Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Hoàng Dung là BS Hoàng Xuân Trường QYHD khóa 17. Ban Biên Tập xin chân thành cảm tạ tác giả đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH được đăng một số chương trong cuốn sách Cuộc Chiến Việt-Miên-Hoa 1979-1989 mà ông mới tái bản lần thứ hai. Chúng tôi dự định sẽ đăng mỗi tháng một chương trong cuốn sách.
Đây là một tài liệu hết sức quý báu vì chưa hề có tác giả nào nghiên cứu sâu sắc về một cuộc chiến mà rất ít người chú ý đến như Hoàng Dung. Cuộc chiến Việt-Miên-Hoa của thập niên 1980 được tác giả mệnh danh là Chiến Tranh Đông Dương III đã làm thay đổi hoàn toàn sự tương quan giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng và góp phần quan trọng vào thái độ ươn hèn của bộ máy cầm quyền Bắc Bộ Phủ đối với giặc phương Bắc.
Mọi thắc mắc và độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên lạc với tác giả qua điện thư:
hoangdung452000@yahoo.com



PHẦN THỨ BA


CUỘC CHIẾN ĐỢT II: (TRẬN CHIẾN TIÊU HAO)

CHƯƠNG 16:    
Cu¶c chi‰n ViŒt-Miên-Hoa 1979-1989 Hoàng Dung
 
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG VIỆT NAM - TRUNG HOA TẠI BIỂN ĐÔNG HIỆN TẠI
                       
Chơi với Tàu, mất nước
Chơi với Mỹ, mất đảng
  
THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG HOA

Tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Hoa đã có từ ngàn xưa và hình như chưa bao giờ cần che giấu. Có chăng chỉ các lãnh tụ già nua của đảng Cộng Sản Việt Nam mới nhắm mắt làm ngơ và công nhận quyết nghị của Trung Quốc ngày 4/09/1958 (1), khi Trung Hoa tự công nhận chủ quyền của họ trên cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

Họ kiên nhẫn chờ đợi cho đến mười sáu năm sau, năm 1974, lợi dụng khi cuộc nội chiến Việt Nam đi đến giai đoạn quyết liệt mới đem quân đánh chiếm Hoàng Sa, thực hiện bước đầu tiên trong kế hoạch lâu dài của họ ở biển Đông.
Một lần nữa, các lãnh tụ Cộng đảng Bắc Việt có lẽ coi đó như một thắng lợi trên đường tiến lên xã hội chủ nghĩa toàn cầu và chỉ phản ứng thụ động bằng các lời tuyên bố vô thưởng vô phạt:“Những tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết một cách hòa bình. (2)

Khi Bắc Việt chiếm được miền Nam năm 1975, vì lúc đó lực lượng hải quân Trung Quốc chưa đủ mạnh và Việt Nam đang liên minh quân sự với Liên Xô nên suốt hơn mười năm, Trung Hoa vẫn nằm yên. Năm 1988, khi đế quốc Liên Xô suy sụp và Việt Nam đang ở tình trạng khủng hoảng cả về kinh tế lẫn ý thức hệ, Trung Hoa bắt đầu lấn chiếm tới vùng biển Trường Sa bằng cách đem quân đánh chiếm đảo Chữ Thập, rồi từ đó lấn sang mấy mỏm đá nhỏ xung quanh. Kể từ thời điểm đó, hành động lấn chiếm của Trung Hoa mỗi ngày một rõ ràng và thô bạo hơn. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân:

- Về quân sự, do sự phát triển kinh tế, nhu cầu dầu hỏa của Trung Hoa ngày một gia tăng. Từ một nước xuất cảng dầu hỏa, từ 1989, Trung Hoa dần dần trở nên quốc gia nhập cảng dầu quan trọng đứng hàng thứ hai thế giới. Vì phần lớn dầu nhập cảng của họ đều mua từ Trung Đông, tàu chở dầu phải đi qua Ấn Độ Dương rồi đi ngang eo biển Malacca nằm giữa Mã Lai và Nam Dương, sau đó qua vịnh Thái Lan, qua Biển Đông mới tới Trung Hoa. Hải lộ này đã trở nên huyết mạch chính của kinh tế Trung Hoa. Nếu hải lộ này bị khống chế, kinh tế Trung Hoa sẽ bị bóp nghẹt. Vì thế, Trung Hoa muốn làm chủ vùng biển Đông để bảo đảm an toàn cho  hải lộ huyết mạch của họ.

- Về kinh tế, vùng biển Đông được dự đoán là có một trữ lượng dầu hỏa và hơi đốt khổng lồ chưa khai thác nên Trung Hoa càng muốn được làm chủ vùng biển này. Ngoài ra, đây cũng là vùng biển có nguồn lợi thủy sản đáng kể trong khi Trung Hoa với dân số đông đảo, tài nguyên đã bị tận dụng nên nhìn vùng biển này như một nguồn lương thực quan trọng, và gọi đó là một “không gian sinh tồn” mới. Sau khi Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển ra đời, cho phép quốc gia nào dù làm chủ chỉ một mỏm đá nhỏ cũng có độc quyền khai thác kinh tế một chu vi 200 hải lý xung quanh, nhu cầu nhanh tay chiếm đoạt vùng biển này càng trở nên cấp thiết.

- Sau hết về chính trị, chiếm được biển Đông là một bước trên con đường thực hiện giấc mơ Đại Hán, trở nên siêu cường, tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ. Để thực hiện ước mơ, Trung Hoa từng bước thực hiện và thúc đẩy một thế giới đa cực, gồm các khối quyền lực riêng biệt Hoa Kỳ, Tây Âu, Nam Mỹ, Hồi giáo và ở Á Châu, Trung Hoa. Hiện nay, họ đang phát huy ảnh hưởng khắp nơi bằng cách đầu tư ở Phi Châu, viện trợ Venezuela, trợ giúp quân sự cho Cuba và ngầm ủng hộ Iran để thực hiện mục tiêu đa cực, từ đó, Hoa Kỳ sẽ phải phân tán lực lượng khắp nơi, tạo cơ hội cho Trung Hoa độc quyền thao túng vùng Đông Á. Có được Đông Á, thế giới sẽ chỉ có lưỡng cực và biết đâu, sẽ có ngày Trung Hoa trở nên bá chủ toàn thế giới.

CHIẾN LƯỢC VÀ MỤC TIÊU HIỆN TẠI CỦA HAI NƯỚC.

Vì Việt Nam là một nước tương đối nhỏ yếu so với Trung Hoa, lại cô thế về chính trị và ngoại giao nên đã bị đặt vào tình trạng bị động. Hiện tại, sau khi đã nhượng bộ trên biên giới đất liền và trên biển ở vịnh Bắc Việt để được yên thân, mục tiêu ngắn hạn của chính quyền Việt Nam là giữ nguyên tình trạng, cố gắng giữ được tất cả những đảo đang chiếm giữ, để cho Trung Hoa chiếm cứ Hoàng Sa và những đảo đã chiếm của Trường Sa, dù trên lời lẽ, Việt Nam vẫn giữ nguyên lập trường về chủ quyền trên cả hai quần đảo đó, chờ cơ hội cho những thế hệ mai sau.  

Trong khi đó, Trung Hoa với dân số đông đảo, kinh tế phát triển, quân lực hùng mạnh hơn, nhưng trong tình trạng hiện nay, do nhiều nguyên nhân, đã chưa thể ào ạt dùng binh lực tràn ngập để nhanh chóng xâm chiếm toàn vùng biển nên họ chủ trương từ từ lấn tới. Cách lấn chiếm chậm mà chắc “bất chiến tự nhiên thành” này được thực hiện bằng nhiều mặt:

- Về kinh tế, Trung Hoa tìm cách khống chế kinh tế bằng cách đầu tư ồ ạt qua mọi ngành (xây dựng, điện khí, xi măng…), tràn ngập thị trường Việt Nam với đủ loại hàng hóa không bán được cho ai với giá thật rẻ, giết chết sản phẩm thủ công nghệ và kỹ nghệ nhẹ nội địa, thuê rừng để canh tác, khai thác quặng mỏ ở cao nguyên, đem nhân công từ Trung Hoa sang làm việc… khiến kinh tế Việt Nam dần dần bị lệ thuộc vào kinh tế Trung Hoa.

- Về chính trị và ngoại giao, Trung Hoa là chỗ dựa chính trị và quân sự cũng như ý thức hệ cho chế độ độc đảng để những cán bộ lãnh đạo cộng sản Việt Nam duy trì được quyền hành và địa vị, cho nên những ủy viên cao cấp của bộ Chính Trị hầu như lúc nào cũng sẵn sàng nhân nhượng với nước Cộng Sản đàn anh. Những lãnh tụ mù quáng hơn, sẵn sàng nhường đất và biển để chiều ý Trung Hoa như Lê Khả Phiêu vẫn được đảng đề cao.     

- Cuối cùng về quân sự, Trung Hoa không ngừng tăng cường quân lực, nhất là hải quân ở vùng biển Đông để đe dọa và tạo áp lực thường xuyên với Việt Nam,  cho nên, cho tới thời gian gần đây, họ càng ngày càng tự tung tự tác trên vùng biển tranh chấp. 

MỤC TIÊU ĐẦU TIÊN: BIỂN ĐÔNG VÀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Như đã nói, biển Đông là bước tiến chủ yếu đầu tiên nếu không muốn nói là then chốt trong mưu toan phát huy ảnh hưởng và thế lực của Trung Hoa. Mới đây, Trung Hoa đã tuyên bố thẳng biển Đông là một trong ba quyền lợi “cốt lõi” ngang với Đài Loan, Tây Tạng - có nghĩa là họ sẽ chiếm đoạt bằng bất cứ giá nào.

Trong việc giành giật quyền lợi cốt lõi ở Biển Đông, Việt Nam là chướng ngại đầu tiên. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, Hoa Kỳ tuy đã rút khỏi Việt Nam và Subic, đồng thời đang phân tán lực lượng qua Trung Đông cùng Bắc Hàn, nhưng hải quân Trung Hoa so với đệ thất hạm đội Hoa Kỳ vẫn thua kém nên Trung Hoa chỉ có thể lấn ép ở Biển Đông một cách từ từ, chậm mà chắc. Nếu năm 1974, họ lợi dụng nội chiến ở Việt Nam để chiếm Hoàng Sa và năm 1988, họ lợi dụng Việt Nam đang mất chỗ dựa Liên Xô để xâm lấn Trường Sa thì năm 1995, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Subic, họ chiếm đảo Vành Khăn (Mischief) do Phi Luật Tân chiếm giữ.
      
Việc chiếm đảo Vành Khăn đã gây cảnh giác cho Hoa Kỳ và các nước trong vùng. Hơn nữa, trong thời gian đó, Trung Hoa đang cần ổn định để phát triển kinh tế nên suốt thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Trung Hoa chỉ thực hiện kế hoạch bành trướng một cách âm thầm mà mục tiêu chính là vùng biển Việt Nam, một nước tương đối đang ở tình trạng khó khăn và cô lập cả về chính trị lẫn ngoại giao.

Kế hoạch này thay đổi trong thời gian gần đây, khi kinh tế và quân lực Trung Hoa đã phát triển mạnh trong lúc Hoa Kỳ phải quan tâm nhiều hơn ở chiến trận Iraq và Afghanistan, khiến mức hành động lấn ép của Trung Hoa mỗi ngày một thô bạo hơn.

Họ tự tung tự tác trên Biển Đông, coi toàn vùng biển như ao sau của Trung Hoa. Ngư dân Việt Nam liên tiếp bị bắt, bị đòi tiền chuộc, bị đánh đắm tàu, bị bắn giết … và trong hai năm qua, 2009 và 2010, Trung Hoa đơn phương ra lệnh cho ngư dân Việt Nam không được ra khơi đánh cá trong ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 8) mỗi năm. Những công ty ngoại quốc được chính phủ Việt Nam ký giao kèo khai thác dầu và hơi đốt trên vùng Biển Đông bị Trung Hoa áp lực phải bỏ cuộc.

Năm 2009, Trung Hoa chính thức trao cho các nước trong Liên Hiệp Quốc bản đồ ranh giới lãnh hải “chín khúc đứt đoạn” hay lưỡi bò của họ, trên đó toàn vùng Biển Đông đều thuộc Trung Hoa.

Với chiến thuật đó, từ đảo Chữ Thập (Fiery Reef) năm 1988, họ đã gậm nhấm thêm được sáu mỏm đá hay cồn cát nhỏ của Trường Sa (Chigua Reef, Gaven Reef, Johnson Reef, Mischief Reef, Cuateron Reef và Subi Reef) để mở rộng vùng độc quyền kinh tế.

PHƯƠNG CÁCH ĐỐI PHÓ CỦA VIỆT NAM.

Đối phó với Trung Hoa, Việt Nam luôn ở vào vị thế khó khăn, tế nhị. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trước tiên, Việt Nam là một nước nhỏ, dân số chưa bằng một phần mười dân số Trung Hoa, những chính sách kinh tế từ hơn năm mươi năm qua hầu hết đều học tập theo khuôn mẫu Trung Hoa, dĩ nhiên kết quả sẽ thua kém hơn. Thứ hai là về chính trị, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã tự đặt mình vào cảnh cô thế và đầy nghịch lý khi giao thiệp với Trung Hoa, luôn luôn phải vừa cầu cạnh vừa đề phòng. Câu nói “Chơi với Tàu, mất nước. Chơi với Mỹ, mất đảng” không phải là một câu ví von bóng bảy của dân gian trong nước mà là một nhận xét thực tế chính xác về nghịch lý này.

Từ thời Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh và nhất là Lê Khả Phiêu, Cộng Sản Việt Nam vẫn coi Trung Hoa như người thay thế Liên Xô cầm ngọn đuốc Cộng Sản soi sáng thế giới, là khuôn mẫu để học tập và là chỗ dựa cho chế độ độc đảng của họ. Vì thế, dù luôn bị chèn ép, thái độ của Việt Nam luôn luôn là nhường nhịn và cầu cạnh. Những năm sau này, tuy thái độ của Trung Hoa cũng như dư luận quốc nội và quốc ngoại khiến sự qụy lụy của chính quyền Việt Nam bớt lộ liễu hơn, nhưng sự tương đồng về ý thức hệ đã khiến những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam vẫn coi Trung Hoa như đồng minh số một và trong cách cư xử  vẫn luôn khép nép, hy vọng có ngày Trung Hoa trở lại tư duy chiến lược “hai phe, bốn mâu thuẫn” mà ban ơn cho một nước Cộng Sản đàn em. 

Trên cán cân giữa “đảng” và “nước”, căn bản thì chính quyền Việt Nam đã thiên về đảng. Trong gần hai mươi năm qua, giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam liên tiếp nói là họ sẽ nâng quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên những “tầm cao mới.” Bộ máy tuyên truyền chính thức của chính quyền cộng sản Việt Nam không ngừng ca tụng tình bằng hữu thắm thiết với Trung Hoa. Những từ ngữ tuyên truyền bóng bảy như « bốn tốt » hay « mười sáu chữ vàng « của Giang Trạch Dân  ban ra luôn được các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đem ra sử dụng .

Mỗi khi ngư dân ra khơi bị giết hay bị bắt đều chỉ nói do “tàu lạ”, không dám nêu đích danh Trung Hoa. Nếu phóng viên nước ngoài chất vấn về những hành vi chèn ép của Trung Hoa thì những phát ngôn viên bộ ngoại giao từ Phan Thúy Thanh đến Lê Dũng rồi Nguyễn Phương Nga đều trả lời với cùng một điệp khúc là chính quyền Việt Nam sẽ phản đối, đồng thời xác nhận chủ quyền, hứa sẽ giải quyết bằng ngoại giao để rồi sau đó, mọi chuyện được chìm vào quên lãng. Họ tự biện minh thái độ phản đối thụ động này là vì đảng có một « cái nhìn vĩ mô » hay « tầm nhìn đại cục ».

Dĩ nhiên, Trung Hoa không đếm xỉa gì đến những phản đối trống rỗng này. Ngay cả khi Việt Nam muốn ký kết với BP thăm dò dầu khí tại Côn Sơn năm 2007, trong thời gian chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, một người bảo thủ thân Trung Hoa đang thăm viếng nước này, Trung Hoa vẫn tố cáo Việt Nam xâm phạm chủ quyền và phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Hoa là Lão Tần Cương lúc đó không nể nang mà còn tuyên bố là Trung Hoa sẽ “xử lý nghiêm khắc” với Việt Nam.

Vì cứ phải nhường nhịn, tuy thỏa ước biên giới trên đất liền do Lê Khả Phiêu thúc ép đã được ký kết trên 10 năm nay, nhưng bản đồ chi tiết chưa được công bố. Những nhường nhịn trên thỏa ước ranh giới vịnh Bắc Bộ vì không che giấu nổi nên đã được giải thích một cách rất biện chứng là “thắng lợi cho cả hai bên.”

Tuy nhiên, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã tỏ ra cương quyết hơn trong vấn đề quần đảo Trường Sa (2) và vùng biển xung quanh vì vùng quần đảo Trường Sa chiếm một địa vị quan trọng đối với Việt Nam.

Thứ nhất là về kinh tế, hiện nay dầu hỏa khai thác được ở biển Đông đã chiếm 1/3 số lượng xuất cảng của Việt Nam và có đến hàng triệu ngư dân sống nhờ vào tài nguyên hải sản trên biển.

Thứ hai là về quân sự, thường xuyên bị Trung Hoa đe dọa từ biên giới phía bắc, hai nước anh em lân bang phía tây đang bị Trung Hoa lôi kéo và ngả dần về họ, nếu mất thêm Trường Sa, Việt Nam coi như bị bao vây.

Thứ ba là về chính trị, những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam đã phạm sai lầm trong vụ Hoàng Sa, có thể che giấu những nhường nhịn trên biên giới đất liền hay ngụy biện về thỏa ước biên giới vịnh Bắc Bộ, nhưng không thể nhượng bộ thêm ở Trường Sa nên đã tương đối có một lập trường cứng rắn. Ngày 9/2/2007, Việt Nam đã đề ra một “Chiến Lược Biển” trong đó chủ trương “phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường…” và trong thời gian gần đây, đã tăng cường lực lượng hải quân đồng thời cố gắng cải tiến mối quan hệ với Hoa Kỳ.

VAI TRÒ THỨ YẾU CỦA ASEAN VÀ CÁC QUỐC GIA LÁNG GIỀNG.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, thành lập trong thời chiến tranh Việt Nam, mới đầu gồm 6 quốc gia Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Brunei và Nam Dương. Sau khi Việt Nam gia nhập năm 1995, kéo theo những nước Lào, Căm Pu Chia, Miến Điện (Myanmar), khối này tăng lên thành 10 nước.

Trong những năm 1970 và 1980, kinh tế của các quốc gia ASEAN đã phát triển nhanh chóng. Họ cần thị trường, trong khi Trung Hoa cần vốn đầu tư, nên giữa hai bên đã có những quan hệ kinh tế sâu sắc.

Vì thế, trong số 10 nước, tuy đa số đều e ngại mưu đồ bành trướng của Trung Hoa và có năm nước ít nhiều đang cùng Trung Hoa tranh giành chủ quyền ở vùng Trường Sa, nhưng về vấn đề chủ quyền biển Đông, một phần do áp lực Trung Hoa, một phần vì quyền lợi riêng tư, các nước ASEAN đã không bao giờ đoàn kết để có một phản ứng chung.

Hơn nữa, trong 10 nước này, có những nước chẳng mắc mớ gì đến biển Đông. Vì thế, lập trường của Trung Hoa luôn cho vấn đề biển Đông chỉ là tranh chấp riêng biệt của mỗi nước và Trung Hoa chỉ chấp nhận hội đàm song phương với từng nước một, không bao giờ muốn hội đàm đa phương hay quốc tế hóa.

Tại diễn đàn ASEAN 2009, Trung Hoa ngăn cản Thái Lan không cho đem vấn đề biển Đông ra thảo luận. Năm 2010, Việt Nam đến phiên làm chủ tịch, có thể đưa vấn đề biển Đông lên diễn đàn thì chỉ có Hoa Kỳ, một nước quan sát viên, lên tiếng tán thành. Năm 2012, đến lượt Căm Pu Chia làm chủ tịch thì nước này đã trở cờ, không cho đem vấn đề biển Đông ra thảo luận.  Lúc đó, Phi Luật Tân vừa mất đảo Vành Khăn nên đã phản ứng quyết liệt trước hội nghị, trong khi ngọai trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam khi được hỏi, chỉ bày tỏ sự thất vọng và buồn rầu.

Trong tình thế đó, trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Hoa, Việt Nam không hy vọng gì vào sự giúp đỡ của ASEAN, kể cả của Phi Luật Tân vì Phi Luật Tân  biết rõ giới lãnh đạo Việt Nam, đã một mình đơn độc kiện Trung Hoa tại tòa án quốc tế đồng thời tìm cách liên minh với Nhật Bản và Hoa Kỳ. 
 
Ngoài ASEAN, một quốc gia trong vùng tương đối tích cực trợ giúp Việt Nam là Ấn Độ. Cũng như Việt Nam, Ấn Độ luôn có tranh chấp biên giới với Trung Hoa. Trung Hoa đã giúp Hồi Quốc, một quốc gia đối thủ của Ấn tại phía bắc tăng cường quân lực và chế tạo bom nguyên tử, đồng thời Trung Hoa cũng tạo áp lực cho Ấn Độ bằng cách thuê mướn quân cảng Coco của Miến Điện ở phía tây, quân cảng Hambantoba của Tích Lan ở phía nam.

Vì thế, Ấn Độ đang giúp Việt Nam canh tân những vũ khí cũ của Liên Xô, huấn luyện thủy thủ Việt Nam về cách điều hành tàu ngầm và đang thương thuyết để thay thế hãng dầu BP khai thác mỏ hơi đốt vùng Côn Sơn sau khi hãng này bị áp lực của Trung Hoa phải rút lui.

Một nước khác cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Hoa là Nhật Bản.  Hai nước hiện đang giành chủ quyền của đảo Senkaku (Trung Hoa gọi là Điếu Ngư). Hòn đảo này do Nhật Bản chiếm giữ, nhưng Nhật bản có lực lượng quân sự hùng mạnh, có thỏa ước với Hoa Kỳ nên Trung Hoa dù được lợi thế là có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Nhật, cũng không dám có biện pháp mạnh.  Tuy nhiên, chính phủ Abe của Nhật cũng đang tăng cường ngân sách quốc phòng.    

Cuối cùng, Việt Nam cũng đang nuôi hy vọng vào Nga sô. Sau khi chủ nghĩa Cộng Sản đưa đến suy kiệt kinh tế và sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô, Nga đang từ từ hồi phục nhờ một mối lợi kinh tế lớn là bán dầu hỏa và võ khí. Tuy Trung Hoa đã là khách hàng lớn nhất Nga nhưng dĩ nhiên, Nga sẽ không bao giờ muốn nước láng giềng Trung Hoa mạnh hơn mình. Thực tế từng chứng tỏ là ngay cả khi hai nước cùng là Cộng Sản đã từng có những đụng chạm quân sự nghiêm trọng.

Vì thế, năm 2009, Nga đã bán cho Việt Nam dàn hỏa tiễn phòng thủ duyên hải K300 P Bastion hiện đại nhất mà không báo cho Trung Hoa biết.

Tuy nhiên, yếu tố chính khiến cho Trung Hoa phải e dè để từng bước âm thầm thực hiện mưu toan của mình vẫn là thế lực của Hoa Kỳ tại biển Đông.  
            
VAI TRÒ HOA KỲ TẠI BIỂN ĐÔNG

Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất trên thế giới có khả năng làm Trung Hoa nể sợ trong hơn hai thập niên vừa qua tuy đã bớt quan tâm đến vùng Đông Nam Á, nhưng đệ thất hạm đội tại đây vẫn hùng mạnh hơn hải quân Trung Hoa rất nhiều. Chính sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ đã khiến Trung Hoa dè dặt hơn khi muốn bành trướng thế lực tại Biển Đông.

Nhưng Hoa Kỳ sẽ chỉ trực tiếp can dự vào các tranh chấp ở Biển Đông khi quyền lợi của họ hay những đồng minh thân thiết của họ (Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, Thái Lan…) bị đe dọa.

Vì Hoa Kỳ là một nước có truyền thống dân chủ, nên đã luôn luôn chỉ trích sự vi phạm nhân quyền và sự cấm đoán những quyền tự do căn bản của người dân tại Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam còn là một nước cộng sản nên quan hệ giữa hai nước khó thể trở nên thân thiết. Do ở niềm tin sâu sắc, hay có thể mù quáng về ý thức hệ, cho nên dù thấy Hoa Kỳ là chỗ dựa tối hậu cho nền an ninh trong vùng, là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế, chính quyền Việt Nam vẫn luôn luôn nhắc nhở để cán bộ và nhân dân phải cảnh giác trước những âm mưu “diễn biến hòa bình” và trong bậc thang xếp hạng sự thân hữu của ngành ngoại giao Việt Nam, Hoa Kỳ luôn bị xếp hạng chót. Cũng do sự lo sợ “Chơi với Mỹ, mất đảng” này, Việt Nam đã chậm trễ thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ sau Trung Hoa 20 năm, từ đó, sự phát triển kinh tế bị tụt hậu so với Trung Hoa và thua kém luôn khả năng tăng cường quân sự.

Trong thời gian gần đây, vì Trung Hoa bắt đầu có các hành vi thách đố thế lực của Hoa Kỳ như phủ quyết biện pháp trừng trị Bắc Hàn, giảm nhẹ sự phong tỏa Iran, xách nhiễu tàu thăm dò địa chất Impeccable…, Hoa Kỳ mới tỏ ra quan tâm nhiều hơn về sự lấn lướt của Trung Hoa tại Biển Đông.

Lần đầu tiên sau nhiều năm im lặng đứng ngoài, tại diễn đàn ASEAN tại Hà Nội tháng 7/2010, ngoại trưởng Hoa Kỳ lên tiếng cho biết Biển Đông cũng là một quan tâm của Hoa Kỳ và muốn quốc tế hóa những tranh chấp.  Đồng thời, Hoa Kỳ tỏ ra thân thiện hơn với Việt Nam và Việt Nam cũng cởi mở hơn. Và, như một dấu hiệu cảnh cáo Trung Hoa, trong vòng một tháng sau, hàng không mẫu hạm Washington đã đậu ngoài khơi Việt Nam để các viên chức Việt Nam tới thăm và rồi hộ tống hạm McCain viếng thăm Đà Nẵng. Đồng thời, chính phủ Obama cũng duyệt xét thỏa ước phát triển năng lượng nguyên tử với Việt Nam

Do tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Hoa chỉ có chiều hướng xảy ra ở vùng Biển Đông nên cũng cần nhìn qua tương quan lực lượng hải quân giữa hai nước.    

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIẤC MƠ “ĐẠI HÁN” VÀ SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA HẢI QUÂN TRUNG HOA:

Cộng Sản Trung Hoa, dưới thời Mao Trạch Đông, đã hình dung hình ảnh “ba thế giới” : Hoa Kỳ, Liên Xô và thế giới thứ ba đứng đầu là Trung Hoa. Cục diện đổi thay, đế quốc Liên Xô sụp đổ, quan niệm “ba thế giới” dần dần đổi khác. Hiện nay, qua lăng kính Trung Hoa, trên thế giới đang hình thành một tình trạng đa cực và từ thế giới đa cực này, Trung Hoa sẽ vươn lên để cùng với Hoa Kỳ tạo nên thế lưỡng cực, chia đôi thiên hạ, rồi có thể có một ngày độc bá toàn cầu. 

Trong công cuộc thực hiện mối ước mơ này, hải quân sẽ phải giữ nhiệm vụ ngày càng quan trọng.

Vì thế, những năm gần đây, Trung Hoa đã tăng cường ngân sách quốc phòng rất nhiều để phát triển và canh tân lực lượng hải quân. Song song với đà phát triển những vũ khí và chiến hạm mới, Trung Hoa đặt ra các chiến lược dài hạn cho hải quân.

Hai chiến lược chính của hải quân Trung Hoa được nhắc đến là chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai”“Viễn Dương Phòng Thủ.” Tuy chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai” có nhiệm vụ bảo đảm an ninh thủy lộ từ Trung Đông sang Trung Hoa và chiến lược “Viễn Dương Phòng Thủ” có nhiệm vụ chiếm đọat vùng Biển Đông, đe dọa  các nước lân bang đồng thời tạo áp lực cho Hoa Kỳ và Úc Châu, nhưng hai chiến lược đúng ra nhắm cùng một mục tiêu và hỗ trợ cho nhau.

- Chiến lược Chuỗi Ngọc Trai : “Chuỗi Ngọc Trai” là tên gọi một đường dây nhằm bảo vệ thủy trình của những tàu chuyên chở từ Trung Đông đưa về Trung Hoa, trên đó, có những quân cảng chiến lược hoặc của Trung Hoa hay của những nước khác mà Trung Hoa có thể xử dụng. Những quân cảng hay hải cảng này, được gọi là những hạt ngọc trai. 

Chuỗi ngọc phòng thủ của Trung Hoa khởi từ căn cứ hải quân Tam Á ở Hải Nam, chạy dọc xuống theo duyên hải Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, eo biển Malacca ngược lên hướng bắc, tới một “hạt ngọc” khác, quân cảng Coco của Miến Điện, rồi tới “hạt ngọc” hải cảng Chittagon của Bangladesh.

Từ đây, nó chạy vòng xuống phía nam vịnh Bengal, tới hải cảng Hambatoba của Tích Lan, một hạt ngọc mới được Trung Hoa xây dựng và thuê lại, cách thủy đạo chở dầu vài chục hải lý. Đây là sự kiện gây thất vọng lớn cho Ấn Độ và Hoa Kỳ. Nguyên nhân chỉ vì Ấn Độ, một nước láng giềng lâu năm đã không tích cực viện trợ Tích Lan đánh dẹp quân Tamil trong khi Trung Hoa hết lòng giúp đỡ, còn Hoa Kỳ thì luôn chỉ trích chính phủ Tích Lan về nhân quyền.

Đường dây ngọc trai sau khi tới cảng Hambatoba của Tích Lan sẽ chạy ngược lên quân cảng Gwadar của Hồi Quốc, nơi Trung Hoa đã bỏ ra hơn 200 triệu Mỹ kim để tân trang. Quân cảng Gwadar là khâu chót của đường dây phòng thủ chiến lược, cách Trung Đông chỉ vài trăm hải lý. Hồi Quốc và Trung Hoa đều là đối thủ của Ấn Độ nên Hồi đã hoan hỉ giúp Trung Hoa.

Ngoài quân cảng Gwadar, Trung Hoa đang xây dựng một con đường từ Gwadar tới các tỉnh ở phía tây Trung Hoa.

Trong một tương lai gần, chắc chắn Trung Hoa sẽ mưu tạo thêm một hạt ngọc ở Biển Đông và đang dụ dỗ Campuchia để  hoàn tất chuỗi ngọc bằng cách được xử dụng hải cảng Sihanookville.

Thiết lập được đường dây phòng thủ “chuỗi ngọc trai” này, ngoài việc giữ gìn an ninh thủy lộ, dùng để đón nhận dầu trong trường hợp khẩn cấp khi một vùng biển nào đó bị trở ngại hay để tiếp tế tàu bè đang công tác trong những chuyến hải hành xa.

Trung Hoa đã gửi tàu chiến sang bờ biển Somalia để ngăn ngừa hải tặc, và việc này còn mang một ý nghĩa chiến lược quan trọng khác là đe dọa những nước trong vùng, kể cả Ấn Độ, một nước mà Trung Hoa vẫn còn đang có tranh chấp biên giới. 

- Chiến Lược Viễn Dương Phòng Thủ : Chiến lược hải quân thứ hai của Trung Hoa, viễn dương phòng thủ, tuy nói là phòng thủ nhưng nhằm tấn công, tạo áp lực tại những vùng biển hiện nay do Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ tuần tiễu, bắt đầu thành hình trong thập niên 1980, khi Đặng Tiểu Bình còn đang cầm quyền. Kế hoạch do Lưu Hòa Thanh(3), tư lệnh hải quân Trung Hoa lúc đó phác họa.  Kế hoạch này gồm hai giai đoạn. 

Giai đoạn đầu là lập một tuyến phòng thủ dọc theo các đảo chạy dài từ miền nam Nhật Bản, bọc luôn đảo Đài Loan, chạy sát duyên hải Phi Luật Tân, Mã Lai, bao gồm hết vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Giai đoạn thứ hai, tuyến phòng thủ sẽ lấn xa về phía đông, bao gồm luôn vùng biển Nhật Bản với mục tiêu lan tới vùng đảo Guam của Mỹ và Úc châu. Chiếm Hoàng Sa và Trường Sa là bước đầu trong chiến lược viễn dương phòng thủ. 

Tại Đông Á, hiện tại lực lượng hải quân Hoa Kỳ còn mạnh, Trung Hoa phải để yên cho các đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ là Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan. Từ 1988,  dù  đảo Ba Đầu gần  sát đảo Thái Bình do Đài Loan chiếm giữ, Trung Hoa vẫn để yên không đụng đến. Bù lại, khi Trung Hoa công bố về biên giới lãnh hải lưỡi bò, Đài Loan đã mặc nhiên công nhận và ủng hộ.

(Kỳ sau tiếp)

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading