Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Korean-Air.747.arp_.750pix
LÓi VŠ Quê MË
 
Phan Bäo ThÜ
 
 
 
 
Khá mệt mỏi sau nhiều giờ ngồi bó chân trong phi cơ suốt chặng đường dài nửa vòng Thế giới O'Hare-Inchon, lại thêm mấy đêm thiếu ngủ vì phải lo sửa soạn hành lý, cân đi, cân lại mấy lần, sắp xếp làm sao để có thể mang được nhiều quà cho anh em và bạn bè mà không phải bị phạt vì quá tải, Hằng vội vã tìm quầy vé cho trạm trung chuyển cuối cùng của chuyến bay, chặng đường từ Hán thành về Sài gòn. Vặn lại kim đồng hồ theo giờ của phi trường Inchon. Ba giờ chiều; xem lại tấm vé cuối cùng trong túi áo: Năm giờ 45 phi cơ mới cất cánh. Còn gần ba giờ nữa để chờ đợi, Hằng muốn tìm một chỗ nào yên tĩnh  chợp mắt một chút; chàng cũng muốn tươi tỉnh khi gặp lại người quen.

Góc trái, hàng ghế cuối cùng còn trống. Ngã người vào lưng ghế, chập hai bàn tay, đan các ngón tay vào nhau sau khi đã cẩn thận lòn cẳng tay phải dưới quai của túi hành lý xách tay đặt ngay bên hông phải. Chàng yên chí là đã tìm ra tư thế thoải mái và an toàn để dỗ giấc ngủ. Nhưng rồi chàng không thể nào chợp mắt dù chỉ một phút, chàng vốn là người khó ngủ, phòng chờ đợi lại sáng quá; bây giờ đang là cuối mùa Xuân, đầu mùa Hạ và thỉnh thoảng lại có những tiếng chân người đi, tiếng nói chuyện tuy không quá ồn ào.

Không ngủ được, Hằng muốn dạo một vòng xem phi trường Quốc tế của xứ Đại Hàn này có gì đặc sắc không. Không có gì lạ so với các phi trường ở Mỹ: cũng vẫn những quầy sách báo; chỗ bán hàng lưu niệm, quầy giải khát và bán thức ăn nhẹ. Chàng tiến về phía cửa kính nhìn ra bên ngoài.

Không có kim la bàn nhưng nhìn bóng râm của mấy chiếc máy bay trong phi trường chàng đoán rằng mình đang nhìn về phía Tây Bắc. Trời trong xanh, xa xa là những rặng núi không cao lắm; phải, những dãy núi không cao gợi lại cho chàng những hình ảnh của các phi trường ở miền Trung Việt Nam mà chàng đã có dịp đi qua trong những ngày trai trẻ khi trước của một thời chinh chiến: phi trường Nha-Trang tuy nhỏ nhưng thật thơ mộng bên một góc núi, cạnh bờ biển, bên đường Duy Tân rợp bóng thuỳ dương; phi trường Đông Tác ở Tuy Hoà trải rộng bên bãi cát miền duyên hải dưới đỉnh núi lịch sử Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) mà theo truyền thuyết như còn in nét chữ, tạc bằng đường gươm của vua Lê Thánh Tôn; Phi trường Phù Cát như hiện lờ mờ sau những bóng dừa Tam Quan, dưới chận rặng Trường Sơn…

Những kỷ niệm xưa hiện về trong ký ức thật khó xoá nhoà dù đã mấy mươi năm. Một chút bùi ngùi... Dưới sân mọi sinh hoat vẫn nhộn nhịp, những xe bốc hàng từ những khoang máy bay, những xe nâng các kiện hàng và các xe kéo phi cơ từ bãi đậu ra đầu phi đạo chạy tới chạy lui. Ánh sáng từ tấm kính chiếu hậu của một chiếc xe bốc hàng bên dưới làm choá mắt; chàng trở gót quay về chỗ cũ.

Bên cạnh chỗ ngồi của chàng khi nãy đã có một thiếu phụ bồng một đứa bé trạc chừng đang tuổi thôi nôi. Chàng bước nhanh sau hàng ghế, bỗng người đàn bà trẻ ngước mặt nhìn chàng, nhíu đôi chân mày và miệng phát ra một tiếng “A! “ tỏ vẻ ngạc nhiên.

Một khuôn mặt khả ái của một phụ nữ Đông phương. Chàng cũng thoáng một chút ngac nhiên. Có vài nét trông quen quen trên khuôn mặt trái soan dễ thương: đôi mắt đen lánh, mái tóc mềm  che nửa bờ vai, một lọn tóc trước trán tạo nét trẻ trung và thêm phần kiều diễm. Hằng cố nhớ xem khuôn mặt trông quen quen này mình đã gặp ở đâu, nhưng rồi cảm thấy phi lý vì làm gì có khuôn mặt quen nào ở chốn xa lạ. Tại sao phải nhọc công bắt đầu óc phải suy nghĩ. Chàng tự nhủ, có thể khuôn mặt trông quen quen vì giống một ngôi sao điện ảnh Hàn quốc chăng. Thôi, hãy để cho đầu óc thảnh thơi và thoải mái vì chốc nữa đây chàng sẽ gặp lại bao nhiêu người thân sau nhiều năm xa cách.

Đứa bé chợt khóc nhề nhệ. Hẳn đã đến giờ ăn, chàng đoán thế, người mẹ lấy bình sữa còn quấn tấm khăn bông nhỏ để giữ ấm. Thằng bé chỉ nút vài miếng rồi buông bình sữa, tiếp tục nhề nhệ khóc. Người mẹ vỗ nhẹ hai tay vào lưng đứa bé, miệng ê a dỗ dành. Tiếng khóc vẫn ư ử, nó quơ tay và đạp chân, đánh rơi chiếc mũ. Hằng giúp người mẹ nhặt chiếc mũ bằng dạ màu xanh có thêu mấy chữ Đại Hàn mà chàng đoán là Kim Tương Mỹ những chữ tương đối giống những chữ Nho mà chàng đã học lõm bõm thời trước trong trại tù cải tạo của Cộng Sản và trong những ngày thất nghiệp lang thang ở Sài Gòn trước đây.

Thiếu phụ nhìn chàng đôi môi mấp máy: “cảm, ... gô mop sumni đa "; chàng đoán rằng cô ta nói cảm ơn bèn nhỏ nhẹ đáp lại:"sure thing" ( không có gì) và để lấy lòng người lạ chàng nói câu chào hỏi mà chàng đã học được từ mấy anh lính Đại Hàn thời trước: "an nhon hai xi mi ca".

Nàng ngước mắt nhìn Hằng một lần nữa, chớp mắt và không nói; tiếp tục vỗ nhè nhẹ vào lưng đứa bé và khe khẽ ru:

"à ơi.... gió mùa Thu Mẹ ru con ngủ...
Chớ mà năm canh dài mà thức đủ á năm ả canh..."

Hằng thật sự ngạc nhiên. Một cô gái Đại Hàn sao biết ru con bằng câu ca dao Việt nam.

Thằng bé vẫn ư ử thút thít tuy nhỏ hơn:

"à oi ời.... dí dầu tình bậu muốn thôi à
Bậu gieo tiếng dữ ả.. cho dừa bậu ra, a..."

Chàng đoán rằng có lẽ người đàn bà này đã từng là một sinh viên hay một chuyên viên ở ngành nào đó đã qua Việt Nam du học và học được vài câu hát ru ở quê hương chàng. Thông thường thì người ta ru con bằng tiếng mẹ đẻ của mình chứ ai ai lại ru con bằng thứ ngôn ngữ khác lạ. Hay là những âm thanh và lời ca mộc mạc của ca dao Việt Nam có giúp cho những đứa trẻ dễ ngủ hơn lời ru của các ngôn ngữ khác chăng?

Không ngăn được sự tò mò, Hằng quay mặt về phía thiếu phụ hỏi:

- Sao cô biết những lời hát ru này; chắc cô đã từng qua Việt Nam rồi?

Cô gái nhìn chàng, liếc mắt về một góc xa, có vẻ đang suy nghĩ điều gì. Ngại rằng giọng nói tiếng Anh của mình khó nghe, Hằng lập lại câu hỏi; lần này chậm rãi và cố phát âm đúng giọng theo ông giáo đã dạy ở Boston: "chắc cô đã từng sang Việt Nam du học hay đi công tác bên ấy?"

Cô gái tròn xoe đôi mắt, nhìn chàng; "ồ " một tiếng thật lớn, Dượng Út ! " Dượng Út , à quên Bác sĩ Hằng phải hông?, “nãi” giờ con “nhình” mà hổng giám hỏi?

Lâu lắm rồi mới được nghe giọng nói của cô gái Sài gòn, Hằng thoải mái chuyện trò với cô bằng tiếng Việt. Và cũng lâu lắm chàng mới được nghe người khác gọi mình là Dượng Út. Hồi đó chỉ có vài đứa cháu và vài đứa trẻ láng giềng bên gia đình vợ gọi chàng như thứ bậc trong nhà.

- Đúng rồi, tôi là ông Hằng đây, nhưng sao cô biết tôi?

-Dượng Út quên con rồi, hồi trước nhà con ở chui bên dưới cầu thang của cư xá Ngọc Giáp trước mặt nhà Dượng Út, à quên , nhà cô Út đó mà.

Cô gái vén chòm tóc trước trán, chỉ vết sẹo nhỏ.- Hồi đó con bị thằng Tỵ đánh toác da đầu ra máu quá trời, Cô út và Dượng út may lại cho con đó. Cái thằng dữ thật, nó hái trộm mận nhà dượng, con xin nó một trái nó không cho, con hù nó là con đi méc dượng chưa méc mà nó đánh con như dậy á.

-À ! Bé Ba !

- Dạ. Bây giờ con tên Liễu.

-Con cô Huệ Viên và anh B...

-Ông bán xăng, ông Bình bán xăng.

-Thảo nào khi lần đầu nhìn cô tôi đã thấy quen quen mà không nhớ gặp ở đâu; cũng đã mười mấy gần hai mươi năm rồi còn gì? Sao? Bây giờ gia đình ở đâu, ba mẹ cháu thế nào?

- Mẹ con chết rồi, ba con già, bây giờ bán vé số chứ không bán xăng nữa. Mấy cây xăng đã mở của bán tự do đâu ai bán xăng cho mình nữa đâu mà bán xăng lậu…

Lòng bùi ngùi khi nghe tin một người quen qua đời. Hằng xúc động nhớ lại vài kỷ niệm từ những ngày còn là sinh viên Y khoa, những năm cuối khi đang thực tập  ở Bệnh viện Nhi Đồng. Cô Huệ Viên thuở ấy là người phụ tá cho cô Tuyết, thư ký của Giáo sư Tuân. Nhiệm vụ chính của cô Viên là làm danh sách sinh viên trực và cấp áo blouse có in mấy chữ BSTT cho các sinh viên năm thứ năm trở lên và các sinh viên nội trú; cô cũng giữ luôn các thứ vợt  lưới và những quả bóng bàn ở khu Sinh viên Bệnh viện Nhi Đồng. Thỉnh thoảng cô Huệ Viên thay cô Tuyết cầm sổ điểm danh theo thầy Tuân đến các trại bệnh có sinh viện thực tập. Năm ấy, vào những ngày cuối năm, nhóm thực tập của Hằng chừng 5-6 người được chia về trải Bệnh Truyền Nhiễm 3A của Bác sĩ Nguyễn Đức Hiệp. Vì Bác sĩ Hiệp là công chức của Bộ Y tế, không phải là nhân viên giảng huấn của Trường Y khoa, tuy có hướng dẫn sinh viên Y khoa ở các giường bệnh nhưng không có trách nhiệm phải giám sát kỹ sự hiện diện của các sinh viên, nên thỉnh thoảng Giáo sư Tuân có đến điểm danh và xem xét việc học hành của các sinh viên.

Công việc của Hằng và cả nhóm không có gì nặng nhọc khó khăn sau mấy tuần làm quen vì các bệnh lạ không nhiều, thông thường nhất là thương hàn và bạch hầu. Mỗi ngày khám bệnh, làm hồ sơ bệnh lý, báo cáo các kết quả thử nghiệm và đề nghị phương pháp điều trị khi Bác sĩ Hiệp đi thăm bệnh.Thông thường mười giờ rưỡi hay mười một giờ là xong việc, họ có thể vào phòng trực tán gẫu, đọc sách, hay tán dóc với mấy em sinh viên Minh Đức: Hoàng Mỹ Hạnh, Hà Hải Châu, … mới đến thực tập hay vào phòng tiểu phẩu phụ giúp nội trú Giỏi làm thiết khai khí đạo (trachéotomie ) các trường hợp bạch hầu nặng bệnh nhân khó thở. Anh Giỏi bị chứng "Sai Triển Xương' (osteogénésis imperfecta ), tay chân khoằn khoèo nhưng làm trachétomie thật đẹp và đánh pingpong với những cú líp cú tạt rất mạnh.

Hôm ấy ngày Thứ Sáu, cuối năm công việc ở trại bệnh xong sớm, Bác sĩ Hiệp bận việc nhà, giao mọi việc chăm sóc trại bệnh cho nội trú Giỏi, Hằng và cả nhóm kéo nhau về khu sinh viên bàn tán tin tức nóng hổi về Hiệp định Paris vừa mới ký kết. Chẳng may, bất ngờ ngày hôm ấy Giáo sư Tuân và cô Viên đi điểm danh. Mọi người lo lắng; không biết những buổi vắng mặt trong khi đi thực tập này có ghi vào học bạ hay không? Và trong kỳ thi Bệnh lý năm tốt nghiệp môn Nhi khoa nếu vào vấn đáp gặp Thầy Tuân thì cũng mệt và đáng ngại nhất là nếu Giáo sư Tuân báo cáo về Trường Quân Y thì Hằng và Nguyễn Hồng Sơn thế nào cũng bị "ký củ ".

Anh Sĩ Già nêu ra biện pháp “mỹ nam kế”: mấy thằng tụi mày thằng nào đẹp trai đi cua con Viên, kêu nó xoá dấu vắng mặt trong sổ đi. Thằng Sơn, thằng Phúc, thằng Minh, thằng Hằng đứa nào tình nguyện?

Có lẽ giải pháp này hay hay nên mọi người có vẻ tán thành nhưng không ai tình nguyện. Sĩ "già" chỉ định: L. V. Minh ăn nói khéo, chắc Minh làm được.

-Không, Minh trả lời, tôi mới cưới vợ tháng trước đang trong thời kỳ trăng mật.

-Thằng Phúc?

-Tôi đã có fiancée, Phúc " ghẻ" trả lời.

Vậy thằng Sơn hay thằng Hằng?

-Mày đi Sơn, Hằng nói.

-Kính đàn anh trước chứ Sơn này đâu dám qua mặt. Tôi thấy cô Huệ Viên cũng có cảm tình với anh lắm hình như có lần anh dợt ping pong với cổ mà.

-Bậy mày, tao chỉ mượn vợt và lưới để chơi với Vũ Q. Cường và B. Cam chứ dợt banh với cô Viên hồi nào.

Nhưng mọi người đều tán đồng. Hằng phải chống chế: tôi có cô em Bắc kỳ nho nhỏ rồi , không tiện đâu?

-Thì anh cứ cua cô Viên đi, thêm một người secours có sao đâu.

- Mà dễ gì cua được. Con nhỏ đó khôn lắm.

-Khôn gì? Minh nói, con gái đứa nào cũng có cái ngu hết. Toa cứ cua đi rồi moa sẽ chỉ cái ngu của nó cho.

Sĩ già cũng phụ hoạ; cứ tự tin đi, thằng anh mày đây sẽ bày cho vài kinh nghiệm.

Biết thật ra đây cũng chỉ là những chuyện đùa vui thôi, Hằng chỉ ầm ừ cho qua chuyện.

-Ừ thì để tôi cố gắng, nhưng chỉ còn vài tuần nữa là xong niên khoá rồi, mấy "ngài " cố gắng đi học đều, tụi mình mới vắng mặt có một buổi có ăn nhằm gì đâu. Đừng có lo. Mà thầy Tuân nhớ dai lắm đừng có làm bậy mà thêm lôi thôi.

Tuy nói không lo nhưng Hằng không thể yên tâm được vì nếu các sĩ quan lo về học vụ của Trường Quân y biết được chuyện vắng mặt của chàng thì cũng phiền phức lắm, nên có một lần xong việc sớm chàng lò mò đến phòng cô Tuyết để thăm dò tình hình.

Đầu tiên chàng hỏi thăm gia cảnh cô Tuyét để lấy cảm tình rồi lần lần hỏi về công việc của Giáo sư Tuân.

-Thầy Tuân làm việc bận bịu quá hả chị? Tụi tôi đi stage ở trại 3 A ít có dịp được học với thầy quá.

Chàng nói làm ra điều chăm học nên Cô Tuyết không nghi ngờ gì.

-Vâng ông xem, mỗi tuần ông thầy phải lên họp ở Bộ Y tế vào ngày thứ Tư, ... chỉ có ngày Thứ Sáu ông thầy mới rảnh,  có thể đi điểm danh và dạy thêm Sinh viên ở trại 3 A thôi. Lich trình đây ông xem…

Lần ấy tuy không phải nhọc công đi tán tỉnh cô Huệ Viên, Hằng cũng đã biết được thời khoá biểu làm việc của Giáo sư Tuân và nói và cho các bạn cùng nhóm biết như là một kỳ công, một, chiến lợi phẩm quý giá.

Nhưng mọi việc lắm khi không đến như những sự tính toán của người đời. Hai ngày sau buổi chào cờ đặc biệt và cảm động vì ai cũng nghĩ rằng chiến tranh đang chấm dứt, sau phút mặc niệm để tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong trong cuộc chiến dai dẳng, mọi người hân hoan chờ đón hoà bình, Y sĩ Đại tá Chỉ Huy Trưởng tuyên bố xả trại cuối tuần. Hằng và các bạn trong "băng nhậu" đã có những buổi vui chơi "tới bến". Nhưng chỉ hai ngày sau khi hiệp định ngưng bắn có hiêu lực Đại tá Chỉ Huy trưởng kêu gọi Sinh viên Quân y hiến máu vì Trung tâm tiếp huyết đang thiếu máu cung cấp cho các Quân y viện trên toàn quốc. Ân hận vì cuộc vui (mừng hoà bình giấy đã đốt thành tro) Hằng đã cùng nhóm bạn trong “ban nhậu” hiến máu.

Niên khoá cuối qua mau, những ngày cuối tuần học hành chánh nghe các niên trưởng Vũ Khắc Niệm, Trần Xuân Dũng, Trang Châu,Tô Phạm Liệu, Phạm-gia Cổn… nói về những kinh nghiệm chiến trường và những cư xử tế nhị với các sĩ quan khác ngành; tập thao diễn cho buổi lễ mãn khoá.

Cuộc chiến có phần gay go, tuy nghĩ rằng sẽ có nhiều khó khăn và nguy hiểm, mọi bạn đồng khoá đều nhận nhiệm sở đúng hạn, nhưng thời cuộc biến chuyển quá nhanh sau cuộc triệt thoái quái ác từ Cao nguyên. Quyết định ngu xuẩn phạm nhiều sai lầm cả chiến thuật lẫn chiến lược lại không đem lại một mảy may kết quả nào cho cuộc tháu cáy chính trị đối với phía đồng minh đã trơ trẽn dứt bỏ trách nhiệm.

Cuộc lui binh chỉ mang lại sự bất ổn ở những tỉnh thành vốn là những hậu cứ an bình, như những quân bài trên ván bài domino bị sụp, lần lượt các tỉnh miền duyên hải chưa đánh đã chạy. Bằng mọi cố gắng Hằng và những đồng đội đã về đến Bình Tuy với chiếc xe jeep mà tài xế, Hạ sĩ Hải đã nhặt được ở Quân cảng Qui Nhơn. Từng chặng ghé vào các quân y viện xin xăng và thức ăn, quần áo, các đàn anh đã nhiệt tình giúp đỡ.

Xe và vũ khí đã bị Sư-đoàn 2 tịch thu. Lang thang suốt buổi sáng ở Đồi Dương chờ các sĩ quan Phòng Một của Sư đoàn 2 đến tiếp nhận và có kế hoạch di tản. Tướng Trần văn Nhựt đã thiết lập mặt trận Bình Tuy chắc còn nhiều bận rộn nên chưa có kế hoạch gì với đám tàn quân di tản. Hằng bàn với Thịnh "điếc", Hỷ và Diễm nên tìm đến Bệnh viện Bình Tuy biết đâu có gì hay ho hơn là cứ chờ đợi ở đây. Bác sĩ Toàn "râu" khá sốt sắng khi biết Hằng và các đồng đội là lính của người bạn đồng khoá, anh L.T. Ý…, lập danh sách báo cáo về Cục Quân Y, anh Toàn hứa sẽ cho mọi người đi theo chuyến máy bay Chinook vào ngày mai cùng với 16 thương binh tản thương về Tổng Y viện Cộng Hoà.

Nhìn anh Toàn oai vệ trong màu áo hoa của Lực Lượng Đặc Biệt, Hằng nghĩ người này chắc không ít lần vào sanh ra tử, coi thường sống chết, giờ lại quá bao dung với đàn em, chàng thật cảm phục. Ra cổng định xuống phố tìm quán ăn, nhưng đi hoài, đã mỏi cả chân, đổ mồ hôi  ướt cả áo mà không thấy có tiệm ăn nào mở cửa. Có lẽ quán ăn ở Bình Tuy không nhiều và họ còn ngại lính tráng đi đầy đường nên không dám mở cửa.

Cả đám đành kéo nhau về chỗ tạm tạm trú trong Bệnh viện. Chắc phải tiếp tục nhai cơm sấy. Một chiếc xe jeep cũng muốn vào cổng Bệnh viện. Xe chở bốn người không kể người tài xế: hai cô gái, một cô ngồi trước ở ghế cabine một cô ngồi sau cùng với hai người mặt áo trận. Nhìn kỹ ra thì là những người đã gặp. Hai người mặt áo trận là hai Sinh Viên sĩ quan K.28 Võ bị đã rủ chàng và Thịnh đi phá chốt Rừng Lá ngày hôm qua ở ngả ba Bình tuy. Thịnh bàn với họ rằng: không nên đi, trước hết vì mình không đủ hoả lực, ít nhất cũng vài khầu M72 vài khẩu súng phóng lựu hay vài khẩu súng cối, chỉ mấy khẩu M16 thì làm nên cơm cháo gì, coi chừng còn làm mồi ngon cho bọn nó xơi tái nữa. Chốt Rừng Lá ngăn cản cuộc di tản và làm trở ngại giao thông mấy ngày nay mà chưa thấy ai phá biết đâu ban chỉ huy quân sự ở địa phương hay Quân đoàn đang có kế hoạch gì, mình không nên làm hỏng kế hoạch chung huống chi việc làm liều lĩnh và không phối hợp với ai hết cũng nguy hiểm lắm.

Một chàng Sinh viên sĩ quan nhìn Hằng và Thịnh , nói:

-Cảm ơn hai ông quan Đốc đã có lời khuyên ngăn hợp lý ngày hôm qua. Sáng nay tôi có gặp một niên trưởng của chúng tôi ở Ban Ba tiểu khu Bình Tuy nói rằng Bộ Tổng Tham mưu không muốn đoàn người di tản đi xa hơn Bình tuy nên không muốn phá cái chốt đó ở Rừng Lá. Tướng Nhựt đang làm Tư lệnh mặt trận Bình tuy muốn củng cố lực lượng và ổn định tình thế, nên chưa muốn nhổ cái chốt Rừng Lá. Cũng xin lỗi hai ông vì hôm qua  phải lỗi hẹn với các ông ở ngoài ngả ba, tôi trở lại tìm người bạn bi thương khi đi phá chốt Rừng Lá nhờ các ông cứu chữa, tìm suốt mấy tiếng đồng hồ không thấy sau cùng mới hay là mấy người bạn của chúng tôi đã  đưa người bạn bi thương vào Bệnh viện Bình Tuy để chữa rồi. Ông Thiếu tá bác sĩ rất nhiệt tình, ổng nói hồi xưa có học quân sự ở Võ bị Đà lạt nên coi chúng tôi như anh em…

-Đúng rồi, Thịnh nói, tụi mình cùng phe ta là anh em cả mà; nhưng tại sao mấy anh rủ tụi tôi đi nhổ chốt của V.C. mà không mời mấy ông sĩ quan tác chiến họ có nhiều kinh nghiệm chiến trường hơn?

- Họ hả ? mấy ổng có ân oán gì với lính sợ bị lính trả thù nên lột lon hết trơn rồi còn biết ai mà mời với thỉnh. Thấy các ông còn mang lon lá, còn súng ống đầy đủ, biết các ông còn lòng tự tr†ng nên mới mời các ông đi bứng cái chốt chơi. Trả thù cho thằng bạn bị thương hôm qua đó…

Bỗng cô gái ngồi ghế trước nhìn Hằng gọi lớn:

-Ủa, ông Hằng.

-Cô...ô... Huệ Viên! làm gì ra đây.

-Tôi theo đoàn công tác của Bộ Y tế ra đây lập trạm y tế để cứu trợ đồng bào di tản?

Còn ông, làm việc ở Bệnh viện phối hợp Quân Dân Y này à?

- Không, tôi từ Sư đoàn 22 ở Bình định di tản, đang tìm đơn vị.

Họ vội vã vào  phòng hành chánh lãnh vật liệu và đi ngay.

Không tìm được quán ăn, mọi người đành nhai cơm sấy, Dược sĩ Diểm an ủi: “cố gắng lên đi quý vị ơi, ngày mai về Saigon tôi sẽ đãi phở Hiền Vương và quý vị cũng sẽ có nhiều chuyện để kể cho vợ con nghe nữa “. Niềm hy vọng vươn lên và bữa ăn cũng đỡ nhạt nhẽo hơn. Nhưng niềm hy vọng về Saigòn ngày mai đã vụt tắt khi Bác sĩ Toàn báo tin rằng phương tiện tản thương đã bị đình hoãn vô thời hạn, anh cho biết Chánh phủ và Bộ Tổng Tham Mưu đang có kế hoạch tăng cường phương tiện và chuyên viên y tế để điều trị thương binh và đồng bào bệnh tật tại chỗ. Các trại tạm cư sẽ được xây cất tạm thời ở Đồi Dương.

Hằng, Thịnh và mọi người không dám làm phiền Bác sĩ Toàn nữa, kéo nhau tản bộ về Đồi Dương. Bãi Dương ban sáng hãy còn trống, giờ này đã đầy những người là người, lính có, dân có, đàn ông có, đàn bà có, người già có con nít có. Không tìm thấy chỗ trống nào để dựng lều, họ bàn tính xuống phố, tìm một trường học nào chui đại vào tìm chỗ qua đêm rồi ngày mai tính tiếp.

Đang lay hoay tìm đường ra phố thì một người chạy xe Honda, mặc quân phục trờ tới vỗ vai Hỷ. Nhận ra là người quen, bạn cũ thời Trung học từ lúc ở Nguyễn Trãi và Chu Văn An, đang làm việc tai  Bệnh viện Bình Tuy. Câu chuyện hàn huyên về hoàn cảnh mỗi người được nhanh chóng chuyển sang việc tìm đường về Sài gòn. Khánh, người bạn của Hỷ đã nghĩ đến gia đình một người quen ở Xóm Ghe, có tàu nhỏ, hằng tháng vẫn chạy vào Vũng -tàu chở hàng thuê cho các nhà buôn dưới phố.

Họ đã tìm được lối thoát. Dược sĩ Diễm gom hết tiền lẻ còn lại của mọi nguòi và bao phần còn thiếu sau khi gặp gỡ thương lượng với chủ thuyền.

Căn nhà gạch của chủ nhà thuyền khá rộng rãi vừa làm nhà kho chứa hàng chờ đưa xuống tàu vừa làm chỗ nghỉ ngơi cho khách tạm trú. Trút cái ba lô và máy túi lỉnh kỉnh, những thứ vật dụng để mưu sinh thoát hiểm, xuống nền nhà , định tìm một góc tối để dễ ngủ, thì nghe tiếng chân của mấy người từ phía nhà bếp phía sau đi lên, Hằng ngước mặt nhìn lên, thì ra người đi đầu lại là cô Huệ Viên, giờ này trong bộ đồ bà ba màu xám tro. Sau chút ngỡ ngàng vì sự gặp gỡ ngẫu nhiên, cô Viên đến bên Hằng hỏi nhỏ:

- Nhóm ông Hằng định thuê thuyền về Vũng tàu hả?

-Vâng, sao cô Viên biết?

-Sao không biết, đây là nhà trạm ai mà không biết.

-Cô Viên cũng tính về Vũng tàu sao?

-Không, tôi tạm nghỉ ngơi ở đây thôi vì trạm tiếp cư còn trống trơn không có đèn đuốc gì hết, đàn bà con gái tụi tôi làm sao dám ở. Đây là nhà của bạn tôi. Ông Hằng đã cơm nước gì chưa? Có thấy đói không?

-Cơm nước? Ờ...ờ. Có ít nhiều rồi. Giờ không đói không no; chỉ thấy mệt.

-Ông Hằng chờ chút nghen.

Huệ Viên trở gót xuống nhà dưới.

Căn nhà chứa khá nhiều người nhưng không quá ồn ào, chắc hẳn mọi người đã mệt mỏi sau nhiều ngày vất vả trên đường chạy loạn. Ngoài nhóm của Hằng ở góc này, phía góc xa bên kia nhóm người khác đang chụm đầu về một chiếc máy thu thanh nghe tin tức thời sự. Một lúc sau Huệ Viên đến chỗ Hằng nói nhỏ:

-Ông Hằng, cho nhờ cái này chút xíu.

-Chuyện gì?

-Xuống đây sẽ biết… Tôi muốn đãi ông ăn tối, nhưng bạn ông nhiều quá, chắc chỉ đãi được mình ông thôi. Theo tôi nhanh đi.

Hằng chần chừ.

-Nhanh lên

Họ khép nhẹ cánh cửa nhà bếp. Trên bàn ăn một tô mì đang bốc khói, mùi tôm gia vị và mùi tiêu ớt nghe thật hấp dẫn.

Huệ Viên chỉ chiếc ghế trống:

- Ngồi đó ăn đi, tôi biết ông đang đói.

-Mấy người bạn tôi cũng đói.

Nhưng họ nhiều người quá và tôi không quen biết họ, tôi không thể lo cho họ được.

- Như vầy là tôi đang ăn vụng.

Gì cũng được, ông cũng cần giữ gìn sức khoẻ. Chắc các ông còn phải chờ đợi vài ngày , tôi có nghe ông chủ thuyền nói chờ lấy thêm khách cho đủ sở hụi và cũng chờ vài ngày cho biển êm một chút; hai ngày nay biển động.

Hằng cầm đũa nhưng ngại ngùng chưa muốn ăn vội. Vâng, chàng có chút mặc cảm với những người đồng đội là đang ăn vụng.

Hằng lập lại một lần nữa:Tôi đang ăn vụng.

-Ừa, ăn vụng mới ngon, đôi khi cũng cần ăn vụng. Nếu ông có đọc Tam Quốc Chí, ông có nhớ Tào Tháo, trong đêm liên hoan trên sông Xích Bích, đổ rượu xuống dòng sông cho mọi nguòi múc uống. Cái mà Tào A Man đổ xuống sông chỉ là nước lã để lừa phỉnh và lấy lòng binh sĩ thôi. Rượu ngon Tào nhà ta đã dấu hết trong khoang thuyền rồi. Tào Mạnh Đức rất tỉnh táo đổ nước lã xuống sông rồi kêu là đổ rượu cho mọi người cùng uống trước khi ngà ngà say để ngâm nga:
                            
Nguyệt minh tinh hi
Ô thước Nam phi
------
--- Vô chi khả y
Vô kế khả thi.

Dạt dào thi hứng nhung lại là điềm báo trước một cuộc bại binh, khiến Lưu Phúc phải rụng dầu vì lời khuyên trái ý.

- Ai nói với cô Viên rằng thứ mà Tào Tháo đổ xuống sông Xích Bích trong đêm liên hoan chỉ là nước lã mà không la`rượu Mao Đài?

- Tôi nói; không cần nghe ai nói hết. Kẻ gian hùng có bao giờ phung phí chai rượu quý một cách lãng nhách.

Bỗng dưng Huệ Viên chìa hai bàn tay ra trước mặt Hằng và đổi cách xưng hô:

-Anh Hằng xem chỉ tay em; xem những ngày sắp tới này em có bị nguy hiểm gì không?

-Trời ơi! Làm sao xem chỉ tay mà biết được mọi sự huyền nhiệm như vậy được cô? Mà ai nói với cô là tôi biết xem chỉ tay?

-Nhiều người trong lớp anh nói.

Hồi trước gặp anh ở nhà thương Nhi Đồng em đã định nhờ anh xem chỉ tay nhưng chưa có cơ hội thì anh đã đổi đi thực tập ở nhà thương khác rồi.

- Tôi chỉ loè thiên hạ một chút thôi cô ơi, không trúng trật gì đâu, đừng tin. Hồi tôi học năm thứ tư, đi thực tập ở Từ Dũ tôi có đọc vài quyển sách viết về xem chỉ tay, tôi biết lõm bõm để tán hưu tán vượn với mấy cô học viên Trường Nữ Hộ Sình mà chúng tôi vẫn gọi là "sage-fille " để họ nhường cho vài cas sinh dễ cho đủ 20 cas trả nợ Giáo Sư Hồng trước khi lên năm thứ năm.

Tuy nói vậy Hằng vẫn lấy que tăm trên bàn ăn, vạch nhẹ theo những đường chỉ trên hai bàn tay và nói:

-Tay cô đẹp lắm và mọi đường chỉ rất rõ ràng liên tục. Cô chắc không vất vả lắm đâu. Khổ nhọc những ngày này chỉ là vận hạn ngắn sẽ qua mau…

-Nhưng em lo quá, chắc em cũng tìm cách về lại Sài gòn như mấy anh.

-Đừng tính toán dại dột. Bộ Y tế đưa phái đoàn các cô ra đây có mấy ngày rồi sẽ có người thay, cô bỏ về ngang bị báo cáo đào nhiệm phiền phức lắm đó. Tôi là tàn binh của binh đoàn đang di tản tôi phải đi tìm đơn vị, tôi không có trách nhiệm gì ở đây nên tôi phải đi còn cô thì khác.

Hằng trở lại chỗ cũ; vài người quá mệt mỏi đã vào giấc ngủ, một ít người còn đang chăm chú nghe bản tin buổi tối của Đài BBC, chàng còn nhớ lời bình luận của xướng ngôn viên "... sau cuộc triệt thoái thảm hại từ Cao nguyên, quân lực Miền Nam chiến đấu mỗi ngày một tồi tệ...".

Lòng thêm ngổn ngang, lại thêm một chút trách nhiệm về lời khuyên Huệ Viên mấy phút trước đây. Người khuyên không phải trả giá nhưng người được khuyên có khi phải vật vả nhiều.


Mới đó mà đã gần bốn mươi năm. Sau cuộc đổi đời, mọi việc không ngừng thay đổi. Cái mốc thời gian mười ngày cải tạo đã quá mấy năm rồi. Những lời nguỵ biện được đưa ra không còn lừa phỉnh được ai. Nhưng rồi bên ngoài các trại giam cũng chỉ là một nhà tù lớn. Các tù nhân phải làm tờ cam kết đi xây dựng vùng kinh tế mới trước khi được cấp giấy tạm tha. Không chịu đựng nổi ở những nơi đày ải, phần đông dân đi Kinh Tế mới đã trở về thành phố và đã trở thành những người sống bất hợp pháp, chen chúc nhau ở các lề đường, các hành lang của các chung cư hay may mắn hơn khi họ chiếm được gầm cầu thang của một cư xá như gia đình cô Huệ Viên mà Hằng tình cờ gặp lại trong cùng cảnh ngộ khi chàng phải tá túc ở nhà vợ sau mấy lần vượt biên không thành.

Hoàn cảnh sinh hoạt thật sa sút, ông Bình, chồng cô Viên là Sĩ quan của Quân đội Saigòn cũ, không kiếm đuợc việc làm, thỉnh thoảng mua được một bình xăng lậu của các bộ đội miền Bắc, bán lẻ lại cho mấy người chạy xe thồ; Huệ Viên thì tìm được công việc giặt thuê trong xưởng dệt nhỏ bên cạnh chung cư. Cơm cháo cũng tạm sống qua ngày nhưng tương lai của mấy đứa con thật là tăm tối; không đứa nào được đi học vì không làm được giấy khai sanh và không có “hộ khẩu” ở thành phố. Đứa lớn nhất đi bán vé số, hai đứa nhỏ hơn thì đi nhặt ve chai, bao ni-lông hay những lon cô ca, nhưng cũng không phải dễ dàng vì nhiều khi phải tranh nhau với những đứa trẻ khác ở bãi rác. Trong tình cảnh khốn khổ, gặp lại người quen, Hằng cũng không giúp đỡ được gì vì chàng cũng không khá gì hơn. Thỉnh thoảng thì chàng có cho họ vài viên thuốc cảm hay giúp họ băng, rửa các vết trầy xước khi chúng bị xô ngã ngoài bãi rác…


Đứa bé đã ngủ say, người mẹ nhích lại gần phía Hằng kể lể: “Dượng Út biết hông? Mẹ con bị bệnh mấy ngày rồi chết; người ta nói mẹ bị thương hàn và suy dinh dưỡng. Ông chủ xưởng nhuộm cho ba con mượn tiền để đưa mẹ con đi hoả thiêu. Không trả nợ được ba con cho con đi làm thế chỗ của mẹ con trong xưởng nhuộm. Có một bữa con đang phơi vải và lông vịt ở ngoài sân thi` ông Tư Quắn, ông bạn của ông chủ chạy đến tìm ông chủ nói:

- Ba Khả ơi, con Liễu bị xe đụng chết rồi, mau mau tìm con nào sạch sẽ một chút thế nó chứ. Ba bữa nữa thằng Đại Hàn qua rồi làm sao nói với nó.

Ông Ba Khả nói để từ từ nhưng ông Tư Quắn nói phải tìm nhanh; ổng thấy con, ổng dở mũ con ra, ngửa mặt con ra nhìn tới nhìn lui rồi nói: hay là thay bằng con này được đó, ổng hỏi con: mày muốn lấy chồng Hàn không mày. Con đâu biết gì đâu. Ngay buổi chiều hôm đó con theo ông chủ và ông Tư đi tới Công An đi chụp hình lăn tay làm nhiều thứ giấy tờ lắm và nói con phải lấy tên Liễu và hỏi nhà cửa thì nói từ Đồng tháp lên. Họ kêu con mặc áo cưới thì con mặc, dẫn một ông người Đại Hàn tới nói là chồng của con. Họ chụp hình, quay phim, ăn bánh, uống rượu. Một tháng sau thì họ đưa con qua bên này gặp lại chồng con “.

Qua bên này họ đưa cháu về đâu?

-Con không biết rõ. Nghe họ kêu là An-song, Um-song  gì đó. Xe chạy một ngày mới tới.

-Qua bên này cháu làm gì?

-Làm rẫy, trồng rau với trồng củ sâm.

-Nhà chồng cháu giàu không?

-Nhà gạch cũng giống như những nhà chung quanh; có ruộng , có rẫy. Mà có thằng em chồng quậy lắm, nó đi lính, mấy ông lính nói nó khùng khộng chịu nhận nó, đuổi nó về. Mẹ chồng kêu nó đi làm rẫy nó không đi, chồng con kêu nó lên thành phố học nghề nó cũng không đi. Nó ăn cắp tiền bị chồng con đánh mấy lần cũng không chừa. Hồi chồng con bệnh mẹ chồng kêu nó đi nuôi bệnh nó không đi, nó bắt con vừa làm rẫy, vừa lo con mọn mà phải đi nuôi chồng nữa.

Chồng con chết nó đòi gả con cho người khác để kiếm tiến mà khỏi chia gia tài, may nhờ ông Mục sư Quang giúp con nên nó không dám làm tới.

-Mục sư Quang nào ở đâu.

-Ở trong nhà thương, con gặp khi đi nuôi chồng bị bệnh. Mục sư Quang mua vé máy bay và làm giấy tờ cho con về thăm ba. Anh Hai gửi thư nói ba bị bệnh nặng nên con phải về.

- Tiền đâu cháu mua vé máy bay?

- Tiền chồng con cho con giữ vì sợ thằng em ăn cắp.

Hằng nhìn thiếu phụ, sự cực nhọc có hằn lên trên thân hình gầy guộc; những ngón tay khẳng khuyu, vài vết chai trên bàn tay và quầng mắt hơi thâm vẫn không làm phai đi khuôn mặt diễm kiều. Chàng cảm thấy bồi hồi tự hỏi sao một người hiền lành như vậy lại chịu lắm nỗi truân chuyên. Tuổi trẻ không được hồn nhiên vô tư cắp sách đến trường, lấy chồng xa xứ mà người chồng chưa hề quen biết, ngôn ngữ xa lạ ; chừng đó tuổi đã trở thành goá phụ, một mình nuôi con thơ, giờ lại phải lo cho cha già đau yếu…

Phi cơ đã vào không phận Sài gòn, đảo mấy vòng, hạ cao độ. Nhìn từ của sổ phi cơ, Sài gòn vẫn quá nhộn nhịp mặc dù đã gần nửa đêm. Ánh đèn xe cộ đủ loại di chuyển bên dưới trông như những đàn kiến chằng chịt trong những giao lộ.

Một tiếng động khô khan, hành khách bị giật nhẹ, chúi về phía trước. Phi cơ chạy chầm chậm vào bến, mặc dù đèn báo hiệu nguy hiểm vẫn còn, nhiều người đã mở khoá an toàn, đứng dậy lấy các xắc hành lý để sẵn dưới chân chờ đợi.

Hằng vẫn bình thản ngồi nghỉ vì nghĩ rằng có vội vã cũng không ra sớm hơn được phút nào. Mọi người phải đi ra theo thứ tự, chàng nghĩ đến vài thủ tục khai báo ở cửa quan thuế, không việc gì phải nôn nóng.

Những người trẻ đã chuyển hành lý về những cửa quan thuế và trình chiếu khán nhập cảnh ,sổ thông hành… Cuối cùng thì chàng cũng tìm được mấy chiếc va-li, xếp lên chiếc xe đẩy. Nhìn sang phía đối diện, Bé Ba đang lay hoay, một tay bế con, một tay cố vươn ra kéo mấy bao hành lý. Hỏng mất, chàng nhủ thầm, làm sao một người đàn bà yếu ớt kia có thể vừa bế con vùa nhặt hành lý được. Chàng tiến đến phía cô ta và giúp cô lôi ra những bao hành lý đang chạy lòng vòng trong quầy giây chuyền hành lý. Họ chậm chậm tiến về cửa quan thuế. Thiếu phụ chìa tờ khai quan thuế mà người tiếp viên hàng không đã phát từ trên phi cơ hỏi:

- Tờ này viết sao Dượng Út viết dùm con.

- Tờ khai quan thuế, sao cháu không viết sẵn từ trên máy bay?

- Con đâu có biết viết mà viết. Hồi nhỏ con đâu có được đi học. Mẹ con dạy con mấy chữ con quên hết rồi.

Một ý tưởng ngộ nghĩnh chợt thoáng qua trong đầu Hằng: làm vợ ngoại nhân thật đơn giản, không cần biết ngoại ngữ, và và ngay cả không cần biết viết và đọc tiếng mẹ đẻ… Sự câm nín lại là một việc hay vì khỏi phải cãi vả; còn sự yêu thương thì đâu cần lời nói; nó có ngôn ngữ riêng với những cách diễn tả đặc biệt hơn. Chàng mỉm cười nhưng rồi cảm thấy mỉa mai và cay đắng quá!

Hành lý của Hằng qua cửa dễ dàng, chỉ có mấy chai rượu để làm quà cho bạn bè và gia đình. Nhân viên quan thuế đòi tiền thuế. Hằng phân bua rằng vài chai rượu vang rẻ tiền chỉ để làm quà, không phải để buôn bán. Họ thấy không giữ được nên cho qua, nhưng các bao hành lý của Bé Ba thì phiền thật. Nhân viên quan thuế đòi đánh thuế trên mấy bao nhân sâm, cô nói không có tiền. Họ đòi phạt và phải kiểm dịch vì đây là những thứ thực vật còn tươi. Cô chìa tất cả các thứ giấy tờ ra., Hằng nói với người phụ trách rằng xin thông cảm vì đã có kiểm dịch bên phía Hàn Quốc rồi.

Họ nhì nhằng đòi tiền thuế vì nhân sâm thuộc loại Đông dược đắt giá. Bé Ba nài nỉ rằng không có tiền, gia đình bên nhà chồng chỉ cho mấy bao nhân sâm là nông phẩm của chính gia đình để cô làm lộ phí..

Hằng vẫn nghe kinh nghiệm của những người về thăm nhà trước đây rằng chỉ cần xoè vài đồng Mỹ kim khi làm thủ tục ở phi trường thì mọi việc sẽ nhanh chóng, không ai làm khó dễ gì hết. Biết vậy nhưng chưa quen những việc làm loại này. Lúc này chàng thử một lần để giúp đỡ cô con gái của người quen cũ xem sao. Đẩy xe ra phía trống để khỏi vướng lối đi, Hằng đến gần anh kiểm soát viên từ tốn nói:

-Tôi biết cô này không có tiền để đóng thuế, cô ta chỉ là người ở cạnh nhà tôi hồi trước, tôi mới gặp lại trên chuyến bay từ Hán thành về đây, thôi anh lấy tạm số tiền này xem như phần thuế của cô ấy đi nghen.

Vừa nói chàng vừa rút ví từ túi sau, xếp mấy tấm tiền lẻ sau khi cẩn thận để tờ có số 5 Mỹ kim lên trên mặt.

Nhân viên quan thuế trạc chừng ngoài hai mươi tuổi, nét mặt vẫn lạnh lùng, lấy tay lùa nhanh mấy tờ giấy bac vào hộc bàn, tay kia xoè ra về phía Hằng và cô gái nói như xua đuổi: thôi đi đi.

Trời đêm tháng Năm miền nhiệt đới, không khí oi bức từ đường nhựa bên ngoài thêm vào hơi thở của đám thân nhân chờ người nhà, tạo một cảm giác ngột ngạt. Nhìn đứa bé đang oà khóc, rồi nhìn người me, nét mặt chẳng vui tươi gì dù rằng đây là chuyến về thăm quê hương sau nhiều năm xa cách, Hằng thật ái ngại. Đứa bé về thăm quê ngoại lần đầu  nhưng sự đón tiếp của những người đầu tiên nó gặp gỡ chẳng lấy gì niềm nỡ, và hoàn cảnh của cô gái: chồng mới mất, người cha, đau yếu, một tương lai mờ mịt. Bất giác chàng liên tưởng đến tiền đồ của của cả dân tộc; dân tộc này còn quằn quại trong tăm tối đến bao lâu!
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading