Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Năm 2015 là một mốc thời gian quan trọng. Nay là năm kết thúc việc thực thi các mục tiêu đầu thế kỷ XXI của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Đây cũng là 40 năm sau ngày cộng sản chiếm được miền Nam.
Trong bản tuyên ngôn đầu thiên niên kỷ thứ III ngày 8 tháng 9 năm 2000 do 189 nước chấp thuận, Liên Hiệp Quốc đã đề ra 8 mục tiêu sẽ kết thúc vào năm 2015. Tám mục tiêu đó là xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; đảm bảo bền vững về môi truờng; thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển. Bản Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ kết luận: chúng tôi cam kết ủng hộ vô điều kiện và quyết tâm trong việc thực hiện thành công những mục tiêu chung đó.
Khuôn khổ tờ báo chỉ cho phép trình bày về mục tiêu thứ nhất, tức là xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói và thử tìm xem Việt Nam đã làm được gì trong việc thực hiện mục tiêu này của thế giới.
Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc, mục tiêu thứ nhất là triệt để loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn.
Nhận định tổng quan thì số người nghèo trên thế giới đã giảm khá nhiều từ năm 1990 đến 2010. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đã làm nhiều người mất việc làm. Một người trên tám vẫn còn đói, môt trẻ em trên sáu dưới 5 tuổi còn thiếu dinh dưỡng.
Trong mục tiêu chống đói và nghèo, có ba vấn đề mà LHQ chú trọng thực hiện: (1) giảm một nửa số người kiếm được dưới một đôla một ngày, (2) bảo đảm cho mọi người, kể cả phụ nữ và thanh niên, một công việc xứng đáng, (3) giảm một nửa số người đói ăn trong khoảng thời gian từ 1990 tới 2015.
Công tác thứ nhất giảm số người nghèo đã có kết quả khả quan, tuy nhiên cho đền năm 2010 vẫn còn 1,2 tỷ người sống trong tình cảnh nghèo nàn, lợi tức dưới 1,25 đôla một ngày. Ngân hàng thế giới cho rằng ở những nước đang mở mang, số người có lợi tức dưới 1,25 đôla từ 47% năm 1990 xuống 22% năm 2010. Tính đến năm 2010 đã bớt được 700 triệu người sống trong cảnh bần cùng so với năm 1990. Ngân hàng thế giới dự đoán đến năm 2015 vẫn còn 970 triệu người kiếm được dưới 1,25 đôla. Tuy nhiên sự thành tựu của việc chống nghèo tùy thuộc vào các chính sách của các chính phủ quốc gia.
Về công tác thứ hai, tạo công việc làm ăn cho mọi người. Năm 2012 tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tỷ lệ việc làm của lực lượng lao động giảm từ 61,3% năm 2007 xuống 60,3% trong năm 2012, Theo tổ chức Lao động quốc tế (Organisation Internationale du Travail = OIT) 67 triệu người mất việc, nhất là vùng Đông Á và Đông Nam Á, giảm đến 2,1% việc làm do khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới.
Về công tác thứ ba, giảm một nửa số người đói ăn trong 25 năm (1990- 2015). Thống kê của LHQ 2010-2012 còn khoảng 870 triệu người không có luơng thực đủ cung cấp cho nhu cầu năng lượng tối thiểu, tức là một phần tám nhân loại, 14,9 %. Sự thiếu thức ăn ảnh hưởng đến sản xuất và dĩ nhiên sẽ kém lợi tức, hậu quả là vẫn còn ở trong tình trạng nghèo.
Tổ chức Lương Nông Thế Giới (FAO) đưa ra nhiều sáng kiến để hoàn thiện sản xuất lương thực cũng như cách thức tiêu thụ, sử dụng, tồn trữ, buôn bán thực phẩm để thức ăn được phân phối đến miệng người nghèo.
