phần ưu tư cho phận mình và đất nước sau này.

2. Sau thời gian huấn luyện, tôi nhận đơn vị Tiểu đoàn 18 Quân Y đóng tại Long Khánh. Về Tiểu Đoàn 18 QY, tôi là y sĩ điều trị của Bệnh xá Sư Đoàn, và may mắn, sau vài tháng làm việc tôi được về Tổng Y viện Cộng Hoà học khoá Hậu Đại học Ysĩ Tê Mê để thay một Y sĩ Tê Mê của Phòng Mổ Bệnh Xá xin thuyên chuyển (trong quân đội gọi là Y sĩ Tê Mê thay vì Bác sĩ Gây Mê như trong dân sự). Tháng 2 năm1972, Khoá Y sĩ Tê Mê được khai giảng, đặc biệt khoá này kéo dài 1 năm (thay vì 6 tháng như những năm trước) và đặc biệt hơn nữa là có sự hợp tác của GS Nguyễn Khắc Minh phụ trách Bộ Môn Gây Mê Hồi Sức  của Trường ĐHYK Saigon. Khoá học của chúng tôi có 7 y sĩ trung úy từ các đơn vị gửi về. Chúng tôi được huấn luyện tại 2 nơi: Tổng Y viện Cộng Hoà và Bệnh viện Bình Dân.

Tại TYV Cộng Hoà, Y sĩ Trung tá Nguyễn Đức Tiến và Y sĩ Thiếu tá Ngô Tôn Liên phụ trách, cả 2 vị đều được huấn luyện thêm về gây mê một năm tại Copenhagen (Đan Mạch). Bên BVBD, ngoài GS Nguyễn Khắc Minh phụ trách chính,  còn có BS Trần Quang Dự, sau nhiều năm lăn lộn ngoài vùng I Chiến Thuật, nay được trở về Trường ĐHYK Saigon phụ tá GS Minh xây dựng Khoa GMHS. Ngoài ra, 2 bác sĩ gây mê người Mỹ (BS Kayan và BS Christian) lần lượt đến BVBD hướng dẫn chúng tôi về lý thuyết và thực hành, giúp chúng tôi mua sách gây mê Hoa Kỳ với giá rẻ từ thư viện của Trường. Nhóm chúng tôi lần lượt được chia đi thực tập 6 tháng tại TYV Cộng Hoà và 6 tháng tại BV Bình Dân, phòng mổ BV Nhi Đồng và BV Hùng Vương.

Khoá Hậu Đại Học Y sĩ Tê Mê của nhóm chúng tôi kéo dài từ 21-2-1972 đến 21-2-1973, chỉ đúng 1 năm nhưng trong thời gian này miền Nam Việt Nam đã trải qua biết bao biến động sóng gió, chiến cuộc lại nổi lên khắp 4 vùng chiến thuật với Mùa Hè Đỏ Lửa và trận chiến An Lộc. Rồi Mỹ ném bom miền Bắc và Hà Nội, và kết thúc với Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Nhóm chúng tôi được yên ổn học hành trong thời gian này ở Saigon nhưng cũng có những nỗi buồn vì vận nước nổi trôi, ray rứt với những mất mát của bạn bè, gia đình, trong đó có hai người bạn học cùng lớp: Y sĩ Trung uý Nguyễn Văn Bé và Y sĩ Trung uý Cao Phú Quốc. Cả hai bạn tính tình đều rất hiền hoà dễ mến, cùng là QY/HD khóa 17, nên ra đơn vị trước và cùng về TĐ18QY đóng ở Long Khánh, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau YS/TU Nguyễn Văn Bé đã hy sinh tại chiến trường Cambodge, rồi YS/TU Cao Phú Quốc hy sinh trên chiến trường An Lộc. Tôi về TĐ18QY sau, làm việc một thời gian ngắn tại Bệnh xá Sư Đoàn, rồi được về Saigon học gây mê hồi sức một năm, nên chúng tôi tuy là bạn học cùng lớp, vì chiến tranh mà ‘kẻ ở, người đi’ không có dịp hội ngộ, chưa một lần gặp lại.

Thương binh tràn ngập TYV Cộng Hoà, phòng mổ phải hoạt động liên tục 24/24. Không còn như thực tập trong thời sinh viên, lúc này chúng tôi phải đối mặt với những trường hợp khẩn cấp, vết thương chiến tranh, những phương pháp gây mê và gây tê được thực hiện ‘gọn nhẹ’ theo kiểu ‘quân đội’. Trong thời gian 6 tháng tại TYV Cộng Hoà, tôi thấy được sự tàn khốc của cuộc chiến; những thương binh trẻ, những người bạn học thời trung học, những người bạn cùng khóa quân y mới vừa ra đơn vị chưa được bao lâu, giật mình gặp lại nhận ra nhau với những vết thương bom đạn. Trong hoàn cảnh này, thật tủi hờn với nỗi buồn chiến tranh. Người em trai tôi, cùng ở chung nhà trong đại gia đình, hàng ngày thấy nhau, bị thương trên chiến trường Cambodge trong một chuyến công tác, ngỡ ngàng gặp nhau trong phòng mổ của TYV Cộng Hoà.

Khi được chuyển sang BVBD với GS Minh, phương cách bài bản ‘dân sự’ lại thật gian khổ hơn bao giờ với chúng tôi. GS giúp chúng tôi hiểu được trách nhiệm, vai trò và nhiệm vụ của người gây mê trong phẫu thuật. Về kỹ thuật, ông ‘rèn luyện’ lại chúng tôi từ căn bản: cách cầm mask hay đặt nội khí quản không dùng thuốc giãn cơ, bóp bóng giúp thở bệnh nhân, theo dõi lâm sàng và hồi sức bệnh nhân trong suốt cuộc mổ và cả hậu phẫu....Về lý thuyết, ông chỉ dẫn bài bản hơn cách hồi sức và gây mê những bệnh nhân với thể trạng thật kém, thật mong manh. Chúng tôi được ông giao bài, thay nhau soạn bài rồi trình bày thảo luận trước lớp; cách làm này giúp chúng tôi tích cực hơn trong việc học. Thứ bẩy cuối tuần không mổ, có buổi họp toàn khoa bàn luận về những trường hợp khó hay tai biến xảy ra trong tuần, khiến chúng tôi rút được nhiều kinh nghiệm. Tuy vất vả, mệt mỏi trong suốt thời gian 6 tháng tại BVBD với GS Minh, nhưng riêng tôi rất hài lòng với cách ‘khổ luyện’ này của GS khiến tôi có được sự tự tin, vững vàng hơn khi về đơn vị. Và kể cả sau này khi được trở lại làm việc tại BVBD, tôi vẫn cố gắng giữ lại trong Khoa những nề nếp kỹ thuật cơ bản của ông, cũng như luôn tâm niệm trong lòng tính trung thực và tính nhân bản mà ông thường nhắc nhở chúng tôi với bệnh nhân trong việc làm.

3. Ngành GMHS  BVBD và Miền Nam - Lớp Cán Sự GMHS (Ngành Điều Dưỡng GMHS/TC):

Cũng trong thời gian tại BVBD, chúng tôi được làm quen với Tập San Gây Mê Hồi Sức của Hiệp Hội chuyên viên gây mê Việt Nam, với số 1 phát hành năm 1971 đến số 12 năm 1974 .Tập san do GS Minh chủ biên cùng với sự hợp tác của một số BS GMHS khác, và kể cả các cô y tá gây mê lâu năm nhiều kinh nghiệm đóng góp nhiều bài vở, trong đó tôi thích những bài chuyên môn của GS Minh, của BS Nguyễn Đức Tiến, Ngô Tôn Liên. Sự hứng khởi này cũng giúp tôi đóng góp được một bài cho Tập San trước khi tôi về đơn vị…Và đặc biệt tôi thích đọc hồi ký của cô Lê Thị Thuần kể con đường đưa cô đến với ngành gây mê. Cô Thuần có nhắc lại thời gian đầu tiên, vào năm 1949, khi học gây mê tại BV Phủ Doãn (Hà Nội) với sự hợp tác của một cô y tá gây mê người Pháp, Paulette Escale. Thầy Trần Ngọc Ninh, lúc này là thường trú bệnh viện, đọc sách gây mê rồi giảng lại phần lý thuyết. Thầy Ngô Gia Hy, bác sĩ gây mê đầu tiên của Việt Nam được đào tạo tại Pháp về nước năm 1953, Cô Lê Thị Thuần du học tại Paris về lại BVBD năm 1956, góp phần huấn luyện đội ngũ y tá gây mê của BVBD sau này, khi di cư vào Nam năm 1954.

Nhưng theo tôi, ngành GMHS của BVBD hay của cả miền Nam sau này được biết đến và nổi lên là nhờ rất nhiều công lao của GS Minh sau khi ông du học rồi về lại BVBD. Như đã nói trên, ngoài công đào tạo các BS GMHS đầu tiên từ Trường ĐH Y Khoa Saigon rất có chất lượng, ông còn tổ chức đào tạo các lớp cán sự GMHS đầu tiên tại VN (sau 1975 đổi tên Điều dưỡng GMHS Trung cấp) thời gian học 3 năm, năm đầu học tại Trường Cán sự Y tế (sau 1975 đổi tên thành Trường Trung học Y tế Trung ương 3. Nhiều cô điều dưỡng gây mê sau này ‘tâm sự’ là trong thời gian học tại BVBD với Thầy Minh thật khổ cực: bụng đói, bệnh nhân nặng, tay cầm mask lo lắng và mỏi mệt trong suốt cuộc mổ mà mắt lệ nhòa. Nhưng không cô nào bỏ nghề mà còn rất yêu nghề, biết ơn và nhớ từng lời dạy của thầy cô. Khi ra trường từ BVBD, các cô ĐD/GMHS/Trung cấp được phân nhiệm sở tại các BV lớn ở Saigon và các tỉnh miền Nam, với tay nghề cao nên được các bác sĩ giải phẫu rất tin tưởng. Ngành ĐD/GMHS/TC được GS Minh cho ‘đóng trụ sở’ trên 3 dãy lầu nhỏ nằm góc bên phải của BVBD, cuối những dẫy Phòng Mổ lầu, Phòng Hồi Sức và dẫy  lầu nội trú. Đây là một đặc điểm của BVBD vì từ xa người ta có thể nhìn thấy và nhận ra 3 lầu nhỏ này nổi lên trên bầu trời, mà sau này chúng tôi gọi là ‘chuồng cu’.

Sau năm 1975, Ngành ĐD/GMHS/TC được cô Lê Thị Thuần làm Trưởng Ngành. Mặc dù biết bao ‘vật đổi sao rời’, nhưng cô Thuần vẫn giữ được tất cả những kỷ luật và khuôn mẫu về đào tạo của Ngành như trước 1975. Đến năm 1978, BS Nguyễn Phi Vân cùng khóa Ysĩ Tê Mê với tôi (niên khóa 1972-1973), sau khi đi tù ‘Học Tập Cải Tạo’ được bổ nhiệm về Ngành. Năm 1979, BS Vân lên làm Trưởng Ngành thay cô Thuần. Cô Thuần trở lại với Phòng mổ BVBD, Cô làm Phó Khoa Phẫu Thuật-GMHS cho đến ngày hưu. Cô Thuần với nhiều kinh nghiệm, tài năng và lòng tận tụy nghề nghiệp, đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian này. Năm 1993, bà giám đốc BVBD đòi ngành ĐD/GMHS phải chuyển đi nơi khác, trụ sở ‘chuồng cu’ này phải trả lại cho BVBD. Ông Hiệu trưởng của Trường Trung học Y tế và BS Nguyễn Phi Vân, trưởng Ngành, rất bối rối vì không tìm ra địa điểm di dời, nhưng khi biết được ‘lịch sử’ của ngành ĐD GMHS này, thì ông đã có câu trả lời: đây là ‘Vấn đề do Lịch Sử để lại’ và ông không chịu di dời đi đâu hết! Vì thế trụ sở này của ngành GMHS/ĐDTC còn đứng vững tại nơi này cho đến ngày hôm nay. Các GĐ BVBD sau này không còn tìm cách ‘đẩy’ Ngành đi nơi khác nữa.

Như thế BVBD, trước 1975, là BV dân sự độc nhất có BS GMHS, có Bộ Môn GMHS thuộc Trường ĐHYK Saigon, là nơi đào tạo các  bác sĩ GMHS, các cán sự và y tá GMHS chính thức cho cả miền Nam. Tuy rằng bên Quân Đội, TYV Cộng Hòa cũng đã đào tạo một số lượng lớn những bác sĩ và y tá GMHS đáp ứng cho các QYV, BV và bệnh xá sư đoàn do nhu cầu trong chiến tranh,  nhưng thời gian đào tạo ngắn (6 tháng) và không được bài bản và ‘khổ luyện’như bên BVBD. Nên sau này (sau 1975) cho đến thời gian gần đây, người ta vẫn cho BVBD là cái nôi của ngành GMHS của miền Nam. Những bác sĩ và điều dưỡng GMHS được đào tạo từ BVBD khi được bổ nhiệm đến nhiệm sở, họ được tin tưởng và họ thường tự hào là đã qua ‘cái nôi’ của Ngành. Sau những năm 1990, Trường THYT Trung ương 3 lại được đổi tên một lần nữa là Khoa Điều Dưỡng, một khoa trực thuộc Trường ĐH Y khoa thành phố. Từ đó các ngành thuộc Khoa ĐD như ngành GMHS mở thêm rất nhiều lớp như cử nhân GMHS chính quy, tại chức, liên thông, vv và vv. Theo tôi thì ‘cái học ngày nay đã hỏng rồi’: ngày càng nhiều trường, lò đào tạo nhiều, bằng cấp nhiều (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ..) phải đóng tiền học phí nhiều, bằng cấp cao tiền học càng cao, nhưng kiến thức của học viên không biết có tương xứng với cấp bằng hay không.

4. Những Năm Tháng Cuối:

Khóa Hậu Đại Học Y Sĩ Tê Mê của chúng tôi được tổ chức lễ mãn khóa khá trang trọng vào tháng 3/1973 tại TYV Cộng Hoà với sự tham dự của Y sĩ Chuẩn tướng Chỉ Huy Trưởng Phạm Hà Thanh, Y sĩ Trung tá Nguyễn Đức Tiến, Y sĩ Thiếu tá Ngô Tôn Liên và GS Nguyễn Khắc Minh. Sau khi mãn khóa với ‘binh giáp tàng hung trung’, một lần nữa chúng tôi lại phải ‘xếp bút nghiên’ nhận sự vụ lệnh đi đơn vị mới. Tôi trở về làm việc lại tại Bệnh Xá SĐ18 QY, tôi phụ trách phòng mổ và hậu phẫu. Lúc này tôi có dịp ‘văn ôn, võ luyện’, được áp dụng những điều đã học 1 năm qua trong cấp cứu thương bệnh binh và gia đình binh sĩ. Sau hiệp định Paris (27-1-1973) tình hình chiến sự tại VN khá yên tĩnh, nhưng hiệp định không mang lại hoà bình mà thực ra đó chỉ là ‘tạm dừng’cuộc chiến. Vài tháng sau những cuộc chiến nhỏ lại bắt đầu chung quanh tỉnh Long Khánh, thương binh của cả hai phía có lúc lại tràn ngập bệnh xá.

Đi thăm bệnh, với ‘tình tự dân tộc’ tôi thăm hỏi các thương binh bộ đội miền Bắc về quê quán, gia đình của họ, về tình hình Mỹ ném bom Hà Nội…Nhưng họ thường ngơ ngác, sợ sệt, mà có lẽ họ cũng chẳng biết gì nhiều về cuộc chiến. Chúng tôi, các bác sĩ của BX, sau giờ làm việc thường gặp nhau tại Câu Lạc Bộ bàn về tình hình chiến sự ngày càng leo thang tại Miền Nam. Rồi ngày tỉnh Phước Long bị tràn ngập sau 1 tháng chiến đấu, chúng tôi càng thất vọng và ưu tư nhiều hơn cho tình hình chính sự của miền Nam. Chúng tôi đón Tết Nguyên Đán Ất Mão (vào ngày 11/2/1975) tại phòng sĩ quan chật hẹp, trong tình trạng khẩn trương, cấm trại và báo động 100% vì có thể VC tấn công hay pháo kích Long Khánh. Tôi còn nhớ trong một chương trình đón Tết của đài Truyền Hình Saigon, ông Giám Đốc của Đài TH đã phỏng vấn 3 vị chiêm tinh gia nổi tiếng của  miền Nam vào thời gian này, về tình hình đất nước và thế giới trong năm Ất Mão tới.

Chiêm tinh gia Huỳnh Liên trên đường Phan Thanh Giản-Nguyễn Thiện Thuật gần nhà tôi, đã ‘phán’ rằng: TT Nguyễn Văn Thiệu sinh năm Tỵ, tháng Tỵ, ngày Tỵ (hình như cả giờ Tỵ??) nên số ông gặp rất nhiều may mắn trong cuộc đời và sự nghiệp, ông đã được hai nhiệm kỳ tổng thống. Nhưng trong năm Mão tới, là năm xung, năm hạn, năm kỵ của TT, ông sẽ gặp nhiều khó khăn rắc rối. Quả thật, chiêm tinh gia Huỳnh Liên đã tiên đoán rất đúng vì sau Tết năm đó, ngày 10-3 Ban Mê Thuột thất thủ sau một trận đánh ngắn ngủi, rồi cuộc ‘rút lui chiến thuật’ của vùng 2 Chiến Thuật từ Pleiku-Kontum và sau đó là vùng Một Chiến Thuật từ Đà Nẵng trong rối loạn, đổ máu và tang thương của đồng bào vô tội. Chúng tôi nhìn thấy những hình ảnh này trên báo chí, trên TV mà lòng xót xa cay đắng, ngậm ngùi không biết thời thế sẽ xoay chuyển về đâu?

Đầu tháng 4-1975, tỉnh Long Khánh của SĐ 18 đã bị VC pháo kích. Những trận đánh quanh tỉnh ngày càng dầy hơn, thương vong nhiều, dân chúng ùn ùn chạy về Saigon. Hậu cứ SĐ 18 rút về Long Bình. Rồi Long Khánh bị bao vây nhưng đây là nút chặn kiêu hùng của QLVNCH, địch quân bị tổn thất nhiều mà không thể vượt qua được. Các bác sĩ của TĐ 18 QY phải thay nhau (1BS/4 ngày) từ căn cứ Long Bình được trực thăng vận nhảy vào Long Khánh. Ngày 17-4 đến lượt tôi nhảy vào Long Khánh, tôi tính hết ngày 20 đến sáng 21-4 hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ được trực thăng đưa về Long Bình. Nhưng đến ngày 19-4, kế hoạch của Tham Mưu SĐ cho biết sẽ rút quân khỏi LK vào 8 giờ đêm ngày 20-4-1975.

Đến giờ chót cả TĐ18QY chỉ còn 2 bác sĩ, tôi và Y sĩ Đại uý Nguyễn Anh Chương, tiểu đoàn phó, bạn cùng lớp và cùng Khóa 13 QY. BS Chương phải theo Tướng Lê Minh Đảo, người chỉ huy cuộc rút quân. Tôi, ‘ở lại một mình’ lần đầu tiên phải ‘bất đắc dĩ chỉ huy’ cả TĐ18QY rút về Long Bình. Theo kế hoạch, Long Khánh đang bị bao vây vì VC đã kiểm soát khu Ngã Ba Dầu Giây, cuộc rút quân không qua Quốc Lộ 1 về LB, mà bằng đường bộ về Bà Rịa đi qua mật khu Bình Giả của VC dựa vào yếu tố bất ngờ. Thật may mắn, cuộc rút quân của SĐ18 và các TĐ Nhảy Dù trong trật tự và không bị thiệt hại gì nặng. Riêng TĐ18QY của tôi cùng thương binh, đi suốt đêm 20-4 trong lo lắng, mờ sáng ngày 21-4 về đến Bà Rịa thật an toàn không một thiệt hại. Tôi được cấp 4 ngày phép về Saigon thăm gia đình. Ngay tối ngày 21-4 trên TV tôi thấy hình ảnh TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức trao quyền lại cho Phó TT Trần Văn Hương nay đã già nua. Một lần nữa tôi thấy chiêm tinh gia Huỳnh Liên vẫn đúng, TT Thiệu khôn và vẫn còn nhiều may mắn mặc dù gặp ‘năm xui, tháng hạn’.

Trong 4 ngày phép ngắn ngủi về Saigon thăm gia đình, tôi gặp lại bạn bè bàn chuyện “cuộc chiến VN đã quá kéo dài nay đến hồi chấm dứt? Đất nước mình sẽ đi về đâu? Chúng ta nên ở lại hay ra đi…?” Lúc này tình hình Saigon không còn yên tĩnh, lòng người xôn xao chọn lựa đi hay ở? Người ta xếp hàng dài lòng vòng từ cổng toà Đại Sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất đến tận Nhà Thờ Đức Bà, làm thủ tục xin đi Mỹ. Tôi cũng không quên thăm 2 nơi đã mở cho tôi cánh cửa vào nghề, giúp tôi yêu nghề và mở cho tôi kiến thức theo ngành GMHS: Bệnh Viện Bình Dân thăm GS Nguyễn Khắc Minh và TYV Cộng Hoà thăm BS Ngô Tôn Liên và BS Nguyễn Đức Tiến. BS Liên tỏ ra hơi bi quan nhưng ông rất bình tĩnh lắc đầu không đi. GS Minh cho biết ông cũng không đi vì ông đã từng ở ngoại quốc, đã hiểu nỗi buồn và thân phận của ‘Người Do Thái’ xa quê hương như thế nào! Tôi cũng cùng quan điểm như vậy. Sau 4 ngày phép, tôi trở lại căn cứ Long Bình, bình tĩnh ‘chờ thời’ và biết thời thế không thể đảo ngược, đêm đêm nằm dưới hầm nghe tiếng đạn réo qua đầu, tiếng pháo ì ầm chung quanh.

Khoảng 8 tối ngày 29-4-1975, TĐ18QY được lệnh (?) rút về Thủ Đức, đoàn xe không đi thẳng theo xa lộ Biên Hoà về Thủ Đức mà đi vòng qua tỉnh Biên Hoà rồi theo xa lộ Đại Hàn về Thủ Đức, vì mấy anh lính Nhảy Dù cho biết VC đã chiếm một vài đoạn trên xa lộ Biên Hoà. Chúng tôi rất hoang mang vì bản tin buổi tối của BBC cho biết QL VNCH đã rút khỏi Biên Hoà, nhưng mấy anh lính ND cho biết các anh vẫn liên lạc thường xuyên với bộ chỉ huy tại BH. Quả thật, khi vào đến tỉnh lỵ BH chúng tôi nhìn thấy những chiến xa và người lính VNCH rất bình tĩnh vững vàng trong vị trí. Ngồi trên xe đi suốt đêm theo xa lộ Đại Hàn về Thủ Đức, chúng tôi mệt mỏi phó mặc cho định mệnh. Mờ sáng ngày 30-4-1975, đoàn xe chúng tôi đến xa lộ Biên Hòa, dừng xe nghỉ ngơi dưới chân tượng đài Thương Tiếc tại Nghĩa Trang Quân Đội. Chúng tôi vui mừng nghĩ là đã được an toàn, nhưng chỉ 5, 10 phút sau một quả pháo nổ vang bên kia đường làm một xe quân đội bật tung, tất cả mọi người lại hoảng hốt lên xe chạy về phía Thủ Đức.

Đến ngã ba Thủ Đức, từng đám đông tụ họp, lẫn lộn người dân di tản và người lính trong tình trạng rất mất trật tự. Lúc này chúng tôi không còn người chỉ huy, ngơ ngác không biết phải làm gì, phải đi về đâu? Mỗi lần nghe tiếng súng nổ 2 bên đường, mọi người lại cúi đầu chạy về phía Saigon, tay cầm súng mà không biết bắn vào phía nào. Xe lật, người chết, người bị thương lăn lộn trên đường, không người chỉ huy, tất cả chỉ là một cuộc tháo chạy trong hỗn loạn về Saigon, ngược lại với cuộc rút quân trong trật tự của SĐ 18 cách đây hơn 1 tuần từ Long Khánh về Bà Rịa. Xe của tôi về đến Saigon khoảng 8 giờ sáng, trên xe có khoảng 10 anh em binh sĩ. Tôi là người cấp bậc cao nhất, chẳng biết làm gì hơn, tôi ra lệnh ‘tan hàng’ ai về nhà nấy; còn không, có thể đến trình diện tại Trường Quân Y.

Tôi về đến nhà khoảng 9 giờ sáng trong mệt mỏi tinh thần và thể chất. Đài Phát Thanh Saigon liên tục đọc những thông báo cho thấy tính khẩn trương và hoảng loạn của tình hình.Đến khoảng trưa ngày 30-4-1975, tôi nghe Đại Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống gần được 3 ngày của VNCH tuyên bố trên Đài Phát Thanh Saigon, ban đầu thì ‘Chính Phủ đang chờ bàn giao chánh quyền’, sau là đầu hàng vô điều kiện. Lúc này trong lòng thật hoang mang lo lắng, nhưng đầu óc tôi trống rỗng không suy nghĩ được gì, chỉ biết được cuộc chiến VN ‘20 năm nội chiến từng ngày”’ nay đã chấm dứt. Đối với tôi đây là ngày dài nhất, ngày không thể nào quên trong đời.

(còn tiếp)

Loading