Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Lts: Đề tài này quá bao la và khó nắm bắt, viết cả ngàn trang cũng chưa chắc trình bày đủ các khiá cạnh mà trong khuôn khổ của TSYS thì chỉ được trải dài trên 10-15 trang báo nên các cây bút chủ lực đều không hứng thú nhận lãnh. Người viết đành gồng mình lấy hết can đảm phô bày cái biết hạn hẹp của mình, giống như con ếch ngồi dưới đáy nhìn bầu trời trên đầu mình qua cái miệng giếng bé tí tẹo, tóm lược ngắn gọn phạm trù này, chắc chắn phiến diện, thiếu sót và hơi chủ quan mặc dù chỉ liệt kê “thuật nhi bất tác”. Mong được chỉ dẫn, bổ túc và thứ lỗi nếu sai phạm.
I.Truyền thông
Phương tiện thông tin và đấu tranh này cho việc nhập cư, hội nhập và phát huy văn hóa Việt tại hải ngoại, tranh đấu cho tự do dân chủ càng ngày càng phong phú khi người tỵ nạn càng đông và các tiến bộ kỹ thuật càng tinh vi.
A.Báo chí
1.Báo tư nhân (bán)
Ngay trong các trại tỵ nạn, vd như ở trại Orote tại Guam đã có vài tờ bích báo hay tờ Chân Trời Mới. Sau đó khi đến Bắc Mỹ hay Pháp thì xuất hiện các tập san Hồn Việt Nam (Minh Đức Hoài Trinh, Pháp 10/75), Quê Mẹ (Võ Văn Ái, Pháp 1/76), Quê Hương, Nhân Chứng (Du Tử Lê...Hoa Kỳ 76-78), báo Đất Mới (Thanh Nam , Hoa Kỳ 7/75-81), sau đó các tuần san, nguyệt san nở rộ với Hồn Việt (Nguyễn Hoàng Đoan, Cali từ đầu 76), Văn Học, Văn Học Nghệ Thuật (Võ Phiến, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác ... Cali 4/78- nay), Văn Ngệ Tiền Phong, Việt Chiến (Washington DC), Chiêu Dương (Úc)... Canada có tờ Làng Văn (270 số từ 9/84- 6/2007).
Các Báo Người Việt, Saigon Nhỏ (92-2013), Thời Báo được phát hành đều đặn và thông báo tin tức đến đồng bào.
Ngoài ra còn có các tạp chí chuyên môn “đại chúng hoá” từ ngữ chuyên môn giúp ích độc giả thêm kiến thức về tài chánh, sức khỏe... (vd Tờ Y Tế của Võ Văn Tùng, Cali). Tập San Tiếng Sông Hương của Nguyễn Cúc tại Dallas một thời cũng đóng góp khá nhiều trong việc bảo tồn và phát huy văn hoá.
Thời điểm báo chí thịnh hành nhất là những năm 84-85, có tới khoảng 600 tờ khác nhau. Rồi tụt xuống khoảng 300 tờ vào năm 87 và còn lại khoảng 90 tờ những năm 90. (Thuỵ Khuê)
2.Báo biếu
Phong trào báo biếu, báo chợ phát triển rất mạnh sau đó tại các thành phố có đông dân Việt tỵ nạn, ngày nay bên HK phải bỏ tượng trưng 25 xu để hợp lệ, còn tại Canada thì vẫn là báo biếu khi đi chợ hay ăn tiệm (vd Thời Báo, Tuần Tin, Việt Báo...)
3.Báo các Hội Đoàn
Nhiều vô kể, mỗi Hội Đoàn nếu không ra thường xuyên hàng tháng, hàng tam cá nguyệt thì xuân thu nhị kỳ hay mỗi Tết một số, thẳng hoặc lâu lâu ra một số đặc biệt nhân một dịp kỷ niệm nào đó.
Các Hội trong Y Giới thì đều đặn hơn, sớm hơn hết là Nội San Hội Ái Hữu Y Sĩ Việt Nam tại Canada phát hành từ tháng 6 /1976, sau trở thành Tập San Y Sĩ, đến nay cũng sắp tròn 40 năm hiện diện qua 204 số. Các Hội Y Sĩ Hoa Kỳ, Y Giới Pháp và Úc vẫn phát hành đều đặn, cũng như các Hội ở Florida, Louisianna, Texas, Georgia ... cũng đã có những số báo riêng.
Các Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia cũng tốn rất nhiều tiền trong việc phát hành báo chí, vd tờ Quốc Gia của Montreal là một chi phí lớn. Tờ Liên Hội Người Việt tại Canada lúc này ít xuất hiện. Đó là chưa kể các Hội chuyên ngành như của cựu Giáo Chức, cựu Quốc Gia Hành Chánh, cựu Chuyên Gia ...
