Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
CÜ«i Ng†n SÃm - Ride The Thunder (22)
 
Ban Dịch Thuật: Lý Văn Quý - Nguyễn Hiền - Nguyễn Hoàng Diệu - Trịnh Bình An

Nguyên tác tiếng Anh
POSTER_RidetheThunder5-6-15JPEG5-7-15 (540 x 800)
Chương 17

Kinh Kông vẫn sống mãi!

Tiến trình để anh chàng Đại úy trẻ George Philip làm quen với cái thế giới tương đối hạn hẹp của các cố vấn TQLC Hoa Kỳ mất vào khoảng năm ngày tại Sài Gòn. Nhịp độ của công việc tại cái hậu phương được mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông" này vào thời điểm cuối hè 1971 thật khác xa với những gì anh nhớ lại từ lần điên loạn đầu tiên khi anh mới đến Đà Nẵng vào năm 1968.

Trong năm ngày nhàn rỗi này, George gặp hết tất cả các cố vấn đang ở Sài Gòn và được tường trình về các cuộc hành quân của binh chủng TQLC Việt Nam. Anh cũng giải quyết cho hết các thủ tục giấy tờ và các chuyện riêng tư. Hằng ngày anh theo dõi các cuộc điện đàm giữa bộ tư lệnh và các đơn vị ngoài mặt trận cách xa đó gần ba trăm dặm đường. Trong những lần đi chơi tối tại câu lạc bộ Hòa Bình George tiếp tục uống bia và vui chơi cùng cái nhóm mà anh mới được gia nhập vào. Anh cũng nhận ra, qua cung cách lịch sự đặc biệt mà những người dân bình thường đã biểu lộ ra khi tiếp xúc với họ, là người Việt rất kính trọng các sĩ quan Hoa Kỳ trong bộ quân phục rằn ri của TQLC Việt Nam.

Khi mọi chuyện đã xong xuôi, George được lệnh mang túi bưu tín để chuyển cho các cố vấn Hoa Kỳ đang ở phía Bắc. Anh xách túi hành trang và lên xe ra phi trường Tân Sơn Nhất. Lúc này thì anh đã quen với vấn đề lưu thông của Sài Gòn rồi. Chuyến xe jeep ra phi trường có vẻ đỡ căng thẳng hơn lần đi vào chỉ vài ngày trước đó.

Anh đáp một chiếc máy bay vận tải C-123 chở đầy lính TQLC Việt Nam, một vài phụ nữ đi thăm chồng con, cùng với một mớ gà vịt và heo. Anh lại thong dong lên đường ra mặt trận tuốt ngoài Vùng I Chiến Thuật, lần này với tư cách cố vấn quân sự Hoa Kỳ.

Vào mùa Hè 1971, công tác phòng thủ phần cực Bắc của Vùng I Chiến Thuật do Sư Đoàn 3 Bộ Binh VNCH và ba lữ đoàn TQLC Việt Nam luân chuyển nhau đảm trách. Vùng trách nhiệm bao gồm các lãnh thổ tiếp giáp với khu phi-quân-sự và khu vực phía Đông của biên giới Lào, kể cả Khe Sanh mà trước kia thuộc trách nhiệm phòng thủ của Sư Đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ (Sư Đoàn 1 phụ trách khu vực phía Nam của Sư Đoàn 3).

Sư Đoàn 3 BB VNCH là một sư đoàn được thành lập sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 và gồm các binh lính được động viên hầu hết từ các tỉnh chung quanh vùng cực Bắc này. Sư Đoàn 3 BB cũng được ngầm hiểu là đơn vị chứa các thành phần bất mãn với chính quyền và các lao công đào binh. Vì là một đơn vị lớn xa Sài Gòn nhất, họ được điều ra đây với mục đích bị trừng phạt và cũng khó mà trốn đi đâu nổi ngoại trừ đào ngũ qua phía Bắc Việt thay vì phục vụ đàng hoàng trong quân ngũ.

Các lữ đoàn TQLC (mỗi lữ đoàn gồm ba tiểu đoàn tác chiến, một tiểu đoàn pháo binh, các đơn vị yểm trợ khác nhau và một bộ tư lệnh tương đối gọn nhẹ so với tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ), đã mang lại thế quân bằng cho khả năng mong manh của các đơn vị địa phương VNCH, và trở thành các trụ cột chống đỡ cho chính phủ và dân chúng đang trông mong vào họ nhằm ngăn chận không cho Cộng sản tràn vào phía Nam của vùng phi-quân-sự. Thông thường, các lữ đoàn TQLC Việt Nam hoạt động trong ba tháng tại đây trước khi được hoán chuyển về Sài Gòn và Thủ Đức để dưỡng quân, nghỉ phép và tiếp liệu trong một tháng. Mục đích của chuyện này nhằm luôn luôn có hai trong số ba lữ đoàn, hay ít nhất là có hai trong số ba tiểu đoàn của mỗi lữ đoàn sẵn sàng ứng chiến bất cứ lúc nào.

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh TQLC Việt Nam hiện là đơn vị hỏa lực cho Lữ Đoàn 369. Đó cũng chính là đơn vị mà George Philip đã được bổ nhiệm làm cố vấn. Do tình hình không có đụng độ nhiều lắm nên anh được điều về Pháo Đội B để quan sát và phụ trách phối hợp hỏa lực yểm trợ nếu tình hình đột nhiên biến động.

Pháo Đội B hiện trấn giữ căn cứ hỏa lực Gio Linh ở tận cùng cực Bắc của miền Nam Việt Nam. Nằm vào khoảng vài cây số về phía Bắc của Đông Hà, Gio Linh là thị trấn cuối cùng của Quốc Lộ 1 hướng về khu phi-quân-sự, là điểm tận cùng, điểm xa nhất từ Sài Gòn không nằm trong vùng địch. Trên bản đồ quân sự, Gio Linh được gọi là A-2 hay Alpha 2 và chỉ là một gạch nhỏ của một phân tây nằm ngay sát phía Nam vùng phi-quân-sự. Ngay khi chiếc xe jeep bắt đầu lăn bánh chở George lên căn cứ A-2, mặc dù vắng tiếng súng nhưng George thấy rõ là anh đang đi vào vùng có kẻ thù rồi. Sài Gòn và cuộc sống thành thị đã cách rời hàng triệu dặm xa xôi.

Từ vị trí các hầm trú ẩn kiên cố cũ - có một cái được xây dựng từ thời Tây - và các đài quan sát, nằm trên vùng đất cao ngay phía Đông của Quốc Lộ 1, các TQLC Việt Nam và cố vấn Hoa Kỳ có thể nhìn thấy vượt qua sông Bến Hải, biên giới chính thức giữa hai nước Việt Nam, cái lá cờ Bắc Việt tung bay vật vờ trong bầu không khí ẩm ướt. Khi hai bên không nhả đạn vào nhau, vả lại sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 nhịp độ chiến sự nay đã giảm đi đột ngột, tại đây dường như có một sự thỏa thuận ngưng bắn ngầm, không chính thức và rất kỳ khôi.

Một toán riêng gồm năm người thuộc hỏa lực hải quân Hoa Kỳ được kết hợp với Pháo Đội B. Họ được trang bị các thiết bị tối tân nhất như ống nhòm nhìn trong bóng đêm và máy xác định vị trí bằng hệ thống laser. Những thiết bị này có lẽ cân nặng khoảng 50 cân Anh, không rõ có hiệu quả hay không nhưng chắc chắn đã nâng tính sát hại lên một mức cao hơn vì căn cứ A-2 và các vùng lân cận nằm trong tầm bắn của các chiến hạm Hoa Kỳ đang lởn vởn ngoài khơi bờ biển phía Bắc. Đối với George thì được nói chuyện với các quân nhân người Mỹ cũng khá thú vị.

Cho đến đầu tháng Chín thì George đã khá quen thuộc với các công việc thường lệ. Anh đã học hỏi và hiểu được nhiệm vụ của một cố vấn quân sự, cũng như mọi thứ khác phải ra sao. Anh đã trở thành một chiến sĩ kỳ cựu... thêm một lần nữa. Như dự tính mong muốn và theo đúng thời hạn, anh đã tạo được tình thân với các chiến sĩ Việt Nam và hứng thú khi làm việc với anh chàng truyền tin. Anh cũng hoàn thành được phần đóng góp của mình trong nỗ lực yểm trợ hỏa lực đồng minh.  Anh chỉ cảm thấy hơi kỳ lạ là tuy ở ngay sát cạnh khu phi-quân-sự, trong tầm hoạt động và quan sát của kẻ thù mà không bị đụng độ thường xuyên hơn. Thế nhưng, mặc dù George đã có ý tưởng này hay các ý nghĩ kỳ quặc nào khác nữa, anh vẫn phải tự nhủ là anh đang ở Việt Nam.

Các kinh nghiệm và kỳ vọng tại Việt Nam của người Mỹ bị hạn chế bởi kinh nghiệm của họ như tại các nơi khác. Hoa Kỳ được an toàn không bị xâm lăng nhờ hai đại dương làm trái đệm thành thử cho đến mùa Hè 1971 không còn ai đang sống trong "pháo đài Hoa Kỳ" có thể nhớ nổi những thảm họa của cuộc Nội Chiến như thế nào. Các binh sĩ của đất nước đều đi ra ngoài lãnh thổ quốc gia để chiến đầu cho nền dân chủ. Những người còn lại trong nước, đặc biệt là trong Thế Chiến thứ Hai thì được tuyên truyền mạnh mẽ về nhu cầu phải làm cho thế giới an toàn hơn về tinh thần dân chủ. Là những người dân thường, họ làm việc cật lực ngoài giờ để tạo ra các máy bay ném bom, các chiến xa và tầu chiến nhằm áp đảo khối Trục.

Tất cả cho nền Dân Chủ! Bức tranh nổi tiếng và được lan truyền rộng rãi "Bốn Thứ Tự Do" (Four Freedoms) của họa sĩ Norman Rockwell là một thiên tài về kỹ thuật tuyên truyền đã nói lên ý thức quốc gia, sự nhận thức về công lý và tính hào hiệp, lòng yêu nước của người dân Mỹ mà không ai có thể làm nổi. Bức tranh này đã lấy cảm hứng từ một bài diễn văn của Tổng thống Franklin D. Roosevelt vào năm 1941 và được đăng lần đầu tiên trên tờ Saturday Evening Post năm 1943. Ngay cả trong những giây phút đen tối nhất sau ngày 7 tháng 12 năm 1941 - trước cuộc đột kích Doolittle, trước trận đánh Midway và cuộc xâm lăng Bắc Phi - rất ít người Mỹ, ngoại trừ những người sinh sống tại Hawaii, có thể nghĩ rằng sẽ có một cuộc chiến tranh trên bộ xảy ra trong tương lai do kẻ thù xâm lược đất nước. Những người ở trong nước thì hiếm khi còn mang nỗi lo trực tiếp đến an ninh của họ.

Người Mỹ trong nước trải qua suốt cuộc Chiến Tranh Lạnh đã sống trong mối hiểm họa có thể bị hủy diệt đồng loạt một cách chắc chắn do người Xô Viết nhưng lại không bị mối nguy lũ quỷ đỏ sẽ xuất hiện trên ngưỡng cửa tại các thành phố Detroit, Denver hay Duluth của họ. Trong khi đó thì những bậc cha mẹ và con cái họ sống trên mảnh đất Việt Nam Cộng Hòa lại không hề có được sự yên tâm như vậy.

Điều mà người Mỹ không nhận thức được là trong khi họ đi truyền bá một cách ngây thơ các lý tưởng của dân chủ và kinh tế tự do thì họ đã không cảm nhận được đất nước họ đã được một sự đặc ân và các nhu cầu bình an của người dân thường được đặt cao hơn là các tư tưởng về nhân quyền và tự do cá nhân. Người Cộng sản không bị những ràng buộc như vậy. Kẻ thù Cộng sản phương Bắc không bị ai xâm chiếm trong cuộc chiến này và họ chỉ bị ảnh hưởng một cách hạn chế bởi những cuộc ném bom của Hoa Kỳ. Họ hiểu rất rõ hiệu quả của sự khủng bố nhằm lôi kéo dân chúng ra khỏi tầm kiểm soát của người Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà họ cho là tay sai của Hoa Kỳ. Điều mừng nhất là cho đến mùa Hè 1971, các nỗ lực và khả năng khủng bố của Cộng sản đã bị suy giảm đáng kể. Niềm tin vào chính quyền và hiệu năng của các lực lượng quân sự của VNCH đã không bị rơi vào tay các lãnh tụ của Hà Nội.

Công việc thường lệ tại căn cứ Alpha 2

Cuộc sống của một cố vấn quân sự Hoa Kỳ trong binh chủng TQLC Việt Nam cần một số điều chỉnh nhất định. Mặc dù có những sự khó khăn rõ rệt vì sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ nhưng đồng thời cũng có những lợi điểm khác thường. Trong cơ chế tổ chức về cấp bậc, binh đoàn TQLC Hoa Kỳ đã huấn luyện các tân binh từ lúc họ được tuyển dụng tại Parris Island hay San Diego về sự kính trọng cấp trên nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh về tinh thần trách nhiệm của một thuộc cấp. Nhu cầu bảo đảm an sinh cho binh lính luôn luôn được đặt sau mục tiêu phải chu toàn nhiệm vụ đã giao phó. Các sĩ quan TQLC Hoa Kỳ phải là người có mặt đầu tiên ngoài mặt trận và là người cuối cùng rời trận địa. Họ phải là người lãnh đạo nổi bật ngoài tiền tuyến trong mọi tình huống. Quan niệm này đã được thể hiện ra trong các mặt khác của nghệ thuật chỉ huy, bao gồm những chuyện như binh lính được chăm lo trước các sĩ quan v.v... Các cấp chỉ huy được cấp dưới hỗ trợ trong phạm vi để hoàn thành nhiệm vụ mà thôi. Sự giúp đỡ này không bao hàm chuyện phải hầu hạ cá nhân. Làm tôi tớ là chuyện bị ghét cay ghét đắng trong văn hóa quân sự của người Mỹ.

Làm việc chung với TQLC Việt Nam thì hơi khác một chút. Văn hóa Á châu chịu ảnh hưởng bởi những điều khác với người Mỹ vẫn thường biết, ít bình đẳng hơn do tinh thần sùng bái thượng cấp đã luôn luôn hiện diện trong mọi tầng lớp chỉ huy quân sự.

Tất cả các sĩ quan, kể cả các sĩ quan cấp úy trong quân đội Việt Nam đều có người phục vụ riêng. Được bổ nhiệm để theo giúp một sĩ quan, chẳng hạn như làm nhân viên truyền tin, làm vệ sĩ hay tùy viên - gọi là "tà-loọc" hay "cowboy" theo lối Mỹ - không bị coi là một công việc khúm núm hay "nâng bi." Được gia nhập vào nhóm "tùy tùng" của thượng cấp tức là đã thuộc vào thành phần chỉ huy, giống như là gia nhập vào nhóm cốt lõi rồi. Cho dù là công việc gì đi chăng nữa, đó là một nhiệm vụ quan trọng và đầy danh dự.

Với trách nhiệm của mình, George Philip không có một nhân viên truyền tin riêng và những chuyện này anh có thể làm lấy một mình được. Tuy nhiên anh được phân bổ một người phục vụ riêng. Hạ sĩ Tường tương đối khá lớn tuổi so với cấp bậc (anh này có một người con trai là quân nhân VNCH đang phục vụ đâu đó tại Việt Nam) nhưng anh chu toàn trách nhiệm "tà-loọc" cho Đại úy Philip một cách tận tụy và chuyên nghiệp. Tường không bao giờ xin Đại úy Philip đặc ân nào cả và luôn luôn trân trọng những gì mà George đã giúp anh, chẳng hạn như mua cho anh mấy bao thuốc lá Mỹ. Hai người rất hợp nhau và lo cho nhau với sự tương kính và trân quý thật tình.

Mỗi buổi sáng thức dậy Đại úy Philip có thể tin tưởng chắc chắn, giống như mặt trời bao giờ cũng phải mọc, là sẽ có một tô súp nóng và một chậu nước nóng để anh cạo râu. Nếu Hạ sĩ Tường cảm thấy đêm hôm trước đôi giầy của xếp có vẻ dơ rồi thì sáng hôm sau chúng đã sạch bong và để sẵn sàng bên chân giường bất cứ lúc nào anh thức dậy. Cho dù có pháo binh bắn yểm trợ cho các đơn vị hay mọi chuyện đang yên tĩnh thì Hạ sĩ Tường luôn luôn chu toàn nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Bất thường tại căn cứ A-2

Bất cứ một người nào có thể nghĩ đến hai ý tưởng trọng đại kế tiếp nhau cùng một lúc thì đều hiểu ngay chiến tranh là địa ngục và chiến tranh là kỳ cục. Một điều chắc chắn là những ai biết đọc và biết nghe đều nhận thức ra rằng cuộc chiến tại Việt Nam là một cái gì đó vượt khỏi sự suy nghĩ thông thường của mọi người. Một điều làm cho cuộc chiến Việt Nam càng bất thường đến gần như phi lý nữa là cho đến mùa Hè 1971 đối với những người Mỹ còn hiện diện, cùng với sự giảm thiểu nhanh chóng những người phục vụ tại Đông Nam Á, họ vẫn làm mọi thứ cho tới cùng để giúp đỡ nhau, có khi trong những tình huống lạ lùng có thể là buồn cười nữa.

Số là, dù còn trẻ và khỏe mạnh, chưa đầy 27 tuổi nhưng Đại úy George Philip lại bị bệnh trĩ, nhưng cũng nhẹ thôi. Mặc dù nó không nguy hiểm gì đến tính mạng hay có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phối hợp hỏa lực yểm trợ như anh vẫn làm từ trước tới nay, nhưng đó cũng là một vấn đề khó khăn đối với anh. Tóm lại, có thể vì sự căng thẳng trong chiến sự hay vì chế độ ẩm thực không được hoàn hảo, bệnh trĩ đã hành hạ George Philip. Chứng bệnh này kèm theo triệu chứng đau đớn, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không chút mắc cở, anh bốc máy gọi ngay về tổng hành dinh Lữ đoàn hỏi xem ai có thứ gì cho anh không?

Thật là ngạc nhiên khi không đầy một tiếng đồng hồ sau, có một chiếc trực thăng Huey thuộc một đơn vị Không kỵ của quân đội Hoa Kỳ gọi đến xin đáp xuống sân bay căn cứ A-2 với một bưu kiện cho Đại úy Philip. George chạy vội đến chiếc trực thăng mới đáp xuống nhưng chưa tắt máy. Anh cúi đầu để tránh cánh quạt máy bay còn đang quay và tiến tới cánh cửa bên phía tay phi công phụ. Lúc anh đến, vẫn còn cúi rạp, tay phi công đầu đội nón bay che cả mắt, cười toe trao cho anh qua cánh cửa nhỏ một tấm bưu thiếp của binh đoàn Không kỵ và một tuýp thuốc nhỏ trị bệnh trĩ hiệu Preparation H. Sau đó, viên phi công chào anh bạn TQLC mới quen, tống ga và cất cánh đi một cách nhanh chóng. George tự nhủ không biết Thượng nghĩ sĩ William Proxmire, người nổi tiếng đã thông đồng với chính phủ trong việc gian lận, lãng phí và lạm quyền sẽ nghĩ sao nếu biết về sự việc này.

Đại úy Philip giống như phần lớn các TQLC khác cùng địa vị, tỏ ra rất trân trọng lòng dũng cảm được thể hiện bởi các TQLC Hoa Kỳ hay Việt Nam, hay cả những đơn vị khác mà giới TQLC thường cho là không ngang tầm cỡ với mình. George Philip tin chắc là nếu tính chung cả nhóm thì có lẽ "lũ" điên khùng và can đảm nhất trên toàn Việt Nam phải là các hạ sĩ quan kỳ cựu lái trực thăng Hueys. Anh đã từng chứng kiến trong quá khứ nhiều trường hợp các tay này dám bay vào những vùng mà những người có đầu óc bình thường đều phải từ chối. Đối với anh và nhiều người khác nữa thì đó là một điều yên tâm khi biết rằng luôn luôn có các trực thăng quân đội ứng chiến gần đó để đáp ứng các yêu cầu về tản thương khẩn cấp, bắn hỏa lực hay tiếp liệu, kể cả chuyện bị bệnh trĩ luôn.

Đại úy Philip cũng rất trân trọng Hải quân. Trong những tháng đầu tiên tại căn cứ Alpha 2, anh và nhóm Hỏa Lực Hải Quân đã điều phối khá nhiều công tác bắn yểm trợ từ các tuần dương hạm và khu trục hạm khác nhau đậu ngoài khơi. Có lẽ vì cha anh đã từng là hạm trưởng chiến hạm khi ông bị tử trận trong Thế Chiến Thứ Hai thành thử anh dành nhiều tình cảm cho những chiếc tầu anh không thể thấy được từ các vị trí hầm trú ẩn gần khu phi-quân-sự trong căn cứ A-2. Anh luôn luôn tin tưởng là họ sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu và rất mong có dịp được thăm họ.

Từ lúc người Mỹ đổ bộ lần đầu tiên lên Việt Nam vào đầu năm 1965, lớp phòng thủ hỏa lực phụ trội bởi các đơn vị hải quân hoạt động trong tầm hải pháo của hàng chục chiếc tầu của Đệ Thất Hạm Đội là một yếu tố quan trọng cho sự thành công của người Mỹ chống lại Cộng sản. Khi phần lớn các đơn vị tác chiến của Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Việt Nam vào giữa năm 1971, các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội đã ở lại để giữ nguyên mức yểm trợ cho các đơn vị TQLC VNCH hoạt động gần bờ biển. Hiện nay vì không còn bao nhiêu người Mỹ phụ trách công tác yểm trợ này nữa thành thử mối quan hệ giữa những người Mỹ ở trên đất liền và ngoài khơi đã trở nên chặt chẽ và thân thiện hơn.

Cũng chẳng có gì lạ là, trong một ngày nắng ấm, khi mọi chuyện vẫn vô sự, viên sĩ quan liên lạc hỏa lực hải quân trên chiến hạm USS Rupertus (DD-851) gọi điện thoại vào bờ và hỏi George Philip có muốn bay lên thăm chiếc tầu gần đây vẫn từng giúp bắn yểm trợ hỏa lực hay không? Dĩ nhiên là Đại úy Philip chụp lấy cơ hội ngay lập tức. Anh dụ khị phi hành đoàn một chiếc Huey đưa anh ra tầu. Đây là lần đầu tiên phi hành đoàn Huey thử đáp xuống một chiến hạm đang lênh đênh trên biển thành thử cũng không phải là chuyện dễ dàng gì. Tuy nhiên nhóm phi hành đoàn này đã không hề ngại ngùng đáp ngay xuống con tầu mà còn tham gia vào đoàn thăm viếng chiếc Rupertus rồi cùng đi ăn trưa nữa.

Ngày hôm đó, điều làm George khoái trí nhất là sau khi đã quá ớn với các bữa ăn dã chiến của Hạ sĩ Tường rồi, anh lại có dịp được ngồi đàng hoàng với tấm khăn trải bàn thật sự, được ăn với bộ muỗng nĩa bạc thứ thiệt và - tuồng như anh đã qua đời và lên thiên đàng vậy - được ăn tráng miệng bằng kem lạnh thỏa thích. Khi đến giờ chia tay, viên hạm trưởng còn tặng cho mỗi vị khách một cái bật lửa có huy hiệu của chiếc Rupertus gắn trên đó và một hộp thịt bí-tết đông lạnh nữa.

Để đáp lại tấm thịnh tình theo đúng phong cách TQLC Hoa Kỳ, George mời lại viên chỉ huy chiếm hạm cho một sĩ quan lên bờ thăm căn cứ Alpha 2 trong một ngày trời để quan sát cuộc chiến trên bộ và đời sống của các chiến binh TQLC như thế nào. Khi anh chàng chuẩn úy hải quân đó trở về tầu chắc hẳn sẽ có khối chuyện chiến sự để mà kể lại, và có thể kể cho cả con cháu của anh sau nầy nữa. Những chuyện đó đã diễn ra trong những ngày tốt đẹp khi chưa có biến cố xấu nào đáng kể xảy ra.

Kể ra thì không phải tất cả mọi điều đều là chuyện đùa vui, ngay cả những khi chúng có dính dáng đến vui chơi. Thậm chí khi không có đụng độ với quân Bắc Việt, luôn luôn có những sự kiện xảy ra nhắc nhở mọi người rằng cuộc sống trên bờ cũng nghiêm trọng như thế nào.

Chuyện xảy ra là có một anh lính trẻ thuộc một trong các tiểu đoàn TQLC Việt Nam đóng gần căn cứ Alpha 2 đã thua một số tiền khá lớn khi chơi bạc với đồng đội. Viên Trung đội trưởng ra lệnh anh phải trả nợ khi hay tin anh muốn quỵt món tiền này. Trong một phút điên rồ tối hôm đó, hắn đã ném một quả lựu đạn vào trong lều của Trung đội trưởng làm chết một sĩ quan và làm bị thương nhiều người khác.

Sáng hôm sau, trước mặt toàn tiểu đoàn, phạm nhân nay vừa bị tuyên án tử hình và loại ra khỏi binh chủng TQLC, bị bắt phải tự đào lấy hố chôn để khi bị tiểu đội hành quyết bắn chết, thân xác anh sẽ rớt xuống hố làm công việc mai táng dễ dàng hơn. Các sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ thường tránh có mặt trong những buổi xét xử kiểu TQLC như vậy và điều này khiến họ luôn luôn nhớ rằng họ đang ở Việt Nam.

John Ripley xuất hiện

Chừng nào Lữ đoàn 369 còn hành quân gần khu phi-quân-sự thì Pháo đội B của Tiểu đoàn 1 Pháo Binh luôn luôn có mặt tại A-2 để yểm trợ hỏa lực cho một trong ba Tiểu đoàn tác chiến TQLC hay bất cứ đơn vị bạn nào khác đang hành quân trong khu vực. Trong khi các đơn vị pháo binh đóng cố định tại những vị trí mà chính bọn pháo thủ Bắc Việt biết rõ và sắp sẵn tọa độ, thì các tiểu đoàn tác chiến thường được luân chuyển khắp Vùng I Chiến Thuật nhằm giữ cho các binh lính lúc nào cũng sung sức và cảnh giác.

Khi một tiểu đoàn TQLC đến đóng quân tại khu vực phía Bắc Đông Hà, họ thường gởi một hay cả hai cố vấn Hoa Kỳ đến vị trí tiền phương của George Philip và toán Hỏa Lực Hải Quân đang đóng cùng với pháo binh TQLC Việt Nam trong một khoảng thời gian nào đó.

Mặc dù binh đoàn TQLC Hoa Kỳ chưa hề gởi Đại úy John Ripley đi thực tập ngày nào tại một trường sinh ngữ chính thức nào trước khi gởi anh qua Việt Nam với tư cách cố vấn, nhưng điều đó không ngăn trở nhu cầu cần phải có những người như John Ripley. Anh đã đến Việt Nam gần hai tháng trước Đại úy George Philip và cũng đã trải qua quá trình làm thủ tục tương tự tại Sài Gòn trước khi quay trở lại địa hình quen thuộc tại Vùng I Chiến Thuật.

Lúc John Ripley được luân chuyển đến căn cứ Alpha 2 vào cuối tháng Chín năm 1971 cùng với tiểu đoàn TQLC mà anh trực thuộc, anh chỉ mới làm việc chung không lâu với người bạn mới đầy nhiệt tình là Thiếu tá Lê Bá Bình và tiểu đoàn Sói Biển với tư cách cố vấn cho họ. Hai tháng trước khi đến Tiểu đoàn 3, John đã làm việc, giống như trong bức thư anh gởi cho Moline và gia đình, như một "nhân viên lưu động," đầu tiên là phụ tá cho cố vấn trưởng Lữ đoàn 258 và sau đó là cố vấn cho Tiểu đoàn 5 TQLC Việt Nam trong một thời gian ngắn.

Đến lúc Tiểu đoàn 3 và cố vấn John Ripley lần đầu tiên đến vùng căn cứ Alpha 2 tức Gio Linh thì họ đã trải qua khá nhiều trận đụng độ nặng rồi. Do đó đối với Đại úy Ripley đây cũng là một kinh nghiệm kỳ quái khi được ở một vài ngày cùng với anh bạn mới George Philip trong căn hầm quan sát mà không phải bắn nhau với kẻ thù đang lởn vởn cả đống ngay trước mặt trong khu phi-quân-sự. Nếu có quyền thì Đại úy Ripley đã gọi ngay tất cả B-52 có trong tay và san bằng cái khu vực nhung nhúc kẻ thù kia thành bình địa rồi. Còn cái lá cờ Bắc Việt to quá khổ đang phất phới ngày đêm bên kia sông Bến Hải cũng sẽ là mục tiêu đầu tiên của anh.

Nhưng anh không có cái quyền đó. Khi mọi chuyện không như ý mình thì, giống như anh bạn George Philip và bất kỳ người có đầu óc bình thường nào khác, John Ripley phải tự nhắc nhở là anh đang ở Việt Nam và mọi thứ đều điên khùng như vậy. Và tuy mọi chuyện còn vô lý đối với anh, nhưng ít nhất là John vẫn tiếp tục chịu đựng được sự tréo cẳng ngỗng của cuộc sống mà anh đang sống trong đó.

Đặc trưng của chinh chiến đối với bất cứ ai là có những thời gian ngắn hoạt động mãnh liệt xen lẫn với các thời kỳ kéo dài yên tĩnh một cách kỳ lạ, nhàm chán, và bất động để chờ đợi đợt gia tăng kế tiếp họ sẽ có cơ hội để chém giết hay bị giết. Cuộc sống tại Alpha 2 cũng không khác, ngoại trừ lúc nào cũng thấy kẻ thù đầy nhan nhản trước mắt.

Không ai nghĩ rằng đó là một điều kỳ lạ khi thấy hai vị sĩ quan thâm niên trong hầm trú ẩn, John Ripley và George Philip, những chiến binh tài giỏi, dày dạn kinh nghiệm và từng tốt nghiệp trình độ kỹ sư từ Học viện Hải quân Hoa Kỳ lại có thể bỏ ra phần lớn một buổi trưa vô sự để hoàn thành một bức tranh ghép hình. Tận dụng hết các kỹ năng học hỏi được từ các trường đào tạo có được do tiền thuế của dân đóng góp, họ đã thực hiện bức ghép hình với một mức độ chính xác có thể làm cho các vị thầy cũ phải tự hào vì họ.

Đời lính chiến có khả năng làm giảm thiểu đi các ham muốn và nhu cầu xuống thành những điều căn bản nhất. Nhu cầu an toàn về thể chất thì đã được bảo đảm bằng những hầm trú ẩn xây kiên cố rồi. Kẻ thù thì sợ bị trả đũa một cách nhanh chóng bởi pháo binh gần đó và hỏa lực chiến hạm ngoài khơi nếu manh nha tấn công họ. Do đó điều tiếp theo người lính mong được thỏa mãn là thực phẩm và nhu cầu về trí tuệ. Chuyện đàn bà thì tuyệt đối cấm đối với người lính TQLC Việt Nam cũng như lính Hoa Kỳ.

Thư từ và tin tức từ quê nhà là những điều tối quan trọng. Các lá thư luôn luôn được đọc đi đọc lại, rồi được cất kỹ để sau này lại đọc nữa. Các bưu kiện khi đến được Việt Nam thì chứa đầy các bánh kẹo đã cũ nhưng vẫn được chia sẻ rộng rãi và tiêu thụ một cách chóng vánh. Các thứ khác thì có tương ớt Tabasco, trái cây khô hay đóng hộp và bất cứ thứ gì khác có thể thêm vào khẩu phần hằng ngày để làm tăng hương vị lên. Báo chí từ nhà gửi sang dù có cũ đến đâu đều rất quý, cũng giống như các cuốn sách bìa mềm có thể được dành để đọc thật kỹ trong những giai đoạn dài vô sự giữa những khoảng khắc dữ dội của chiến sự.

Trong một bưu kiện mà anh mới nhận được, ngoài những thứ bắt buộc như thực phẩm và tin tức, cô bạn gái của George đã khôn khéo nhét vào đó một hộp ngàn mảnh trò chơi ghép hình của bản gốc con khỉ đột Kinh Kông. Nắp hộp cho thấy sản phẩm hoàn chỉnh là tấm áp phích năm 1933 có lẽ đã từng được gắn đầy trong các hành lang và bảng quảng cáo của các rạp hát với hình con khỉ đột khổng lồ hung dữ nhưng đầy tình cảm đang ngây ngất ôm trong lòng bàn tay lông lá của mình cô đào Fay Wray dễ thương và ẻo lả.

Cũng tương tự như các kỹ sư, họ khởi đầu bằng các góc cạnh và những mảnh thẳng ngoài bìa trước tiên. Sau đó họ tìm những mảnh có mầu sắc khớp nhau và các hoa văn, rồi thực hiện dần từ ngoài vào trong. Các TQLC Hoa Kỳ và Việt Nam chung quanh chẳng ai màng đến họ vì ai cũng đang bận bịu với công việc thường lệ. Thực tế thì bức tranh ghép hình được hoàn thành trong nhiều giờ đồng hồ, có những lúc tập trung nỗ lực hết mức nhưng cũng có lúc phải ra ngoài vì công việc. Nhưng rồi nó cũng xong. Có ai đó chụp một tấm hình hai ông Đại úy và kiệt tác của họ. Hai người bạn đứng ngắm trong chốc lát cái sản phẩm hoàn chỉnh của mình và một vài người đi ngang qua cũng ghé mắt nhìn vào. Tuy nhiên vấn đề đã trở thành một chuyện khác.

Sự thật thì cũng chẳng có gì đặc biệt về bức hình con Kinh Kông hay có biến cố nào xảy ra trong lúc hai người đang ghép từng mảnh hình vào với nhau khả dĩ có thể làm cái ngày đó trở thành duy nhất trong đời họ. Cái điều làm cho câu chuyện trở thành độc nhất vô nhị là sau đó, mỗi lần hai viên cố vấn gặp lại nhau, bất kỳ định mệnh đưa họ đến Alpha 2, hay Đông Hà, hay Sài Gòn, cả hai chiến binh đều chào nhau theo cái phong cách riêng của họ.

"Kinh Kông vẫn sống mãi!!!" là cái bắt tay bí mật của cái hội kín chỉ có hai người là Ripley và Philip. Nếu cả hai sống sót qua nổi cuộc chiến thì đó sẽ là cái điều mà họ sẽ gắng giải thích lại cho con cháu nghe. Người ngoại cuộc ít ai hiểu được ý nghĩa nhưng những ai đã trải qua những thời gian khó khăn đều thông cảm được cái ngôn ngữ đặc biệt giữa các chiến binh với nhau.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading