Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Hoàng Dung là BS Hoàng Xuân Trường QYHD khóa 17. Ban Biên Tập xin chân thành cảm tạ tác giả đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH được đăng một số chương trong cuốn sách Cuộc Chiến Việt-Miên-Hoa 1979-1989 mà ông mới tái bản lần thứ hai. Chúng tôi dự định sẽ đăng mỗi tháng một chương trong cuốn sách.
Đây là một tài liệu hết sức quý báu vì chưa hề có tác giả nào nghiên cứu sâu sắc về một cuộc chiến mà rất ít người chú ý đến như Hoàng Dung. Cuộc chiến Việt-Miên-Hoa của thập niên 1980 được tác giả mệnh danh là Chiến Tranh Đông Dương III đã làm thay đổi hoàn toàn sự tương quan giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng và góp phần quan trọng vào thái độ ươn hèn của bộ máy cầm quyền Bắc Bộ Phủ đối với giặc phương Bắc.
Mọi thắc mắc và độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên lạc với tác giả qua điện thư:
hoangdung452000@yahoo.com



PHẦN THỨ BA


CUỘC CHIẾN ĐỢT II: (TRẬN CHIẾN TIÊU HAO)

CHƯƠNG 14:    
Cu¶c chi‰n ViŒt-Miên-Hoa 1979-1989 Hoàng Dung
 
TÌNH HÌNH BIÊN GIỚI
TÂY NAM ĐỢT II (1979 -1989) 
      
     
Sau khi cuộc chiến cộng sản tương tàn bùng nổ dữ dội năm 1979, tình hình chiến sự Căm Pu Chia và vùng biên giới Việt Hoa vẫn còn sôi động thêm khỏang mười năm nữa.  Trong thời gian mười năm đó,  những tranh chấp giữa ba nước  có thể chia ra làm hai giai đọan, tùy theo thái độ của Việt Nam đối với Trung Hoa.

       Giai đọan thứ nhất từ 1979 đến 1986 là giai đọan thách đố, khi Việt Nam ỷ lại vào chỗ dựa Liên Xô ngang nhiên khiêu khích Trung Hoa và thách đố dư luận thế giới.

       Tới năm 1986, khi chỗ dựa Liên Xô sụp đổ, những lãnh tụ cộng đảng Việt Nam phải cuống cuồng đi tìm một hậu thuẫn khác, thì trên tòan thế giới, chỉ còn có một nước cộng sản đàn anh duy nhất là Trung Hoa. Từ đó, thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với Trung Hoa phải thay đổi hẳn,  những lãnh tụ phải muối mặt cầu hòa.  Tuy thái độ khép nép này của Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1986, nhưng trong vòng mấy năm sau đó, Trung Hoa vẫn không chịu tha thứ mà vẫn lợi dụng sự cô thế của Việt Nam để tiếp tục làm tiêu hao sinh lực quốc gia và lấn chiếm thêm một số hải đảo của Việt Nam ở Trường Sa.

Đầu năm 1979, sau khi quân đội cộng sản Việt Nam coi như đã đánh bại quân Khmer Đỏ và chiếm đóng hầu hết lãnh thổ Campuchia.  Để tính kế lâu dài, chính quyền Việt Nam lập nên một đảng cộng sản mới, một chính quyền Campuchia mới gồm những người do họ lựa chọn. Tuy không bao giờ nhắc lại danh hiệu “Liên Bang Đông Dương”, nhưng hiển nhiên Việt Nam muốn lập nên một chính quyền Campuchia tùng phục mình kể cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế ngọai giao… giống như các nước Đông Âu từng tùng phục Liên Xô.

Trong thời gian này, phong trào cộng sản đang phát triển và lan rộng ra khắp thế giới: Việt Nam, Afghanistan,  Ethiopie, Angloa, El Salvadore, Nicaragua, Guatemala... 

Những diễn biến kể trên khiến những nhà lãnh đạo  cộng đảng Việt Nam càng tin tưởng vào sự ưu việt của chủ nghĩa Mác-Lê nin, càng tin vào khí thế của “ba dòng thác cách mạng” và càng tin vào sức mạnh của Liên Xô. Đỉnh cao của niềm tin mù quáng này là đại hội đảng lần thứ V  năm 1982. Những lãnh tụ già nua như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ… vẫn tiếp tục nắm quyền.  Hiến pháp được sửa đổi gần giống như hiến pháp Liên Xô, câu “học tập tư tưởng Mao Trạch Đông “ trong lời mở đầu hiến pháp có từ 1951 bị loại bỏ.  Thay vào đó, là câu “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và lâu đời”. Họ cũng coi thường dư luận thế giới, tuyên bố việc quân đội CSVN chiếm đóng đất Campuchia là một điều “không thể đảo ngược .

          Người được giao  trách nhiệm giám sát việc chiếm đóng Căm Pu Chia là Lê Đức Thọ.  Trước hết, cũng như gần ba mươi năm trước, ông ta đứng ra tổ chức đảng cộng sản Campuchia, dưới tên là Đảng Nhân Dân Cách Mạng Campuchia (viết tắt là KPRP) được thành lập thay cho đảng của Pol Pot ngay sau khi quân Việt Nam vào Nam Vang. Chức tổng bí thư được giao cho Pen Sovan, một cán bộ Campuchia tập kết sang Việt Nam năm 1954 đang giữ chức trưởng ban tiếng Khmer của đài phát thanh Việt Nam. Các ủy viên gồm Heng Samrin, Hun Sen, Bou Thang, Chia Sim… Nhiều nhóm cố vấn được thành lập.  Ngòai nhóm lãnh đạo chính trị B 68 được thành lập từ trước do Nguyễn Xuân Hòang cầm đầu(1)., có những nhóm A.40 phụ trách cố vấn hành chánh trung ương, nhóm A.50 phụ trách cố vấn hành chánh cấp tỉnh.

       Trong thời gian này, vì tài nguyên nhân lực và vật lực của Căm Pu Chia hòan tòan kiệt quệ nên mọi công việc hành chánh lớn nhỏ đều do những cán bộ Việt Nam đảm nhiệm.  Điều này khiến cho các cán bộ Việt Nam thêm kiêu ngạo.  Đứng đầu là Lê Đức Thọ, phụ tá là Trần Xuân Bách(2., Lê Đức Anh, Vũ Oanh, Trần Trọng Tân….  Ông ta hành xử như một thái thú, triệu tập những tổng bí thư, thủ tướng, bộ trưởng ...đến tư dinh phê bình, trách móc như những nhân viên thuộc cấp (3).

Một vụ lấn quyền quan trọng đã xảy ra ở Siem Reap, khi bộ đội CSVN bắt được một cán bộ Khmer Đỏ. Lúc hỏi cung, người này khai ra số đồng bọn gồm những viên chức quan trọng trong đảng và chính quyền tỉnh, kể cả viên bí thư tỉnh ủy. Không cần điều tra kỹ lưỡng, cán bộ quân báo Việt Nam thuộc cục C2 đến bắt giữ hết những người này. Viên tỉnh ủy tức quá tự tử. Sau vụ này, CSVN phải cử Chu Huy Mân sang xin lỗi, tướng Hồ Quang Hóa (4), tham mưu trưởng đội quân chiếm đóng bị mất chức dù người chịu trách nhiệm chính là Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh. Vì không chịu tùng phục Việt Nam, ngày 12-4-1981, Pen Sovan cũng mất chức tổng bí thư và bị đưa về Việt Nam quản thúc(5), Heng Samrin được đưa lên thay. 

Song song với việc tổ chức chính quyền, quân đội Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Lê Đức Anh, tư lệnh đội quân “tình nguyện” hay tư lệnh “mặt trận 719”, cùng với sự cố vấn của tướng Liên Xô Victor Zakharovitch Kopytin, bắt đầu mở những cuộc hành quân chiếm đóng và bình định, đồng thời giúp tổ chức và phát triển quân đội Campuchia.

Sau khi Trung Hoa đưa quân đánh phá các tỉnh biên giới đầu năm 1979, Việt Nam tổng động viên, tăng cường quân số lên hơn một triệu quân. Những quân đoàn chính qui tinh nhuệ II, III, IV... từ Campuchia lần lượt được rút về nước để phòng thủ biên giới phía bắc. Công việc hành quân và bình định giao cho những sư đoàn tân lập từ những quân khu V, VII và IX ở miền Nam.

Về phương diện bình định và phòng thủ diện địa, quân đội Campuchia dần dần đảm trách. Chính quyền Campuchia, do sự cố vấn của Việt Nam, chia lãnh thổ ra bốn quân khu I, II, III, IV. Trong khi đó, quân Việt Nam gọi những vùng hành quân tương ứng của họ là bốn mặt trận (tất cả đều được đặt dưới quyền chỉ huy của “mặt trận 719” do Lê Đức Anh tư lệnh, Lê Hai tư lệnh phó, Lê Khả Phiêu chính ủy): Bốn mặt trận này gồm:

- mặt trận 479 gồm phần lớn những sư đòan từ quân khu IV, phụ trách vùng tây bắc Campuchia, sát biên giới Thái, tư lệnh đầu tiên là Bùi Thanh Vân (một viên tướng của mặt trận là Phạm Hồng Anh, tư lệnh sư đòan 2 bị tử trận ở Preah Vihear), Lê Thanh chính ủy, gồm những sư đòan 309,317, 5, 9 và 302.

- mặt trận 579: binh lính thuộc quân khu V gồm những sư đòan 315, 307, tăng cường thêm sư đòan 2, phụ trách vùng đông bắc Campuchia sát biên giới Việt Nam. Tư lệnh là Nguyễn Chơn, chỉ huy những đơn vị thuộc quân khu V.

- mặt trận 779: do những đơn vị của QK VII do Nguyễn Minh Châu chỉ huy phụ trách phía đông Campuchia, sát tỉnh Tây Ninh.

- mặt trận 979: do quân khu IX gồm những sư đòan 4,8, 330, do Nguyễn Đệ phụ trách, tư lệnh phó là Phạm Văn Trà (sau này trở nên bộ trưởng quốc phòng), phụ trách phía nam Campuchia.

Có lúc quân số Việt Nam ở Campuchia lên tới 19 sư đoàn. Để ngăn chặn quân kháng chiến từ biên giới xâm nhập, do sự khuyến cáo của tướng Krivda, Lê Đức Anh lập một hành lang phòng thủ gồm những hầm chông, bãi mìn gọi là khóa K5. Quân đội Campuchia cũng được Việt Nam giúp tổ chức, huấn luyện và trang bị từ cấp trung đoàn rồi sư đoàn (như những sư đoàn 179, 196, 266...) dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng quốc phòng Bou Thang để giúp đỡ trong công tác bình định. 

Dĩ nhiên, sau bài học đắt giá tấn công biên giới Việt Nam đầu năm 1979, Trung Quốc đã không chịu ngồi yên. Tuy không hẳn sẽ có một “liên bang Đông Dương”,  nhưng một liên kết chiến lược của ba nước Việt-Miên-Lào là một xúc phạm lớn cho uy tín Đại Hán của Trung Quốc. Đồng thời, sự hiện diện của hải quân và không quân Liên Xô ở Cam Ranh đe dọa nặng nề đến an ninh lãnh thổ của họ. Hơn thế nữa, cuối năm 1979, Liên Xô đã ào ạt xua quân vào chiếm đóng Afghanistan, tạo thêm sự đe dọa từ hướng tây. Trung Hoa đã quyết định đối phó với Việt Nam bằng một cuộc “chiến tranh đa diện” qua nhiều biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự..., trong đó việc sử dụng đám tàn quân Pol Pot là một trong những nỗ lực chính.

Về chính trị, một mặt, họ lên án chính sách xâm lấn của Liên Xô mà Việt Nam là công cụ. Họ ve vãn các nước ASEAN, lôi kéo vào một liên minh chống lại Nga Xô. Mặt khác, họ dùng những chính khách bị thất thế như Hoàng Văn Hoan, Trương Như Tảng, Khong Le (của Ai Lao) để tạo nên những chia rẽ nội bộ.

Về kinh tế, một mặt họ cộng tác với những quốc gia khác phong tỏa kinh tế Việt Nam, một mặt duy trì áp lực quân sự để tiêu hao tài nguyên nhân lực và vật lực của Việt Nam và Liên Xô. Trên biên giới phía Bắc Việt Nam, Trung Hoa thường xuyên duy trì một quân số trên 200 ngàn quân, luôn luôn đe dọa là sẽ có một bài học thứ hai,  thỉnh thoảng lại pháo kích qua biên giới và năm 1984, mở ra một trận chiến tiêu hao ở vùng biên giới Hà Tuyên.

Tuy nhiên, trong những năm đầu, nỗ lực chính để Trung Quốc làm cho Việt Nam kiệt quệ là sự giúp đỡ đám tàn quân Khmer Đỏ kéo dài cuộc chiến tranh phá hoại và tiêu hao. Ngay sau khi quân Pol Pot chạy về những vùng rừng núi sát biên giới Thái, Trung Quốc và Thái Lan đã ký mật nghị cho phép Trung Quốc chuyên chở vũ khí, tiếp liệu quân sự cho quân Pol Pot qua ngả Thái Lan. Để mọi người quên dần tội ác của họ, Pol Pot rút lui vào phía sau, cho Khieu Samphan đứng tên làm chủ tịch và đổi tên đảng cộng sản Campuchia thành đảng Dân Chủ Campuchia.

Ngoài lực lượng Khmer Đỏ, Thái Lan cũng cùng các nước ASEAN ủng hộ hai lực lượng khác chống Việt Nam. Lực lượng thứ nhất là Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia của Nhân Dân Campuchia (viết tắt tiếng Anh là KPNLF) đứng đầu bởi cựu thủ tướng Son Sann và tướng Dien Del. Lực lượng thứ hai là những người trung thành với Sihanouk, được gọi là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất chủ trương một nước Campuchia Độc Lập, Trung Lập, Hòa Bình và Hợp Tác (viết tắt tiếng Pháp FUNCINPEC). Lực lượng này do người con lớn của ông hoàng Sihanouk là Ranariddh đứng đầu.

Cả ba mặt trận chống lại Việt Nam và chính quyền Heng Samrin đều có mật khu ở sát biên giới Thái Lan. Cả ba đều tuyển mộ binh lính từ các trại tỵ nạn sát biên giới. Lực lượng Khmer Đỏ nhận tiếp liệu quân sự từ Trung Hoa trong khi hai lực lượng không cộng sản nhận viện trợ võ khí từ các nước ASEAN. Họ hoạt động với những đơn vị nhỏ từ tiểu đội đến đại đội, tổ chức những vụ phục kích, chận đường, phá hoại đường xá cầu đường, ám sát những viên chức, pháo kích và tấn công những đồn bót xa xôi. Dù họ chỉ hoạt động mạnh ở những tỉnh phía tây, nhưng những trục đường phía đông thỉnh thoảng cũng bị đặt mìn, chận xét… Số thương vong của đoàn quân chiếm đóng trong vòng mười năm có thể đã lên tới gần năm chục ngàn người, trong đó có một sư đòan trưởng.

Để cuộc chiến chống Việt Nam hữu hiệu hơn, các quốc gia ASEAN cũng như Trung Hoa đã thúc đẩy cả ba lực lượng kết hợp lại thành một mặt trận kháng chiến duy nhất. Nhưng công việc hợp nhất cả ba lực lượng rất khó khăn. Cựu thủ tướng Son Sann vốn không ưa ông Hoàng Sihanouk và cả hai lực lượng không cộng sản đều không muốn cộng tác với Khmer Đỏ. Tuy nhiên, Khmer Đỏ lại có lợi thế là được Trung Hoa ủng hộ, trên pháp lý vẫn là đại diện trong Liên Hiệp Quốc và là lực lượng có kỷ luật và khả năng chiến đấu cao nhất. 

Do thúc đẩy của các quốc gia đỡ đầu, ba lực lượng chống Việt Nam kể trên, sau nhiều lần thảo luận và gặp gỡ tại Vọng Các, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng…, cuối cùng đã đồng ý kết hợp thành một Chính Phủ Liên Hiệp Campuchia Dân Chủ (viết tắt CGDK) vào ngày 22-6-1982, theo đó, chủ tịch nước là ông hoàng Sihanouk, phó chủ tịch đặc trách ngoại giao là Khieu Samphan và thủ tướng là Son Sann. Ba thành phần này thỉnh thoảng họp một lần ở những mật khu sát biên giới nhưng các cuộc họp thường để tranh luận và chỉ trích nhau.  

Trong những năm đầu thập niên 80, vì thế lực của Liên Xô chưa tỏ lộ những nét suy yếu nên lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Campuchia rất cứng rắn. Họ tuyên bố chỉ rút quân khỏi Campuchia khi nào không còn một sự đe dọa nào từ bên ngoài.

Bị hầu hết các nước trên thế giới lên án hay tẩy chay vì hành động xâm lấn, Việt Nam mở cuộc tấn công ngoại giao.  Tháng 7-1980, Việt Nam, nhân danh cả ba nước Việt-Miên-Lào đề nghị ký những thỏa ước song phương hay đa phương sống chung hòa bình, bất tương xâm, không liên kết với Thái Lan hay những nước láng giềng khác. Đề nghị này cũng kêu gọi thiết lập một vùng phi quân sự dọc theo biên giới Thái và Campuchia nhưng bị Thái Lan từ khước. Năm sau, 1981, Việt Nam lại đưa một đề nghị khác nhằm mục tiêu quốc tế hóa vấn đề Campuchia, liên kết vấn đề Việt Nam chiếm đóng Campuchia với việc Thái Lan và Trung Hoa giúp đỡ những lực lượng chống đối. Theo đề nghị đó, sẽ có một hội nghị giữa các nước trong vùng để thảo luận về liên hệ của cả Việt Nam lẫn Trung Hoa và Thái Lan với vấn đề Campuchia. Trong đề nghị mới này, Việt Nam hứa sẽ rút một phần quân chiếm đóng nếu Thái Lan ngưng giúp quân kháng chiến và Liên Hiệp Quốc ngưng công nhận chính quyền Khmer Đỏ.

Không ai để ý tới đề nghị của Việt Nam nên năm sau, 1982, Việt Nam tỏ ra mềm dẻo hơn, hứa sẽ rút về một phần quân số nếu Thái Lan ngưng giúp đỡ quân kháng chiến và chính quyền Heng Samrin sẽ không đòi ghế đại diện tại Liên Hiệp Quốc dù cho đại diện Khmer Đỏ có bị trục xuất khỏi cơ quan này. Thái Lan vẫn làm ngơ với đề nghị này. Hai năm sau nữa, vì tình trạng an ninh tồi tệ tại các tỉnh phía tây Campuchia, Việt Nam tập trung một quân số nhiều sư đoàn đồng lọat tấn công vào mật khu của các lực lượng kháng chiến. Các mật khu này sau khi bị pháo tan nát đã bị tràn ngập, cả ba lực lượng chống đối đều tổn thất nặng. Tin là khả năng các lực lượng kháng chiến đã suy yếu, năm 1985, thủ tướng Hun Sen tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Sihanouk và Son Sann. Hun Sen cũng đề nghị từng bước tiến đến việc rút quân Việt Nam và bầu cử tự do với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Trong thời gian đó, Trung Hoa vẫn chỉ coi Việt Nam như là một quân cờ của Liên Xô nên không thèm đàm phán thẳng với Việt Nam. Họ coi vấn đề Việt Nam chiếm đóng Campuchia chỉ là một yếu tố để thảo luận và giải quyết trên một bình diện rộng lớn hơn. Đó là quan hệ giữa Liên Xô và Trung Hoa.

Kể từ 1982, Trung Hoa và Liên Xô đã có những cuộc hội đàm nhằm bình thường hóa bang giao giữa hai nước. Nhưng những cuộc hội đàm đó đã không đi đến đâu. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Hoa lúc đó có ưu thế hơn Liên Xô nên đã đặt nhiều điều kiện để Liên  Xô có thể bình thường hóa ngoại giao với họ. Họ gọi những điều kiện đó là “ba trở ngại” mà Liên Xô phải giải quyết. Trở ngại thứ nhất là chấm dứt những hành động gây hấn ở biên giới Trung-Xô. Trở ngại thứ hai là vấn đề Campuchia và trở ngại thứ ba là vấn đề Afghanistan.

Riêng về “trở ngại Campuchia”, Trung Hoa đưa ra những yêu sách:

- Liên Xô chấm dứt ủng hộ việc Việt Nam xâm lăng Campuchia.

- Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia. Trung Hoa sẽ bắt đầu hòa đàm với Việt Nam khi Việt Nam bắt đầu rút quân.

- Lập chính phủ liên hiệp ở Campuchia gồm tất cả bốn phe (Hun Sen, Pol Pot, Sihanouk, Son Sann).

- Bảo đảm quốc tế cho một nước Campuchia độc lập và không liên kết.
 
Phải đối phó với nguy cơ suy sụp tòan diện, Liên Xô đã nhanh chóng đáp ứng hết những đòi hỏi của Trung Hoa trước sự ngỡ ngàng và hụt hẫng của những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Họ vội vàng triệu tập đại hội đảng lần thứ VI vào năm 1986,  đưa ra khẩu hiệu “đổi mới” và một “đổi mới tư duy” quan trọng và rõ ràng nhất là sự thay đổi 180 độ đường lối đối ngọai đối với Trung Hoa, đang từ khiêu khích và thách thức bước sang giai đọan khép nép nhường nhịn.

Dưới áp lực của Liên Xô, đại hội VI của đảng CSVN họp vào tháng 12-1986 đã vội vã bầu Nguyễn Văn Linh, một người từng bị loại khỏi bộ Chính Trị năm 1982 vì tương đối cởi mở khi điều hành kinh tế miền Nam sau 1975, lên làm tổng bí thư để phát động chính sách “đổi mới”, rập khuôn theo glasnovperestroika của Liên Xô.   Đồng thời, trước viễn ảnh Liên Xô đang cầu thân với Trung Hoa, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã đặt ra một tổ công tác lấy ký hiệu CP-87 do Trần Quang Cơ cầm đầu nhằm nghiên cứu phương án hòa giải lại với Trung Hoa và trước hết là phải  giải quyết vấn đề Campuchia. Trước hết, câu “Trung Hoa là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”   đưa vào lời mở đầu hiến pháp mấy năm trước đây giờ bị loại bỏ.  Chủ trương việc quân đội Việt Nam chiếm đóng Căm Pu Chia là điều “không thể đảo ngược” được đảo ngược lại. Lần đầu tiên, Việt Nam đánh tiếng là sẽ rút quân và giải quyết vấn đề Campuchia để đáp ứng lại điều kiện của Trung Hoa.

Với thời gian, nhu cầu phải kết thân của Việt Nam với Trung Hoa lại càng cấp thiết.  Trước hết là hình tượng đàn anh của Liên Xô bị mờ nhạt. Kinh tế lụn bại, đế quốc từng mảng tan rã.  Nhất là mô hình tái cấu trúc, mở rộng tự do dân chủ của Gorbachev không thích hợp với những người trong giai cấp mới đang hưởng đặc quyền đặc lợi ở Việt Nam. Trên thế giới, chỉ có một nước lớn duy nhất có chế độ độc đảng có thể làm chỗ dựa cho Việt Nam là Trung Hoa. Vì thế, đảng Cộng Sản Việt Nam thấy cần phải kết thân với Trung Hoa bằng bất cứ giá nào.  Họ loại bỏ những người cấp tiến như  Trần Xuân Bách, những người không muốn bị Trung Hoa chèn ép qúa đáng như Nguyễn Cơ Thạch.

Trong vấn đề Căm Pu Chia, trong khi Trung Hoa chỉ đặt điều kiện là chính phủ liên hiệp Campuchia tương lai sẽ bao gồm 4 thành phần (Hun Sen, Khmer Đỏ, Sihanouk và Son Sann) thì bộ Chính Trị đảng Cộng Sản VN, tưởng rằng sẽ lấy lòng được với Trung Hoa, lại còn muốn đi xa hơn, đưa ra “giải pháp đỏ”, theo đó vấn đề Campuchia chỉ nên giải quyết trong khối Cộng (Trung Hoa - Việt Nam) với nhau và chính phủ liên hiệp của Campuchia chỉ có 2 thành phần cộng sản là Hun Sen và Pol Pot. Họ nghĩ rằng Trung Hoa là một nước xã hội chủ nghĩa, sẽ thấy đó là một thắng lợi của quốc tế vô sản, và sẽ rất hài lòng với đề nghị của Việt Nam.  Vì thế, dù Hun Sen cực lực phản đối giải pháp này (4), ngay lần đầu được gặp Giang Trạch Dân ở Thành Đô năm 1990, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã đưa ra như món quà ra mắt. Tuy nhiên, Trung Hoa chẳng những thẳng tay cự tuyệt mà còn tiết lộ đề nghị này ra ngoài để Tây phương và các nước ASEAN mất lòng tin về thiện chí hòa bình của Việt Nam, đồng thời cũng để cho phe Hun Sen biết là Việt Nam đã qua mặt họ.      

Trong hoàn cảnh khó khăn và đơn độc, tuy Việt Nam đã bằng lòng rút quân khỏi Căm Pu Chia và tỏ thiện chí cầu hòa nhưng Trung Hoa vẫn gây khó dễ. Họ vẫn tiếp tục trợ giúp Khmer Đỏ, gây hấn ở biên giới Việt Hoa. Năm 1988, khi Liên Xô phải rút quân khỏi Afghanistan thì Trung Hoa gây hấn ở Trường Sa, đánh chìm ba chiến hạm Việt Nam, lấn chiếm một số đảo nhỏ. Dù cho có hiệp ước “hợp tác và hữu nghị”, và có một lực lượng hùng hậu ở Cam Ranh, Liên Xô đã nhắm mắt làm ngơ. Ngay cả nước anh em chí cốt là Ai Lao cũng không có một lời tuyên bố nào ủng hộ Việt Nam.  Cuối năm đó, khi quan hệ Hoa Kỳ và Liên Xô cải thiện và các nước ASEAN cũng muốn giải quyết sớm vấn đề Campuchia, để rảnh tay phát triển kinh tế, Trung Hoa mới đánh tiếng mời một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam sang Bắc Kinh nói chuyện.  Năm sau, 1989, sau khi Việt Nam đã chính thức rút quân khỏi Căm Pu Chia và xảy ra vụ  Thiên An Môn, uy tín Trung Quốc với Hoa Kỳ và Tây Âu bị giảm sút, Trung Hoa mới nghiêm chỉnh bàn thảo về vấn đề Campuchia cũng như việc cải thiện bang giao với Việt Nam. 

Tuy Việt Nam đã chính thức rút hết quân đội từ tháng 9, 1989 nhưng mấy tháng sau, quân Khmer Đỏ từ biên giới Thái trở lại chiếm Palin và uy hiếp Battambang, Việt Nam đã phải lén lút khẩn cấp đưa lên 3 trung đòan lên ứng phó dưới sự chỉ huy của Sáu Ứng, tư lệnh phó quân khu VII.  Sau đó 3 trung đòan này rút về dần, để lại một số “cố vấn”. Sau trận đánh này, vì Trung Hoa bắt đầu giảm viện trợ, lực lượng Khmer đỏ dần dần bị phân hóa và tàn lụi.

Trong thời gian đó, đã có các cuộc hội đàm riêng rẽ và không chính thức giữa những phe phái riêng lẻ của Campuchia hoặc ở Vọng Các, Kuala Lumpur, Bình Nhưỡng hay Jacarta, nhưng tất cả đều không đạt kết quả cho đến năm 1988, mới có một cuộc gặp mặt không chính thức của cả bốn phe Campuchia cùng các nước liên hệ như Việt Nam, Trung Hoa, các nước Asean, Nga Xô, Hoa Kỳ, Pháp… Tuy nhiên, những cuộc hội đàm dằng dai mãi cho đến hai năm sau khi quân đội Việt Nam rút khỏi Căm Pu Chia, thỏa hiệp nhằm thành lập một chính phủ duy nhất cho nước Campuchia mới được ký kết. 

“Thỏa ước dàn xếp chính trị toàn diện cho Campuchia” nhằm “tái lập và duy trì hòa bình ở Campuchia, thúc đẩy hòa hợp quốc gia, và bảo đảm quyền tự quyết của nhân dân Campuchia qua những cuộc bầu cử tự do công bình” được ký ở Paris ngày 23-10-1991. Ngoài chữ ký của bốn phe đối nghịch Campuchia, có chữ ký của năm nước hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, sáu nước ASEAN, Việt Nam, Lào, Nhật, Ấn Độ, Úc, Canada, Nam Tư. Theo thỏa ước. Một “Cơ Quan Thẩm Quyền Chuyển Tiếp của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia” (United Nations Transitional Authority in Campuchia, viết tắt là UNTAC) được thành lập để tạm thời cai trị Campuchia cho đến ngày tổng tuyển cử.

Vì Nhật Bản là quốc gia chính đóng góp ngân quĩ dồi dào cho cơ quan này, một nhà ngoại giao Nhật, ông Yasushi Akashi được cử đứng đầu cơ quan, trung tướng Sanderson của Úc phụ trách về quân sự. Nhân viên cơ quan bao gồm nhiều quốc gia, nhiều quốc tịch: cảnh sát của Hung Gia Lợi và Hòa Lan, lính của Uruguay, quan tòa của Pháp, chuyên viên nhân quyền của Côte d’Ivoire, chuyên viên bầu cử của Canada, y tế của Ấn Độ, phái đoàn quan sát quân sự của Trung Hoa, Hoa Kỳ, Mã Lai, Cameroon … Dù được lãnh lương rất cao, nhân viên UNTAC hầu như không làm được việc gì. Binh lính cả bốn phe không chịu giải giới như thỏa ước qui định, chính phủ Hun Sen  không chịu từ chức và nhượng quyền cai trị cho UNTAC. Nhân viên quân sự UNTAC cũng không được vào các vùng của Khmer Đỏ, của Son Sann, hay Sihanouk để quan sát hay làm việc.    

Trong hai năm 1992 và 1993, những phong trào giết người Việt lại nổi dậy, hàng trăm người Việt bị tàn sát. Cảnh sát của Hun Sen làm ngơ trong khi binh lính và cảnh sát của UNTAC không can thiệp, thậm chí bệnh viện quân sự của Ấn cũng không chịu chăm sóc những người bị thương. Tuy nhiên UNTAC đã tổ chức được cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5, 1993. Cuộc bầu cử thành công một cách đáng ngạc nhiên. Nhân dân Campuchia, sau nhiều năm bị đàn áp hy vọng có cơ hội đi bầu một chính phủ dân chủ, đã tham gia đông đảo và dù chính quyền Hun Sen dùng đủ mọi phương cách như đe dọa, ám sát, gian lận… để kiếm phiếu, kết quả đảng FUNCINPEC của Ranariddh (con Sihanouk) vẫn chiếm đa số phiếu (45%), đảng của Hun Sen được 38 %, của Son Sann được 4%.

Tuy nhiên, Hun Sen không chịu để cho Ranariddh và đảng FUNCINPEC lên nắm quyền. Ông ta tạo áp lực đòi để ông hoàng Sihanouk làm quốc trưởng kiêm luôn thủ tướng vì cha con Sihanouk đã đang bất hòa với nhau. Hun Sen biết rằng Sihanouk ham chức vị, nhưng khi quân UNTAC rút đi, ông ta sẽ bị cô lập và sẽ bị Hun Sen thao túng. Sihanouk nhận lời ngay và tuyên bố sẽ đảm nhiệm cả ba chức vụ quốc trưởng, thủ tướng, tư lệnh quân đội. Khi Ranariddh phản đối để giành chức thủ tướng, một người em của Ranariddh cũng ở trong FUNCINPEC là Chakrapong ly khai, kéo theo một số hậu thuẫn chạy theo phe Hunsen. Chakrapong sau đó được gắn lon đại tướng và được một chân ủy viên bộ Chính Trị trong đảng của Hun Sen. Tình hình chỉ ổn định sau khi dàn xếp được Sihanouk làm quốc trưởng với một chính phủ liên hiệp có Ranariddh làm đệ nhất thủ tướng, Hun Sen làm đệ nhị thủ tướng. Ashaki và tướng Sanderson tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ và giải tán UNTAC. Sau khi quân LHQ rút đi, quân đội của Hun Sen thanh toán dần những vây cánh của Ranariddh và Son Sann. Kể từ đó, Sihanouk chỉ có hư vị và Hun Sen hoàn toàn nắm quyền cai trị Campuchia.

Trong khi đó, vì đế quốc Nga Xô hoàn toàn tan rã và Việt Nam đã tỏ dấu hiệu thần phục, mối đe dọa từ phía nam không còn nữa, Trung Hoa từ từ bỏ rơi Khmer Đỏ. Lực lượng này dần dần tan rã. Năm 1996, Ieng Sary về đầu thú và được Sihanouk ký lệnh “khoan hồng”. Ieng Sary tuyên bố là đã “bất đồng ý kiến với Pol Pot từ ngay khi đảng cộng sản Campuchia được thành lập” (?), đổ hết tất cả tội lỗi cho Pol Pot, Nuon Chea và Son Sen. Trước tình hình phân hóa của Khmer Đỏ, năm sau, phe Ranariddh ở Nam Vang mưu toan chiêu dụ rồi sau đó liên kết với Tamok để chống lại Hun Sen. Chẳng may tin này bị lộ. Hun Sen cho thuộc hạ tấn công phe Ranariddh, giết và xử tử trên 150 người. Mấy tháng sau, trong mật khu, Pol Pot cho người giết vợ chồng Son Sen. Tranh chấp nội bộ bùng nổ, Ta Mok thắng thế bắt giữ được Pol Pot. Ông ta tổ chức một phiên “tòa” ở biên giới, kết án xử Pol Pot tù chung thân về tội giết Son Sen. Nhưng Pol Pot chỉ sống thêm vài tháng rồi chết vì bệnh. Tháng tư năm 1998, quân đội chính phủ Campuchia tiến vào Anlong Veng, sào huyệt cuối cùng của Khmer Đỏ, Ta Mok cùng một số nhỏ bộ hạ chạy về biên giới Thái Lan sau đó bị bắt. Lực lượng Khmer Đỏ coi như hoàn toàn tan rã (6).

Từ đó, Hun Sen toàn quyền cai trị Campuchia. Đảng FUNCINPEC cũng dần dần yếu thế và Ranariddh được Hun Sen dàn xếp cho làm chủ tịch quốc hội (7). Còn quốc vương Sihanouk từ chức vào tháng 10-2004, một người con của bà Monique là Sihamoni(8)  lên nối ngôi.

Sự tồn tại của chính quyền Hun Sen thân Việt Nam tương đối là một kết quả thuận lợi cho Việt Nam sau những dàn xếp ngoại giao nhằm vãn hồi hòa bình ở Đông Nam Á. Ngoài mặt, giữa hai chính quyền Việt Nam và Campuchia đang có mối quan hệ “thân hữu” bền chặt nhưng bên trong, sự thù hận dân Việt vẫn âm ỉ trong lòng người dân Campuchia. Dù đã có công giải phóng nhân dân Campuchia khỏi ách thống trị tàn bạo của Khmer Đỏ, nhưng chủ trương “chiếm đóng lâu dài”, và cách cai trị hống hách quan liêu của các cán bộ cộng sản cao cấp Việt Nam ở Campuchia càng khiến mối thù hận lâu đời giữa hai dân tộc được hâm nóng. Những lãnh tụ đối lập của Hun Sen như Ranariddh và Sam Rainy(9) luôn luôn tìm cách khơi dậy mối hận thù này.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, Trung Hoa với ưu thế quân sự và kinh tế sẵn có, đang ồ ạt viện trợ hai đồng minh thân thiết của Việt Nam là Ai Lao và Campuchia. Mới đây, năm 2012, khi Căm Pu Chia là nước tổ chức hội nghị ASEAN thì Hun Sen, người được Việt Nam đưa lên cầm quyền và đến phiên làm chủ tịch hội nghị, đã ngả theo Trung Hoa mà không cho Việt Nam đem vấn đề tranh chấp ở biển Đông ra  thảo luận trong hội nghị.

Trong khi Việt Nam vẫn muốn theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, hy vọng chủ nghĩa này lại có ngày tràn lan trên thế giới để xây dựng thế giới đại đồng và Campuchia vẫn luôn là bước chinh phục đầu tiên thì bên phía Campuchia vẫn có những nhà lãnh đạo cũng luôn nhìn về đồng bằng Cửu Long, hy vọng có ngày sẽ trở về với Campuchia, lấy lại cái tên Khmer Hạ. Sự hiềm khích giữa hai dân tộc có lẽ còn kéo dài trong nhiều thế hệ tới.

CHÚ THÍCH:

(1): Trước khi thành lập nhóm B68, Việt Nam đã lập “nhóm 77” nghiên cứu về Căm Pu Chia thời Pol Pot do Trần Xuân Bách đứng đầu.  Còn đòan B68 được thành lập khi Việt Nam mưu toan chiếm đóng Căm Pu Chia, mới đầu do Nguyễn Xuân Hòang đứng đầu, sau đó là Hòang Thế Thiện, trụ sở 606 đường Trần Hưng Đạo, Sàigòn..

(2): Trần Xuân Bách khi về nước được thăng ủy viên bộ Chính Trị, nhưng vì chủ trương đổi mới tòan diện nên bị loại.

(3):  Hành động ngang ngược đầu tiên: ngày 10/3/79 lính Việt Nam tự động đến khám và lục sóat nhà của Chia Sim, bộ trưởng Nội Vụ của Căm Pu Chia (Hồi Ký của cựu đại sứ Hùynh Anh Dũng).  Một phần có lẽ vì Chia Sim là người gốc Hoa (Triều Châu) .

(4): Hồ Quang Hóa bị tụt lon, về làm chỉ huy trưởng một trung tâm huấn luyện.  Nhiều năm sau, ông ta phân trần: Ai mà dám trái lệnh Lê Đức Thọ.

(5): Ngày 7/1/89, Hunsen xuất bản cuốn sách Căm Pu Chia, Con Đường Mười Năm, kịch liệt phê bình giải pháp Đỏ là sai lầm, nguy hiểm, phi lý, trái đạo đức.  Theo Hồi Ký Hùynh Anh Dũng, sau khi Việt Nam rút quân, Căm Pu Chia thay đổi hẳn, các cán bộ cao cấp bị thay thế, Việt Nam bị Hunsen phê bình là “duy ý chí”, áp đặt Căm Pu Chia phải “quá độ lên XHCN”, Căm Pu Chia đặt mục tiêu hòan thành cách mạng dân tộc dân chủ và chuyển hướng kinh tế.  Cho tới hiện nay, 2012, Hunsen đã ngả sang Trung Hoa, không cho Việt Nam đem vấn đề biển Đông vào hội Nghị ASEAN.

(6): Sau khi Ieng Sary cùng vợ về đầu thú, Son Sen và vợ là Yun Yat cùng 8 người thân bị Pol Pot cho hành quyết năm 1997. It lâu sau, Tamok đảo chánh Pol Pot, lập ra một phiên tòa xử Pol Pot tù chung thân nhưng Pol Pot chết vài tháng sau (15/4/1998).  Ke Pauk chết năm 2002. Năm 2007, một tòa án quốc tế được thành lập để xử tội diệt chủng đối với Ieng Sary, Thirith, Nuon Chea, Tamok… .Riêng trưởng trại Tuol Sleng là Duch, trốn sang Thái Lan rồi sang Tàu, sau đổi tên về nước làm việc ở một cơ quan cứu trợ và bị bắt, 11 năm sau mới đưa ra tòa án quốc tế và bị xử 30 năm tù.  Một nhân chứng giận dữ: “Hắn giết 14 ngàn người, ở tù 19 năm, tính ra giết một mạng chỉ bị tù 11 phút !”. Còn Noun Chea, dù là cháu gọi Sieu Heng bằng cậu nhưng không hiểu vì sao vẫn được Pol Pot lưu dụng và cất nhắc lên làm nhân vật số 2.  Ra tòa, Noun Chea khai phải giết người để cứu nước.

(7): Ranariddh, cựu chủ tịch phong trào FUNCIPEC chống Việt Nam. Đảng này chiếm đa số trong cuộc bầu cử 1993 nhưng bị đảng của Hun Sen lấn át. Từ 1998 đến 2006 làm chủ tịch quốc hội, sau đó bị Hun Sen gán cho tội tham nhũng và kết án tù, phải trốn qua Thái Lan và Mã Lai. Được vua Sihamoni ân xá, hiện về hưu ở Nam Vang. 

(8): Sihamoni, Norodom. Con của Sihanouk và bà Monique. Hồi nhỏ du học ở Tiệp và Bắc Hàn. Về nước 1977 và bị quản chế. Sau 1979 sang Pháp ở.  Năm 1984, khi Sihanouk thóai vị, Ranariddh từ chối kế nghiệp và ủng hộ Sihamoni nên Sihamoni được gọi về làm vua. Hiện vẫn còn độc thân nên có lời đồn đồng tính luyến ái. 

(9):  Sam Rainy là một chính khách đối lập ở Căm Pu Chia, chủ trương bài Việt Nam và thân Trung Hoa. Năm 2010 bị Hun Sen cho án 2 năm tù về tội “giả mạo chứng cớ” vu cáo Việt Nam xâm lấn lãnh thổ, hiện đang lánh nạn tại Thái Lan.

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading