Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Ban Dịch Thuật: Lý Văn Quý - Nguyễn Hiền - Nguyễn Hoàng Diệu - Trịnh Bình An
Nguyên tác tiếng Anh
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Chương 18
"Vừa đánh vừa đàm"
Vùng I Chiến Thuật
Mùa Thu 1971
Số lượng người Mỹ còn lưu lại tại Việt Nam cho đến cuối năm sẽ chỉ còn ít hơn con số 160.000. Trong số này hầu hết là những người phụ trách các vai trò về tiếp liệu hay yểm trợ cho tác chiến. Đến cuối năm 1971 thì mọi đơn vị bộ binh chiến đấu TQLC Hoa Kỳ đều đã triệt thoái ra khỏi vùng Đông Nam Á, và trên thực tế quân đội Hoa kỳ chỉ còn rất ít người cầm súng ở lại. Những người ở lại chỉ đóng các vai trò yểm trợ cho Quân Lực VNCH trong chương trình "Việt Nam hóa chiến tranh."
Điều duy nhất được coi là kỳ dị hơn cả các quy tắc chiến đấu mà các lực lượng bộ binh và không quân Hoa Kỳ tại Việt Nam phải tuân theo là cái nguyên tắc rối rắm theo kiểu "lắm thầy thối ma" theo đó đường lối chính trị đã ảnh hưởng vào các hoạt động quân sự. Từ giữa tháng Tư cho đến tháng Mười năm 1968, trong một số các động tác bày tỏ thiện chí một cách ngây thơ đối với phe Cộng sản, Hoa Kỳ trên thực tế đã ngưng tất cả các cuộc không kích Bắc Việt ở phía trên vĩ tuyến 20. Điều này coi như đã bỏ ngỏ 90% lãnh thổ kẻ thù không được đụng đến. Phía Bắc Việt thực tế và quyết thắng hơn đã lợi dụng đúng mức cơ hội này để bố trí lại các phương tiện quân sự chiến lược trọng yếu và xây dựng một hệ thống phòng không tối tân, hoàn thiện hơn do Liên Xô cung cấp chung quanh Hà Nội và Hải Phòng.
Tiến trình hòa đàm tại Paris với bọn Cộng sản cứng đầu và ngoan cố đã tỏ ra là một quá trình cực kỳ khó chịu vì người Mỹ chỉ muốn có kết quả và nóng lòng đạt một sự thỏa thuận nào đó. Phải cần tới chín tháng trời hai bên mới đồng ý xong về hình dáng cái bàn hội nghị và điều này ngầm báo trước những điều chẳng tốt lành gì. Trong khi đó cả hai bên, với bọn Cộng sản rõ ràng là xảo quyệt và nhạy bén về chính trị hơn, đều áp dụng đường lối "vừa đánh vừa đàm" của Mao Trạch Đông, tức đánh lúc không đàm phán và đàm phán trở lại lúc không còn đánh nhau nữa.
Chuyện quan trọng nhất đối với dân chúng Hoa Kỳ, ngoài sự kiện triệt thoái toàn bộ ra khỏi Đông Nam Á là chuyện hồi hương các tù binh chiến tranh Mỹ bị bắt với số lượng ngày càng tăng thêm. Họ đang bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ và bị tra tấn tại những nơi được đặt cho cái tên mỉa mai là "Khách sạn Hilton."
Mặc dù cuộc đột kích vào tháng Mười Một năm 1970 của người Mỹ vào Sơn Tây, nằm vào khoảng 20 dặm về hướng Tây của Hà Nội bởi một lực lượng đã được huấn luyện kỹ lưỡng và có quyết tâm cao do Đại tá Arthur "Bull" Simons chỉ huy, đã thất bại trong toan tính giải cứu các tù binh chiến tranh bị giam giữ tại đó - họ đã bị chuyển đi nơi khác không lâu trước đó vì nguy cơ lũ lụt - nhưng hành động này đã có một hiệu quả tích cực đáng kể. Hành động Hoa Kỳ dám tung ra một lực lượng biệt kích lớn, can đảm xông vào thẳng sào huyệt của Bắc Việt đã báo lên một thông điệp mạnh mẽ đến tất cả các phe có liên quan. Người Mỹ có thể chịu linh động hay nhân nhượng ở một số điểm nào đó nhưng sự đối xử với những người đã được công nhận là tù binh là một chuyện mà sau này phía kẻ thù sẽ phải chịu trách nhiệm. Sau cuộc đột kích Sơn Tây, điều kiện các tù binh bị đối xử đã được cải thiện khiến tinh thần họ cũng được nâng cao lên. Lực lượng xung kích cũng đã có cơ hội, trong thời gian ngắn tại Sơn Tây, "xơi tái" được một số đáng kể những tên xấu xa. Không có người Mỹ nào bị thiệt hại trong cuộc mưu toan giải cứu tù binh.
Các cuộc thương lượng và chỉ trích lẫn nhau tiếp diễn trong những phiên hòa đàm miệt mài tại Paris. Ngay từ ban sơ, khi các cuộc đàm phán khởi sự vào tháng Năm 1968, thái độ của phe Cộng sản nhắm vào nhiều mục tiêu cùng một lúc: đòi hỏi sự công nhận của Hoa Kỳ và VNCH đối với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (phe Cộng sản miền Nam Việt Nam có đại diện của họ), phân hóa đế quốc Mỹ và “đầy tớ” đồng minh bất chính VNCH, buộc Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về tất cả những đau thương đã xảy ra và phải rút về nước, cũng như cam kết không viện trợ cho phe VNCH nữa.
Trong vòng hơn ba năm, những cuộc đàm phán của các phía đều vô ích. Vào tháng Năm năm 1969, Tổng thống Nixon đã đưa ra đề nghị rút tất cả các lực lượng không phải của miền Nam Việt Nam ra. Điều này có nghĩa là bao gồm các lực lượng Hoa Kỳ lẫn Bắc Việt. Vào tháng Mười năm 1971, người Mỹ lại một lần nữa đưa ra đề nghị tương tự. Chẳng may cho Nixon là Cộng sản Bắc Việt không hề có ý định vội vã triệt thoái ra khỏi miền Nam như Hoa Kỳ. Người Mỹ đằng nào cũng sẽ phải rút về, dù có hòa đàm hay không cũng vậy. Cộng sản vẫn cương quyết tập trung giành chiến thắng bằng bất cứ mọi giá, giá nào cũng được, vượt hẳn quyết tâm của người Mỹ đang trông đợi kẻ thù nhân nhượng.
Vào tháng Bẩy năm 1971, Tổng thống Nixon làm bất ngờ cả nước và thế giới khi ông tuyên bố sẽ ghé thăm Bắc Kinh với ý định rõ rệt muốn bình thường hóa quan hệ với một quốc gia đông dân nhất thế giới. Những lợi ích về mặt chiến lược rất đáng kể. Trong hai năm vừa qua, Liên Xô và Trung Cộng đã tranh dành lãnh thổ với nhau trong một số trận đánh đẫm máu tại nhiều điểm dọc theo đường biên giới dài giữa hai nước. Nếu có thể thúc đẩy được sự tan vỡ của cái khối Đỏ to lớn và lợi dụng sự mất tin tưởng lẫn nhau của hai nước đó thì may ra Hoa Kỳ có thể lấy lại uy tín và xây dựng lại được sức mạnh đã bị chỉ trích là đầu tư quá nhiều mà chẳng lấy lại được bao nhiêu tại Đông Nam Á. Liệu Tổng thống Nixon có thể biến điều này thành một thắng lợi về mặt chính trị và quân sự tại Việt Nam hay không vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên nhưng tay đầu sỏ Bắc Việt có vẻ đang lo lắng một cách thật sự. Họ hiểu rằng, nhất là sau bài học cuộc đột kích Sơn Tây, yếu huyệt của người Mỹ là vấn đề tù binh. Họ sẽ tiếp tục chơi lá bài đó trong mọi cuộc đàm phán tiếp theo. Trong khi đó thì các lực lượng Hoa Kỳ tiếp tục triệt thoái không gián đoạn ra khỏi Việt Nam.
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
Lễ mãn khóa
Đà Lạt, Việt Nam Cộng Hòa
Tháng Mười Hai 1971
Đó là một ngày nắng ấm tuyệt vời tiêu biểu của khung trời Đà Lạt, nhiều gia đình, bạn bè và quan khách đã tụ họp nhau lại để tham dự lễ mãn khóa và chúc mừng các thanh niên tân Thiếu úy và tân Chuẩn úy sắp lên đường phục vụ cho một đất nước đang bị tàn phá bởi chiến tranh. Sự kiện Việt Nam Cộng Hòa và khóa 24 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đã tồn tại cho tới nay không phải do phép lạ nào cả. Thật vậy, vào cuối tháng Mười Hai năm 1971, đất nước còn tự hào là đã có được những điều báo hiệu cho niềm hy vọng, thậm chí cả sự chiến thắng nữa.
Năm 1971 sắp chấm dứt và tương lai tuy chưa có gì chắc chắn nhưng đã tỏ ra có những khúc quanh sáng sủa hơn. Chính quyền Sài Gòn đã kiểm soát được nhiều phần lãnh thổ hơn là lúc đất nước mới được thành lập ngót 18 năm về trước. Những công cuộc cải tổ chính đáng đã được áp dụng và mặc dù chưa được nhanh chóng theo mức độ cần thiết để tránh cho chính quyền bị các sự chỉ trích trong nước cũng như từ giới truyền thông Tây phương và các trường đại học tại Hoa Kỳ, nhưng cũng đã đủ để chận đứng tuyên truyền của Cộng sản. Hạ tầng cơ sở của Việt Cộng đã bị thiệt hại nặng nề trong kỳ Tết Mậu Thân, họ vẫn chưa đủ khả năng để chỉnh đốn hay tự vực dậy được. Công cuộc triệt thoái các lực lượng bộ binh Hoa Kỳ đã được cân bằng lại với lời hứa viện trợ tối đa cho bạn đồng minh và tiếp tục hỗ trợ bằng không lực.
Sắp sửa được mang lon Thiếu úy, Nguyễn Lương đã tốt nghiệp với số điểm đủ cao trong lớp để đạt cái danh dự trong nhóm 14 khóa sinh được khoác bộ quân phục rằn ri của binh chủng TQLC trong ngày chọn đơn vị phục vụ. Người Mỹ bình thường chắc sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam cũng có TQLC, nhưng họ sẽ còn ngạc nhiên gấp bội khi hiểu ra là chỉ có những khóa sinh đậu cao nhất, những sĩ quan trẻ xuất sắc và thông minh nhất mới được chọn để phục vụ trong các đơn vị ưu tú như TQLC, Nhẩy Dù và Biệt Động Quân. Do đó sự tranh đua để chọn đơn vị rất là gay go.
Bãi diễn hành cho buổi lễ là một phiên bản thu nhỏ hơn một chút của trường West Point. Tuy nhỏ hơn về kích thước so với mô hình của Hoa Kỳ nhưng hoàn toàn không kém phần trang trọng, tự hào và nhiệt tình cho buổi lễ tốt nghiệp tại Đà Lạt. Trong số 311 thanh niên nhập khóa 24 từ năm 1967, chỉ có 245 người đã chịu đựng nổi quân trường và sắp sửa bước lên khán đài để nhận bằng cấp tốt nghiệp và trách nhiệm của người sĩ quan trước mặt toàn thể các người thân và bạn bè hâm mộ. Sự phấn chấn và lời thề, giống như trong mọi buổi lễ mãn khóa khác, đã được ghi khắc vào trong tâm hồn của những thanh niên lên đường chiến đấu với niềm tin vững chắc là tất cả mỗi người trong số họ đều sắp sửa được chỉ huy binh lính để chống lại kẻ thù Cộng sản.
Ngày 27 tháng Mười Hai năm 1971 là cái ngày cuối cùng mà khóa 24 còn tụ họp lại với nhau như một tập thể đồng nhất. Họ tự nhủ không biết trong những lần hội ngộ sau này, có thể là năm, mười hay 30 năm nữa, sẽ có bao nhiêu đồng đội trong số họ, có lẽ là một con số không nhỏ, sẽ hy sinh đền nợ nước trong cuộc chiến hiện tại vì sự sống còn này.
Nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 3
Sau khi mãn khóa, Thiếu úy Nguyễn Lương tận dụng hết 15 ngày phép được cấp để thăm gia đình và đi chơi với người bạn gái đã quen từ lâu. Anh cũng nhân dịp này sửa soạn tinh thần để thay đổi đời sống từ một sinh viên sĩ quan thành một sĩ quan TQLC thực thụ.
Mặc dù binh chủng TQLC Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển một cách nhanh chóng nhưng cho tới tháng Giêng 1972, đơn vị này vẫn còn tương đối nhỏ thành thử mối liên hệ có tính cách gia đình giữa các binh sĩ vẫn còn được giữ như từ trước đến nay.
Trong suốt cuộc chiến, binh chủng TQLC giữ vững được các tiêu chuẩn cao đối với sĩ quan và binh lính, đồng thời không bị các rối rắm về chính trị vẫn tiếp tục ám ảnh các sĩ quan cao cấp và đơn vị của họ trong Quân lực VNCH, tương tự như trường hợp các quốc gia đang phát triển khác. TQLC Việt Nam không có nhiều tướng lãnh. Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Binh chủng TQLC là sĩ quan cấp tướng duy nhất đã phục vụ từ đầu năm 1972.
14 tân Thiếu úy mới tốt nghiệp từ trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt vào tháng Mười Hai được phân bổ một cách hợp lý cho các tiểu đoàn khác nhau. Vì có chín tiểu đoàn bộ binh thành thử có nơi sẽ nhận được hai tân sĩ quan. Tiểu đoàn 3 thường xuyên đụng độ nặng nhất cho nên luôn luôn cần bổ sung sĩ quan mới. Thiếu tá Lê Bá Bình lần này được nhận hai Trung đội trưởng.
Việc bổ nhiệm Lương về Tiểu đoàn 3, ngoài chuyện vì nhu cầu quân vụ thật sự, phần nào cũng do cái tính bông đùa của nhân vật mà sau này sẽ trở thành một vị tướng của TQLC. Đại tá Bùi Thế Lân, sau đó không lâu lên nắm quyền tư lệnh, lúc đó đang phụ trách công tác thuyên chuyển các sĩ quan. Ngày hôm đó, Lương trình diện cùng với người bạn đồng khóa là Thiếu úy Nhái. Trong mọi ngôn ngữ, một số từ ngữ và tên gọi thường có nhiều nghĩa khác nhau. Trong tiếng Việt thì nghĩa thứ hai của "Lương" (đọc theo giọng người Nam) là con "lươn." Cũng trong tiếng Việt thì chữ "Nhái" ám chỉ con vật mà người Mỹ thường gọi là con "ếch," hay một loại động vật tương tự đặc trưng của Việt Nam. Do đó, hai con "lươn" và "nhái" được cùng về Tiểu đoàn 3 Sói Biển. Lương về Đại đội 4 và Nhái về Đại đội 2. Mọi người cứ rũ ra mà cười. Cả hai con "động vật" này đều là loài lưỡng cư, sống được cả dưới nước lẫn trên cạn, do đó sẽ là một điềm lành cho viên Tiểu đoàn trưởng mới. Thiếu tá Bình rất vui khi đón nhận họ. Sau đó mọi chuyện trở lại với vấn đề cố hữu là tiêu diệt kẻ thù Cộng sản.
Đi cùng đường
Vùng I Chiến Thuật, Việt Nam Cộng Hòa
Ngày 29 tháng Ba 1972
Với tư cách phụ tá cố vấn trưởng binh chủng TQLC Việt Nam, tiến trình hội nhập của Trung tá Gerry Turley mất nhiều thời gian hơn so với các Đại úy Ripley và Philip. Giống như trường hợp John Ripley và một số người nữa, Gerry Turley lãnh nhiệm vụ mà không qua khóa huấn luyện về sinh ngữ nhưng ông có thuận lợi là có một trình độ cao về chỉ huy, kế hoạch, tiếp liệu, phối hợp hỏa lực và tất cả các mặt mà các sĩ quan bộ binh TQLC khác đều cố gắng mong đạt được.
Với cương vị người nắm vị trí thứ hai trong cái nhóm chọn lọc này, ông biết là ông có thể sẽ phải, trong vài tình huống đặc biệt, nhập vai hay thay thế viên chỉ huy là Đại tá Josh Dorsey hiện là cố vấn trưởng cho Sư đoàn TQLC Việt Nam. Chẳng cần phải đọc huấn lệnh chính thức về nhiệm vụ của mình, Gerry biết là ông phải học hỏi tất cả mọi thứ có thể học được, nắm vững cái liên hệ khác thường về chỉ huy của TQLC và làm quen với các nhân vật trọng yếu của Sư đoàn TQLC Việt Nam. Giống như một huấn luyện viên quyền anh chăm chỉ, ông phải "đi guốc vào trong bụng" các thuộc hạ của xếp, cũng đồng thời là của ông nữa, những tay cố vấn được phái cho các lữ đoàn và tiểu đoàn và xuyên qua họ, phân biệt được các ưu khuyết điểm của các đơn vị mà họ đang làm việc chung. Vì đây là một công tác của binh đoàn TQLC Hoa Kỳ cho nên cũng không có gì lạ là ông đã quen khá thân với một số lớn các cố vấn, phần còn lại thì ông đã nghe tiếng về họ rồi.
Với tư cách phụ tá cố vấn trưởng TQLC, Trung tá Turley được tiếp xúc với các báo cáo tình báo ở mức độ cao hơn mà hồi trước ông không hề được biết. Với trách nhiệm mới này, ông trực tiếp tham gia vào mọi khía cạnh về công tác soạn thảo kế hoạch và yểm trợ tiếp vận, không những cho các cố vấn khác ngoài chiến trường mà cả cho sự yểm trợ của TQLC Hoa Kỳ đối với TQLC Việt Nam nữa. Trung tá Gerry Turley là một người rất bận rộn. Ông có quá nhiều chuyện phải làm.
Mặc dù có nhiều chuyện Gerry không thể hoặc không muốn kể lại cho Bunny và mấy đứa trẻ biết trong những lá thư đều đặn nay đã thành thông lệ trở lại, sự phấn chấn chỉ cần có mặt tại Sài Gòn và trông thấy được sự độc đáo của nó cũng đủ là đề tài phong phú để viết thành truyện. Sài Gòn dạo này đẹp lạ lùng và yên bình đủ để ông tự nhủ có nên để Bunny đến thăm vào cuối chu kỳ nhiệm vụ của mình hay không?
Mọi chuyện ở nhà đối với Bunny Turley và gia đình thiếu đi một người giờ đã tiến triển đáng kể từ lúc Gerry nhận nhiệm vụ tại Việt Nam hơn năm năm về trước. Anne, đứa con gái lớn và là "bạn tâm đầu" của Bunny đã ra riêng và đang học nốt năm thứ ba về điều dưỡng tại St. Louis. Hồi này Bunny không cần để mắt quá mức tới hai đứa con trai nhỏ và hai cô chị, tuy lớn hơn một chút nhưng vẫn dễ thương và ngây thơ như dạo nào. Tuy nhiên nhiệm vụ làm mẹ lại cần trở nên tình cảm hơn và sử dụng đầu óc nhiều hơn trước.
Chris và Bob, 10 và 11 tuổi, đúng nghĩa là con trai, đã tham gia Hướng Đạo, chơi thể thao và đùa nghịch trong xóm như mọi cậu bé cùng lứa. Cô bé Jeri bây giờ lớn nhất trong nhà và sẽ làm lễ ra trường trung học trong ba tháng nữa. Cha cô sẽ phải tự tìm cách để khỏi bị mang mặc cảm tội lỗi vì sẽ không có mặt trong cái ngày trọng đại này của cô. Cô nhỏ Peg đang học lớp tám rất khá. Cả hai là những nữ sinh trung học khỏe mạnh, rạng rỡ và điều này làm cho mẹ các cô rất vui mừng.
Ít nhất lần này Bunny Turley được an ủi khi nghĩ rằng mọi rủi ro tại Đông Nam Á không còn đáng kể nữa, cuộc chiến đã sắp kết thúc rồi, và Gerry chắc sẽ được an toàn hơn. Tương tự như kỳ Gerry thi hành nhiệm vụ lần đầu tại Việt Nam, vấn đề tài chánh cũng là một khó khăn, và ngày tháng luôn luôn dồi dào hơn tiền bạc. Những đứa trẻ thường xuyên bị ăn hamburger dài dài chứ chẳng mong gì được món thịt steak.
Gerry Turley mất hai tuần lễ tại Sài Gòn để làm quen với nhiệm vụ mới. Trong giai đoạn này, ông gặp gỡ tư lệnh TQLC là Trung tướng Lê Nguyên Khang và đi thăm viếng các cơ sở huấn luyện TQLC tại địa phương cũng như bệnh viện của họ tại Thủ Đức. Hằng ngày ông nghe các báo cáo hành quân liên quan đến sự bố trí của các đơn vị TQLC Việt Nam. Ông cũng nhiều lần qua bên trung tâm MACV, đầu não của các hoạt động Hoa Kỳ để nghe báo cáo thường xuyên các tin tức có liên quan đến công việc.
Đại tá Josh Dorsey, viên cố vấn trưởng, trước kia đã từng làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ hoạt động tại Vùng I, quan niệm là chiến tranh đang đến hồi kết thúc. Đã có nhiều lần Đại tá Dorsey trao đổi với viên phụ tá mới rằng ông tin sẽ phải đóng cửa đơn vị nội trong chu kỳ nhiệm vụ này của họ. Các cuộc đụng độ tại Vùng I Chiến Thuật, tuy chưa hoàn toàn dứt hẳn nhưng chắc chắn không còn ở mức độ từng thấy trước kia. Mọi chuyện có vẻ rất khả quan.
Đối với Gerry sau khi đã tìm hiểu xong mọi điều cần thiết tại Sài Gòn, ông nghĩ rằng đã đến lúc phải làm những gì mà một sĩ quan TQLC cần làm là đi thăm các cố vấn và đích thân cảm nhận những chuyện gì đang xảy ra. Gerry dự tính sẽ chỉ là một chuyến khứ hồi bình thường như thông lệ. Không có gì quan trọng cả. Trong khi Gerry đang bay lên miền Bắc thì Đại tá Dorsey sửa soạn để đi nghỉ phép dưỡng sức ngắn hạn nhân dịp lễ Tạ Ơn với gia đình tại Philippines. Giống như mọi cố vấn khác khi đi ra miền Bắc, Gerry được nhắc nhở phải mang theo túi bưu phẩm. Bây giờ xếp đi vắng rồi thì Gerry sẽ đảm nhận chức quyền cố vấn trưởng.
Lên miền Bắc rồi vào chốn lạ
Các chứng cớ khoa học còn đầy dẫy đó. Qua kinh nghiệm thực tế trong đời, Gerry Turley đã hai lần lâm vào tình huống linh cảm về thần chết. Lúc còn là một đứa trẻ, ông bỗng nhiên cảm thấy cần phải ở lại nhà tại Ogallala, Nebraska trong cái ngày mà đám bạn đi bơi trong khu mỏ đá và bị chết đuối hết. Một lần nữa là lúc còn là một sĩ quan trẻ trong cuộc chiến Triều Tiên, ông đã từ chối một chuyến bay nghỉ phép đi Nhật Bản, và chiếc máy bay này đã bị rơi.
Lần này, Gerry không có cách chi mà thoái lui nữa. Cho dù không bị đè sát xuống sàn chiếc C-130 bởi hai anh chàng TQLC Việt Nam bên cạnh đang dùng người ông như một cái gối ôm, ông cũng hết cách thoát ra. Thật là hết lối thoát.
Cho đến tháng Ba năm 1972, Gerry đã quá thâm niên, quá chuyên nghiệp để có thể chùn bước trong lúc này, bất cứ vì lý do nào đi chăng nữa. Tuy còn trẻ tuổi nhưng vì Đại tá Dorsey đang đi vắng thành thử ông đã trở thành "xếp sòng," thành "bố già" rồi. Lúc nói về bộ phận chỉ huy có khả năng thay đổi các sự việc, các binh sĩ ngoài tiền tuyến thường nhắc đến chữ "họ" trong các câu chuyện. Bây giờ Gerry cũng nằm trong cái thành phần "họ" đó rồi. Vì vậy, Trung tá Gerry Turley, TQLC Hoa Kỳ, chồng của Bunny, cha của Anne, Jeri, Peggy, Bob và Chris, bạn của một số đông sẽ sẵn sàng cưỡi chuyến tàu này rơi xuống vực thẳm nếu cần thiết phải làm như vậy. Và ông sẽ hết lòng thực hiện nó. Cái điều giữ cho ông được bình tĩnh, tránh không bị hoảng loạn là nhờ có chức vụ và trách nhiệm mới đặt trên vai, tốc độ các sự việc xảy ra sẽ làm ông quên đi những cảm giác đen tối, ít nhất là một phần nào đó.
Chuyến bay từ Tân Sơn Nhất ra Phú Bài, ngoại trừ cái cảm giác khó chịu là có cái gì đó khủng khiếp sắp xảy ra, hóa ra lại hoàn toàn vô sự. Lúc đáp xuống đất, Gerry rất ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi tại những nơi mà chỉ một hay hai năm trước đó là những vùng tranh chấp nóng bỏng với quân Bắc Việt.
Phi trường Phú Bài, một thời từng là một "tổ ong" đầy sức sống và được coi như là một trong những phi trường nhộn nhịp nhất trên thế giới, bây giờ cỏ dại lên cao, mọc len cả trên đường phi đạo lót phên được xây dựng bởi toán công binh Ong Biển của Hải quân Hoa Kỳ. Nơi mà trước kia hàng trăm chiếc trực thăng và chiến đấu cơ lên xuống thường xuyên nay chỉ có độc nhất chiếc C-130 của Không Lực Hoa Kỳ thả Gerry và các bạn TQLC mới quen của ông xuống thành thử trông có vẻ khá kỳ dị.
Không phải chỉ có Phú Bài mới như vậy. Khi ông đáp trực thăng lên phía Bắc dọc theo Quốc lộ 1 thì thấy đâu đâu cũng thế. Và khi Gerry nhớ lại hàng chục đồng đội mà ông quen đã từng chiến đấu, từng đổ máu và hy sinh tại những vùng giờ đây trông có vẻ an bình một cách kỳ lạ, ông cũng vui khi thấy những dấu hiệu rõ ràng về thương mãi và tiến bộ tại những nơi trước kia chỉ có tranh chấp mà thôi. Tuy người dân địa phương tỏ ra thờ ơ với ông, nhưng ông vẫn rất mừng thấy mọi chuyện có vẻ như đã trở lại bình thường, dù đấy chỉ là một cảm nhận. Có thể nào, có thể nào như thế được, là chiến tranh thực sự sắp chấm dứt rồi chăng?
1972: Năm bầu cử
Vào cuối năm 1972, Việt Nam ít khi còn xuất hiện trên các trang nhất của báo chí Hoa Kỳ nữa. Cùng với việc Việt Nam hóa chiến tranh đang được đẩy mạnh một cách nhanh chóng, càng ngày càng có ít người Mỹ bị thiệt hại hơn. Ngày 27 tháng Ba, cơ quan thông tấn UPI loan báo là lần đầu tiên trong hơn sáu năm, nếu không tính các thủy thủ trên các chiến hạm ngoài khơi và các lực lượng Không quân đóng tại Thái Lan thì đã có ít hơn 100.000 binh lính Mỹ tại Việt Nam. Theo đúng kế hoạch rút thường xuyên 1.100 quân mỗi ngày, Hoa Kỳ có thể sẽ đạt mục tiêu chỉ giữ lại 69.000 quân vào ngày 1 tháng Năm 1972.
Đặt trọng tâm vào lời hứa hẹn rút quân ra khỏi Việt Nam, đến tháng Ba 1972 Richard Nixon có vẻ sẽ thắng cử Tổng thống một cách dễ dàng. Sự bang giao với Trung Cộng là một cuộc đột biến lớn về chính trị với những tầm cỡ quan trọng có thể đặt vùng Đông Nam Á vào vị trí thuận lợi hơn vào dự tính lợi ích toàn cầu của người Mỹ. Ngoài ra sự gia tăng hợp tác chính thức với Liên Xô về vấn đề cùng nhau thám hiểm vũ trụ một cách hòa bình cũng rất thuận lợi. Đó cũng chính là chiến thuật "vừa đánh vừa đàm" ở cường độ tối đa.
Trở lại vấn đề Sài Gòn, hơn vài tháng nay các phân tích gia tình báo Hoa Kỳ và phía Việt Nam đang phân vân trước sự kiện có nhiều sư đoàn Bắc Việt chủ chốt bị gọi về từ mặt trận. Đã có nhiều tranh cãi về các ý định của đối phương. Ngay từ năm 1970 Bắc Việt đã nhận được viện trợ chiến tranh càng lúc càng nhiều từ cả hai nước Trung Cộng và Liên Xô. Nhiều người tin rằng sự yên lành tương đối hiện tại không báo hiệu điều gì tốt lành cả mà chỉ vì Hà Nội đang tập trung lực lượng để sửa soạn cho một cuộc tổng công kích mới. Lời tiên đoán, được loan báo cả cho giới truyền thông, cho rằng quân Bắc Việt sẽ tấn công đầu tiên và mạnh mẽ nhất ở hướng Tây từ phía Lào, Cambodia, Trung Nguyên và tỉnh Kontum với tỉnh lỵ trọng yếu là Pleiku với ý đồ cắt đôi đất nước Việt Nam, đồng thời phá đổ niềm tin đang nhem nhúm trong dân chúng đối với chính quyền Sài Gòn và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon.
Cảm xúc vụn vặt
Tới nay Gerry Turley đã gia nhập TQLC gần 23 năm rồi. Giống như mọi quân nhân khác, ông biết binh đoàn TQLC chưa hẳn là lý tưởng. Vậy mà, sau khi đã trải qua các nhiệm vụ chiến đấu và tất cả những công tác khác, tuy bình thường đối với TQLC nhưng là kỳ công đối với người khác, tổ chức TQLC này vẫn không ngừng làm ông ngạc nhiên, nó đã khẳng định với ông điều này và làm ông vững niềm tin vào sự cao cả của nó mỗi khi ông quên mất đó là một nơi tập trung những người tốt nhất đã tự nguyện tập hợp lại với nhau trong những điều kiện tồi tệ nhất. Các điều linh cảm xấu trước đó đã được tạm quên đi khi ông nghĩ đến các đồng đội cố vấn phân tán khắp nơi trong các đơn vị TQLC Việt Nam. Họ là những người tốt, những người giỏi nhất mà đất nước Hoa Kỳ có thể có được. Trong mọi vị trí họ đều là những người xuất sắc mặc dù mỗi người đều là những cá tính độc đáo và đặc biệt. Cảm tưởng khi nghĩ về những người ấy đã khiến Gerry thấy yên tâm, tin tưởng và họ đã mang lại cho ông niềm vui thật sự. Nếu sóng gió có ập vào đây trùm lên trên họ, họ sẽ là đoàn thủy thủ cần thiết để lao vào tâm bão.
Trên mọi ngả đường
Thiếu tá TQLC Hoa Kỳ Jim Joy, cố vấn trưởng cho Lữ đoàn 147 TQLC Việt Nam được cử làm hướng dẫn viên chính thức cho Gerry Turley và phụ trách phần đầu của chuyến đi bốn ngày thăm Vùng I Chiến Thuật của ông. Từ Phú Bài, họ lấy trực thăng Huey bay lên hướng Bắc rồi về hướng Tây đến căn cứ hỏa lực Mai Lộc là nơi đặt bộ chỉ huy của Lữ đoàn 147. Gerry sẽ quan sát hoạt động tại nơi đó và ở qua đêm với Thiếu tá Joy. Theo chương trình thì ông sẽ nghỉ đêm thứ hai tại căn cứ hỏa lực Sarge sau khi đã đi thăm một số vùng lân cận. Thiếu tá Walt Boomer sẽ là người hướng dẫn. Thiếu tá Boomer là cố vấn trưởng cho Tiểu đoàn 4 TQLC Việt Nam và, giống như các cố vấn trưởng tiểu đoàn khác, được phân nhiệm đi theo Ban chỉ huy Alpha của tiểu đoàn.
Trong chuyến đi ngắn hạn bốn ngày tại vùng Bắc, Trung tá Turley mong là ông có thể đích thân gặp gỡ được càng nhiều cố vấn Hoa Kỳ càng tốt. Vì Lữ đoàn 369 đang ở Sài Gòn theo chu kỳ dưỡng quân, tái trang bị và tái huấn luyện thường lệ, nên Gerry sẽ đi thăm phần lớn các tiểu đoàn của Lữ đoàn 147 và 258, hai đơn vị đang có mặt và sẵn sàng hoạt động tại Vùng I Chiến Thuật.
Nếu cho rằng Turley đã có một đội ngũ cố vấn thật tài giỏi thì đó cũng là một nhận xét không quá đáng. Bắt đầu từ các cố vấn trưởng Lữ đoàn - Jim Joy với Lữ đoàn 147, Jon Easley với Lữ đoàn 258, và Bob Sheridan tại Lữ đoàn 369 - xuống đến từng cố vấn tiểu đoàn đều là những nhân vật xuất sắc. Tiểu đoàn 4 có cố vấn trưởng Walt Boomer, cựu Tiểu đoàn trưởng trong lần nhiệm vụ tại Việt Nam trước đó, đã từng được tặng thưởng huy chương Silver Star. Cố vấn phụ là Đại úy Ray Smith. Trong lần nhiệm vụ trước tại Việt Nam anh cũng đã được đề nghị huân chương Navy Cross hai lần và được ân thưởng huy chương Silver Star trong cả hai lần đó. Ngoài uy danh là một chiến sĩ can trường, Đại úy Smith còn được công nhận là người thạo tiếng Việt nhất trong tất cả nhóm cố vấn. Trong thời gian Gerry đi thăm căn cứ hỏa lực Mai Lộc thì Đại úy Smith đang đóng với ban chỉ huy Bravo của Tiểu đoàn 4 tại Núi Ba Hồ.
Tại Tiểu đoàn 6, Thiếu tá Bill Warren và Đại úy Bill Wischmeyer là một cặp bài trùng xuất sắc và phải làm việc trong các điều kiện tồi tệ như mọi cố vấn khác. Cặp Warren - Wischmeyer còn chịu thêm một khó khăn khác là phải làm việc dưới quyền một Tiểu đoàn trưởng người Việt nổi tiếng không ưa người Mỹ. Bản tính dễ chịu của Warren và Wischmeyer vốn đã kiên nhẫn nay còn thêm tài ngoại giao khéo léo ngày mỗi khá hơn để thêm vào việc chu toàn nhiệm vụ tác chiến hàng ngày của họ.
Tại căn cứ hỏa lực Barbara, John Ripley là cố vấn duy nhất cho Tiểu đoàn 3 với anh bạn Lê Bá Bình. Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và kế hoạch giảm bớt các lực lượng Hoa Kỳ cũng đã ảnh hưởng đến các cố vấn. Vào đầu năm 1972, khi các cố vấn đã hoàn tất chu kỳ nhiệm vụ họ được về nước nhưng không được thay thế nữa.*
Nói chung, tình hình tại các tiểu đoàn TQLC Việt Nam khác cũng tương tự. Các tiểu đoàn này được phối trí một cách hợp lý để bảo vệ các khu vực tiếp cận khu phi-quân-sự và biên giới phía Tây Bắc của VNCH với Lào. Khi cùng Jim Joy đến bộ chỉ huy của Lữ đoàn 147, Gerry được các nhân viên của Joy báo cáo đầy đủ về tình hình. Ông cũng nghe các báo cáo qua điện đàm của các cố vấn đang đi theo các tiểu đoàn ở xa. Mặc dù căn cứ hỏa lực Mai Lộc chưa hề bị pháo kích trong vòng hơn hai năm qua, nhưng hoạt động gần đây của đối phương trong các vùng tranh chấp có vẻ báo hiệu một chuyện gì trọng đại sắp xảy ra.
Ngoại trừ các cuộc bắn yểm trợ hỏa lực theo thông lệ, được coi như là bình thường, từ pháo đội VNCH tại căn cứ Camp Carroll thì đêm ngày 29 tháng Ba trôi qua mà không có biến cố nào xảy ra. Do đó Jim Joy tin rằng tình hình đã đủ an ninh và không ngần ngại đề nghị đi bằng xe thay vì trực thăng theo dọc Quốc lộ 9 đến tận căn cứ Ái Tử và tỉnh Quảng Trị để họp với bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh Việt Nam vào sáng ngày thứ Năm. Thiếu tá Joy đã thu xếp để Gerry đến thăm Đại tá cố vấn trưởng Hoa Kỳ, người trực tiếp làm việc với tướng Tư lệnh Sư Đoàn 3. Đây không phải là một chuyến đi thăm thường tình. Sư đoàn 3 có quyền hành điều động hai Lữ đoàn TQLC đang bố trí tại Vùng I Chiến Thuật. Nhóm của Gerry và các quân nhân Hoa Kỳ của Toán Cố Vấn 155 sẽ trao đổi các nhận xét với nhau, cùng dùng cơm trưa và sau đó thì Gerry sẽ bay đi căn cứ hỏa lực Sarge để gặp Walt Boomer như đã hẹn trước.
Khi ngồi trên ghế bên tay mặt của chiếc xe jeep M151, Trung tá Turley đột nhiên cảm thấy chung quanh yên tĩnh một cách lạ kỳ. Các khẩu trọng pháo VNCH tại Camp Carroll đều im tiếng không bắn ra trái nào, và may thay, cả bên phía kẻ địch cũng vậy. Hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra. Trong suốt các thời gian ông đã từng ở Vùng I Chiến Thuật vào các năm 1966, 1967 và nay là 1972, Gerry Turley chưa bao giờ gặp một tình trạng yên ắng như vậy. Sự tĩnh lặng này mang một vẻ gì đó phi lý mà ông chưa thể phân tích được. Nhưng rồi cũng giống như những lần trước, các cuộc trao đổi đứt đoạn với Jim Joy đã xóa tan đi những suy tư ngờ vực đó.
Turley và đoàn tùy tùng đến vị trí Toán 155 vào khoảng 9 giờ 30. Còn một vài tiếng đồng hồ nữa trước khi đi căn cứ hỏa lực Sarge như theo kế hoạch, Gerry được giới thiệu với các nhân vật chủ chốt của Toán 155 và nghe báo cáo về tình hình bố trí của ba Trung đoàn thuộc Sư Đoàn 3. Trong lúc buổi thuyết trình đang tiến hành thì tiếng ầm ì và tiếng nổ từ phía xa của pháo binh địch cho thấy ngay tức khắc là tình hình đang biến chuyển. Trong vòng vài giây đồng hồ, điện đàm tới tấp gọi về cũng báo động điều tương tự. Là những chiến binh dày dạn kinh nghiệm, tất cả đều nắm ngay tình thế và họ tiếp tục lắng nghe cho hết buổi thuyết trình. Chuyện gì đó chắc chắn đang xảy ra. Cường độ như thế nào thì còn phải xác định lại.
Trung tá Gerry Turley rút về khu nhà bếp để ăn vội bữa trưa trước khi đáp trực thăng bay một đoạn ngắn đến căn cứ hỏa lực Sarge như đã dự tính. Ông mới dùng xong món chính thì nghe thấy tiếng pháo kích bắn đi ở một khoảng cách gần đó, hướng về phía tổng hành dinh Sư Đoàn 3 và đã làm tan đi sự yên tĩnh. Mấy thằng Cộng sản chó má đã hành động đúng lúc làm cho ông phải bỏ món tráng miệng. Trong khi mọi người đang chạy về các hầm trú ẩn và chưa biết chuyện xảy ra thì cuộc tổng công kích Mùa Hè Đỏ Lửa đã bắt đầu.
__________________________________________________________
* John Ripley là cố vấn trưởng cho Tiểu đoàn Sói Biển. Đại úy Jim Johnson là cố vấn phụ nhưng không còn tại Việt Nam nữa.
Gerry Turley 1972