Các tập thể Cựu Quân Nhân cũng góp mặt khá đều với rất nhiều Tập San vd Cánh Dù Viễn Xứ, Lướt Sóng, Chiến sĩ Cộng Hoà, Gươm Thiêng ...
Các hội Ái Hữu các Trường Trung Học Trưng Vương, Gia Long, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Tánh, Quốc Học- Đồng Khánh cũng không vắng tiếng nói, không kể đến các hội địa phương như Quảng Đà, Nam Kỳ Lục Tỉnh, Bình Định, Hội Nhớ Huế ...
B.Các lớp Việt Ngữ
Chúng ta muốn bảo trì tiếng Việt, mà tình thế bó buộc phải nói tiếng bản xứ ở nhà để con cháu học cho theo kịp chương trình giáo dục sở tại nên nhiều gia đình khuyến khích con em theo học thêm các lớp Việt Ngữ được giảng dạy khắp nơi, tại các lớp tư, chùa, nhà thờ ... và các Hội Khuyến Học nhờ vậy mà thế hệ 2, 3 của chúng ta vẫn còn nói được tiếng Việt. Một số chương trình ca nhạc hay phim ảnh cũng có phần nào ảnh hưởng tốt cho việc này.
C.Văn
1.Hồi Ký
Phải nói là một rừng Hồi Ký vẫn chưa kể hết chuyện bi thảm của thế hệ chúng ta từ ngày quốc hận, nước mất nhà tan. Xin kể ra một vài tiểu đề mà tôi sở hữu và nhớ sau khi may mắn được đọc
a) về hai nền cộng hoà
-Le Dragon d’Annam (Con Rồng Việt Nam) của cựu Hoàng Bảo Đại
-Việt Nam quê hương máu lửa của Đỗ Mậu do một nhóm người viết hộ ?
-HCM, Ngô Đình Diệm và MTGP (Hồ Sĩ Khuê)
-Việt Nam nhân chứng của tướng Trần Văn Đôn
-Việt Nam: Một trời Tâm Sự của tướng Nguyễn Chánh Thi
-Hướng về Việt Nam của tướng Huỳnh Văn Cao
-Việt Nam đi về đâu (Lê Trọng Quát)
-Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Nguyễn Hữu Duệ)
-....
b) “kể công” đóng góp cho nền móng VNCH
-Làm việc với các danh nhân thế giới (Nguyễn Hữu Hanh)
-Nhân chứng một chế độ, (Huỳnh Văn Lang)
-Ký Ức (Huỳnh Văn Lang)
-Đất nước tôi (Nguyễn Bá Cẩn)
-Thời đại của tôi (Vũ Quốc Thúc), v.v.. và v.v...
c) học tập - cải tạo (tù VC)
Trong hiểu biết hạn hẹp và ký ức kém dần, tôi xin trích dẫn một số tác phẩm làm ví dụ mà thôi, như:
-Đại Học Máu (Hà Thúc Sinh)
-Đáy điạ ngục (Tạ Tỵ)
-Cùm đỏ (Phạm Quốc Bảo)
-Ánh sáng và bóng tối (Hoàng Liên Nguyễn Văn Đãi)
-Trong lòng địch (Trần Trung Quân)
-Thép đen (Đặng Chí Bình)
-Hồi ức tù cải tạo Việt Nam (Nguyễn Huy Hùng)
d) Rời nhà tù nhỏ về chui vào nhà tù lớn, giới y sĩ chờ ngày thoát thân ra khỏi nước để đến bờ tự do “làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng” kể lại trong:
- Những con thuyền Lạc Việt (ấn bản Anh ngữ The Vietnamese MayFlowers of 1975) do nhóm Y Khoa Saigon 72 (Đặng Văn Chất, Hồ Văn Hiền, Võ Minh Nghiã, Thân Trọng An, Anne R Capdeville) thực hiện, được lưu trữ trong Library of Congress, được tái bản lần thứ ba với tựa đề Across shining seas (song ngữ) cũng do nhóm trên thực hiện, cũng lưu trữ trong Library of Congress
- một thời để nhớ (Tống Viết Minh)
- Vượt qua gian khổ (Nguyễn Công Trứ)
e) vượt biên
nhiều chuyện hãi hùng và bi thảm được kể lại, đến cả 4-5 trăm ngàn người không đến bến bờ, vì tàu chìm, vì đói khát, vì hải tặc, vì không được vớt hay cập bến bị xua đuổi...nhà thơ Vũ Kiện đã xúc động phóng tác bài đồng dao Au clair de la lune để kêu gọi lương tâm thế giới và lòng vị tha của các nước tiền tiến:
-Vàng, Máu và Nước Mắt (Phạm Hữu Trác, HQTYSVNTD phát hành)
-Hải tặc trong Vịnh Thái Lan (Nhật Tiến)
-Hành trình đi tìm tự do... (Nhật Tiến)
-Pulo Bidon, miền đất lạ; Kẻ đưa đường (Võ Kỳ Điền)
-Về biển đông (Trang Châu) ...v.v... và v.v
Còn nhiều nữa mà tôi không may mắn có để được đọc
2.Lịch sử Việt Nam từ ngày dựng nước đến nay
Vì biết Việt Cộng chắc chắn sẽ bẻ cong lịch sử, chối cãi tội ác và tìm cách xóa bỏ hết chiến công oanh liệt dựng nước và giữ nước của tiền nhân nên nhiều cây bút đã tâm huyết sưu khảo để hoàn thành những tài liệu xác thực cho các thế hệ mai sau
-Việt Sử Khảo luận (Hoàng Cơ Thuỵ, Pháp)
-Việt Sử Tập Khảo (Nguyễn Công Tánh, Úc)
-Lịch Sử Việt Nam 1940-2007 (Trần Nhã Nguyên, Canada)
-Bối cảnh lịch sử Chính Trị Việt Nam cận đại, hiện đại (Bùi Anh Trinh, Canada)
-Cộng sản trên đất Việt (Nguyễn Văn Canh, Cali)
-Việt Sử Đại Cương, Những câu chuyện lịch sử (Trần Gia Phụng, Canada)
-Án tích cộng sản Việt Nam (Trần Gia Phụng, Giải nhất HQTYSVNTD năm 2002)
-Viêt Nam History : stories retold for a new generation (Chat Dang & Hien Ho, Hoa Kỳ, có lưu trữ trong Library of Congress)
-Đại Việt Sử Lược Diễn Ca (Nguyễn Bá Triệu & Hồ Đắc Duy)
-Nguyễn Văn Tường và cuốc chiến chống Pháp của nhà Nguyễn (Nguyễn Quốc Trị, Washington DC)
-Sử xanh lưu truyền (Ngô Thị Quý Linh, Texas)
-Lịch sử Việt Nam từ Pháp đến độc lập (Ý Linh, Texas) …
-Chiến tranh Đông Dương 3 (Hoàng Dung Hoàng Xuân Trường, Hoa Kỳ)
-Đằng sau bức tường đỏ (Hoàng Dung, Hoa Kỳ)
3.Quân sử
-Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy)
- Chiến sử Thủy Quân Lục Chiến (song ngữ Anh Việt, Trần Xuân Dũng)
-Chiến sử Sư Đoàn Nhẩy Dù (có nhiều bài song ngữ Việt Anh, Gia đình Mũ Đỏ)
-Quân Y Quân Lực VNCH (Trần Xuân Dũng, Trần Quốc Đông, Võ Văn Tùng, Bùi Khiết)
-Chiến tranh VN toàn tập (Nguyễn Đức Phương)
-Thiên Hùng Ca Quân Lực VNCH (Phạm Phong Dinh)
-Can trường trong chiến bại (Hồ Văn Kỳ Thoại)
-Những uất hận trong trận chiến mất nước 1975 (Phạm Huấn)
-Những ngày cuối cùng của VNCH (nhóm sử điạ Nguyễn Khắc Ngữ)
-Cái chết của Nam Việt Nam : những trận đánh cuối cùng (Phạm Kim Vinh)
-Nam Việt Nam 1954-1975 (Hoàng Lạc-Hà Mai Việt)
-Thép và Máu (Hà Mai Việt) v.v…
-Việt Nam Cộng Hoà, cội nguồn cuộc chiến (Hà Mai Việt)
Và còn biết bao truyện dài, truyện ngắn của các chiến binh Vương Mộng Long, Phạm Tín An Ninh, Phan Lạc Tiếp, Trần Hoài Thư … và rất nhiều chiến sĩ dũng cảm khác mà tôi không nhớ hết nổi để liệt kê cho đầy đủ, xin cáo lỗi với các vị anh hùng này
4.Tiểu thuyết Lịch sử - dã sử
-Mùa biển động (Nguyễn Mộng Giác)
-Tháng ba gãy súng (Cao Xuân Huy)
-Sông Côn muà lũ (Nguyễn Mộng Giác)
-Trăng huyết (Nguyễn Ước) đã gây nhiều ấn tượng và được phê bình sôi nổi vì nguyên tác bằng ngoại ngữ
-Các bộ dã sử Việt chống Tàu xâm lăng thời Hai Bà Trưng, thời nhà Lý, nhà Trần (Trần Đại Sỹ)
Và vô số tài liệu quý báu khác mà tôi không có cơ may tham khảo, xin thứ lỗi cho sự hiểu biết hạn hẹp
5.Sách giáo khoa tiếng Việt
Những năm đầu vì không biết ngày mai ra sao, để các lớp Việt Ngữ có tài liệu nên phong trào viết sách và tái bản sách cũ dạy học hay bảo tồn văn hoá rất sinh động, các Hội Khuyến Học hăng say mở lớp …
-với Gs Bùi Văn Bảo ở Toronto cho ra mắt những cuốn đầu tiên
-các nhà xuất bản Đại Nam ở Cali… in lại gần hết sách báo cũ thời VNCH
-các Giáo sư Lê Hữu Mục, Nguyễn Khắc Ngữ và nhóm Sử Địa ở Montreal
-sách dạy học tiếng Việt, vd : le vietnamien của Bùi Hồng Phúc và Ngô thị Ngọc Lan, Montreal
-Lược sử triết lý giáo dục Việt Nam (Ngô Thị Quý Linh, Texas)
6.Tiểu thuyết - tập truyện - phiếm luận
Nnhiều vô kể, giúp người tha hương bớt nhớ nhà phần nào, với nhiều tác giả cũ mới ; xin kể ra vài tác giả tôi nhớ, xin cáo lỗi với những vị tôi sót tên vì số trang giới hạn.
-Nguyễn Ngọc Ngạn có lẽ có số tựa sách nhiều nhất và bán chạy nhất
-Kiệt Tấn với những câu thơ, câu hát, lời ca dao trích dẫn đúng chỗ, đúng lúc
-Hồ Trường An phát huy thể loại « văn chương miệt vườn »
-Trần Hoài Thư với bộ Thư quán bản thảo, phục hồi và xuất bản sách, truyện, thơ của bạn hữu
-Trà Lũ với các tập « Đất … » văn phong nhẹ nhàng kể cuộc sống hài hoà của nhóm bạn tỵ nạn tại Toronto
-Song Thao thành công trong các phiếm luận tra cứu công phu với cách hành văn dí dỏm, duyên dáng
-Tôi rất ngưỡng mộ các truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh, Tiểu Tử …
-Lê Thị Bạch Nga với dăm cuốn viết rất hiền lành, tâm tình bao dung
-Lê Thị Quỳnh Mai gom các bài phỏng vấn trong « Tác giả và tôi » đào sâu tâm tư người viết
7.Biên khảo
-Nguyễn Khắc Ngữ và nhóm Sử Điạ hơn 10 tác phẩm
-Nguyễn Bá Triệu chú khảo dị bản, in bản chữ Nôm cho các bộ Kiều, Chinh Phụ, Lục Vân Tiên, Phan Trần…
-Lê Hữu Mục lột mặt nạ đạo văn : HCM không phải là tác giả Ngục trung nhật ký, dịch từ chữ Nôm Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh … , đứng tên Truyện Kiều và tuổi trẻ (cùng với Phạm Thị Nhung, Đặng Quốc Cơ) …
-Lâm Văn Bé với rất nhiều bài khảo luận giá trị và cuốn « Giá Tự Do » giải Văn Học Nghệ Thuật của Hội Quốc Tế Y Sĩ VN Tự Do 2014.
-Thái Công Tụng với Việt Nam : môi trường và con người, giải Văn Học Nghệ Thuật của Hội Quốc Tế Y Sĩ VN Tự Do 2008, và rất nhiều tựa sách khác, nhất là về môi trường-sinh thái
-Nguyễn Văn Phú với Góp Nhặt, Nói chuyện về Đạo Phật rất từ bi hỷ xả, mô phạm
-Đặng Vũ Nhuế với Nói chuyện Việt Nam, Phương Đông PhươngTây, Từ Âu sang Á, Kể chuyện nước Nga,
-Nguyễn Thị Chân Quỳnh với 3 cuốn về Khoa cử Việt Nam (Thi Hương, Lối xưa xe ngựa tập I và II)
-Đào Đức Chương với rất nhiều tựa đề đa dạng, nhất là về lịch sử, phong tục vùng Bình Định
-Hoàng Ngọc Thành cùng phu nhân Thân Thị Nhân Đức với Những phản ảnh xã hội và chính trị trong tiểu- thuyết miền Bắc, Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và nhiều tựa khác
-Nhóm Gs Đại Học Văn Khoa Huế (Lê Văn, Đoàn Khoách) chủ trương bộ Dòng Việt ra 23 số đến năm 2009
-Bên Pháp có Lâm Thanh Liêm, Nguyễn Thế Anh nổi danh với những cuốn sách lột mặt nạ và kể tội HCM
-Các học giả Thái Văn Kiểm, Lê Mộng Nguyên được mời vào Hàn Lâm Viện- «outre mer » của Pháp
V.v… và v.v…
Trong Y giới, tôi xin liệt kê theo trí nhớ các bậc thầy và huynh trưởng:
-cố Gs Trần Văn Bảng với Thư mục Y Giới văn thi nghệ sĩ
-cố Gs Nguyễn Đình Cát với le manger et le boire vietnamiens dans la littérature populaire
-cố Gs Trần Lữ Y với Bốc Phệ, các cố Gs Trần Quang Đệ, Đặng Văn Chiếu, Trần Vỹ …
-Gs Trần Ngọc Ninh với Cơ cấu Việt Ngữ, Y Khoa Đại Học Đường Saigon …
-Hoàng Xuân Chỉnh với Từ Điển Nhân danh, Điạ danh & tác phẩm văn học nghệ thuật Trung Quốc (đã tái bản, Giải HQTYSVNTD năm 2008)
-Nguyễn Hy Vọng với Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, và Những nẻo đường tiếng Việt
-cố Bs Lê Văn Lân với Bút Kkảo về ăn, Phù thuật VN, Chiếc bảo ấn cuối cùng của Hoàng Đế Việt Nam, Bút- khảo Huế qua nỗi nhớ, …
-Trần Văn Tích với muôn vàn bài nhận định và các biên khảo như Sự muôn năm cũ, Nho Y Nguyễn Đình Chiểu, Văn Sử Y Dược trong truyện chưởng Kim Dung …
-Ngô Thế Vinh vì tiền đồ lâu dài của đồng bằng sông Cửu Long đã báo nguy từ rất lâu khi Trung Cộng quyết chí xây đập thủy điện, triệt dòng nước và phù sa cũng như phá huỷ hệ sinh thái qua rất nhiều tác phẩm trong đó có Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng (giải Văn Học Nghệ Thuật của Hội Quốc Tế Y Sĩ VN Tự Do 2002)
-Hoàng Dung (Đi vào cõi vô cùng), Bùi Trọng Căn (Thiên Văn học) khảo cứu về vũ trụ, thiên văn
-cố Bs Trần Đức Cương, chung với Lê Phụng, Nẻo mới vào văn học
8.Phê bình văn học
-Võ Phiến (Hoa Kỳ): luận về toàn bộ Văn học miền Nam, các thư gửi bạn
-Nguyễn Hưng Quốc (Úc) với mươi cuốn bàn về thơ, về văn
-Nguyễn Vy Khanh (Montreal) với Văn học và thời gian
-Bùi Vĩnh Phúc (Cali) với Lý luận và phê bình 20 năm văn học Việt ngoài nước
-Trương Đình Nho (Cali) với 20 năm văn học hải ngoại
-Nguyễn Mộng Giác (Cali) với Nghĩ về văn học hải ngoại
- Thụy Khuê (HK) với rất nhiều bài phê bình đăng rải rác trên các báo khắp Bắc Mỹ và Âu Châu
-Khiếu Đức Long (Montreal) với Việt Nam văn hóa luận
9) Các tác giả thuộc giới y sĩ
- các « văn sĩ nổi tiếng »
Ngoài các danh sĩ đã nêu ở trên, ta có thể kể thêm Mai Kim Ngọc, Trang Châu Lê Văn Châu, Ngô Thế Vinh, Trần Long Hồ, Nguyễn Đình Phùng, Nguyễn Xuân Quang, Đông Nghi Nguyễn Thanh Xuân, Trúc Cư Nguyễn Đương Tịnh, Phương Du Nguyễn Bá Hậu, Nguyễn Đức An, Hồ Văn Châm, Phạm Thế Trường, Trần Ngươn Phiêu, Nguyễn Vĩnh Đức, Nguyễn Văn Bảo, Hoàng Chính, Tôn Kàn Nguyễn Trùng Khánh, Từ Uyên, Đỗ Hoàng Ý, Ba Lăng Nguyễn Duy Hảo… đều đã có sách xuất bản
- các cây bút « nghiệp dư »
Đã đóng góp rất nhiều cho các báo của Y giới nhất là cho TSYS, đặc biệt là Phạm Hữu Trác, Phạm Tu Chính, Nguyễn Thanh Bình, sau đó là Trần Mộng Lâm, Thân Trọng An, Ngô Sắc Trần Thị Thư, Nguyễn Gia Ân, Lý Hồng Sen, Nguyễn Tấn Hồng, Nguyễn Lưu Viên, Dương Hồng Mô, Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Gia Tiến, Nguyễn Thành Long, Lê Thị Diễm Trinh, Trần Cao Thăng, Trần Văn Dũng, Hoàng Ngọc Khôi, Nguyễn Dương, Vũ Văn Dzi, Nguyễn Thượng Vũ, Đặng Phú Ân, Nguyễn Lương Tuyền, Võ Tam Anh, Cấn Thị Bích Ngọc, Khuê Tú, Bùi Trọng Cường, Hà Ngọc Thuần, Nguyễn Mạnh Tiến … đều có bài trên TSYS nhưng, theo tôi nghĩ, chưa trình làng tác phẩm của mình
10) Một vài nữ sĩ gốc Việt viết bằng ngoại ngữ
- Kim Thuý (Montreal) đã trình làng 2 tác phẩm (RU, pháp ngữ trúng giải của Toàn Quyền Canada, Mãn anh ngữ, best seller tại Quebec năm 2014)
- Caroline Vũ (Montreal) : the Palawan story, trong số 100 tựa bán chạy nhất trên Amazone năm 2014
- Dương Như Nguyện (Hoa Kỳ) : Mùi hương quế, Chiếc phong cầm của bố tôi, Chín chữ của nàng.
Daughters of The River Huong (Con gái của sông Hương, giải nhất International Book Award 2012)
11) Hai nữ sĩ ngoại quốc viết và nói tiếng Việt rất giỏi cũng nên nhắc đến là:
- Ỷ Lan (Penelope Faulkner, Pháp) người Anh quốc vì mê tiếng Việt nên lấy chồng Việt Nam bên Pháp, viết văn rất giỏi và trích dẫn thơ hay ca dao một cách xuất sắc (Quê nhà)
- Irina là người Nga sô, từ bỏ chế độ từ thập niên 80 trước khi Liên sô sụp đổ, nói cũng như viết tiếng Việt rất giỏi, vận động giúp người Việt trong nước và hải ngoại chống lại chế độ cộng sản, cũng đã viết sách tiếng Việt
12) có một “trung tâm văn hóa”(SACEI : Saigon art, culture, education Institute) ở Cali do Võ Minh Nghiã thành lập từ 10 năm nay tại quận Cam
D. Thơ
Mỗi người Việt Nam là một thi sĩ cho nên chúng ta không lạ khi có rất nhiều bài thơ hay được phổ biến. Mỗi tình huống, chia ly, tình lỡ, già lão, hoài hương, uất hận … đều cảm khái ra những bài thơ thấm tận cõi lòng. Và có nhiều bài thơ thật xuất sắc, được giải thưởng quốc tế (vd Bạch Vân Bùi Trọng Hợp, Xuân Tước, Rose Hồ Thị Hường…)
Ra hải ngoại, thi ca nở rộ, cộng đồng Người Việt tại nơi nào cũng có thi sĩ, mà rất nhiều bài thơ hay mới đáng mừng.
Trong 15 năm đầu có 3 thi sĩ nổi bật là Thanh Nam (đã có ít bài thơ trước 75), Cao Tần (Lê Tất Điều) và Mai Thảo trước đó không làm thơ.
Các thi sĩ nổi danh thì nhiều lắm, không thể nhớ hết để liệt kê, tôi xin trích dẫn vài vị
-tại Montreal có Trang Châu, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Lưu Nguyễn, TTX, Tôn Thất Tuệ, Nguyễn Bá Dĩnh, Dương Tử, Võ Đệ, Quản Hùng, Phan Thị Thủy Trang, Sao Khuê, Đỗ Thị Kim, Đặng Ngọc Lâm, Mỵ Lan, Hiên Chi, …
-tại Toronto có Hoàng Chính, Hoàng Ngọc Khôi, Phan Ni Tấn,
-Vancouver có Ý Nga
-bên Hoa Kỳ thì Hà Huyền Chi, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Trần Trung Đạo, Quan Dương, Mùi Quý Bồng, Trần Mộng Tú, Ngô Minh Hằng
-Nguyễn Đức Hiển với rất nhiều tập thơ Đường và thơ dịch
-bên Âu Châu có nhiều vị tôi không được biết ngoài ba y sĩ là Gs Nguyễn Văn Ái (Vân Uyên, Pháp), Kim Thành Xuân (Pháp) và Hoàng Ngọc Quỳnh Giao (Tiểu Quỳnh, Bỉ) được nhắc đến nhiều với bài Dạ Quỳnh Hương
-trong giới y sĩ thì Phạm Văn Hải, Hoàng Xuân Thảo (Hoàng Ngọc Khôi), Dã Thảo (Nguyễn Xuân Tùng), Đông Nghi (Nguyễn Thanh Xuân), Bát Sách (Nguyễn Thanh Bình), Trần Kim Vân (Thân Trọng An), Nguyễn Đức Mạnh, Lương Duyên Nam, Tô Đình Đài, Đoàn Minh Quang, Trần Huỳnh Anh Schroeder, Thân Hoàng Long, Nguyễn Ngọc Lang … cũng thường có thơ đăng trên TSYS
Một nhóm 7 y sĩ vừa ra tập « Y sĩ với nàng thơ » trình làng 100 bài thơ của 100 y sĩ, mỗi người một bài
Tại Montreal còn đặc biệt có Văn Lâm Xã (trong đó có cựu Thiếu Tướng QLVNCH Tôn Thất Xứng và bổn báo chủ bút) đã trình làng 5 tuyển tập và hàng năm mở hội làng, đã trình diễn 5-6 lần trước quan khách
sau này xuất hiện thêm Hương Thơ Văn Đàn gồm toàn nữ lưu
D.Sức mạnh của Internet, của các cuộc xuống đường
-Khi ca nhạc sĩ Việt Khang bị VC bắt thì hải ngoại tranh đấu đòi trả tự do cho anh, đã dùng đến mạng Internet để vận động với Toà Bạch Ốc. Chỉ trong vài ba ngày mà đã thu được cả 125,000 chữ ký
Do đó nếu có chính nghiã và khéo vận động kêu gọi thì thông tin mạng là một vũ khí hiệu quả rất nhanh chóng.
-Trong hiện tượng Trần Trường ngoan cố trưng bày hình ảnh tội đồ dân tộc làm người tỵ nạn phẫn nộ, mọi người, nhất là giới trẻ, đã tụ họp phản đối và sau đó Trần Trường bị phải dẹp tiệm (dù rằng cảnh sát Cali tìm ra một lý do khác). Đó là nhờ cách vận động bằng truyền thông (báo chí, các đài phát thanh và truyền hình)
-Các trận chiến của đồng bào đòi dẹp bỏ cờ máu hay cấm VC vãng lai cũng thành công nhờ các cuộc vận động xuống đường rất dân chủ, nhờ báo chí, các đài phát thanh và truyền hình, các nghị viên Hội Đồng thành phố
E.Truyền thanh, truyền hình
Ngoài các đài kỳ cựu và uy tín như BBC, VOA, RFI, RFA hầu như mỗi thành phố lớn đều có một vài đài phát thanh từ vài giờ mỗi ngày đến thường trực 24 trên 24. Các đài truyền hình Việt Nam cũng từ từ góp mặt trong việc thông tin và giải trí. Các vùng Hoa Thịnh Đốn, Texas và Cali thì có nhiều đài trên nhiều băng tầng khác nhau, đặc biệt là đài SBTN của nhóm Asia Trúc Hồ với các người điều khiển chương trình linh hoạt như Nam Lộc và Việt Dũng. Toronto, Ottawa, Montreal cũng có nhiều đài truyền thanh, truyền hình nhưng trong một phạm vi nhỏ bé hơn.
F.Vài vụ kiện nổi tiếng
-Tôi nhớ mãi không khí sôi nổi lúc Nguyễn Xuân Quang kiện Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi
-một vụ khác, một đảm lược đáng kính phục là « người tù kiệt xuất » cựu Đại Uý Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện kiện Trung tâm William Joiner Center vì họ cùng VC âm mưu nhuộm đỏ căn cước người Việt tỵ nạn,
-Cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Liên Thành đang kiện các tên đồ tể VC về vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế
-Gần đây nhất vụ báo Người Việt thắng kiện báo Saigon Nhỏ làm xôn xao dư luận rất nhiều.
G.Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại
Vài năm sau khi mới an cư chưa kịp lạc nghiệp, văn thi sĩ VN tỵ nạn đã tái lập Văn Bút VN, thêm hai chữ Hải Ngoại được Văn Bút Quốc Tế công nhận, trong khi các văn nô trong nước còn bị các Hội nhà văn và MTTQ kềm kẹp và Văn Bút Quốc Tế gạt bỏ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chủ tịch đầu tiên là Minh Đức Hoài Trinh. Canada đã có hai chủ tịch là Lê Văn Châu (Montreal) và Nguyễn Ngọc Ngạn (Toronto). Chủ tịch hiện tại (2012-2015) là Võ Văn Tùng (Cali).
II.Âm nhạc
Tôi thuộc loại « tuổi sửu » nghe nhạc như đàn gảy tai trâu nên rất ít am tường bộ môn này, tuy nhiên cũng xin góp vài nhận xét chủ quan chung chung, có sai lạc xin được đại xá.
-khởi đầu là các băng cassette cũ được sao lại và bán rất dễ dàng
-rồi vài « hãng nhỏ » thành hình đáp ứng nhu cầu của người xa xứ hoài hương
-khi có Video mọi người hân hoan đón xem và nghe các chương trình Thúy Nga Paris by night, thật dễ thương cho đến khoảng năm 1997 rồi sau đó … biến thái dần. Các hãng Vân Sơn, Làng Văn cũng góp phần không nhỏ trong giai đoạn này
-Gần 10 năm sau các chương trình Asia khởi sắc và tranh đua ngang ngửa với Thuý Nga
-Các nhạc sĩ ra nước ngoài mất đi nguồn cảm hứng của những thập niên 50-60-70 của miền Nam VN thành ra ít tác phẩm làm ngây ngất người nghe như thời hoa niên của chúng ta. Lam Phương có Bài tango cho em, Đức Huy với câu « bỏ lại con tim » làm tôi yêu thích. Lê Dinh, Phạm Mạnh Cương ở Montreal sáng tác ít hẳn đi. Trường Kỳ thuở sanh tiền quay sang cầm bút và làm « bầu show», « book » ca sĩ dùm các Hội đoàn tại Montreal.
-Trong giới Y sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất là Phạm Anh Dũng (Cali). Cũng phải nhắc đến Mùi Quý Bồng (Louisianna), Nguyễn Đình Phùng (Texas), Trần Cao Thăng (Montreal).
-« bác sĩ-ca sĩ » Bích Liên hát hay như nhà nghề, các ca đoàn Áo Trắng của các hội Y giới Texas hay của San Jose trình diễn rất ngoạn mục và hấp dẫn
-một điểm đáng tự hào là có nhiều ca sĩ dân bản xứ cũng học hát nhạc Việt và phát âm rất hay, rất chuẩn. Tôi muốn nhắc đến Dalena (Mỹ), Lilly Doiron (Canada) và Lyne (Úc)
III.Hội họa
-Nổi tiếng ở hải ngoại có cố « đa sĩ » Giáo sư Đại Học-văn-thi-họa sĩ tài danh Nguyễn Đức Hiển, các họa sĩ Đinh Cường, Võ Đình rất được hâm mộ … đã từng triển lãm bán tranh
-Trong giới y sĩ tôi biết tài của cố Bs Dương Cẩm Chương, cố Bs Dương Đình Tuân, của Liza, của Kathy đã từng vẽ bià cho các báo các Hội Y sĩ, các anh Mùi Quý Bồng, Nguyễn Thanh Xuân nét đan thanh cũng rất tài hoa, minh hoạ rất nhiều bài viết, bài thơ.
*
* *
Không bị gò bó bởi bất cứ lý do nào, không bị kiểm duyệt, không phải tuân hành chỉ thị của đảng hay nhà nước, không bị đe doạ vào tù hay mất hộ khẩu, mất phiếu thực phẩm, không sợ bị cô lập và bị sa thải ra rià, với sự tự do phát biểu tối đa, với tài liệu phong phú dễ dàng trong tầm tay, với tin tức đầy đủ không bị bẻ cong hay bưng bít, người Việt tỵ nạn hải ngoại được đầy đủ cơ hội để viết theo lương tâm, theo sở kiến nên trong hai mươi năm đầu văn học hải ngoại nở rộ tạo ra một dòng văn học chính thống tiếp nối văn học miền Nam thời Cộng Hòa, mặc dù vẫn bị VC len lỏi cố phân hoá. Hơn nữa, việc in ấn lúc đầu còn phải đánh máy và bỏ dấu tay, về sau nhờ có máy điện toán và các bộ chữ Việt nên việc trình bày và phát hành không còn là một trở ngại lớn, ai ai cũng có thể ra sách khá dễ dàng.
Và với thời thế, với thời gian, với hội chứng « 3 Q » (Quên, Quen, bỏ Qua) vì người quốc gia mình quá tình cảm, quá vị tha, quá nhớ nhà … hay vì nhiều lý lẽ khác nên Dòng văn học hải ngoại từ năm 2000 có vẻ trầm lặng hẳn đi, có vẻ « lão hoá » (chữ của Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Vy Khanh, Thụy Khê) vì thiếu sáng tạo, và vì lớp trẻ thế hệ 2 ít viết bằng việt ngữ. Sau 40 năm, vì người đọc và người viết càng ngày càng ít đi, phí tổn ấn loát và phát hành càng ngày càng cao nên trào lưu sách báo giấy càng ngày càng giảm dần.
Mong sao tre già măng mọc,
Mong lắm thay !
TT Thiên Kim
Montreal, 30 tháng 4 năm 2015-02-19
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015