Năm 2011, trong số trẻ em dưới 5 tuổi, có 101 triệu trẻ em thiếu thức ăn và trọng lượng dưới mức trung binh, tỷ lệ 16% trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới, trong khi năm 1990 có 159 triệu trẻ em cùng tình trạng. Nhìn vào tỷ số ở thời điểm 2011này, 101/159, ước muốn giảm một nửa số người đói ăn vào năm 2015 còn phải cố gắng mới đạt mục tiêu đã đề ra.
Sau năm 2015 mục tiêu của Liên Hiệp Quốc sẽ chú trong vào ba điểm theo ông Tổng Thư Ký TK Ban Ki-Moon: an ninh chung, phát triển và quyền con người. Ba mục tiêu này sẽ thảo luận tại Đại hội Đồng LHQ tháng 9 năm nay.
Tình trạng nghèo và đói ở Việt Nam
Ám ảnh nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại miền Bắc (Nam định, Thái Bình, Hải Dương) chết gần 2 triệu người chưa hết đè nặng trên ký ức người dân, thì đến năm 1975, sau khi đã hết chiến tranh, Việt Nam lại trải qua hơn 10 năm bần cùng, kiệt quệ gần như phá sản. Chính sách đổi mới 1986 chỉ tạm cởi trói được ít năm rồi trói lại, phần nào dân chúng thoát cảnh nghèo đói, nhưng vẩn sống cơ cực.
Sang đầu thế kỷ 21, tham gia vào chương trình chống đói nghèo của Liên Hiệp Quốc, và nhờ có sự viện trợ của Chương trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI), ngân khoản hỗ trợ phát triển (ODA) cùng với số tiền kiều hối do người Việt ở ngoại quốc gửi về, tình trạng có cải thiện hơn.
Một tiểu luận viết năm 2010 ở Saigon (1) về tình trạng nghèo đói và chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam cho biết theo số liệu của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam, vào năm 2004 chỉ số phát triển con người của Việt Nam xếp hạng 112 trên 177 nước và chỉ số nghèo tổng hợp xếp hạng 41 trên 95 nước. Vào năm 2002 tỷ lê nghèo theo chuẩn quốc gia của Việt Nam là 12,9 %, theo chuẩn thế giới là 29% và tỷ lệ nghèo lương thực là 10,87%.
Theo báo cáo năm 2012 đánh giá nghèo của Ngân Hàng Thế Giới, hơn 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong hai thập niên vừa qua, nghèo đói ở Việt Nam đã giảm từ 60% năm 1990 xuống 20,7% trong năm 2010.
Cũng theo tiểu luận kể trên, tính theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ 60% năm 1990, xuống 58% năm 1993, 37% năm 1998, 32% năm 2000, 29% năm 2002, 18,1% năm 2004
* Chuẩn nghèo của Việt Nam lúc nào cũng thấp so với chuẩn nghèo quốc tế, do đó các tỷ lệ không đồng nhất trong các bản nghiên cứu. Những người cai trị Việt Nam đã nhiều lần đưa ra các tiêu chuẩn nghèo tùy theo thời điểm:
- từ 1997- 2000 hộ đói là hộ có thu nhập dưới 13 ký gạo/người/tháng.
- từ 2001 đến 2005,ngưỡng nghèo cho miền núi 80.000 đồng/người/tháng, cho nông thôn là 100.000 đồng/người/tháng cho thành thị 150.000 đồng/người/ tháng.
- giai đoạn 2006-2010, nghèo ở khu vực nông thôn là người có thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng, ở khu vực thành thị 260.000 đồng/người/tháng (quyết định chính phủ 170/2005/QĐ-TT -8-07=2005), theo đó chuẩn nghèo là lợi tức dưới 15 Mỹ kim một tháng.
Năm 2009 cả nước có khoảng 2 triệu hộ nghèo, đạt tỷ lệ 11% dân số, nhưng có một số đại biểu quốc hội cho rằng tỷ lệ hộ nghèo không phản ảnh thực tế, thậm chí còn tăng do tác động của lạm phát và do suy giảm kinh tế.
- 2011-2015 chuẩn độ nghèo (quyết định 09/2011/Q Đ-TT) là 400.000đồng/ người/tháng ở nông thôn và 500.000 ở thành thị, Theo công bố chính thức năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo là 7,8%, tỷ lệ cận nghèo (nghèo tương đối) là 6,32%..
- thời kỳ 2011-2020 nghị quyết 80/NQ-CP định hướng chính sách giảm nghèo sẽ chú trọng vào 3 yếu tố, thu nhập, y-tế và giáo-dục, nước và nhà ở.
Để có một ý niệm về mức sống người dân, xin liệt kê ra đây lợi tức đầu người theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (2) về thu nhập trung bình năm 2012 của một nhân khẩu trong một tháng, như sau:
Tiền lương, tiền công 413,500 VNĐ
Nông nghiệp 267,.800 VNĐ
Lâm nghiệp 13,700 VNĐ
Thủy sản 27,200 VNĐ
Công nghiệp 30,500 VNĐ
Xây dựng 1,000 VNĐ
Thương nghiệp 70,400 VNĐ
Dịch vụ 43,800 VND
Khác 116,100 VNĐ
* Ngân khoản sử dụng vào chương trình xoá đói giảm nghèo, theo chương trình UNPD trong dự án hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo thời kỳ 2012-2020, thì qũy của chương trình gồm có:
Tổng nguồn vốn là 10.385.200 USD
Nguồn thường xuyên UNDP 3.000.000 USD
Nguồn khác (Ai Len) 4.000.000 Euros
Qũy kế hoạch chung 1.585.200 USD
Đóng góp của chính phủ 500.000 USD
Ngoài ra trong vòng 10 năm hoạt động, ngân hàng còn có một chính sách xã hội tập trung vào nguồn vốn tín dụng cho vay 120.483 tỷ đồng, trong chiểu hướng huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo.
* Vai trò của kiều hối.
Năm 2000 lượng kiều hối gửi về VN là 1,75 tỷ đến năm 2005 con số này tăng lên 3,8 tỷ USD, năm 2008 tăng lên 7,2 tỷ USD, năm 2010 8 tỷ USD, năm 2012 9 tỷ, 11 tỷ năm 2013, đứng hạng 10 trong số 12 nước có kiều hối cao hơn 10 tỷ Mỹ kim.
So với nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thì kiều hối luôn có giá trị lớn hơn, ổn định hơn và VN không phải bồi hoàn.
Nguồn vốn kiều hối đầu tư vào bất động sản, kinh doanh kiếm lời và trợ giúp thân nhân, phần nào vào thẳng tay người dân, nâng cao mức thu nhập cá nhân.
Phần lớn số lượng kiều hối được phát xuất từ Hoa kỳ (50%), Canada và Pháp chuyển cho những người sinh sống ở thành thị và đặc biệt ở Sàigòn Số lượng kiều hối do công nhân xuất khẩu lao động phần đông gửi về thôn quê, trực tiếp góp vào việc giảm nghèo.
Khách quan, chính sách xóa đói giảm nghèo rất bấp bênh và không bền vững và còn nhiều thách thức, giải thích hiện trạng này có nhiều nguyên nhân, chủ quan, khách quan và rất đa dạng:
- Chính sách nhà nước thất bại, việc tập thể hoá nông nghiệp, cải tạo thương nghiệp đã làm suy kiệt nguồn lực đất nước, lạm phát tăng cao, có lúc lên đến 700%.
- Chính sách sở hữu tập thể đã làm thui chột nền kinh tế.
- Huy động người cho các lãnh vực kinh tế quốc gia và phân phối lao động không sát thực tế.
- Thất nghiệp không giảm.
- Chênh lệch giầu nghèo quá nhiều đối với một nước mới thoát chiến tranh, hệ số Gini (3) càng ngày càng cao thêm.
- Tham nhũng, một tệ nạn xã hội tiếp tục lộng hành (4), chỉ số minh bạch rất thấp so với nhiều nước trên thế giới.
- Sai lệch thống kê, điều chính chuẩn nghèo không thực tế.
- Chính sách nông nghiệp không thích ứng, nhất là đất nông nghiệp là sở hữu nhà nước, nông dân chỉ được sử dụng từng thới kỳ theo giao kèo.
- Rủi ro của thiên tai.
- Vốn kinh tế không đáp ứng nhu cầu.
- Tỷ lệ tái nghèo, khoảng 7% tới 10% hàng năm có 50.000 hộ tái nghèo, nhất là do bão lụt.
Kết luận-
Thực trạng Việt Nam vẫn là một nước nghèo. Đối chiếu với các nước khác, ngưỡng nghèo của Việt Nam vẫn còn thấp xa so với ngưỡng nghèo của thế giới.
Mức nghèo còn là tình trạng đe dọa hạ phẩm giá con người, làm mất lòng tin, tự trọng của người dân.
Ở một nước nông nghiệp khi chuyển sang kinh tế thị trường, dù là kinh tế thị trường nửa vời, nếu chỉ lo tăng trưởng số lượng khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, thì những vấn đề xã hội sẽ phát sinh và tăng cao, đói nghèo trở nên nghiêm trọng, khoảng cách giầu nghèo càng ngày càng thêm xa cách.
Phải làm sao đẩy lùi được tình trạng nghèo đói xuống, xóa bỏ khoảng cách giầu nghèo, lập bình đẳng hơn cho xã hội. Công tác này không phải là làm từ thiện, tiếng nói của người nghèo, của dân oan, phản ảnh của xã hội phải được lắng nghe.
Sự thao túng của nhà nước trong chính sách kinh tế, xã hội, chính trị không cho người dân lựa chọn cách suy nghĩ và hành động độc lập thì không có tự do kinh doanh kinh tế và không có bình đẳng xã hội.
Phạm Hữu Trác
15-3-2015
_________________________________________________
(1) Tình trạng nghèo đói và chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay - Nguyễn Lê Phương Hảo, Ma Đăng Thanh Phượng, Nguyễn Thị Kim Thảo, Nguyễn Hoàng Trà Vy -2010.
(2) Tài liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (tuy cơ quan này có sự hỗ trợ của UNDP) cần phải được truy cứu cẩn trọng và so sánh với những tài liệu khác. Độ khả tín của cơ quan này đáng suy nghĩ, ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên họp ngày 11-3-2015 của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, đã cho là con số thống kê rất lơ mơ, không chính xác, không biết thế nào mà lần!(BBC Việt ngữ 13-3-2015.)
(3) Hệ số Gini thường được dùng để đo mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp xã hội, sự chênh lệch về giầu nghèo hay để đo lường sự sai biệt trong lãnh vực quản lý rủi ro tín dụng. Số 0 là có sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối, số 1 tượng trưng cho sự bất bình đẳng tuyệt đối.
Chỉ số Gini của Việt Nam được công bố năm 2010 là 0,43. Thống Kê Việt Nam cho biết Gini trên 0,4 được xem là báo động đối với khoảng cách thu nhập của một quốc gia. Theo báo cáo của tổng cục thống kê khoảng cách thu nhập giữa giầu nghèo ở Việt Nam đã tăng từ 8,9 lần trong năm 2008 lên 9,2 lần trong năm 2011.
(4) Chỉ số minh bạch
Tham nhũng tại Việt Nam nhiều nhất trong các lãnh vực: địa chính, nhà đất, hải quan, xuất nhập khẩu, cảnh sát giao thông.
Theo tổ chức minh bạch quốc tế, chỉ số tham nhũng của Việt Nam từ năm 2001 đến 2014, ở trong khoảng từ 24 đến 31 trên tổng số 100 (càng thấp càng tham nhũng nhiều). Năm 2014 Việt Nam đứng hạng 188 trong số 197 quốc gia, thuộc nhóm 10 nước tham nhũng nhất.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015